Tác dụng bất thường của Covid-19 J&J và AstraZeneca vắc xin: Chúng ta biết gì cho đến nay
TS Phạm Đình Bá và Bs Nguyễn Đan Quế
Khoảng ngày 15 tháng 3 năm 2021, hơn 20 quốc gia đã ngừng tiêm chủng sau khi có báo cáo về các vụ máu đông bất thường sau khi chích Covid-19 AstraZeneca vắc xin. Vào ngày 18 tháng 3, hàng chục nước ở châu Âu đã tiếp tục chương trình tiêm AstraZeneca vắc-xin sau khi Cơ quan Giám định Thuốc châu Âu (European Medicines Agency) cho biết cuộc điều tra ban đầu của họ về các tác dụng phụ máu đông từ vắc xin đã hoàn tất. Các nước nầy bao gồm Đức, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Hà Lan và ít nhất bảy nước khác (1).
Vào ngày 13 tháng 4 năm 2021, các cơ quan quản lý y tế Hoa Kỳ kêu gọi các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tạm thời ngừng sử dụng Johnson & Johnson (J&J) vắc xin, vì sáu trường hợp đông máu bất thường trong số gần bảy triệu người nhận vắc xin. Vào ngày 25 tháng 4 năm 2021, Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Hoa Kỳ và Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm đã khuyến nghị tiếp tục sử dụng vắc xin J&J Covid-19 ở Hoa Kỳ, sau khi họ điều tra về tác dụng phụ của đông máu bất thường (2).
Hiện tượng đông máu bất thường là gì?
Tổ chức Y tế Thế giới gọi đó là hiện tượng đông máu với hội chứng giảm tế bào máu (không màu) mà các tế bào nầy có tác dụng giúp đông máu, liên quan đến các hiện tượng đông máu bất thường và nghiêm trọng từ hiện trạng số lượng các tế bào giúp đông máu này xuống rất thấp (3). Những cụm máu đông này xảy ra ở các bộ phận bất thường của cơ thể, chẳng hạn như não hoặc nội tạng.
Những cụm máu đông bất thường này khác với những cụm máu đông khác như thế nào?
Cụm máu đông được hình thành bởi các tế bào đông máu, chúng liên kết với nhau để tạo thành những cục máu đông, và thông thường cần nhiều tế bào đông máu để làm điều đó (4). Các cụm máu đông bất thường hình thành ngay cả ở những bệnh nhân có số lượng tế bào đông máu rất thấp trong máu của họ. Sự kết hợp đó là không bình thường. Thông thường, khi bạn có số lượng tế bào đông máu thấp, bạn thực sự gặp vấn đề với khả năng hình thành các cụm máu đông (với tác dụng tốt để không thất thoát máu) và bạn có thể bị chảy máu liên tục khó ngừng. Hơn nữa, hiện tượng đông máu bất thường này hình thành những cụm máu đông ở những nơi nghiêm trọng như não, phổi, chân hoặc nội tạng, mặc dù thực tế là số lượng tế bào đông máu thấp. Đó là một hiện tượng bất thường.
J&J và AstraZeneca vắc xin có gây ra hiện tượng cụm máu đông bất thường không?
Cơ quan Dược phẩm Châu Âu và Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ đã dán nhãn cảnh báo trên hộp thuốc của J&J và AstraZeneca vắc xin rằng hiện tượng cụm máu đông bất thường là một tác dụng phụ rất hiếm của vắc-xin (1, 2).
Nguy cơ của cục máu đông bất thường là gì?
Tính đến ngày 4 tháng 4 năm 2021, 222 trường hợp đông máu bất thường được báo cáo sau khi khoảng 34 triệu người được tiêm AstraZeneca vắc xin ở Liên minh Châu Âu (5). Tính đến ngày 21 tháng 4 năm 2021, khoảng 8 triệu liều J&J vắc xin đã được tiêm vào người cần vắc xin, với 15 trường hợp đông máu bất thường được xác nhận.
