Hành hương về Giang Xá
Triết Giang
Theo thông lệ, cứ vào đầu Mùa Vọng, Tông đoàn Gioan Phaolô 2 lại tổ chức tĩnh tâm. Năm nay, địa điểm hành hương là xứ Giang Xá (huyện Hoài Đức). Nơi này cách trung tâm Hà Nội chỉ vài chục cây số, hơn nữa là nơi quản thúc Đức Hồng Y FX Nguyền Văn Thuận suốt từ năm 1978 đến năm 1982. Ngài là chứng nhân đức tin tuyệt vời của giáo hội Việt Nam. Đúng 8h30,hơn 60 thành viên của Tông đoàn đã có mặt ở hội trường giáo xứ. Khu nhà này khá khang trang, cao 2 tầng mới xây dựng, nhìn ra quảng trường rộng lớn.
Trong lúc chờ đợi cha quản xứ dâng lễ Chúa Nhật cho thiếu nhi,cha linh hướng Giuse Đỗ Đình Tư giới thiệu tóm tắt về Đức Hồng Y FX. Nguyễn Văn Thuận để mọi người hiểu rõ hơn về thân thế của Ngài. Theo cha Giuse, Đức Hồng Y FX. xuất thân từ gia đình thế giá. Cậu ruột là Tổng thống Ngô Đình Diệm và một cậu nữa là TGM Ngô Đình Thục. Ngài sinh ngày 17-4-1928 tại Huế.Ngài được truyền chức linh mục khi mới có 25 tuổi (năm 1953)và được tấn phong Giám mục khi vừa tròn 39 tuổi (năm 1967). Đây là kỷ lục mà cho đến nay chưa Giám mục nào ở Việt Nam vượt qua. Tháng 4-1975, Ngài được Tòa thánh bổ nhiệm là TGM Phó có quyền kế vị TGM giáo phận Sài Gòn, nhưng biến cố 30-4-1975 đã làm xáo trộn nhiệm vụ của Ngài vì Nhà nước lo ngại việc bổ nhiệm Ngài nằm “trong âm mưu hậu chiến”. Nên đúng ngày lễ Đức Mẹ lên trời 15-8-1975, Ngài được gọi lên gặp Ủy ban quân quản và bị bắt giữ từ đó. Trong 13 năm tù, có 9 năm biệt giam, Ngài được chuyển qua nhiều nhà giam khác nhau. Tại Giang Xá, Ngài bị quản thúc 4 năm, 5 tháng 12 ngày. Ngài được trả tự do đúng ngày Đức Mẹ dâng con trong đền thờ năm 1988. Ngài được cho ra nước ngoài ngày 21-9-1990 và bị cấm quay về Việt Nam. Ngài được bổ nhiệm là Tổng trưởng Ủy ban Công lý và hòa bình của Tòa thánh năm 1998 và vinh thăng Hồng Y tháng 1-2001. Ngài bị bệnh và mất ngày 16-9-2002. Hồ sơ phong thánh của ngài đang được cứu xét. Nay Ngài đã được đặt là Đấng Đáng kính ngày 4-5-2017.
TS.Phạm Huy Thông cũng chia sẻ về một số kỷ niệm với Ngài khi Ngài tá túc ở Tòa Giám mục Hà Nội. Trong tù, Ngài không chỉ viết sách, truyền chức linh mục cho một số vị, đặc biệt đã gây thiện cảm với những người canh giữ Ngài và có người đã trở lại đạo Công Giáo và thành chứng nhân cho hồ sơ phong thánh của Ngài như nhà văn, triết gia Nguyễn Hoàng Đức.
