Bản án dành cho Đức Hồng Y Pell là một trò hề bôi bác công lý
Tiến sĩ George Weigel: Bản án dành cho Đức Hồng Y Pell là một trò hề bôi bác công lý
Đặng Tự Do
Tiến sĩ George Weigel, người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, và hiện là thành viên cao cấp của Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công cộng Washington, nơi ông giữ chức Chủ Tịch Ủy Ban William E. Simon về Các Nghiên cứu Công Giáo.
Trước một quyết định thể hiện rõ lòng thù hận đối với Đức Hồng Y George Pell, tòa án tại Melbourne đã quyết định truyền hình trực tiếp buổi đọc phán quyết kết tội Đức Hồng Y vào ngày thứ Tư 13 tháng Ba, như một hình thức lăng mạ công khai ngài. Tiến sĩ George Weigel đã có bài nhận định đăng trên tờ First Things với nhan đề: Our Dreyfus Case, mà chúng tôi đã dịch sang Việt Ngữ.
Sau biến cố này, Tiến sĩ George Weigel đã có thêm một bài nhận định khác đăng trên tờ First Things với nhan đề: “The Holy See and Cardinal Pell” – “Tòa Thánh và Đức Hồng Y Pell”.
Nguyên bản tiếng Anh có thể xem ở đây. Dưới đây là bản dịch sang Việt ngữ.
The Holy See and Cardinal Pell - Tòa Thánh và Đức Hồng Y Pell.
George Weigel
Đức Hồng Y George Pell bị kết án vào tháng 12 năm 2018 về tội “lạm dụng tình dục trong quá khứ”, là một trò hề của tòa án, xảy ra được một phần nhờ vào bầu không khí bài Công Giáo cuồng loạn trong công luận tại quốc gia này – đó là một bầu khí hôi tanh đã có hệ quả hủy diệt khả năng Đức Hồng Y có được một phiên tòa công bằng. Làm thế nào ta có thể giải thích tại sao 12 bồi thẩm, sau khi đã được nghe các cáo buộc không bằng không chứng, và đã được thuyết trình về các phản biện đầy thuyết phục, không ai bác bỏ vào đâu được trước tòa, cho thấy tội ác không thể xảy ra, lại có thể đảo ngược hoàn toàn phán quyết tha bổng áp đảo 10-2 của bồi thẩm đoàn trong phiên tòa xét xử đầu tiên vào tháng Chín năm ngoái?
Đức Hồng Y Pell thừa biết, từ kinh nghiệm cá nhân đầy gian nan của ngài, rằng bầu không khí chống Công Giáo ở Úc đã trở nên mạnh mẽ như thế nào. Là thành viên của Hồng Y đoàn và là quan chức cấp cao của Vatican, Đức Hồng Y Pell có quyền công dân Vatican và có hộ chiếu ngoại giao của Vatican; ngài có thể ở lại Rôma, chính quyền Úc không thể chạm tới. Tuy nhiên, ngài đã quyết định tự nguyện trình diện trước hệ thống tư pháp hình sự của đất nước mình. Ngài biết mình vô tội; ngài quyết tâm bảo vệ danh dự của mình và của Giáo hội; và ngài tin vào sự chính trực của tòa án Úc. Và thế là ngài trở về quê hương.
Hoàn toàn hợp lý để nói rằng hệ thống tư pháp Úc đã kỳ thị một trong những người con nổi tiếng nhất của nước Úc, là người đã đặt niềm tin vào hệ thống tư pháp này. Cảnh sát đã thực hiện một cuộc săn lùng cố tìm cho ra một manh mối nào đó để kết án ngài, trước khi có bất cứ một ai đưa ra một cáo buộc nào chống lại Đức Hồng Y. (Ta cần phải thắc mắc, ai là kẻ khởi động chuyện này? Và tại sao?) Một phiên điều trần sơ bộ đã chuyển các cáo buộc này ra xét xử trong một phiên tòa, mặc dù thẩm phán phiên tòa nói rằng, nếu bà là một bồi thẩm, bà sẽ không bỏ phiếu kết tội trong hàng loạt những cáo buộc. Phiên tòa đầu tiên đã chứng minh Đức Hồng Y vô tội, và phiên tòa xét xử lại đã đưa ra một bản án phi lý không được hỗ trợ bởi bất cứ bằng chứng nào có thể được chứng thực hay cách nào đó có thể tin nổi. Lệnh bịt miệng truyền thông được áp đặt đối với cả hai phiên tòa, mặc dù được biện giải là nhằm làm giảm bầu không khí ồn ào xung quanh vụ án, nhưng thực tế chỉ nhằm tránh cho các viên chức tư pháp khởi tố vụ án này phải bảo vệ trước công luận các cáo buộc quái lạ và đầy tai tiếng của mình.
