HÃY ĐỂ DÒNG SUỐI LÒNG NHÂN ÁI CHẢY TỰ NHIÊN
Lũ lụt Miền Trung lần này đã lập nên những kỷ lục, kỷ lục về sức nước và sự tàn phá, kỷ lục về lòng nhân ái của nhân dân và sự bị động của nhà nước trước thảm họa.
Những chiếc phi cơ đặc dụng của Việt Nam gắn bó nhiều ngày đêm tìm kiếm miệt mài phi cơ MH 370 của hãng hàng không Malaysia mất tích năm xưa đâu rồi mà không thấy đến cứu trợ nhân dân đang kêu cứu trong ba đêm lũ lụt kinh hoàng ở Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh?
Không lẽ "việc nước nhà thì nhác việc nước khác thì siêng" ? Các thuyền cứu hộ của Việt Nam đã bất kể sóng gió, vượt ngàn khơi, cứu người Trung Quốc đang lâm nạn trên biển trước đây đâu rồi, mà bỏ mặc dân mình kêu cứu trong lũ dữ? Hay là mạng sống dân mình phải chịu thế ? Tiền các tĩnh bão lụt chi hậu hĩ xây dựng tượng đài, công viên tưởng niệm, cổng chào, quà cáp đại hội... Đâu rồi? Không chuẩn chi kịp thời cứu nạn dân mình ? Hay là ngân sách chỉ để lo cho nhà nước, còn thảm họa của dân mình thì chờ kêu gọi nhân dân cả nước cứu trợ ? Thủ tướng đã công bố gói cứu trợ tiền và gạo cho dân lũ lụt, chưa nói đến chuyện nhiều ít, chỉ quan tâm đến việc chừng nào mới đến tay dân ? Dù số tiền và gạo ấy cũng từ tiền thuế, trong đó gồm cả tiền thuế của đồng bào trong vùng lũ, dân đang đói trong rốn lũ cần sự trợ giúp của nhà nước nhanh chóng và kịp thời, không thể chờ...
Bão lụt Miền Trung không phải mới xảy ra lần đầu làm nhà nước lúng túng đối phó, mà đã xảy ra thường xuyên, sao nhà nước không chuẩn bị những phương án khắc phục nhược điểm trong mỗi mùa lũ lụt, sẵn sàng ứng phó khi có thiên tai bất ngờ ập đến ?
Công bằng mà nói, các chính quyền địa phương đã dốc hết sức cứu dân, nhưng vì không có phương án chủ động vật tư, phương tiện, thực phẩm cần thiết, bị động đối phó theo tình huống nên những cấp thừa hành dưới địa phương khó lòng lo xuể, còn nhiều hạn chế, để dân kêu cứu hoảng loạn...
Vậy rõ ràng, về phía nhà nước, còn quá nhiều điều phải làm, quá nhiều điều phải hoàn thiện trước khi có thể ôm đồm, quản lý dòng suối từ thiện nhường cơm sẻ áo từ khắp mọi miền đất nước chảy về. Nhược điểm chưa khắc phục thì ôm đồm chuyện từ thiện của nhân dân sẽ chồng thêm phức tạp.
Hiện tại, sự mất mát của nhân dân rốn lũ là quá lớn, hai cơn bão dữ có khả năng uy hiếp vùng tang thương này trong những ngày tới, gây thêm thảm họa bão chồng bão, lũ chồng lũ, khiến sự mất mát ấy càng kinh khủng hơn, khó có thể thống kê và tiên liệu hết.
Cho nên hàng cứu trợ không biết bao nhiêu cho đủ, tình hình đang vượt quá tầm hỗ trợ của nhà nước, nạn nhân bão lũ đang cần nhiều, nhiều thật nhiều dòng suối từ thiện từ muôn nơi đổ về. Đây là lúc nhà nước và nhân dân cùng chung tay cứu trợ, cần và vô cùng cần những tấm lòng, những nhà từ thiện trong dân, những quan chức và cơ quan hữu quan chung tay làm, lăn xả cứu trợ đồng bào, không cần những quan chức cổ cồn ngồi phòng lạnh phát ngôn lý sự pháp luật, phê phán, chỉ trích và bày vẽ công việc từ thiện.
