TÂM LÝ THẦN KINH CỦA CÁC TÙ NHÂN LƯƠNG TÂM

 Đào Văn Bình 


 TÂM LÝ THẦN KINH CỦA CÁC TÙ NHÂN
LƯƠNG TÂM

(ÁN TRÊN MƯỜI NĂM TRONG NHÀ TÙ CỘNG SẢN VIỆT NAM)

            -Lời nhận định ban đầu khi nhận được tác phẩm:
Đây là một bài khảo cứu, tổng hợp, nhận định của Nguyễn Quang - một cựu tù nhân chính trị đã trải qua 17 năm tù vì họat động nhân quyền trong giới sinh viên sau năm 1975 . Với một trí nhớ siêu đẳng (do mục kích, do chính mình vừa là nạn nhân vừa là nhân chứng, hoặc do công phu lén lút ghi chép, hoặc do nghe kể lại) tác giả đã phân tích các hội chứng của bệnh tâm thần của các cựu tù nhân chính trị dưới chế độ cộng sản.Tất cả những khổ đau, những hiện tượng tâm thần, những kinh hoàng, những cuộc tra tấn, đánh đập, hành hạ, đày đọa, bắn giết, hãm hiếp, bỏ đói tù nhân đều được ghi lại ở đây. 
Tại các địa ngục cải tạo này, nữ tù nhân kiên giam, tay chân bị cùm là mồi ngon cho thú tánh của cai tù, quản giáo. Nữ tù nhân vượt biên hai mươi tuổi, muốn xin đi phép phải chạy lên ôm đùi giám thị trưởng khóc sướt mướt, nước mắt ướt đẫm cả đùi y trong cả tiếng đồng hồ. Tại các trại tù trừng giới (kiên giam) không một nữ tù nhân có chút nhan sắc nào thoát khỏi nanh vuốt của giám thị. Cũng tai nơi đây, tù nhân bị kiên giam đói quá nhai cả mền rách mà tưởng như mình đang nhai thịt bò khô. Cũng tại các Địa Ngục Vô Gián (*) này tù nhân bị hành hạ cả ngày lẫn đêm không dứt. Tiếng kiểng điểm tù làm người tù rũ rượi cả chân tay. Hiện trường lao động là nơi chôn sống đời người tù cải tạo. Chậm trễ, yếu đuối, làm không đạt chỉ tiêu là biểu tượng của trây lười, chống đối. Học tập, kiểm điểm là cuộc tra tấn khốc liệt của cân não. Mỗi bữa cơm trở thành ác mộng. Có những trại, vì cơm không đủ ăn, đói quá tù nhân phải dùng cân tiểu ly để chia cho công bằng. Buổi tối đóng cửa tù là sân khấu của những chấn động thần kinh và hành hạ thể xác với những tiếng khóc, tiếng than, tiếng cười mất trí, những rên xiết kêu la, oán than trong giấc ngủ và với những giấc mơ ảo ảnh không bao giờ đạt thành. Và…sáng hôm sau, tiếng kiểng tù lại vang lên và cuộc hành tội sống lại bắt đầu…triền miên cho đến khi người tù ngã xuống. Cũng tại những Địa Ngục Vô Gián này …cai tù cũng biến dạng và trở thành những con quỷ dữ. Các giám thị trại giam quá già nhưng không chịu về hưu vì về hưu thì mất hết cả uy quyền. Uy quyền ở đây là sự đánh đập, chửi bới, la hét, hành hạ, tham ô, hãm hiếp bắn giết tù nhân như một khoái cảm của  loài quỷ. 
Phần hai của tài liệu tác giả ghi ra một danh sách khỏang trên 600 tù nhân lương tâm án  tù từ 10 năm trở lên, trong đó người ta thấy có một số tên tuổi như: Ô. Trương Văn Anh (Cựu SV/QGHC) án tù 15 năm, Ô. Phạm Trần Anh (Cựu SV/QGHC) án tù 20 năm), Đại Đức Thích Thiện Minh (bây giờ là TT Thích Thiện Minh) án tù chung thân, Giáo Sư Nguyễn Đình Huy, Linh  Mục Vàng (chết trong tù), Lê Mạnh Thác (ĐĐ. Trí Siêu), Lê Văn Thương (ĐĐ. Tuệ Sĩ), LM Trần Đình Thủ và Ô. Nguyễn Thanh Vân.
Đây là một tài liệu nghiên cứu dày khoảng trên 100 trang do nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm cựu tù cải tạo gửi đến. Tác giả Nguyễn Quang hiện vẫn còn ở Việt Nam. Đọc xong 100 trang giấy này, chúng ta bàng hoàng tự hỏi phải chăng các địa ngục mô tả trong các bộ kinh là có thực? Đúng thế, địa ngục có thực, có thực ngay trên chính quê hương Việt Nam khốn khổ. Đây là một tài liệu sống động vô cùng quý giá góp phần không nhỏ vào Bản Cáo Trạng Về Chủ Nghĩa Cộng Sản tại Việt Nam sẽ phải ra đời trong tương lai và cần lưu truyền cho nhiều thế hệ sau được biết. Với những lời giới thiệu thô thiển như thế, chúng tôi kính mong quý vị đọc tài liệu nghiên cứu của tác giả Nguyễn Quang gửi kèm theo đây. Xin lưu ý: Mọi sự in lại thành sách phải được sự chấp thuận của tác giả.

