Nguyễn Quang
I.Tham nhũng chính trị tại Việt
Nam
Tham nhũng chính trị chính là sự lạm
dụng quyền lực mà các chính trị gia được giao phó để thu lợi riêng,
với mục đích tăng quyền lực hoặc tài sản.
Tại Việt Nam xuất phát từ nền trị chính
bất minh, luật pháp không dựa trên các giá trị phổ quát nhưng chỉ là nghị quyết
của Đảng, nhất là qua chiêu bài Quốc tế vô sản song thật sự chỉ là hình thức
của chủ trương nô lệ thời mới!
Tố Hữu làm thơ “Bên nầy biên giới là
nhà, bên kia biên giới cũng là quê hương”. Quê hương của ngàn năm nô lệ giặc
Tàu đầy sự mỵ dân thời mới!
Kẻ bán nước, ôm chân đế quốc chính là Hồ
Chí Minh và Phạm Văn Đồng. Bán nước có văn tự, có giấy tờ (công hàm) ký ngày
14-9-1958 cho Trung Cộng.
Nên hà tất dẫn đến một chế độ với bao hệ
lụy tham ô, nhũng lạm! Thượng bất chánh, hạ tắc loạn! Qua sự kiện gây ồn ào một
thời gian việc cha con thứ trưởng thường trực Bộ Thương mại bị bắt vì cáo buộc
nhận tội hối lộ. Các vụ khác được công khai như các tổng công ty Dầu khí, Hàng
hải, Thủy sản, Điện lực…và đặc biệt Vinashin đến Vinalines với người đứng đầu
là những kẻ thẩm quyền của chế độ!
Ông Phan Diễn, nguyên ủy viên Bộ
Chính trị, thường trực Ban bí thư Trung ương Đảng, được trích lời nói:
“Nếu chúng ta thực hiện được dân chủ thật sự ở các cơ quan, nâng cao tinh thần
dám phê bình, nhận xét, đấu tranh vì lợi ích chung thì những vụ việc tiêu cực,
tham nhũng sẽ khó thực hiện hơn.”
Mối quan hệ giữa tham nhũng và dân
chủ đã được nhiều nhà nghiên cứu xác nhận, vì tham nhũng phá hủy
các nguyên tắc giúp cho một xã hội dân sự phát triển!
Trong các báo cáo hàng năm của tổ chức
Transparency International đều đặt trọng tâm vào vấn đề tham nhũng chính trị.
Trong bản báo cáo 2004, Peter Eigen, Chủ tịch Transparency International,
tuyên bố báo cáo là lời kêu gọi “Đưa
sự liêm chính và trách nhiệm vào việc trị quốc, chấm dứt tệ hối
lộ của các công ty đa quốc gia, và ngăn dòng lưu chuyển tài sản đánh
cắp vào các trương mục ngân hàng bí mật tại phương Tây.”
Ông Chủ tịch viết tiếp: “Việc lạm dụng quyền lực
chính trị để thu lợi riêng khiến những người nghèo nhất mất đi các
dịch vụ xã hội cần thiết, tạo nên mức độ tuyệt vọng khơi mào cho
xung đột và bạo lực.”
Vậy tham nhũng chính trị chính là sự
lạm dụng quyền lực mà các chính khách được giao phó để thu lợi
riêng, với mục đích tăng quyền lực hoặc tài sản.
Rõ hơn, Robin Hodess, một trong các
tác giả báo cáo, đã nhấn mạnh: “Tham
nhũng chính trị không nhất thiết dính đến việc tiền trao tận
tay; nó còn có thể mang hình thức của việc ‘trao đổi ảnh hưởng’
hoặc ban phát đãi ngộ để khiến nền chính trị bị đầu độc và dân
chủ bị đe dọa.”
Như vậy tham nhũng chính trị - political
corruption - khác với tham nhũng ‘cò con’ của các viên chức ở chỗ chỉ xảy ra
bởi các lãnh tụ chính trị, những người có thẩm quyền chi phối hoặc chủ động các
quyền lợi của người dân.
Theo báo cáo 2004 của Tổ chức
Transparency International, tham nhũng chính trị sẽ tác hại đến toàn xã hội như
sau:
“Tại các nước đang phát triển, tham
nhũng chính trị đe dọa sự sống còn của nền dân chủ, vì nó khiến
cho các định chế dân chủ trở nên yếu ớt.
“Việc vén màn các vụ tham nhũng
có thể gây sốc cho toàn xã hội. Nhưng một thực tế là trên thế giới,
rất khó trừng phạt các lãnh tụ bị nghi ngờ tham nhũng.
“Nhiều lãnh đạo đã rời nhiệm sở
hoặc qua đời trước khi tội của họ bị phanh phui.
Transparency International đưa ra một
bảng những bị cáo tai tiếng, với ước tính tài sản họ đã lấy đi.
Nó nhắc nhở người ta về tác động của sự lạm dụng quyền lực đối
với một đất nước.
Ví dụ, cựu tổng thống Indonesia, Suharto,
bị nghi đã biển thủ từ 15 đến 35 tỉ đôla. Slobodan Milosevic, cựu tổng
thống Nam Tư, bị nghi đã lấy đi từ 2 đến 5 tỉ đôla.
Người đứng số mười trong danh sách,
cựu tổng thống Philippines Joseph Estrada, bị nghi cuỗm khoảng từ 78 –
80 triệu đôla sau ba năm cầm quyền.
Tham nhũng của các chính trị gia
là vấn đề gây bức xúc nhất trong dân chúng.
Phong vũ biểu đo lường thái độ
người dân đối với tham nhũng - một phương pháp đo của Transparency
International – thấy rằng nếu người dân có cây gậy thần cho phép loại
bỏ tham nhũng trong một định chế duy nhất trong xã hội, thì đa số sẽ
chọn việc diệt trừ tham
nhũng trong các đảng phái chính trị.
Giới doanh nhân cũng cảm nhận các
tác động của tham nhũng chính trị.
Một khảo sát của Diễn đàn kinh tế
thế giới cho thấy giới doanh nhân tin rằng việc tài trợ tiền có ảnh
hưởng lớn đến chính trị, và hối lộ là phương thức đạt các mục tiêu
chính sách tại 20% các nước được khảo sát.”[1]
II. Viễn cảnh chính trị ở Việt Nam
Có khuynh hướng cho rằng phát triển
kinh tế dẫn đến mở rộng không gian chính trị, cho nên chính trị
Việt Nam sẽ thay đổi theo chiều hướng nào đã là chủ đề tranh luận
của nhiều nhà nghiên cứu nước ngoài cùng các nhà dân chủ trong nước.
