Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu nông sản chính của Việt Nam
Nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc trong bảy tháng đầu năm tăng 4,5 tỷ đôla so với cùng kỳ năm ngoái, Tổng cục Hải quan Việt Nam cho biết.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã phá giá VND 3% trong năm nay để đảm bảo cho khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu.
Giới chuyên gia cảnh báo việc phá giá đồng nội tệ không phải là giải pháp về dài hạn cho tình trạng thâm hụt thương mại.
Báo cáo của Tổng cục Hải quan Việt Nam, được báo VnExpress dẫn lại, cho biết tổng kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc trong 7 tháng đầu năm đạt gần 28,4 tỷ đôla, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, tổng kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc chỉ đạt hơn 9 tỷ đôla, cao hơn 5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhập siêu từ Trung Quốc trong 7 tháng đầu năm lên tới 19,4 tỷ đôla, cao hơn con số 14,9 tỷ đôla cùng kỳ năm ngoái, báo cáo cho biết.
Giá trị hàng hóa từ Trung Quốc hiện chiếm 30% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam, báo cáo nói thêm.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã phá giá VND 2% trong nửa đầu năm nay.
Ngày 19/8, cơ quan này tiếp tục phá giá VND thêm 1%, bất chấp cam kết sẽ không điều chỉnh tỷ giá quá 2% trong năm nay.
Biên độ tỷ giá VND so với đồng đôla cũng được nới rộng từ 1% lên 3% trong tuần qua.
Việt Nam đang đứng trước áp lực hạ giá đồng nội tệ để giữ tính cạnh tranh cho hàng xuất khẩu, sau khi Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ hơn 4% vào tuần trước.
Không phải giải pháp dài hạn
Trả lời BBC ngày 19/8, Tiến sỹ Võ Trí Thành, Phó Viện Trưởng Viện Nghiên Cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương, nói tình trạng nhập siêu với Trung Quốc là vấn đề "không thể giải quyết được trong thời gian ngắn và không thể chỉ bằng đối sách phá giá".
"Nó là câu chuyện tổng thể hơn", ông nói.
"Bằng việc phá giá VND, Việt Nam đã giảm thiểu những tác động tiêu cực nhất định từ việc Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ."
"Đây cũng là bước đi phù hợp dần với một tỷ giá linh hoạt hơn trong quá trình hội nhập của Việt Nam."
"Nhưng để giải quyết vấn đề thâm hụt thì phải nhìn câu chuyện này trong quan hệ Việt Nam với Trung Quốc cũng như quan hệ giữa hai nước trong phạm vi toàn cầu. Đây là mạng lưới sản xuất được chi phối bởi rất nhiều tập đoàn lớn".
"Thứ hai nó là vấn đề liên quan đến cơ cấu và tính cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam và thứ ba là việc phát triển công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam".
"Việt Nam một mặt vẫn phải tăng cường tính linh hoạt của tỷ giá để hấp thụ theo chiều hướng có lợi các cú sốc từ bên ngoài, nhưng mặt khác vẫn phải kiên trì ổn định kinh tế vĩ mô."
Trước đó, một số ý kiến từ các chuyên gia trong nước cũng đã cảnh báo động thái phá giá VND sẽ làm tăng tình trạng nhập siêu với Trung Quốc.
"Nếu giá nhập khẩu Trung Quốc giảm đi thì ngành dệt may của Việt Nam sẽ có lợi ở trước mắt vì chi phí vật liệu thấp hơn", Tiến sỹ Lê Đăng Doanh nói với BBC hôm 13/8.
"Nhưng hàng dệt may của Việt Nam khi xuất sang Trung Quốc hay xuất sang nước thứ ba thì sẽ khó cạnh tranh với hàng Trung Quốc".
"Thứ hai là nhập khẩu nhiều hơn nữa của Trung Quốc thì nền kinh tế Việt Nam sẽ phụ thuộc nhiều hơn nữa vào Trung Quốc. Đó là bài toán về kinh tế vĩ mô và an ninh kinh tế mà chúng ta không thể xem thường".
Trong cuộc phỏng vấn với BBC hôm 12/8, ông Trần Thanh Phong, một chuyên gia chứng khoán trong nước, cũng cảnh báo về tình trạng gia tăng nhập siêu từ Trung Quốc tại Việt Nam nếu Bắc Kinh tiếp tục phá giá đồng nội tệ.
"Về mặt nhập khẩu, Việt Nam vẫn chưa giải quyết được vấn đề nhập siêu với Trung Quốc, và nếu đồng nhân dân tệ tiếp tục yếu hơn thì trong tương lai vấn đề nhập siêu sẽ nghiêm trọng hơn nữa," ông nói.
"12 năm trước Việt Nam là thị trường xuất khẩu lớn thứ 15 của họ, tính đến quý 1 năm nay thì Việt Nam đã là thị trường xuất khẩu lớn thứ 7 của Trung Quốc và đây là điều rất đáng lo ngại," ông nói.
Nguồn: BBC