Lắng Nghe  Và  Tôn Trọng Kẻ Khác  

 TS Nguyễn Văn Thành 


Lắng Nghe  Và  Tôn Trọng Kẻ Khác  

« Thầy không kết án ai cả » (Ga 8, 15-16)

Tất cả sinh hoạt thường nhật của con người có thể được phân chia thành bốn lãnh vực hoàn toàn khác nhau, nhưng bổ túc và giao thoa chằng chịt với nhau một cách mật thiết :
Lãnh vực thứ nhất là khảo sát và ghi nhận THỰC TẾ, với bao nhiêu sự kiện cụ thể và khách quan, đang xảy ra trong môi trường sinh sống hằng ngày. Chúng ta thực thi công việc nầy, một cách đặc biệt với ba giác quan chính yếu là Thị, Thính và Xúc giác.

Lãnh vực thứ hai là sử dụng TƯ DUY, để tìm ra ý nghĩa cho cuộc sống : Tôi là ai, trong cuộc đời nầy ? Ý nghĩa hay là mục đích cuối cùng của cuộc đời, mà tôi đeo đuổi, bao gồm những giá trị nào ? Ưu tiên số một trong bao nhiêu dự phóng ấy nằm trong địa hạt nào ? Một cách đặc biệt, tôi cần thực thi những động tác cụ thể nào, để chuyển biến những giá trị trừu tượng thành những hiện thực, trong đời sống hằng ngày ?
Lãnh vực thứ ba là ý thức về những XÚC ĐỘNG đang hiện hình trong nội tâm, tìm cách diễn tả chúng nó ra ngoài bằng con đường ngôn ngữ. Từ đó, chúng ta học tập sử dụng những phương thức hữu hiệu nhằm thỏa mãn những nhu cầu cơ bản ẩn núp ở bên dưới, hay là hóa giải những tình huống ngột ngạt khó chịu, tạo căng thẳng, hoặc gây tê liệt và chướng ngại cho cuộc sống làm người.
Lãnh vực thứ bốn là phát huy những QUAN HỆ hài hòa và năng động, đóng góp và xây dựng, giữa chúng ta và bao nhiêu người khác đang cùng có mặt và hoạt động trong môi trường xã hội, nghề nghiệp và Quê Hương.
* * *
Xuyên qua bốn cách làm và cách sống vừa được trình bày, một đàng chúng ta khẳng định giá trị và quyền lợi làm người của bản thân chúng ta. Đàng khác, chúng ta còn có trách nhiệm sáng tạo những điều kiện thuận lợi, để cho kẻ khác cũng có khả năng làm người giống như chúng ta, ngang hàng chúng ta và với chúng ta.
 Thay vì cố quyết học tập và tôi luyện cho mình một nếp sống ý thức, đầy tình người và tính người như vậy, chúng ta thường có tập tục nhắm mắt đưa chân, phản ứng một cách máy móc và tự động. Tư tưởng nhị nguyên luôn luôn len lỏi nằm vùng, tìm cách lèo lái và khống chế mọi đường đi nẻo về của chúng ta, trong địa hạt tiếp xúc và thông đạt, cũng như trên bình diện quan hệ giữa người với người. Hẳn thực, mỗi lần trao đổi và phát biểu, chúng ta có xu thế đề cao con người của mình và hạ bệ giá trị của kẻ khác :
 « Tôi đúng, kẻ khác sai. Tôi tốt, kẻ khác xấu. Tôi hơn, kẻ khác thua. Tôi hoàn toàn có ý định xây dựng, kẻ khác tìm cách phá hoại bao nhiêu công trình có mặt trong lòng đất nước và xã hội ».
 Thậm chí khi dấn bước trên con đường Đức Tin, thay vì nhận làm của mình những tâm tình và lối nhìn thứ tha của Đức Kitô trên Thánh Giá, tinh thần nhị nguyên vẫn còn tồn đọng khắp đó đây, trong tác phong thường ngày của mỗi người. Não trạng « phê phán, tố cáo và loại trừ người anh chị em » đang còn là những vết thương nhức nhối và lở lói, giữa cung lòng của Hội Thánh.