Một xu hướng khá phổ biến phát triển
kinh tế sẽ giúp tiến trình dân chủ hóa nhanh chóng hơn, nhiều người trở nên khá
giả và chính họ sẽ có những nhu cầu đòi hỏi nhà nước chuyên chế phải rộng mở
hơn. Thế nhưng mọi thứ ngược lại, tầng lớp mới càng lệ thuộc vào nhà nước và
cùng nắm tay đồng hành của tầng lớp mới Tư bản đỏ!
Nghĩa là trong kỳ vọng về một xã hội dân
sự lành mạnh từ khát vọng của giới trung lưu mới với các giá trị khác với nhà
nước. Qua tác phẩm kinh điển của Barrington Moore , Social
Origins of Dictatorship and Democracy (1966). Moore và nhiều người sau
này như Rueschemeyer, Evelyne Stephens cho rằng thay đổi chính trị không
chỉ phụ thuộc vào sự thay đổi bản chất của từng nhóm xã hội...mà
còn phụ thuộc vào mối quan hệ giữa các nhóm này và nhà nước.
Theo Martin Gainsborough viết trên tạp
chí Asian Survey năm 2002 thuộc trường nghiên cứu châu Phi và phương Đông (SOAS)
của Anh, cho rằng: “viễn cảnh thay đổi chính trị ở Việt Nam cần
được nhìn qua các thay đổi bên trong bộ máy nhà nước, hơn là nhấn
mạnh sự xuất hiện của các lực đẩy bên ngoài nhà nước.”
Bài tiểu luận này có tựa đề “Political Change in Vietnam :
in search of the middle class challenge to the state.”Tóm tắt như sau:
-
Tầng
lớp trung lưu mặc dù trong lịch sử là lực đẩy dân chủ hóa, nhưng
cũng lại thường liên minh với chế độ chuyên chế.
Do đó, thực tế vì quyền lợi gắn liền với
thế lực cầm quyền khiến họ có xu hướng chống lại tiến trình dân chủ hóa cho đến
khi một chế độ mới dân chủ thật sự ra đời, thành phần nầy vẫn còn nhiều tư hữu
để trở nên giàu có trong một chế độ hoàn toàn tự do. Đây là tầng lớp được hưởng
lợi khấm khá và thật sự chỉ có người nghèo vì nhiều lý do phải nghèo là thành
phần bị thiệt thòi nhất!
“Trong trường hợp Việt Nam, nhìn
bề ngoài có vẻ như rõ ràng giai cấp này không tồn tại. Những đại
địa chủ đã bị loại bỏ tại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (Bắc Việt)
trong thập niên 1950, và việc này lại tiếp tục ở các khu miền Nam
giải phóng trong thập niên 1960 và sau chiến thắng của đảng Cộng sản
năm 1975. Chiếu theo lý thuyết, việc thiếu vắng giai cấp này có vẻ
sẽ hỗ trợ một quá trình chuyển tiếp dân chủ.”[1]
“Tuy nhiên, phải chăng Việt Nam không
có các địa chủ? Bất chấp quy định hạn mức đất nông nghiệp ở nông
thôn, nhưng những năm đổi mới đã đi kèm với tình trạng không có ruộng
đất ngày càng tăng. Điều này dẫn đến hệ quả tất yếu là sự tái
trỗi dậy của các nhà địa chủ.
Người ta cũng có thể nói rằng mặc
dù những người chủ đất của chính thể cũ đã bị loại bỏ, nhưng thay
vào chỗ của họ là sự xuất hiện của một tầng lớp chủ đất mới, đó
là các cán bộ và viên chức chính quyền. Thông thường chính họ, hoặc
thành viên gia đình họ, là người nắm ưu thế trong nền kinh tế nông
thôn. Nếu phân tích này là chính xác, thì viễn cảnh cho sự mở rộng
không gian chính trị không sáng sủa lắm.”[1]
“Hải Phòng là một trong những thành phố
văn minh trước tiên của vùng vùng đồng bằng Bắc bộ và sau đó tỏa đi khắp nơi.
Bây giờ vào đầu thế kỷ 21, tại làng Tiểu Bàng, Đại Hợp, Kiến Thụy, Hải Phòng –
‘một luồng văn minh mới’ cho dù đang mùa tuyển sinh nhưng không còn nghe thấy
chuyện thi cử đại học, thiếu nữ của vùng này đều lo học ngoại ngữ, học đi đứng,
học làm đẹp… học sao cho thật tốt ‘vành ngoài bảy chữ, vành trong tám nghề’ để
ôm mộng lấy chồng ngoại hầu đổi đời!
Các “Lò luyện” lấy chồng ngoại quốc ở
Hải Phòng nở rộ như hoa
phượng đỏ, các cô gái từ làng quê đến thành phố đều tham gia theo học những
khóa đào tạo ngắn ngày này, họ dạy về ngoại ngữ theo nhu cầu gồm tiếng Hàn,
tiếng Anh… vừa nói vừa ra dấu miễn sao đạt mục đích đó là phương cách ‘giáo dục
thực hành’ của các trường loại này!
II.1 Nông dân và người lao động ở
nông thôn
“Giai cấp thứ hai là nông dân và
người lao động nông thôn. Theo lý thuyết, người nông dân trong lịch sử
quan tâm đến dân chủ hóa, nhưng không phải là sức mạnh tạo ra nó, chủ
yếu vì họ thiếu tổ chức.
Gần ba thập kỷ sau đổi mới, Việt Nam
tiếp tục là xã hội nông nghiệp dường như bao hàm ý là chỉ có một
lực đẩy tương đối yếu cho dân chủ hóa.
Kể từ thập niên 1990, bất ổn ở
nông thôn có vẻ trở nên thường xuyên hơn. Còn thiếu các nghiên cứu về
nguyên nhân của điều này, nhưng dường như chúng thường liên quan đến
các tranh chấp đất đai với giới nắm quyền ở địa phương, và đi kèm
các cáo giác tham nhũng. Mặc dù không có bằng chứng về sự tài trợ
trực tiếp từ nước ngoài cho bất ổn nông thôn, nhưng các nhóm phản
kháng đặt ở nước ngoài và các tổ chức nhân quyền nhanh chóng ủng
hộ những cộng đồng nông thôn chịu khó khăn, còn các chính phủ nước
ngoài, bao gồm Mỹ, đã chỉ trích cách đối phó của chính phủ Việt
Nam trước các vụ việc này.
