NGÔ THÌ NHẬM ĐỀ THƠ
TRÊN BÌNH PHONG VUA QUANG TRUNG
TS PHẠM TRỌNG CHÁNH
Vua Quang Trung là một vị vua anh minh, trân trọng anh tài hào kiệt, bên cạnh chổ ngồi tiếp nhân tài nhà vua là bức bình phong một mặt là bức họa “Đào viên kết nghĩa” và mặt khác là ‘ Tam cố thảo lư “. Cả hai bức tranh đều có điển tích từ Tam Quốc Chí.
Cuộc gặp gỡ Ngô Thì Nhậm, nhà vua đã mời ông đề thơ lên hai bức họa trên bình phong. Trong bài này tôi xin dịch lại hai bài thơ chữ Hán của Ngô Thì Nhậm và đọc lại chuyện Tam Quốc Chí hai đoạn liên hệ để thấy tấm lòng vua Quang Trung đối với những bậc hiền tài. Với La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp, Nguyễn Huệ bao lần viết thư mời trên trọng và cuộc gặp gỡ với vua Quang Trung đã được Gs Hoàng Xuân Hãn chép trong trong quyển La Sơn Phu Tử. Với Nguyễn Nễ, bài thơ Phan Huy Ích đã nhắc đến việc vua Quang Trung thường gióng ngựa quí đến thăm và bàn bạc việc nước. Với Phan Huy Ích nhà vua trân trọng tập thơ Tinh Sà Kỷ Hành, ký sự cuộc đi sứ (với vua Quang Trung giả ) và khen thơ ông có khí cốt. Với Ngô Thì Nhậm việc nhờ đề thơ trên bức bình phong bên cạnh nhà vua, thật là một vinh dự nói lên tấm lòng và sự trân trọng của nhà vua.
Bức tranh cuộc kết nghĩa tại vườn đào quận Trát của ba người : Lưu Bị, dòng dõi nhà Hán, và Quan Vũ, Trương Phi vào cuối đời Hán, chính sự rối loạn, giặc Khăn Vàng Trương Giác nổi lên đông đảo hơn bốn trăm ngàn quân, quân triều đình không đương đầu nỗi, ba người cùng trích máu hòa rượu ăn thề kết làm anh em ruột thịt, mưu việc dẹp giặc phù nhà Hán. Ngô Thì Nhậm viết : Trời xui những người hào kiệt kết thành anh em ruột. Đồng bào là anh em ruột cùng bụng mẹ sinh ra. Truyền thuyết mẹ Âu Cơ sinh ra, trăm trứng thành trăm con thành dân tộc Việt nam, đầu thế kỷ 20 hai cụ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh dùng chữ đồng bào trong thư kêu gọi, từ đó chữ đồng bào mang ý nghĩa là dân tộc Việt Nam. Ba anh em nặng lời đính ước lửa hương. Quyết không để cho một tấc đất lọt vào tay họ Tôn, họ Tào. Họ Tôn (Tôn Kiên,Tôn Sách, Tôn Quyền) nước Ngô, và họ Tào (Tào Tháo, Tào Phi) hai họ đối kháng với Lưu Bị nước Thục thời Tam Quốc khi nhà Hán suy yếu. Khi ba người kết nghĩa Đào Viên chỉ vì muốn giúp triều đình dẹp giặc Huỳnh Cân ( Khăn Vàng). Tào Tháo lúc đó chỉ là một huyện úy dẹp giặc Khăn Vàng chưa nổi danh. Tôn Kiên là Thái Thú Trường Sa, hai con Tôn Sách, Tôn Quyền chỉ mới mười mấy tuổi. Phải đợi đến khi gặp Khổng Minh, ông mới bàn việc lấy Kinh Châu, Ích Châu để tạo ra thế cục chia ba Trung Quốc. Điều Ngô Thì Nhậm muốn nói đây là thời điểm năm 1788, khi gặp Nguyễn Huệ, thế cục chia ba Việt Nam đang có những đe dọa trầm trọng. Phía Bắc vua Lê Chiêu Thống cầu viện nhà Thanh, Tôn Sĩ Nghị đang chuẩn bị đem quân sang lấy cớ phò Lê giúp vua Chiêu Thống, theo lời dặn dò vua Càn Long chủ tâm đợi quân khởi nghĩa nhà Lê đánh với quân Tây Sơn, hai bên kiệt sức sẽ áp dụng chính sách ”Ngư ông đấc lợi” bắt cả trai cò vào giỏ làm thịt; biến Việt Nam thành quân huyện. Phía Nam, Nguyễn Ánh dùng kế ly gián, khiến Nguyễn Lữ nghi ngờ tướng Phạm Văn Tham rút quân chạy về Bình Định, làm mất cả Nam Kỳ. Ngô Thì Nhiệm muốn tỏ tấm lòng giúp Nguyễn Huệ quyết tâm không để mất tất đất, người đã tâm đắc trò chuyện cùng ông, giao ông trách nhiệm Tả Thị Lang bộ Lại, tổ chức nội vụ triều Tây Sơn. Vua hiền, tôi sáng quy tụ một triều đình.