Phải chăng Lời Chúa, vang vọng trong các câu nói : « Xin Cha tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm » (Lc 23, 34), hay là « Thầy không kết án một ai » (Ga 8, 15-16)… đang còn là những tiếng « thanh la phèng phèng, chũm chọe xoang xoảng », (1Cr 13, 1),  trong tâm tư và nếp sống của những người mang danh hiệu là « đồ đệ của Đức Kitô », trong đó có những giám mục, linh mục và người giáo dân ?
Nhằm hóa giải tình trạng đau buồn và tê liệt, như vừa được trình bày, trong khuôn khổ của bài chia sẻ này, tôi xin mạo muội trình bày một vài phân tích và khám phá quan trọng sau đây :
   - Thứ Nhất : Tìm hiểu những động cơ vô thức đang khống chế và lèo lái chúng ta, mỗi lần chúng ta phê phán, kết án, tố cáo và loại trừ người anh chị em, đang chung sống với chúng ta trong nhiều môi trường khác nhau. Bao lâu chúng ta chưa học tập và tôi luyện cho mình khả năng HÓA GIẢI những xu thế vô thức nầy, chúng ta chưa làm người. Do đó chúng ta cũng không thể giúp kẻ khác làm người.
   - Thứ hai : Trong đời sống Đức Tin vào Đức Kitô, Lắng Nghe và Suy Niệm Lời Chúa «Thầy không kết án ai cả ». Từ đó, tìm ra và nhận làm của mình con đường mà Ngài đã kinh qua, trong suốt cuộc đời dương thế, nhất là trên con đường Thánh Giá và Tử Nạn.
                                                      ***

1.- Những động cơ vô thức có mặt trong 4 sinh hoạt của con người
Trong phần Một nầy, tôi sẽ lần lượt khảo sát những sinh hoạt « làm người », trong bốn địa hạt đã được nói tới trên đây :
·        thực tế,
·        lối nhìn hay là quan điểm,
·        đời sống xúc động
·        và những quan hệ trao đổi qua lại hai chiều giữa người nầy với người khác.
Thực tế của tôi là tất cả những gì tôi thấy, tôi nghe và tiếp cận với tay chân hay là làn da và thớ thịt của tôi. Một người khác cùng chung sống và đang có mặt với tôi, từ một vị trí hay là ở một gốc độ khác, có thể ghi nhận một thực tế khác, hoàn toàn khác biệt, thậm chí mâu thuẫn với thực tế của tôi.
Chính vì lý do ấy, bao lâu hai người chưa trao đổi qua lại, chia sẽ, góp chung lại với nhau, với một thái độ lắng nghe và tôn trọng lẫn nhau, thực tế của tôi chưa thể nào xích lại gần với thực tế của người kia.
Vấn đề trở nên phức tạp và phiền toái hơn nữa, khi mỗi người dựa vào những kinh nghiệm quá khứ hay là những dự phóng tương lai, để trình bày về những thực tế có liên hệ gần hoặc xa với mình. Ví dụ : Thực tế của Đất Nước Việt Nam, từ 1975 đến hôm nay, là gì một cách thực sự và khách quan, một đàng đối với một người ở lại trong Nước. Đàng khác, cũng một thực tế ấy là gì, đối với một người đã            ra đi và đang sống ở Nước Ngoài ? Nếu hai người có hai chính kiến hay là ở vào hai thế hệ, hoặc lớp tuổi khác nhau, sự cách biệt giữa hai loại thực tế của hai người ấy càng trở nên lớn lao hơn, có khi còn khai trừ và loại thải lẫn nhau.
Sau cùng, chúng ta dùng ngôn ngữ, để diễn tả thực tế của mình.  Khi bộc lộ nội tâm như vậy, chúng ta không thể không sử dụng ba cơ chế hay là xu thế cần thiết và tất yếu, có mặt trong mọi ngôn ngữ, như : tổng quát hóa, gạn lọc và chủ quan hóa :
Tổng quát hóa có nghĩa là khởi phát từ hai hoặc ba nhận xét cụ thể, chúng ta nhảy vọt lên và đề xuất một kết luận có tính qui luật và thường hằng : Thực tế luôn luôn là như vậy, và phải tiếp tục như vậy, trong mọi trường hợp, đối với mọi người.
Gạn lọc là xu thế chỉ chọn lựa những sự kiện cụ thể, thích hợp với hoàn cảnh và kinh nghiệm của bản thân tôi, và từ đó tôi cố tình loại trừ và kết án những gì đi ngược lại với những tin tưởng hoặc định kiến đã có mặt trong nội tâm của tôi.