Phải tháo gỡ ngay lập tức những vướng mắc pháp lý và cơ chế để khơi thông dòng suối từ thiện, cần người làm, không cần thầy dùi. Mặt trận Tổ Quốc, Hội Chữ thập đỏ và các hội đoàn ăn lương nhà nước phải cùng lăn xả tìm nguồn cứu trợ trong các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhà nước, trong các quan chức giàu có và những đại gia có máu mặt, dùng chính danh của mình để kêu gọi sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế, góp sức cùng dòng suối từ thiện trong dân cứu trợ đồng bào đang vô cùng khốn khó.
Đừng ngồi chờ như lính kiểng mà hãy là những chiến sĩ xung kích đi xin tiền cứu trợ cho đồng bào mình. Lúc này cần những quan chức lặn lội đi xin chứ không cần những quan chức, những hội đoàn quan liêu ngồi chờ... Các cấp địa phương vùng lũ nên tạo điều kiện và tư vấn cho các đoàn từ thiện cứu giúp đồng bào trong địa phương mình tốt nhất, công bằng nhất.
Hãy đặt vị trí mình là đại diện nhân dân địa phương đi xin lòng từ tâm của những nhà từ thiện muôn nơi tìm đến, đừng tỏ ra mình là bố thiên hạ lên lớp và ép buộc những nhà từ thiện phải làm theo ý mình. Bởi nếu muốn làm bố thiên hạ thì hãy lo đầy đủ và kịp thời cho dân mình. Còn nếu vượt sức không lo liệu xuể, phải nhờ cứu trợ thì phải là những quan chức, viên chức tha thiết "trải thảm đỏ" chào đón các nhà từ thiện để thu hút thật nhiều hàng cứu trợ, giúp dân mình qua cơn ngặt nghèo.
Đó mới chính là cái đạo làm quan, quan khôn thì dân được cậy nhờ. Đừng lo các nhà từ thiện phân phối không hiệu quả, nếu phải lo là lo dòng suối lòng nhân ái tắt nghẽn thì dân vùng bão lũ sẽ khó khăn. Trong lúc khẩn cấp này, hàng và tiền từ thiện đổ về vùng lũ càng nhiều càng tốt, dù chắc là sự phân phối khó công bằng, nhưng nhân dân vùng lũ sẽ tự san sẻ để cứu nhau, nếu còn nơi nào hay hộ nào chưa được nhận hàng cứu trợ của nhà từ thiện thì chính quyền địa phương sẽ bổ sung bằng nội lực của mình, không thể bán cái hết cho những nhà từ thiện, buộc họ phải phân phối công bằng?
Quỷ cứu trợ thiên tai của nhà nước có mà ? Cũng đừng lo những nhà từ thiện lừa đảo tiền những người đóng góp. Chuyện đó không phải không có, nhưng không nhiều, và không mắc mớ gì đến tiền của nhà nước, thì chồm tay vào làm gì. Bởi nhà từ thiện nào không đáng tin cậy, thì những người đóng góp sẽ biết, và biết phải làm gì, không cần các cơ quan nhà nước quan tâm hộ. Nhà nước hãy dồn hết sức người sức của trong tay nhà nước để làm việc bổn phận của những cán bộ ăn lương phải lo cho dân, đừng cản trở dòng suối lòng nhân ái.
Trận bão lũ lịch sử này là dịp tốt nhất để nhà nước nhận ra sự hạn chế của mình trong việc đối phó với lũ lụt, qua đó nhận thức lại vì sao dòng suối lòng nhân ái không chảy tập trung vào nhà nước để việc tổ chức cứu trợ tốt hơn, mà lặng lẽ rời xa nhà nước, tự phát tuông chảy trực tiếp đến tận tay những đồng bào hoạn nạn ?
Nhận thức lại vì sao các hội đoàn nhà nước không thể thu hút lòng nhân ái bẵng những cá nhân ? Để khắc phục hạn chế của mình, trước mắt, nhà nước phải tháo gỡ mọi vướng mắc pháp lý, mọi cơ chế không còn phù hợp, khơi thông dòng chảy lòng nhân ái để hàng cứu trợ đến với bà con vùng bão lũ nhanh hơn, nhiều hơn và thắm tình hơn.
(Nguyen Khan)