Chiến tranh Mỹ-Tàu: lan rộng qua nhân quyền
Mỹ sẽ trừng phạt Tàu Cộng vì đàn áp người Duy Ngô Nhĩ
Hôm 14/11, các nhà lập pháp Hoa Kỳ đã đưa ra một dự luật yêu cầu chính quyền Trump phản ứng mạnh mẽ hơn đối với cuộc đàn áp của Trung Cộng đối với những người Hồi giáo thiểu số Duy Ngô Nhĩ, bao gồm các biện pháp trừng phạt nhắm tới các quan chức cao cấp của Bắc Kinh.
Theo Reuters, dự luật cũng yêu cầu Tổng Thống Donald Trump lên án các hành động của Trung Cộng ở Tân Cương, kêu gọi bổ nhiệm một “điều phối viên đặc biệt” về vấn đề này và cấm xuất khẩu kỹ thuật công nghệ của Mỹ mà Bắc Kinh đang sử dụng để giám sát và giam giữ hàng loạt người Duy Ngô Nhĩ.
Trong những năm qua, khu tự trị Tân Cương đã bị biến thành một ‘nhà nước cảnh sát’, với hàng loạt đồn cảnh sát, hệ thống camera dày đặc giám sát đường phố, lập các trạm kiểm soát an ninh để quét chứng minh thư điện tử của người dân. Bắc Kinh cũng bị cáo buộc vi phạm nghiêm trọng quyền riêng tư khi tăng cường thu thập thông tin cá nhân của những người Duy Ngô Nhĩ lưu vong, chẳng hạn giấy tờ kết hôn, bằng lái xe, và đe dọa gia đình của họ ở quê nhà nếu không chịu cung cấp.
Các nhà hoạt động nhân quyền cáo buộc Bắc Kinh đang cầm tù tới 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ trong hệ thống trại tập trung và trại cải tạo khổng lồ. Các quan chức Trung Cộng, sau khi không thể chối bỏ sự tồn tại của hệ thống trại này do hình ảnh chụp vệ tinh, đã tuyên bố đây thực ra là các trung tâm “huấn luyện dạy nghề” để giúp cuộc sống người dân địa phương “thêm màu sắc”.
Thượng nghị sĩ Rubio, một trong những tác giả của dự luật, nói trong một tuyên bố rằng “một số quan chức Trung Cộng phải chịu trách nhiệm về tội ác chống lại nhân loại.”
Dự luật mới kêu gọi Tòa Bạch Ốc:
– Lên án các cuộc đàn áp của người Trung Cộng về người Uighur.
– Bổ nhiệm một “điều phối viên đặc biệt” của chính sách của Mỹ về vấn đề Tân Cương.
– Xem xét cấm xuất khẩu công nghệ của Mỹ mà Bắc Kinh có thể sử dụng trong việc giám sát và giam giữ người Duy Ngô Nhĩ.
– Xem xét các biện pháp trừng phạt chống lại các quan chức Trung Cộng chịu trách nhiệm về cuộc đàn áp, trong đó có Trần Toàn Quốc (Chen Quanguo), người được cho là kiến trúc sư của cuộc đàn áp này. Theo Đạo luật nhân quyền Magnitsky, các biện pháp trừng phạt có thể bao gồm: đóng băng tài sản của những người vi phạm nhân quyền, cấm nhập cảnh vào Mỹ và cấm người Mỹ kinh doanh với họ.
– Báo cáo với Quốc hội Mỹ về các công ty Trung Cộng tham gia vụ đàn áp.
– Yêu cầu FBI bảo vệ những người Duy Ngô Nhĩ sống ở Mỹ khỏi các mối đe dọa từ nhà nước Trung Cộng.
Thượng nghị sĩ Marco Rubio, Dân Biểu Chris Smith và Thượng nghị sĩ Bob Menendez là những người bảo trợ dự luật. Ông Rubio và Smith là đồng chủ tịch Ủy Ban Chấp Hành Quốc Hội về nước Tàu, và là hai trong số những tiếng nói phê bình mạnh mẽ nhất về vấn đề nhân quyền Trung Cộng trong Quốc Hội Hoa Kỳ.