ĐÀO VIÊN KẾT NGHĨA
Trời xui hào kiệt kết đồng bào,
Thề thốt lòng sâu dưới gốc đào,
Lửa hương đính ước tình xem trọng,
Chẳng cho tất đất lọt Tôn, Tào.
Nguyên tác phiên âm Hán Việt :
ĐỀ NGỰ BÌNH ĐỒ
ĐÀO VIÊN KẾT NGHĨA
Thiên tương anh kiệt kết đồng bào,
Thệ bả thâm tâm tố dữ đào,
Kha thúc thử phiên hương hỏa đính,
Khẳng giao thốn thổ hứa Tôn, Tào.
Đời vua Linh Đế nhà Hán có giặc Khăn vàng của Trương Giác, làm bùa phép dân chúng tin phục. Đầu vấn khăn vàng, tay cầm cờ vàng quân hơn bốn mươi vạn người. Trương Giác kéo quân đến đâu phủ huyện quan quân đều sợ hoảng hồn.
Tam Quốc Chí. Hồi thứ nhắt viết :
“Trương Giác đem binh tới U Châu, quan Thái thú đất ấy tên Lưu Yên. Người dòng tôn thất, tánh hạnh hiền lành, nghe quân báo giặc tới, thì vội vàng thương nghị với hiệu úy là Trần Tịnh. Tịnh thưa rằng: “Binh giặc thì nhiều, mà binh ta thì ít lắm, tôi e khó đương địch lại, xin lập tức treo bảng mộ binh.” Lưu Yên khen phải liền sai quân truyền bản văn chiêu quân đi khắp nơi, đến Trát huyện.
Có một người ở tại Trát huyện, tên là Lưu Bị, tên chữ là Huyền Đức, cũng dòng tôn thất, con cúa Lưu Hoằng : cha chết sớm, ở với mẹ chí hiếu, tánh khoan dung hoà hoãn, ít hay nói, không ham đọc sách mà biết chữ nghĩa nhiều, mừng giận tự nhiên chẳng khi nào bày ra ngoài mặt, lòng chứa chất kinh luân tráng chí, hay giao du với hào kiệt anh hùng. Hình trạng khôi ngô tuấn tú, diện mạo đẹp đẽ, mình cao tám thước, tay dài chí gối, tai thòng xuống đến vai. Trong nhà nghèo, nhờ dệt chiếu thắt dây mà độ nhật. Nơi góc vườn nhà có cây dâu lớn, lá nó ở trên xây lại một vầng tròn, đứng xa trông như cái tàng lộng, có ông thầy tướng thấy thì khen : “ Nhà ấy chắc có sanh đặng quí nhơn.”
Khi Lưu Bị còn nhỏ giởn với con nít dưới cây dâu ấy, thình lình nói rằng : “ Nếu tao làm vua được, thì che cả tàn này.” Chú của Lưu Bị là Lưu Nguyên Khởi nghe cháu nói vậy lấy làm kỳ lạ, biết tượng khí cháu mình không phải là người thường. Bởi vậy, nên thấy Lưu Bị lúc 15 tuổi vâng lời mẹ dạy, đi học với Trịnh Huyền làm bạn với Lư Thực và Công Tôn Toản.
