Nguyễn Quang
Một di dân đang dùng điện thoại
di động điều khiển từ xa người thân và bạn bè di chuyển từng đích phải đến theo
chỉ dẫn của Google Maps. Người Syria năng động nhất trong việc này, từng đoàn
di dân đang tiến về nước Đức qua các nước thuộc khối Liên Hiệp Âu châu hầu như
được điều khiển bởi những “bộ tham mưu nho nhỏ” rất hiệu quả như thế này.
Bên trong các trại tỵ nạn, sinh
hoạt bên người Syria mới thấy rõ “Đoạn trường ai có qua cầu mới hay”, ngay đến
một đứa trẻ cũng rất háo thắng và lúc nào cũng cho cái đúng thuộc về mình. Một
cậu bé mười tuổi lúc nào cũng ngổ ngáo tranh
chỗ cho bố mẹ nhận phần ăn trước nhưng không lo sắp hàng từ sớm, thế là em tạm
gây với người khác và gọi an ninh đến để giải quyết, nhưng thật sự chính em mới
là người gây mất trật tự và một số các thanh niên, người lớn Syria khác cũng
vậy.
Nét chung của các di dân khi vào
đây đều quây quần thành từng nhóm nhỏ, dường như có một bóng ma sợ hãi của
chiến tranh, đói khát, bị rượt đuổi đang rình rập họ và nguy hiểm vô cùng vẫn
là kẻ thù từ bên trong, người Anbania rất sợ Albania,
Afghanistan rất sợ nhau, Syria, Iran…và nhất là Việt Nam trong ngoài bảo nhau: “gặp
người Việt nên cẩn trọng”. Họ sợ người cùng dân tộc, bởi lẽ họ biết tẩy nhau, hoặc vì
ghét nhau do khác tín ngưỡng.
Nhưng người Việt Nam gặp mặt bên
nhau chặt chẽ nhất, thật ra nếu có phản gián cũng chỉ là một con số rất nhỏ
hoặc vì chút quyền lợi trong phút chốc thiếu suy nghĩ mà làm lợi cho ai đó như
trong trường hợp không được chấp nhận tỵ nạn và phải trở về Việt Nam, họ mới
khai báo những gì họ đã biết để lấy lòng hầu được yên thân khi trở về, song tâm
trạng chung đều muốn chạy khỏi Việt Nam.
Khi có một người Việt mới đến,
tất cả những người hiện có mặt trong trại đều chạy đến vui mừng, cùng giới
thiệu với nhau, điều làm tôi ngạc nhiên là hầu hết họ thuộc miền Bắc Việt Nam,
tỵ nạn chính trị và họ nói đang bị truy nã, có người nói họ có cả lệnh truy nã
chính trị. Là một người đấu tranh nhân quyền suốt một thời gian dài trong bốn
thập kỷ qua tại quê nhà, tôi lấy làm mừng có nhiều bạn hữu ở nơi này, nhưng sau
nhiều lần giao tiếp, họ cho tôi cả số điện thoại của luật sư đã giúp họ. Giá cả
trung bình cho một bộ hồ sơ như vậy khoảng 40000 Âu kim, tôi chỉ nói mình xin
tỵ nạn nhân đạo để chữa bệnh tuổi già nên không có nhu cầu luật sư.
Một người bạn trẻ gốc Hà Tĩnh, có
tên “Ông Nội”, anh giải thích mình
không nói tên thật chỉ nói “nick name” để “tụi” châu Phi nó gọi ông nội hằng
ngày cho vui. Anh cũng tỵ nạn chính trị và nghe nói có cả lệnh truy nã chính
trị của Hà Nội. Những kinh nghiệm của anh tích lũy trong các trại tỵ nạn đã
giúp tôi rất nhiều thông tin. Anh luôn nhắc nhở tôi nên có số điện thoại của
luật sư vì với người Đức, họ là con người của giấy tờ, làm gì cũng có chứng cứ.