Nhưng ngoài các trường hợp kiện
tụng cá nhân, sẽ là sai lầm nếu người ta nói về một sự đối lập
tại nông thôn hiểu theo nghĩa là một tổ chức có nền tảng thể chế
chung và một lý luận chặt chẽ chỉ trích sự cầm quyền của đảng.
Một số học giả nhắc đến sự phát triển của các nhóm độc lập đại
diện cho nông dân, nhưng có ít bằng chứng cho điều này.
II.2 Người lao động thành thị
Giai tầng thứ ba là người lao động
ở thành thị. Đây được xem là lực lượng quan trọng cho dân chủ hóa. Ở
Việt Nam, số người này vẫn còn ít. Tuy nhiên, thời kì đổi mới đã đi
kèm với việc đô thị hóa nhanh chóng.
Về khía cạnh lao động có tổ chức,
giai cấp lao động thành thị chưa tỏ ra có sức mạnh. Quan hệ lao động
đã trở nên phức tạp hơn kể từ đổi mới, và các cuộc đình công cũng
phổ biến hơn. Tuy nhiên, không có các công đoàn độc lập, và Tổng Liên
đoàn lao động Việt Nam tỏ ra vẫn chia sẻ nghị trình của nhà nước là
khuyến khích kinh tế và bảo đảm ổn định chính trị, hơn là thật sự
đại diện cho người lao động.
“Trên bình diện xã hội, số thanh niên
nam nữ trộm cướp giết người ngày càng nhiều không thể đổ cho chế độ miền Nam
trước đây, từ quan niệm trong cuộc đấu tranh này ‘nếu có mất là mất mảnh vải
che thân’, nên bọn ăn cướp thời đại ngày nay cũng vậy đã nảy sinh tệ xin đểu
ngay tại Trung Tâm Sài Gòn và Hà Nội, chúng có băng đảng và tổ chức hẳn hoi, và
tất nhiên đến mọi ngõ ngách các khu dân cư theo các phóng sự ngay nơi các máy
rút tiền lẻ, công nhân, sinh viên trên đường về nhà nhất là tại các bến xe, phố
đêm vắng người… Quả là tâm trạng hoang mang của người dân vô cùng. Vai trò của
công an và quân đội ngày nay không hết việc và thật cao cả với sứ mệnh ngày đêm
vì an ninh của người dân, nhưng các bạn sẽ không mang lại được hiệu quả tốt
nhất cho người dân vì chúng ta đang là nạn nhân của một cơ chế lỗi thời. Mọi
chuyện phải được giải quyết trên bình diện quốc gia khi tập đoàn thống trị phải
trả ngay thẩm quyền lại cho người dân. Công an quân đội không phải công cụ của
một đảng phái bè nhóm nào nhưng là phục vụ cho người dân và dù chế độ nào.”
(trích tham luận Xin đểu ngày
nay của Nguyễn Quang)
II.3 Tư sản
Giai cấp thứ tư là tư sản, ở đây
được hiểu là tầng lớp kinh doanh hoặc sở hữu vốn. Quan niệm thông
thường xem những doanh nhân là một phần của tầng lớp trung lưu, và vì
thế là lực đẩy cho dân chủ hóa.
Tuy nhiên, theo quan điểm của Moore,
Rueschemeyer và nhiều người khác, tư
sản được xem là có quan điểm không rõ ràng đối với dân chủ hóa. Ví dụ, tác giả Richard Robison
nhắc tới một “hiệp ước
cùng thống trị” giữa
tầng lớp doanh nhân và chế độ chuyên chế Suharto ở Indonesia – một quan
hệ dựa trên các quyền lợi chung.
Dù giới doanh nhân là hiện tượng
mới nếu xét về các quan tâm kinh doanh của họ, nhưng họ lại là cũ
khi xét về quan hệ chính trị.
Tại Việt Nam, những năm qua đã có
sự xuất hiện của một giới tinh hoa mới trong kinh doanh.
Tuy nhiên, mặc dù giới tinh hoa này
là hiện tượng mới nếu xét về các quan tâm kinh doanh của họ, nhưng
họ lại là cũ khi xét về quan hệ chính trị. Nghĩa là, nhiều người
trong số các doanh nhân mới này xuất thân từ bên trong hệ thống hiện
nay, đang là hoặc từng là viên chức, hoặc là con cái của giới lãnh
đạo.
Để làm ăn thành công, các công ty
vẫn phụ thuộc nhà nước để có giấy phép, hợp đồng, tiếp cận vốn
và đất, và cả sự bảo vệ. Như thế, Việt
Nam vẫn thiếu “một giai
cấp tư sản độc lập hoặc lớn mạnh” mà Moore xem là yếu tố cần thiết cho dân
chủ hóa.
Lý thuyết về dân chủ hóa cũng
nhấn mạnh sự quan trọng của quan hệ giữa tư sản với người lao động
thành thị. Nếu giới trung lưu cảm thấy bị đe dọa bởi người lao động
đô thị, họ có khả năng trở nên bảo thủ hơn. Nếu không, họ có thể
liều lĩnh hơn.
Không có mấy bằng chứng là có sức
ép mạnh mẽ đòi thay đổi chính trị từ cộng đồng kinh doanh. Đã có
những kêu gọi như cần có sân chơi bình đẳng cho mọi công ty, mở rộng
thông tin, bớt sách nhiễu – người ta có thể nhìn thấy ở đây giai đoạn
đầu của một sự phân rẽ giữa tư sản và nhà nước. Tuy nhiên, những kêu
gọi như thế không lớn khi so sánh với việc cũng chính những công ty này rất
nhiệt tình (vì bắt buộc) khi tìm kiếm ưu đãi từ nhà nước.
