Thành quả trong các lĩnh vực
hoạt động nhân đạo, nhân quyền và dân chủ
BPSOS
Trong năm 2017, BPSOS đã đạt nhiều thành quả trong nhiều lĩnh vực
hoạt động nhân đạo, nhân quyền và dân chủ. Dưới đây là báo cáo tổng kết.
Các hoạt động của BPSOS ở nội địa Hoa Kỳ và kết quả gây quỹ cho năm
2017 sẽ được tường trình trong các bản báo cáo khác.
Bảo vệ tị nạn
Trường hợp của chị Nguyễn Thị Tuyết Nga, mà cuộc đời là một chuỗi bất
hạnh kể từ ngày 30 tháng 4, 1975, đã tạo sự thương cảm của nhiều đồng
hương. Chị đã đạt ước nguyện tự do khi chuyến bay chở chị từ Thái Lan hạ
cánh xuống thành phố Houston vào tháng 11 vừa rồi.
Chị may mắn hơn nhiều người Việt đang xin tị nạn khác vì được Cao Uỷ
Tị Nạn LHQ cấp quy chế tị nạn và Hoa Kỳ nhận định cư một cách khá nhanh
chóng. Hiện có gần 2 nghìn đồng bào đang xin tị nạn ở Thái Lan và sống
trong tình cảnh rất bấp bênh, có thể bị cảnh sát Thái bắt giam bất cứ
lúc nào. Họ thuộc các cộng đồng tôn giáo và thiểu số bị bách hại, và các
thành phần tranh đấu nhân quyền và dân chủ…
BPSOS là tổ chức duy nhất chuyên về bảo vệ quyền tị nạn của số người
Việt xin tị nạn này, toán 4 luật sư và 3 nhân viên hỗ trợ pháp lý hoạt
động thường trực ở Bangkok. Trong năm 2017 toán luật sư của BPSOS đã lập
hồ sơ xin tị nạn cho 208 gia đình (tương đương trên 600 cá nhân) ở Thái
Lan, và 7 hồ sơ ở Indonesia (22 cá nhân). Đó là không kể hàng trăm hồ
sơ đã nộp từ những năm trước nhưng chưa có kết quả, và toán luật sư vẫn
tiếp tục theo dõi diễn tiến.
Song song, trong năm 2017 BPSOS cắt cử một nhân viên toàn thời để tạo
sinh kế cho 46 gia đình người Việt xin tị nạn ở Thái Lan, bằng cách
huấn luyện họ làm ra các mặt hàng thủ công và rồi giúp họ bán sản phẩm ở
các cửa tiệm ở địa phương hay qua các trang mạng. Đây là đề án thí
điểm, nếu thành công sẽ mở rộng ra thêm trong năm 2018.
Chào đón hai chị Nguyễn Thị Tuyết Nga và Thu Hương tại phi trường Houston, Texas (ảnh BPSOS)
Phát huy nhân quyền
Hoạt động bảo vệ nhân quyền của BPSOS có thể được minh hoạ bởi hồ sơ
của Mục Sư Nguyễn Công Chính và vợ là Bà Trần Thị Hồng. Cuối tháng 7 vừa
qua, Mục Sư Chính, với bản án tù 11 năm, được công an đưa thẳng từ nhà
tù ra phi trường để rồi cùng vợ con đến Hoa Kỳ định cư. Thành quả này
được giới truyền thông Việt ngữ đưa tin rộng rãi, nhưng không phải là
thành quả duy nhất của nỗ lực của BPSOS để bảo vệ các tù nhân lương tâm
và các người bảo vệ nhân quyền bị lâm nguy.
Trong năm 2017, bộ phận bảo vệ nhân quyền của BPSOS đã vận động được
$128,000 từ nhiều tổ chức quốc tế để trợ giúp cho 33 tù nhân lương tâm
và người hoạt động nhân quyền bị lâm nạn. Ngoài tài chính, các tổ chức
này còn hợp tác với BPSOS để can thiệp đòi tự do cho họ.