Những cuộc hôn nhân tạm thời hay
bắt đầu từ trong trại tỵ nạn, một chị phục vụ người Đức đã có hai con, ly dị,
nay kết bạn với một anh tỵ nạn Cuba rất điển trai và hầu như anh ta rất ít có
mặt trong trại dù có tên trong danh sách. Hầu như con người khi sinh ra đều có
bổn phận phải di truyền giống nòi, nên không mấy ai ngủ quên trong vai trò này.
Hai người Belarus
ngoài năm mươi, theo Ông Nội cho biết họ cũng mới lấy nhau và tưởng như đã lâu
năm tri kỷ.
Cũng không thể quên các dân tộc
thuộc Liên Xô cũ trước đây, họ đang xin tỵ nạn và mọi người gọi chung là “người
Nga”, họ rất kênh kiệu và lúc nào vênh vênh tự đắc, có thể trong thâm tâm họ
vẫn “nhận nhầm” mình là Bạch Nga và đây cũng là điểm đặc biệt họ hay nhận nhầm
trong cuộc sống và rất háo thắng nhưng có một thực tế khi trò chuyện không ai
chịu chạy về với nước Nga và xem đó là một thảm họa.
Có một phiên xử của an ninh về
con cái họ đã quá nghịch khi trời lạnh nhưng lén phun nước vào các di dân khác
khi họ làm vệ sinh, ai cũng buồn cười về lối biện hộ ngược của họ như có thể tự
đổ nước vào người rồi vu oan cho con cái họ; các ông bà đã chui vào nhà vệ sinh
rồi nhìn trộm hay làm sao mà biết... Nói chung, họ luôn có một lối lý luận gọi
là ngược ngạo hơn bình thường và không xem đó trái với đạo đức nhưng với họ
“việc làm chứng dối” để vượt qua là thiết yếu.
Một người Belarus có thói quen người Việt gọi
là “đái bậy”, vì trời lạnh anh ta làm biếng đến nhà vệ sinh nên làm đại sự ngay
lối cửa thoát hiểm. Nhiều người khuyên không nên như vậy, nhưng anh ta la lối
nói rằng: có người trong phòng ho vào ban đêm làm tôi mất ngủ, nên làm như vậy
thì sao? Chứng ho rất phổ biến trong các trại tỵ nạn hầu như khó ai tránh khỏi.
Nếu anh đi tị nạn bởi đau khổ vì chiến tranh thì anh sẽ
không bao giờ bạo động nhưng những người Iran mà tôi chứng kiến, họ có tính
tình rất thô bạo, dù họ đã là Tin Lành, Công Giáo, Do-thái Giáo, Ki-tô Giáo
đông phương. Những vụ đánh nhau thường xảy ra giữa họ với nhau hơn các dân tộc
khác và rất hiếm có lòng vị tha khi va chạm một chút quyền lợi với người cùng
phòng có thể xảy ra gây gổ.
Tôi cũng chứng kiến vài người Iran suốt ngày than vãn: người Đức
không tốt, thực phẩm không tốt, trại tỵ nạn không tốt… phát tiền trợ cấp hơi
chậm một tí họ cũng than: không tốt. Nhưng bảo hãy quay về nước hay tìm một
nước khác thì họ có vẻ trông chờ người Mỹ, người Anh.
Từ bên ngoài trại tỵ nạn tin từ Berlin cho hay khi một
người đàn ông Iran đang gây hấn và đe dọa người qua đường, tức thời bốn xe cảnh
sát được điều đến quận Spandau, phía tây thủ đô Berlin, để khống chế một người
đàn ông và một nữ cảnh sát tiến lại gần, ông này rút con dao dài 9cm đâm ngay
vào vùng cổ họng của nữ cảnh sát. Cảnh sát Đức cho biết họ buộc phải bắn hạ. Kẻ
tấn công, 41 tuổi, thiệt mạng trên đường đến bệnh viện.
Trên trang
Twitter, cảnh sát Berlin
cho biết nữ cảnh sát bị thương đã được đưa đến bệnh viện bằng trực thăng. Hiện
tình trạng của cô đã ổn định và cô đang được các y bác sĩ chăm sóc đặc biệt.