Linh mục Phêrô Tạ Văn Tuân coi sóc giáo xứ Giang Xá dẫn mọi người đi thăm quan những kỷ vật của Ngài ở Giang Xá (ảnh trên). Đây là cây Thánh giá gỗ nhưng được gắn cây Thánh giá bằng đồng do chính Đức Gioan Phaolô 2 gửi Ngài như nhắc bảo Ngài vui lòng vác Thánh giá theo Chúa. Đây là chiếc giừơng cá nhân nhỏ bé mà Ngài cao to nên luôn bị muỗi đốt tay, chân. Kia là chiếc chạn gỗ nhỏ mà Đức Hồng Y Trịnh Văn Căn biếu Ngài cất giữ thức ăn. Còn bộ bàn ghế cổ kính này là nơi Ngài đã viết nên hai cuốn sách nổi tiếng: “Những người lữ hành trên đường Hy vọng” và cuốn “Đường Hy vọng dưới ánh sáng của Tin mừng và công đồng Vaticanô 2”. Khi Ngài qua Roma, Ngài viết thư hỏi thăm nhiều người trong làng rất ân cần như người ông, người cha với con cháu…Bây giờ, tất cả đồ dùng của Ngài đều thành kỷ vật quý giá mà giáo xứ đang cố lưu giữ như một chứng tích về Ngài. Từ ngôi nhà giáo xứ cổ kính nhỏ bé (ảnh dưới), đến khu vệ sinh đơn sơ cuả thời bao cấp. Giáo xứ đã xin Đức Hồng Y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, mỗi tháng có 1 ngày hành hương cầu nguyện với Ngài vào ngày Ngài mất 16. Nhiều đoàn hành hương quốc tế cũng như trong nước đã đến đây và có người đã được ơn chữa lành qua lời cầu nguyện với Ngài như chị Mai bị ung thư xương ở Nam Định, bị liệt,gia đình phải cáng đến đây.Nhưng nay chị đã đi lại được, tế bào ung thư biến mất. Cha Phêrô đã làm báo cáo vụ này với Tòa thánh. Pho tượng bán thân bằng đồng của Ngài do nhà điêu khắc Thiện Nhân, trước đây cũng là học trò của Ngài ở Huế sáng tác (ảnh dưới). Khi cha Phêrô đặt làm muốn đưa về trước ngày giỗ Ngài năm 2017, nhưng vé máy bay về Hà Nội không mua được. Có người mách nên qua nẻo Nha Trang rồi đi tiếp. Quả nhiên pho tượng về Giang Xá đúng tối trước ngày giỗ. Ngài muốn về lại qua thăm Nha Trang chăng? Cha Phêrô muốn mở rộng quảng trường Hy Vọng và bức tường Hy Vọng. Trên đó sẽ có ghi những câu trong cuốn “Đường Hy Vọng” của Ngài. Trung tâm quảng trường sẽ là tượng Thánh Tâm Chúa,vì Ngài vô cùng yêu mến Thánh Tâm Chúa. Cha Phêrô cũng băn khoăn, miền Bắc rất nhiều giáo xứ, tại sao Nhà nước lại đưa Ngài về đây quản thúc để Giang Xá trở thành địa điểm hành hương về Ngài hôm nay? Phải chăng, hồi đó, Giang Xá chẳng còn mấy người giữ đạo? Để Ngài phải cô quạnh giữa chốn thôn quê nghèo đói này?
Một số anh chị em họa sĩ, điêu khắc của Tông đoàn liền gặp cha Phêrô để tư vấn. Cha xứ vui lắm, coi đó là niềm an ủi với ước mơ của mình.
Trong bài chia sẻ giờ tĩnh tâm cũng như trong thánh lễ, cha linh hướng Giuse đã thúc giục mỗi thành viên Tông đoàn hãy đi tìm kho báu trên trời chứ không phải của cải,danh vọng thế gian là những thứ hay hư mất và chết thì không mang đi được. Dù bận phải dâng lễ cho giáo dân nhưng cha Phêrô cũng về cùng với cha Giuse ngồi tòa ban Bí tích Hòa giải cho mọi người. Kết thúc thánh lễ, mọi người cùng chụp bức ảnh chung kỷ niệm (ảnh cuối).
Bữa ăn trưa được giáo xứ chuẩn bị rất ngon với món đặc sản của quê hương Giang Xá như cháo xe mà như lời cha xứ phải nấu 8 tiếng mới chín. Cả hai cha và nhiều người cùng hát và dâng lời cầu nguyện cho công cuộc phong thánh của Đức Hồng Y FX. sớm hoàn tất.
Triết Giang
VIỆN NHÂN QUYỀN VIỆT NAM