VĂN HÓA
và GIÁO DỤC
GS Nguyễn Mạnh Bích - Paris
Bước vào thiên niên kỷ thứ ba, xã hội loài người sống như thế nào ? Có ba biến cố nổi bật nhất : sau khi đã tạm khống chế được dịch bò điên cừu run đã gây kinh hoàng trong một thời gian cho việc tiêu thụ thực phẩm, giới y khoa lại phải điên đầu trong việc tìm thuốc chữa dịch cúm SARS. Hiện nay, nhiều bệnh nan y cũ và mới vẫn hoành hành dữ dội, trong ấy phải xem bệnh SIDA là nghiêm trọng nhất. Nhân loại sống trong một nỗi lo sợ triền miên bị nhiễm độc bất ngờ.
Bên cạnh cái tai ương « không tự nhiên » này, con người đang lao đầu vào một cuộc chiến tranh diệt chủng khủng khiếp. Phía sau những cuộc nội chiến ở các nước Phi châu, Nam Mỹ, cuộc chiến tranh ở Afganistan, ở Irak có thể là bề ngoài của một cuộc thế chiến thứ ba. Toàn cầu đang bị hăm dọa bởi một loại chiến tranh ảnh hưởng giữa nền văn minh « sản xuất tối đa để tiêu thụ tối đa » của các nước giàu có tự mệnh danh là tiến bộ và nền văn minh « bảo vệ đạo lý hồi giáo » của các nước bị xem là lạc hậu. Căn bản là cuộc chiến tranh giữa kẻ nghèo và người giàu. Cán cân lực lượng quá chênh lệch giữa hai bên buộc lòng kẻ nghèo phải xử dụng thứ khí giới « phản tiến bộ » : khủng bố phá hoại. Đó là một loại sida khác !
Nhìn chung, nhân loại hiện nay đang sống một giai đoạn suy đồi quá ư đen tối, đang trải qua một thời kỳ khủng hoảng tinh thần nghiêm trọng. Đấy không phải là một thứ hệ luận theo duy vật biện chứng. Tinh thần bạo động có mặt trong lời nói, trong các phim truyện, trong các trò chơi, giữa học đường, bệnh xúc phạm tiết hạnh với những vụ hiếp dâm trẻ em, loạn luân, bức hiếp con cái, kể luôn cả lòng tự hào mù quáng về quyền năng siêu đẳng của khoa học dẫn đến những cuộc thực nghiệm clonage v.v. tất cả những sự việc ấy là hậu quả của sự lạc hướng tâm linh đã manh nha từ mấy thế kỷ nay. Có nghĩa là con người, vào thiên niên kỷ thứ ba này đang lao đầu vào một cuộc chạy đuổi không định hướng và không lối về. Con người không còn nhớ, không còn biết mình là ai, sống để làm gì !
Nhìn kỹ hơn vào tâm trạng ấy ở Pháp, ở Âu châu, ở Hoa kỳ làm tiêu biểu, ta thấy gì ? Đa số thanh niên bảo vệ, tôn thờ một cuộc sống vật dục xô bồ, hời hợt, có nhiều xảo trá trong cách xử dụng tinh thần dân chủ và quyền tự do. Không cần nghĩ đến ngày mai, phải tiêu thụ cật lực, toàn diện, cả vật chất lẫn tinh thần, đấy là mẫu người hiện đại, mẫu người « in ». Lo nghĩ đến hậu quả của cuộc sống không định hướng, trân trọng tinh thần vị nhân bản là tư cách lạc hậu của hạng người « out ». Đã là con người của thiên niên kỷ thứ ba thì phải biết sống thoải mái, tự do, không tự ràng buộc vào bất cứ thông lệ, phép tắc, cổ tục nào và phải dùng toàn lực để tiêu xài, hưởng thụ. Tiêu xài cật lực dù sẽ đi đến tự hủy diệt, hưởng thụ tối đa dù phải đi đến những hành động phi luân, phạm pháp !
Rất may là còn có một thiểu số không chọn lựa lối sống kỳ quái ấy. Về phần cộng đồng người Việt ở hải ngoại, họ bị tinh thần ấy, tâm lý ấy ô nhiễm không ? Thế hệ sinh sau 75 trong nước tiếp nhận lối sống mới ấy như thế nào ?
Điều đáng mừng vô cùng là căn bệnh thời đại ấy không tác hại nhiều lắm đối với người Việt nói chung. Cộng đồng người Việt ly hương, ở hải ngoại, nhờ sức sống mãnh liệt đã hội nhập tốt đẹp ở hầu hết các nước tiếp cư. Nếp sống trù phú giúp họ nuôi dưỡng con cháu theo tiêu chuẩn các nước tiến bộ, giúp chúng thành đạt mỹ mãn trên dường học vấn. Tất cả nỗ lực hầu như được tập trung vào sự thành công của việc hội nhập nên, nhìn chung, số người Việt ở hải ngoại - hiện nay - bị nhiễm độc không đáng kể. Nhưng ngược lại, họ mắc phải một căn bệnh khác, không hiểm nghèo cho mạng sống nhưng tác hại rất lớn cho tương lai: bệnh nghi ngờ giá trị của nền văn hóa Việt nam. Đấy là một điều đáng lo nghĩ được đem bàn trong bài này.
Ở trong nước, số thanh niên ở các vùng thành thị mắc bệnh thời đại (sida và sống buông thả) lên đến một tỷ lệ khá cao. Trong khi phần đông số dân Việt nam sống với một số thu nhập hằng năm rất thấp (60$ mỗi tháng như dân của 65 nước nghèo trên thế giới) thì một số « con ông cháu cha trung ương đảng » và một số « đứng ngoài hệ thống sinh hoạt bình thường », nhờ móc nối làm ăn với các giới chức gian manh của chế độ, có một cuộc sống xa hoa dị thường. Họ bị nhiễm độc rất nặng và đấy là cái ung nhọt tác hại sâu rộng lên sức sống vật thể, tinh thần của dân Việt nam. Đấy là những thành phần sẽ tự hủy diệt có thể gây khó khăn cho công cuộc « dựng nước, bảo vệ Tổ Quốc Việt nam » của những người có tâm huyết trong nước. Đặc biệt, của thế hệ sinh sau 75 đang muốn tạo một chỗ đứng vinh dự trong cộng đồng thế giới.