Đầu tháng 11, tại Diễn Đàn Người Dân ASEAN tổ chức ở Manila,
Philippines, BPSOS công bố danh sách 165 tù nhân lương tâm và phát động
chiến dịch NOW! để đòi tự do cho họ. Danh sách này đã được chia sẻ với
nhiều cơ quan LHQ, các cơ quan chính quyền Phương Tây và một số tổ chức
nhân quyền quốc tế. Mục tiêu của chiến dịch NOW! là làm sao để mọi tù
nhân lương tâm nhận được sự quan tâm và chú ý của quốc tế như trong
trường hợp của MS Chính.
Chào đón gia đình Mục Sư Nguyễn Công Chính và bà Trần Thị Hồng tại phi trường Los Angeles (ảnh BPSOS)
Tạo lực cho dân
Giáo Xứ Đông Yên là trường hợp điển hình về tạo nội lực cho một cộng
đồng đang phái đối phó với chính sách đàn áp của chính quyền địa phương.
Nằm sát cạnh nhà máy gang thép Formosa ở Hà Tĩnh, cộng đồng Công Giáo
toàn tòng này không chỉ bị ảnh hưởng nặng nề bởi vụ nhiễm độc môi sinh
mà còn phải đối đầu với chính sách cưỡng chế toàn bộ đất đai bởi chính
quyền Huyện Kỳ Anh.
Cuối năm 2016, BPSOS phát động “Chiến dịch Cứu Đông Yên” nhằm chặn
đứng các hành vi đàn áp, tạo sinh kế cho người dân và bảo vệ sự trường
tồn của xứ đạo này. Chiến dịch này đã nhận được sự hậu thuẫn của nhiều
cơ quan và tổ chức quốc tế, cũng như sự hưởng ứng của nhiều người Việt ở
hải ngoại. LHQ đã nhận được bản báo cáo vi phạm chi tiết, và 9 toà đại
sứ của các quốc gia Phương Tây ở Hà Nội đã tiếp xúc với đại diện của
giáo dân Đông Yên. Đề án trồng nấm thí điểm để tạo sinh kế thay cho ngư
nghiệp đã chết cũng đã bắt đầu đi vào sản xuất.
Giáo Xứ Đông Yên là một trong 20 cộng đồng tôn giáo và sắc tộc khác
nhau được bộ phận phát triển xã hội dân sự (XHDS) của BPSOS hỗ trợ.
Riêng trong năm 2017, 202 thành viên của các cộng đồng này đã học cách
báo cáo vi phạm nhân quyền theo tiêu chuẩn LHQ, và đã hoàn thành nhiều
bản báo cáo gửi LHQ và một số chính quyền Phương Tây. BPSOS cũng yểm trợ
và hướng dẫn cho 5 tổ chức xã hội dân sự chuyên về từng lĩnh vực nhân
quyền trong việc tạo nội lực và mở rộng quan hệ quốc tế.
Trong trường kỳ, BPSOS kết nối mỗi cộng đồng và tổ chức XHDS này với 1
“nhóm kết nghĩa” ở ngoài Việt Nam. Nhóm kết nghĩa này góp nguồn lực, kỹ
năng, kinh nghiệm và các mối quen biết sẵn có để cùng với cộng đồng hay
tổ chức XHDS ở trong nước thực thi kế hoạch tăng lực và tạo thế. Hiện
có 10 nhóm kết nghĩa với tổng số trên 100 thành viên. Trong năm 2017 họ
đã tự đóng góp và gây quỹ yểm trợ tổng cộng được 89,590 USD cho các cộng
đồng và tổ chức XHDS mà họ kết nghĩa. Ngoài ra, BPSOS đã giúp xin
32,000 USD qua hình thức cấp khoản từ một số tổ chức quốc tế, và gây quỹ
8,000 USD để trang bị máy vi tính và điện thoại thông minh.
