Ngày 05-11-2021 năm nay là ngày giỗ thứ 42 của linh-mục Gio-an Bao-ti-xi-ta Trần Học Hiệu với cái chết bằng các viên đạn xử bắn vào xế chiều ngày 05-11-1979 tại ấp Bà Thức, Suối Máu, Biên-hoà. Đây là khu đất nằm trong vùng phi-quân-sự phía sau phi-trường Biên-hoà mà sau 1975 chính-quyền cộng-sản huyện Thống-nhất, dùng làm bãi xử bắn dã-chiến.
Linh mục Gio-an Bao-ti-xi-ta TRẦN HỌC HIỆU
Linh-mục Trần Học Hiệu sinh năm 1927 tại Ninh-cường, Bùi-chu. Thụ-phong linh-mục năm 1958 tại Sài-gòn. Ông còn có một người em là linh-mục Trần Ngọc Quỳnh, thuộc tu-hội Saint Sulpice, giáo-sư Đại-chủng-viện Huế.
- Sau khi chịu chức linh-mục, ông giữ nhiệm-vụ Tuyên-uý Hiệu-đoàn tại trường Nguyễn Bá Tòng, chuyên-trách các sinh-hoạt tâm-linh và các hoạt-động Hiệu-đoàn của mấy ngàn học-sinh, kiêm tuyên-uý đoàn Thanh Sinh Công tại đây. Ông là người đầu tiên và hình như cũng là duy-nhất chịu khó dịch tập Hiến-chương Dakar là Thủ-bản của Phong-trào Thanh Sinh Công thế-giới, thường biết đến với tên viết tắt là JECI (Jeunesse Étudiante Catholique Internationale) thành ấn-bản song-ngữ với lời đề biệt tặng các bạn Thanh Sinh Công của tôi.
- Là tác-giả hai tập sách dịch mang tên Ngày Quỷ Vương và Lạy Chúa con nghe đây…dưới bút-hiệu Mặc Huy, xuất-bản vào thập-niên 60 tại Sài-gòn. Ông giải-thích, Mặc Huy là ánh sáng của ngọn đèn chầu, tuy leo-lét nhưng liên-lỉ.
Lễ mở tay của linh-mục Trần Học Hiệu tại trường Nguyễn Bá Tòng.
Bốn người hàng đầu từ trái, người em Trần Ngọc Quỳnh, cụ Hiếu thân-sinh, người chú, đức giám-mục Phạm Ngọc Chi.
- Là người có nếp sống đúng tinh-thần khó nghèo. Thậm chí, sau khi chiụ chức linh-mục, ông đã chọn nơi dâng lễ mở tay là khu tiền-sảnh đơn-sơ của trường Nguyễn Bá Tòng.
- Là một người chống cộng và hăng say hoạt-động trong lãnh-vực văn-hoá và nghệ-thuật Công-giáo
- Năm 1964, ông rời trường Nguyễn Bá Tòng, đi làm Tuyên-uý Quân-đội, tùng-sự tại Nha Tuyên-úy
Công-giáo với cấp-bâc đại-uý tượng-trưng theo quy-định. Ông giữ nhiệm-vụ Trưởng Phòng Giáo-vụ Nha Tuyên-uý Công-giáo và đặc-trách nội-dung nguyệt-san Tinh Thần của Nha Tuyên-úy Công-giáo.
- Thành-lập ca-đoàn Hương Quê. Tổ-chức hai đêm đại-hợp-xướng tại Thảo-cầm-viên Sài-gòn và mộ tuần Triển-lãm hội-hoạ do nhiều hoạ-sĩ tên tuổi góp mặt, như Bé Ký, Hồ Thành Đức, Hiếu Đệ….tại Nhà Văn Hoá là trụ-sở Hạ-nghị-viện trước và kết-thúc bằng đêm trình-diễn hợp-ca âm-nhạc Việt-Nam.
- Cùng với Giám-mục Huỳnh văn Nghi, chính-thức cổ-động Phong-trào Đạo Binh Xanh, do Đại-tá Đỗ Sinh Tứ làm Giám-đốc.
- Chủ-trương tờ “Người Mới” bộ mới.
- Tháng 10 năm 1966, được Đức Tổng Giám-mục Nguyễn Văn Bình cho đi du-học bên Pháp bốn năm và được cho thêm hai năm để học về âm-nhạc.
