Thống đốc cuối cùng của Hương Cảng:
Tòa Thánh nhận định sai về Trung Quốc
Đặng Tự Do
Nam tước Christopher Francis Patten, tên tiếng Hoa là Bàng Định Khang (彭定康) là toàn quyền cuối cùng của Hương Cảng từ ngày 19 tháng 7, 1992 cho đến ngày 30 tháng 6, 1997 khi miền đất này được trả lại cho Trung Quốc.
Trước khi làm toàn quyền Hương Cảng, ông đã từng làm chủ tịch Đảng Bảo Thủ Anh từ năm 1990 đến 1992.
Là người Anh, gốc Ái Nhĩ Lan, ông là một người Công Giáo rất có ảnh hưởng tại cả Anh quốc lẫn Ái Nhĩ Lan.
Tờ The Tablet, của Công Giáo Anh, vừa đăng một bài phỏng vấn ông về thỏa thuận giữa Vatican và Trung Quốc
. Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.
Vatican “got it wrong” about China says Patten Nam tước Patten cho rằng Vatican “nhận định sai” về Trung Quốc.
Thống đốc cuối cùng của Hương Cảng, Nam tước Patten của xứ Barnes, cho biết ông nghĩ rằng Tòa Thánh đã sai lầm về Trung Quốc trong những nỗ lực của mình nhằm tái lập quan hệ với chính quyền của Tập Cận Bình.
Thống đốc cuối cùng của Hương Cảng, Nam tước Patten của xứ Barnes, cho biết ông nghĩ rằng Tòa Thánh đã sai lầm về Trung Quốc trong những nỗ lực của mình nhằm tái lập quan hệ với chính quyền của Tập Cận Bình.
Nói với báo The Tablet, cựu Chủ tịch đảng Bảo thủ Anh cho biết: “Tất nhiên tôi ủng hộ các cố gắng của Tòa Thánh làm những gì có thể được để giúp người Công Giáo và các Kitô hữu khác được thờ phượng dễ dàng ở Trung Quốc.”
Nhưng ông nói thêm: “Tôi chỉ nghĩ rằng thời gian này là một thời gian lạ thường để làm điều đó với một chính phủ Trung Quốc đã đi thụt lùi về phương diện nhân quyền – họ đã làm cho mọi thứ trở nên khó khăn hơn đối với nhân quyền.
Đó là những gì Tập Cận Bình đã và đang làm.” Nam tước Patten đã nói chuyện với tờ The Tablet ở Dublin sau khi ông đọc một diễn văn về “Tương lai của nền dân chủ tự do”. Bài thuyết trình này được tổ chức bởi tạp chí Các Nghiên Cứu của Dòng Tên và được tổ chức nhằm vinh danh Peter Sutherland, cựu Tổng chưởng lý Ái Nhĩ Lan và là người bảo trợ cho tạp chí này.
“Thật đáng buồn là dưới thời Tập Cận Bình, mọi thứ đã bị lùi lại tại Trung Quốc,” ông nói và nhận xét thêm rằng Vatican cố gắng bình thường hóa mối quan hệ với Trung Quốc vào thời điểm này là “không phải lúc”.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, Vương Nghị (Wang Yi-王毅), đã gặp Đức Tổng Giám Mục Paul Gallagher, Bộ trưởng Ngoại Giao Tòa Thánh, vào ngày 14 tháng Hai để thảo luận về sự phát triển của tình hình kể từ khi một thỏa thuận Trung Quốc -Vatican được ký kết vào năm 2018 về việc bổ nhiệm các giám mục ở Trung Quốc. Nam tước Patten lưu ý rằng nhà ngoại giao cộng sản này có cùng tên với một mục sư Kitô giáo nổi tiếng, là người đã bị kết án chín năm tù vào tháng 12 vừa qua vì tội âm mưu lật đổ chính quyền.
Mục sư Vương Nghị của Giáo hội Giao ước Mưa Sớm (Early Rain Covenant Church - 早雨圣约教堂) đã bị bắt vì chỉ trích các chính sách độc đoán của Tập Cận Bình.