Riêng trên đất nước này có thể nói rằng
vẫn chưa có một hệ thống tiền tệ minh bạch: tiền được làm nên đó là thứ phương
tiện, đúng hơn là thứ vũ khí của tầng lớp thống trị với mục đích cuối cùng là
thu vén tài sản của nhân dân, người dân hoan hỷ tưởng chừng như là phương tiện
thanh toán tốt nhất vào mỗi thời nhưng thật sự chính mình là nạn nhân, sự luân
chuyển của đồng tiền chẳng qua chỉ là hình thức gián tiếp cống nạp cho kẻ thống
trị vì cuối cùng đồng tiền chạy vào ngân khố của tập đoàn vua chúa hay đảng
trị, họ muốn thu hồi từ dòng chảy trong bàn tay của chúng bất cứ lúc nào mà
không có một sự giám sát của nhân dân!
Hiện nay dưới sự thống trị của tập đoàn
đảng trị CSVN, sau khi con tàu quốc doanh Vinashin không còn khả năng trả nợ,
người ta mới giật mình, đặt câu hỏi: ai đã quản lý, kiểm tra, giám sát các
nguồn vốn của Vinashin?
II.4 Giới công chức và trung lưu
Nhóm xã hội thứ năm là giới công
chức và trung lưu. Tại Việt Nam, nhóm này bao gồm những cán bộ, công
chức nắm giữ các vị trí trong các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước,
mặc dù có thể có một số sự chồng chéo với tầng lớp kinh doanh
hoặc sở hữu vốn. Một nhóm khá mới trong phạm trù này là các nhân
viên Việt Nam làm việc cho công ty nước ngoài.
Một vài năm trước, một số học giả
nhấn mạnh đến khoảng cách ngày một tăng giữa các nhóm như vậy với
nhà nước, cho rằng con người ngày càng tổ chức đời sống tách biệt
khỏi ảnh hưởng của nhà nước. Mặc dù việc một người làm cho công ty
nước ngoài có thể quan trọng, nhưng Martin Gainsborough lại nhấn mạnh
mối quan hệ chặt chẽ liên tục giữa nhóm này và nhà nước, xét về
nguồn gốc tương đối đặc quyền của họ, cũng như trọng tâm trung thành
của họ, hay sự sẵn sàng gia nhập đảng...Như vậy, giống như giới tư
sản, các nhân viên người Việt làm cho nước ngoài vẫn “thuộc về hệ
thống”.
Nếu nói về khả năng thay đổi trong
khu vực này, có thể nghĩ rằng khi giới trung lưu ngày càng có cơ hội
ra nước ngoài, họ sẽ đối mặt với các cách sống và làm việc khác,
khiến họ bớt kiên nhẫn với cách hành xử ở Việt Nam. Hiện tượng này
có thể là những quan sát về giá cả hàng hóa đắt ở Việt Nam so với
các nước khác trong vùng, hay so sánh về tệ quan liêu và tham nhũng.
Qua bộ phim Đường Tới Thành Thăng Long hiển hiện rõ: Cả một dân tộc đến
gần con số trăm triệu người, hàng ngàn tiến sĩ gọi là được phong hàm giáo sư…
nhưng để tâm vào chuyện gì? Quả là nhân cách cá nhân do sợ hãi trở nên ngu muội
đưa đến vong thân về tinh thần mà vốn truyền thống của dân tộc này hào hùng,
khí khái, hiên ngang, bất khuất!
Từ tiến sĩ đến các nghệ sĩ, nào phong
cho nhau những mỹ từ danh giá ‘nhân dân, ưu tú..’ Và trên một ngàn nhà văn theo
con số chính thức nhưng quá hèn không viết nổi, không đạo diễn nổi, không đóng
nổi các vai…nên đành đoạn ‘giao trứng cho ác’, ‘bán mình cho quỷ dữ’ !
Không có trận Chi Lăng, Bạch Đằng, vậy
lịch sử dân tộc này là dân tộc nào, cảnh chém giết tàn ác của Tàu thể
hiện trong phim thành gia sản của người Việt như một bộ lạc hoang dã! Một sự
phỉ báng Tổ Tiên dân tộc này!
II.5 Nhà nước yếu hay mạnh?
Bên cạnh việc phân tích thái độ
của các tầng lớp xã hội và quan hệ giữa các nhóm này, người ta
cũng cần phân tích bản chất của quyền lực nhà nước để soi sáng câu
hỏi liệu một nước có dân chủ hóa hay không.
Nhiều năm qua, bản chất của quyền
lực nhà nước ở Việt Nam đã thu hút những cách phân tích khác nhau.
Quân đội và công an vẫn chiếm vị
trí quan trọng trong đời sống chính trị Việt Nam
Ví dụ, Joel Migdal (1988) mô tả Việt
Nam là “nhà nước mạnh”, đặt nó chung với Israel và Nhật cùng các
nước xã hội chủ nghĩa khác. Migdal cho các nhà nước này là mạnh vì
theo ông, chúng có khả năng điều động các định chế nhà nước thực
hiện các công việc chính sách bất chấp sự tồn tại của các trung tâm
quyền lực khác. Một số người khác lại cho rằng khả năng của nhà
nước Việt Nam không mạnh như người ta nghĩ.
Martin Gainsborough lại cho rằng tựu
trung nhà nước ở Việt Nam mạnh, nhưng nó phụ thuộc vào từng hoàn
cảnh, vì thế mà tạo nên các phân tích khác nhau. Nếu quan sát công
việc hàng ngày của các định chế và bộ máy nhà nước, người ta thấy
thói thường quyền lực ở các định chế nhà nước bị phân lập, và các
cơ quan cao hơn trong bộ máy chỉ có khả năng hạn chế khi muốn điều
động các cơ quan bên dưới ('trên bảo dưới không nghe'). Vì thế quyền
lực bị phân tán. Nhà nước ở thế yếu. Tuy nhiên, nếu quan sát vai trò của công
an trong cuộc sống hàng ngày của người dân, nhà nước lại có vẻ
mạnh.
Ngoài ra, trong các cuộc thanh tra
định kỳ (periodic) nhắm vào các hoạt động kinh doanh khả nghi, và
trong việc truy tố các vụ tham nhũng lớn, nhà nước chứng tỏ khi bộ
máy cảm thấy phải chuyển động, nó có thể rất mạnh mẽ.
Như vậy, 30 năm sau đổi mới, việc
nhà nước vẫn có một quyền chủ động tương đối có vẻ không thuận lợi
cho tiến trình chuyển tiếp dân chủ. Lý
thuyết về dân chủ hóa nhấn mạnh rằng sự có mặt thường xuyên của
quân đội và công an trong nhà nước đặc biệt bất lợi cho một sự
chuyển tiếp. Tại Việt
Nam, hai định chế này đã luôn có mặt trong các vị trí lãnh đạo chủ
chốt.