Tạo sinh kế cho người dân giáo xứ Đông Yên (ảnh BPSOS)
Vận động quốc tế
Các sự kiện tiêu biểu được biết đến nhiều nhất trong hoạt động quốc
tế vận của BPSOS trong năm 2017 là danh sách đề nghị chế tài các giới
chức chính quyền Việt Nam theo Luật Magnitsky Toàn Cầu, buổi điều trần
về cái chết trong đồn công an của tín đồ Phật Giáo Hoà Hảo Nguyễn Hữu
Tấn, và phái đoàn hỗn hợp trong và ngoài nước tham gia Diễn Đàn Người
Dân ASEAN vào đầu tháng 11 ở Manila, Philippines.
Thực ra trong năm 2017, BPSOS đã tổ chức nhiều cuộc họp ở thủ đô Hoa
Kỳ với Bộ Ngoại Giao, Uỷ Hội Hoa Kỳ về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế, và các
văn phòng Quốc Hội cho nhiều phái đoàn đại diện tôn giáo, cộng đồng sắc
dân bản địa, người tranh đấu nhân quyền, cựu tù nhân lương tâm…
Cuối tháng 6, BPSOS tổ chức Ngày Vận Động Cho Việt Nam lần 7 tại Quốc
Hội Hoa Kỳ, với khoảng 200 người tham gia. Đầu tháng 11, BPSOS đồng tổ
chức Hội Nghị Tự Do Tôn Giáo hay Niềm Tin Đông Nam Á lần 3, ở Manila,
Philippines; gần 50 người Việt tham gia; 1/3 đến từ trong nước và 2/3 là
thành viên của các “nhóm kết nghĩa” ở hải ngoại.
Quang cảnh tại buổi họp khoáng đại của cuộc vận động Quốc Hội năm 2017 (ảnh BPSOS)
Đòi bồi thường tài sản
Được công bố vào tháng 8 năm ngoái, Chương Trình Đòi Tài Sản nối kết
nhân quyền của đồng bào ở trong nước với dân quyền của người Mỹ gốc Việt
mà chính quyền Hoa Kỳ có trách nhiệm bảo vệ. Giáo Xứ Cồn Dầu là trường
hợp điển hình. Khi chính quyền Đà Nẵng cưỡng chế đất của giáo dân Cồn
Dầu thì họ cũng đã xâm phạm lợi ích của nhiều công dân Hoa Kỳ tuy đã rời
quê hương từ lâu nhưng còn giữ quyền sở hữu tài sản trong giáo xứ. Năm
2010 BPSOS đã dùng số hồ sơ của các công dân Hoa Kỳ này để chặn đứng kế
hoạch của chính quyền Đà Nẵng nhằm chiếm nốt đất Cồn Dầu bằng bạo lực.
Chương Trình Đòi Tài Sản được ngày càng đông người tham gia. Đến cuối
năm 2017, chúng tôi đã thu thập tương đối đủ hồ sơ để xác minh rằng chế
độ cộng sản ở Việt Nam đã chiếm đoạt tài sản của công dân Hoa Kỳ sau
khi họ đã là công dân Hoa Kỳ. Đến nay đã có trên 300 cử tri gốc Việt ở
24 tiểu bang tham gia Chương Trình Đòi Tài Sản. Tài sản của họ nằm rải
khắp Việt Nam, từ Lao Cai đến Kiên Giang. Chúng tôi tiếp tục thu thập hồ
sơ để vận động sự ủng hộ và can thiệp của từng vị dân biểu và thượng
nghị sĩ Hoa Kỳ.
Mỗi người Mỹ gốc Việt tranh đấu đòi bồi thường cho chính cá nhân hay
gia đình mình, thì vô hình trung cũng góp phần phát huy nhân quyền cho
đồng bào ở trong nước, khi chế độ thấy rằng họ phải trả giá ở Hoa Kỳ cho
các hành vi vô lối ở trong nước.
