NGHỆ SĨ VÀ TÁC PHẨM

 NGHỆ SĨ VÀ TÁC PHẨM 

Ðỗ Bình 


« Một tác phẩm ở bất cứ một thể loại nào dù là văn học hay nghệ thuật giá trị đích thực không hẳn ở lời khen tiếng chê mà tùy thuộc vào tác phẩm đó có thực đi vào lòng người hay không. Tuy nhiên người đời vẫn lầm lẫn gữa tác phẩm và nhân cách tác giả! Người nghệ sĩ và tác phẩm là hai thực thể tách rời nhau nhưng lại khắn khít, có chung một niềm bất hạnh chứa đầy rủi ro đôi khi bị vùi dập vì ngộ nhận! Nghệ sĩ là một danh hiệu cao quý do người đời ban tặng vì những cống hiến của họ phục vụ cho những giá trị Chân,Thiện,M. Tâm hồn nghệ sĩ rất phóng khoáng, bao dung, yêu thiên nhiên, yêu tha nhân, yêu cuộc đời cho dù đời muôn cay đắng! Người nghệ sĩ chân chính luôn yêu nghệ thuật và yêu tự do như hơi thở mạng sống.” 

  Trong dòng lịch sử tân nhạc Việt Nam đã mấp mé gần thế kỷ khởi từ những nhạc sĩ đầu tiên như Nguyễn Văn Tuyên, Nguyễn Xuân Khoát, Văn Chung, Lê Yên, Doãn Mẫn, Văn Cao, Dương Thiệu Tước, Thẩm Oánh, Lê Thương, Hoàng QúyNhững giai điệu quê hương mang tính lãng mạn trữ tình của dòng nhạc tiền chiến. Gió vi vu trên đồi, rừng xào xạc lá, những tiếng động va chạm phát ra trong thiên nhiên ; thoảng nghe chỉ là những tạp âm. Nhưng nếu tất cả những âm thanh đó hòa với nhau, phải chăng lại là bản giao hưởng tuyệt vời mà tạo hóa đã ban cho con người ? Hay phải đợi đến lúc xuất hiện người nghệ sĩ, nhờ sự rung động cảm xúc, đã biết vận dụng kỹ thuật, chắt lọc các âm thanh phối hợp thành một thứ nghệ thuật gọi là âm nhạc ?”.  

Trịnh Hưng sinh năm 1930 tại Hà Nội, nguyên quán Bắc Ninh. Ông có người bạn rất thân là Phạm Nghệ, ông cho biết: “Phạm Nghệ mới có năng khiếu âm nhạc bẩm sinh nhất là phân biệt được những âm sắc của tiếng động ở những cường rất độ nhỏ”. 

Để thỏa chí làm trai lúc còn rất trẻ hai người cùng đi kháng chiến, họ cùng chung trong đoàn văn công. Trong chiến khu ông đưọc thụ huấn một lớp âm nhạc do GS Tạ Phước giảng dạy. Sau  nhiều năm dài tham gia kháng chiến, hai người đã cùng bỏ hàng ngũ về thành vào những thời gian khác nhau. Nhạc sĩ Phạm Nghệ di cư vào Nam sau đó qua Pháp du học ngành âm nhạc và trở về trường Quốc gia Âm nhạc Sài Gòn làm giáo sự thực thụ môn violon cho  mãi dến 1975 ông cùng gia đình di tản qua Hoa Kỳ. Tình bạn của Trịnh Hưng và Phạm Nghệ vẫn giữ nồng ấm như thủơ ban đầu và liên lạc thường xuyên với nhau. Do đó người có thể biết được Trịnh Hưng nhiều nhất ở Mỹ là giáo sư Phạm Nghệ. 

Trịnh Hưng biết mình chỉ còn con đường âm nhạc để tiến thân nên ngoài ngón đàn mandoline, hawai, ông đã học sáng tác và dành nhiều thì giờ tự tập thêm đàn guitare trong cuốn Méthode de Guitare soạn bởi  F. Carulli được giáo sư Tạ Phước chép lại. Nhờ sự chăm chỉ tập luyện ông có thể độc tấu tây ban cầm cho bằng hữu thưởng lãm. Ðầu năm 1952 ông sáng tác bản đầu tay là : Lối Về Xóm Nhỏtheo điệu Fox. Ca từ trong thời đó hoàn toàn khác với ca từ và cấu trúc nhạc phổ biến sau này. Nhạc sĩ Trịnh Hưng đọc cho tôi ghi có sự hiện diện con trai của ông ttrong lúc nằm ở bệnh viện, trước khi ông rơi vào hôn mê một ngày. Tôi không chép ca từ đó ra đây vì lý do: Ca từ sau đẹp hơn ca từ trước vì nó  mang tính nghệ thuật, cấu trúc và thể điệu phong phú mới hơn. Có thể nói nhạc sĩ Trịnh Hưng là một trong số những nhạc sĩ tiền chiến viết theo dòng nhạc ngũ cung, dân ca dân nhạc, và là một trong những người tiên phong đổi mới làn điệu dân ca qua các thể điệu Tây Phương như: Cha cha cha ( Lối Về Xóm Nhỏ), Mambo - Boléro ( Lúa Mùa Duyên Thắm, Trăng Soi Duyên Lành, Tình Thắm Duyên Quê, Tiếng Ca Dân Lành), Rumba ( Miền Nam Mưa Nắng Hai Mùa). 

