Chủ nghĩa Marx kiểu tàu
Laurence Defranoux & Lưu Chí Phàm
Sự kiểm soát giáo sư và học sinh ở các trường đại học Trung Quốc ngày càng nặng nề. Theo dõi và tố cáo trở thành chuẩn tắc. Chế độ kiểm duyệt áp dụng cho cả những nhà nghiên cứu người nước ngoài cũng như các tạp chí quốc tế.
Một buổi sáng tháng 11, mười sinh viên tươi cười đứng hiên ngang trước cửa hàng Apple Store ở Bắc Kinh, trong tay mỗi người một tờ giấy. Mã Yên (*), sinh viên cử nhân kinh tế Trường Đại học Nhân dân, giải thích : « Chúng tôi chẳng làm điều gì sai trái, nên không ngại sẽ gặp nguy hiểm ». Trên biểu ngữ là một dòng ủng hộ sinh viên Trùng Khánh (miền nam Trung Quốc) bị bắt buộc phải làm việc không công cho những công ti làm gia công cho Apple, nếu không sẽ không được cấp bằng tốt nghiệp. Công an lập tức ập tới, tịch thu các biểu ngữ và bắt đi hai sinh viên. Ngày hôm sau, mươi mười hai người bạn của họ họp nhau ngoài giờ học để nghiên cứu những luận đề của Karl Marx, nhằm áp dụng cho công nhân, sẽ bị những người mặc thường phục bắt cóc. Thật trớ trêu, lí tưởng mác-xít về đấu tranh giai cấp và sự hội tụ các cuộc đấu tranh đã trở thành mối đe doạ đối với một chế độ chính trị mà hai chữ « cộng sản » chỉ còn là một cái danh hiệu. Lãnh tụ tối cao của chính thể, Tập Cận Bình, lên cầm quyền từ năm 2013, ca tụng một thứ chủ nghĩa tư bản cứng rắn nhất, dành cho mình độc quyền diễn giải các luận điểm của nhà triết học Đức, và e ngại bất luận phòng trào nào có khả năng phá hoại uy quyền của mình. Mã Yên chưa bị bắt, nhưng sẽ khó ghi tên trở lại ở trường đại học. Trong tất cả các trường đại học ở Trung Quốc, sinh viên mác-xít bị canh chừng và có thể bị trừng phạt.
«Bảy mối nguy cơ Tây phương»
Sinh viên, và cả các giáo sư, nhân viên hành chính, nghiên cứu viên… Giới đại học ngày càng trở thành nỗi ám ảnh muốn kiểm soát của Đảng cộng sản Trung Quốc và người lãnh tụ tối cao. « Camera gắn cả trong lớp tôi. Nói điều gì không vừa ý, tôi sẽ bị ghi âm. Tôi tránh né những đề tài nhạy cảm, ví dụ điều gì có thể bị cho là phê bình, dù là bóng gió, hệ tư tưởng hay là chính quyền – một giáo sư trẻ, ông Vương (*) nói, và yêu cầu không nêu tên. Từ ngày tôi bắt đầu đi dạy, cách đây năm năm đến nay, không gian tự do đã thu hẹp đi nhiều. Ngày càng nhiều những đề tài phải tránh né ».
Xuất xứ các đề tài bị cấm đoán là « Tài liệu số 9 », một chỉ thị mật dành cho các bộ Đảng, đã được nhà báo Cao Du công bố năm 2013 (sau đó bị bắt giam). Văn kiện này quy định « 7 mối nguy Tây phương » : quyền con người, dân chủ định hiến, tự do báo chí, xã hội dân sự, phê bình những sai lầm của Đảng, chủ nghĩa tư bản và sự độc lập của ngành tư pháp. Các trường đại học được chỉ thị không được đề cập đến những vấn đề này, giáo sư thì phải dự những cuộc họp để tuân thủ đường lối chung, cụ thể là những «tư tưởng Tập Cận Bình». Ai vượt qua lằn ranh sẽ phải trả giá đắt : tháng 5.2018, Địch Cúc Hồng, giáo sư Phân khoa Kinh tế & Luật Trường Đại học Trung Nam (tỉnh Hồ Bắc) đã bị treo giò sau khi đề cập trong giờ dạy việc sửa đổi Hiến pháp cho phép Tập Cận Bình làm chủ tịch mãn đời.