Nam tước Patten nhấn mạnh rằng: “Người mà họ vừa bổ nhiệm đứng đầu văn phòng Hương Cảng và Ma Cao sự vụ nhằm đối phó với tình hình ở Hương Cảng đã khởi đầu sự nghiệp của mình bằng cách xóa bỏ những biểu tượng Kitô giáo trong tỉnh mà hắn ta điều hành trước đây.” Hạ Bảo Long (Xia Baolong - 夏宝龙) là đồng minh thân cận của Tập Cận Bình và từng làm phó cho hắn ta ở tỉnh Chiết Giang (Zhejiang - 浙江). Hơn 1,200 cây thánh giá đã bị gỡ bỏ và hàng loạt các nhà thờ đã bị phá hủy từ năm 2013 đến 2017 khi Hạ Bảo Long là Bí thư tỉnh ủy Chiết Giang, một trong những khu vực có đông tín hữu Kitô nhất Hoa Lục.
Nam tước Patten đặt câu hỏi: “Làm thế nào bạn có thể bang giao về các vấn đề tôn giáo với một chế độ đang giam cầm một triệu người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương?”
Ông nói thêm: “Tôi thấy mình đồng cảm với Đức Hồng Y Trần Nhật Quân và với những người khác về điều này. Tôi ngưỡng mộ những người ở Rôma, những người đã cố gắng trong nhiều thập kỷ để cải thiện mối quan hệ giữa Vatican và Trung Quốc. Tôi biết những vấn đề này không dễ dàng chút nào. Nhưng tôi nghĩ rằng bây giờ không phải là lúc để làm điều này với một chính phủ Trung Quốc đã đi thụt lùi về phương diện nhân quyền.”
Nam tước Patten, người lãnh đạo Ủy ban Độc lập về Chính sách cho Bắc Ireland, cũng đã nói chuyện với The Tablet về Ả Rập Saudi và nói rằng Anh và Châu Âu không thể áp dụng tiêu chuẩn kép. “Trong khi chúng ta đang thực hiện một đường lối cứng rắn đối với Iran và Syria về mặt nhân quyền, chúng ta không thể bỏ qua những gì đã xảy ra ở Ả Rập Saudi, cho dù đó là vụ giết một người bất đồng chính kiến hay là việc tiếp tục ngược đãi phụ nữ.”
Ông nói rằng nhân quyền phải được coi là phổ quát và phải được áp dụng theo cùng một cách ở mọi nơi. Trong bài phát biểu của mình, ông nói rằng mối đe dọa từ bên ngoài đối với nền dân chủ tự do chủ yếu đến từ Đảng Cộng sản Trung Quốc, rồi sau đó là đến từ Nga.
Ông nhấn mạnh rằng điều quan trọng là Trung Quốc phải đóng một vai trò tích cực và mang tính xây dựng trong cộng đồng nhân loại nhưng nói thêm: “Chúng ta không nên có thái độ đối kháng với người Trung Hoa, nhưng là đối kháng với ý định và hành vi của Đảng Cộng sản Trung Quốc.”
Ông lưu ý rằng các cuộc tấn công nghiêm trọng và dai dẳng nhất vào các giá trị của nền dân chủ tự do đến từ Đảng Cộng sản Trung Quốc, và những tấn kích này có được những thành công nhất định là nhờ vào kinh tế Trung Quốc và chính sách ngoại giao bằng cách cho vay có tính toán của nước này. Thuyết phục các nước phương Tây rằng muốn tiếp cận với thị trường Trung Quốc, người ta phải chiều theo đường lối chính trị của Trung Quốc, là “chính sách ngoại giao chó sói”, ông nói.
Nam tước Patten, một người Công Giáo rất có ảnh hưởng, đã nói với một cử tọa chật cứng trong Nhà thờ St Ann trên đường Dawson, ở thủ đô Dublin, rằng một lý do có thể giải thích cho đường lối cứng rắn của Đảng Cộng sản Trung Quốc ở Hương Cảng là thành phố này đại diện cho nhiều khía cạnh của nền dân chủ tự do mà Đảng Cộng sản ghét cay ghét đắng.
Source:The TabletVatican 'got it wrong' about China says Patten