Trong thời gian ở vùng chiến khu miền Thanh Hóa, nhạc sĩ Trịnh Hưng ở chung với gia đình ông bà Lê Khải Trạch và nhận ông bà Lê Khải Trạch là anh chị nuôi. Cũng chính ở đây ông gần gũi và thân với nhà thơ Quang Dũng vì nhà thơ Quang Dũng là bạn thân với ông bà Lê Khải Trạch. Trước đó ông đã từng gặp gỡ nhà thơ Quang Dũng và nhà thơ Hữu loan nhưng vị thế của ông và hai người khác nhau nên chưa có sự giao tình đậm đà. Nhạc sĩ Trịnh Hưng cho biết: “ Nhà thơ Quang Dũng rất đẹp trai và đa tài. Ông cũng như nhạc sĩ Văn Cao nhà thơ Quang Dũng biết Cầm, Kỳ, Thi, Họa, ngâm thơ và hát rất hay” . Ông thường độc tấu đàn cho nhà thơ Quang Dũng nghe, cũng vì thế ông trở thành em kết nghĩa của nhà thơ Quang Dũng. Và cũng từ điểm này ông cũng trở thành em kết nghiã với ông Trần Chánh Thành (thời đệ nhất Cộng Hòa giữ chức Bộ trưởng Thông tin), ông Trần Chánh Thành là bạn thân của vợ chồng ông bà Lê Khải Trạch, những người này đang chuẩn bị để trở về thành.Trên con đường trở về thành họ phải qua những trạm kiểm soát của công an Việt Minh, để tránh bị phiền nhiễu, bà Nguyễn Thị Chi vợ của ông Lê Khải Trạch đã  nhận Trịnh Hưng là em ruột, từ đó Trịnh Hưng đổi thành Nguyễn Văn Hưng. Bà đã từng đảm nhận chức Ðổng lý văn phòng bộ trưởng bộ Xã Hội, Lao Ðộng thời đệ nhất Cộng Hòa. Nhạc sĩ Trịnh Hưng cho biết ông cùng các anh chị về thành năm 1952. Về Hà Nội ông đi đánh đàn trong các phòng trà dancinq cho lính Tây khiêu vũ một thời gian ngắn, và dạy thêm đàn hawai cho một số em học sinh. Sau đó ông vào Sài Gòn muốn tiếp tục đàn cho các phòng trà dancinq nên đã đến gặp ông bầu quản lý các ban nhạc các phòng trà là nhạc sĩ Trần Văn Lý một danh thủ piano, accordéon và cũng là nhạc trưởng của dancinq Kim Sơn các phòng trà và đài Sài Gòn. Nhưng vì các nơi đó đã có đủ nhạc sĩ nên ông chỉ được mướn chơi đàn thế những lúc các nhạc sĩ bị bệnh hay vì một lý do nào đó vắng mặt. Trong sự bấp bênh đó ông được người giới thiệu đến khu Hồ Văn Ngà, một khu vực bán đàn và dụng cụ âm nhạc thời bấy giờ. Vì thấy ông chơi đàn giỏi, người chủ mưới ông ngay và còn cho ông mở lớp nhạc tại đó nhằm mục đích câu khách. Cách tiệm bán đàn của ông không xa có hai lớp dạy nhạc của hai danh sư là nhạc sĩ Lâm Tuyền với những ca khúc êm dịu vượt thời gian:“Tơ Sầu, Hình Ảnh Một Buổi Chiều, Khúc Nhạc Ly Hương, Thiếng Thời Gian phổ thơ Dạ Chung, Trở Về Dĩ Vãng“,  và nhạc sĩ Trọng Khương, người nhạc sĩ tiên phong trong dòng nhạc vui tươi của Tân nhạc Việt Nam (Bánh Xe Lãng Tử, điêu Fox, Ghen, điệu Pops phổ thơ Nguyễn Bính , Về Miền Nam…). Thời cuối thập niên năm mươi nền âm nhạc Tây Phương đang thịnh trong giới thượng lưu trí thức Sài Gòn, những nhạc sĩ chơi đàn guitare giỏi như Lâm Tuyền, Trọng Khương, Trịnh Hưng không nhiều lắm. Nhạc sĩ Trịnh Hưng nhờ lớp nhạc mà trở nên khá giả, đời sống của ông trở nên phong lưu, tiền bạc dư giả nên quan hệ bạn hữu càng rộng rãi. Ông lập gia đình 1955, cuối năm 1956 nhạc sĩ Trịnh Hưng dời lớp nhạc về số 9/1 Cao Thắng, và ở đó đến ngày ông qua định cư bên Pháp. Ở lớp dạy nhạc Cao Thắng ông dạy đủ thứ: đàn Mandoline, Hawai, Guitare, và Luyện thanh, nhưng chỉ có môn guitare là sở trường của ông. Có rất nhiều nghệ sĩ sau này thành danh đã từng đến học ông, hoặc nhờ ông chỉ dẫn hoặc nhờ sự đỡ đầu của ông trên lãnh vực âm nhạc. Những ca sĩ đã từng học ông: Ánh Tuyết, Thanh Thúy, Bạch Yến, Túy Hồng..và các nhạc sĩ thường đến cùng ông đàm đạo, trao đổi âm nhạc như:Trúc Phương, Phạm Thế Mỹ,  Ðỗ Lễ...vv..Riêng cặp nghệ sĩ Ngọc Cẩm Nguyễn Hữu Thiết chỉ mượn chỗ của ông để luyện thanh và nhạc sĩ Nguyễn Đình Nghĩa mượn chỗ của ông để dạy sáo và nhạc sĩ Tuấn Khanh (Hoa Soan Bên Thềm Cũ, Chiếc Lá Cuối Cùng) dạy Violon. Nhạc sĩ Trịnh Hưng gặp nhạc sĩ Trúc Phương vào cuối năm 1967, lúc đó nhạc sĩ Trúc Phương đang dạy kèm nhạc cho một cô con  gái của một nhà xuất cảng tại Sài Gòn. Qua hình nốt và giai điệu, mối duyên âm nhạc đã nảy sinh chuyện tình giũa người nhạc sĩ nghèo và người con gái nhà giàu. Vì mối tình trắc trở đó nhạc sĩ Trúc Phương đã viết ca khúc Lỡ Chuyến Ðò. Ông muốn tung nhạc Phẩm: “Lỡ Chuyến Ðò  của mình ra thị trường nên đã đến nhờ nhạc sĩ Trịnh Hưng đỡ đầu lancer. Trong giao tình nhạc sĩ Trúc Phương đã học thêm về kỹ thuật sáng tác Dân ca của Trịnh Hưng, và hai người đã viết chung ca khúc: “ Tình Thắm Duyên Quê ”. 