- Năm 1972, về nước với văn-bằng Tiến-sĩ Đệ-tam-cấp Đại-học Sorbonne (Doctorat Troisième Cycle) và Chứng-chỉ tốt-nghiệp khoá đào-tạo ca-trưởng tại Học-viện Ba-lê (Conservatoire de Paris).
- Vừa về nước, lập ban Hợp-ca “Đẹp Bình Minh” và tổ-chức buổi trình-tấu hợp-ca Thánh-nhạc tại trường Taberd.
- Dạy tại Đại-học Huế và xin về làm mục-vụ cho một số gia-đình thương phế binh đang sinh sống tại khu trại chăn nuôi bỏ hoang ở quận Tân-bình mà sau được phép lập thành giáo-xứ Tân Dân. Linh-mục Phan Văn Lợi cho biết…Cha Hiệu và cha Quỳnh tôi đều quen biết, vì cha Quỳnh là thầy của tôi nhiều năm tại Đại chủng viện Xuân Bích - Huế. Còn cha Hiệu thì tôi có nghe ngài thuyết trình một lần cho các đại chủng sinh, vào năm 1973 và vẫn còn nhớ chuyện ngài kể về các giáo dân thương binh giáo xứ Tân Dân của ngài. …Về chuyện của ngài, tôi nghe khoảng năm 1980, nhưng không nhiều chi tiết như chị cho biết. Ai cũng cảm thương và cảm phục ngài như đối với cha Nguyễn Văn Vàng DCCT, cha Nguyễn Quang Minh, cha Trần Đình Thủ và mọi cha bị tù tội vì cộng sản sau 1954 và 1975.
- Tổ-chức khóa huấn-luyện đầu tiên về Phong-trào Cursillo Việt-Nam tại nhà Betania Chí-hoà và mở tiếp khoá huấn-luyện Cursillo nữ đầu tiên tại Long-khánh.
Mấy anh em gia-đình thiêng-liêng chúng tôi thường được ông bố đỡ đầu nhắc-nhở mục-đích khi làm việc là đặt ý-nghĩa vào kết-quả đem lại chứ không ở tên-tuổi mình có được tiếng vang hay không. Bản-thân tôi nhớ mãi lời ông hướng-dẫn…giả như một hoạ-sĩ kia có biệt-tài vẽ nhưng thiếu nhiệt-tình phục-vụ nghệ-thuật thì mình nên cố gắng tìm cách khích-lệ anh ta…hầu-hạ cũng được, như rửa cọ, pha sơn, căng vải lên khung, pha cà-phê…miễn sao anh hoạ-sĩ chịu cầm cọ vẽ những nét đầu để hy-vọng anh sẽ vẽ nên một tác-phẩm nghệ-thuật để cho đời. Dĩ nhiên mình không có một dấu nào ghi trên hoạ-phẩm đó, song Thiên Chúa đã nhìn thấy sự đóng góp của mình là đủ.
Vào đầu thập-niên 70, Giáo-hội Công-giáo tại Miền Nam như mùa hoa nở rộ với khá nhiều thành-phần linh-mục trí-thức. Linh-mục Trần Học Hiệu tuy vẫn thuỷ-chung với thiên-chức linh-mục và tâm-thức Việt-Nam, song từ nhận-thức thủ-đắc trong thời-gian du-học, ông cũng gợi cho anh em chúng tôi ý-thức về một số cần thay đổi trong nếp sống đạo cũ bằng phong-cách dấn-thân nhập-cuộc mới.
Sau ngày 30-4-1975, nhiều biến-cố dồn-dập xẩy đến cho Giáo-hội bên cạnh niềm đau của dân-tộc. Ủy-ban Quân-quản Thành-phố đã bắt đầu chiếu-cố đến nhiệm-vụ Phó Tổng-giám-mục thừa-kế của Đức cha Nguyễn Văn Thuận. Một số linh-mục và giáo-dân trí-thức hùng-hổ theo “cách mạng”, kéo nhau đi trục-xuất Đức Khâm-mạng Toà-thánh. Rồi họ viết tâm-thư 1, tâm-thư 2, tâm thư 3…gửi Ủy-ban Quân-quản, tố-cáo Giáo-hội không dung-nạp lý-thuyết cộng-sản, tố-cáo Đức cha Thuận là có dòng máu chống cộng vì là con cháu trong gia-đình Tổng-thống Ngô-đình Diệm và thêm một tội nữa là tôn-sùng Đức mẹ Fa-ti-ma mà Đức Mẹ Fa-ti-ma là Đức Mẹ chống cộng ...
