Tập Cận Bình: Trong, Đảng Chống; Ngoài, Mỹ Ép
Vi Anh
Ít ai ngờ cuộc Chiến Thương mại giữa Mỹ và Trung Cộng luôn leo thang lại đình chiến nhanh như vậy. Chỉ sau cuộc gặp gỡ bên lề hội nghị G20 tại Argentina vào đầu tháng 12 và sau một bữa ăn làm việc giữa TT Trump và Chủ Tịch Tập cận Binh [CT Bình], Chiến tranh Thương mại cả mấy tháng nay lại đột nhiên hưu chiến, đình chiến trong 90 ngày.
Dư luận đồn đãi rằng, CT Bình đã thuyết phục được TT Trump cho ba tháng để đàm phán một thỏa thuận thương mại. Đình chiến gần như bất ngờ và thời gian hưu chiến cũng ngắn ngủi.
Theo nguồn tin của Bloomberg, phái đoàn thương thuyết Mỹ sẽ đến Bắc Kinh ngày 07/01/2019. Nhưng trước khi hai bên phái đoàn đàm phán, Bắc Kinh tỏ thiện chí tối đa. TQ tiếp tục mua đậu nành của Mỹ, lần đầu tiên mua gạo của Mỹ, giảm thuế xe của Mỹ nhập cảng vào TQ. Và ít ngày sau hôm thứ Bảy 26/12 TT Trump nói trên Twitter rằng ông có một “cuộc điện đàm rất lâu và rất tích cực” với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và một thỏa thuận thương mại khả dĩ giữa Mỹ và Trung Quốc đang tiến triển tốt.
Nhiều nhà phân tích, nhiều báo chí của các nước bàn luận rằng sở dĩ CT Bình để một bên vấn đề sĩ diện là vấn đề quan trọng của người Trung Quốc cộng với thói quen biến thành bản chất của lãnh đạo CS coi mình là “ưu việt”, CT Bình phải o bế TT Trump để xin ngưng chiến, là do CT Bình đã và đang rơi vào hoàn cảnh khó khăn tai hại cho sinh mạng chánh trị của Ông. Ông đang bị nội bộ Đảng chống đối và bên ngoài Mỹ ép Ông như ép khô mực vậy.
Một, Đảng chống đối CT Bình rất căng thẳng. Chiến tranh Thương mại với Mỹ và áp lực của Washington đã làm dao động tinh thần ban lãnh đạo Đảng Nhà Nước TC. Không những trong số đảng viên đang cầm quyền đảng nhà nước, mà trong những lãnh đạo đã về hưu nữa. Hội nghị Bắc Đới Hà là thí dụ cụ thể. Theo báo Nikkei của Nhựt cho biết các lãnh đạo đương chức và về hưu của Trung Quốc họp hội nghị này, thảo luận các quyết sách quan trọng nhất của quốc gia, cựu chủ tịch Giang Trạch Dân và một số lãnh đạo lão thành được cho là đã gửi một lá thư dài cho ông Tập, hối thúc ông xem xét lại chính sách kinh tế và ngoại giao của mình.
Mới đây chuyên gia Lâm Hòa Lập (Willy Lam), trường đại học Trung Quốc ở Hồng Kông, nhận định Tập Cận Bình bị phản đối trong nội bộ đảng, do đã đánh giá thấp quyết tâm của TT Trump và không dự đoán được việc hàng trăm mặt hàng bị áp thuế, làm thiệt hại cho khu vực chuyên xuất cảng ở miền đông và miền nam Trung Quốc, cũng như lãnh vực công nghiệp mũi nhọn.
Và một số nhà kinh tế còn khẳng định nền kinh tế Trung Quốc không tốt đẹp như trong thống kê chính thức, tỷ lệ tăng trưởng 6,5% là thổi phồng quá đáng, và nạn thất nghiệp gia tăng. Ông Lâm Hòa Lập nhận định, Tập Cận Bình «đang chịu đựng một áp lực khủng khiếp phải thỏa thuận cho được với Donald Trump» trước thời hạn chót là đầu tháng Ba.
Thời điểm này trùng hợp với kỳ họp thường niên của Quốc Hội Trung Quốc, khi đó ông Tập có nguy cơ bị đại diện các vùng miền và những lãnh vực bị thiệt hại nhiều nhất do thương chiến, chỉ trích. Cho dù Tập Cận Bình là một Mao Trạch Đông mới, nhưng ông Tập không có được cái uy tương tự về lịch sử. Nhà chính trị học độc lập Hoa Pha (Hua Po) ở Bắc Kinh, khi trả lời AFP lưu ý, Tập Cận Bình «không cảm thấy an toàn, và nói trắng ra thì ông ta thiếu tự tin. Ông Tập luôn lo sợ có ai đó nổi dậy».