Thời kỳ mới vào Nam Trịnh Hưng đã thầm trộm yêu người thiếu nữ mới chớm tuổi trăng tròn và tình yêu đó rất trong sáng.  Sự quan hệ giữa cô và nhạc sĩ Trịnh Hưng chỉ đơn thuần là tình cảm của người hâm mộ với nhạc sĩ, cô yêu tiếng nhạc, cảm mến tài năng của chàng nhạc sĩ nghèo mà không hề có tình cảm lứa đôi! Còn nhạc sĩ Trịnh Hưng thì yêu «đơn phương». Ông chôn chặt khối tình si đầu đời trong lòng, và từ nỗi nhớ nhung đó đã giúp nhạc sĩ viết được ca khúc tuyệt đẹp là bài “Tìm Quên" điệu Tango Argentine lãng mạn, cấu trúc cầu kỳ nét nhạc mềm mại uyển chuyển, và ca từ được đãi lọc. Ðây là một bài độc nhất trong sự nghiệp sáng tác của ông viết thể điệu tango, và cũng là ca khúc độc nhất viết về “ tình yêu đôi lứa” ngoài sở trường viết về chủ đề quê Hương của ông thuở đó. Bài Tango trữ tình có ca từ là những lời ray rứt, ai oán than thở tiếc nuối. Những lời thề ước thắm thiết trong ca từ dược thêu dệt bằng trí tưởng tưởng về một cuộc tình dang dở, vì ở đây là tình yêu đơn phương thì làm sao có sự chia ly mà dang dở! Mối tình đó theo năm tháng vẫn in sâu trong tâm hồn nhạc sĩ mãi đến lúc sắp lìa đời nhạc sĩ vẫn còn nhắc tên người tình xưa. Ôi chữ tình! Trước đó Nhạc sĩ Lâm Tuyền cũng sáng tác ca khúc “Tơ Sầu ”, đầu tay thể điệu TangoArgentine rất lãng mạn nhưng nói vè tình quê hương, đó cũng là ca khúc viết thể điệu Tango duy nhất của ông.

 Bài Tìm Quên:

Buồn trông mây tím giăng ngang trời,
Chiều thu như chết trong lòng tôi.
Ðêm nào em khẽ nói bên tôi,
Đây tình yêu trong trắng trao tôi
Em thề yêu chỉ anh mà thôi.
Lời xưa âu yếm nay đâu rồi?
Thoáng như cơn gió đưa bèo trôi.
Ai ngờ câu chióp lưỡi đầu môi,
Dem tình yêu gian dối trao tôi,
Cho lòng tlôi mang mãi hận đời!
Ôi tình lỡ rồi
 mà hình bóng người còn như mãi trong lòng tôi.
Duyên tình lỡ làng
 đành nhớ tiếng đàn tìm trong quên lãng theo thời gian!
Ðàn tôi đã đứt giây tơ rồi.
Mình tôi cam sống trong lẻ loi.
Ai làm cho đôi lúa đôi nơi,
cho lòng ta đau xótvkhuôn nguôi
 mong thời gian xóa đi hận đời.”


Những người bạn gần gũi với nhạc sĩ Trịnh Hưng đều biết  cuộc đời tình ái của ông, dù đã lập gia đình và đã từng trải qua một số mối tình nhưng trong tâm hồn ông vẫn luôn ấp ủ hình bóng của mối tình đơn phương thuở từ Hà Nội mới vào Sài Gòn. Người tình trong mộng thuở xưa và ông chỉ thoáng ặp nhau lúc vào Miền Nam rồi biệt tăm hơn nửa thế kỷ chưa bao giờ gặp lại. Chẳng biết vì sao mà ông có được tấm hình người đẹp và đã đặt tấm hình đó trên đầu giường ?  

Ông nói:
 “Tấm ảnh đó đã theo ông hơn nửa thế kỷ và lúc nào cũng để đầu giường”. 

Tôi hỏi ông: 

 “ Tại sao anh  không viết thêm những bài trữ tình như thế nữa?” 

Ông trả lời: 

“ Nàng đã mang hết tình yêu của tôi đi rồi, còn yêu gì nữa mà viết!”  

Tôi hỏi tiếp: 

“ Ngày trước tôi không được nghe bài Tìm Quên này, anh có lancer trên đài không?” 

Trịnh Hưng cười nói: 

“ Có chứ! Tôi bỏ tiền ra lancer vài lần trên đài phát thanh Sài gòn nhưng không gây được ấn tượng thính giả nên dẹp luôn!” 