Linh-mục Trần Học Hiệu khi ấy đang ở giáo-xứ thương-phế-binh trong trại chăn nuôi, trả lời ngay các thư này. Mỗi khi soạn xong thư trả lời, ông đạp xe đến giao cho tôi đánh “stencil” và dùng máy “ronéo” quay tay nhỏ của chúng tôi in ra nhiều bản, rồi đem đến các xứ để nhờ phổ-biến trong cộng-đoàn tín-hữu. Tôi nhớ rất kỹ hai người nhiệt-tình tiếp-nhận các thư trả lời và hăng-hái góp tay giúp là linh-mục Lã Quang Hiệu giáo-xứ Lộc-hưng và Đức cha Phạm Văn Nẫm khi còn là linh-mục, làm giám-học tại trường Thánh Mẫu ở Bà Chiểu.
Chính-quyền mới bắt đầu “rà từng đối tượng” linh-mục bằng các “nhãn” do họ dán cho để hoặc là kiếm cớ quản-thúc hay giới-hạn trong mục-vụ. Chẳng hạn, xuất-thân từ Trường Truyền-giáo Rô-ma, trong ban điều-hành và giảng dạy ở Giáo-hoàng Học-viện là di-sản tư-tưởng của Hội Thừa-sai Ba-lê, viết báo và ủng-hộ các đoàn-thể chống cộng…nghĩa là đủ cớ để loại trừ sau cái lý-do chính là linh-mục trí-thức Công-giáo. Linh-mục Trần Học Hiệu biết mình còn nhiều “tội” hơn nữa như gốc Bùi-chu chống cộng cực-đoan, là tuyên-uý Công-giáo, người điều-hợp chính của Phong-trào Đạo Binh Xanh…Đại-để như Nguyễn Ngọc Lan đã nói sống với xã-hội chủ-nghĩa, chúng ta mới hiểu “tội tổ tông” một cách thấm-thía hơn….
Một sáng sớm trong tháng 8, được tin ông bị bắt hụt, chúng tôi đến ngay giáo-xứ Tân Dân. Bà nấu bếp nhà ở ngang nhà xứ đã sang, đang ngồi khóc dưới bếp. Bà kể, sáng sớm công-an quân-quản đến bắt ông chủ-tịch Hội-đồng giáo-xứ. Cô con gái ông chủ-tịch đi lễ sớm, về gần đến nhà thấy lạ vội quay lại nhà thờ báo tin vừa kịp lúc cha Hiệu đang từ phòng áo bước ra nên ông không về nhà xứ, song không ai biết ông đi đâu. Tôi ra trước thềm nhìn thấy hai người đang ngồi câu cá trên bờ ao trước nhà xứ nên quay vào bàn với bà bếp cứ mở toang cửa phòng khách và xách giỏ đi chợ như mọi ngày, gọi mấy bà hàng xóm bảo họ thay nhau ra vào tự nhiên như không biết sự gì xẩy ra. Nhà tôi đem cuốc ra bụi chuối gần chỗ người câu cá ngồi, vừa đánh cây chuối con vừa khua náo khi nào cha về cô nói giúp con xin một cây về trồng. Hôm sau, bà bếp cũng sang mở cửa nhà xứ bình-thường, nhưng thay vì đi chợ thì xách giỏ đến nhà tôi, cho biết tối hôm qua, rất khuya cha mới về thu xếp giấy tờ, giao hết các chìa khóa cho bà và ra đi. Thật ra từ hai tháng trước, ông đã nói với chúng về một “chiến khu” và ông sẽ vào; song có lẽ sự việc đến mau nên ông chưa kịp sắp xếp.
Một buổi tối gần cuối năm 1975, cả khu phố bị cúp điện, chúng tôi có người khách ghé thăm. Vừa buớc vào nhà, ông yêu cầu đóng cửa lại và nói ngay một hơi …Tôi chỉ nói miệng vì cha Hiệu không muốn viết giấy hay thư. Cha đã vào đến nơi bình an và khoẻ. Cha không cần tiền bạc hay bất cứ gì khác. Nếu có ngay bây giờ thì gửi cho cha chiếc “radio transitor”. Cha dặn lúc nào đi Fa-ti-ma thăm hai cha Nguyễn Văn Lập và Trần Nguyên Khôi….Đó là lần cuối cùng tạm coi như tôi còn được liên-hệ với ông.
