TÌNH ĐỒNG MINH NGÀY NAY

 TÌNH ĐỒNG MINH NGÀY NAY


Đào Văn Bình


Ngày 16/9/2012, Thomas Colson trên Business Insider đã viết một bài như sau:

“Úc làm Pháp tức giận vì đã hủy bỏ khế ước trị giá 50 tỷ Mỹ Kim chế tạo tàu ngầm. Sở dĩ có quyết định này là do hiệp ước an ninh ký kết với Hoa Kỳ và Anh Quốc. Bộ trưởng ngoại giao Pháp nói rằng quyết định “tàn bạo” (brutal) này làm tôi nhớ tới những gì Ô. Trump đã làm. Pháp cũng kết án Tổng Thống Joe Biden đã đâm sau lưng chiến sĩ và so sánh Ô. Joe Biden với Ô. Trump sau khi hủy bỏ khế ước nói trên mà không báo trước.

 

Úc đã hủy bỏ khế ước trị giá 50 tỷ Mỹ Kim sau khi ký kết một hợp tác mới giữa Anh, Úc và Hoa Kỳ vì lo sợ đe dọa mỗi lúc mỗi lớn của Trung Quốc.  Theo thỏa hiệp này, những tàu ngầm chạy bằng năng lượng nguyên tử sẽ do Úc đóng khiến đưa tới sự kết thúc khế ước đột ngột giữa Pháp và Sydney.

Ngoại Trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian vào ngày Thứ Năm 16/9/2021, khi nói chuyện trên đài phát thanh France Info đã phản ứng rằng quyết định đơn phương, tàn bạo và không báo trước khiến tôi nhớ lại những gì Ô. Trump đã làm. Nó là nhát đâm sau lưng chiến sĩ. Chúng tôi kiến tạo một niềm tin với Úc Đại Lợi và ngày nay sự tin cậy đó đổ vỡ.

 

Thủ Tướng Úc Scott Morrison xác nhận về tin tức có sự thay đổi về khế ước và nói rằng đất nước ông giờ sẽ dựa vào Hoa Kỳ và Anh Quốc để đóng tàu ngầm chạy bằng năng lượng nguyên tử thay vì mua của Pháp.

 

Thỏa hiệp ban đầu với hãng Naval Group của Pháp để đóng 12 tàu ngầm ký kết vào năm 2019 giữa lúc sự lo ngại của Sydney gia tăng trước những đe dọa của Trung Quốc tại vùng Ấn- Thái Bình Dương.

Úc đã loan báo khế ước này vào năm 2016 nhưng liên tiếp bị trở ngại và tranh cãi vì ngân sách. Khế ước này trị giá 50 tỷ Mỹ Kim và nó là khế ước quốc phòng đắt giá nhất thế giới. Quyết định này của Úc là một cú đấm vào Tổng Thống Pháp Macron- người đã đầu tư rất nhiều năng lực để Pháp trở thành một thành viên chủ lực can dự vào khu vực Ấn- Thái Bình Dương. Cách đây hai tuần lễ, các bộ trưởng quốc phong và ngoại giao ức vẫn còn xác nhận là khế ước ký kết với Pháp vẫn còn hiệu lực.

 

Tòa Đại Sứ Pháp tại Úc kết án quyết định  đã loại bỏ Pháp và quyết định này chứng tỏ sự thiếu gắn bó mà Pháp lấy làm tiếc. Ô. Philippe Etienne- đại sứ Pháp tại Hoa Kỳ nói Hoa Kỳ đã phản bội sự trung thành có tính cách lịch sử của Pháp với Hoa Thịnh Đốn, gợi nhớ lại việc Hải Quân Pháp đã đánh bại Hải Quân Anh tại Vịnh Chesapeake năm 1781- một trận chiến quyết định đưa tới chiến thắng Yorktown và đưa tới nền độc lập của Hoa Kỳ.

Vào ngày hôm nay, trong một tuyên bố chung, thủ tướng và bộ trưởng quốc phòng Úc nói rằng quyết định hủy bỏ khế ước không phải là chuyện coi nhẹ (tình đồng minh). Sự hợp tác của chúng tôi với chính phủ Pháp và Naval Group trong chương trình đã giúp cho chúng tôi về loại tàu ngầm có uy lực và khả năng sát thương chưa từng thấy trước đây. Chúng tôi mong tiếp tục làm việc chặt chẽ và tích cực với bạn đồng hành Pháp. Nước Pháp là người bạn mấu chốt và là người đi chung tại Ấn Độ-Thái Bình Dương.” (Hết bài)