Song, môi trường giáo dục của Việt cộng
đang hỏng trầm trọng, từ chuyện học sinh nữ đánh nhau, thầy mua dâm học trò,
đổi tình lấy điểm, mua điểm... Quà Ngày Nhà giáo phát nổ trong khu tập thể giáo
viên vừa qua là trái bom nổ chậm kinh hoàng đến thời điểm không còn thuốc chữa.
Những người có điều kiện tầm vóc quốc
gia, ngay cả trong ngành giáo dục đều tìm cách cho con đi học ở nước ngoài, mặc
cho nền giáo dục nước nhà theo kiểu ‘nước chảy bèo trôi’ !
Con người của Hà Nội cổ xưa thanh lịch
và sâu sắc từ dáng đi, lời ăn tiếng nói, đến cư xử giữa người với người là vậy.
Trí tuệ của Hà Nội xưa cũng uyên bác và thực chất hơn nhiều. Dưới trào cộng sản
mở đầu câu chuyện là câu láo khoét giả dối làm đầu nào ‘nhờ ơn Bác Đảng…mà em
thế này… nhà u nó ra sao?’
Hà Nội đang rồng rắn lên mây, những giá
trị ảo đó rồi cũng tan biến theo thời gian, những hàng mã trong lễ hội càng
tiêu nhanh, tất cả sẽ qua đi, nhưng ‘văn hóa là những gì còn lại’, những giá
trị nhân văn thể hiện qua nhân cách, trí tuệ người Hà Nội sẽ còn mãi và không
biến mất trong máu huyết người Việt. Nhân sĩ và trí thức Hà thành đang cất cao
tiếng gọi, nhân quyền không còn là chuyện phê phán người khác, cũng không chỉ
với vài bài viết của một tờ tạp chí gọi là làm chuyện nhân quyền. Nhân quyền là
dấn thân, hành động thiết thực qua giáo dục để nhằm biến đổi con người rồi tự
thân con người biến đổi xã hội.
II.6 Các lực lượng xuyên quốc gia
Lý thuyết về dân chủ hóa cũng
nhấn mạnh tầm quan trọng của các lực lượng xuyên quốc gia trong vấn
đề thành công hay thất bại của một tiến trình chuyển tiếp.
Sự chấm dứt chiến tranh lạnh cũng
chấm dứt cái nhìn xem Đông Nam Á là các quân bài domino trong cuộc
tranh đấu ý thức hệ. Vì thế, các nước này đã chịu sức ép từ Mỹ
và EU quanh các vấn đề nhân quyền và cai trị. Việt Nam cũng chịu sức
ép này. Nhưng mặt khác, dường như Việt Nam không đến mức dễ bị đe
dọa trước các luồng xâm nhập tư tưởng từ ngoài – khác với Lào,
chẳng hạn.
Vị trí của Việt Nam ở Đông Nam Á
và việc là thành viên của ASEAN cũng đem lại một tấm đệm nhất định
ngăn sức ép thay đổi từ Mỹ và EU. Dù có sự khác biệt giữa hệ
thống các nước trong ASEAN, nhưng các thành viên đều bộc lộ một mức
độ chuyên chế nhất định và duy trì nguyên tắc không can thiệp chuyện nội
bộ của nhau.
Quan hệ Việt Nam – Trung Quốc góp phần củng cố chế độ
tại Việt Nam .
Dù hai nước này có khác biệt thế nào, họ đều có chung sự không tin
tưởng trước quyền lực toàn cầu của Mỹ và cả hai đều theo quan điểm
cải tổ kinh tế mà không mất quyền kiểm soát chính trị.
Ngoài ra, một thiên hướng phổ biến
là nhấn mạnh rằng trong thời đại toàn cầu hóa, việc hòa nhập vào
nền kinh tế thế giới thường bất lợi cho chế độ chuyên chế. Tuy nhiên, ở Việt Nam, tài trợ nước
ngoài và vốn tư bản đổ vào lại giúp củng cố quyền lực nhà nước,
vì chính các định chế và công ty nhà nước thường là người hưởng
lợi chính.
Năm mươi năm qua vẫn chưa đủ đã làm
nghèo đất nước này đến dường nào so với mức tăng trưởng kinh tế thế giới,
hãy bần cùng đến nhiều thế hệ hơn nữa, cương lĩnh hứa hẹn ‘Từ nay đến giữa thế
kỷ XXI, toàn Đảng, toàn dân ta phải ra sức phấn đấu xây dựng nước ta trở thành
một nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa’ !
Từ định hướng đến phương hướng là phương
nào khi báo cáo đưa ra 8 danh mục cơ bản mà bất cứ một học sinh phổ thông nào
cũng nói được có khi càng bốc hơn, xin ghi lại nguyên văn cho rõ với phản đề
ngắn gọn của người dân trên chữ đậm, nghiêng:
Một là, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gắn với phát triển kinh tế tri thức, bảo vệ tài nguyên, môi trường.
- Kinh tế tri thức: hiện nay Việt Nam là sân sau,
một bãi rác của Trung Quốc!
- Môi trường tài nguyên thiên nhiên:
Thảm họa môi trường và an ninh quốc gia qua bauxit Tây Nguyên vẫn đang ám ảnh
người Việt Nam
yêu nước! Rừng vàng biển bạc đều dần dần rơi vào tay Trung Quốc trong một chiến
lược thôn tính lâu dài của Đại Hán!
Hai là, phát triển nền kinh tế thị
trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
- Lịch sử từ cổ chí kim chưa
ai biết cái định hướng này là gì, sẽ đưa dân tộc về đâu? Hiện chỉ thấy các cán
bộ, đảng viên Cộng sản hành động càng ngày càng xằng bậy!
Ba là, xây dựng nền văn hóa tiên tiến,
đậm đà bản sắc dân tộc; xây dựng con người, nâng cao đời sống nhân dân, thực
hiện tiến bộ và công bằng xã hội.
-Nghĩa là Tàu sao ta vậy!
Tàu cộng đưa ra ‘Xã hội hài hoà’, ta cũng ‘Hài hoà xã hội và sáng tạo thêm chữ
Hoà giải nữa! Nay Võ Tòng đả hổ, ta cũng đã theo!