Tôi đến Fa-ti-ma gặp linh-mục Nguyễn Văn Lập, cựu Viện-trưởng Viện Đại-học Đà-lạt và linh-mục Trần Nguyên Khôi, như lời dặn. Nhờ vậy, được biết rõ hơn, linh-mục Trần Học Hiệu đã có người liên-lạc đón vào rừng an-toàn vào đầu tháng 9-1975. Còn thêm chi-tiết không ai ngờ là lúc từ phòng áo ra đi thì nguyên tuần đầu tiên ông vẫn ở khu trại chăn nuôi, trong ngôi chùa cũng mới xây trong thời-gian xây nhà thờ Tân Dân. Điều này đối với tôi không lạ vì ngay từ khi còn ở Phòng Giáo-vụ Nha Tuyên-úy Công-giáo, không biết duyên-do nào, ông và Hoà-thượng Thích Tâm Giác, Giám-đốc Nha Tuyên-uý Phật-giáo, có tương-quan giao-hảo nên thỉnh-thoảng tôi được giao việc đem bài viết của ông sang cho nguyệt-san Đại Từ Bi của Nha Tuyên-uý Phật-giáo, hay ngược lại sang nhận bài về cho nguyệt-san Tinh Thần. Còn khi làm mục-vụ ở giáo-xứ Tân Dân cũng thế, có buổi chiều hai vợ chồng tôi vào thăm, vừa gặp lúc ông lững-thững đi bộ về và mỉm cưới ý-nhị cho biết là sang thăm “sư cụ chùa Long-giáng”.
Đầu năm 1977, người dân tại nhiều quận Sài-gòn, đi họp tổ dân-phố đều được cảnh-giác không được liên-lạc hay chứa-chấp mà phải tố-cáo ngay các dư-đảng của “tên phản-động đội lốt thầy tu để chống phá cách-mạng Trần Học Hiệu”. Thời gian này ông bị giam ở Tổng Nha Cảnh-sát cũ, sau đó đem về Chí-hoà và vì ông bị bắt tại vùng Hố-nai nên đã bị đưa ra xét-xử trong một phiên toà công-khai tại huyện Thống-nhất, tỉnh Đồng-nai vào tháng 11-1978. Có thể vì muốn dằn-mặt công-luận nên chính-quyền huyện Thống-nhất gửi giấy mời Giám-mục Xuân-lộc và các linh-mục trong huyện Thống-nhất đi nghe xử. Đức giám-mục Nguyễn Văn Lãng sau này cho biết ông cũng rất muốn đến toà cho biết sự-thể, song nghĩ lại nên để cha Hiệu tự-nhiên ăn nói giữa toà. Những người có mặt trong phiên-xử này đã chúng-kiến thái-độ ung-dung tự-tại của linh-mục Trần Học Hiệu với những lý-luận giữa toà, nhất là khi nói về vụ án Galilée. Nhiều người thân, quen đã chép miệng trong toà …giáo-sư đại-học có khác, phải “minh minh-đức” như thế mới đúng nghĩa tâm-linh.
Linh-mục Trần Học Hiệu bị tuyên xử tử-hình. Một mục-sư cùng bị giam với ông, vì bị bệnh nặng sắp chết, được cho về nhà để chữa bệnh, đã đem theo lời cha Hiệu nhắn về là sẽ không viết đơn xin ân-xá.
Năm 1981, tôi được tin từ Tân-mai Biên-hoà nhắn lên gặp gấp. Rồi được một cậu nhỏ bán cà-rem dẫn đi tìm mộ cha Hiệu. Tôi được cho mượn chiếc xe đạp cùng ra đi. Vừa đạp xe, cậu nhỏ vừa kể vì ngày-ngày đạp xe đi bán rong, la-cà đến cả các khu trại bộ-đội sau phi-trường Biên-hoà. Một hôm đang đứng bán kem cho bộ-đội ở cổng trại thì có mấy chiếc xe công-an chạy qua. Họ bảo là xe đi xử bắn và rủ đi xem, từ đó mới biết bãi xử bắn ở phía trong sâu này, cho nên sau đó cứ gặp xe như thế là chạy theo xem. Đây là nơi ngày trước thuộc vùng phi-quân-sự, nên có một khu đất bị bom làm thành một hố trũng khá lớn, thấp hơn mặt đường đi bốn năm thước, đang được dùng làm bãi xử bắn và cứ lâu-lâu họ lại đem đến bắn mấy người rồi vùi luôn xác tại đây nên dân địa-phương ít dám lai-vãng. Cậu nhỏ nói đâu có biết cha Hiệu là ai, chỉ là lần đi xem xứ bắn đó, thấy có người vừa bị bịt mắt và tróí vào cột xong là hát rất to bài “Kinh Hoà-bình” nên đoán là ông cha mới về kể lại thôi.
