MYANMAR: TƯƠNG LAI NÀO?
Bs Nguyễn Đan Quế
Cao trào Nhân Bản
Hai tháng thẳng tay đàn áp phong trào bất tuân dân sự, quân đội Miến đã giết trên 500, bỏ tù hơn 3000. Để bảo toàn tối đa, người biểu tình rất linh động như bấm còi khi chạy xe, khua nồi niêu xong chảo vang trời trên các chung cư, chất rác ra đường thành đống, hẹn nhau biểu tình vào sáng sớm tinh mơ hay đêm khuya khoắt mờ ảo, phơi quần đàn bà phấp phới trên dây giăng hàng loạt ngang đường, cả đoàn dàn xe gắn máy chạy hàng ngang với biểu ngữ giương cao...
Đẫm máu nhất là ngày thứ bẩy 27-3-2021. 27-3 là “Ngày Quân lực“, đánh dấu sự khởi đầu của cuộc kháng chiến chống lại sự chiếm đóng của Nhật năm 1945. Năm nay hãng tin Anh Reuters cho biết thứ trưởng quốc phòng Nga, cũng như đại diện ngoại giao của nhiều nước châu Á, trong đó có Việt Nam, Lào, Thái Lan, hay Trung Quốc, Pakistan, Ấn Độ … đã có mặt trên khán đài dự lễ duyệt binh bên cạnh các tướng lĩnh Miến Điện.
Ngay từ sáng sớm, đông đảo người dân Miến Điện xuống đường biểu tình. Đàn áp đẫm máu đã xẩy ra. Tin loan đi 100 - 150 người bị thiệt mạng, có nhiều trẻ em. Buổi tối tiệc tùng chiêu đãi xa hoa vẫn diễn ra . Dù vừa bị nặng, quần chúng vẫn xuống đường ngay ngày hôm sau. BBC có bài: Những ‘cánh sao rơi’ trong ngày chết chóc nhất của Myanmar. Những người biểu tình chống chế độ quân phiệt bị bắn chết ngày 27/3 được gọi là “những cánh sao rơi”. Tàn sát người biểu tình gây ra làn sóng phẫn nộ trên toàn cầu. Đại sứ Mỹ ở Myanmar nói trên mạng xã hội: “Cuộc đổ máu này thật kinh hoàng”, “người dân Myanmar đã nói rõ: họ không muốn sống dưới nền cai trị của quân đội.” Ngoại trưởng Mỹ nói rằng Washington thấy 'kinh khiếp' cuộc đàn áp đẫm máu nhằm vào dân thường.
Ngoại trưởng Anh nói vụ giết hại thường dân và trẻ em không vũ trang đánh dấu một sự trầm trọng mới. Phái bộ EU ở Myanmar nói ngày thứ Bảy sẽ “mãi mãi khắc ghi là một ngày của khủng bố và ô nhục”. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc cho biết ông "vô cùng sốc". Các bộ trưởng quốc phòng của 12 nước cùng ra một bản thông cáo chung kết tội giết thường dân của quân đội Myanmar. Lãnh đạo ngoại giao Liên Hiệp Châu Âu (EU), cũng lên án mạnh mẽ « leo thang bạo lực không thể chấp nhận », « một hướng đi điên rồ » « ngày khủng khiếp và đáng xấu hổ ». 27-3 là ngày « đen tối » nhất kể từ khi đảo chính diễn ra, cả trăm người chết, trong đó có cả trẻ em.
Thật là khủng khiếp, thật là quá đáng (…) khi có nhiều người bị giết một cách hoàn toàn vô ích », tổng thống Mỹ đã phát biểu như trên trước giới báo chí. Một số nước đã cho thi hành biện pháp trừng phạt, như: Đầu tháng 3, Mỹ chặn quân đội Myanmar rút 1 tỷ USD tại Ngân hàng dự trữ New York và đưa hai bộ Quốc phòng - Nội vụ, cùng hai tập đoàn quân sự hàng đầu, là Myanmar Economic Corporation và Myanmar Economic Holdings Limited, vào danh sách đen thương mại của Mỹ.
Cuối tháng 3, Mỹ loan báo ngưng một thỏa thuận thương mại với Miến Điện. Và ngày 31-3 Tập đoàn công nghệ quốc tế Giesecke + Devrient (G + D) của Đức quyết định đình chỉ ngay lập tức tất cả việc cung cấp nguyên liệu và vật liệu in tiền giấy cho Cơ sở In ấn Bảo mật của nhà nước nước Miến Điện. Tổ chức Công lý cho Myanmar (Justice for Myanmar) công bố một phóng sự điều tra, cáo buộc tập đoàn viễn thông Viettel của VN hợp tác với Mytel, đồng lõa với tội ác vi phạm nhân quyền của quân đội Myanmar. Hai chục sắc dân thiểu số, vốn từ lâu chiến đấu võ trang riêng lẻ chống chính quyền trung ương ở Miến Điện nhưng không ưa thậm chí thù ghét sắc dân đa số (người Barma), lần đầu tiên trong lịch sử, đã lên tiếng ủng hộ những người biểu tình bất tuân dân sự. Lực lượng Quân đội Độc lập Kachin (KIA) tấn công một đồn cảnh sát ở bang Kachin (cực bắc Miến Điện, giáp Trung Quốc) và lực lượng Liên minh Quốc gia Karen (KNU) tấn công một căn cứ quân sự ở bang Kayin (giáp Thái Lan).