Đào Văn Bình 
---------------------------------------------------------
Trích chương cuối của tác phẩm:

20. Hội chứng loạn tâm thần do nhiễm độc.

            Các chất độc xâm nhập vào cơ thể bằng đường hô hấp, đường tiêu hoá, những lời nói nghịch nhĩ tạo nên stress gọi là nhiễm độc tinh thần… Tất cả đều tác động lên hệ thần kinh trung ương và gây ra những rối loạn tâm thần đa dạng dưới hình thức là các bệnh loạn tâm thần cấp tính, hoặc tạo ra những biến đổi về nhân cách.

            Các triệu chứng tâm thần thay đổi tùy thuộc vào nhiều yếu tố: loại chất độc, liều lượng, những lời chói tai khó chịu…thời gian bị lặp lại như thế nào, nhân cách chủ thể cũng như thể tạng cùng sức đề kháng của cơ thể.

            Cụ thể: các trường hợp nhiễm độc cấp tính thường đưa đến rối loạn ý thức đột ngột, cả rối loạn tri giác và tư duy, rối loạn trí nhớ và cảm xúc. Sự thiếu thốn được diễn tả qua thơ của Hoà Thượng Thích Quảng Độ:


Ngả một con bê với mẹ bò
Đầu đuôi chân cẳng nó nấu xúp
Gan ruột phổi phèo nó bỏ kho
Tù ba nghìn đứa trong toàn trại
Phúc bảy mươi đời được bữa no


            Cụ thể: các trường hợp nhiễm độc tinh thần dần dần sẽ đưa đến giảm sút tiệm tiến trí nhớ, trí năng và biến đổi nhân cách. Các tù nhân lâu năm đều có sự biến đổi hoặc nặng nhẹ do các tác động tinh thần này.

Nhìn cánh diều bay vút vút cao
Mây lùa theo gió bóng chim chao
Tung tăng cánh bướm hồn hoa lạ
Ồ thế mình đang bị nhốt sao?
Đông Anh Nguyễn Đình Tạo.

            Cụ thể: ngộ độc nhẹ do dùng thuốc trừ sâu, chủ thể buồn ngủ, rồi đột qụy ngay trên đồng ruộng, có khi vật vã…
            Cụ thể: trường hợp nặng chủ thể hôn mê sâu, thở nhanh và sâu, đồng tử co lại, mạch nhanh, huyết áp hạ nhanh, mất  tất cả các các phản xạ. Các trường hợp say nấm do đói khát vì người tù cố đi tìm cái ăn, say với khoai mì H34, say suýt chết với các loại nấm độc…