Tôi im lặng, một thoáng suy tưởng về dòng nhạc Tango lãng mạn. Vào thời điểm đó những nhạc sĩ viết thể điệu Tango tuyệt vời là  nhạc sĩ Hoàng Trọng, nhạc sĩ Dương Thiệu Tước, nhạc sĩ Ngọc Bích, nhạc sĩ Văn Thủy... thì bài Tìm Quên của Trịnh Hưng bị chìm là lẽ đương nhiên! Tuy nhiên, không phải vì ca khúc Tìm Quên không hay bằngnhững bài khác, mà vì thuở đó những ca khúc ca ngợi tình quê hương mang ý nghĩa cao cả và rộng lớn được được đề cao, chính quyền thời đó lại khuyến khích cho phổ biến thưng xuyên trên các đài phát thanh. Còn những bản nhạc diễn tả tình cảm lứa đôi ngang trái mang tính ủy mị, chỉ là những nỗi niềm riêng tư nên ít được phổ biến. Do đó loại nhạc thính phòng trữ tình về tình yêu đôi lứa dù vẫn là đề tài muôn thuở nhưng chỉ dành cho số người đồng cảm hâm mộ!
Từ khi nhạc sĩ Trịnh Hưng công khai mối tình đầu của mình với bằng hữu ở Paris thì một số văn nghệ sĩ ở hải ngoại cũng bày tỏ về những mối tình của mình. Nhạc sĩ Lê Trạch Lựu tác giả ca khúc Tiền chiến “Em Tôi” đã công khai kể với bằng hữu: Ai là “nàng thơ” trong nhạc phẩm Em Tôi ? Sau này ông còn  viết trên báo:
“ Em Tôi là một cô gái tuổi 15, lần đầu tôi gặp. Năm 1946 tôi đi trại hè Sầm Sơn với đoàn Hướng Đạo, cùng nhiều đoàn khác tập trung tại ga Hà Nội. Tôi thoáng thấy một cô gái xinh xinh, dáng người phong nhã, có đôi mắt tuyệt vời. Lúc bấy giờ tôi cũng mới 15 tuổi, thuở ấy tôi vẫn còn ngây thơ, nhút nhát không dám bày tỏ tình yêukhông hiểu sao không
 hiểu sao tôi thấy tôi như choáng váng, má tôi nóng bừng ln cơn sốt;lần đầu tiên tôi thấy có cái cảm giác lạ lùng này. Nhà đoàn tôi “đóng trại“to lớn, rộng rãi, đo là một biệt thự nghỉ mát của người Pháp. Trước nhà là bãi biển mênh mông, sau nhà có một cái giếng.Trưa no tôi cũng thấy cô gái ấy đội nón, dưới nắng trang trang, rũ áo, tôi ngồi bên cửa sổ nhìn cô ta.Thỉnh thoảng cô nàng ngẩng đầu lên, vành nón che đôi mắt, nhưng tôi biết là cô đang nhìn tôi…Thú thật tim tôi đập thình thình. Chao ơi! Yêu đương là như vậy sao? Đây là một rung động đầu tiên, nào đâu tôi có biết cảm giác như thuở ra đời.Về Hà Nội tôi tìm cô ta, vì có duyên nên tìm được ngay, cô ta ở gần nhà tôi…Chiều nào tôi cũng đi qua nhà cô
ta, để nhìn vào nhà, tìm lại đôi mắt đẹp. Tôi thấy có nhiều cậu trai bằng tuổi tôi. Lúc đó tôi cũng hơi lo…sợ mất!Tôi
 làm quen với người em trai của cô là chú Mỹ, từ đó chú trở thành người đưa thư rất đắc lực. Thư đi mà không có thư về, song tôi  vẫn tiếp tục viết thư, nếu hết nguồn hứng cảm, thì xin mượn nhiều đoạn « văn người khác » để bỏ vào trong thư… tính vào khoảng một trăm bức… … Cho đến ba bốn ngày trước cuộc kháng chiến, chú Mỹ ở đâu chạy tới, đưa cho tôi một cái phong bì đề tên tôi bên cạnh có đề : Xin Trạch Lựu đừng giận Ph. Xé lá thư này… Tôi đọc những giòng chữ tròn trinh, Ph. có nói là yêu tôi từ lúc ban đầu khi gặp tôi ‘Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy… Ngàn năm chưa dễ đã ai quên !’. Phải theo gia đình đi tản cư, Ph. hẹn gặp nhau hôm sau một lần đầu mà cũng là một lần cuối ở làng « Em Tôi » bên bờ sông Nhuệ
… Chiến tranh bùng nổ, nàng theo gia đình đi tản cư, còn tôi ở lại Hà Nội và đi Pháp du học 1951. Sau khi ở tản cư về HàNội, cô ta có đi kiếm tôi, đợi tôi nhưng khi ông thấy tôichềt và nàng đã để tang lòng đợi tôi ba năm trời. Khi tôi ỏ Paris viết thư về cho cô thì cô đã di lấy chồng!”
« Em tôi ưa đứng nhìn trời xanh xanh
 Mang theo đôi mắt buồn vương giấc mơ
Vu vơ đắm đuối theo ngàn áng mây
 Bao đêm thầm đếm trên trời đầy sao sáng Buồn vương man mác theo lời gió reo lời thơ… »
(( Em Tôi )
Trong một sinh hoạt văn học nghệ thuật do Câu Lạc Bộ Văn Hóa Paris tổ chức, nhạc sĩ Lê Trạch Lựu nói chuyện về âm nhạc. Ngày đó, dù tuổi đời của ông đã cao nhưng nói về chuyện tình năm xưa tâm hồn ông vẫn say sưa lãng mạn! Trong lúc ông đang kể trên sân khấu, ông bỗng gọi lớn tên người yêu: “Phượng, Phượng Phượng!”. 

Nhạc sĩ Lê Trạch Lựu qua Pháp du học vào thập niên 50 và là một ký giả tầm cỡ của một số tờ báo lớn của Pháp. Rời quê hương Lê Trạch Lựu vẫn ôm ấp hình bóng người xưa trong tâm hồn. Chính mối tình đầu đó là nguồn hứng cảm tạo nên ca khúc “Em Tôi” viết tại Paris vào thập niên 50. Nên ông rất trân trọng mối t ình đầu, một kỷ niệm tuyệt vời của đời mình.  

Tiếp theo nhạc sĩ Lê Trạch Lụu là nhạc sĩ Lam Phương, nhạc sĩ Châu Kỳ, nhạc sĩ Thanh Sơn, nhạc sĩ Vũ Thành An…. đã lên sân khấu Trung Tâm Nhạc của Thúy Nga Paris By Night để tâm tình với khán giả về những cuộc tình đã là nguồn cảm hứng tạo thành những ca khúc hay, vang bóng một thời. 

Riêng nhạc sĩ Lê Mộng Nguyên, tác giả ca khúc tiền chiến « Trăng Mờ Bên Suối » vang bóng một thời, ông tâm sự với tôi ai là «  nàng thơ » nguồn cảm hứng cho ông sáng tác ca khúc ở Huế, được nổi tiếng ngày ấy ở Hà Nội trước khi đi Pháp du học đầu thập niên 50. Năm 2008 tôi và giáo sư Lê Mộng Nguyên qua Mỹ, tiểu bang Virginia ra mắt sách , tôi có gặp vợ chồng Ông Bà, người trong ca khúc đến tham dự.  

Hôm vào thăm nhạc sĩ Trịnh Hưng ngày cuối, lúc ông còn tỉnh; tôi có đề cập đến bài Tìm Quên và định hỏi những ca sĩ nào hát bài đó nhưng ông say sưa kể  chuyện đời và về những văn nghệ sĩ khác. Lòng tôi xa xót vì biết đây là những lời cuối của một kể sắp ra đi, do đó tôi thôi không hỏi và im lặng nghe ông nói.  

Cũng như bao gia đình khác ở miền Nam, tháng tư năm 1975 là một biến cố lớn trong đời nhạc sĩ Trịnh Hưng. Mấy người anh kết nghĩa trong chiến khu: nhà thơ Quang Dũng thì bị tước đoạt đi ngòi bút sau vụ án Nhân Văn Giai Phẩm, đời sống bị dập vùi tối tăm không biết trôi dạt đi đâu! Còn ông anh rể (trên giấy tờ) là ông Lê Khải trạch bị VC bắt đi mất tích ngay sau ngày 30 tháng tư năm 1975, và người anh kết nghĩa thứ ba là ông Trần Chành Thành thì tự tiết khi VC vào chiếm Sài Gòn những chỗ dựa tinh thần của nhạc sĩ Trịnh Hưng bị hụt hẫng, mất hút! Bằng hữu văn nghệ thì phiêu bạt khắp phương trời, kể từ đó ông đâm ra cô đơn, chán đời! Ông đã từng sống với Việt Minh nên hiểu rõ bộ mặt CS nên biết cách thu mình, điếu đóm với công an khu vực cho qua ngày. Sau này ông tâm sự với tôi: 

“ Khi CS vào chiếm miền Nam, tất cả anh em đều đi tù mà tôi vẫn mở lớp dạy nhạc; dù rằng những bài nhạc thực tập đó là những bài nhạc vàng được xếp loại văn hóa đồi trụy...nhưng tôi vẫn cảm thấy hổ thẹn vì mình không được đi tù, nghĩa là không được xếp loại thành phần Nguy hiểm, Trí thức Văn Nghệ sĩ!” 