Nước Đức đang hành động dựa trên nguyên tắc nhân bản. Nguyên tắc nhân bản
đó là thà rằng cứu lầm còn hơn để hàm oan cho những người vô tội, cho dù có
nhiều quan ngại về khả năng những kẻ khủng bố có thể trà trộn vào dòng người di
cư để vào các nước Châu Âu, chính đó là cái lúng túng đối với thế giới tự do.
Nhưng từ bên trong các trại tỵ nạn mới chứng kiến cách giải quyết của họ rất
bài bản từ kinh nghiệm cũng như phương pháp đối phó với dòng người di cư vĩ đại
của châu lục này.
Quả là
có sự biến động của toàn xã hội Đức và là một sự bấn loạn với các nước trong
các nước lân bang ở Âu châu, nhưng như một dàn nhạc cứ tiếp tục trình diễn dưới
sự điều khiển của nhạc trưởng Angela Merkel. Người dân khắp nước đều tỏ lòng
đồng cảm với người tỵ nạn và mong ước rồi họ sẽ hòa nhập để đưa nước Đức phát
triển như họ đã mở rộng tầm tay cưu mang 17 triệu người Đông Đức khi cộng sản
Đông Âu sụp đổ trước đây.
Hình
ảnh người dân Munich chào đón di dân bằng chăn mền, thức ăn, nước uống….những
nhu cầu cấp thiết nhất từ bàn tay của các tình nguyện viên sau giờ làm việc ở
công sở, nhà máy khiến mọi người trên thế giới phải nể phục người dân Đức trong
cách đối xử với với tha nhân đang hoạn
nạn.
Và bên
trong các trại tỵ nạn ngay lúc bạn ghi tên tuổi trên mảnh giấy nhỏ, tinh mắt
một tí bạn sẽ thấy mình đang qua một hệ thống camera điện tử cùng các nhân viên
an ninh mà theo tôi không thể là người bình thường, họ rành các thứ tiếng nhất
là tiếng Anh và như thế là bạn đã qua một vòng thanh lọc đầu tiên.
Khi
qua khỏi cánh cửa đầu tiên, giống như đi qua một thế giới khác, với những những
thủ tục nhẹ nhàng nhưng tôi nghĩ tất cả kẻ gian khó mà qua mắt được con mắt của
các điệp viên.
Tôi đã
từng qua truông bao cửa tra tấn, đối diện với hằng hà sa số điệp viên giả thật,,
mật vụ công an từ thấp đến cao và phải đối phó với chúng nên đã quen con mắt
nhận diện khi gặp các cảnh sát Đức trong bộ thường phục ở những tầm cỡ khác nhau.
Tôi tin Thượng Đế sẽ giúp họ vì thật sự không ai đoán được chữ ngờ cho dù
nghiệp vụ rất giỏi vì khả năng ngăn chận vẫn bị giới hạn khi một hai kẻ phá
hoại vẫn có thể tinh vi quỷ quyệt mà luồn lọt vào.
Đối
với người tỵ nạn, sau khi qua các vòng thủ tục với cảnh sát, danh từ hay nhắc
đến hằng ngày như con trẻ nhắc đến mẹ, đó là hài từ Xã Hội. Họ trông chờ các
tổ chức xã hội đến và ai cũng có nguyện vọng mong được giải quyết, nhất là phát
tiền trợ cấp để mọi người chi dùng thêm. Các tổ chức xã hội dân sự đã cố gắng
tìm kiếm mọi điều kiện để tạo sự hòa nhập giữa di dân vào sinh hoạt cộng đồng
địa phương, vào mỗi ngày Chúa Nhật thường có những đoàn xe ô tô con, như ở nước
tôi để đưa đón các lãnh tụ, nơi đây phục vụ chở dân tỵ nạn đi nhà hàng buffet,
vào các kho trưng bày quần áo chọn lựa tùy thích, cho dù có quá nhiều người
tham lam nhưng không có nhân viên xã hội nào than phiền, họ còn khuyến khích
hãy chọn những bộ đồ phù hợp và đẹp nhất. Thế rồi người có lòng tham dường như
cảm thấy “xầu hổ” và mọi người cũng chỉ chọn nhiều lắm hai ba kiểu thời trang,
trong khi lúc đầu ai cũng muốn ôm hết vào lòng mình. Người Đức đã dạy bài học
biết thẹn của cô gái mười lăm khi bước chân vào ngưỡng cửa cuộc đời mà có khi
chúng ta đã quên hẳn.