Chủ quan hóa là xu thế gán ghép hoặc áp đặt cho kẻ khác một ý nghĩa do tôi khám phá và đề xuất. Thực tế đối với tôi là như vậy, cho nên mọi người phải chấp nhận thực tế ấy, như là một hiển nhiên, không cần khảo sát thêm và kiểm chứng một cách dài dòng, phức tạp.
Khi ý thức một cách sáng suốt, đến ba cơ chế tâm lý nầy, luôn luôn có mặt trong ngôn ngữ và tác phong trao đổi hằng ngày, chúng ta sẽ cố quyết học tập hai thái độ, nhằm thăng tiến bản thân và tôn trọng tính người của mọi anh chị em đang có quan hệ với chúng ta.
Thái độ thứ nhất là LẮNG NGHE chính mình, để đề phòng bao nhiêu cạm bẫy, do chúng ta tạo nên, khi phê phán, đánh giá, tố cáo và kết án kẻ khác. Tổ tiên và cha ông chúng ta đã đề nghị « hãy đánh lưỡi bảy lần trước khi nói », có nghĩa là « hãy thức tỉnh », không mê muội, trầm mình trong những định kiến hoàn toàn vô thức. Nói cách khác, khi đi, tôi biết tôi đang đi. Khi nói, tôi biết tôi đang nói…
Thái độ thứ hai là Lắng Nghe và Tôn Trọng kẻ khác, tạo mọi điều kiện thuận lợi và tốt hảo, nhằm giúp họ diễn tả và trình bày thực tế, do chính họ ghi nhận. Khi chúng ta lắng nghe  như vậy, chúng ta đã cho phép người ấy « trở thành người ».
                                                          ***
1.2  Sau khi ghi nhận thực tế với năm giác quan,  chúng ta sử dụng TƯ DUY, để khẳng định LỐI NHÌN của mình. Lối nhìn, tùy theo cách dùng ngôn ngữ của mỗi tác giả, còn mang những tên gọi khác nhau như : ý kiến, quan điểm, lập trường hay là vũ trụ quan.
Nhằm phát huy và thao tác con đường tư duy một cách sáng suốt, có hệ thống và khoa học, chúng ta cần tư từ đi lên từng bước, theo năm cấp thang suy luận sau đây:
Cấp thứ nhất là thâu lượm, khảo sát và kiểm chúng các dữ kiện cụ thể và khách quan có liên hệ đến một vấn đề mà chúng ta muốn giải quyết.
Cấp thứ hai là đề xuất một hay nhiều giả thuyết, nhằm khám phá ý nghĩa của thực tế hay là vấn đề mà chúng ta đang nhận diện và đối diện.
Cấp thứ ba là chọn lựa một hướng đi, hay là mục đích tối hậu. Từ đó, chúng ta xác định đâu là ưu tiên số một - hay là mục tiêu quan trọng nhất - trong bao nhiêu dự phóng của chúng ta.
Cấp thứ tư là chuyển biến mục đích tối hậu thành những hiện thực hay là những tác động cụ thể hằng ngày.
 Cấp thứ năm là đánh giá kết quả cuối cùng, sau một thời gian thực hiện, bằng cách trở về đối chiếu với thực tế lúc ban đầu, để xác định đâu là thành quả khả quan và đâu là những tồn tại chưa được khắc phục. Nói cách khác, chúng ta thất bại, vì những cản trở nào ?  Hay là chúng ta đã thành tựu, nhờ vào những năng động nào ? Dựa vào cách đánh giá ấy, chúng ta sẽ thêm, bớt hay là chuyển hướng thế nào, trong bao nhiêu dự án sắp tới ?
Trong cách dùng từ, để tránh những ngộ nhận đáng tiếc có thể xảy ra, chúng ta cần phân biệt hai động tác có ý nghĩa và phần vụ hoàn toàn khác nhau :
Một bên là nhận định, đánh giá tác phong hay là hành vi của chúng ta và của người khác.
Bên kia là phê phán, xét đoán con người, với một đoàn tùy tùng dài thòng lòng như tố cáo, loại trừ, chửi bới và tấn công...
