Biến Đau Thương Thành Sức Mạnh:
Từ Kinh Nghiệm của Một Thế Hệ
Đến Sự Hình Thành của
Siêu Quốc Gia Việt Nam ở Hải Ngoại
Phạm Cao Dương
Binh giả bất tường chi khí
Phi quân tử chi khí
Bất đắc nhi dụng
Điềm đạm vi thượng
(Lão Tử, Đạo Đức Kinh, Chương 31)
Binh khí là vật chẳng lành
Không phải là vật dùng của Quân tử
Bất đắc dĩ phải dùng
Nên điềm đạm làm đầu.
(Nguyễn Tôn Nhan dịch, Lão Tử Đạo Đức Kinh.
Từ Cộng Đồng Việt Nam Hải Ngoại, đến Siêu Quốc Gia Việt Nam của Thiên Niên Kỷ Thứ Ba
Cho tới nay, Cộng Đồng người Việt ở Hải Ngoại đã được ngoài 40 tuổi, đã trải qua giai đoạn sống còn, đã mỗi ngày mỗi thêm vững mạnh về đủ mọi phương diện để trở thành thành phần thứ hai độc lập với thành phần thứ nhất của dân tộc Việt Nam.
Cộng Đồng Hải Ngoại của chúng ta trẻ trung hơn, năng động hơn, có tiềm năng hiểu biết cập nhật hơn, có nhiều khả năng phát triển hơn nhờ đã hình thành và phát triển trong những quốc gia tân tiến nhất trên thế giới, so với thành phần thứ nhất mỗi ngày già cỗi hơn, mòn mỏi hơn, kiệt lực hơn, không còn đủ khả năng nhận thức và ngay cả sử dụng những khả năng trí tuệ vẫn còn tồn tại không ít của mình. Tuổi trẻ Việt Nam ở Hải Ngoại có thể vào và đã vào bất cứ một đại học danh tiếng nào nếu các em mong muốn và được cha mẹ khuyến khích. Rất đông các em đã đạt được điều này. Cộng Đồng Việt Nam Hải Ngoại đã tự mình hội đủ mọi điều kiện để tự đứng vững. Chúng ta đã có đầy đủ nếu không nói là khá đông các chuyên viên trí thức thượng thặng từ các khoa học gia, các giáo sư đại học, các học giả tốt nghiệp từ các học viện lớn và hiện đang phục vụ trong các trung tâm, các viện nghiên cứu bậc nhất trên thế giới để góp sự hiện diện của mình với các sắc tộc khác. Chúng ta cũng đã có những chỉ huy cao cao cấp trong quân đội, kể cả tướng lãnh. Hãy tưởng tượng hình ảnh một vị chỉ huy dẫn đầu nhiều ngàn sĩ quan, binh sĩ dưới quyền, thuộc đủ mọi thành phần, chủng tộc, trong các cuộc thao diễn, dẫn đầu họ chạy bộ hàng ngày hay nghiêm chỉnh chào cờ trong căn cứ của đơn vị mình. Vị chỉ huy đó là người Việt. Anh là vị tướng đi sát với binh sĩ của mình, tướng của trận mạc, không phải tướng của phe phái, nói cách khác, tướng cảnh. Chúng ta cũng có những chỉ huy trưởng khu trục hạm tối tân nhất của Hải Quân Hoa Kỳ, những nữ đại tá người nhỏ thó chỉ đứng đến nách những đồng sự hay thuộc cấp của mình nhưng vẫn được họ chào kính một cách trịnh trọng. Họ thuộc thế hệ một rưỡi, luôn cả thế hệ thứ hai của tị nạn Việt Nam. Tất cả đều vẫn còn thông thạo tiếng Việt, đã trả lời dễ dàng, trôi chảy các cuộc phỏng vấn bằng tiếng Việt. Tất cả đều đã trở thành “người”, đã “nên người”, đã lập được sự nghiệp trên quê hương mới mà không cần tới sự trợ giúp của các “đỉnh cao trí tuệ của loài người”. Chưa hết! Bây giờ thì họ đã ngồi lại với nhau để trở thành một lực lượng quân nhân gốc Việt, ít ra trong quân đội Hoa Kỳ, và sẽ dẫn đường cho thế hệ thứ ba. Cầu mong các em sẽ thành công mỹ mãn hơn. Trong địa hạt chính trị, người Việt nay cũng đã đi rất sâu và rất cao trong hệ thống chính quyền của nhiều nước, ở đủ cả ba ngành, ngay cả ở cấp trung ương. Nhiều người trẻ cũng đã xuất hiện và đã thành công xuất sắc. Họ thông thạo ngôn ngữ, được học, được sống và hiểu biết về xã hội nơi họ đang cư ngụ. Họ bắt đầu thay thế cho thế hệ cha anh đã đến tuổi xế chiều, nhưng vẫn hiểu biết về Việt Nam và thông thạo tiếng Việt. Trong tương lai, các em sẽ còn đi xa và lên cao hơn nữa.
