“Chân phước
Anrê Phú Yên
Một Người trẻ Chứng nhân”
Thượng Hội đồng Giám mục Khoá thường lệ thứ 15 có một trang web riêng, giúp mọi người quan tâm, đặc biệt các bạn trẻ, có thể cập nhật thông tin về Thượng Hội đồng, tại địa chỉ: http://www.synod2018.va.
Các ngôn ngữ
được lưu hành trên trang web này gồm:
Ý, Anh, Pháp, Tây Ban Nha và Đức.
Đặc biệt, trang
web có mục “Người trẻ Chứng nhân”. Trong
số 11 vị đã được giới thiệu, có thánh Têrêsa Lisieux (Têrêsa Hài đồng Giêsu);
thánh Kateri Tekakwitha, Bông huệ của dân Mohawk; Chân phước Anrê Phú Yên, Việt
Nam…
Sau đây là bài viết về Chân
phước Anrê Phú Yên trong mục “Người trẻ Chứng nhân” trên trang web chính thức của Thượng Hội đồng Giám mục Khoá Thường lệ 15.
*
Chân phước Anrê
Phú Yên là người có thể trạng yếu, nhưng tư chất thông minh và tính tình nhân hậu.
Mẹ ngài là một quả phụ, đã xin cha Đắc Lộ, một giáo sĩ Dòng Tên và là nhà truyền
giáo lừng lẫy, nhận ngài làm môn sinh. Năm 1641, lúc 16 tuổi, ngài cùng mẹ lãnh
nhận phép Rửa. Từ ngày ấy, ngài quyết đi sâu vào đời sống thiêng liêng. Ngài trở
thành một trong số cộng sự viên đắc lực của cha Đắc Lộ, và một năm sau, 1642,
ngài được nhận vào Hội Thầy giảng do Cha Đắc Lộ thành lập, gọi là “Nhà Đức Chúa
Trời”. Theo yêu cầu của Hội, ngài đã tuyên khấn dâng mình phục vụ Giáo hội và
loan báo Tin Mừng.
Tháng Bảy 1644,
quan Nghè Bộ từ kinh đô trở về, được biết có nhiều người Đàng Trong theo đạo,
đã ra lệnh cấm giảng đạo trong vùng thuộc quyền ông (Đàng Trong cũng thuộc
vương quốc Đại Nam). Các Kitô hữu phải chịu trăm bề khốn khó. Quan truyền cho cha
Đắc Lộ phải ngưng việc dạy đạo và buộc ngài phải quay về Ma Cao (nhượng địa của
Trung Hoa thuộc quyền Bồ Đào Nha). Trước hết quan ra tay bắt bớ các thầy giảng.
Ông ta truyền lệnh cho quân lính đến nhà cha Đắc Lộ, rồi bắt thầy Anrê, vì
không bắt được một thầy khác như đã định. Quân lính lấy gậy gộc đánh ngài, trói
lại rồi giải xuống thuyền đưa về dinh quan.
Thầy Anrê bị giải đến trước mặt
quan vào chiều ngày 25 tháng Bảy 1644. Quan tổng trấn cố ép ngài từ bỏ sự “mê
muội” và chối bỏ đức Tin. Thầy Anrê đáp lại ngài sẵn sàng chịu mọi khổ hình, chứ
không chối bỏ đức Tin. Ngài nói, chịu mọi đau đớn, kể cả cái chết, vì đức Tin,
là một niềm vinh dự. Ngày 26 tháng Bảy, khoảng 5 giờ chiều, người ta đưa ngài đến
nơi chịu khổ hình. Dọc đường, ngài khuyên nhủ các tín hữu hãy giữ vững đức Tin,
xin mọi người hãy nâng đỡ ngài bằng lời cầu nguyện và đừng đau buồn vì ngài phải
chết. Ngài lặp đi lặp lại: “Hãy lấy tình yêu đáp lại tình yêu của Thiên Chúa chúng
ta, hãy lấy sự sống báo đền sự sống”. Cha Đắc Lộ kể lại, theo thói quen, người
ta đặt một chiếc chiếu nhỏ để ngài quỳ, nhưng ngài muốn máu mình đổ xuống đất
như Chúa Kitô đã làm. Lính lấy giáo đâm ngài nhiều nhát xuyên qua cạnh sườn
trái, rồi lấy mã tấu chém đầu ngài, ngài kêu lớn: “Lạy Chúa Giêsu”.
“Hơn 350 năm nay,
các tín hữu Công giáo Việt Nam không bao giờ quên vị chứng nhân Tin Mừng, vị tử
đạo tiên khởi của đất nước mình” (Thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II). Xin Chân
phước Anrê giúp các giáo lý viên có được “lòng quả cảm” trở thành chứng nhân đức
Tin qua đời sống tận hiến cho Đức Kitô và anh chị em mình.
Thành Thi chuyển ngữ