*
* * *
Những nhận định trên đây chỉ có tính cách phiến diện. Sự thật, trong thế « toàn cầu hóa » hiện nay, trong thập niên 90 vừa qua, toàn thể cộng đồng người Việt muốn đặt rõ vấn đề nhận thức danh vị của mình và của đất nước Việt Nam. Do đấy, người Việt sống một tâm trạng băn khoăn ray rứt khi nghĩ đến tương lai của chính mình và của đất nước. Một phong trào dựng nước, cứu nước, giúp dân, cứu dân tộc, bảo vệ Tổ Quốc được nẩy mầm và cụ thể hóa bằng tinh thần « trở về nguồn ». Trong chiều hướng này, hạng thức giả và thế hệ trẻ trong nước đang tìm cách khuấy động một cuộc tranh đấu cho Dân chủ, Tự do để tự cứu và giúp dân tộc, đất nước. Họ cần có sự tiếp hơi, giúp sức của đồng bào ở hải ngoại. Về phía người Việt ở hải ngoại, sau hơn một phần tư thế kỷ ly hương, ý thức « trở về nguồn » cũng đang rõ nét dần dần. Nhưng trào lưu này tuy càng ngày càng rộng lớn, mạnh mẽ vẫn chưa gặt hái được nhiều kết quả đáng kể. Vì hai lẽ :
- giới cầm quyền cộng sản, mù quáng và ngoan cố, dùng đủ mọi thủ đoạn đàn áp, cưỡng bức, xuyên tạc, dối trá để ngăn chặn trào lưu rộng lớn này. Họ chưa hiểu rằng việc dựng nước, cứu dân tộc là phương thức độc nhất để họ tự giải cứu, để tránh một cuộc đổ vỡ rất nguy hại có thể xẩy ra.
- về phía đồng bào ở hải ngoại, việc tiếp dẫn hơi sức cho cuộc tranh đấu hợp lý hợp tình của giới trẻ không đủ mạnh mẽ vì họ chưa hiểu được sự cần thiết và cấp bách của vấn đề này : trong hiện tại, dân tộc Việt Nam là gì, những người Việt ở hải ngoại đang sống lưu vong là ai ? Tương lai của Đất Nước Việt Nam sẽ như thế nào?
Vậy đâu là nguyên nhân của sự hờ hững, dè dặt ấy?
Trên căn bản của một sự nghiệm xét đứng đắn, với một tình thần trách nhiệm, không mặc cảm, không vị kỷ, chúng ta hãy xét kỹ hai vấn đề then chốt hướng dẫn cuộc sống xã hội của Con-Người : đấy là VĂN HÓA và GIÁO DỤC. Riêng đối với người Việt Nam, đấy là hai vấn đề quyết định vận mệnh của 80 triệu con người đang bị xô đẩy vào một trạng huống lịch sử bi phẫn rất đáng lo ngại và sống một tâm trạng hoang mang rất cần phải giải quyết. Đã đến lúc, chúng ta phải nhìn thẳng mặt « sự thật » : chúng ta đã và phải làm gì để tạo được phúc lợi vật chất, tinh thần cho chúng ta, cho thế hệ đến sau ?
I- Nhận định
- Nước Việt Nam vẫn có mặt trên bản đồ toàn cầu, đã thoát khỏi cảnh chiến tranh, đang tìm đến con đường hạnh phúc tự do nhưng Việt Nam là vùng đất gây nhiều lo ngại cho sự an bình của miền Đông Nam Á, nhưng đó là miền đất của những người dân không được sống an bình. Người dân của một nước phải sống dưới một chế độ đảng trị, công an trị không thể sống an bình. Người dân của một nước khi phải sống tha hương mà phải chọn lựa tình trạng lưu vong cũng không thể sống an bình được. Tình trạng này là nguyên nhân tạo thành cái tâm trạng ray rứt, buồn tủi cho những người Việt còn thấy « mình là người Việt ». Tất nhiên nếu chúng ta là những người ấy, chúng ta cần phải tìm cách tự giải thoát khỏi tâm trạng ấy để tránh khỏi rơi vào một sự khủng hoảng tinh thần không phải là không nguy hại. Việc xét nghiệm tâm trạng của người Việt trong hoàn cảnh hiện tại là một điều cần thiết, là một bổn phận đối với những ai đứng vào hàng ngũ của những người biết suy nghĩ, muốn tìm, muốn tạo một ý nghĩa xác thực cho cuộc đời của mình, muốn xác định một trách nhiệm đối với Đất Nước của mình.
Cũng nên khẳng định ngay rằng nó - việc xét nghiệm ấy - phải được xem là phần ưu tiên của chúng ta. Sở dĩ chúng ta phải chấp nhận việc làm này như là một bổn phận vì chúng ta là những kẻ ly hương, là những người đang sống ở ngoài Đất Nước Việt Nam nhưng không chấp nhận tình trạng lưu vong. Hơn nữa, chúng ta được cái ưu thế nắm quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận mà đồng bào trong nước đã bị tước đoạt. Đã là những người tự do thì chúng ta bắt buộc phải xử dụng cái quyền căn bản cao quí ấy của Con-Người vì những suy nghĩ, những phẩm định, những chương trình, những phương thức của mỗi người trong chúng ta không bị kềm kẹp, uốn nắn, đặt vào một cái khuôn cứng rắn nào cả.
Nói như vậy để tìm cách nói chuyện với hạng người đang sống cảnh ly hương nhưng không xem đấy là một cuộc lưu vong, nghĩa là không biết, không hiểu thế nào là yêu nước, yêu Tổ quốc. Chữ lưu vong đối với một số người này có một ý nghĩa rất mờ nhạt vì họ xem sự định cư của họ ở xứ người, từ hơn nửa thế kỷ nay là một sự may mắn, là một thứ hạnh phúc, may mắn vì họ được thoát khỏi cảnh ly loạn và sống an bình ở xứ người, hạnh phúc vì không phải sống trong cuộc chiến tranh tương tàn khốc liệt đã gây ra cảnh quốc phá gia vong hiện nay. Đối với họ không có vấn đề lưu vong cho nên không lúc nào họ đặt vấn đề « yêu nước Việt Nam ». Đối với một số khác trong hạng người này thì cuộc xa lìa xứ sở quê hương mà họ vừa phải làm là một cuộc tránh né những khó khăn đã đổ ập lên đầu họ từ khi Việt Cọng áp đặt chính thể độc tài đảng trị lên đất nước Việt Nam và hai chữ ly hương, đối với họ là được ra nước ngoài, là thoát nạn, là tìm được nơi sống thoải mái, là được hưởng một cuộc đời có nhiều bảo đảm vật chất, thoải mái tinh thần. Ly hương đối với họ không bao giờ là một sự cay đắng phải « ăn nhờ ở đậu », là một sự buồn tủi phải sống với danh vị « công dân hạng nhì ». Ly hương đối với hạng người rất đông đảo này là một cuộc sống bình an, đầy đủ tiện nghi vật chất, là thành công trong việc hội nhập vào cái xã hội mới đã dung dưỡng họ. Cho nên đối với họ, không có vấn đề lưu vong. Và cũng không cần đặt vấn đề yêu nước Việt Nam và thân phận của họ.
Cũng có thể hạng người này vẫn nghĩ đến Đất Nước Việt Nam nhưng họ « làm » những chuyến về thăm quê hương để tìm lại hương vị của những thức ăn Việt Nam đã được nếm ngày còn thơ ấu, « làm » những cuộc tham quan xứ sở Việt Nam như những du khách hiếu kỳ. Cũng có thể họ tỏ lòng yêu nước bằng cách tỏ lòng xót xa những người thân thuộc đang sống trong cảnh thiếu thốn, cơ cực, hay tìm cách giúp đỡ đồng bào khi có thiên tai, hay đóng góp công của cho các tổ chức từ thiện, các cơ quan nhân đạo. Làm như vậy họ cảm thấy yên lòng lắm rồi; đôi khi họ còn tỏ ra rất hãnh diện với kiểu yêu nước cụ thể này nhưng họ không hề biết đến đời sống, tâm trạng thực sự của người dân Việt đồng bào của họ.