Trong cuộc sống làm người, chúng ta không thể không nhận định và đánh giá công việc cũng như hành vi của mình và của người khác. Một cách đặc biệt, khi có nhiệm vụ giáo dục và hướng dẫn ai, phải chăng công việc quan trọng bậc nhất của chúng ta là giúp cho người ấy càng ngày càng phát huy khả năng đánh giá tất cả những gì xảy ra trong cuộc đời, bắt đầu từ những gì họ nói và làm ? Đánh giá như vậy có nghĩa là xác định và phân biệt theo những tiêu chuẩn đang được thịnh hành trong môi trường văn hóa và giáo dục : cái gì đúng và cái gì sai, cái gì thích hợp và cái gì không thích hợp… 
Tuy nhiên, khi làm công việc ấy, chúng ta cần ý thức một cách rõ ràng và sáng suốt : trong mọi hoàn cảnh, đánh giá công việc hay là tác phong của một người không phải là phê phán giá trị và bản sắc làm người của người ấy. Cho nên, trên con đường đi tới của tư duy, một đàng với sứ điệp « TÔI », chúng ta khẳng định quan điểm và xác tín của mình. Đàng khác, chúng ta lắng nghe và tôn trọng người            khác, cho phép họ diễn tả và trình bày ý kiến của mình, mặc dù đó là một trẻ em, đang ở vào lứa tuổi « học làm người ». Trái lại, khi « nói THAY nói THẾ », hay là « cố tình áp đặt từ trên và từ ngoài » cho kẻ khác, một lối nhìn, một cách đơn phương và độc tài, chúng ta chưa thực sự làm người. Đồng thời, chúng ta đang làm tổn thương giá trị làm người, hay là xói mòn lòng tự tin của người ấy.
1.3  Tư duy, như vừa được nói tới, có phần vụ sáng soi và hướng chúng ta, trong mọi chương trình và kế hoạch hành động. XÚC ĐỘNG, trái lại, là động cơ thúc đẩy chúng ta thực hiện và hoàn thành công việc, nhằm thỏa mãn mọi nhu cầu chính đáng và cơ bản trong cuộc sống làm người. Chính vì lý do đó, khi các nhu cầu làm người được đáp ứng và toại nguyện, chúng ta vui sướng, hạnh phúc và an bình. Trong trường hợp ngược lại, những xúc động như sợ hãi, lo buồn và tức giận sẽ xuất hiện trong nội tâm, như một tiếng còi báo động nhằm đánh thức và thúc giục chúng ta « hãy diễn tả, chia sẻ và chuyển hóa tình huống hiện tại ». Không được hóa giải như vậy, xúc động sẽ tràn ngập và khống chế tư duy, như một dòng thác lũ phá vỡ bờ đê và làm băng hoại mọi mùa màng trong những cánh đồng hai bên.
Thêm vào đó, ở bên dưới mỗi xúc động đang làm cho nội tâm và nhất là các sinh hoạt bình thường của tư duy bị tê liệt, chúng ta hãy lắng nghe và khám phá một hay nhiều nhu cầu của cuộc sống làm người. Hãy lắng nghe và nhìn nhận, một cách chân thành và cẩn trọng, những nhu cầu cơ bản ấy. Phải chăng đó là cách hóa giải hữu hiệu và cũng là con đường làm người cần được mỗi người học tập, tôi luyện trong suốt cuộc đời. Nếu chúng ta không đáp ứng, với những phương thức vừa được trình bày, xúc động sẽ trở thành BẠO ĐỘNG trong ngôn ngữ và hành vi. Ở cuối chặng đường thoái hóa, xúc động sẽ trở thành hận thù và chiến tranh. Và con người lúc bấy giờ, sẽ biến thân thành muông thú đối với nhau, trong mọi quan hệ qua lại hai chiều.
Trong khuôn khổ của bài chia sẻ nầy, tôi chỉ đề, cập đến ba xúc động chính yếu.
Thứ nhất là TỨC GIẬN. Xúc động nầy có phần vụ nhấn mạnh rằng : « Tôi đang cần TỰ DO và tôi cần khẳng quyết quyền KHÁC BIỆT, đối với những người đang chung sống hai bên cạnh.
Sứ điệp của xúc động BUỒN PHIỀN là : « Tôi đang cần tạo lập những QUAN HỆ hài hòa và mới mẻ, với con người và sự vật đang bao quanh tôi ».