Tin cùng ngày cho biết tòa đại sứ Pháp tại Hoa Thịnh Đốn đã hủy bỏ buổi tiệc kỷ niệm 240 năm tình đồng minh Pháp-Mỹ dự định tổ chức vào ngày hôm nay kỷ niệm cuộc hải chiến Battle of the Capes giúp Hoa Kỳ giành được độc lập từ tay Thực Dân Anh. Theo The Week, một số chuyên viên tiên đoán rằng bang giao Pháp-Mỹ sẽ rất khó khăn trong những ngày tháng tới. Còn Thủ Tướng Anh Boris Johnson nói rằng mối liên hệ Pháp-Anh vững như bàn thạch (rock solid).

 

Bàn phiếm


Tình bạn, tình yêu, tình đồng minh, tình chiến hữu không phải lúc nào cũng như thế vì vạn vật biến đổi theo thời gian theo luật Vô Thường mà người Việt có câu “Giàu đổi bạn, sang đổi vợ”. Việc Hải Quân Pháp đánh bại Hải Quân Anh tại Vịnh Chesapeake năm 1781- một trận chiến quyết định đưa tới chiến thắng Yorktown và đưa tới nền độc lập của Hoa Kỳ…kỷ niệm đó giờ “xưa quá rồi” và người Mỹ cũng đã quên mất rồi. Nhắc lại làm chi cho thêm buồn? Cầu Golden Gate và Tượng Nữ Thần Tự Do của Mỹ đều do kiến trúc sư người Pháp xây. Giờ mình đã trở thành đại gia, mấy ai còn giữ được lời thề năm xưa khi anh và em còn “gánh nước đầu đình, tát nước bên ngòi”? Giả dụ cho tới bây giờ Mỹ vẫn còn là thuộc địa của Anh thì có lẽ Pháp là vị cứu tinh của người Mỹ. Hơn thế nữa, giữa Pháp và Mỹ thì Úc chọn ai? Pháp không có khả năng bảo vệ Úc. Chỉ có Mỹ làm được chuyện đó thôi. Ngoài ra, Anh, Mỹ, Úc, tổ tiên đều là Ái Nhĩ Lan…cùng nói tiếng Anh cho nên cùng nguồn gốc nên họ phải thương nhau hơn. Tình đời là như thế, ông Tây ơi xin cũng đừng buồn.

 

Với sự gia tăng sức mạnh quân sự của Úc như vậy. Với 12 tàu ngầm chạy bằng năng lượng nguyên tử, các nước láng giềng như Nam Dương, Mã Lai chắc chắn sẽ phải lo ngại. Quả đúng như vậy, vào ngày hôm nay 17/6/2021, bộ ngoại giao Nam Dương nói rằng thỏa hiệp tàu ngầm chạy bằng năng lượng nguyên tử của Úc sẽ tạo ra cuộc chạy đua vũ trang và quyền lực trong vùng. CònTân Tây Lan tuyên bố không cho tầu ngầm Úc vào hải phận của họ vì Tân Tây Lan là quốc gia phi hạt nhân. Vì tàu ngầm không phải để phòng thủ mà tác chiến tiêu diệt tàu chiến địch ở xa,  mười hai chiếc sẽ lảng vảng ở Hòang Sa và Trường Sa để theo dõi tàu chiến Trung Quốc liệu có đụng chạm với sáu tầu ngầm Hố Đen Kilo của Việt Nam không? Chắc Việt Nam cũng phải lo.


Hiện nay Mỹ đã rút quân khỏi A Phú Hãn, rút hệ thống hỏa tiễn phòng thủ Patriot tại Saudi Arabia và hầu như không còn can dự vào cuộc chiến Syria, Ukraina nữa…để tập trung lực lượng đối phó với Hoa Lục theo kế hoạch gọi là “Xoay Trục” có từ thời Ô. Obama. Thế Chiến III không phải nổ ra ở Âu Châu hay Trung Đông mà sẽ nổ ra ở Á Châu mà máu lửa sẽ là Biển Đông. Các quốc gia Đông Nam Á nhất là Việt Nam và Phi Luật Tân ngay bây giờ nên cầu nguyện đi là vừa. Là người Việt Nam và Phi Luật Tân, tôi sẽ nói với các đại cường rằng, “Em lạy các bác. Muốn tỷ thí võ công, xin các bác đem ra Thái Bình Dương hay Sa Mạc Sahara mà tỷ thí. Xin đừng đem chiến tranh tới nhà chúng em! Nhà chúng em đã quá nhiều chiến tranh, chết chóc rồi!”


Đào Văn Bình