Kiểu yêu nước này không được hạng người có những tư tưởng sâu sắc hơn về Đất Nước, Dân Tộc, Tổ Quốc Việt Nam hưởng ứng. Trong tâm trí của một số người Việt ở hải ngoại thực sự ưu ái Đất Nước, có một thời kỳ hai chữ « yêu nước » mang một ý nghĩa nếu không xấu xa thì cũng lố bịch. Họ không thể chấp nhận sự gán ghép hai chữ cao quí thiêng liêng « yêu nước » vào những danh hiệu do Cách mạng Việt Cọng đặt ra sau này : Trí thức yêu nước, Phật giáo yêu nước, Công giáo yêu nước v.v. Đối với họ, tình yêu thiêng liêng đối với Tổ Quốc Giang sơn không ai có quyền đem ra cưỡng hiếp để dùng làm chiêu bài cho manh tâm lừa bịp dân chúng như chính quyền cộng sản đã làm. Đối với thành phần thứ ba này, tinh thần yêu nước phải cao quí hơn vì nó đồng nghĩa với Tình yêu Dân tộc, Tình yêu Tổ Quốc. Nhiều - rất nhiều, quá nhiều ! - tổ chức, hội đoàn, hiệp hội, phong trào đã thành hình, kết nạp rất nhiều « đồng chí » với mục đích hoạch định những phương thức để cụ-thể-hóa lòng yêu nước, nói trắng ra là « làm một cái gì » có thể tạo phúc lợi cho dân tộc, cho đất nước Việt Nam. Đã có những phong trào phục quốc, đã có những tổ chức « chuyển lửa về Quê hương », đã có vô số phương thức bài Cọng, chống Cọng, đấu tranh dân chủ, tự do cho người dân Việt trong nước được đưa ra. Nhưng, hầu như trong tâm trí của mọi người, ý niệm yêu nước rất mơ hồ, những chữ Dân tộc, Tổ quốc không có một ấn tượng chính xác, rõ rệt lắm, vì vậy, những nguyên tắc căn bản của họ cách biệt nhau và lập trường này thường chống lập trường kia : người chống cọng cực đoan không hiểu được người có tinh thần hòa hợp, người có khuynh hướng ôn hòa cũng mỉa mai nghi ngờ những người có tinh thần hòa giải. Việc « đến với nhau, ngồi lại với nhau » để làm một cái gì cho phúc lợi của Đất Nước, Tổ Quốc Việt Nam luôn luôn bị những định kiến, tinh thần cố chấp ngăn cản. Rốt cuộc, tinh thần yêu nước bị lãng quên, mục đích cao quí « phải làm một cái gì cho Đất Nước » bị xuyên tạc, bị nghi ngờ và đã có không biết bao nhiêu công cuộc bị tan rã.
Đối với một số thức giả trong nước, « tình trạng yêu nước » cũng không sáng sủa hơn bao nhiêu : « yêu nước » trước kia, là nợ nước, là bảo vệ cái nơi gọi là « nam quốc sơn hà » của « nam đế cư ». Yêu nước là trả một món nợ, được no cơm ấm áo nhờ ơn mưa móc của Vua và triều thần. Khởi thủy, đấy là việc cứu nước, chống ngoại xâm qua các triều đại độc lập Lê, Trần, Nguyễn. Về sau, trong thời kỳ Pháp đô hộ, yêu nước là chống lại chính quyền ngoại bang thực dân, là giải thoát đất nước, dân tộc khỏi vòng nô lệ. Yêu nước - được gọi là ái quốc - vẫn còn là việc làm dành riêng cho giới nho sĩ trung quân thuộc giai cấp cầm quyền và một số chí sĩ cách mạng có tinh thần quốc gia. Tiếp theo đấy, sau khi những thành phần yêu nước « quốc gia » đã bị loại trừ, trong ba mươi năm chiến tranh đánh Pháp, đuổi Mỹ thì yêu nước đối với những người cầm quyền mới là yêu lý tưởng cộng sản với quyết tâm thiết lập chính quyền vô sản. Yêu nước ngày nay, khi Đất nước Việt Nam đã thoát khỏi cảnh chiến tranh, đối với đa số thức giả trong nước, nói chung là sự tỉnh ngộ. Đảng và Nhà Nước Cộng sản dùng chánh sách công an trị để bảo vệ địa vị của một nhóm người muốn vinh thân phì gia kiểu mới, không đếm xỉa gì đến quyền lợi của những người đã góp công vào « sự nghiệp cách mạng ». Những người này là những người đã suốt đời chiến đấu với lý tưởng tốt đẹp « vì dân vì nước » nhưng hiện nay, khi cách mạng thành công rồi thì họ bị Đảng lừa dối, trù dập. Họ phải tỉnh ngộ để tự cứu. Sự tỉnh ngộ xui dục số thức giả này quyết tâm đòi hỏi tự do, dân chủ, chủ yếu là phá tan chính sách đảng trị đàn áp, bóp nghẹt tự do, ngôn luận của chính quyền. Thật ra, bàn về phúc lợi của người dân, của Đất Nước chưa phải là mối bận tâm hàng đầu của họ. Đặt rõ vấn đề giá trị của nước Việt Nam, của con người Việt, vấn đề vị thế của nước Việt trong khuôn khổ toàn cầu hóa hiện đại chưa phải là mục tiêu tranh đấu của họ. Không lúc nào họ thật lòng đặt rõ vấn đề « yêu nước » như một nhu cầu cấp bách hiện nay để cùng với đồng bào của họ - ở ngoài nước cho nên có nhiều lợi thế hơn - tiếp tay nhau trong công cuộc tái lập sự phồn vinh cho đất nước, xây dựng tinh thần dân tộc để người Việt khỏi có mặc cảm thua kém bên cạnh các sắc dân của các nước láng giềng và trên thế giới. Tâm trí bị ám ảnh bởi sự « muốn nổi loạn » làm cho giới thức thời trong nước không đặt rõ, đúng cách vấn đề yêu nước được.
Như vậy, cuộc tự vấn lương tâm này sẽ dẫn chúng ta đến kết luận : lòng yêu nước là phải biết bảo vệ đất nước, là phải có lòng tự hào về nòi giống, nói cách khác, rõ hơn là phải hết lòng tôn vinh Tổ Quốc Việt Nam.