Các phụ tá cấp cao của Tổng Thống Trump gần đây cũng đã nghiêm chỉnh chỉ trích Trung Cộng đối xử với những người Hồi Giáo thiểu số ở Tân Cương, một vấn đề mà quốc tế cũng lên án kịch liệt. Cho tới nay, bất kỳ biện pháp trừng phạt nào sẽ là một hành động hiếm hoi trên cơ sở nhân quyền của chính quyền Trump chống lại Trung Cộng, quốc gia mà Mỹ đang đối đầu trong cuộc chiến thương mại căng thẳng.
Trung Cộng nói Mỹ đừng lo chuyện bao đồng
Nhà cấm quyền Trung Cộng biện minh cho hành động của mình ở Tân Cương bằng lý do “mối đe dọa Hồi Giáo”, “chủ nghĩa cực đoan” và “các cuộc bạo loạn dân tộc”. Sau khi đã kêu gọi Hoa Kỳ và các nước khác tránh xa các vấn đề nội bộ của họ. Sau khi dự luật trên được các nghị sĩ Mỹ giới thiệu, Bắc Kinh đã chỉ trích Washington không nên “nhúng mũi vào chuyện của người khác”.
Hôm thứ Năm (15/11), Bắc Kinh gọi dự luật của Mỹ là “một sự ngông cuồng không thể hiểu được” nhằm can thiệp vào chính trị nội bộ của Trung Cộng. Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao TC Hoa Xuân Oánh nói: “Tôi thấy rất lạ, những nghị sĩ Mỹ này có một sự ngông cuồng không thể lý giải nổi, đã đưa ra những nhận xét vô trách nhiệm về công việc nội bộ của nước khác! Họ biết bao nhiêu về tình huống thực tế của nước khác?” – “Tôi hy vọng các nghị sĩ Mỹ có thể quan tâm nhiều hơn đến công việc nội bộ của họ và làm tốt việc của bản thân mình hơn”.
Trước đó Trung Cộng cũng nhiều lần chỉ trích các quốc gia Châu Âu từng lên tiếng về vấn đề nhân quyền ở Tân Cương.
Các nước phương Tây bao gồm Canada, Pháp, Đức và Hoa Kỳ đã kêu gọi Trung Cộng đóng cửa các trại tạm giam ở Tân Cương, nơi các nhà hoạt động cho biết có tới 1 triệu thành viên của nhóm sắc tộc thiểu số và những người Hồi Giáo đang bị giam giữ.
Dự luật mới của Mỹ cấm cửa quan chức Trung Cộng cố tình cô lập Tây Tạng
Lưỡng viện Quốc hội Mỹ trong tuần đã thông qua một đạo luật yêu cầu Trung Cộng phải mở cửa cho các công dân Mỹ tiếp tiếp cận Tây Tạng, khu vực mà Bắc Kinh thường xuyên bị chỉ trích là có các hoạt động xâm phạm nhân quyền và tự do tín ngưỡng.
Nếu tiếp tục cô lập khu tự trị Phật giáo này, Mỹ sẽ ban hành trừng phạt các các quan chức Trung Cộng liên quan đến chính sách này. Dự thảo đã đệ trình tới bàn làm việc của ông Trump và chỉ cần một chữ ký sẽ trở thành luật.
Trung Cộng đã lên tiếng phản đối dự luật này và cảnh báo Tổng Thống Trump chớ có đặt bút ký.
Đạo luật Tiếp cận Song hành Tây Tạng 2018 lập luận rằng cần có sự công bằng đối ứng giữa việc người Trung Cộng được đến Mỹ và người Mỹ được phép vào Tây Tạng. Dự luật đưa ra các chế tài nhắm tới các quan chức Trung Cộng liên quan đến chính sách ngăn cấm các công dân, nhà ngoại giao, nhà báo và khách du lịch Mỹ tiếp cận tới Tây Tạng.
Đạo luật sẽ yêu cầu Bộ Ngoại giao hằng năm đánh giá xem liệu chính quyền Trung Cộng có phân biệt đối xử trong việc cho phép tiếp cận tới Tây Tạng và các vùng dân tộc Tây Tạng với các vùng khác của Trung Cộng hay không. Nếu Tây Tạng vẫn bị đóng cửa trước công dân Mỹ, Bộ Ngoại giao sẽ cấm các quan chức Trung Cộng chịu trách nhiệm thực hiện chính sách này được tới Mỹ.
