1,3 triệu người ở Đồng bằng sông Cửu Long đã di cư
Hơn 1,3 triệu người đã rời khỏi Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trong 10 năm qua. Đây cũng là vùng duy nhất có tỷ lệ tăng dân số 0,0%… Những con số thống kê bộc lộ một phần hiện trạng của vùng ĐBSCL, nơi ngày càng chứng kiến nhiều cảnh cánh đồng thiếu nước, dòng sông khô cạn, đô thị thì bị ngập úng…
Các chuyên gia kinh tế vừa đưa ra nhiều nhận định và khuyến nghị về vùng ĐBSCL vào hôm 14/12, tại Lễ Công bố Báo cáo Kinh tế Thường niên ĐBSCL năm 2020, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI và Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright thực hiện.
Theo báo cáo, trong hơn 3 thập kỷ qua, vai trò kinh tế của vùng ĐBSCL đang giảm so với các vùng khác trong cả nước, với sự sụt giảm mạnh xét trên tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Vào năm 1990, GDP của TP.HCM chỉ bằng 2/3 của vùng ĐBSCL, trong 2 thập niên sau, vị trí này đảo ngược khi GDP của ĐBSCL chỉ bằng 2/3 GDP của TP.HCM. Tình trạng này vẫn kéo dài đến hiện tại.
Trong giai đoạn 2009-2019, với 17,3 triệu dân, ĐBSCL có tỷ lệ nhập cư thấp nhất cả nước là 4,9% và tỷ lệ di cư cao nhất 44,8%. Trong 10 năm nói trên, tỷ lệ tăng dân số toàn vùng là 0,0%, so với cả nước 1,14%. Hai năm qua dân số cả vùng giảm 0,3%.
“Cơ hội kinh tế nơi đây không có hoặc kém hấp dẫn buộc người ta phải di dân tới các vùng khác”, TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường chính sách công và quản lý Fulbright, nói, theo Vnexpress.
Theo các chuyên gia kinh tế, nếu không có những yếu tố đột biến, đến năm 2030 cả vùng có thể còn chưa đầy 17 triệu người, tức một lượng người lớn người dân tiếp tục rời nơi đây.
Ngoài ra, ĐBSCL cũng là “vùng trũng” của cả nước về đô thị hóa. Tỷ lệ đô thị hóa của vùng sau 10 năm chỉ tăng nhẹ từ 22,8% lên 25,1%, trong khi cả nước tăng từ 29,6% lên 34,4%…
Theo báo cáo, thực tế quá trình phát triển trong hơn 2 thập niên qua cho thấy ĐBSCL không phải luôn gắn liền với những cụm từ trù phú, lợi thế tài nguyên, thiên nhiên ưu đãi, nguồn lao động dồi dào như thường được ca tụng. Trong 10 năm qua, ĐBSCL đứng trước những thách thức lớn do tác động của biến đổi khí hậu như: hạn mặn, sạt lở, ngập lụt và ô nhiễm môi trường gia tăng.
Về giáo dục, ĐBSCL chất lượng giáo dục không theo kịp các vùng miền khác, tỷ lệ bỏ học cao và trình độ học vấn của người dân thấp. Năng suất lao động khá thấp do thiếu đầu tư của khu vực FDI, các hoạt động sản xuất công nghiệp còn trầm lắng do hệ thống cơ sở hạ tầng còn hạn chế.
Sau các nghiên cứu, kết luận được các chuyên gia rút ra là trong hơn 3 thập kỷ qua, tại ĐBSCL, mô hình kinh tế nông nghiệp truyền thống được tập trung thay vì sản xuất nông nghiệp hiện đại, lấy số lượng thay vì chất lượng, manh mún hơn là tích tụ ruộng đất, phân mảnh thay vì liên kết thành chuỗi cung ứng…
Nguyên nhân chủ yếu được các chuyên gia đưa ra đó là do ĐBSCL được giao sứ mệnh đảm bảo an ninh lương thực cho cả nước, chỉ tập trung vào nông nghiệp và sản xuất lúa gạo, chậm chuyển dịch sang các ngành có năng suất cao hơn.
“Nói ĐBSCL là trù phú, lao động nhiều, nhưng tổng hợp lại 10 năm di cư trên 1,3 triệu người là vấn đề rất buồn. Đặc biệt nhất là giáo dục, thời gian qua Chính phủ cho ĐBSCL cơ chế sử dụng nguồn xổ số kiến thiết đầu tư cho y tế và giáo dục thì có sự chuyển biến lớn về cơ sở hạ tầng, nhưng chất lượng đào tạo cần có suy nghĩ. Gần 40% lao động không học tiếp phổ thông, trong xã hội hội nhập như hiện nay là điều rất đau đáu”, ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp nói.
“Thời gian qua chúng tôi thấy ĐBSCL ngày càng có nhiều thách thức hơn, rõ nhất là biến đổi khí hậu, gặp nhiều hình ảnh cánh đồng lúa thiếu nước, dòng sông khô cạn, những đô thị đã bị ngập úng. Chúng tôi cũng thấy hạ tầng giao thông quá rời rạc, chỉ phục vụ di chuyển chứ không phục vụ phát triển. Nguồn nhân lực được cải thiện khá tốt nhưng chỉ so với chính chúng ta, còn so với các địa phương khác thì còn thấp”, theo ông Nguyễn Phương Lam, giám đốc VCCI chi nhánh TP Cần Thơ, dẫn từ Tuổi Trẻ.
15 khuyến nghị được VCCI đưa ra, định hướng chiến lược phát triển của ĐBSCL cần chú trọng bền vững lâu dài thay vì lợi ích trước mắt, chú trọng thị trường thay vì thuần tuý sản xuất, linh hoạt thay vì cứng nhắc, áp đặt, xuất khẩu gạo không đồng nghĩa với an ninh lương thực, kết nối với TP.HCM và Đông Nam Bộ, cơ chế liên kết hợp tác điều phối vùng…
Mô hình phát triển mới của ĐBSCL cần phải được định hình từ chính thực trạng và phải đưa ra được lời giải cho những bài toán kinh tế-xã hội-môi trường nóng bỏng vùng; thị trường hóa hoạt động nông nghiệp (công nghiệp hóa và công nghệ hóa nông nghiệp để tăng năng suất, chất lượng, dịch vụ hóa nông nghiệp để tăng cường chuyên môn và tăng hiệu quả).
Các chuyên gia kinh tế nhận định ĐBSCL cần thay thế các hệ thống thâm canh nông nghiệp (sản xuất lúa 3 vụ/năm) bằng các hệ thống canh tác hiệu quả và thân thiện với môi trường; cần chuyển đổi thứ bậc cơ cấu từ lúa gạo-thủy sản-cây ăn trái sang thủy sản-trái cây-lúa gạo.
Đặc biệt, về giáo dục, mô hình phát triển mới của ĐBSCL phải tìm cách tháo gỡ nút thắt là vùng trũng bằng cách thiết kế chính sách tạo động cơ đi học, khắc phục tư duy ngắn hạn và theo đuổi lợi ích trước mắt khiến các gia đình cho con cái bỏ học sớm từ THCS và THPT…
Sơn Nguyên
https://trithucvn.org/