Bốn là, bảo đảm vững chắc quốc phòng và
an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
-Ra đường là kẹt xe, tai nạn giao
thông…đó là trật tự an toàn xã hội! Quốc phòng và an ninh quốc gia đã có Trung
Quốc lo vì trên căn bản những gì đã ký kết ngầm với Tàu cộng ‘chỉ mong sao trở
thành một khu tự trị như Tân Cương, Tây Tạng…qua mô hình một quốc gia nhiều chế
độ!
Năm là, thực hiện đường lối đối ngoại
độc lập, tự chủ, hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; chủ động và tích
cực hội nhập quốc tế.
-Cứ thỏa mái ký kết và không thi hành vì
bản chất của CSVN là thế!
Sáu là, xây dựng nền dân chủ xã hội chủ
nghĩa, thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường và mở rộng mặt trận dân
tộc thống nhất.
-Trong lịch sử cũng chưa ai thấy dân chủ
kiểu Việt cộng như thế này, sự thường nhân loại gọi kiểu cai trị này là độc tài
toàn trị!
Bảy là, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã
hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
-Pháp luật chỉ là thứ trò chơi của giai
cấp tư sản theo quan niệm của Mác, như vậy kêu gọi tôn trọng pháp luật không
khác gì chống lại học thuyết Mác!
Tám là, xây dựng Đảng trong sạch, vững
mạnh.
-Ngày nay chống tham nhũng là chống
đảng, vậy chỉ có thể diệt hết tham nhũng khi đảng CSVN không còn, hay tồn tại
trong chế độ đa đảng với sự cạnh tranh lành mạnh giữa các đảng sẽ giảm bớt lạm
dụng quyền lực để tham ô!
II.7 Sau chế độ một đảng sẽ là
gì?
Từ đầu, bài viết nhấn mạnh sự
quan trọng của việc thoát ra khỏi cách nghĩ rằng Việt Nam nhất định
sẽ đi trên con đường lịch sử hướng tới chế độ dân chủ kiểu phương
Tây. Như vậy, câu hỏi trong bài đặt ra là còn hướng đi nào khác cho
việc mở rộng không gian chính trị tại Việt Nam?
Một phần câu trả lời có thể nằm
trong việc xem lại các quan niệm như nhà nước và xã hội. Thay vì đi
tìm sự xuất hiện của một xã hội dân sự (civil society) lớn mạnh đối
lập với quyền lực nhà nước, bài viết muốn người ta tìm hiểu những
gì xảy ra bên trong nhà nước.
Một số học giả khác đã theo quan
điểm tương tự. Trong quyển Toward Illiberal Democracy in Pacific Asia
(1995), Daniel Bell và Kanishka Jayasuriya viết:
“Động lực cho cải tổ chính trị
xuất hiện không phải từ việc khẳng định các quyền lợi độc lập của
các giai cấp xã hội, mà từ xung đột bên trong nhà nước; cải tổ
chính trị liên quan việc đối phó với xung đột bên trong nhà nước, hơn
là liên quan sự tái cơ cấu căn bản quan hệ giữa nhà nước và xã
hội.”
Martin Gainsborough cho rằng điều này
thể hiện các nhà nước tại châu Á xây dựng trên một di sản triết học
và văn hóa khác phương Tây. Khi Lý Quang Diệu nói về nhu cầu hạn chế
“cách người dân dùng lá phiếu để mặc cả, ép buộc, xô đẩy” chính
phủ, ngôn từ đó không đơn giản là nói lấy được, mà thể hiện một
cách hiểu hoàn toàn khác về quan hệ giữa nhà nước và xã hội.
Đã nhiều người nhấn mạnh đến các
yếu tố như xã hội dân sự, tầng lớp trung lưu, tôn giáo đối lập, trí
thức phản kháng, bất mãn của thanh niên, bất ổn ở nông thôn.
“Sự mở rộng không gian chính
trị có nhiều phần khả năng xuất phát từ thay đổi bên trong các định
chế nhà nước, hơn là nhờ sự xuất hiện của một xã hội dân sự năng
động.”
Martin Gainsborough
Theo Martin Gainsborough, tất cả
những điều này đều là hiện tượng có thật, nhưng ở Việt Nam, đấu
trường chính là ở bên trong nhà nước. Vì thế, nếu quan sát một số
các cuộc tranh luận chính trị liên quan mối quan hệ giữa đảng và
chính quyền, vai trò Quốc hội, vấn đề tập quyền và tản quyền, hay
cách thức điều hành doanh nghiệp nhà nước, thì mức độ thay đổi hay
việc mở rộng không gian chính trị phải được xem trong quan hệ với các
định chế nhà nước. Ví dụ, đảng có thể vẫn giữ quyền tối cao, nhưng
phải chấp nhận cho phép các định chế chính quyền mạnh mẽ hơn, một
Quốc hội mạnh mẽ hơn.
Cũng như vậy, các quan tâm của giới
kinh doanh, thay vì tìm cách biểu đạt qua một tổ chức tách khỏi nhà
nước, thì lại chuyển vào kênh của các tổ chức như Phòng Thương mại
Công nghiệp hay Hiệp hội ngân hàng. Ngay cả nếu người ta dự đoán một
ngày nào đó các tổ chức này sẽ tách khỏi nhà nước, thì có thể
cho rằng họ vẫn duy trì một cách hiểu khác phương Tây về mối quan hệ
giữa nhà nước và xã hội.
Thay đổi chính trị ở Việt Nam tất
yếu sẽ diễn ra, nhưng một bài học từ châu Á là sự mở rộng không
gian chính trị có nhiều phần khả năng xuất phát từ thay đổi bên trong
các định chế nhà nước, hơn là nhờ sự xuất hiện của một xã hội dân
sự năng động như tưởng tượng tại phương Tây.
Bài viết kết luận: Liệu điều này
có tạo ra sự thoát khỏi hoàn toàn hệ thống độc đoán hay không còn
là điều bàn cãi. Có thể đoán rằng khả năng lớn hơn cả là sẽ có
sự nới lỏng dần dần những mặt cứng nhắc của hệ thống quản lý nhà
nước.” [1]
Đất nước Việt Nam đang đi trên con đường với
những khái niệm mù mờ rất đáng sợ, ngay chính những người soạn ra nó chắc chắn
cũng không hiểu nó là cái gì! Nên đã khiến mọi thứ khác xa tư tưởng Nguyễn Trãi
‘Hang cùng ngõ hẻm không còn tiếng khóc than’. Lời vọng từ năm xưa, đó là mục
tiêu của một chính quyền vì dân, đạo đức của những nhà lãnh đạo đất nước - ‘Cái
Đạo làm Vua!
