Ông tổ báo chí Việt Nam

 Ông tổ báo chí Việt Nam : 


Nguyễn Văn Vĩnh

Lm. Giuse Nguyễn Văn Thư

Phổ biến chữ quốc ngữ :

Toàn dân con nước Việt đều sung sướng hãnh diện với chữ Quốc ngữ. Trước tiên họ ghi ơn cha Đắc Lộ cùng với một số thừa sai Âu Châu đã dày công tìm tòi và sáng chế ra loại chữ tân kỳ này cho dân tộc ta, dựa theo các mẫu tự La Tinh. Nhưng kế đó là chuyện nhớ ơn các nhà tiền phong đã phổ biến và cải thiện loại chữ thực dụng này. Người được kể tới hàng đầu chính là ông Nguyễn văn Vĩnh.

Công lao ông này nhiều lắm : Là nhà tân học, nhà báo, nhà văn, nhà dịch thuật và cũng là nhà chính trị nữa. Nhưng nếu ông không hết lòng phổ biến chữ này, thì các cố gắng khác khó mà thành tựu. Tiên vàn ông học nhiều ngoại ngữ để mở rộng kiến thức. Ý tưởng đầu tiên là thử dịch một số tác phẩm Pháp ngữ cho dân ta đọc. Rồi ông xin mở trường, dạy cả tiếng Pháp và chữ quốc ngữ. Thiên hạ tấm tắc khen ngợi và biết ơn. Chúng ta sẽ đề cập tới chuyện ông ra mắt tờ báo đầu tiên tại Việt Nam, năm 1912, lấy tên là ‘Đông dương tạp chí’, hoàn toàn bằng chữ quốc ngữ.

Ai ai cũng công nhận ông là một trong những người có công lớn nhất cho cuộc cách mạng chữ Quốc ngữ. Chữ Quốc ngữ thời kỳ này có rất ít người chấp nhận sử dụng, trong khi đó chữ Hán, chữ Nôm đã tồn tại lâu đời và được tất cả mọi người chấp nhận nó như là một thứ chữ truyền thống. Bên cạnh việc vận động mọi người cùng tham gia cổ động và viết chữ Quốc ngữ, vấn đề ngữ pháp tiếng Việt cũng được ông đưa ra bàn luận, để đi đến thống nhất trong toàn quốc, về cách đặt câu, cách viết, chấm phẩy, cách nói, viết cho cả 3 miền và cần phải có một thể lệ chung .


Nguyễn Văn Vĩnh đã lần mò theo con đường Báo chí nhằm làm cho tiếng Việt ngày càng trở nên mạch lạc, khoa học, đủ sức sánh vai với bất kỳ một loại ngôn ngữ nào của các dân tộc trên thế giới. Nguyễn Văn Vĩnh đã lý giải với đồng bào mình về giá trị của chữ Quốc ngữ như sau: “Thường có kẻ bênh chữ Nho nói rằng: chữ Nho nghĩa lý sâu sắc, có thể làm ra văn bài hay. Ta tưởng cái sâu sắc bởi ở sự dùng chữ mà ra. Ví ta có được vài trăm truyện hay bằng truyện Kim Vân Kiều, thì xem tiếng ta có kém gì chữ Nho đâu”!

Nhờ nhận thức này, Nguyễn Văn Vĩnh lập tức nghĩ đến việc chuyển tải tác phẩm bất hủ Kim Vân Kiều của đại thi hào Nguyễn Du từ chữ Nôm ra chữ Quốc Ngữ . Rồi ông cũng là người đầu tiên dịch toàn bộ tập truyện Ngụ ngôn của Lafontaine từ tiếng Pháp ra tiếng Việt. Những việc làm này Nguyễn Văn Vĩnh thực hiện khi ở độ tuổi ngoài 20 ! Để làm gì? Ông muốn chứng minh với toàn xã hội và đồng bào mình, rằng tiếng mẹ đẻ của chúng ta, chữ Việt của chúng ta đầy đủ sức lực để chuyển tải những tinh hoa văn hóa trong ngôn ngữ của các nền văn hóa và các dân tộc khác.

Một trong những đóng góp của Nguyễn Văn Vĩnh trong việc phát triển báo chí tiếng Việt, là ở chỗ ông là một trong những người đi tiên phong trong việc viết phóng sự. Qua hai phóng sự Từ triều đình Huế trở về và Một tháng với những người đi tìm vàng (đang viết dở thì ông chết) được đăng trên tờ L’Annam nouveau. Tuy chưa hẳn đã là những hình mẫu chuẩn mực của phóng sự, nhưng rõ ràng đây là những bài đầu tiên mang đậm dấu ấn thể loại phóng sự, mà nhiều nhà báo sau này đã vận dụng và tiếp tục sáng tạo trong nền báo chí tiếng Việt.