Bây giờ Lưu Bị đã hăm tám tuổi rồi. Ngày ấy thấy bảng chiêu mộ quân thì ngùi ngùi than thở, có một người đang đứng sau lưng, cất tiếng hỏi rằng : “Bổn phận làm trai, đang cơn quốc gia nguy biến, sau không ra giúp nước mà đứng đây than dài ? “ Lưu Bị nghe nói ngoái lại thì thấy người ấy to lớn, mạnh dạn, mình cao tám thước, đầu beo râu hùm, con mắt tròn, tiếng nói lớn, bộ tịch nóng nẩy, trang mạo hào hùng, liền hỏi thăm tánh danh, người ấy nói rằng : “Tôi tên Trương Phi, tên chữ Dực Đức, nhà ở tại xứ này, ruộng đất đủ dùng, thường bán thịt heo rượu ngon, tánh ham chơi với các kẽ sĩ hào hùng; nay cũng đi coi bảng này, thấy ông thở ra nên mới hỏi.” Lưu Bị nói : “ Tôi vốn dòng dõi Hán triều tên là Lưu Bị, nay thấy gặc Huỳnh Cân khởi loạn, lòng muốn ra giúp nước cứu dân, song nghèo không tiền, tài mọn sức yếu, bởi vậy nên buồn mà than. “ Trương Phi nói : “Nhà tôi có tài sản, chừ ta chiêu mộ dõng dân đặng mà khởi nghĩa với nhau, nên chăng ? “ Lưu Bị mừng lắm ! bèn rũ nhau vào quán mà uống rượu trò chuyện, bổng thấy một người đẩy cổ xe tay mà tới trước quán, để xe đó vào nghỉ, kêu chủ quán bảo đem rượu uống. Lưu Bị ngồi ngắm người ấy: mình cao chín thước. râu dài hai thước, mày tằm mắt phượng, oai phong lẫm liệt, liền đứng dậy mời lại ngồi chung một bàn, hỏi thăm tính danh quê quán, thì người ấy nói : Tôi là Quan Vũ, tên chữ là Thọ Trường, sau cải tên là Vân Trường. ở quận Hà Đông, huyện Giải Lương. Xứ ấy có một người giàu lớn, ỷ thế hoành hành, tôi bất bình đánh chết, bị quan quân tập nả cho nên lưu lạc đã sáu năm dư, nay tôi nghe chỗ này mộ quân, nên tới đây mà ứng nghĩa. Lưu Bị thuật lại chuyện gặp Trương Phi cho Vân Trường nghe, Vân Trường có lòng mừng. Ba người liền hỏi tuổi nhau. Rồi đi về nhà Trương Phi mà bàn việc đại sự. Trương Phi nói : “Nhà tôi có một vườn đào, bông đang nở tốt, vậy ngày mai ta ra đó, tế cáo trời đất kết làm anh em, đồng tâm hiệp lực, thì cử sự mới đặng, Huyền Đức và Vân Trường đều khen phải. Nội ngày ấy sắm sửa đồ lễ vật. Qua sáng bữa sau làm thịt một con bò đen và một con bò trắng mà tế cáo thiên địa. Ba người đốt hương quì lạy thệ nguyện cùng nhau mà lập lời thề rằng :
“Tôi là Lưu Bị, Quan Vũ, Trương Phi. Tuy ba người họ tên đều khác, hội vườn đào kết nghĩa anh em, mộ trai tráng dũng mãnh trừ tặc ác. Hiệp sức phò Hán thất giang san, gặp họa phúc cùng nhau ưu lạc. Không cầu đồng năm đồng tháng ngày sinh, chỉnh nguyện đồng năm đồng tháng ngày thác. Cao dày soi xét tấm lòng không đơn sai, ai có vong ân trời đất phạt.”
Thề rồi, Huyền Đức làm anh cả, Vân Trường em thứ nhì, Trương Phi làm em thứ ba. Dọn rượu thịt mời bốn phía tráng đinh láng giềng tới ăn uống tại Đào Viên, tính đặng ba trăm người, nội một ngày no say. Dự bị đồ binh khí, mọi người đều có lòng khí khái hăng hái tòng chinh, song hiềm vì chưa có ngựa mà cỡi, đương ngẫm nghĩ bàn định, xãy ra có người ngoài xóm tới báo rằng: Có hai người thương khách. đi với một bọn gia nhân, đuổi một bầy ngựa mà đi thẳng vào đây. Lưu Bị nói : “May dữ !” Ba anh em đều ra nghinh tiếp. Hỏi ra thì hai người lái buôn, một người tên là Trương Thế Bình, một người tên là Tô Song, thường qua xứ Bắc Biên mua ngựa về bán, nghe có giặc ghé vào hỏi thăm. Lưu Bị thỉnh vô nhà, cơm rượu thết đãi và tỏ sự khởi nghĩa. Hai người mừng rỡ bằng lòng giúp cho 50 con ngựa, một ngàn cân sắt, năm trăm lượng bạc, năm trăm lượng vàng rồi từ giả ra đi.