Và Tổ Quốc là gì ? Không ai phủ nhận được nghĩa từ nguyên của hai chữ này. Tổ quốc hay patria cũng đều có cái nghĩa chính xác khẳng định : đấy là mảnh đất (quốc) do ông cha (tổ tiên) để lại, là nơi một giống người đã sinh sống, đã có một lịch sử, đã tạo cho nhau một lối sống với những tập tục, những đạo lý riêng biệt. Vì vậy, dù sinh sống ở đâu, ngoài mảnh đất ấy, con người vẫn nghĩ đến Tổ quốc của mình để được yên lòng : « Tôi sống ở đất nước, xứ sở của anh nhưng tôi có tổ quốc của tôi ». Không có mối đau thương nào lớn bằng tâm trạng thua kém của những kẻ bị liệt vào hạng « vô tổ quốc ». Những người Việt lưu vong khi mượn lời của Gustave Flaubert, của Ciceron để quả quyết rằng « tổ quốc là nơi mình sinh sống an lành, ubi bene ibi patria » chỉ tìm cách tự lừa dối, che dấu một sự chán nản, một mối bất lực trong ý muốn « trở về nguồn », giữa cảnh thất thế sa cơ của họ ở xứ người, mặc dù trong thâm tâm, họ chưa bao giờ chấp nhận chủ trương vô gia đình, vô tổ quốc của những người cộng sản tranh đấu cho một thế giới đại đồng … không-tưởng.
Vậy xin khẳng định : yêu Tổ quốc, là thiết tha với cái linh hồn của mảnh đất của ông cha đã gầy dựng, bồi đắp cho mình, của nơi mình đã chào đời, đã lớn lên, nơi đã tạo mình thành một con người với cách cảm nhận vui buồn yêu ghét riêng biệt ; yêu Tố Quốc là yêu cái nguồn gốc, giòng giống của mình, là biết tự hào với « con người thật của mình ». Yêu nước, yêu Tổ Quốc còn có cái ý nghĩa giản dị là yêu thứ ngôn ngữ mẹ dùng để ru ta từ lúc nằm nôi, là không ngượng với màu da không trắng, là không buồn vì cái mũi không lõ, là hãnh diện với mái tóc không dợn sóng, là yêu cả hương vị của hạt cơm, của nước mắm, nhất là thấy cần bảo vệ cái niềm vui khi có những người ngoại quốc mê thích đất nước Việt, con người Việt.
II - Vấn đề văn hóa-
Đến đây, xin mời các Bạn bước sang chủ đề của bài viết này : Tại sao chúng ta phải đặt rõ vấn đề yêu nước, yêu Tổ Quốc ? Đấy là cách giản dị nhất để xác định lại giá trị của nền VĂN HÓA chính thống Việt Nam. Chúng ta phải tự hào với nền văn hóa của ta thì chúng ta mới hết lòng yêu nước, mới thiết tha đến mảnh đất quê hương, mới nghĩ đến phúc lợi của người dân Việt. Chúng ta phải yêu nước, yêu Tổ Quốc Việt Nam vì tất cả những thứ ấy là của ta, vì nhờ có những thứ ấy mà ta mới thật là ta. Vì là của ta cho nên phải hiểu, phải biết tính cách chính thống của Văn hóa Việt Nam. Văn hóa Việt Nam được xem là chính thống khi nó xác định được những nét đặc thù của nó, khi nó được dùng để xác định con người Việt Nam, con người Việt Nam với những cái xấu xí, với những cao quí của nó.
Cũng xin đặt nguyên tắc trước: Việc xác định giá trị văn hóa Việt nam không nên, không cần trải qua những tranh luận về nguồn gốc con Rồng cháu Tiên, về giống dân Giao Chỉ, về huyền sử Hùng Vương. Dù cho gốc gác dân Việt Nam là người Tàu, dù cho văn minh Việt Nam là văn minh lai căn Tàu, dù cho đạo lý Việt Nam là sản phẩm của tinh thần tam giáo đồng nguyên, dù cho văn hóa Việt Nam chịu ảnh hưởng văn minh Tàu đến 70%, hay bị Âu Tây hóa rất sâu đậm, con người chính thống Việt Nam cũng đã và vẫn biết bảo vệ, bồi dưỡng, kiến tạo một nền văn hóa Việt Nam với những nét đặc thù của nó. Dân tộc Việt Nam thạo việc trồng lúa, thích ăn cơm, biết dùng đũa, có lối phục sức riêng, có tiếng nói riêng, có những nguyên tắc thẩm mỹ, hướng thiện riêng, rất hãnh diện với « đạo » tôn thờ Tổ tiên, không có mặc cảm gì với « thói » kỳ thị chủng tộc của mình (nặng nề hơn bất cứ giống dân nào thế giới ! ). Ngoài ra, phải nhắc đến cái lợi khí này của dân tộc Việt Nam : tất cả những luồng văn hóa du nhập vào nước ta đều được biến cải cho hợp với tâm lý, tâm linh Việt Nam, đều được Việt hóa. Và chúng ta không nên, không được nghĩ rằng vì vậy mà văn hóa Việt Nam dở, không đáng để cho ta trân trọng, tôn vinh. Chẳng lẽ vì văn hóa chính thống của mình có những cái dở - văn hóa nào chẳng vậy ? - , chẳng lẽ vì con người chính gốc của mình có những cái xấu xí - văn minh nào cũng vậy - cho nên mình phải bài bác nó hoặc phủ nhận giá trị của nó ? Chẳng lẽ vì mình đã may mắn « học » được những cái hay cái tốt của nền văn hóa Âu Mỹ, chẳng lẽ vì nền văn hóa Việt Nam ấy bị xuyên tạc, bị uốn nắn lại cho hợp với chủ thuyết cộng sản không tưởng cho nên mình phải tiếp sức nhau, thẳng tay hủy diệt nó ?
Xin trở về với định nghĩa của « văn hóa » : văn hóa là toàn bộ sự hiểu biết của con-người tích lũy được trong thời gian sinh hoạt hằng ngày, đúc kết lại thành các giá trị và chuẩn mực xã hội. Nói cách khác văn hóa là hệ giá trị xã hội gồm có lịch sử và di sản tinh thần của một dân tộc, của một xã hội. Nó phải được xem là hồn dân tộc, dân tộc với những nét đặc thù, với cái xấu xí, cái tốt đẹp riêng biệt của nó. Cho nên, xác định rằng người Việt có một nền văn hóa chính thống là để hòa giải với Tổ Quốc, với chính mình. Trân trọng văn hóa của mình, tôn vinh văn hóa của mình không có gì là bất thường là lố bịch cả. Trái lại chúng ta phải trân trọng nó bằng cách tô điểm, bồi đắp, chấn chỉnh nó để tỏ lòng tự hào dân tộc, để ăn năn về cái tội không biết đến Tổ Quốc, để hối cải về cái lỗi không biết yêu đất nước của mình. Trân trọng nền văn hóa chính thống Việt Nam, yêu Tổ Quốc, giống nòi là một bổn phận hàng đầu, là căn bản của mọi tư tưởng liên quan đến sự sống còn của dân tộc Việt Nam, là vấn đề then chốt trong công cuộc dựng nước Việt Nam phù hợp với cái thế toàn-cầu-hóa hiện nay.