Phái đoàn cử tri Mỹ gốc Việt trình bày tình trạng cướp tài sản của CSVN với đại diện của TNS Ted Cruz - TX (ảnh BPSOS)
Chương trình hoạt động năm 2018
Các hoạt động quốc tế của BPSOS đều phục vụ kế hoạch 10 năm dân chủ
hoá Việt Nam mà BPSOS khởi xướng năm 2012 và dự kiến sẽ hoàn tất năm
2021. Trong năm 2018, BPSOS sẽ tập trung vào các trọng tâm sau:
(1) Bảo vệ số gần 2 nghìn đồng bào đang xin tị nạn ở Thái Lan và
một số quốc gia trong vùng, tạo sinh kế cho các gia đình, và tạo điều
kiện cho những ai muốn tiếp tục hoạt động nhân quyền, tự do tôn giáo, xã
hội dân sự.
(2) Triển khai chương trình hỗ trợ và can thiệp toàn diện và dài lâu cho tất cả tù nhân lương tâm.
(3) Phát huy nội lực cho gấp đôi số cộng đồng tôn giáo/bản địa và
tổ chức XHDS ở trong nước so với năm 2017, và lan truyền công thức “nhóm
kết nghĩa” ở hải ngoại.
(4) Tăng cơ hội cho người dân trong nước tham gia và lên tiếng tại các diễn đàn khu vực và quốc tế.
(5) Vận động chính quyền Hoa Kỳ mở chương trình đòi bồi thường tài sản cho công dân Hoa Kỳ gốc Việt.
(6) Lập “Quỹ Công Lý” nhằm vận dụng nền tư pháp Hoa Kỳ để trừng phạt các thủ phạm vi phạm nhân quyền.
(7) Mở trung tâm nghiên cứu để biên soạn các phương án cho một
Việt Nam dân chủ, phú cường và độc lập khi tiến trình dân chủ hoá bắt
đầu.
Mỗi nỗ lực kể trên đều là một đề án với quy mô lớn, đòi hỏi nhiều
công sức, nguồn lực và kinh nghiệm. Dù vậy, chúng tôi quyết thực hiện
song song cả 7 nỗ lực này vì đó là những việc phải làm để đưa đồng bào
đến tự do, đưa đất nước đến dân chủ và gìn giữ nền độc lập cho xứ sở
trước khi quá trễ.
Phái đoàn BPSOS tham dự vào diễn dàn XHDS ASEAN và diễn đàn người dân ASEAN (ảnh BPSOS)
Các thành tựu của năm 2017 có được là nhờ tình yêu thương và lòng tin
tưởng của hàng nghìn người ủng hộ tài chính; sự tiếp tay của nhiều trăm
tình nguyện viên ở Hoa Kỳ, Canada, Pháp, Đức, Anh, Thái Lan, Việt Nam
và nhiều quốc gia khác nữa; và sự hậu thuẫn cũng như hợp tác của nhiều
chục tổ chức thân hữu. Bên cạnh đó không thể không nhắc đến sự tận tuỵ
của toán BPSOS 16 người hoạt động toàn thời ở Thái Lan và nhiều nhân
viên và tình nguyện viên của các văn phòng BPSOS ở Hoa Kỳ.
Chúng tôi xin ghi nhận và chân thành cảm ơn và mong tiếp tục được đón
nhận sự thương yêu, tin tưởng, yểm trợ và hợp tác của quý đồng hương ở
hải ngoại và đồng bào ở trong nước trong năm 2018.
Các trang mạng của BPSOS:
Trang chủ: https://www.bpsos.org/
Trang tin tức: http://machsongmedia.com
Chương trình bảo vệ người xin tị nạn: https://capthailand.org/
Chương trình tạo sinh kế cho các gia đình tị nạn: https://www.chamaliin.com/
Chương trình phát huy xã hội dân sự: http://dvov.org
Chiến dịch bảo vệ tù nhân lương tâm: https://www.vietnampocs.com/
Chương Trình Đòi Tài Sản: http://doitaisan.org/