Luật sư Vũ Đức Khanh, Canada
Sau khi Hạ viện Hoa Kỳ hôm thứ Sáu
12/6 bỏ phiếu về hai dự luật “Quyền đàm phán nhanh” (TPA) và “Hỗ trợ
Điều chỉnh Thương mại” (TAA) thì lập tức một loạt các cơ quan truyền
thông đã vội đưa tin rằng TPA, dự luật cho phép Tổng thống Obama xúc
tiến đàm phán nhanh các thỏa thuận thương mại quan trọng, trong đó có
Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), đã không được Hạ viện Hoa
Kỳ thông qua.
Thực ra thì TPA (Trade Promotion Authority) đã được thông qua với số phiếu 219 thuận và 211 chống. Tuy nhiên vì TPA đi kèm với một dự luật khác mang tên “Dự luật Hỗ trợ Điều chỉnh Thương mại” (TAA), đã bị bác trước đó với 302 phiếu chống, 126 phiếu thuận cho nên TPA không được chuyển đến Tổng thống Obama để ký ban hành.
Thủ tục, trình tự lập pháp của Quốc hội Hoa Kỳ tương đối khá phức tạp và trong khuôn khổ của bài này tôi không có ý định bàn sâu nên tôi chỉ tóm lược như sau: TPA và TAA đã được Thượng viện Hoa Kỳ thông qua cả hai như một dự luật chung hôm 22/5.
Cho nên Hạ viện buộc phải thông qua cả hai TPA và TAA để tránh sự bất cập với bản dự luật thông qua của Thượng viện. Nếu có bất cập thì dự luật buộc phải trả về Thượng viện để bỏ phiếu lại.
Theo tin từ Hạ viện thì TAA (Trade Adjustment Assistance) sẽ được mang ra bỏ phiếu lại vào thứ Ba 16/6 và hy vọng lần này sẽ được thông qua. Chắc chắn là Tổng thống Obama sẽ phải có một số nhượng bộ gì đó với cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa.
Và tôi tin rằng như thế vì trước đây TPA cũng đã gặp trường hợp tương tự ở Thượng viện.
Bảo vệ công nhân Mỹ
TPA như đã trình bày, dự luật này cho phép chính phủ Mỹ được quyền đàm phán trọn gói các hiệp định thương mại quốc tế thí dụ như TPP trước khi đệ trình Quốc hội thông qua, thay vì phải chịu sự giám sát của Quốc hội trong tiến trình đàm phán.Trong khi đó thì TAA là một dự luật riêng cho chương trình hỗ trợ cho các lao động Mỹ bị mất việc làm vì các hiệp định thương mại quốc tế. Dự luật này đã có từ hơn 40 năm nay nhưng sẽ hết hạn vào cuối năm nay nên đảng Dân chủ đã yêu cầu gia hạn đến năm 2022 và lại được đính kèm với TPA nên mới có sự cố éo le này.
Theo lịch trình Quốc hội thì Hạ viện Hoa Kỳ sẽ nhóm họp đến hết ngày 26/6, sau đó nghỉ lễ Quốc khánh 4/7 và sẽ nhóm họp lại đến cuối tháng 7 rồi nghỉ hè đến giữa tháng 9.
Nếu Hạ viện không thông qua được TAA vào tháng 6 này thì coi như cơ hội kết thúc đàm phán TPP cũng kết thúc!
Chậm trễ tới 2018
Từ đây đến cuối năm sẽ không còn đủ thời gian để đàm phán một Hiệp định thương mại tầm quốc tế mà sau đó còn phải tùy thuộc vào lá phiếu của các ông bà Nghị sỹ Mỹ nhất là năm 2016 lại là năm bầu cử.Điều đó có nghĩa rằng sẽ không có gì khởi động lại đàm phán trước năm 2018 vì sau kỳ bầu cử tháng 11/2016, còn phải chờ tân Tổng thống nhậm chức và nội các mới chấp chính, rồi Thượng viện chuẩn thuận tân Bộ trưởng Thương mại chịu trách nhiệm đàm phán TPP. Đó là chưa nói vị tân Tổng thống Mỹ có còn mặn mà với một chính sách mà được coi như là di sản của vị tiền nhiệm, Tổng thống Obama.
Cuối tuần qua đã có những cuộc thương thuyết liên tục giữa Tòa Bạch Ốc và một số Nghị sỹ có ảnh hưởng của cả hai đảng nhưng vì cách tổ chức Quốc hội Mỹ khá đặc biệt nên hy vọng cũng khá mong manh. Các Nghị sỹ Mỹ trên nguyên tắc không bị bắt buộc bỏ phiếu cho đảng của mình mà có quyền tự do bỏ phiếu theo quyền lợi của địa phương dân cử mình. Nên việc những lãnh đạo đảng kêu gọi bỏ phiếu ủng hộ một dự luật nào đó cũng mang tính tương đối.
Dự luật TAA thật ra tới giờ chỉ ảnh hưởng tới một thiểu số rất nhỏ người dân Mỹ và như Tổng thống Obama đã từng tuyên bố rằng TPP mang lại rất nhiều lợi ích kinh tế và việc làm cho người dân Mỹ, nhất là dự luật này với mục đích là hỗ trợ tài chính cho những người Mỹ mất việc có cơ hội tìm lại được việc làm mới thì việc chống lại nó là một điều phi lý.
Nếu để đảng Cộng hòa dùng lá bài này thì đảng Dân chủ gần như sẽ bị thua đậm trong kỳ bỏ phiếu 2016 sắp tới.