- ‘Hãy ngồi vào bàn ăn mới biết ngon hay
dở’ như ngạn ngữ Phương Tây đã viết! Người Việt chúng ta còn rất hoài nghi chưa
chịu ngồi vào bàn, vì những tỵ hiềm đố kỵ hận thù do lịch sử để lại quá nặng
nề! Hãy ngồi vào bàn để biết thật rõ bạo quyền là cái ác, độc tài đảng trị là
gian trá, biết rằng bàn ăn có nhiều món vẫn thích hơn chỉ một món lại là khoai
mì, nhất là loại khoai mì có tên Ấn Độ H34 gì đó vẫn mãi mãi là nỗi kinh hoàng
với các tù nhân trong các trại tù CSVN. Loại khoai đó ăn vào thường ngộ độc ói
mửa, tháo dạ nhưng phải cứ ăn!
Hãy ngồi vào bàn có nhiều món vẫn thích
hơn! Các anh muốn hạnh phúc và chúng tôi cũng vậy ‘…tuy là khác giống nhưng
chung một giàn’. Giàn bầu, giàn bí, giàn nho…đều cần phải có những nhà kỹ thuật
nông nhiệp hướng dẫn việc cắt tỉa mới sinh hoa trái hầu được mùa. Không thể kêu
chú đánh trâu dạy kỹ thuật nông học, chăn trâu chỉ có thể thống lĩnh trâu bò,
càng không thể là lái bò, thiến heo lên làm lãnh đạo quốc gia! Một dân tộc như
thế dù cho có ít người vẫn đang rơi vào mạt vận!
II.8 Đất nước rồi sẽ chỉ còn trơ lại
khung xương.
“Nghĩ đến các mối quan hệ xã hội ngày
nay, tương lai dân tộc VN trong 10, 20 năm nữa, Luật pháp không được thực thi,
có tiền/ có quyền hoặc cả hai, Tiền/Quyền
chính là công lý, là đạo đức. Thày
cô giáo, cha mẹ ngày càng ít nói đến những chụẩn mực đạo đức vì làm không đúng
như thế thì nói đến sao được? Thay vào đó là dạy cách kiếm tiền, cách để đoạt
quyền, cách hòa nhập với chung quanh, hoặc nói một cách mơ hồ chung chung, biến
dạng.
Các em sẽ không còn nhận ra đâu là luật
pháp, công lý, đâu là những giá trị văn hóa đạo đức, công bằng ...cũng như trật
tự của chính xã hội đang sống mà sự bảo vệ hỗ tương dưới những hiến chế luật
pháp thật cần thiết vế an ninh cho con người!
Doanh nghiệp Nhà nước là "két
sắt" giấu tiền tham nhũng. Thậm chí nhiều khi có cả doanh nghiệp của lực
lượng vũ trang tham gia cạnh tranh thị trường với doanh nghiệp tư nhân trong
các dự án từ ngân sách nhà nước, thực chất là tiền của dân được gọi là
"dân chủ, công bằng". Kết quả là doanh nghiệp tư nhân thua, lực lượng
vũ trang thắng két sắt lại đầy. Làm kinh tế dân chủ, công bằng kiểu gì lại mang
cả lực lượng súng đạn ra cạnh tranh thị trường thì ai thắng? Sau đó nghe thua
lổ, giải thể, sát nhập. Lại có một doanh ngiệp Nhà nước...mới... ra đời, mà
không giải thích được.
Muốn tồn tại thì một số DN tư nhân
buộc phải kết hợp với doanh nghiệp nhà nước, tạo ra những nhóm lợi ích độc
quyền, ngạo mạng nhưng đóng góp ngân sách lại thấp nhất. Số DN tư nhân còn lại
phải ngụp lặn, đơn độc với vai trò thật bé nhỏ, nhưng đóng góp ngân sách lại
cao nhất. Thật là khôi hài !
Tham nhũng ở VN đã trở thành quốc nạn từ
lâu, nó xảy ra mọi lúc, mọi nơi, mọi ngành nghề, mọi lãnh vực, nhiều mức độ, từ
dưới lên, từ trên xuống, không thể kể xiết! Chính quyền các cấp đã hoàn thành
xuất sắc nhiệm vụ "dạy" cho mọi người dân ai cũng biết lo lót, hối
lộ!”[1]
Và chuyện làm luật của các cảnh sát giao
thông với chủ xe diễn ra hằng ngày trên khắp mọi nẻo đường của đất nước, hành
khách trên xe cũng như người tham gia giao thông mỗi khi gặp xe phóng nhanh
vượt ẩu, tất cả đều mong chờ sự xuất hiện của cảnh sát giao thông, thế nhưng
khi các quan thường là bụng bự, tay bỏ túi quần, mắt nhếch nhìn cú vọ xuất hiện
chỉ kiểm tra giấy tờ... song nếu có đính kèm những tờ giấy thật mỏng thời
chuyện làm luật thông qua rất nhanh. Họ đã nhận hối lộ và bỏ qua mọi vi phạm
của nhà xe. Trong trường hợp nếu bị bắt quả tang thì giữa cảnh sát giao thông,
viện kiểm sát, tòa án... họ cùng bắt tay nhau làm trái những gì họ tự qui định
gọi là pháp luật. Như cơ quan tỉnh ủy Bình Phước có văn bản gởi Toà án nhân dân
tối cao về việc một chánh án Toà án nhân dân huyện với hàng loạt các sai phạm
do ông này gây ra như hợp thức hóa hồ sơ xin giảm án cho bị can sớm ra khỏi
trại giam, chỉ đạo cấp dưới kê khống nhằm rút tiền ngân sách chia nhau tiêu xài
hàng trăm triệu... những vi phạm có liên quan đến các quan tham thuộc viện kiểm
sát, chánh án, phó chánh án Tòa án nhân dân tỉnh và các cấp chính quyền cao hơn
đều một phường tham ô, nhũng nhiễu dân lành. Trên Quốc lộ Hai mươi xuất phát từ
Sài Gòn đi về Tây Nguyên, một con đường nếu được bảo quản tốt chỉ mất có năm
đến sáu tiếng đồng hồ, nhưng trước những năm chín mươi phải mất cả ngày và đầu
thế kỷ hai mươi mốt vẫn còn đầy những ổ gà nên việc di chuyển bằng xe ô tô thật
khó khăn, nhất là vào mùa mưa với bao tai nạn khi đổ đèo. Khi xe chạy ngang qua
những vùng đường bộ do Lâm Đồng quản lý hành khách như ngồi trên các khối sắt
bay nhảy chuẩn bị ra ngoài vũ trụ, có lúc nín thở đến cả tim muốn rớt ra ngoài,
còn đoạn đường nào do tỉnh bạn Đồng Nai cai quản thì các chủ xe cũng như tài xế
chuẩn bị sẵn tiền trong túi để hối lộ công an vì dù chạy kiểu gì chúng cũng
thổi còi, may ra trong cả chặng đường chỉ có một, còn sáng ba chiều bốn cho mỗi
vòng đi về như thế với ít nhất là hai mươi đô cũng là chuyện chưa có gì ấm túi
các quan cảnh sát giao thông Đồng Nai. Và thấy Đồng Nai là biết phải hối lộ
rồi, đó là một tâm lý chung bao trùm lên hết thảy mọi công dân ở đây, chuyện ấy
xảy ra kể từ ngày đất nước thống nhất và cho dù có thay đổi ở cấp lãnh đạo đến
tử hình Giám đốc Công an, thời Đồng Nai vẫn vậy.