Căng thẳng và nguy cơ khiến CT Bình phải triệu tập Bộ Chính trị đảng Cộng Sản Trung Quốc để dằn mặt suốt trong hai ngày. Theo AFP từ Bắc Kinh, các ủy viên được yêu cầu phải «nhanh chóng» học tập các bài diễn văn của CT Bình, tuân thủ kỷ luật cho bản thân, cho gia đình và những người cộng sự. Theo giáo sư Willy Lam Chủ tịch Bình áp đặt một «cuộc trắc nghiệm» lòng trung thành của 24 ủy viên bộ chính trị.
Theo phân tích của chuyên gia Willy Lam, CT Bình bị nội bộ chỉ trích vì xem thường quyết tâm chính trị của Donald Trump, không ngờ tổng thống Mỹ nói là làm, tăng thuế đánh lên hàng Trung Quốc. Hệ quả là miền nam và đông Trung Quốc cũng như các ngành công nghệ xuất cảng bị thiệt hại nặng nề. Do vậy, với tư cách là lãnh đạo tối cao, là «hạt nhân», Tập Cận Bình bị áp lực rất mạnh phải đạt được một thỏa hiệp với Mỹ vào đầu tháng Ba 2019, khi «tối hậu thư» đến kỳ hạn. CT Bình lo bị đại biểu các địa phương chất vấn. Ông lo sợ một cuộc nổi dậy của phe đối lập và dân chúng, giành ghế của Ông như Mao Trạch Đông lúc nào cũng sợ.
Còn dân chúng TQ, họ càng thất vọng. Người dân Hoa lục đã nhìn thấy những mặt yếu kém của mô hình Trung Quốc và điều này làm tổn hại tính chính danh của chế độ, theo ông Willy Lam. Họ càng thất vọng hơn đối với giấc mộng Trung Quốc mà CT Bình lấy làm điểm tựa cho chế độ đổi mới kinh tế bây giờ chỉ là giấc mộng thôi, không mong gì thành hiện thực. Nhà chính trị học độc lập Hoa Pha (Hua Po) ở Bắc Kinh, nhận định «Tập Cận Bình không đáp ứng được sự chờ đợi của người dân, và nỗi thất vọng của họ có thể biến thành tuyệt vọng».
Báo chí Đảng Nhà Nước TC bắt đầu đổi giọng. “Ở trên” không cho nhắc chiến lược” made in China 2025” vì dễ làm cho Mỹ nhậy cảm, tăng sức chống TC. Báo chí cố gắng lách mình qua ngõ hẹp nói lên một số sự thật, nhìn nhận «tình hình kinh tế rất nghiêm trọng». Theo phân tích của giáo sư Hoa Pha: Nhiều xí nghiệp phá sản, số người thất nghiệp tăng nhanh.
Báo Pháp bên bờ Đại Tây Dương cũng đi tin tức, nghị luận rất nhiều và rộng về Chiến tranh thương mại. Báo Le Figaro của Pháp nói «Chiến tranh thương mại khiến Trung Quốc chia rẽ». Báo Les Echos chuyên về kinh tế của Pháp ghi nhận là áp lực từ phía nước Mỹ đang đặt lãnh đạo tối cao Tập Cận Bình trước nhiều thách thức. Có rất nhiều bài về thất bại của TC, tiêu biểu như những tựa bài “Mỹ tạm thắng Trung Quốc hiệp đầu, «Thương mại: Trung Quốc quyết định có một số nhân nhượng với Mỹ» . Cụ thể TQ đã hạ bớt hàng rào thuế quan đối với một số hàng hóa của Mỹ, và giảm yêu cầu các nước chuyển nhượng kỹ thuật cho TQ khi sản xuất kinh doanh – là đòi hỏi cốt yếu hàng đầu của Mỹ. Bắc Kinh cũng tặng cho Washington một món quà Noel khác, đó là điều chỉnh thuế tạm thời đối với hơn 700 loại hàng hóa Mỹ, nhằm tạo điều kiện cho hàng xuất cảng Mỹ, trong đó có nhiều mặt hàng quan trọng với Mỹ, như động cơ máy bay, rô-bốt công nghiệp, uranium, đặc biệt là đậu tương, dầu mỏ, khí hóa lỏng./.(VA)
VIỆN NHÂN QUYỀN VIỆT NAM