Sang một địa hạt khác gần gũi với mọi người hơn là địa hạt giáo dục. Ở đây tôi chỉ nói về các cấp trung tiểu học và mẫu giáo, những cấp học cơ bản liên hệ trực tiếp tới các con em nhỏ của chúng ta trong cộng đồng. Con số những thày cô giáo người Việt hiện diện trong các trường địa phương mỗi ngày một nhiều. Nghề làm thày cô giáo không còn bị chê so với các nghề khác như trong những thập niên đầu của thời kỳ di tản. Nhiều người tỏ ra đã yêu mến nghề dạy học ngay từ khi còn học ở bậc trung và luôn cả tiểu học. Họ đã đạt được ước vọng và sau nhiều năm hành nghề vẫn tỏ ra yêu nghề hơn bao giờ hết. Nhiều người đã chuyển sang cấp chỉ huy làm hiệu trưởng, phó hiệu trưởng các trường sau khi phụ trách lớp. Nên nhớ là, ít ra là ở Mỹ, dạy ở cấp nào cùng được coi là quý, là trọng, không nhất thiết là ở bậc đại học, nơi kiếm được một chỗ làm rất khó vì rất hiếm, vì sự cạnh tranh giữa các sắc dân Á Châu rất nhiều và nạn bè cánh, phe phái rất cũng không phải là hiếm. Yếu tố quan trọng mà các em phải dựa vào để lựa chọn là chính mình, là thiên tư và hạnh phúc của chính mình. Kinh nghiệm của cha mẹ, ông bà của các em và những người đi trước thuộc thế hệ của các ngài cũng vẫn còn là những gì đáng quý cho các em khi chọn ngành và nhất là khi hoạt động cộng đồng.
Để hướng về các con em nhỏ trong cộng đồng, riêng ở miền Nam California hàng trăm và có thể hàng ngàn lớp Việt Ngữ đã được thành lập ở các chùa, các nhà thờ hay các phòng ốc mượn của các trường địa phương trong những ngày cuối tuần do các thày cô đã về hưu hay các sinh viên đại học phụ trách. Hàng ngàn thày cô giáo bất đắc dĩ đã tham gia công tác này với hàng chục ngàn trẻ em được cha mẹ mang tới dự. Hãy tưởng tượng các vị này đã kiên trì, cố gắng như thế nào để cứ tình nguyện mỗi cuối tuần mỗi đến, tuần này qua tuần khác, tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác, thường xuyên dạy các em, không nửa chừng bỏ dở. Họ âm thầm làm công việc của mình và dường như ít được cộng đồng biết đến, thăm viếng và khích lệ.
Cộng đồng của chúng ta đã độc lập, đã tự đứng vững và phát triển trong suốt 42 năm qua không hề phải nhờ vả vào chính quốc. Trái lại, hàng chục tỷ đô la hàng năm đã được gửi về dưới hình thức này hay hình thức khác, gián tiếp làm giàu cho các cán bộ và các đại gia ở trong nước và gián tiếp giúp họ chuyển tiền ra ngoại quốc phòng ngừa khi tháo chạy. Có điều, thay vì để yên cho thành phần thứ hai của dân tộc ở Hải Ngoại phát triển để hỗ trợ lẫn nhau, cùng nhau song song phát triển, cùng hướng tới một tương lai dài nhằm biến dân tộc Việt Nam thành một dân tộc lớn của nhân loại thì các “đỉnh cao trí tuệ” ở trong nước đã coi đó như một con gà đẻ trứng vàng, tìm cách ảnh hưởng tới nó, bắt nó đẻ nhiều hơn, thậm chí bắt và giết nó. Điều này là gì nếu không phải là một tội đại ác đối với dân tộc và đối với chính họ?