Tôi hơi ngạc nhiên, vì không đi tù là may mắn thoát được sự khổ ái tủi nhục, nhưng tôi chợt hiểu sự suy nghĩ của ông:
cái tính ngông thời đại của kẻ sĩ” thấy người cùng cảnh ngộ mà chạnh lòng, ông không muốn mình khác người.”  

Sau năm 1975 ngọn lửa bạo lực đã thiêu rụi mạch sống của vườn hoa văn nghệ miền nam. Biết bao văn gnghệ sĩ tinh hoa của đất nước bị tước đoạt ngòi bút, không những thế còn bị đầy ải cầm tù trong chiến dịch X2, mệnh danh «chiến dịch đánh văn nghệ sĩ phản động » như Doãn Quốc Sỹ, Duyên Anh, Hồ Hữu Tường, Hồ Văn Ðồng,Hiếu Chân Nguyễn Hoạt, Hoàng Hải Thủy, Hoàng Anh Tuấn, Hồ Nam, Họa sĩ Chóe, Họa sĩ Ðằng Giao, Sơn Ðìền Nguyễn Viết Khánh, Hoàng Vĩnh Lộc, Thân Trọng Kỳ, Minh Ðăng Khánh, Lê Văn Vũ Bác Tiến, Nguyễn Mạnh Côn, Nhã Ca, Trần Dạ Từ, Như Phong Lê Văn Tiến, Mạc Thu, Thái Thủy, Thanh Thương Hoàng, Tô Ngọc, Thái Dương, Trần Việt Sơn, Lý Ðại Nguyên, Trịnh Viết Thành, Cao Sơn, Trịnh Hưng, Nguyễn Khánh Giư, Ngô Công Minh, Ðậu Phi Lục, Võ Xuân Ðình, Anh Quân, Nguyễn Văn Minh ( Minh Vồ), Ninh Chữ, Uyên Thao ..vv.. 

Những người đã chết trong tù : Hồ Hữu Tường, Nguyễn Mạnh Côn, Phạm Văn Sơn, Hiếu Chân, Ngọc Thứ Lang, Dương Hùng Cường, Minh Vồ, Thục Vũ, Minh Kỳ, Hồ Ðình Phương, Minh Ðăng Khánh.. 

Hoặc những người được thả ra về nhà chết : 

Vũ Hoàng Chương, TrịnhViết Thành, Anh Quân, Trần Việt Sơn…Bạo lực có thể cướp đi mạng sống của con người, nhưng vẫn không thể nào hủy diệt được tâm hồn nghệ sĩ chân chính và những người yêu tự do. Nhạc sĩ Trịnh Hưng ôm cái thẹn của kẻ sĩ vì những người trên đều là bằng hữu của ông. Ðến khi người con trai ông bị công an đánh chết vì tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự, không chịu sang Campuchia. Thế là ngọn lửa căm thù có dịp bùng phát. Nhạc sĩ Trịnh Hưng chỉ trong 15 phút viết xong nhạc phẩm: “ Ta Quyết Tâm Ðập Tan Lũ Giặc Hồ”. Gần 50 năm kể từ bài nhạc đầu tay, và hơn mười mấy năm sau bài:  “ Hoan Hô ngày 26 tháng Mười ”ra đời năm 1962 ca ngợi tổng thống Ngô Ðình Diệm, bài nhạc được bộ thông tin mua 70 ngàn đồng, số tiền quá lớn ở thời điểm ấy. Do những uẩn ức trong lòng đã giúp ông nguồn cảm hứng viết lại dòng nhạc mạnh. Và cũng chính bài nhạc này xúyt tí nữa ông đã bỏ đời trong sà lim! Số phận một tác phẩm chìm nổi tùy theo tác động của xã hội. Nhưng tác giả vẫn là kẻ bị vùi dập bởi bạo quyền khi dám lên tiếng tố giác những bất công, cường bạo của xã hội! 

Tôi hỏi ông: “ Làm sao công an biết mà đến bắt anh?” 

Ông đanh mặt lại như còn hậm hực: 

“ Chúng nó để ý tôi lâu rồi! Chúng rình, quyết bắt tôi về tội nhạc vàng, nhưng cứ mỗi lần chúng xông vào tôi cho học trò đàn những bài nhạc Liên Sô.” 

Ông kể tiếp: 

Hôm đó cũng như những lần trước, học trò tôi đang đàn, công an ập vào xét nhà chúng lục một hồi thấy những bộ nhạc tuyển hàng trăm bài của ccác bạn bè nhạc sĩ tặng, tôi rất qúy nên đóng thành tập bìa mạ vàng thật đẹp, và cất dấu nó rất kỹ. Khi chúng lục lọi và tìm thấy, chúng mừng qquá vì đã tìm ra chứng cớ buộc tội tôi chứa văn hóa đồi trụy. Chúng lập biên bản và xét người tôi, lòi ra bài Ta Ðập Tan Lũ Giặc Hồ. Tên công an chỉ đáng tuổi con tôi, nó hét ầm lên chửi, và xỉ vả tôi thậm tệ. Tôi rất an nhiên, có lẽ đó là lần đầu tiên trong đời tôi giữ được sự bình thản như thế!” 

Viên chỉ huy công an hỏi: 

“Ông chứa chấp đồ phản động, lại còn viết nhạc kêu gọi lật đổ chính quyền, ông không sợ tù hả?” 

Nhạc sĩ Trịnh Hưng điềm tĩnh trả lời: 

“ Tôi chờ nó từ lâu, các ông đến hơi muộn.” 

Viên công an giận dữ lên đánh báng súng trượt qua mặt ôngTrịnh Hưng nói: 

“ Nó hù tôi chứ cái báng súng đó vào đầu là chết ngay!”   