“Bộ Ngoại Giao Mỹ hàng năm sẽ báo cáo lên Quốc Hội, xác định những cá nhân đã bị cấm vào Mỹ từ năm trước và danh sách những quan chức Trung Cộng tham gia đáng kể vào việc hình thành, thực thi chính sách ngăn cản các nhà ngoại giao, nhà báo và công dân Hoa Kỳ tới vùng Tây Tạng”, dự luật ghi.
Theo APF, Thượng nghị sĩ Robert Menendez, thành viên của Ủy Ban Đối Ngoại Thượng Viện nói rằng dự luật này là về “sự công bằng cơ bản.”
“Công dân Trung Cộng có thể tới Mỹ một cách dễ dàng, và tôi nghĩ điều đó rất tốt. Nhưng tôi không thể chấp nhận khi điều tương tự không tồn tại đối với sinh viên, nhà báo và nhà ngoại giao Mỹ khi họ muốn tới Tây Tạng, bao gồm cả những cử tri người Mỹ gốc Tây Tạng chỉ muốn về thăm cội nguồn của họ”, ông Menendez nói.
Dự luật này đang chờ chữ ký của Tổng Thống Trump sau khi thông qua cả 2 viện mà không vấp phải một tiếng nói phản đối nào. Việc nó thông qua 2 viện là nỗ lực 4 năm của nhóm vận động Chiến Dịch Quốc Tế vì Tây Tạng (ICT) và các nhóm ủng hộ Tây Tạng cũng như những người vận động tự do khác.
Matteo Mecacci, chủ tịch ICT, một nhóm gần gũi với Đức Đạt Lai Lạt Ma cho rằng việc dự luật nhận được sự ủng hộ toàn diện của Quốc Hội Hoa Kỳ đã “gửi một thông điệp rất rõ ràng tới chính quyền Trung Cộng rằng người Mỹ quan tâm sâu sắc tới tình hình bên trong Tây Tạng, và quan ngại về chính sách cô lập Tây Tạng mà Trung Cộng đã áp đặt.”
“Đây là vấn đề đối ứng và công bằng, và điều rất quan trọng là Hoa Kỳ đang thách thức các chính sách của Trung Cộng, không chỉ về thương mại hay kinh tế mà còn về nhân quyền, chẳng hạn quyền tự do di chuyển, tự do thông tin và thượng tôn pháp luật”, Mecacci nói.
“Mục đích của chúng tôi là không phải cấm các quan chức Trung Cộng tới đây mà là mở cửa Tây Tạng với thế giới.”
“Nếu họ [Bắc Kinh] chọn xóa bỏ hệ thống cấp phép tiếp cận này, đó sẽ là một kết quả mà hai bên cùng thắng.”
“Chúng tôi tin rằng Tổng Thống Trump sẽ cân nhắc đến các vấn đề trên khi quyết định ký nó thành luật.”
Trung Cộng ngay lập tức lên tiếng phản đối kịch liệt dự luật này, kêu gọi Tòa Bạch Ốc chớ ban hành thành luật.
Tờ Hoàn Cầu Thời Báo của Đảng Cộng sản Tàu có bài phản bác dự luật Tây Tạng, cáo buộc Hoa Kỳ “tiêu chuẩn kép” thậm chí có “nhiều tiêu chuẩn” về nhân quyền.
Người phát ngôn Lục Khảng của Bộ Ngoại giao Trung Cộng nói trong một cuộc họp báo thường kỳ: “Dự luật này can thiệp chuyện nội bộ của Trung Cộng và liều lĩnh không thèm đếm xỉa đến sự thực cũng như đi ngược lại những chuẩn mực cơ bản của quan hệ quốc tế.”
Ông Lục nói thêm rằng nhiều du khách trong và ngoài Trung Cộng đã đến thăm Tây Tạng mỗi năm và rằng gần 40.000 công dân Mỹ đã đến Tây Tạng kể từ năm 2015 trong đó có nhiều chính trị gia.
Đến nay ông Trump chưa tỏ rõ thái độ về vấn đề Tây Tạng, tuy nhiên theo AFP, có nhiều khả năng ông sẽ ký thành luật do dự luật được ủng hộ rộng rãi trong Đảng Cộng hòa của ông.
Hai bản tin theo tài liệu của trithuctre.vn & Reutres
VIỆN NHÂN QUYỀN VIỆT NAM