Trên căn bản sự luận bàn này, chúng ta hãy bình tĩnh, sáng suốt nghiệm xét ảnh hưởng sâu rộng của nền văn hóa Âu Mỹ đối với lớp trí thức Việt Nam ở hải ngoại. Bên Pháp, hạng « trí thức » này, nói một cách rộng rãi, gồm có những người lính thợ (ONS) đã hội nhập được với xã hội Pháp và những sinh viên đi du học, kể luôn cả những loại công chức ở Miền Nam Việt nam đã định cư ở nước này từ những thập niên 40, 50, là những người trực tiếp cảm nhận văn hóa Âu Tây. Hậu quả của việc tiếp thu nền văn hóa Pháp và Âu Tây của họ, ngoài những kiến thức khoa học kỹ thuật để dùng vào việc tạo dựng một chỗ đứng tốt trong xã hội, họ đã biết thế nào là bình đẳng, tự do, dân chủ. Những món ăn tinh thần mới này được nhấm nháp giữa giới sinh viên, với một trí thức khuynh tả. Và họ rất tự hào với danh vị « trí thức tiến bộ ». Để làm gì cho Đất Nước, cho Tổ Quốc ? Toàn bộ những giá trị của nền văn hóa chính thống Việt Nam - mà phần lớn không được học, không nắm vững ý nghĩa của nó - bị họ nghi ngờ, bài bác, chế riễu. Lòng yêu nước của họ chỉ được nuôi dưỡng qua sự thèm nhớ những món ăn đã nếm lúc ấu thơ, qua những kỷ niệm đẹp ngời của những ngày mới lớn, không thể nào có đủ sức nặng để khống chế thói « phù ngoại » (cái gì của Tàu, của Tây, của Mỹ cũng hay, cái gì lạ « thoát ly khỏi những lối mòn quen thuộc » cũng tốt) trầm kha của giới trí thức khuynh tả được. Nhất là khi thói phù ngoại ấy được củng cố bởi tinh thần « ham bắt chước » cố hữu của người Việt. Nhất là khi họ chưa phải chia xẻ đau khổ với Mẹ Việt Nam bao giờ.
Bước vào thiên niên kỷ thứ Ba này, người Việt ở nước ngoài đã thấm nhuần được cái gì của nền văn hóa tiến bộ Âu Mỹ ? Nói rõ hơn, cái cộng đồng gồm có gần ba triệu người Việt Nam ly hương trong ấy có non ba trăm ngàn thanh niên Việt Nam thành công vượt bực ở « xứ-người », cái cộng đồng ấy đã dùng những kiến thức khoa học kỹ thuật của mình, những hiểu biết về tự do dân chủ vào việc tạo dựng phúc lợi của Đất Nước chưa? Ít nhất, trong tinh thần « trở về nguồn » đang sôi nổi hiện nay, họ đã đem cái gì hay, tốt trong nền văn hóa Âu Mỹ để bồi dưỡng nền văn hóa chính thống Việt Nam chưa? Rất tiếc là tinh thần bài xích, lố bịch hóa văn hóa Việt Nam, con người Việt Nam dường như xúi dục họ muốn binh vực những cái tự do độc hại đã gây ra những vụ bạo động gây xáo trộn trật tự xã hội, những tập tục dân chủ lệch lạc đã tạo nên những trường hợp gia đình tan rã, học đường, xí nghiệp bị xáo trộn, không khí tâm linh bị lạc hướng rất bi thảm. Trong khi những giá trị tự do, dân chủ đang được các nước Âu Mỹ đem ra nghiệm xét lại thì một số rất đông của hạng trí thức này vẫn bám víu vào những « thứ ấy » để sống, để bảo vệ tinh thần tiến bộ của họ. Vấn đề giá trị của nền văn hóa Việt Nam, bảo vệ nét đặc thù của con người Việt, ý thức về Tổ Quốc Việt Nam không lúc nào là mối ưu tư của họ vì họ xem đấy là một vấn đề vô bổ, không thiết thực, nhất là lỗi thời, phản tiến bộ. Thái độ này sẽ di hại vô cùng cho thế hệ mai sau (con em, cháu chắt của họ) của người dân Việt trong khuôn khổ giáo dục mà chúng ta bàn đến sau đây.
Chim có tổ, người có tông, nhưng chim cần phải bay khỏi tổ để tìm mồi về nuôi con, người phải thấy xa nhìn rộng để kịp tiến hóa với người. Vậy « cái » phần tinh hoa của văn hóa Việt nam cần được phát hiện, biểu dương, chuyển trao nằm ở chỗ nào ? Xin dùng một giải đáp giản dị, tiện ích nhất : đấy là tinh thần kính trên nhường dưới và yêu quí Trời. Kính trên nhường dưới không phải là bị trói buộc, làm nô lệ cho đạo trung hiếu, tam tòng. Kính trên nhường là biết nghe, biết trọng người khác để có sự thuận hòa trong cuộc sống chung gia đình, xã hội. Tại sao yêu quí Trời ? Con người Việt Nam quan niệm sống là nhờ Trời. Được lộc Trời cũng như chịu cảnh thiên tai đều nằm trong lẽ tuần hoàn tự nhiên của Đất Trời. Sinh vật Người phải biết yêu quí Trời thì mới tìm thấy được an bình trong cuộc sống xã hội và thiên nhiên.
Con người Việt dùng nguyên tắc « biết quí trọng nhau – tương kỉnh » và « tôn quí thần linh – tri ân » để sống ở đời, hòa hợp với người và thoải mái cho mình. Ý thức được những nguyên lý ấy sẽ giúp chúng ta yên lòng chuyển trao văn hóa lại cho những thế hệ sẽ đến. Phải ý thức được những nguyên lý ấy thì việc dung nạp những cái hay của các nền văn hóa mới Âu Mỹ (để làm cho nền văn hóa chính thống Việt Nam được khởi sắc) sẽ không bị lệch hướng lạc đường. Và quan trọng hơn cả là để bồi dưỡng được Tình yêu Dân tộc và Đất Nước, Tổ Quốc của chính chúng ta.
III - Vấn đề giáo dục -
Công việc triển khai tinh thần trân trọng văn hóa Việt Nam dẫn chúng ta đến mục đích khởi động ý thức yêu nước, yêu Tổ Quốc Việt Nam và ý thức « trở về nguồn » của những người cảm thấy mình là người Việt, còn là người Việt, vẫn là người Việt. Và nói khởi động tức là đặt vấn đề GIÁO DỤC vì giáo dục có cái mục đích rõ rệt : hướng dẫn sự hiểu biết, định hướng sự học hỏi, kể luôn cả việc bồi dưỡng sự hiểu biết. Nói rõ hơn khi khởi động tinh thần trân trọng văn hóa Việt Nam, chúng ta phải nghĩ đến phương thức giáo dục, nghĩa là giải thích cho mọi người, quảng bá đến mọi người ý nghĩa, giá trị của tinh thần « trở về nguồn », của tinh thần yêu Tổ Quốc, Đất Nước Việt Nam. Cũng để nhận định rõ hơn nữa, việc giáo dục phải bao gồm cả việc dạy dỗ người khác lẫn việc trau dồi sự hiểu biết của chính mình.