Lưu Bị bảo thợ rèn, rèn cho mình đôi song kiếm, Vân Trường một cây Thanh long đao, nặng 82 cân, Trương Phi một cây xà mâu và sắm đủ ba bộ giáp. Cách vài ngày nữa, qui tụ cộng thảy đặng 500 người.
Ba người kéo binh ra mắt Trần Tịnh. Trần Tịnh đem vào yết kiến. Lưu Yên hỏi thăm tên họ, thì Lưu Yên nhìn Lưu Bị là cháu.”
Vua Quang Trung bày trong trướng bức tranh Đào Viên kết nghĩa nhằm tỏ ý muốn kết nghĩa anh em với anh hùng hào kiệt.
Lưu Bị từ hai bàn tay trắng, chỉ có danh là dòng dõi nhà Hán, biết mình tài hèn sức yếu, không vốn liếng, chỉ một lời than vãn được Trương Phi lắng nghe, nhìn Quan Vũ biết ngay là một người hào kiệt. Ba người kết nghĩa anh em, khi tỏ ý chí muốn dẹp giặc, cứu nguy đất nước, phút chốc đã có bao người đến giúp, năm trăm tráng đinh đến dưới cờ, Trương Thế Bình, Tô Song giúp 50 con ngựa, ngân cân sắt, 500 lượng vàng, 500 lượng bạc.. Ngày xưa “quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách” Khi có hịch kêu gọi nhà vua, người có uy tín trong nhân dân tự đứng ra tổ chức quân binh góp sứ với quân triều đình. Ta còn thấy ở nước ta khi quân Pháp chiếm Nam Kỳ năm 1862, Trần Thiện Chánh, một quan tri huyện bị cách chức, đã tự bán toàn bộ tài sản nhà mình chiêu mộ và sắm sửa vũ khí cho năm ngàn quân kháng chiến vùng Hóc Môn, Bà Điểm, ông lại được triều đình phục chức.
Bức Tam cố thảo lư;
Lưu Bị ba lần đến mái nhà tranh cầu Khổng Minh. Đời Hán Chư Cát Lượng tự là Khổng Minh, ở ẩn đất Nam Dương. Lưu Bị nghe nói là người tài giỏi, thân hành đến nơi lều cỏ mời làm quân sư, nhưng phải ba lần đến mới gặp được Khổng Minh. Cát Lượng muốn thử ý cầu hiền thành khẩn của Lưu Bị, nên không cho gặp ngay. Người đời sau nhân gọi việc ba lần đến cầu Chư Cát Lượng là Tam cố thảo lư. Ngô Thì Nhậm viết : Hán với giặc đã nhận rõ, tấc lòng thường canh cánh bên gối nằm. Đường đường một người dòng dõi vua nhà Hán tới thăm trước lều cỏ. Ai hay cái nơi chuyện trò tâm sự trong chốc lát. Lạ mưu được một cõi giang sơn trong năm mươi năm trường.
TAM CỐ THẢO LƯ
Hán, giặc phân minh bên gối nằm,
Dòng vua đến trước mái nhà tranh.
Ai hay khoảng khắc cùng tâm sự,
Mưu được giang sơn năm mươi năm.
Nguyên tác phiên âm Hán Việt :
TAM CỐ THẢO LƯ
Hán tặc phân minh trí chẩm biên,
Đường đường đế trụ thảo lư tiền.
Thùy tri khoảng khắc đàm tâm xứ,
Mưu đắc giang sơn ngũ thập niên.