Thứ ba là LO SỢ. Xúc động nầy đang dùng ngôn ngữ không lời, để nhắn nhủ cho chính chúng ta rằng :  « Tôi đang cần được sống trong bầu khí AN TOÀN. Xin đừng có ai đe dọa, tố cáo và kết án tôi ».
Khi cả ba nhu cầu cơ bản ấy được lắng nghe, trân trọng, đáp ứng và toại nguyện, ai ai trong chúng ta cũng sẽ tự nguyện thi thố tài năng của mình một cách tối đa và tốt hảo, trên con đường làm người. Đồng thời, một cách hăng say và nhiệt tình, chúng ta sẽ vận dụng mọi cơ may, để đóng góp và xây dựng cho kẻ khác, để họ cũng có những điều kiện làm người như chúng ta, với chúng ta và nhờ chúng ta.
1.4  Sinh hoạt cuối cùng, trên tiến trình làm người của chúng ta,  là kết dệt những quan hệ ĐỒNG CẢM và ĐỒNG HÀNH, với anh chị em đồng bào và đồng loại. Theo lối nhìn của tác giả Stephen COVER, đây là loại quan hệ « Người Thắng-Tôi Thắng-Chúng ta cùng Thắng ». Không có kẻ hơn, người thua. Không có người tự tấn phong là hạng « siêu nhân », và những thành viên còn lại được cư xử và đãi ngộ như là « công cụ », « đồ vật », « bệ gác chân », hay là « một loại người phó sản ».
Trong hiện tình thoái hóa của Quê Hương Việt Nam, vì những lý do thực tiển và động cơ chính trị, quan hệ XIN CHO đã bị đầu độc và ô nhiễm trầm trọng. Xin có nghĩa là quị lụy, sụp lạy trước một ông quan toàn quyền và thực dân. Cho có nghĩa là ban phát một cách nhỏ giọt, từ trên và từ ngoài, một cách tùy nghi và tùy tiện.
 Trong khi đó, quan hệ bình thường và lành mạnh giữa người và người, nhất là trong địa hạt Tình Yêu dâng hiến, bao gồm bốn động tác cơ bản : XIN và CHO, NHẬN và TỪ CHỐI. Hẳn thực, chính lúc tôi cho, tôi đang nhận lại bao nhiêu hồng ân, bằng cách nầy hoặc cách khác. Khi xin ai một điều gì, tôi đang nhìn nhận tính chủ thể của người ấy. Cho nên,  tôi không có thái độ cướp giật, ép buộc, đòi hỏi, đấu tranh, giống như hùm beo muông sói.
Cũng trong tinh thần và lăng kính ấy, khi ai xin tôi một điều gì, tôi cần khảo sát điều kiện thực tế của mình, để có thể chọn lựa một trong hai con đường : Một là cho một cách bình tâm và thanh thản. Hai là từ chối, trả lời « không », một cách nhã nhặn và khiêm tốn. Xin như vậy không phải là nài nỉ, ép buộc người kia phải cho. Và khi cho trong tinh thần ấy, tôi không phải là người ở trên, ban phát xuống một cái gì dư thừa, vô ích, vô dụng. Trong cách cho như vậy, tôi không cưu mang một hậu ý là « thả tép câu tôm ». Hẳn thực, khi cho bất kỳ một điều gì, một cách thực sự và trọn vẹn, tôi CHO chính CON NGƯỜI của tôi. Tôi CHO cả MỘT TẤM LÒNG làm người.
Chính vì bao nhiêu lý do vừa được đề xuất trên đây, trong mọi quan hệ bao gồm tình yêu, tình bạn, tình anh chị em đồng bào, đồng loại…tôi dùng sứ điệp « NGÔI THỨ NHẤT, TÔI », để diễn tả vả khẳng định con người của mình, thay vì lạm dụng ngôi thứ hai, để nói thay, nói thế cho kẻ khác, theo kiểu « cả vú lấp miệng em ».