Rủi ro ước tính là khoảng 10 trường hợp đông máu bất thường xảy ra trong một triệu người vắc xin, theo dữ liệu có được cho đến bây giờ, tuy là các dữ liệu nầy là không đầy đủ (3). Rủi ro ước tính dường như cao hơn ở những người trẻ tuổi so với những người lớn tuổi. Hầu hết các trường hợp ở phụ nữ <60 tuổi trong vòng 4 đến 20 ngày kể từ ngày tiêm liều vắc xin đầu tiên. Tuy nhiên, một số trường hợp cũng đã được báo cáo ở nam giới.
Bây giờ khi tác dụng của vắc xin về các trường hợp đông máu bất thường đã được công khai trên nhãn cảnh báo ở hộp thuốc của J&J và AstraZeneca vắc xin, các bác sĩ lâm sàng sẽ theo dõi các trường hợp nầy và báo cáo về những trường hợp nầy có thể tăng lên. Điều này có nghĩa là trong những tuần tới, số lượng các trường hợp nầy có thể sẽ cao hơn những gì chúng ta đã nghĩ trước đây về các trường hợp nầy.
Các cụm máu đông bất thường có làm giảm hiệu quả của vắc xin không?
Không, hiệu quả của vắc-xin không bị ảnh hưởng bởi những cụm máu đông bất thường này (4).
Các triệu chứng của những cụm máu đông bất thường này là gì?
Các triệu chứng nầy khác với một số triệu chứng mà mọi người gặp phải ngay sau khi tiêm chủng, chẳng hạn như mệt mỏi, đau nhức tại chỗ tiêm hoặc đau nhức khớp (4). Những triệu chứng sau là phổ biến, chúng xuất hiện ngay sau khi chủng ngừa và chúng thường biến mất sau khoảng 3-5 ngày.
Các triệu chứng liên quan đến các cụm máu đông bất thường có xu hướng xuất hiện khoảng 4 đến 20 ngày sau khi tiêm phòng và sau đó tiếp tục trầm trọng hơn.
Các triệu chứng nầy là đau đầu dữ dội, đau lưng, mờ mắt, ngất xỉu, co giật, đau dữ dội ở bụng hoặc nội tạng, đau dữ dội ở ngực, phù chân, khó thở, các nốt đỏ li ti trên da và vết bầm tím hoặc chảy máu mới hoặc dễ chảy máu (6).
Phương pháp điều trị cho những cụm máu đông bất thường này là gì?
Các bác sĩ lâm sàng nên biết rằng mặc dù heparin được sử dụng để điều trị các triệu chứng máu đông nói chung, việc sử dụng heparin để điều trị các cụm máu đông bất thường có thể nguy hiểm. Nên xem xét các phương pháp điều trị thay thế như immunoglobulin và thuốc chống đông máu không phải heparin (3).
Có điểm tương đồng nào giữa trường hợp đông máu bất thường từ J&J và AstraZeneca vắc xin không?
Có những điểm tương đồng về thời gian khi cụm máu đông bất thường xảy ra và biểu hiện của các triệu chứng (4). Thường là không bình thường khi có cụm máu đông khi số lượng tế bào đông máu thấp. Sự trùng hợp giữa các triệu chứng giữa cả hai vắc xin dường như đang chỉ đến một vấn đề tương tự giữa hai vắc xin. Hai loại vắc-xin này giống nhau ở chỗ chúng đều được sản xuất bằng vectơ adenovirus — những loại vi-rút đã biến đổi vô hại cung cấp hướng dẫn cho cơ thể về cách chống lại COVID-19. Hiện tượng các cụm máu đông bất thường tương tự không được báo cáo khi sử dụng Pfizer và Moderna vắc xin, là các loại vắc xin được phát triển theo các phương pháp khác.
Các loại vắc xin khác tương tự như vắc xin J&J và AstraZeneca là gì?
Vắc xin Sputnik V do Nga phát triển, vắc xin Cansino từ Trung Quốc và vắc xin Covishield ở Ấn Độ cũng được sản xuất bằng vectơ adenovirus.
Tại sao cụm máu đông bất thường lại xuất hiện nhiều hơn ở phụ nữ trong độ tuổi từ 18 đến 48?
Chúng ta cần thêm dữ liệu để biết chắc chắn (4). Một câu trả lời cho câu hỏi nầy có thể chỉ đơn giản là liên quan đến thực tế là nhiều phụ nữ được tiêm chủng hơn nam giới ngay bây giờ. Để xác định điều đó, chúng ta cần thêm dữ liệu.
Có nguy cơ mọi người sẽ ngần ngại tiêm vắc-xin vì vụ cụm máu đông bất thường xảy ra không?
Covid-19 vắc xin đang thiếu hụt trên toàn thế giới. Mọi người sẽ muốn có Pfizer vắc xin (khoảng 40 đô la Mỹ cho 2 liều) và Moderna vắc xin (khoảng 32 đô la cho 2 liều), chỉ vì chúng an toàn và hiệu quả hơn một ít. Nhưng ở nhiều nước, nhiều người sẽ không nhận được đề nghị từ chính phủ để tiêm miễn phí một trong những loại vắc xin này, nhất là ở những nước có thu nhập bình quân đầu người thấp. Tại Việt Nam, vắc xin Sputnik V từ Nga là phổ biến hơn cả. Ngay cả khi người có tiền sẵn sàng mua vắc xin, việc tiêm những loại vắc-xin này từ những nguồn đáng tin cậy không phải là điều đơn giản. Nhiều người sẽ được cung cấp J&J vắc xin (tiện lợi, chỉ một liều, với giá 10 đô la), AstraZeneca vắc xin (6 đến 8 đô la cho 2 liều), Sputnik V từ Nga (khoảng 10 đô la cho 2 liều), hoặc vắc xin của Trung Quốc (người viết không biết giá). Các giá nầy chỉ ước tính và có thể dao động theo cung và cầu.
Quyết định nhận đề nghị tiêm J&J vắc xin, AstraZeneca vắc xin hoặc các vắc xin khác là quyết định cá nhân. Quyết định nầy tốt nhất là cần dựa trên dữ liệu và dựa trên việc đánh giá kết quả của bạn khi bạn không biết chắc liệu các kết quả nầy có thể xảy ra hay không. Việc đánh giá kết quả nầy không phải là đơn giản, như minh họa bên dưới theo câu hỏi 1 đến 3 bên dưới.
Câu hỏi 1. Tôi có nguy cơ nhiễm Covid-19 và chịu hậu quả của bệnh nầy không?
Gợi ý: Nguy cơ Covid-19 thay đổi theo nơi bạn ở, mức độ tiếp xúc của bạn với những người khác, tuổi và giới tính của bạn, trong số một loạt yếu tố khác. Để mô phỏng, rủi ro Covid-19 dường như cao ở Hoa Kỳ, Pháp và Vương quốc Anh dựa trên lịch sử những gì xảy ra ở những nơi nầy cho đến nay (bảng). Rủi ro có vẻ là trung bình ở Đức và Gia nã đại. Rủi ro này có vẻ thấp ở Úc và Việt Nam. Như gần đây chúng ta đã học được bài học từ Ấn Độ, tất cả những hiểu biết của chúng ta về nguy cơ có thể thay đổi nhanh chóng vì một khu vực có nguy cơ thấp có thể chuyển thành nguy cơ cao trong vài tuần với loại vi rút này. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, không ai được an toàn cho đến khi mọi người đều an toàn.
Bảng. Nguy cơ nhiễm Covid-19 và tử vong so với nguy cơ hình thành cụm máu đông bất thường từ vắc xin
Covid-19 Mỹ Pháp Anh Đức Canada Ấn độ Úc Việt Nam
Số ca / 1 triệu người* 9,671 8,557 6,491 3,958 3,158 1,268 115 3
Số chết / 1 triệu* 1,724 1,587 1,873 978 633 142 35 0.36
** Cụm máu đông bất thường trên một triệu liều vắc xin: 10 –
** Nguy cơ tử vong liên quan đến cụm máu đông bất thường: 20%
Ghi chú: * Rủi ro được ước tính bằng lấy tổng số ca nhiễm hoặc tử vong từ khi bắt đầu đại dịch chia cho quy mô dân số. ** Các ước tính là từ tài liệu tham khảo # 5.
Câu hỏi 2. Thuốc chủng ngừa có tác dụng gì đối với tôi?