Đúng là sẽ có một số người Mỹ không thích việc trao quyền quá nhiều cho Tổng thống nhưng khi đảng Dân chủ không chặn được TPA mà còn chặn TAA tức là đạp đổ chén cơm của người dân Mỹ thì quả là lợi bất cập hại cho các Nghị sỹ Dân chủ, cho dù bà Nancy Pelosi, một lãnh đạo thiểu số Dân chủ tại Hạ viện, có giải thích rằng việc bà ấy bỏ phiếu chống TAA là muốn làm chậm lại cái “Quyền đàm phán nhanh” của Tổng thống.
Lập luận này khó lòng mà người Mỹ chấp nhận được.
TAA ảnh hưởng gì đến Việt Nam?
Nếu TAA được thông qua vào thứ Ba 16/6 thì từ đây đến cuối tháng 9 sẽ có nhiều khả năng kết thúc đàm phán và Quốc hội Hoa Kỳ sẽ thông qua thành luật vào mùa Thu năm nay, như thế TPP sẽ không nằm trong nghị trình của các cuộc bầu cử ở Mỹ vào tháng 11/2016.Về nguyên tắc, coi như Hoa Kỳ đã hoàn tất các mục tiêu chiến lược đối ngoại ở Châu Á – Thái Bình Dương và chỉ tiếp tục triển khai “chiến lược chuyển trục” như kế hoạch.
Bất kể Tổng thống nào là chủ nhân Tòa Bạch Ốc năm 2017, mọi việc vẫn có thể tiếp tục bình thường trước năm 2019 vì ít nhất tân chính phủ cũng phải cần từ một đến hai năm để lập và điều hành một chính sách mới.
Tuy nhiên đã có từ lâu một sự thỏa thuận ngầm của lưỡng đảng về chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ, đó là sức mạnh Hoa Kỳ cần liên tục được biểu dương trên chính trường quốc tế, đặc biệt khi có một quốc gia nào đó có ý định đẩy Mỹ ra khỏi khu vực Châu Á – TBD.
TPP là một trong tứ điểm trụ cột của chính sách Mỹ tại khu vực. Và cũng cần nhắc lại rằng ngoài TPP thì Mỹ cũng đang thương lượng với các đồng minh ở Châu Âu một Hiệp định tương tự có tên là “Transatlantic Trade and Investment Partnership” (TTIP). Sự thỏa thuận ngầm của lưỡng đảng về chính sách ngoại giao là một luật bất thành văn ở Hoa Thịnh Đốn.
Những tin tức riêng từ Hoa Thịnh Đốn mà tôi có từ hai ngày qua cho tôi nhận xét rằng chính sách của Mỹ tương đối khá rõ ràng đối với Hà Nội là bằng mọi giá phải vô hiệu hóa Hà Nội, không để Hà Nội là quân bài của Bắc Kinh khuấy động Biển Đông.
Bắc Kinh không thể dùng Hà Nội làm bàn đạp kiểm soát Đông Nam Á. Chính phủ Mỹ tiếp tục dùng chính sách tiếp cận tiệm tiến để một mặt cầm chân Hà Nội trước sự ve vãn của Bắc Kinh, mặt khác tạo dựng lực lượng trong nước đủ năng lực cho một chuyển tiếp chế độ khi điều kiện chín muồi.
Những điều khoản ràng buộc về lao động và tự do nghiệp đoàn của TPP là những mũi xung kích khi cần thiết.
Ảnh hưởng tới lãnh đạo Việt Nam?
Về quyền lợi kinh tế thì Mỹ dùng quyền lợi TPP ảnh hưởng tầng lớp lãnh đạo cộng sản Việt Nam, cột chặt họ với những quyền lợi của tư bản Hoa Kỳ, biến “tư bản đỏ thành tư bản xanh” vì bản chất thì tư bản vẫn là tư bản.Với sách lược này, Mỹ sẽ đặc cách triển hạn cho Việt Nam một khoảng thời gian có thể là từ 3 đến 5 năm để thực hiện các điều khoản này như trong trường hợp WTO. Đồng thời hai bên vẫn tiếp tục câu chuyện dài nhiều tập về “đối thoại nhân quyền”.
Trong trường hợp TAA không được thông qua như dự kiến và TPA chết yểu thì số phận TPP và Hà Nội sẽ tiếp tục lơ lửng đến 2018. Dĩ nhiên, kẻ hưởng lợi nhiều nhất trong trường hợp này là Bắc Kinh và phe cánh thân Trung Quốc ở Hà Nội.
Sẽ không có bước đột phá gì lớn về chính trị, ngoại giao, ngoại trừ một số hợp đồng kinh tế, thương mại, quân sự khổng lồ trên 10 tỷ USD với một số tập đoàn đa quốc gia Hoa Kỳ như Boeing, Lockheed Martin.
Ông Trọng sẽ được giới thiệu với người Mỹ như một người cộng sản Việt Nam không những biết cầm súng mà còn biết làm thương mại và Việt Nam tương lai sẽ là một đối tác thương mại không kém quan trọng của Hoa Kỳ trong khuôn khổ TPP. Và mọi người ở Hoa Thịnh Đốn hay ít nhất chính phủ Obama sẽ hy vọng Hà Nội sẽ chuyển trục, xích lại gần hơn Mỹ trên Biển Đông.
Trong trường hợp TAA không được thông qua như dự kiến và TPA chết yểu thì số phận TPP và Hà Nội sẽ tiếp tục lơ lửng đến 2018.
Như vậy dù chính phủ Obama vẫn tiếp tục đàm phán cho đến hết nhiệm kỳ nhưng chắc chắn khó mà có đột phá và những gì đạt được trong suốt thời gian qua cho chiến lược “chuyển trục” coi như là không có gì!
Dĩ nhiên, kẻ hưởng lợi nhiều nhất trong trường hợp này là Bắc Kinh và phe cánh thân Trung Quốc ở Hà Nội.
Nguồn BBC