Tôi
nhớ cũng cách trị lòng tham nhưng với người cộng sản có khác, trong cơn đói
khát một người bạn tù đã khéo léo chặt nguyên một quầy chuối chôn giấu và tính
toán mỗi ngày sẽ dùng vài quả cho qua cơn đói, nhưng chẳng may bị bắt gặp, ngay
tức thời cán bộ cai tù đã ra lệnh cho anh ta quỳ xuống và ăn cho hết cả chục
nải chuối trong một buổi sáng. Người tù đã bị phạt quỳ gối chỉ còn thêm cú lạy,
nhưng việt cộng nhất quyết vẫn không chịu tha, hậu quả vào buổi sáng hôm ấy đã
có người bị khiêng đi cấp cứu vì bội thực nặng.
Một
người Albania tâm sự, ở nước tôi không bao giờ có được bữa ăn như thế này, dù
tôi là một kỹ sư làm hết sức mình, mỗi tháng không thể nào dư nổi năm trăm Âu
kim như hiện tại với ba người, dù đó chỉ mới là tiền trợ cấp. Nào bánh mì dùng
không hết, các loại trái cây, mật ong và sữa mỗi ngày cả lít…Đó là tất cả những
gì mà thanh niên nam nữ nước tôi chạy tìm đến với nước Đức.
Trên các trang web mở được từ các trại tỵ nạn, một em bé 5
tháng tuổi nằm trong số những người bị thương trong vụ xô xát với cảnh sát tại
biên giới của Hungary , giáp
với Serbia
để phản đối vụ đóng cửa biên giới, em
bé đó suýt chết vì hơi cay.
Song bên trong các trại tỵ nạn khi con người thật sự tự do
cũng chết, tỷ lệ cứ mười trẻ em đã xảy ra tại nạn với một bé hoặc gãy tay, gãy
chân, trật tay, trật chân do sự hiếu động của chúng. Con trẻ được ưu tiên với
nhiều trò chơi khá nhiều thể loại và chúng thường chơi quá sức mình.
Những lời kêu gọi trên bình diện nhân loại mang tính phổ
quát thật đáng trân trọng, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon nói rằng hành
vi trấn áp của Hungary là “không thể chấp
nhận được”. Ông hối thúc tất cả các nhà lãnh đạo Âu châu chứng tỏ lòng
thương cảm đối với những người di dân. Vì họ là những người chạy trốn chiến
tranh và những sự đàn áp cho nên chúng ta phải chứng tỏ sự lãnh đạo với lòng
trắc ẩn. Nhà lãnh đạo Liên Hiệp Quốc nói
thêm rằng những người di dân phải được đối xử với một cách thức phù hợp với
phẩm giá của con người.
Trong khi đó, các nhà lãnh đạo Âu châu vẫn còn đang tìm
cách đạt được một sự đồng thuận về cách thức tốt nhất để ứng phó với làn sóng
người di cư từ Trung Đông và Bắc Phi.
Từ đầu năm đến nay, hơn 430.000 người di dân, trong đó có
những người tị nạn từ Syria
và Iraq ,
đã vượt biên sang Âu châu. Các tổ chức tranh đấu cho quyền lợi của người di dân
cho biết gần 3.000 người đã thiệt mạng trong lúc vượt biên.
Có nhiều phương án để giải quyết di
dân nhưng chắc chắn sẽ không có chuyện đẩy họ quay về vùng đất của chiến tranh
và sự tàn sát.
Trước sự điềm tĩnh giải quyết của
các cấp thuộc chính quyền Cộng Hòa Liên Bang Đức, thể hiện một cách nhân đạo mà
tôi chứng kiến tại các trại tỵ nạn cho dù có nhiều sự quan ngại như nuôi ăn,
chốn ở, con cái được học hành, những tiện nghi tối thiểu hằng ngày nhất là y
tế… nếu không nói là còn những trái bom nổ chậm khác qua một vài chú IS trà
trộn vào.