Gợi ý: Với việc sử dụng rộng rãi các loại vắc-xin (7), chúng ta biết rằng việc tiêm vắc-xin ngăn ngừa khoảng 60%-80% ca nhiễm COVID-19 khoảng 3-4 tuần sau khi nhận một liều Pfizer, Moderna hoặc AstraZeneca vắc-xin, mặc dù điều này thay đổi theo các nét đặc trưng về dân số (mọi người, người lớn tuổi, người ở trong các nhà chăm sóc dài hạn và nhân viên chăm sóc sức khỏe). Hiệu quả phòng ngừa này tăng lên hơn 85% sau liều thứ hai.
Chúng ta cũng biết rằng tiêm chủng ngăn ngừa bệnh nặng và nhập bệnh viện liên quan đến COVID-19, dao động từ 70% đến 90% đối với Pfizer, Moderna và AstraZeneca vắc xin (7). Hiệu quả phòng ngừa tử vong từ vắc xin là lớn, 70-96% về việc giảm tử vong do COVID-19.
Bạn cũng có thể giúp bảo vệ người khác (7). Dữ liệu đánh giá tác động của tiêm chủng ở cấp độ dân số cho thấy rằng tiêm chủng có liên quan đến việc giảm lây lan trong các quần thể và khu vực.
Câu hỏi 3. Những tác hại nào đối với tôi nếu tôi dùng J&J và AstraZeneca vắc xin?
Gợi ý: Nguy cơ bị tác dụng phụ của cụm máu đông bất thường là rất thấp. Khoảng 10 người có thể bị cụm máu đông bất thường từ 1 triệu người dùng J&J hoặc AstraZeneca vắc xin. Khoảng 1 trong 5 người bị cụm máu đông bất thường có thể chết vì nó.
Tuy nhiên, bây giờ chúng ta đã biết về tác dụng phụ này của vắc xin, và các ca đông máu bất thường đang được theo dõi chặt chẽ trên toàn thế giới (3). Chỉ cần mọi người nhận biết được các triệu chứng (xem ở trên) để được điều trị kịp thời thì có thể người đó không bị các biến chứng trầm trọng.
Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ, Cơ quan Quản lý Thuốc Châu Âu và Tổ chức Y tế Thế giới nhấn mạnh tầm quan trọng của nhận thức của các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe về việc nhận biết các triệu chứng và điều trị kịp thời và thích hợp những ca đông máu bất thường đến từ vắc xin (1, 2, 3). Các hệ thống y tế trên khắp thế giới nên chuẩn bị để đối phó với tác dụng phụ này của vắc-xin.
Đối với cá nhân, hãy cân nhắc giữa lợi và hại của việc tiêm phòng và đưa ra lựa chọn thích đáng!
Nguồn:
#1. European countries resume use of AstraZeneca’s COVID-19 vaccine, hoping pause has not dented confidence. https://www.sciencemag.org/news/2021/03/european-countries-resume-use-astrazenecas-covid-19-vaccine-hoping-pause-has-not-dented
#2. CDC Recommends Use of Johnson & Johnson’s Janssen COVID-19 Vaccine Resume https://www.cdc.gov/coronavirus/2019-ncov/vaccines/safety/JJUpdate.html
#3. https://www.who.int/news/item/16-04-2021-global-advisory-committee-on-vaccine-safety-(gacvs)-review-of-latest-evidence-of-rare-adverse-blood-coagulation-events-with-astrazeneca-covid-19-vaccine-(vaxzevria-and-covishield)
#4. Blood Clots and the Johnson & Johnson Vaccine: What We Know So Far. https://www.scientificamerican.com/article/blood-clots-and-the-johnson-johnson-vaccine-what-we-know-so-far/
#5. Risk/Benefit assessment of thrombotic thrombocytopenic events after Janssen COVID-19 vaccines: Applying Evidence to Recommendation Framework. CDC April 23, 2021.
#6. Coronavirus Resource Center. https://www.health.harvard.edu/diseases-and-conditions/coronavirus-resource-center
#7. Public Health Ontario. COVID-19 Real-World Vaccine Effectiveness – What We Know So Far. 19 April 2021.