            Cụ thể: ngộ độc Streptomycine, các tù nhân nằm bệnh xá vì chứng lao phổi, nhiễm trùng sau một thời gian điều trị bằng Streptomycine thường giảm khí sắc, cảm xúc không ổn định, đi đứng loạng choạng nhất là điều trị trong lúc suy dinh dưỡng. Ảo thanh, ảo giác và có người phát sinh chứng ù tai, đứng ngồi không yên, mệt mỏi.
            21. Hội chứng rối loạn tâm thần do nghiện rượu.
            Trái với quan niệm thường nghiệm, không phải là chất kích thích mà là một chất làm suy giảm hoạt động của hệ thần kinh trung ương. Rượu làm giảm sự ức chế của vỏ não gây nên sự mất thăng bằng giữa hai quá trình hưng phấn và ức chế.
            Cụ thể: chủ thể cảm thấy khoan khoái dễ chịu, quên các khó khăn trong cuộc sống thực tế. Họ nói nhiều, hoạt động nhiều, nhưng khả năng phán đoán suy giảm nên lời nói thiếu tế nhị, trở nên suồng sã quá trớn, hoạt động thiếu chính xác.Các tù nhân án cao khi được đưa đến những trại có phần thoả mái mái hơn một số thường xuyên dùng rượu, nặng hơn đến say xỉn phải bị cảnh cáo kỷ luật.
-   Các lệnh kỷ luật đọc trước toàn trại về việc mang rượu, đồ cấm vào trại giam, như trại Z30 A Xuân Lộc, Đồng Nai, xảy ra thường xuyên.
-   Các cán bộ trại giam hầu như người nào không ít thì nhiều cũng uống rượu, như viên trưởng trại Xuân Phước, Đại tá Nguyễn văn Bôi, trên khuôn mắt lúc nào cũng đỏ au với mùi rượu. Ngay khi còn là phó trưởng trại, viên trưởng trại Nguyễn văn Bàng hay chỉ vào mặt y trước các tù nhân và nói: “mày cứ uống rượu…” và viên đại tá này cứ chối bai bải.
            Cụ thể: khi nồng độ trong máu lên 0,3% thì vận động và tư duy đều bị rối loạn rõ rệt. Khi nồng độ rượu lên 0,4% - 0,5% thì cả hai quá trình hưng phấn và ức chế đều bị suy giảm, người uống rượu bất tỉnh hôn mê. Khi nồng độ rượu lên đến 0,6% - 0,7% thì người uống rượu có thể tử vong.
- Tù nhân Đinh Văn Tuyển khi say rượu nằm bất tỉnh bên ngoài trại giam và có lần đánh nhau với người khác trong lúc say xỉn. Các tù nhân bạn tự giác phải khiêng y về trại giam và chịu kỷ luật một thời gian.
-   Các tù nhân tự giác mỗi chiều về trại khuôn mặt người nào cũng đỏ au, có hơi men đôi chút. Rất ít kẻ thiên hạ say mà ta không say.

            22. Hội chứng rối loạn tâm thần do nghiện thuốc và các chất khác.
            Khi nói đến nghiện thì ngoài nghiện ma tuý-Stupéfiants-và các dẫn chất như Morphine, Heroin, Methadon…còn có nghiện cần sa, Cocain,…các chất gây ảo giác, các thuốc làm giảm đau… Và vấn đề ở đây tìm hiểu là nghiện thuốc lá. Một thói thói quen phổ biến của các tù nhân trong lúc xa nhà và bị giam giữ.
            Cụ thể: lệ thuộc tâm lý và lệ thuộc cơ thể. Lệ thuộc tâm lý là sự buộc phải dùng thuốc mặc dù biết rõ tác hại của nó. Lệ thuộc cơ thể là nếu bỏ hút thuốc sẽ phát sinh một số triệu chứng của cơ thể như vật vã khó chịu. Trích đoạn thơ tù nhân giỡn với thần chết - thần chết thấy thuốc lào cũng cười ha ha:

Xà lim trông hệt cái nhà mồ
Mỗi lần mở cửa tôi ra vô
Thấy như chôn rồi mà vẫn sống
Tử thần tôi sợ con cóc khô!

Tử thần nghe vậy bèn sửng cồ
Nửa đêm đập cửa tôi mời: “dô”
Sẵn có thuốc lào phèo mấy khói
Tử thần khoái trá cười hô hô
Thích Quảng Độ.

            Cụ thể: nghiện là trạng thái nhiễm độc thường xuyên do hút thuốc nhiều, nhất là điều kiện trong tù, có khi phải nhặt lại tàn, nghĩa là phần đuôi còn lại của người khác vứt đi để hút. Nó làm cho người nghiện không tự chủ được và phải tìm mọi cách để có thuốc. Chủ thể bị lệ thuộc cả về cơ thể và tâm thần vào chất thuốc.
-   Nhà tư sản Lý Sen vì sợ hết thuốc hút mà phải trộn bột cưa vào thuốc lá trong một ngăn riêng để cho các tù nhân khác và một ngăn riêng với thuốc thuần túy ngon dành cho bản thân.
-   Các tù nhân trong cơn nghiền không kiềm chế được phải đi xin hoặc nhặt lại tàn dư mà hút là chuyện thường trong tù.