Chuyện Tam cố thảo lư , Hồi thứ 38 Tam Quốc Chí viết :
“Nói về Huyền Đức tìm Khổng Minh hai phen mà không gặp, bèn muốn đi một lần nữa. Quan Công thưa rằng : “Huynh trưởng hai phen khẩn cầu, thì cũng đã quá rồi, em tưởng Khổng Minh có danh dối chớ không thiệt giỏi, nên mới lánh mình, sao anh mê hoặc lắm vậy ?”Huyền Đức nói : “Không phải, chúa Tề Hoàn Công xưa kia muốn viếng Đông Quách là kẻ quê mùa kia, đi năm lần mới đặng, huống chi ngày nay ta muốn ra mắt đại hiền.” Trương Phi nói : “ Đại ca nói sai rồi , giá một kẻ thôn phu như vậy, có chi là đại hiền. Phen này chẳng cần chi đại ca phải đi, như va không đến, thì để em đây lên đó trói quách qua dẫn về. “ Huyền Đức nạt rằng: “ Vậy ngươi chẳng biết việc vua Văn Vương cầu ông Khương Tử Nha sao ? Vua Văn Vương còn kính trọng người hiền như thế ấy, sao người vô lễ lắm vậy ! Thôi ! phen này người chớ đi, để ta với Vân Trường đi mà thôi. “ Trương Phi nói : “ Như hai anh đi hết, thì lẽ nào mà em ở lại kìa?. Huyền Đức nói : “ Như người muốn đi thì chớ nên làm cho thất lễ.” Trương Phi chịu, rồi đó ba anh em lên ngựa, dắt kẻ tùy tùng mà thẳng lên Ngọa Long Cương.
Đi gần đến nhà Khổng Minh còn cách chừng nửa dậm đàng, thì Huyền Đức xuống ngựa mà đi bộ. Vừa gặp Gia Cát Quân, Huyền Đức vội vả làm lễ mà hỏi rằng : “Lệnh huynh hôm nay có ở nhà chăng ?” Quân thưa rằng : “Mới về hồi chiều hôm qua. Tướng quân phen này chắc gặp anh ta đặng.” Nói rồi bỏ đi mất. Huyền Đức nói : “ Phen này may lắm mới đặng gặp Tiên sinh.” Trương Phi nói : “Người ấy vô lễ quá, lẽ thì dắt bọn ta về nhà mới phải, sao lại dám bỏ đi như vậy kia.” Huyền Đức nói : “Ai có việc nấy. Chẳng thể ép người ta chuyện ấy.” Nói rồi đến thẳng trước nhà mà gỏ cửa. Đồng tử ra hỏi . Huyền Đức nói : “ Xin tiểu đồng làm ơn thưa với Tiên sinh, rằng có Lưu Bị đến xin ra mắt.” Đồng tử nói : “ Tiên sinh hôm nay tuy có ở trong nhà song còn đang ngủ chưa dậy.” Huyền Đức nói : “Nếu vậy thì người khoan vào thưa đã.” Bèn căn dặn Quan, Trương ở ngoài cửa mà đợi, Huyền Đức khẽ lén vào. Thấy Tien sinh nằm ngữa trên ghế mà ngủ, thì Huyền Đức vòng tay mà đứng dưới thềm. Giây lâu Tiên sinh chưa dậy. Quan, Trương đứng ngoài đợi đã lâu mà chưa thấy động tịnh, lén lén bước vào, thấy Huyền Đức đang đứng hầu, thì Trương Phi nổi giận nói với Vân Trường rằng : “Lão này thiệt khinh dễ chúng ta quá, lão thấy đại ca đứng hầu dưới thềm, lão lại nằm ngay chơn giò mà giả đò ngủ. Thôi để em ra phía sau kia nổi lửa đốt chòi coi thử lão dậy hay không.” Vân Trường la hết sức mới chịu thôi. Huyền Đức bảo hai người ấy ra ngoài mà đợi, rồi ngó lên ghế thì thấy Tiên sinh ấy trở mình muốn dậy, rồi lại day mặt vào vách ngủ lại. Đồng tử muốn kêu. Huyền Đức bảo đừng, rồi cứ việc đứng đợi suốt giờ. Thì Khổng Minh mới thức dậy mà ngâm thơ., ngâm rồi quay lại hỏi đồng tử : “ Có thằng cha khách rài nào đến đây chăng ?” Đồng tử thưa rằng :”Có Lưu hoàng thúc đứng đợi thầy đã lâu.” Khổng Minh ngồi dặy mà quở rằng : “Sao mi không kêu ta ?” Bèn vào nhà sau đặng sửa soạn áo mão. Giây lâu