* * *
2.- Thái độ « không kết án » của Đức Kitô
Như tôi vừa trình bày trên đây, trong cuộc sống làm người, tất cả chúng ta, không trừ sót một ai, đều « bắt cá hai tay », nghĩa là cùng một lúc sống dưới hai chế độ Ý THỨC và VÔ THỨC. Một cách cụ thể, chúng ta nói mà không có khả năng làm chủ tất cả mọi lời nói của chúng ta. Đương khi Lối Nhìn của chúng ta chỉ có tính cách phiến diện, cục bộ, chúng ta lại  tin tưởng rằng đó là sự thật một trăm phần trăm. Chính vì lý do nầy, trong mỗi quan hệ tiếp xúc và trao đổi giữa người với người, chúng ta có xu thế xét đoán, phê phán, kết án và tố cáo người khác, khi họ không rập khuôn theo chúng ta, trong các lãnh vực sinh hoạt như : ghi nhận thực tế, trình bày lối nhìn, diễn tả xúc động và thiết lập quan hệ.
Đức Kitô, trái lại, trong suốt cuộc đời dương thế, vừa là con người thực sự và trọn vẹn. Nhưng đồng thời, Ngài cũng là Thiên Chúa. Thánh Thần của Ngài cũng là Thánh Thần của ngôi Cha. Đó là Thánh Thần Yêu Thương và Tha Thứ, soi sáng và hướng dẫn mọi đường đi nẻo về của Ngài. Thánh Thần cũng luôn luôn có mặt với Ngài, để ban cho Ngài mọi Năng Lực, để vượt qua những nỗi buồn phiền và lo sợ, trước những cực hình đang đợi chờ Ngài, trước lúc tắt thở trên Thánh Giá. Chính vì vậy, trong những ngày cuối cùng của cuộc đời làm người, Ngài đã khẳng quyết :
 « Thầy không xét đoán ai cả. Mà nếu Thầy có xét đoán, thì sự xét đoán của Thầy vẫn đúng sự thật, vì không phải chỉ có mình Thầy, nhưng có Thầy và Đấng đã sai Thầy » ( Ga 8, 15-16).
Nói cách khác, trong mỗi Lời Ngài nói, trong mỗi Sứ Mệnh Ngài thực hiện, Đức Kitô luôn luôn lắng nghe Thánh Ý của Thiên Chúa. Tin Mừng mà Ngài gieo vãi khắp muôn nơi, trên mỗi chặng đường đi qua, là Lòng Thương Yêu và Tha Thứ vô bến bờ của Cha Ngài. Thậm chí, trong những lúc đang trải nghiệm những cơn lo sợ, buồn phiền, « đến độ mồ hôi và máu toát ra khắp thân mình », tâm hồn Ngài vẫn « tràn đầy và thấm nhuần » Chúa Thánh Thần.
Sau khi lắng nghe bài giảng về Lòng Thứ Tha, Thánh Phêrô đã hỏi Ngài : « Thưa Thầy, con phải thứ tha đến mấy lần ? Có phải bảy lần không ? Đức Kitô đáp : Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy » (Mt 18, 21-22).
Cũng vậy, trên Thánh Giá, trước khi tắt thở, Ngài đã cầu nguyện với Ngôi Cha : « Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm » (Lc 23, 34).
Khi sống Đức Tin vào Đức Kitô, điều quan trọng số một, chúng ta cần thực hiện, phải chăng là mang tâm tư của Ngài ? Đi lại con đường của Ngài ? Nhìn như Ngài đã nhìn ? Nói như Ngài đã nói ? Suy tư như Ngài đã suy tư ? Thiết lập quan hệ, giống như Ngài đã thiết lập ?
Hẳn thực, Đức Tin của chúng ta chỉ là « Thanh la phèng phèng, chũm chọe xoang xoảng » (1Cr 13, 1), bao lâu chúng ta chưa sống Đức Tin, như Thánh Phaolô đã sống : « Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi » (Gl 2, 20).
                                                 ***
Mấy câu thơ sau đây diễn tả và tóm gọn một phần nào tâm tình và lối sống Đức Tin của tôi vào Đức Kitô :
Con là Hạt Nước hay Đại Dương ?
Cả hai làm Một, Tình Thương nối liền.
Con là Bùn Đất hay Thần Tiên ?
Chính con chọn lựa vươn lên hay trầm mình.
Trầm mình dẫn đến Vô Minh,
Vươn lên thắp sáng THẦN LINH cho Đời.
Con là ai ? Hạt Bụi giữa Đất Trời Vũ Trụ,
Nhưng đời con gây động chuyển hằng ngàn tinh tú.
Con ra đi, mở rộng nhiều chân trời tình bạn,
Con mang về Đức Kitô tròn đầy và viên mãn.