Một phụ nữ Hồi giáo khi làm thủ tục
xin tỵ nạn đã không chịu kéo khăn trùm mặt lên khỏi tai để ghi hình, thế là
tiến trình thiết lập hồ sơ bị trở ngại, cô nhân viên chụp hình vui vẻ, dù làm
mất nhiều thời gian của cả hệ thống và chỉ nói “Thế thì chỉ trở về nhà thôi!”. Người chồng đứng bên nhất quyết giở
luật Hồi giáo ra nói thật dài và cuối cùng những người có trách nhiệm đã đưa họ
đến nơi để bình tâm suy nghĩ: Đây là nước Đức mà các bạn đang tìm đến.
Những người phụ nữ Hồi giáo khác,
hết thảy đều kéo khăn lên để chụp hình cho dù các đức ông chồng không hài lòng
mấy, một người thanh niên trẻ cũng từ Bắc Phi nói lại qua tiếng Anh cho tôi
hiểu, luật còn cho ít nhất bốn bà tại nước anh ta cơ mà, thế thì chỉ có một kéo
lên đã sao.
Song với nước Đức, vùng đất cho
phần lớn những người Hồi giáo tìm chạy đến đây, trong các trại tỵ nạn đều có
thông báo “Tất cả thực phẩm trong thực
đơn như gà, bò, cừu… nhưng không có thit lợn”. Điều này cho chúng ta hiểu
từ chính quyền đến người dân dù đa số theo Tin Lành và Công giáo nhưng rất tôn trong
các dân tộc cùng tôn giáo khác biệt.
Một sự
quan ngại đáng quan tâm, đó là không phải người Hồi Giáo nào cũng là khủng bố
nhưng tất cả những kẻ khủng bố đều là Hồi Giáo.
Đối với Việt Nam , không phải tất cả những người
miền Bắc đều là cộng sản, nhưng tất cả những hình ảnh người Việt bị hoen ố trên
nước Đức đều là người miền Bắc. Tại Đức,
với chính người Việt cũng có sự phân biệt giữa người miền Bắc và Nam .
Miền Bắc tượng trưng cho sự lộn xộn, thiếu hiểu biết như buôn hàng lậu, bán
thịt chó, nấu rượu chui với bao cái sự gian lận khác còn phổ biến ở vùng Đông
Đức mà tụ điểm là chợ Đồng Xuân ,
Berlin .
Trở lại với các Ông Nội Việt Nam , một
thanh niên tỵ nạn gốc Hải Phòng nói với chúng tôi, anh ta có vẻ thất vọng vì có
thể không được chấp nhận cho quy chế tỵ nạn chính trị. Anh có nhiều phương án
để gải quyết cho chính mình, trong đó có con đường trở về trong tưởng tượng như
một trò đùa, như anh sẽ là việt kiều Đức, biết về kỹ thuật chút ít và sẽ nổ là
chuyên viên cao cấp… nhưng như vậy theo anh tiết lộ vẫn chưa được thăng quan
tiến chức vì với cộng sản quan trọng nhất là đảng nên anh đã có con đường chuẩn
bị vào đảng và nhất quyết sẽ vào đảng cộng sản nếu bị đuổi về Việt Nam.
Các bạn sẽ khó chịu khi sống
chung với người lạ, nhất là giữa các sắc dân, chỉ “lia thia quen chậu, vợ chồng
quen hơi”, thời tiết hôm nay bỗng trở lạnh lạ thường, chuyến xe buýt hàng tuần
đưa di dân đi chợ sớm, mọi người như run lên mỗi khi có gió lùa lúc đang đứng
đợi ở bến chờ. Thật đúng giờ hẹn chiếc xe đã đến đón, không mấy phút sau không
khí bên trong xe như ấm hẳn lên, hơi ấm từ mỗi người đến mọi người dù đó là mùi
ngò gai của mỗi sắc dân đều đáng quý trọng.
Nguyễn Quang