Thế là vào đầu tháng 3, Đức Hồng Y phải ngồi tù, trong một phòng biệt giam, chỉ được cho phép một vài khách thăm viếng trong một tuần, cũng như một nửa tá sách và tạp chí. Nhưng ngài không được phép cử hành Thánh lễ trong phòng giam của mình, với lý do kỳ lạ là các tù nhân không được phép chủ sự các nghi lễ tôn giáo trong các nhà tù ở bang Victoria và rượu vang không được phép đưa vào trong các phòng giam.
Trước tất cả những điều này, thật khó có thể hiểu nổi tại sao, một ngày sau khi bản án được tuyên bố công khai, phát ngôn viên báo chí lâm thời của Vatican, Alessandro Gisotti, đã nhắc lại câu thần chú đã trở thành thói quen trong những lời bình luận của Vatican về vụ án Đức Hồng Y Pell: “Tòa thánh”, Gisotti nói, “có sự tôn trọng tối đa đối với các cơ quan tư pháp của Úc.”
Tại sao lại nói điều này? Chính là hệ thống tư pháp Úc (và bầu khí đánh hội đồng ở Melbourne và các nơi khác) đang được xét xử ngày hôm nay tại tòa án công luận toàn cầu. Không cần phải nịnh hót vô cớ như vậy. Ông Gisotti có thể, và nên, nói rằng Tòa Thánh đang chờ đợi với sự quan tâm và quan ngại kết quả của tiến trình kháng cáo, và hy vọng rằng công lý sẽ được thực hiện. Chấm hết. Ngừng hẳn. Đừng nịnh hót. Trên hết, không nên có bất cứ gợi ý nào cho thấy Tòa Thánh tin rằng cảnh sát và cơ quan tư pháp Úc đã thực hiện công việc của họ một cách công bằng, vô tư và đáng được tôn trọng cho đến nay.
Ngay sau nhận xét của ông Gisotti, lại có thông báo rằng Bộ Giáo lý Đức tin đang bắt đầu tiến trình điều tra giáo luật riêng của mình về vụ án Đức Hồng Y Pell. Về lý thuyết, và ta hy vọng trong thực tế, cuộc điều tra Bộ Giáo Lý Đức Tin có thể hữu ích. Nếu được thực hiện một cách hợp lý, tiến trình ấy sẽ trả lại sự trong sạch cho Đức Hồng Y Pell trước các cáo buộc phi lý nhằm kết tội ngài, bởi vì không có bằng chứng nào cho thấy Đức Hồng Y có thể lạm dụng hai thiếu niên trong dàn hợp xướng, mà trái lại có hàng loạt các bằng chứng hoàn toàn đáng thuyết phục rằng cái gọi là tội ác ấy không thể xảy ra trong các trường hợp được cho là đã xảy ra. Vì vậy, công lý cần phải được đưa ra bởi Tòa Thánh, bất kể kết quả cuối cùng ở Úc.
Vì lợi ích của một người bạn cũ, nhưng cũng vì danh tiếng của nước Úc trên thế giới, tôi hy vọng rằng tiến trình kháng cáo, bắt đầu vào đầu tháng 6, sẽ minh oan cho Đức Hồng Y Pell, người đã đặt niềm tin của mình vào những người đồng hương và vào hệ thống tư pháp Úc. Tuy nhiên, hệ thống tư pháp Úc ngày nay nên được xem xét kỹ lưỡng nhất bởi những người có đầu óc công bằng. Tòa Thánh cần lưu ý về điều đó, và nên chống lại mọi cám dỗ để đưa ra một nhận định thiếu chín chắn và chắc chắn là quá sớm đối với “các cơ quan tư pháp của Úc”.
VIỆN NHÂN QUYỀN VIỆT NAM