«Thay đổi thế giới tinh thần»
«Hồi tôi là sinh viên trong những năm 80, các thầy cô có thể phê bình chính quyền, và hoạt động cho quyền con người. Bây giờ, không thể nào được nữa. Chỉ được kể lể sự việc, không được lí giải, bình luận. Nhiều giáo sư đã bị trừng phạt. », ông Lưu (*), một nhà giáo Bắc Kinh nói như vậy, và than phiền Trung Quốc đã trở thành «một xã hội kiểu Liên Xô trước đây». Ông Lưu không chịu nêu tên những đồng nghiệp «có đầu óc độc lập» vì sợ chính mình sẽ bị lộ. Theo dõi, tố cáo và kiểm duyệt đã trở thành chuẩn mực trong khuôn viên đại học. Axel (*), một người Âu giảng dạy về khoa học xã hội từ mười năm nay ở Trung Quốc, đã mô tả không khí ngột ngạt trong một lớp học có gắn từ ba tới năm máy quay phim: «Trong một nhóm trao đổi riêng tư của chúng tôi qua mạng WeChat, một đồng nghiệp đã nói tới mà không nêu tên một nữ sinh đã than phiền (về chính quyền, chú thích của Ban biên tập). Ngày hôm sau, anh ta bị bí thư chi bộ tại địa phương gọi tới, bắt anh phải đưa tên cô sinh viên. Đây là cả một sự thay đổi thế giới tinh thần.»
Tháng 11, Trường đại học công nghệ Quế Lâm đòi kiểm soát toàn bộ điện thoại, máy tính và USB trong trường, bị phản đối dữ dội nên đã phải lùi bước. Cùng lúc, chính quyền Trùng Khánh hé lộ thông tin trong kỳ thi cuối năm, các thí sinh sẽ bị « điều tra về chính trị », khiến người ta liên tưởng tới thời Mao, những « thành phần lý lịch xấu » không được vào đại học. Liên lạc qua email, giáo sư Di (*) than phiền : « Trong nghề dạy học, tôi thích nhất là những cuộc trao đổi tự nhiên với các bạn trẻ. Bây giờ, tôi phải thận trọng trong từng câu từng chữ vì tôi biết có những sinh viên được Đảng trả tiền để làm chỉ điểm.» Theo South China Morning Post, một nhật báo xuất bản ở Hồng Kông, «sau khi ban hành Tài liệu số 9, các trường đại học đua nhau tuyển dụng những « báo cáo viên » trong sinh viên, có nhiệm vụ hàng tuần báo cáo về những « ý kiến lệch lạc », về nội dung các bài giảng và thái độ của lớp học ». Cán bộ cũng bị tố cáo : tháng mười 2018, phó khoa trưởng Trường đại học truyền thông Chiết Giang đã bị « cảnh cáo nghiêm khắc » bởi đảng uỷ vì ông đã trách sinh viên « học vẹt sách giáo khoa mà không phát huy tinh thần phê phán ».
«Chủ nghĩa Marx chữa trị bách bệnh »
Khoa học cũng như nghệ thuật đều bị chế độ kiểm duyệt. Ông Di cho chúng tôi biết mỗi lần lên lớp, ông phải đặt một cuốn giáo khoa mác-xít lên bàn cho mọi người trông thấy. « Tất nhiên tôi chưa hề đọc cuốn sách ấy. Cho đến giờ, ban giám hiệu chưa kiểm tra xem tôi có dùng cuốn sách không. Nhưng sau này, ai mà biết. Rất khó tìm ra cách nào để bất tuân ». Nhiều người nghĩ đến việc xuất ngoại. Bà Vương đã vạch cho mình « lằn ranh đỏ » : « Người nào trích dẫn ‘tư tưởng Tập Cận Bình’ mới có bài công bố trên các tạp chí lớn. Riêng tôi, tôi không chịu trích dẫn ngữ lục trong các bài giảng. Nếu một ngày kia, người ta bắt buộc phải làm, thì tôi sẽ bỏ nghề ». Ở miền nam, Axel mô tả một tình hình tương tự : « Ở trường chúng tôi từ nay, chương nào cũng phải liệt kê trong thư mục những kinh điển mác-xít, tư tưởng Tập Cận Bình. Toàn là văn bia ba láp, với những câu đạo đức giả kiểu « chủ nghĩa Marx chữa trị bách bệnh » ». Một giảng viên trích dẫn một bài báo về « nạn ô nhiễm và chủ nghĩa Marx », một hội nghị về « chủ nghĩa Marx và các bệnh truyền nhiễm tính dục » : « Điên đến thế là cùng. Các đồng nghiệp người Trung Quốc bắt đầu lo lắng sẽ mất uy tín trên quốc tế ».