mới ra rước Huyền Đức. Huyền Đức xem thấy Khổng Minh mình cao tám thước, mặt như mão ngọc, đầu bịt khăn be, mình mặc áo rộng trắng, phong thái tựa thần tiên. Huyền Đức quỳ lạy nà rằng : “ Tôi là ngu phu dòng dõi nhà Hán, nghe danh Tiên sinh như sấm rền tai, đã hai phen đến viếng mà không gặp, nên tôi có để lại một bức thư, chẳng hay Tiên sinh đã xem chưa? Khổng Minh đáp rằng : “ Tôi là kẻ quê mùa đất Nam Dương, tính tình thưa lạc, mong ơn tướng quân đến đây mấy phen, thì tôi lấy làm áy náy.” Bèn mời Huyền Đức uống trà. Uống rồi thì Khổng Minh mới nói : “Hôm qua tôi xem ý ông thì cũng biết ông hết lòng giúp nước, ngặt vì tôi tuổi nhỏ tài hèn, nhọc lòng tướng quân hỏi đến.” Huyền Đức nói : “Lời Tư Mã Đức Thảo với Từ Nguyên Trực nói lẽ nào lại sai sao ? Xin Tiên sinh đoái nghĩ mà dạy bảo một hai điều.” Khổng Minh nói: “Đức Thảo với Nguyên Trực thông thái trên đời, còn tôi đây là đứa cày ruộng, dám đâu nói đến việc thiên hạ ? Hai người ấy chỉ, làm sao tướng quân bỏ ngọc mà đi tìm đá vậy ?” Huyền Đức nói: “Đấng trượng phu có tài kinh bang tế thế, ở nhà làm chi trong chốn lâm tuyền, xin Tiên sinh lấy thiên hạ sanh linh làm trọng, khai đường chỉ nẻo mà dạy tôi.” Khổng Minh cười rằng : “ Chí ông muốn thế nào xin nói cho tôi rõ.” Huyền Đức thưa rằng : “ Nhà Hán nghiêng ngữa, gian thần trộm lệnh. Lưu Bị chẳng biết lượng sức mình, nên muốn ra nghĩa cả cùng thiên hạ lắm. Nhưng tài trí thưa thớt, làm không xong việc, xin nhờ Tiên sinh mở lòng mà cứu nguy, thiệt là ơn trọng !” Khổng Minh nó: ” Từ Đổng Trác làm nghịch đến nay, bốn phương hào kiệt đều nổi dậy. Tào Tháo không thể bằng Viên Thiệu, mà lại thắng Thiệu được, ấy chẳng những là thời trời, mà cũng nhờ có nhân mưu nữa. Nay Tào Tháo cầm binh bá vạn, lấy thế thiên tử mà sai khiến chư hầu thì chưa nên tranh phương với va. Tôn Quyền chiếm cứ Giang Đông đã ba đời rồi, nước đã hiểm mà dân lại theo, ấy thì nên dùng làm binh viện chớ không nên đánh. Đất Kinh Châu phía Bắc có sông Hán ngăn trở lợi trọn Nam Hải, phía Đông liền với Ngô Hội, phía Tây thông với đất Ba Thục ấy là một chỗ dụng võ, nếu không đáng Chúa thì giữ không được chổ ấy là chỗ trời cho, tướng quân có ý đó chăng ? Đất Ích Châu hiểm trở, đồng ruộng ngàn dậm, ấy là nước Thiên Phủ, Hán Cao Tổ xưa kia cũng nhờ đó mà nên nghiệp đế. Nay Lưu Chương suy nhược, dân đông nước giàu mà chẳng biết thương xót, kẻ trí người hiền đều ước ao cho được Minh quân; Tướng quân là dòng dõi nhà vua, tín nghĩa rải khắp bốn biển, tom góp anh hùng, trông người hiền như khát nước, nên gồm cả Kinh Châu và Ích Châu, mà giữ lấy hiểm trở, phía Tây thì hoà với mấy Mán Mọi, phía Nam thì gồm trí đất Việt, ngoài thì kết với Tôn Quyền, trong thì trao dồi nhân chính, đợi thiên hạ sinh biến rồi, thì sai một thượng tướng đem hết binh Kinh Châu qua Oản Lạc, còn Tướng quân bản thân đẫn hết binh Ích Châu mà ra ngã Trần Xuyên, thì bá tánh ai lại không đai cơm bầu nước mà rước Tướng quân? Được như vậy thì nghiệp cả ắt nên, nhà Hán ắt dấy lại, ấy là chỗ tôi lo cho Tướng quân