Trong số những ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Hưng viết trước năm 1975 về quê hương ông thích nhất bài Tôi Yêu sáng tác năm 1954, vì nó là sự hoài niệm nhớ quê hương xứ Bắc . Những hình ảnh lũy tre, con sông, bến đình, chợ làng quê... Ông mang thêm hình ảnh nhịp cầu tre miền nam đem nhập vào toàn cảnh để có một bức tranh quê sống động. Trong cấu trúc nhạc. Bài Tôi Yêu được viết theo cung Rê trưởng  vui tươi, hành âm vừa phải và theo nhịp 2/2 hay (C chẻ ), hợp với tiết tấu, giai điệu và ca từ. Ðiểm đặc biệt trong bài này ông đã dùng quảng 9,( vàng bến đình....yêu trăng buông lơi) Từ nốt  lên nốt Si thường gặp ở nhạc không lời hay nhạc ngoại quốc, ở thời điểm đó ít có nhạc sĩ miền Nam viết. Vì ngôn ngữ Việt đơn âm nên chọn lựa một ca từ nghe hợp êm tai rất khó và  ông đã thành công ở sự chọn ca từ bài này. Nhạc sĩ Trịnh Hưng kể cho tôi nghe: “Khi viết xong bài ông có khoe với vài người bạn nhạc sĩ nhưng tất cả đều chê viết như thế là không đúng, và khuyên ông nên sửa lại. Ông tự ái và nhất quyết tung ra thị trường và đã thành công được mọi người yêu thích mãi đến hôm nay”.
 Biết là ông sắp gĩa từ cuộc đời, tôi hỏi:
 “Bài nhạc nào anh thích nhất ?”
Ông trả lời: bài Tôi Yêu.”
Tôi hởi tiếp:
Anh phục nhạc sĩ nào nhất, tại sao?;”
Trịnh Hưng trả lời: 

“ Nhạc sĩ Lam Phương, Trần Thiện Thanh, Y Vân, Văn Phụng, Trúc Phương, Phạm Duy.... Riêng Trịnh Công Sơn có tài và may mắn gặp thời. Những nhạc sĩ tôi kể trên là vì họ sáng tác bài nào cũng trên trung bình. Ðó là một điều rất khó trong sự nghiệp sáng tác của đời nghệ sĩ. Anh Phạm Duy thì rất có tài và có nhiều bài hay nhưng cũng lắm bài dở, và anh ấy có có lắm tật!!” 

Nhạc sĩ Trịnh Hưng không nhắc tới những nhạc sĩ tiền chiến vì anh rất tôn trọng họ. Trong làng âm nhạc miền Nam vào  thập niên năm mươi, đầu 60 xuất hiện những nhạc rất có tài, theo phong cách bán cổ điển thính phòng,, nhạc trữ tình lãng mạn, nhạc thời trang ca ngợi tình quê hương, hay tình đôi lứa trong thời chiến, và nhạc trẻ. Tôi biết anh Trịnh Hưng không chuyên về loại nhạc đó nên không nhắc tới những người viết. Tôi hỏi tiếp: 

“ Trong số các văn nghệ sĩ từ thời tiền chiến đến nay anh phục ai nhất? Tại sao? 

Nhạc sĩ Trịnh Hưng trả lời: 

“ Về phía nhạc tôi phục nhất là nhạc sĩ Lê Thương, và văn thơ tôi phục nhất nhà thơ Quang Dũng; Vì hai ông đều là người có đức độ, đứng đắn, đôn hậu, cư xử tế, biết thương anh em.”  

À, thì ra đến lúc cuối đời nhạc sĩ Trịnh Hưng vẫn trọng đức hơn tài! Lòng tôi bỗng vui vì không nhận xét lầm về ông, cho đến lúc tàn hơi cuối đời của ông, những tấm lòng tốt vẫn là những hình ảnh ngự trị trong tâm não chiếm hữu tình cảm của ông. 

Trịnh Hưng tính tình hiền hòa nhưng hay cục, ông ăn nói bộc trực nghĩ sao nói vậy. Nhiều lúc ông phát ngôn người nghe đến ngượng tai! Ông rất ghét những người đạo đức giả, nhưng lại rất kính trọng những người đạo đức. Ông thường ví von nói với những người chung quanh khi nhận nhật xét đạo đức người nào đó: 

 “Con ruồi đực bay ngang không những ông phân biệt được đâu là con ruồi đực, đâu là con  ruồi cái, mà còn nhận biết cả con ruồi lại cái nữa!” .  

Bằng hữu nghe cười, hiểu tính khôi hài của ông, riêng ông chỉ muốn góp mặt, làm cười cho mọi người vui nên thích kể chuyện tiếu lâm, nhất là những câu chuyện tiếu lâm dân gian châm biếm chế độ CS. Ông rất có duyên kể chuyện, mọi người nghe đều cười ồ, và có những tiếng cười kéo dài nắc nẻ.  

Nhìn ông thở dốc tôi  nén xúc động hỏi:
“ Trong đời anh thích nhất cái gì?”
 Nhạc sĩ Trịnh Hưng mở to đôi mắt vung tay nói lớn:
“Tôi thích Tự Do!”
Tôi và anh đồng cười lớn cảm nhau qua câu nói! 

 

Nhạc sĩ Trịnh Hưng dáng người nhỏ bé, gầy gò đôi má nhăn nheo xếp thành vết nứt như mùa hạn hán nhưng đôi mắt vẫn sáng ngời, lấp loáng ánh tinh ranh. Ai vì vô tình chạm đến ông người đó khó được ông bỏ qua, đôi khi ông đẩy ngòi bút quá mạnh tay! Bằng hữu thường không chấp nhặt ông chuyện này mà qúy ông qua những nhạc phẩm đã viết cống hiến cho đời, ở đó họ tìm lại hững kỷ niệm thuở thanh xuân vì đã từng ca hát nhạc của ông. Nhiều năm sau này ông chống gậy, đầu luôn đội chiếc mũ feutre nỉ, phong cách của các công tử đất Hà thành năm xưa, trông ông có chút hình ảnh nhạc sĩ Văn Cao lúc xế chiều.  