            23. Hội chứng rối loạn loạn khí sắc. (Mood disorders).
            Đó là sự rối loạn loạn cảm xúc, một biểu hiện nhất thời của tình cảm như vui buồn, giận hờn… Sự biến đổi khí sắc thường kèm theo sự biến đổi hành vi, phần lớn các rối loạn khí sắc có xu hướng tái diễn và sự khởi phát thường có liên quan đến sự kiện hoặc hoàn cảnh gây stress.
            Cụ thể: ban đầu được nhận biết qua trạng thái lo âu hoặc bệnh cơ thể.
            Cụ thể: với trạng thái hưng cảm nhẹ, chủ thể chỉ tăng khí sắc nhẹ và kéo dài một vài ngày, tăng năng lượng và tăng hoạt động, có cảm giác thoả mái trong sinh hoạt, cả hiện tượng tăng tình dục, khả năng tập trung chú ý giảm. Các biểu hiện này không ảnh hưởng nhiều đến công việc cũng như giao tiếp, với hầu hết các tù nhân bị giam giữ lâu dài đều như rất tỉnh trước các biến động.

Có người thấy núi phun ngụt lửa
Động đất vùi, lịch sử cáo chung
Thơ Xuân Ngữ.

            Cụ thể: sang chấn tâm thần theo DSM. IIIR là loạn tâm thần phản ứng ngắn.
            Đó là một sự hưng cảm, một sự tăng khí sắc không tương ứng với hoàn cảnh riệng của người bệnh, từ vui đến buồn mà không kiểm soát được. Mất khả năng kiềm chế bản thân như nói nhanh, hoạt động thái quá. Sự thường là vậy, nhưng:

Thẫn thờ đứng tựa khung cửa ngục
Nhìn bóng xuân sang mắt lệ tràn
Thích Quảng Độ.

Cụ thể: có sự đãng trí rõ rệt, tự cao quá mức
            Cụ thể: có ý tưởng khuếch đại, lạc quan tếu nên có những hành động không thực tế như công kích nhau hoặc đùa tếu trong những hoàn cảnh không thích hợp.
            Đó là sự rối loạn cảm xúc lưỡng cực, khí sắc và hành vi của chủ thể bị rối loạn đáng kể. Trong một số trường hợp các rối loạn tăng đáng kể và một số trường hợp khác là sự giảm khí sắc, giảm năng lượng.

Ngày đứng âm thầm nhìn lá rụng
Đêm ngồi lặng lẽ đếm sao rơi
Muốn hỏi tri âm sầu viễn xứ
Tiếng nhạn kêu sương lạnh cả trời
Thích Quảng Độ.

            Cụ thể: chủ thể cảm thấy vài ngày khoẻ mạnh như họ miêu tả, nhưng hầu hết cảm thấy mệt mỏi, mọi hành vi phải trong sự cố gắng mà chẳng có gì thích thú.
            Cụ thể: chủ thể than phiền mất ngủ, mọi cảm giác không thoả mái, nhưng vẫn có khả năng đáp ứng các nhu cầu cơ bản của cuộc sống hằng ngày.
Cụ thể: việc rối loạn loãn khí sắc dường như có sự kết hợp với sự rối loạn điều hoà các hệ thống Amine sinh học, hay sự điều hoà Calcium cũng có thể liên quan đến sinh lý bệnh của rối loạn khí sắc. Các chủ thể tại trại giam Xuân Phước khi mới thoạt nhìn ai cũng xanh xao như tàu lá vì sự thiếu thốn về đủ mọi thứ.

Tôi thấy những người mà không ra người
Những giống đười ươi
Thích Quảng Độ.

            Cụ thể: các rối loạn loạn khí sắc có thể bao gồm bệnh lý của hệ viền, vùng hạch đáy não và dưới đồi và có thể vai trò chủ yếu trong việc sản sinh ra cảm xúc nằm ở hệ viền. Rối loạn chức năng vùng dưới đồi sẽ gây ra rối loạn giấc ngủ, sự ngon miệng, hành vi tính dục và các thay đổi sinh học ở các hệ nội tiết, miễn dịch. Sự chậm chạp trong mọi hành vi cử chỉ của chủ thể gồm trong nhận thức được nhận thấy trong hội chứng trầm cảm rất giống với những rối loạn của vùng hạch đáy não như chứng Parkinson và các chứng sa sút dưới vỏ não khác.
            Cụ thể: các sự kiện trong cuộc sống và các Stress từ môi trường, hiện nay người ta cho rằng có mối quan hệ giữa các sự kiện gây Stress trong cuộc sống như tâm lý, văn hoá, xã hội với giai đoạn trầm cảm. Điều đó hàm nghĩa bất cứ kiểu nhân cách nào cũng có khả năng bị trầm cảm trong hoàn cảnh thích hợp. Môi trường trại giam với sợ hãi… song:
Ngục thất dầu sôi thành cam lộ
Lao tù lửa bỏng hóa hồng liên
Thích Quảng Ðộ.

            Cụ thể: Liệu pháp tâm lý trong môi trường trại giam hầu như hoàn toàn không có. Với chứng trầm cảm nặng, lời khuyên bảo tâm lý trị liệu sẽ có ích cho chủ thể trong giai đoạn đầu tiên của việc trị liệu, cũng như với trầm cảm nhẹ thì tâm lý trị liệu pháp đặc biệt tỏ ra cũng hiệu quả  bằng cách giải thích, an ủi nâng đỡ tâm thần chủ thể như liệu pháp tâm lý ngắn hạn, liệu pháp nhận thức, liệu pháp hành vi, liệu pháp gia đình, liệu pháp phân tâm, liệu pháp gây mất ngủ, liệu pháp ánh sáng để làm tăng hiệu quả của việc rối loạn khí sắc. Chủ thể nơi đây chỉ ngày thêm trầm trọng… song với tù nhân có tâm Thiền tịnh:

Đối đầu trực diện từng giờ
Cuộc đời là một bài thơ tuyệt vời
Cảnh Thiền trước mắt người ơi
Đi tìm chẳng thấy trông vời càng xa
Thích Quảng Ðộ.

24. Hội chứng rối loạn lo âu.
            Bán thế kỷ hai mươi là những năm thật sự là “kỷ nguyên của lo âu”, thế nhưng sang thế kỷ hai mươi mốt vai trò của phụ nữ được đặt trọng hơn không biết chúng ta có bớt lo âu trong tầm tay của phụ nữ. Sự biến đổi mọi mặt của đời sống một cách nhanh chóng, giá trị truyền thống như mất đi… đó là những lo âu cho cá nhân và các nhà hoạt động xã hội về mọi mặt…

Lang sói hiền từ khoe móng vuốt
Cáo chồn ranh mãnh trổ tài hay
Trăn rắn dịu dàng phô đầu lưỡi
Đế hoàng nào khác lũ đười ươi
Thích Quảng Ðộ.

            Lo âu là một cảm giác lo sợ lan toả hết sức khó chịu nhưng thường mơ hồ, kèm theo một hay nhiều triệu chứng như cảm giác trống rỗng ở thượng vị, tức ngực, hồi họp, vã mồ hôi, đau đầu và mắc đại tiểu tiện, bực tức, bất an, đứng ngồi không yên.
            Lo âu là một loại tín hiệu báo động, nó báo trước một nguy hiểm sắp xảy đến, và chủ thể phải chuẩn bị đương đầu trước sự đe doạ.
            Sợ cũng là một tín hiệu báo động tương tự nhưng khác với lo âu: sợ là chuẩn bị đối phó với một với một đe doạ đã được biết trước, còn lo âu là sự đối phó với một đe doạ không được biết rõ, rất mơ hồ.
            Lo âu bình thường có thể điều trị bằng trấn an hoặc liệu pháp tâm lý
            Lo âu bệnh lý là lo âu quá mức và kéo dài không tương xứng với sự đe doạ. Chứng nầy rất khó mất đi và chủ thể thường kèm theo những ý nghĩ cùng hành vi thái quá nhiều khi đến vô lý.
            Cụ thể: Trầm cảm và lo âu thường đi đôi với nhau và nhiều bệnh nhân trầm cảm đôi khi cảm thấy lo âu khó chịu hơn cả các triệu chứng trầm cảm của họ. Chủ thể tâm thần phân liệt có thể cảm thấy một sự lo âu toàn bộ và sa sút tâm thần. Lo âu có thể vừa là nguyên nhân vừa là kết quả của việc bố ráp thường xuyên trong các trại lao cải.

Đây là miền Nam trong căn phòng giam chật hẹp âm u
Ngoài kia là miền Nam trong một nhà tù rộng lớn
...
giữa miền cát trắng bao la
và nằm trong căn nhà mồ
tôi không thấy gì nữa cả
trừ những bóng ma
vai mang khẩu súng AK
thỉnh thoảng chập chờn qua gang cửa gió
Thích Quảng Ðộ.


            @ các rối loạn lo âu có thể gồm các hội chứng chính như sau:
            25. Hội chứng rối loạn ám ảnh sợ khoảng rộng.
            Ám ảnh sợ là sợ một cách vô lý đưa đến sự tránh né có ý thức những đồ vật, những hoạt động hoặc những tình huống thường không nguy hiểm với nhiều người khác. Sự sợ hãi này gây đau khổ cho người bệnh, dù họ biết rằng sự sợ hãi đó là vô lý.
            Hiện nay theo bảng phân loại quốc tế các bệnh lần thứ 10 (ICD – 10) của Tổ chức y tế thế giới thì ám ảnh sợ khoảng rộng còn được dùng để chỉ tất cả những ám ảnh sợ có liên quan như sợ đám đông, sợ ở nhà một mình, sợ vào rạp hát, tiệm ăn, sợ đi một mình trên những phương tiện giao thông như xe lửa, xe buýt, máy bay, đi qua cầu hoặc đường hầm mà không có bạn bè hoặc người thân đi kèm và tâm trạng của người tù trước cái chết:
Bước đi nghĩa địa lan man
Chết rồi hay sống điêu tàn như nhau
Thích Quảng Độ.

             
            Ám ảnh sợ khoảng rộng có thể xuất hiện riêng lẻ nhưng thường kết hợp với cơn hoảng loạn và dường như sự ám ảnh sợ khoảng rộng như một phản xạ có điều kiện sau khi chủ thể gặp cơn hoảng loạn nơi công cộng.
            Cụ thể: sự hoảng loạn của những người Việt Nam sau khi được trang bị vũ khí Mác Lê Nin:

Tây chẳng phải Tây, Đông chẳng Đông
Quỉ quái sinh ra lũ cuồng ngông
Mồ mả tổ tiên cày xới hết
Đình chùa miếu mạo phá bằng không
Ông bà xem nhẹ hơn con lợn
Bố mẹ coi như khúc gỗ thông
Thích Quảng Độ.

            Cụ thể: tù nhân bị hành hung trước đám đông, nạn nhân của những vụ khủng bố… thế nhưng với một người tù bất khuất:

Thông già đứng tựa sườn non lớn
Gió giật hò reo thổi chẳng xiêu
Thích Quảng Độ.

            26. Hội chứng ám ảnh sợ xã hội.
            Ám ảnh sợ xã hội là sự sợ hãi rõ rệt và kéo dài trước các biến cố ngoài xã hội thường kèm theo sự lúng túng xấu hổ.
            Ám ảnh sợ xã hội thường bắt đầu khi thất bại trên chính trường, nhất là rơi vào chuyện tù tội, sự sợ hãi khi bao sự theo dõi bên mình để buộc tội, nên chủ thể trong trường hợp như vậy cố tránh né các tình thế xã hội và tự cô lập.
            Ám ảnh sợ xã hội còn thể hịên qua việc sợ xuất hiện nơi công cộng, phát biểu trước nhiều người.
            Ám ảnh sợ xã hội còn kèm theo sự tự ty mặc cảm, đánh giá thấp chính mình, sợ bị phê bình, đỏ mặt, run, tim đập nhanh, vã mồ hôi, buồn nôn hay mắc tiểu cũng có thể là những biểu hiện của ám ảnh sợ xã hội. Trong trường hợp nặng có thể kèm theo cơn hoảng loạn, song với những người tù lâu năm bất khuất:

Qua bao chế độ lưng vươn thẳng
Trải mấy phen tù lưỡi chẳng cong
Thích Quảng Độ.