Pháp-trường vẫn còn ba cái cột chôn sẵn với các mẩu giây trói bị cắt nát vương-vãi và chỉ có thể đếm được gần 30 nấm mộ bằng-phẳng như mặt đất, là nhờ các miếng gỗ tạp cắm làm bia khuất trong bãi cỏ cao đến đầu gối. Cậu bán cà rem lưu ý đi cẩn-thận vì đã có lần người bị bắn xong thì vùi ngay xuống, không có quan tài gì cả. Tôi chăm-chú lần từng tấm bia gỗ với sự hồi-hộp giữa hy-vọng và thất-vọng lẫn-lộn cả khi tìm được mộ hay không.
Cuối cùng chúng tôi thấy được mộ linh-mục Trần Học Hiệu, dù hơi khó tìm vì cọc gỗ bị gẫy, tấm bia gỗ rộng khoảng 50 cm rơi lẫn trong cỏ, song nhờ mặt ghi chi tiết bằng sơn đen lại úp sấp trên đất nên còn rõ nét. Tôi thấy lạ khi đọc hai chữ Khánh Hạ viết trước tên cha Hiệu trong hàng chữ đầu. Linh-mục Trần Ngọc Quỳnh xác-nhận Khánh Hạ là tên gọi của linh-mục Trần Học Hiệu lúc nhỏ.
Trên đường về, tôi ghé báo tin cho gia-đình ông Cự, một người em con dì ruột của cha Hiệu sống ở giáo-xứ Bùi-vĩnh. Rồi về lần-lượt đi xác-nhận với Đức Tổng-giám-mục Nguyễn Văn Bình, linh-mục Trần Văn Hiến Minh Đại-diện Bùi-chu, các Bề-trên dòng Mân-côi Chí-hoà, Trinh Vương Bùi-môn, linh-mục Trần Thái Hiệp Giám-đốc Đại-chủng-viện…Lễ phát-tang được cử-hành tại nhà nguyện Mai-khôi của Dòng Đa-minh chi Lyon. Linh-mục Phạm Long Tiên mở đầu Thánh-lễ với câu…trong Thánh-lễ hôm nay, xin cộng-đoàn đặc-biệt nhớ đến linh mục Gio-an Bao-ti-xi-ta Trần Học Hiệu, người đã nhận một cái chết đau thương….
Lợi-dụng thời-gian chính-quyền đang có chương-trình giải-toả các khu nghĩa trang, gia-đình ông Cự đứng xin cải-táng. Lá đơn cần sáu con dấu, năm con dấu thuộc các ban cấp xã, ấp…cứ thấy chữ “đơn xin cải táng” thì đóng dấu, nhưng lên tới Huyện Thống-nhất, là nơi đã thi-hành án thì chúng tôi ngại ba chữ Trần Học Hiệu không xong, cho nên phải dùng tiền cho xong. Thực ra, nếu không xin giấy thì cũng có thể được vì nơi đó hoang-vắng không ai để ý, song chỉ sợ có khi đang làm thì chính-quyền tỉnh Đồng-nai lại đem ngưòi đến bắn, sẽ phiền-phức.