Đáp lại quân đội đã không kích vào các nhóm thiểu số vũ trang, đồng thời gởi bộ binh đến tăng cường. Tối 31-3 phía quân đội loan báo sẽ ngưng các chiến dịch này trong vòng một tháng kể từ hôm nay, nếu các nhóm vũ trang không tấn công tiếp và đồng thời lên tiếng ngưng bắn. Liên Hiệp Quốc cảnh báo một “cuộc tắm máu” sau khi giao tranh bùng phát giữa quân đội và quân nổi dậy người thiểu số ở các vùng biên cương. Khoảng hai mươi lực lượng nổi dậy vũ trang của cộng đồng thiểu số Miến Điện bắt đầu ủng hộ phong trào bất phục tùng dân sự.
Những tộc người này luôn xung đột với chính quyền trung ương, do quân đội kiểm soát, từ khi Miến Điện độc lập vào năm 1948 để đòi tự chủ hơn và hưởng một phần tài nguyên dồi dào hoặc nguồn thu từ buôn bán ma túy. Liệu sự ổn định tạm thời nhờ thỏa thuận ngừng bắn từ vài năm nay có thể tan vỡ ?
Hội Đồng Bảo An họp khẩn ngày 31-3, đặc sứ Liên Hiệp Quốc về Miến Điện nhấn mạnh nguy cơ xảy ra nội chiến, nhưng Trung Quốc bác bỏ mọi ý định trừng phạt tập đoàn quân sự, cho rằng « chỉ làm trầm trọng thêm tình hình ».
Tuy nhiên Trung Quốc đồng ý đòi hỏi « quay lại với sự chuyển tiếp dân chủ » và kêu gọi tất cả các bên « kềm chế ». Sau hai ngày đàm phán, Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc chiều 1-4 đã ra thông cáo « bày tỏ quan ngại sâu sắc trước tình hình đang xấu đi tại Miến Điện (…) mạnh mẽ lên án bạo lực nhắm vào những người biểu tình ôn hòa, làm hàng trăm thường dân thiệt mạng, trong đó có phụ nữ và trẻ em ».
Trong khi các nước phương Tây lên án cuộc đảo chính, Trung Quốc hoan nghênh và ủng hộ nguyên tắc của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) là không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, mặc dù đã có những dấu hiệu cho thấy việc tuân thủ nguyên tắc đang dần lơi là. Indonesia, Singapore, Malaysia, Thai và Philippines đều đã lên tiếng về tình hình ở Myanmar. Trên thực địa, quân đội Miến Điện tối 1-4 kêu gọi ngưng bắn một tháng đối với các lực lượng thiểu số nổi dậy ủng hộ người biểu tình.
Trong khi người biểu tình tổ chức một đêm canh thức, thắp nến tưởng niệm các nạn nhân, kêu gọi tiếp tục đấu tranh và làm lễ ‘hỏa táng’ hiến pháp 2008 do phe quân nhân soạn thảo. . Không bên nào - phe quân đội hay phong trào bất tuân dân sự - sẵn sàng lùi bước. Quân đội tin họ có thể ổn định tình hình bằng đàn áp. Trong khi phong trào xuống đường, do những người trẻ tuổi lãnh đạo, quyết tâm đưa đất nước thoát khỏi chế độ độc tài quân phiệt bằng cách làm tê liệt nền kinh tế, các cửa hàng đóng cửa, các nhà máy ngừng hoạt động…
Họ sẵn sàng chấp nhận mọi hy sinh để làm suy yếu quân đội và nhất quyết sống chết với lý tưởng . Cuộc đảo chính và hành động tàn bạo của tập đoàn quân đội đang đẩy những tộc người Miến Điện xích lại gần nhau, đoàn kết hơn. Đây là điểm khác biệt cơ bản so với quá khứ khi người Bamar (chiếm đa số) luôn tự nhận là dân tộc thượng đẳng. « Hơn 1.000 nạn nhân chính trị », trong đó có « rất nhiều thủ lĩnh phong trào bất phục tùng dân sự » đang được lực lượng Liên minh Quốc gia Karen bảo vệ, theo phát ngôn viên của KNU được trích trong phóng sự ngày 30-3 của báo Libération.
Vài nghìn người khác, đang ẩn náu tại nhà của người dân tộc Shan và Kachin ở miền bắc Miến Điện. Saw Jay, giám đốc một tổ chức phi chính phủ Miến Điện bảo vệ người Karen, nhận định với phóng viên của Libération, « việc người Bamar (dân tộc chiếm đa số) nằm dưới sự bảo vệ quân sự của các tộc người thiểu số làm thay đổi cán cân quyền lực truyền thống ở đất nước chúng tôi (Miến Điện). Kể từ giờ, một phần lớn cuộc đấu tranh chống tập đoàn quân sự dựa vào người thiểu số. Họ thường bị lãng quên nhưng giờ trở thành trung tâm bàn cờ chính trị ».
Sát cánh với phong trào bất tuân dân sự chống lại quân đội có thể là cơ hội để họ được đối xử công bằng hơn và được công nhận là một phần của nhà nước liên bang. Miến Điện đang có cơ may trở thành một xã hội nhân bản hơn, vượt lên trên mọi chia rẽ sắc tộc. Hướng đấu tranh đó phù hợp kỷ nguyên Nhân Bản Kỹ Trị, với thế giới đang chuyển mình đi vào hợp tác Bắc – Nam, mà ASEAN, trong đó có Myanmar, là thí điểm đầu tiên và quan trọng nhất trong việc hình thành Khối Nam./.
Bs Nguyễn Đan Quế
2-4-2021