Trên tinh thần đứng đắn « trở về nguồn », trở về với giá trị của Văn hóa Việt Nam, của con người Việt, trong khuôn khổ thực hiện việc giúp nước, giúp dân, việc giáo dục phải đặt trên những nguyên tắc căn bản sau đây :
- chuyển trao giá trị nào của văn hóa Việt Nam
- ai có quyền chuyển trao hay ai có bổn phận « làm thầy »
1- Chuyển trao giá trị nào của văn hóa Việt Nam ?
Xin đặt rõ vấn đề : Cái văn hóa cần xác định để việc chuyển trao, quảng bá văn hóa (giáo dục) được hợp lý là văn hóa gì, văn hóa nào ?
Người Việt Nam, thế hệ « già » cũng giống thế hệ « trẻ » (xin mỗi người tự xếp hạng lấy) cùng có một mối băn khoăn : dân tộc Việt Nam, văn hóa Việt Nam có những giá trị nào để, dựa vào đấy, chúng ta đặt vấn đề bảo tồn, vinh danh văn hóa Việt Nam ? Để đánh giá dân tộc Việt Nam, người ngoại quốc - là những người ngoại cuộc – và ngay chính bản thân người Việt đều đồng thuận là nguời Việt có cái đáng-yêu và có cái xấu-xí. Cái nào nhiều, cái nào ít, điều ấy không cần phải bàn luận dông dài vì nó là sự thật đối với tất cả mọi dân tộc. Nhân vô thập toàn cho nên dân tộc cũng vậy. Điều cần phải lo nghĩ là : trong cuộc sống chung – bình đẳng, hòa bình - với cộng đồng thế giới, chúng ta có nên đặt vấn đề đặc tính của người Việt (->niềm tự hào), nghĩa là giá trị của dân Việt (lòng tự tin) không ? Khi đã có những nhận định chính xác, việc giáo dục trở thành vững chắc hơn.
Trong toàn bộ tư tưởng học thuật Việt nam, qua nền văn học dân gian với kho tàng ca dao, tục ngữ, chuyện cổ tích, huyền sử, qua nền văn hóa bác học với những trước tác đủ loại bằng chữ nôm, chứ hán, chữ quốc ngữ, chỉ có ba đặc điểm này đáng để chúng ta lưu tâm học hỏi, bảo vệ, đáng làm cho chúng ta hãnh diện :
- tinh thần dân chủ chính thống do chế độ mẫu hệ khởi thủy di truyền
- tinh thần thực tiễn, nhân bản xây dựng trên nguyên tắc nam nữ bình quyền và địa vị ưu thắng cổ truyền của người mẹ, người vợ
- tinh thần yêu nước thương nòi phát sinh từ sự quyết tâm giữ gìn xóm làng, đất nước, di sản của tổ tiên.
Những luận đề ấy sẽ giúp chúng ta giải phẫu, xác định giá trị của nền văn hóa chính thống Việt Nam để bảo vệ nó và chỉnh đốn nó cho hòa hợp với những tư tưởng dân chủ, tự do, khoa học kỹ thuật tiến bộ Âu Mỹ được dung nạp.
Qua ngôn ngữ gốc Việt Nam, qua những tập tục cổ xưa để lại, tinh thần dân chủ là một ý niệm mặc khởi do việc tổ chức xã hội Việt Cổ, thời dân Giao Chỉ lập quốc ở cái vùng đất còn sũng nước ở vùng hạ lưu sông Cái (Hồng hà). Đời sống định cư được ổn định nhờ biết cách trồng lúa và dần dần phong phú nhờ sự phát triển của nghề nông. Chế độ gia đình mẫu hệ thích hợp nhất cho xã hội thời đại lúc bấy giờ cho nên có sự phân định công tác trong gia đình, bộ lạc.
Việc tạo phúc lợi cho gia đình không chỉ là việc đồng áng mà vai chính là người đàn ông, người cha, người chồng, nó cũng là trách nhiệm của người đàn bà vì họ là người mẹ. Ngay từ thời đại ấy, người đàn ông phải giữ vai trò « xã hội » với những hoạt động săn bắn, chài lưới, giao dịch để tăng thêm phúc lợi cho gia đình. Người đàn bà giữ vai trò nội tướng, ngoài việc giữ thăng bằng cho đời sống vật chất lẫn sinh hoạt gia đình tự nhiên phải đảm nhiệm việc nuôi nấng, dạy dỗ con cái. Vì gia đình là nền móng của xã hội nông nghiệp nên tiếng nói của người phụ nữ, nếu bình thường cũng được nghe, đôi khi còn có giá trị hơn ý kiến của người đàn ông (lệnh ông không bằng cồng bà). Đấy là hình ảnh của nếp sống khởi thủy, sơ khai nặng dậm nét dân chủ, nhân bản.
Trong thời kỳ này, tâm linh của người Việt không bị một sức mạnh tinh thần nào khống chế cả. Người Việt chỉ sợ, chỉ tin, chỉ yêu có mỗi một sức mạnh huyền bí, thiêng liêng đã điều hành đời sống nông nghiệp của mình : đó là ông Trời. Người và vạn vật là những nguyên tố trong vũ trụ được cấu tạo như nhau (đồng nhất thể) nên phải sống hài hòa với nhau. Việc sinh tồn của cả đôi bên đều nhờ « ơn Trời » vì vậy chỉ cần ăn ở « sao cho vừa lòng Trời » : đấy là điều kiện ắt có và đủ để có một cuộc sống an bình. Tạo được cuộc sống an bình là tự cứu rỗi. Vậy không ai phải tuân theo một chủ thuyết, giáo điều nào cả. Đấy là một tính chất rất đậm nét tự do, dân chủ của văn hóa cổ truyền, chính thống Việt Nam : ai muốn tôn thờ Trời kiểu nào cũng được. Tinh thần này giúp người dân Việt dung nạp dễ dàng những đạo lý ngoại lai lúc bấy giờ như Phật giáo (tu để tự giải nghiệp, đạt được Niết bàn), Nho giáo (tu thân nhằm mục đích hòa hợp ta và người, ta và Trời), Đạo giáo (tự giải thoát khỏi những trói buộc của đạo lý xã hội, trở về với cuộc sống tự nhiên trong thiên nhiên). Lòng tin Trời, yêu Trời giúp cho người Việt-Cổ giải quyết rất ổn thỏa vấn đề tâm linh khi ghép nó vào cuộc sống, vào sự sống của Con-Người. Tính chất nhân bản này cũng giúp cho người Việt hiểu được dễ dàng lý tưởng nhân ái toàn cầu của Thiên Chúa giáo.