Tôi qúy Trịnh Hưng không chỉ về lãnh vực âm nhạc, bản tính khiêm nhường mà còn ở qúy tấm lòng của ông biết chia sẻ với bằng hữu, nhất là bạn văn nghệ.
Ca khúc đầu tiên phổ thơ trong sự nghiệp sáng tác của nhạc sĩ Trịnh Hưng là bài thơ Chỉ Yêu Cuộc Tình của tôi. Ông phổ nhạc để tặng tôi, nhạc sĩ đã phổ bài thơ làm 6 ca khúc có giai điệu và cấu trúc đều khác nhau để cho tôi chọn, và còn cho phép tôi thêm thắt vào để hợp với ý thơ. Bài thơ được ông phổ cho là rất qúy nên tôi nào dám có ý kiến, nhất là tôi rất tôn trọng ông. Những ca khúc đó được ông chọn một bài để đưa vào CD duy nhất của ông mang chủ đề Tôi Yêu. Hiện tôi còn giữ 6 bản chép tay. Lần khác tôi và nhạc sĩ Trịnh Hưng được nhạc sĩ Anh Huy tác giả một số ca khúc nổi tiếng trước năm 1975 và có thời dạy nhạc ở Sài Gòn mời đến nhà dùng cơm. Trong câu chuyện, nhạc sĩ Anh Huy và Trịnh Hưng tranh luận về âm nhạc, nhạc sĩ Anh Huy thách thức nhạc sĩ Trịnh Hưng làm một bản nhạc xem ai viết nhanh. Nhạc sĩ Trịnh Hưng từ chối. Ra về tôi hỏi ông tại sao không viết. Ông trả lời: “Anh Huy là lớp đàn em còn trẻ nên viết nhanh là lẽ thường, và nếu tôi viết có nhanh hơn Anh Huy thì cũng chẳng sao, nhưng nếu chậm hơn thì bẽ mặt, không viết tức là chịu thua giữ được tình anh em!” 

Có lần tôi đến thăm ông nhưng không báo trước. Tôi đẩy của vào vì phòng của ông  không bao giờ khóa, tôi đã từng nhắc ông nên khóa của, nhưng ông cười nói:
 Có cái gì đâu mà mất, ít cuốn sách, dăm tờ báo bằng hữu gởi tặng ai mà thèm đọc mà lấy . Chỉ có mình mới yêu nó, trân trọng nó thôi, chứ của lả gì thứ đó!”
 Tôi hết ý kiến! Thấy tôi bước vào nét mặt Trịnh Hưng tươi lên. Tôi thấy ông ngồi co rúm trên giường đèn phòng không mở, ánh sáng lờ mờ trông ông thật bệnh hoạn! 

 Tôi hỏi:“Anh ốm hả?” 

Trịnh Hưng cười tươi rói lên

“ Ốm cái gì..., ốm đàn bà thì ốm!” 

Chúng tôi kéo nhau ra khu Á Châu quận 13 ăn cơm tối và nói chuyện âm nhạc. Tôi hiểu con người Trịnh Hưng đầy tự ái, lẫn tự tôn. Ông kiêu hãnh vì sự quen biết nhiều ngày trước, đa số đều là những văn nghệ sĩ thành danh, những quan chức lớn của VNCH, hoặc những người bạn trong kháng chiến năm xưa hiện còn sống đang là những cán bộ cao cấp của chính quyền CS. Ông ghét chế độ Cộng Sản nhưng không chối bỏ tình bạn năm xưa. Ông sống rất buông thả bất cần đời, đôi khi xài hết tiền ông đóng cửa trong nhà ăn mì gói mà không than với ai. Ông chỉ nhận sự chia xẻ với một ít bạn thật thân qúy, vì nghĩ nhận của bạn là nhận sự chia xẻ, đồng cảm. Hiểu điều này nên tôi đã vận động bằng hữu trong giói trí thức văn nghệ sĩ thường hay  đến thăm hỏi giúp đỡ những việc giấy tờ hành chánh. Bằng hữu thỉnh thoảng biếu ông ít quà, ông không từ chối nhưng thái độ biếu phải chân tình, nếu không ông sẽ thẳng thắn từ chối và còn mắng người cho. Nhiều bằng hữu than với tôi: Ông Trịnh Hưng...nghèo mà làm phách! Chẳng hiểu anh làm cách nào mà chịu nổi ông?!”
Tôi trả lời các bạn chẳng có bí quyết gì ngoài tình thương! Có lần nhà báo Trần Văn Ngà chủ nhiệm báo Tiếng Vang ở Mỹ sang thăm Paris, tôi dẫn anh Ngà và nhà báo Dương Văn Lợi chủ nhiệm báo Ý Dân ở Paris đến thăm ông tại trung tâm dưỡng lão, được nghe ông kể chuyện đời văn nghệ. Ở chỗ thân tình ông không dấu tôi và cho biết ông thường bớt phần ăn của mình để gởi tiền về giúp những bạn tù còn ở quê nhà. Ông tâm sự với tôi ao ước về quê hương thăm mộ của mẹ mà hơn 70 năm chưa lần viếng, và cũng chẳng biết phần mộ ở đâu! Ông dành dụm hơn nửa năm đã có đủ tiền vé máy bay, nhưng tiền chi tiêu và biếu bạn thì quả là nan giải! Tôi hiểu nên kêu gọi vài người bạn văn nghệ giúp, trong đó có nhà thơ Kim Vũ ờ San Jose, vợ chồng nhà thơ Tina, Lê Trọng Nghĩa ở Sacramento, nhà văn Trần Ðại Sỹ ở Paris. Chúng tôi giúp ông một số tiền và nhờ ông mang tiền về tặng một số ít văn nghệ sĩ bị trù dập trong vụ án Nhân Văn Giai Phẩm mà tôi chưa biết mặt nhưng rất ngưỡng mộ. Nhạc sĩ Trịnh Hưng nhận lời vì họ đều là bạn ông. Về đến Hà Nội Trịnh Hưng hỏi thăm nhiều nơi về địa chỉ nhà thơ Quang Dũng, nhà thơ Hữu Loan, nhà thơ Hoàng Cầm, nhưng chẳng một ai biết! Lần mò mãi ông cũng đã tìm được gia đình của nhà thơ Quang Dũng và nhà thơ Hữu Loan. Rất khó khăn và vất vả ông lặn lội xuống tận Thanh Hóa, sau đó  thuê xe ôm tìm nhà của nhà thơ Hữu Loan cách thành phố mấy chục cây số. Và cuối cùng nhạc sĩ Trịnh Hưng cũng gặp được nhà thơ Hữu Loan. Sau khi về Paris ông đã viết lại cuộc hội ngộ đó. Tôi xin trích một đoạn đối thoại giữa ông và nhà thơ Hữu Loan: 

Nhà thơ Hữu loan kể:  