Thêm vào đó, Nguyễn Văn Vĩnh cùng với các bạn đồng chí hướng, lần lượt làm đơn xin thành lập Hội Trí Tri (Hà Nội), Hội Dịch sách, Hội giúp đỡ người Việt đi sang Pháp du học, Đông Kinh nghĩa thục… Được dịp qua Pháp, tận mắt chứng kiến nền văn minh phương Tây, ông trở về nước với quyết tâm phát triển nền công nghiệp xuất bản, mà đầu tiên là phát hành báo chí, để qua đó truyền bá chữ Quốc ngữ, và bài bác các hủ tục phong kiến lạc hậu, nhằm canh tân đất nước, vì vậy ông đã xin thôi làm công chức và trở thành nhà báo tự do. 

Ông tổ ngành báo chí :



Năm 1908, ông làm chủ tờ báo ‘Đại Nam Đồng văn nhật báo’, in bằng chữ Hán và quốc ngữ. Sau đổi tên là ‘Đăng cổ tùng báo’. Năm 1912, mới xuất hiện tờ ‘Đông dương tạp chí’ hoàn toàn bằng quốc ngữ.

Mãi tới năm 1917, dân mình mới thấy có tờ Nhật Báo tiên khởi, tên là ‘Trung Bắc tân văn’, do ông làm chủ bút. Năm 1919, tờ Đông dương tạp chí đổi tên là ‘Học báo’. Có sự cộng tác của hoạc giả Trần trọng Kim (sau này là thủ tướng.

Giáo sư Dương quảng Hàm có viết về Nguyễn văn Vĩnh thế này :

“--Về tư tưởng : Ông là người học rộng, biết nhiều, rành rõ tư tưởng học thuật của Âu Tây, nhưng cũng am hiểu tín ngưỡng phong tục của dân ta, muốn đem những quan niệm phương pháp mới nào hợp thời để truyền bá trong dân chúng, nhưng cũng chịu khó tìm tòi và biểu lộ cái dở, cái xấu cũng như cái hay, cái ý nghĩa của các chế độ, tục lệ xưa...

--Về văn từ : Văn ông bình thường giản dị, có tính cách phổ thông, tuy có châm chước theo cú pháp của văn tây mà vẫn giữ được đặc tính của văn ta. Ông lại chịu khó moi móc trong kho thành ngữ, tục ngữ của ta những từ ngữ có màu mẽ, để diễn đạt ý tưởng (cả những ý tưởng mới của Âu Tây), thành ra đọc văn dịch của ông tưởng chừng như đọc văn nguyên tác bằng tiếng Việt Nam vậy. Kể về văn dịch tiểu thuyết thì thực ông là người có biệt tài, ít kẻ sánh kịp”.

Để khen ông, ta có thể nói rằng Nguyễn Văn Vĩnh là người rất có công lớn với quốc văn. Nhưng không phải chỉ nhờ ở những sách dịch hay sáng tác, mà còn là vì ông đã đứng chủ trương những tờ tạp chí, ở vào buổi mà đối với văn chương, mọi người hãy còn bỡ ngỡ. Ông đã hội họp được những cây bút có tiếng, gây được phong trào yêu mến quốc văn, nhất là trong giới thanh niên trí thức đương thời . Nhà văn Vũ Bằng có viết rằng : "Thú thực cho đến bây giờ, tôi sợ nhiều người giỏi, nhưng chưa sợ như sợ cái tài viết báo của ông. Đem so sánh, tôi vẫn nghiêng về Nguyễn Văn Vĩnh nhiều hơn, và cho đến bây giờ tôi vẫn chưa thấy ai viết báo, viết văn,qua nhiều loại khác nhau một cách nghĩa lý và tài tình như ông Vĩnh. Ông viết đủ mọi thứ, dịch đủ các loại, viết tin, viết xã luận, khảo cứu, phóng sự”.