- Nhưng, sau khi « giặc Tàu » xâm chiếm, đô hộ nước ta trong hàng chục thế kỷ, tinh thần ấy bị suy thoái do tội sùng thượng văn hóa Tàu, do tính sùng bái Khổng giáo của các triều vua dùng sĩ phu làm trung thần. Đời sống tinh thần của người Việt, do đấy, bị xáo trộn bởi những nguyên tắc lệch lạc tam cương ngũ thường, tam tòng tứ đức, trung quân ái quốc, quân tử tiểu nhân « kiểu Tàu » và không còn dấu ấn của tinh thần dân chủ thực sự nữa. Để xác định thế lực cầm quyền, để biện minh địa vị độc tôn của giới nho sĩ, địa vị của người phụ nữ bị xuyên tạc, nếp sống tâm linh cũng trở thành lệch lạc. Cũng may mắn cho chúng ta là trong ngôn ngữ, trong cách nhận định địa vị, vai trò của người nam và người nữ, nét dân chủ, tính yêu tự do cổ truyền vẫn bàng bạc trong ca dao, tục ngữ, trong tập tục giữa dân gian để việc khởi động tinh thần dân tộc của chúng ta được dễ dàng hơn.
- Nhưng chủ thuyết duy vật cộng sản, với quyết tâm thực hiện một thế giới đại đồng với những con người không biết đến gia đình, tổ quốc, đã tạo một thế hệ với những « con người xã hội chủ nghĩa » được mệnh danh là tiến bộ nhưng… phi nhân bản.
Cũng may là có một đặc điểm khác của nền văn hóa Việt Nam giúp cho tinh thấn dân chủ và nhân bản không bị suy thoái, hủy diệt : đấy là tinh thần bảo vệ tập tục cổ truyền, xóm làng đất nước. Những tập tục ấy là kết tinh của tinh thần tri ân và tương kỉnh nói trên. Tâm hồn người Việt chính thống cổ truyền tìm sự an bình cho đời sống bằng lòng tri ân : nhờ ơn Trời đã mưa xuống mà việc cày bừa được dễ dàng, để có bát cơm đầy, nhờ ơn cha mẹ tổ tiên, tiền nhân mới có được đất nước, giang sơn, nhờ ơn bà con, bạn bè đã giúp đỡ mình trong lúc hoạn nạn. Công cha, nghĩa mẹ, của chồng công vợ, tình bà con, nghĩa láng giềng là những cái phao tâm linh để con người Việt chính thống tìm đến cuộc sống hài hòa trên đất nước của mình. Muốn bảo vệ cuộc sống hài hòa ấy thì phải hết lòng bảo vệ xóm làng, thì phải bảo vệ giá trị của người nông phu, phải tôn quí người mẹ, người vợ. Chỉ có văn hóa Việt Nam, với tinh thần bảo vệ xóm làng đất nước mới có cái tâm lý độc đáo phép vua thua lệ làng (phải tự giải quyết những tranh chấp nội bộ), giặc đến nhà đàn bà phải đánh chứ đừng tin tưởng quá mấy ông nho sĩ dài lưng tốn vải ăn no lại nằm, chỉ bàn suông chuyện lý thuyết.
Ba đặc điểm này của văn hóa Việt Nam sẽ là tiêu chuẩn được dùng trong việc thu nạp văn hóa Âu Mỹ mà người Việt đã phải làm từ lúc tiếp xúc với các nước Phuơng Tây, từ thế kỷ thứ 16. Những tư tưởng tự do dân chủ, giá trị của khoa học kỹ thuật không phải là những điều người Việt mới khám phá. Sự xung đột giữa văn hóa cũ và mới, qua những cuộc tranh luận nhiều khi rất gay gắt về giá trị của mỗi nền văn hóa, đã xẩy ra từ đầu thế kỷ 20. Kết quả là sự thắng trận của văn hóa mới : người Việt – dân xứ nóng – dùng âu phục trong các buổi lễ lạc, hội hè và phải « đóng bộ » (mang dày kín chân, mặc quần tây vải dày, choàng veste ra ngoài hai lớp áo lót và sơ-mi, cổ thắt cà-vạt), dùng một thứ ngôn ngữ « ba rọi » (60% tiếng Pháp pha vào câu nói tiếng Việt), thích ăn thịt bò bíp-tếch, uống rượu vang , rượu mùi v.v…. Trong văn chương, tinh thần tự do, phóng túng, lãng mạn, yêu cuồng sống vội được dùng làm đề tài chính, mẫu mực cho tinh thần « đổi mới ». Trước kia, cái gì của Tàu đều tốt, hay, sang. Trong một thời kỳ dài từ cuối thế kỷ 19 đến thập niên 30, 40, cái gì của Tây đều phải bắt chước cho giống : từ mái tóc đến cách phục sứ, từ đời sống riêng tư « thân mật » đến lề lối xã giao… Trong hoàn cảnh hiện đại, văn hóa Âu Mỹ tiếp tục biến đổi sâu rộng cuộc sống xã hội của người Việt đã đành, còn tạo sự nghi ngờ giá trị của nền văn hóa chính thống cổ truyền Việt Nam. Những giá trị của tinh thần tự do dân chủ lệch lạc, quá khích được đem áp dụng vào lối sống, cách suy nghĩ của người Việt Nam « mới » và bất cứ những gì liên quan đến tập tục cổ truyền Việt nam đều bị bài bác, chế riễu để từ bỏ.
Một nhóm rất nhỏ chuyên gia, khoa học gia, đứng đắn hơn, chủ trương đem tinh thần khoa học thực tiễn vào việc xét nghiệm giá trị của nền văn hóa cổ truyền Việt Nam, trong khuôn khổ « trở về nguồn ». Đấy là một công cuộc đòi hỏi nhiều thiện chí, kiến văn, thời gian. Tuy việc làm bổ ích của họ chưa tạo được ảnh hưởng sâu rộng vì gặp phải sự lạnh nhạt của loại người « trẻ » đã nói đến trên kia nhưng dù sao vấn đề giá trị của nền văn hóa Việt Nam cũng được đặt ra để đem chuyển trao cho các thế hệ sẽ đến.
2- Quyền, bổn phận chuyển trao hiểu biết (ai được quyền làm thầy ? - ai dạy ai ?)
Hiện nay, đặc biệt đối với Việt Nam, như trên đã xét nghiệm, tinh thần Yêu nước, Yêu Tổ quốc là một ý thức rất lỏng lẻo, mờ nhạt. Việc dùng văn hóa để thức tỉnh tinh thần ấy đã không phải là việc dễ dàng rồi, ngoài ra, lại còn gặp phải một vấn đề khúc chiết nữa : phương thức chuyển trao nó cho thế hệ mai sau, nghĩa là làm cách nào để chuyển trao và ai có bổn phận chuyển trao ?