đó, xin Tướng quân liệu lấy.” Nói rồi bèn khiến tên đồng tử lấy một bức bản đồ treo giữa nhà, rồi chỉ mà nói với Huyền Đức rằng : “ Ấy là bản đồ phía Tây Châu, hết thảy năm mươi bốn châu đó. Tướng quân muốn nên nghiệp bá, thì phía Bắc phải nhường cho Tào Tháo chiếm Thiên thời, phía Nam thì nhường cho Tôn Quyền chiếm chổ Địa lợi , còn Tướng quân chiếm lấy chỗ Nhân hoà, vậy thì trước phải lấy Kinh Châu làm căn bản, sau sẽ lấy Tây Xuyên khai cơ lập nghiệp, làm cho nên thế đỉnh túc (ba chân vạc) rồi sau sẽ đánh thốc qua Trung Nguyên. “ Huyền Đức nghe nói đứng dậy chắp tay xá mà thưa rằng : “Lời Tiên sinh nói như mở chông gai, mà làm cho Lưu Bị này như rẽ mây thấy ngút trời xanh, hiềm vì Kinh Châu Lưu Biểu, Ích Châu Lưu Chương, cũng đều tôn tộc nhà Hán, Lưu Bị đâu nỡ thâu đoạt cho đành.” Khổng Minh nóí: “Tôi xem thiên văn, biết Lưu Biểu sống chẳng được lâu, còn Lưu Chương thì không phải Chúa mà lập nghiệp đặng, sau này ắt về tướng quân.” Huyền Đức nghe nói liền tạ ơn. Huyền Đức quì lạy thỉnh Khổng Minh rằng : “Bị tuy danh hèn đức mỏng xin Tiên sinh chớ nệ, rán mà giúp sức, thì Bị nguyện vòng tay mà nghe lời dạy.” Khổng Minh nói : “Tôi quen vui thú cày bừa, không ưa thế sự , thật tôi không dám vâng lời. “ Huyền Đức than rằng: “Tiên sinh không ra thì sanh linh trong thiên hạ biết nhờ ai ?” Nói rồi nước mắt như mưa, ướt cả vạt áo. Khổng Minh thấy có lòng thành như vậy mới nói rằng : ‘ Tướng quân có lòng đoái tưởng như vậy. Thôi thì cũng rán sức khuyển mã mà giúp cho.” Huyền Đức cả mừng, bèn khiến Quan, Trương vào lạy dâng lễ vật, Khổng Minh từ chối không chịu. Huyền Đức nói : “Các lễ vật này không phải lễ rước người đại hiền. Đó là làm rõ tất lòng của Bị đí thôi.” Khồng Minh mới chịu. “
Khổng Minh chưa ra khỏi thảo lư mà biết được việc thiên hạ chia ba thế chân vạc, thật là xưa nay chưa ai bì kịp. Lưu Bị trong chuyện Tam Quốc chẳng thấy tài cán gì ngoài những màn khóc lóc như mưa ? Vì đâu Lưu Bị dựng được nghiệp lớn tồn tại được 50 năm ?
Cái hay của Lưu Bị là biết mình tài hèn sức mọn, chỉ có cái danh là dòng dõi nhà Hán, nhưng biết trau dồi nhân chính, luôn luôn cầu khẩn người hiền tài giúp sức mình. Tài năng võ nghệ Lưu Bị không bằng Quan Công, Trương Phi nên kết nghĩa làm anh em, lấy sức anh em làm sức mình. Mưu trí thì cầu khẩn Khổng Minh. Lưu Bị hơn người ở chỗ nhẫn nại cầu người hiền, đích thân ba lần đến cầu khẩn, đến nơi thấy Khổng Minh còn ngủ vòng tay đứng đợi.
Lưu Bị không sai Trương Phi trói quách Khổng Minh đem về, cũng không nhờ Quan Vũ đi hộ mà đích thân cầu hiền. Nếu không dùng Khổng Minh, Lưu Bị chắc không làm nên trò trống gì. Lòng nhân nghĩa của Lưu Bị chắc không dám nghĩ tới lấy Kinh Châu nơi Lưu Biểu đang làm Thái thú, Ich Châu nơi Lưu Chương trấn nhậm thì làm gì xây dựng được thế chia ba thiên hạ, Tuy nhiên không có Lưu Bị Khổng Minh cũng không làm được việc, khi Lưu Bị mất rồi Khổng Minh phò con Lưu Bị ba lần ra khỏi Kỳ Sơn đánh quân Tào, lại bị ông vua trẻ con triệu về, thế là hỏng hết kế hoạch
Ts PHẠM TRỌNG CHÁNH