“...Sau khi hoàn thành việc đấu tố bà Nguyễn Thị Năm, bọn họ phát động phong trào đấu tố toàn tỉnh Thanh Hóa. Từ thành phố đến huyện xuống tới xã thôn, nơi nào cũng có cán bộ đến giải thích kích động hô hào. Biểu ngữ căng đầy đường. Ngày đêm, họ tụ họp các thanh niên nam nữ, thiếu niên, nhi đồng, đi thành từng đoàn, hô to những khẩu hiệu được học thuộc “Hãy giết sạch lũ địa chủ cường hào ác bá!” “Đào tận gốc, trốc tận rễ!" "Cường hào ác bá ra tro!"... Khắp chốn, các đội cán bộ đến lôi dân chúng ra tuyên truyền nhồi sọ những lời vu oan giá họa dùng để áp đặt lên những người bị đem ra đấu tố. Dân chúng kinh hoảng khi thấy đội cán bộ vào làng để học tập việc đấu tố. Quyền hành sinh sát trong tay họ. Dân chúng sợ quá nói với nhau “Nhất Đội, nhì Trời”! Đội gieo tang tóc, máu đổ thịt rơi, gây kinh hoàng, làm cho từng người dân đêm nằm ngủ không yên, lúc nào cũng nơm nớp lo có người trong đội hoặc du kích rình rập bên ngoài nghe trộm.
Nhà thơ Hữu Loan ngừng nói, nhấp vài hớp trà, rồi nhìn tôi đăm đăm, kể tiếp:
- Lúc đó, anh còn là chính trị viên tiểu đoàn. Anh thấy tận mắt những chuyện đấu tố. Hơn nữa, mình là người có học, hiểu biết luân thường đạo lý, lại có tâm hồn nghệ sĩ, nên anh cảm thấy chán nản quá và không còn kính trọng già Hồ cũng như chủ nghĩa cộng sản nữa. Tuy nhiên, anh đã trót làm đảng viên được mấy năm rồi. Thú thật với chú, lúc đó anh thất vọng vô cùng!
Trong một xã thuộc huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa, cách xa anh ở độ mười lăm cây số, có một gia đình địa chủ rất giầu nắm trong tay gần năm trăm mẫu tư điền. Ông địa chủ giầu lòng nhân đạo, rất yêu nước thương người. Ông thấy bộ đội sư đoàn 301 của anh thiếu ăn, nên ông thường cho tá điền gánh gạo tới chỗ đóng quân để ủng hộ bộ đội. Anh là Trưởng Phòng Tuyên Huấn và Chính Trị nên phải thay mặt anh em ra cám ơn tấm lòng tốt của ông ta, đồng thời đề nghị lên Sư đoàn trưởng trao tặng bằng khen ngợi để vinh danh ông. Riêng anh rất quý mến và luôn luôn nhớ đến ông.
Thế rồi một hôm anh nghe tin gia đình ông địa chủ ấy bị đội đấu tố mang cả hai vợ chồng ra cho dân đấu tố, sỉ vả, nhục mạ, rồi chôn xuống đất để hở có cái đầu lên thôi. Xong, họ cho trâu kéo bừa qua lại hai cái đầu cho đến chết. Gia đình ông bà địa chủ xấu số chỉ còn có một cô con gái mười bảy tuổi được tha chết nhưng bị đội đấu tố đuổi ra khỏi nhà với vài bộ quần áo. Dã man hơn nữa, chúng còn ra lệnh cấm không cho ai được liên hệ, nuôi nấng hoặc thuê cô ta làm công. Thời đó, cán bộ cấm dân chúng cả việc lấy các con cái của địa chủ làm vợ làm chồng.
Anh Hữu Loan chớp chớp đôi mắt nhăn nheo có hai vành mi ướt đỏ đượm mầu thương cảm. Anh mím miệng, nuốt nước bọt cho bớt nghẹn cổ, rồi kể tiếp:
- Biết chuyện thảm thương giáng xuống gia đình ông bà địa chủ mà anh hằng nhớ ơn, anh trở về xã đó xem cô con gái của họ sinh sống ra sao, vì trước kia anh cũng biết mặt cô ta. Lúc gần tới nơi, may sao anh gặp cô ta áo quần rách mướp, mặt mày lem luốc, đang lom khom tìm lượm vài củ khoai mà dân bỏ sót nhét vào túi áo, rồi chùi vội một củ vào quần đưa lên miệng gặm. Anh quá xúc động, nước mắt muốn ứa ra. Anh lại gần hỏi thăm và được cô ta kể lại rành rọt hôm cha mẹ cô bị đấu tố chết ra sao. Cô ta khóc mếu nói rằng gặp ai cũng bị xua đuổi; hàng ngày cô phải đi mót khoai ăn đỡ đói lòng, tối về ngủ trong cái miếu hoang; cô rất đói khổ lo lắng, không biết ngày mai còn sống hay sẽ chết vì đói khát!
Anh nghe mà lấy làm thương tâm quá, trong lòng vô cùng xúc động. Anh bèn đem cô ta về quê của anh, rồi bất chấp lệnh cấm, anh đã lấy cô ta làm vợ. Cho đến ngày nay, bà ấy đã cho anh mười người con ngoan. Khi xưa, quê anh nghèo, nhà anh cũng nghèo, anh lại còn ở trong bộ đội nên không có tiền. Nhưng hai vợ chồng cố gắng chịu đựng đùm bọc nhau bữa đói bữa no.
Sau khi lấy vợ, anh trở lại đơn vị làm đơn xin bỏ ngũ và trả lại thẻ đảng, rồi về quê luôn không chờ cấp trên có chấp thuận cho anh giải ngũ hay không. Được một năm, vợ anh sinh cho anh một cháu trai rất kháu khỉnh.” 

(hết trích) 

 Về lại Paris nhạc sĩ Trịnh Hưng có cho tôi nói chuyện bằng điện thoại thăm nhà thơ Hữu Loan.     

Như một vì sao băng, băng mãi thành vệt sáng vạch đêm đen làm ngọn nến đưa hồn ông vào cõi vô tận. Ở đó không có tranh đua, hận thù và phiền não. Và cũng chẳng cần những nốt nhạc ru đời và ru mình. Hồn sẽ an nhiên muôn đời. 

Tiễn bạn một vần thơ cũ: 

“ Ngủ đi anh thế là xong một kiếp,
Cõi đời này ô trọc, nghĩa gì đâu!
Xuôi bàn tay hồn thênh thang giấc điệp,
Về phương xa chắc giải hết nỗi sầu. ” 

 
Đỗ Bình

 




Avast logo

L'absence de virus dans ce courrier électronique a été vérifiée par le logiciel antivirus Avast. 
www.avast.com