Thông thường, giáo dục là đem truyền đạt toàn bộ những kiến văn mà con-người thâu nhận được của văn hóa cho người khác, thông thường là cho lớp người đến sau (con em, cháu chắt) hay đặc biệt cho những người không được cảm nhận văn hóa một cách tự nhiên (như trường hợp những giới sống cách rời khỏi quê-mẹ của họ). Do đấy, hàng phụ huynh, bậc trưởng thượng, là những người đã trực tiếp thâu nhận nền văn hóa cổ truyền chính thống gồm có những tập tục, những học thuật đã xây đắp nền văn hóa cổ truyền. Mặc nhiên, họ đảm trách công việc giáo dục. Nhưng việc giáo dục ngày xưa đặt nguyên tắc vững chãi, tiên quyết trên sự « làm gương ». Việc giáo dục theo phương thức cổ truyền được áp dụng trong lời ăn tiếng nói, trong cách đứng ngồi : đấy là hình tượng của phép tắc lễ nghi, của đạo làm người trong xã hội và trời đất mà « người xưa » chuyển trao lại cho người đến sau. Đấy là những giá trị tinh thần, đấy là phần tinh hoa của văn hóa Việt Nam mà những bậc trưởng thượng và giới phu huynh ngày trước truyền đạt lại cho lớp hậu duệ của họ.
Nhưng thời thế đã thay đổi nhiều lần, phương thức ấy, những giá trị ấy trở thành bất ứng. Ngày nay, ngay trong đời sống hằng ngày, « sự » đi thưa về trình là một sự xúc phạm tự do, phép gọi dạ bảo vâng cũng bị xem là phản dân chủ. Cả một hệ thống tư tưởng cổ truyền bị đánh giá là lạc hậu, hơn nữa nặng tính chất phong kiến. Thêm vào đấy, rất nhiều những « bậc trên » không muốn biết đến cái cần thiết, cái « chẳng đặng đừng » của sự tiến hóa. Do đấy họ nghĩ là danh vị giáo dục viên của họ bị xúc phạm. Cuộc tranh chấp mới cũ nhiều khi nổ bùng và việc giáo dục bị tẩy trừ và mạnh ai nấy sống … trong bất mãn, với rất nhiều sầu lo ! Đấy là vấn đề cần xét lại để việc giáo dục được hợp lý và thích ứng.
IV- Kết luận
Qua nhận xét trên, có hai vấn đề phải giải quyết : phương thức và vai trò của giáo dục cần phải được xét nghiệm lại một cách thành thật thông minh hơn. Cộng đồng người Việt ngày nay là một nhóm người hỗn tạp và phức tạp, không quen tìm đến sự nhất trí đồng tâm.
Ở trong nước, vấn đề ổn định lại cuộc sống vật chất và tinh thần làm cho việc giáo dục, việc khởi động ý thức cứu nước, cứu dân trở thành thứ yếu, mờ nhạt. Tệ hại hơn, con người Việt « xã hội chủ nghĩa » chỉ là một sinh vật chạy đuổi theo sự sinh tồn, không còn là một con người dám ý thức danh vị người của mình. Tâm trí của họ luôn luôn bị ám ảnh bởi nỗi lo sợ bị gọi ra « làm việc » với công an nên chỉ muốn được yên thân. Họ thành khẩn tránh né việc bàn luận về văn hóa, về ý thức dân tộc, đất nước. Và họ phó mặc việc giáo dục (trồng người) cho Đảng và Nhà Nước. Những trường hợp tranh cãi, ẩu đả giữa vợ chồng, cha mẹ con cái rất dễ xẩy ra do sự thiếu vắng giáo dục với nghĩa chính thống của nó. Tâm lý đầu hàng chấp nhận không làm cho họ sáng suốt tìm cách tháo gỡ những ràng buộc vào một chế độ phi nhân bản huỷ hoại tâm linh của họ !
Ở hải ngoại, việc giáo dục gặp phải vấn đề gần như nan giải này : danh vị giáo dục viên của những bậc trưởng thượng như ông bà cha mẹ, ông già bà cả kể luôn cả thầy cô ở trường học không còn giữ được ưu thế nữa. Một phần vì những giáo dục viên ấy quen được vâng lời, được quí trọng nên vẫn tưởng rằng những gì họ làm, những gì họ nói vẫn được xem là khuôn vàng thước ngọc. Khi bỗng nhiên họ thấy con cháu làm những điều họ chưa bao giờ làm, nói những lời chưa bao giờ họ nói, phản ứng của họ là la rầy, quở trách để kéo chúng nó về đường ngay nẻo chính. Đấy là mầm mống đầu tiên của sự rạn nứt, của sự xung đột giữa hai thế hệ cũ và mới. Tinh thần cố chấp của những « người già » đã không những không giúp họ truyền đạt lại những điều hay lẽ phải cho con cháu còn tạo ra một hố chia rẽ giữa hai thế hệ, làm tổn thương lòng kính nể, gây tổn hại cho tình hòa ái trong gia đ ình, ngoài xã hội. Lỗi này không phải riêng của họ. Về phía những « người trẻ » những tập quán mới Âu Mỹ thâu nạp được ở nhà trường, trong sở làm, trong sự giao dịch thường thoải mái tự do hơn vì phép tắc không khe khắt bằng, lề lối ít rườm rà hơn. Cho nên họ không muốn chấp nhận những nguyên tắc đạo lý cũ nữa. Và sự phản kháng của họ có khi trở thành một cuộc bùng nổ, nổi loạn. Và việc giáo dục, việc khởi động tinh thần « trở về nguồn » bị loại trừ.
Nguyên nhân chính của sự thất bại này là mối giây ràng buộc với những giá trị của nền văn hóa cổ truyền quá lỏng lẻo, việc giáo dục không được đặt cho đúng cách. Thêm vào đấy là sự đầu hàng, buông xuôi của những người có trách nhiệm giáo dục. Vậy vấn đề chính yếu cần được đặt ra chỉ là vấn đề giáo dục, vấn đề khởi động lòng yêu Tổ Quốc Việt Nam. Biết yêu Tổ Quốc là biết trân trọng nền văn hóa của mình, hãnh diện với nguồn gốc giòng giống của mình để có thể sánh vai với những dân tộc khác trên thế giới trong công cuộc kiến tạo hòa bình, thịnh vượng của toàn cầu.
Muốn thực hiện được hoài bão ấy, điều kiện ắt có và đủ là mỗi người trong chúng ta, hạng « người già » cũng như « giới trẻ tuổi », đều phải thành tâm tự vấn lương tâm, tự đặt lại vấn đề để thực hiện một cuộc cách mạng bản thân. Công cuộc dựng nước cứu dân không cho phép chúng ta có tinh thần tự kiêu tự mãn, cố chấp hẹp hòi. Chúng ta phải từ bỏ tinh thần bè phái chủ quan và thói quen chuộng nhàn, vị kỷ. Chúng ta phải có tinh thần trách nhiệm, hướng thiện mới có thể tự giải thoát khỏi cái tâm lý bi quan yếm thế của những người chưa bắt tay vào việc đã nghĩ là không đi đến đâu, thất bại là cái chắc.
Làm một cuộc cách mạng bản thân là phương thức duy nhất giúp chúng ta tự cứu để có thể thực hiện công cuộc cứu dân, dựng nước, bảo vệ Tổ Quốc.