- Bất
cứ tổ chức nào trên thế giới không đánh giá VN là nước tham nhũng "nhất
thế giới", tổ chức đó chưa đủ "trình độ"!
Ở VN hiện nay, khi hỏi bạn nghĩ sao về
tham nhũng, thú thật tiếng Việt đã cạn từ!
Ngành nghề nào ư? -Mọi ngành!
Từ địa phương tới trung ương!
Ở địa phương thì cầu, đường, trường học,
bệnh viện, hay bất cứ công trình nào, nghiệm thu chừng một tháng là bắt đầu
xuống cấp! Nó bị rút ruột 60%!
Ở trung ương? -Nhỏ nhất là Vinashin: cả
trăm ngàn tỉ đồng, chưa kể tiền lời phát sinh, chưa kể vốn ban đầu, đem thí
điểm môt thời gian ngắn chỉ còn là "một đống sắt vụn" như Chủ tịch
Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói tại QH! Và hiện nay ông bị vạch trần như một ông
trùm tham ô! Thiên hạ đồn rằng còn bốn, năm cái Vinashin nữa chưa lộ
diện! Nên các công trình có vay tiền nước ngoài đổ vô cái gọi là doanh nghiệp nhà nước,
tập đoàn là tham nhũng nhất vì không thể thanh tra được và không ai chịu trách
nhiêm bồi thường cả!
Tham nhũng là con quỷ mà ĐCS đã đẻ ra,
nó càng ngày càng hung dữ hơn, nó sẽ không bao giờ ngừng cắn nát Tổ Quốc Việt Nam !
Khi người dân phải nai lưng ra làm và
đều đều đóng thuế 10% VAT, đến đủ mọi thuế khác, kể không hết!
Công nhân viên chức nhà nước từ đầu đến
đuôi làm sao sống nổi với đồng lương "nhà nước", vì thế VN ta mới có
trò hề... bao cấp ngược, nông dân hay doanh nghiệp tư nhân thì tự túc mà cày,
mỗi lần đi xin cơ quan nhà nước cho cái gì từ bằng lái xe, cho con đi học, giấy
phép xây nhà... thì tự động đưa phong bì cho các quan!
Các ông trung ương thì sạch hơn, không
ăn tiền đút lót bôi trơn, nhưng họ rất thích hoa hồng của những chủ thầu những
dự án tầm cỡ quốc gia ODA, dự án Bauxite, thuê rừng, xây dựng nhà máy điện,
buôn bán vũ khí, đường sắt cao tốc...
Cuối cùng là con cháu dân đen sẽ phải
gánh nặng cái món nợ khủng lồ và VN ta không bao giờ ngóc đầu lên được.
III. Thời điểm đã đủ để thay đổi - Time
to change, time to say: That’s enough!
Từ sự khác biệt của một chính phủ không
do dân bầu, khởi đầu của chính quyền xây dựng trên nòng súng và nay tồn tại
trên sự tham nhũng, nên công cuộc chống tham nhũng là một mỹ từ trong nền chính
trị VN vì ai cũng biết từ cửa miệng này của các quan chỉ để trang trí trên các
diễn đàn hội nghị mà thôi. Khi một vị quan lớn lên phát biểu điều này các quan
bé ngồi ở dưới hội trường có thể nhẩm tính bất động sản hay dự án nào có tên
của ông ta, con cái du học Anh, Mỹ bao năm mỗi năm tiêu tốn mấy chục ngàn Mỹ
kim. Những dự án nào ông ta đã hớt tay trên của mình bao nhiêu phần trăm... Các
quan bé so sánh: ta với ông ấy hơn kém gì nhau mà tại sao quyền lực và tài sản
mình chưa thể bằng ông ấy.
Chuyện đang nóng tại Việt Nam, đó là
việc tịch thu dinh thự được tạo dựng một cách bất minh của ông nguyên Tổng
thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền và các đại quan tham khác đang nói lên
“cộng sản đang đào mồ chôn chính mình”.
Thiên đường Cộng sản như niềm mong ước
của Mác đã dựng nên và ngày nay trở thành giấc mơ của người dân Việt, đó là Nhà
nước tiêu vong đã đến gần.
Tương lai VN không lành mạnh được nền
chính trị và xây dựng kỷ cương pháp luật tam quyền phân lập cũng như đệ tứ
quyền thì không thể nào thoát khỏi cái bóng của Phi, Thái, chứ nói gì đến giấc
mơ Hàn quốc và Đài Loan.
Trong xã hội, người nhân đức, chân chính
thì không thể giàu có được; còn người giàu có, xa hoa thì không thể là người có
lòng nhân ái và liêm chính- một câu nói của Tây phương tuy có vẻ hơi quá, nhưng
cũng đáng cho ta suy nghĩ.
Nguyễn Quang
*Chú thích:
[1] Nguồn tổng hợp từ loạt bài về
Tham nhũng trên thế giới của đài BBC.