Chloé Froissart, giảng sư Trường đại học Rennes II, vừa trở lại Pháp sau bốn năm giảng dạy ở đại học Thanh Hoa, cho thấy chế độ ấy đã đụng tới cả giới nghiên cứu người nước ngoài : « Ngân sách to lớn mà Trung Quốc dành cho nghiên cứu có một hấp lực mạnh mẽ đối với các nhà nghiên cứu ngoại quốc nói chung, người Pháp nói riêng. Muốn đưa ra một chương trình hợp tác về khoa học xã hội với các đồng nghiệp Hoa nhân, thì hoặc là phải tuân thủ đường lối tư tưởng của chế độ, hoặc là chọn một đề tài nghiên cứu thuần tuý kỹ thuật, triệt thoái mọi vấn đề chính trị, không có chọn lựa nào khác ». Bài viết khoa học của các đồng nghiệp Trung Quốc bị duyệt rất kỹ, chỗ nào bị quy là lệch hướng đều bị kiểm duyệt. « Sự e sợ được duy trì tồn tại vì người ta không thể biết chính xác cái gì bị cấm, cái gì không. Thành thử người ta khuôn mình trong những đề tài nhỏ lỉ ti, không thể bị kiểm duyệt ». Tự kiểm duyệt trở thành phổ biến trong giới giảng dạy và nghiên cứu Hồng Kông, và lây lan sang cả Châu Âu và Hoa Kỳ. Một số người sợ mất visa, phải cách ly với thực địa nghiên cứu của mình, đành tránh né mọi phát biểu phê phán Bắc Kinh trong các cuộc trả lời phỏng vấn. Lô gic thương mại khiến cho có những nhà xuất bản cũng dùng kéo kiểm duyệt. Bắc Kinh đã yêu cầu Cambridge University Press gỡ mấy trăm bài trên trang mạng của mình, và nhà xuất bản này đã nghe lời. Springer, nhà xuất bản khoa học xã hội lớn nhất, cũng thế. Nhà Trung quốc học than phiền : « Có một sự hội tụ giữa những ràng buộc về lợi nhuận kinh tế của hệ thống xuất bản khoa học và những mục tiêu kiểm duyệt chính trị của Trung Quốc ».
Chính quyền Bắc Kinh lao vào một vòng xoáy mấy tháng gần đây ngày càng gia tốc. Và họ cũng chẳng cần giữ kẽ nữa. Tháng tám vừa rồi, một giáo sư nghỉ hưu, tỉnh Sơn Đông, đang trả lời phỏng vấn qua điện thoại của một đài phát thanh Mỹ, thì một nhóm người mang vũ khí xông vào nhà, cắt ngang cuộc phỏng vấn trực tiếp. Từ đó, ông giáo sư mất tích. Tháng 11, hai nhà trí thức được mời tham gia bàn tròn ở Harvard, đề tài « Trung Quốc, bốn mươi năm mở cửa », bị chặn ở sân bay. Trương Luân, giáo sư Trường đại học Cergy, trở về từ bàn tròn này, cho chúng tôi biết hai trí thức ấy « không phải là những người bất đồng chính kiến. Họ chỉ trình bày những quan điểm đôi chút phóng khoáng. Bất luận quan điểm gì đi nữa, mác-xít hay liberal, hễ đi chệch ra khỏi đường lối chính thức là bị trấn áp ».
Mã Yên nằm trong số những người mác-xít trẻ ở Trường Đại học Nhân dân, hồi tháng tám đã tới Thẩm Quyến ủng hộ công nhân nhà máy Jasic Technology muốn lập công đoàn độc lập để bảo vệ quyền lợi lao động. Nhiều công nhân và năm mươi sinh viên đã bị bắt giam, một số đến nay vẫn ở trong tù. Những sinh viên được thả, về trường thì bị kỷ luật. Nhưng tấm ảnh nhóm sinh viên mặc áo mang khẩu hiệu mao-ít, giơ nắm đấm lên cao, đứng bên công nhân, đã gây ấn tượng trong dư luận. Điều hiếm có, trường đại học Cornell (Mỹ) đã huỷ bỏ hiệp ước đối tác với TĐH Nhân dân để phản đối hình phạt đối với những sinh viên chỉ vì họ « bảo vệ quyền lao động ». Tuy nhiên, tất cả những nhà giáo mà chúng tôi phỏng vấn đều than phiền là đa phần sinh viên đều « thờ ơ với chính trị », « không quan tâm tới tư tưởng mà chỉ nghĩ tới tiền và ăn chơi ». Nhưng nhiều người nhận xét rằng « một thiểu số » dường như muốn đấu tranh để bảo vệ các quyền của mình. « Một số giảng viên và sinh viên cam chịu với chính sách cứng rắn, nhưng có những người không chịu. Nhiều người bề ngoài thì tuân thủ để được yên thân. Nhưng tư tưởng con người, ai mà cấm đoán được », Chloé Froissart kết thúc câu chuyện.
Đè bẹp mọi khả năng phát biểu ngôn luận, Tập Cận Bình chấp nhận nguy cơ âm ỉ một sự phẫn nộ thầm lặng. Chỉ dấu cho thấy Đảng cộng sản – vốn coi nặng vai trò của trấn áp và tuyên truyền – nhận thức được sự mong manh của một chính quyền tuyệt đối, là họ vừa bổ nhiệm một cựu lãnh đạo của bộ Công an, đầu năm 2019 tới đây, làm hiệu trưởng Bắc Đại, trường Đại học Bắc Kinh nổi tiếng. Là nơi, cách đây đúng một thế kỷ, nổ ra cuộc « Cách mạng Ngũ Tứ ». Và năm 1989, cuộc nổi dậy Thiên An Môn.
Laurence Defranoux và Lưu Chí Phàm (Bắc Kinh)
NGUỒN : Libération, 5.12.2018.
Bản dịch của Kiến Văn
VIỆN NHÂN QUYỀN VIỆT NAM