Ngàn đời ghi ơn :



Danh nhân Nguyễn văn Vĩnh nằm xuống, để lại một di sản to lớn giá trị vô song. Có vài người thiển cận chỉ trích ông thân Pháp hại người Việt, nhưng họ quên rằng ông thực sự rất yêu nước, chỉ muốn dựa vào văn minh Pháp để cải tiến đời sống dân tộc mình. Nguyễn Văn Vĩnh là người Việt Nam duy nhất cùng với bốn người Pháp đồng ký tên đòi trả tự do cho Phan Chu Trinh (lien quan trường ‘yêu nước’ Đông kinh ghĩa thục. Việc làm này cùng với việc ông đã dịch toàn bộ bài viết "Đầu Pháp chính phủ thư" của Phan Chu Trinh từ Hán văn ra Pháp văn. Bài này còn còn được gọi là "Thư trước tác hậu bổ" (Lettre de Phan Chu Trinh au gouverneur général en 1906), khiến Nguyễn Văn Vĩnh bị chính quyền thực dân gọi lên đe dọa gay gắt. Thực dân Pháp còn đã đóng cửa Đăng cổ tùng báo, đồng thời cấm Nguyễn Văn Vĩnh diễn thuyết, lưu hành và tàng trữ các ấn phẩm của Phong trào Đông Kinh nghĩa thục. Năm 1932, ông đi dự họp Đại hội đồng Kinh tế Tài chính Đông Dương tại Sài Gòn. Trong một buổi họp, ông đã thay mặt giới doanh nghiệp phản đối việc chuyển đồng tiền Đông Dương từ ngân bản vị sang kim bản vị, vì điều đó chỉ có lợi cho ngân hàng Pháp, nhưng lại có hại cho nền kinh tế Đông Dương.

Khi đang họp thì Nguyễn Văn Vĩnh nhận được trát của tòa án, đòi tịch biên toàn bộ gia sản, vì sau nhiều lần "mặc cả" giữa Chính quyền và Nguyễn Văn Vĩnh, nhà cầm quyền đòi Nguyễn Văn Vĩnh phải chấp nhận 3 điều kiện sau : Chấm dứt việc đả phá Triều đình Huế và quan Thượng thư Phạm Quỳnh. Đồng ý vào Huế làm quan. Dừng toàn bộ việc viết báo.

Năm 1935, Chính quyền đổi ba điều kiện nêu trên với Nguyễn Văn Vĩnh còn tệ hại hơn và bắt buộc phải chọn một điều kiện, đó là : Chấm dứt toàn bộ việc viết. Chấp nhận đi tù (dù chỉ một ngày). Sang Lào tìm vàng để trả nợ.

Tháng 3 năm 1936, Nguyễn Văn Vĩnh quyết định đi tìm vàng để trả nợ, ông sang Sê Pôn (Lào). Ngày 1 tháng 5 năm ấy (1936), người ta tìm thấy Nguyễn Văn Vĩnh một mình Bất tỉnh trên con thuyền độc mộc, một tay vẫn cầm bút, và tay kia cầm quyển sổ, trôi giữa dòng Sê Băng Hiêng (tên một nhánh của sông Sê Pôn). Ngưòi dân địa phương đưa con thuyền cập vào chân cầu Sê Pôn để chuyển lên trạm y tế Sê Pôn cứu chữa, nhưng đã quá muộn. Nhà cầm quyền loan báo : Nguyễn Văn Vĩnh chết ngày 2 tháng 5 năm 1936 vì sốt rét và kiết lỵ (lúc ấy ông mới 54 tuổi). Sau đó, thi hài Nguyễn Văn Vĩnh đã được đưa về Hà Nội để cử hành tang lễ trong 3 ngày, từ 6 đến 8 tháng 5 năm 1936. Tại buổi lễ tang, đông đảo giới báo chí của cả ba kỳ đã đến tiễn đưa ông dưới dòng chữ ‘Kính viếng Ông tổ của nghề báo’.

Thế là ông một đời lo cho nền văn học quốc ngữ, nhất là qua việc làm báo dân cao trình độ dân trí. Mà rõ ràng ông có lòng yêu nước, không khuất phục thực dân Pháp và chống đối những kẻ nịnh bợ kẻ chiếm đóng đất nước.

Ông làm gương khác thường trong công tác dịch thuật, sáng tác và viết báo, dẫn lối đi cho nền văn học quốc ngữ. Nếu đánh giá về Nguyễn Văn Vĩnh mà chỉ dừng lại ở việc ông là thủy tổ của làng báo tiếng Việt, là người có công phát triển chữ quốc ngữ, và là nhà dịch thuật xuất sắc thì chưa đầy đủ và thỏa đáng. Điều xứng đáng hơn cũng là đóng góp lớn nhất ở ông chính là về tư tưởng. Đó là một trong những nhà tư tưởng dân chủ đầu tiên của Việt Nam mang tính cách khai sáng. Ông cũng là người biết dùng văn học và văn hóa để thấm sâu vào lòng người, truyền bá những tư tưởng tiến bộ, vượt thời đại.

LM. Giuse Nguyễn Văn Thư
http://vietcatholic.net/News/Html/246477.htm