Lịch sử dân tộc Việt Nam phải được tính bằng ngàn năm
Trong một bài viết trước đây, nhằm kỷ niệm một ngàn năm Lý Thái Tổ từ Hoa Lư thiên đô ra Thăng Long, đăng trong Tập San Thế Kỷ 21, số 1, số ra mắt, đã nhắc tới trên đây, người viết có đưa ra cái nhìn hơi khác về lịch sử của dân tộc Việt Nam. Đó là lịch sử phải được tính bằng ngàn năm với ba dấu mốc chính: 111 trước Tây Lịch, 1010 sau Tây Lịch và những năm hiện tại của thiên niên kỷ thứ ba mà chúng ta đang sống, chứ không thể chỉ tính bằng chục năm, bằng trăm năm như lịch sử bình thường. Nhìn như thế để chúng ta có thể thấy những điều vô nghĩa mà nhiều người đã và đang làm. Nhìn như thế để chúng ta có thể lạc quan về tương lai của dân tộc Việt Nam qua sự hình thành của Cộng Đồng Người Việt ở Hải Ngoại trong thế kỷ 21 này.
Cơ hội ngàn năm một thuở: Mặt trời không bao giờ lặn trên những miền đất có người Việt cư ngụ
Sự hình thành của Cộng Đồng Việt Nam Hải Ngoại coi như thành phần thứ hai của dân tộc là một cơ hội ngàn năm một thuở chúng ta mới có được, sau nhiều chục năm dài đầy chiến tranh, đau thương, chết chóc và bất hạnh. Biến cố bi thảm 1975 đã bẩy tung bà con chúng ta ra khắp thế giới để rồi sau ngót bốn mươi năm cũng họ, cũng những bà con đã bị bấy tung ra khắp thế giới ấy, bây giờ là Người Việt Hải Ngoại, đã định cư và đã thành công ở khắp năm châu, không nơi nào là không có. Chúng ta đã không có được một lãnh thổ duy nhất, một chính quyền chung nhưng chúng ta có những con người, có chung một lịch sử, một nguồn gốc, đã phải bỏ xứ ra đi trong cùng một hoàn cảnh, một thời điểm. Nói một cách khác, chúng ta đã có một Siêu Quốc Gia Việt Nam không có lãnh thổ, không có chính quyền, không có thủ đô nhưng tất cả đều nằm sâu thẳm trong lòng mọi người dân của Siêu Quốc Gia ấy. Một Siêu Quốc Gia như vậy thích hợp hơn với sinh hoạt quốc tế trong thời hiện tại, thời mà biên giới giữa các nước đã mờ dần trước sự phát triển chung của cả loài người. Cũng nói cách khác, nếu trong thế kỷ 19, một học sinh người Anh được học rằng “Mặt trời không bao giờ lặn trên Đế Quốc Anh” thì khác đi một chút, kể từ thế kỷ 20, một học sinh Việt Nam phải được học rằng “Từ sau năm 1975, mặt trời không bao giờ lặn trên những miền đất có người Việt Nam cư ngụ.” Người Tầu cũng có thể nói câu tương tự. Họ cũng hiện diện ở khắp nơi trên thế giới nhưng vẫn không thể so sánh với người Việt. Lý do là vì người Tầu bỏ nước ra đi là họ chọn tha phương cầu thực, do họ chọn lựa còn người Việt thì không được chọn lựa. Sau ba chục năm triền miên đầy đau thương, giết chóc với ít ra là bốn năm triệu người đã bị hy sinh, nước mắt tràn ngập khắp Trường Sơn, ra tận Biển Đông. Người Việt đã bất đắc dĩ phải ra đi mà không biết sẽ đi đâu. Đến bây giờ thì tự mình và với sự giúp đỡ của các chính quyền và của người địa phương, bất chấp những sự dè bỉu, mỉa mai