            27.Hội chứng ám ảnh sợ đặc thù.
            Ám ảnh sợ chuyên biệt còn được gọi là ám ảnh sợ đơn thuần (simple phobias), ám ảnh sợ riêng rẽ (isoted phobia) hoặc ám ảnh sợ duy nhất (single phobias) là rối loạn lo âu thường gặp nhất. Đó là những ám ảnh sợ chỉ xảy ra trong những tình thế hết sức chuyên biệt.
            Cụ thể: như sợ rắn, thằn lằn, áo công an…
            Cụ thể: ám ảnh sợ côn trùng
            Cụ thể: ám ảnh sợ máu có thể gây ngất xỉu.
            Cụ thể: ám ảnh sợ một số bệnh như ung thư, tim mạch. Trong trường hợp các rối loạn này đạt đến mức độ hoang tưởng lúc đó chẩn đoán sẽ là rối loạn hoang tưởng.
            Cụ thể: ám ảnh sợ bị biến dạng cơ thể như ở mặt, được gọi là ám ảnh sợ biến dạng. Khi bị nặng gọi là rối loạn hoang tưởng nghi bệnh.
            Trong cái vô thường của sợ hãi, người tù tâm tịnh trong kiên định:

Nghìn kiếp tóm thu thành một kiếp
Một hình biến hiện hóa nghìn hình
Thích Quảng Độ.

            28. Hội chứng rối loạn hoảng loạn.
            Đây là chứng lo âu bộc phát từng cơn dữ dội, tái đi tái lại nhưng không giới hạn vào bất kỳ tình huống đặc biệt nào nên thường không đoán trước được.
            Cụ thể: với cơn vắng ý thức chỉ xảy ra trong vòng ½ đến 10 giây, cơn này vụt qua rất nhanh, chủ thể không biết được mà do những người chung quanh phát hiện. Lúc lên cơn mắt người bệnh đờ đẫn nhìn vào khoảng không, da tái nhợt, sắc mặt biến đổi nhanh chóng, người bệnh có thể chắp lưỡi vài cái, nhai nuốt vài lần, đánh rơi đồ vật đang cầm ở tay hoặc chữ viết trở nên nguệch ngoạc. Song:

Lúa vàng ngủ dưới bóng chiều
Lưng trời văng vẳng sáo diều xa đưa
Buồm mây tìm về bến mơ
Vài con chim lạc bơ vơ gọi đàn
Thích Quảng Độ

            Cụ thể: cơn vắng ý thức có thể xuất hiện nhiều lần trong ngày và hay xảy ra khi người bệnh xúc động, có hiện tượng giựt nhãn cầu, giật mi mắt, giật nhẹ các chi trên .

Cửa sắt xà lim ngăn gió lại
Sợ làm tan vỡ cuộc chiêm bao
Thích Quảng Độ

            Cụ thể: Với cơn nhỏ giựt cơ thường xảy ra ở hai chi trên và biểu hiện bằng sự vụng về các hành vi. Trong trường hợp giật cơ xảy ra ở hai chi dưới, người bệnh thường ngã khụy xuống mà không mất ý thức. Cơn co giật thường xảy ra buổi sáng sau khi thức dậy và dù không biết rõ nguyên nhân, các cơn co giật cơ có thể gặp trong một số bệnh cảnh như tăng urê huyết, suy gan, bệnh Creutzfeldt Jacob, bệnh thể Lafora. Nhiều tù nhân sau thời gian dài bị giam giữ đã điên thật và cả cán bộ cai tù cũng trong khủng hoảng, quả cái gọi “thiên đường trần thế” đã cùng nhau biến con người thành những kẻ điên - thế giới không chỉ là một trò đùa – le monde come un jeu - như tác giả nào đó đã viết, mà con người Việt Nam thật sự đang bị lùa vào thế giới đầy  ma trận của những kẻ không bình thường lãnh đạo đất nước.

Nhà tù Xã hội ở lâu
Chẳng còn ai muốn về hầu tổ tiên
Hát ca nhảy múa như điên
Trần gian hạnh phúc cõi thiên nào bằng
- Anh nào cười vặn gãy răng !

                                                               Ở tù sướng lắm.
                                        Thích Quảng Độ.