Hôm cải-táng về đất-thánh xứ Bùi-vĩnh, linh-mục Mat-thêu Bùi Tiến San vốn trước là học trò của cha Hiệu ở chủng-viện, đã dành cho mọi sự dễ-dàng, song chỉ khuyên vì còn mới quá nên bia mộ để đơn giản là cố “Gio-an Bao-ti-xi-ta HIEU”. Tôi cũng liên-lạc được với gia-đình ông giáo Nhâm, ở gần Trảng-bom là nơi đã giúp linh-mục Trần Học Hiệu thời-gian trong rừng và cả nhà họ sau đó đều bị bắt, ông giáo suýt bị tử hình, bà giáo và cô con gái cũng đi tù ít năm. Thêm vài người nữa tôi được biết như linh-mục Đa-minh Trần Văn Nguyện, phó xứ Tân-mai bị 20 năm tù, chỉ vì liên-lạc về nhu-cầu phụng-vụ của một linh-mục như đem rượu và bánh lễ vào cho cha Hiệu; ông Trần Trọng Thi trước 1975 là nhân-viên hành-chính của trường Nguyễn Bá Tòng, đã bị bắt giam ở Chí-hoà vì lý-do “đồng bọn” của linh-mục Trần Học Hiệu, nhưng không đưa ra tòa, hỏi cung và điều-tra chán thì thả về.
Xin được trân-trọng cùng tưởng-niệm nơi đây.
Đang giữa bữa ăn trưa trong ngày bốc mộ linh-mục Trần Học Hiệu, ông Cự đem túi đựng các thứ còn gom được trong quan-tài như sách đọc thiêng-liêng, tràng hạt, bàn chải đánh răng, hai vòng dây trói ở cổ tay và đôi dép nhựa đã đứt quai hậu…cho mọi người xem. Khi vừa nhìn thấy đôi dép cao su, bà vợ ông giáo đánh rơi bát đũa xuống đất và ôm mặt khóc vì chính bà mua gửi vào trong rừng.
Năm 1985, một linh-mục - tạm nhớ tên là cha Nhung - ở Long-khánh, tìm đến nhà, giao cho tôi ba bản nhạc viết tay do chính ông ghi lại. Ông cho biết, cũng bị đi tù 20 năm vì lý-do tôn-giáo và bị biệt-giam cạnh phòng giam cha Hiệu. Hai người dùng cách gõ “morse” mà nhận ra nhau là linh-mục. Cha Hiệu đã viết ba bản nhạc… Ôi Giê-su, Tù vực thẳm hư vô và Tâm-ca Mai-đệ-liên…rồi cũng gõ “morse” “hát” cho ông nghe hàng ngày để góp ý, thêm lời và hai người cứ hát đi hát lại. Rồi cha Hiệu nhờ ông khi nào được về thì giao lại cho tôi, vì cha nói không còn nhớ được địa-chỉ nào nữa. Thấy vậy, cha Nhung cố gắng ghi từng chi-tiết về cả nhạc và lời vào đầu. Sau khi linh-mục Trần Học Hiệu bị đem đi xử bắn thì ngày nào cha Nhung cũng hát nhẩm trong đầu như một cách dâng lời cầu nguyện cho cha Hiệu. Khi được tha, ông vội-vã viết ngay xuống giấy để khỏi quên, chờ tìm cách liên-lạc với tôi.
Hai đoạn trích-dẫn ngay ở đầu bài viết này là hai phiên-khúc của bài hát Ôi Giê-su và Từ vực thẳm hư-vô mà khi Đức Tổng-giám-mục Ngô Quang Kiệt đọc xong đã chia sẻ….thật là hào hùng. Một trái tim lớn đau cái đau của cả dân tộc. Bài “Từ vực thẳm hư vô” rất tha thiết. Đúng tấm lòng bị vò xé của ngài… Một trái tim âm thầm với một tình yêu lớn lao.
Trước khi chấm hết bài viết về linh-mục Trần Học Hiệu với những gì còn lưu lại nơi cõi đời này, tôi không thể không tỏ-bày đôi dòng cảm-nghĩ của một người con thiêng-liêng trong tương-quan tâm-linh …Lại thêm một ngày giỗ của cha đến trong khi con vẫn chưa quen được với những cảm-nghĩ rằng cha đã thực sự khuất vắng hẳn trong cuộc đời này. Là linh-mục bên cạnh đời sống tâm-linh của tín-hữu nói chung và của đám anh em chúng con cách riêng, cha đã thể-hiện được những gì của vai trò chứng-nhân cần có. Để ngay lúc này con có thể thưa với cha rằng trong cuộc hành-trình của chúng con, đôi lúc con cũng cảm thấy hun-hút, vô-định và mịt-mờ; nhưng hình ảnh và lời nói của cha đã nói tiếp với con về một cái gì không phải là hư-vô vì con nghĩ cha vẫn tiếp-tục đi về hướng trước mặt trên cùng con đường ấy…
Nguồn sưu tầm Internet