của nhà cầm quyền ở trong nước trong những năm đầu, các cộng đồng Việt Nam ở khắp nới trên thế giới đã trở thành vững mạnh thực sự so với thành phần còn lại ở trong nước. Bổn phận của chúng ta là phải bảo vệ và phát triển nó. Chúng ta không thể để cho những người đang nhận sự giúp đỡ vô cùng to lớn của cộng đồng chúng ta, coi cộng đồng chúng ta là con gà mái đẻ trứng vàng bắt nó đẻ nhiều hơn, đẻ mãi, lợi dụng và giết nó. Chúng ta cũng phải lo cho chính chúng ta và con cháu chúng ta. Chúng ta đang sống ở đây và sẽ chết ở đây. Con cháu chúng ta cũng vậy. Những thế lực luôn luôn gây bất ổn từ bảy mươi năm qua sẽ không tha chúng ta, không để cho chúng ta yên. Họ luôn luôn muốn làm chủ chúng ta rồi làm chủ con cháu chúng ta như họ đã làm ở trong nước, bây giờ là Cộng Đồng Người Việt ở Hải Ngoại, cơ hội ngàn năm một thuở của chung cả dân tộc, cơ hội sẽ đưa dân tộc ta thoát khỏi tình trạng nhỏ bé và chậm tiến. Bất cứ hành động nào phá hoại Cộng Đồng Việt Nam Hải Ngoại đều là một tội đại ác đối với dân tộc Có điều họ sẽ bất cần, sẽ tiếp tục làm như họ đã làm trong quá khứ như các năm 1954, năm 1975. Nhưng họ sẽ không làm gì được chúng ta. Chiêu bài độc lập thống nhất không còn hiệu nghiệm nữa. Chuyện đó qua rồi. Cộng Đồng Hải Ngoại của chúng ta đã vững mạnh và luôn luôn được các nhà cầm quyền và luật pháp bản xứ che chở. Chúng ta cũng đã có đủ mọi khả năng để tự mình đứng vững. Chúng ta đã đứng vững ít ra là hai ngàn năm và chắc chắn sẽ còn đứng vững thêm nhiều ngàn năm nữa. Điều này tùy thuộc ở chính chúng ta. Chúng ta sẽ coi quyền lực, danh, lợi, tiền bạc của cá nhân hay phe nhóm là trọng hay sự tồn vong và phát triển của cả Cộng Đồng, cả dân tộc Việt Nam là trọng. Phải tin tưởng là tới một giới hạn nào đó, Trời đã mở cửa cho chúng ta, đã “Tiệt nhiên định phận tại Thiên Thư”, đúng như tổ tiên ta từ thời Nhà Lý đã tin tưởng. Phần còn lại tùy thuộc ở chúng ta, điều mà bà con đang sống trên đất mẹ của chúng ta xem ra khó mà làm được vì dù có muốn họ cũng không được phép làm, chưa kể tất cả hầu như đều đã quá mòn mỏi, khô cằn đến độ gần như vô cảm, nếu không nói là kiệt lực chỉ còn đủ sức kiếm sống, ăn chơi và dễ dàng bị ru ngủ và thụ hưởng. Tất cả chỉ còn trông cậy ở chúng ta và con cháu chúng ta. Hãy chứng tỏ chúng ta có đủ khả năng và bản lãnh; chúng ta dời bỏ quê hương ra đi không phải để tha phương cầu thực, để được hưởng “bơ thừa, canh cặn” hay chỉ là “rác rưởi trôi giạt từ bên này đại dương sang bên kia đại dương”. Cũng không nên và không được quên nửa triệu thuyền nhân đã bỏ mình dưới lòng biển đại dương khiến cả thế giới động lòng và mở rộng cửa đón dân tị nạn chúng ta trong suốt hai thập niên tám mươi và chín mươi của thế kỷ trước, cũng như hàng ngàn tù nhân của các trại học tập sau năm 1975 đã bị thủ tiêu hay qua đời vì bị hành hạ và kiệt sức.
PCD
Xem toàn văn: