VIỆT NAM: NHỮNG NGƯỜI NÔNG DÂN ĐỨNG LÊN GIỮ ĐẤT


Thụy My

Mong muốn tăng trưởng, Việt Nam dựa vào đà tiến của kỹ nghệ với việc sử dụng nhiều nhân công và phát triển địa ốc, nhưng không quan tâm mấy đến hậu quả cho môi trường và đất nông nghiệp. Điều này gây phẫn nộ cho giới nông dân.


Cưỡng Chế Đất : Nguồn Gốc Gây Căng Thẳng Trong Xã Hội Việt Nam

Tác giả Pierre Daum trên Le Monde Diplomatique dẫn ra một trường hợp độc đáo tại làng Đồng Tâm ở ngoại ô Hà Nội hồi tháng 4/2017. Hàng trăm người dân biểu tình từ nhiều tháng chống lại việc lấy đất cho một dự án địa ốc. Họ đã dám bắt giữ 38 cảnh sát cơ động được điều đến để cưỡng chế. Thay vì dùng đến vũ lực, chính quyền Việt Nam đã gởi chủ tịch Ủy ban Nhân dân Hà Nội Nguyễn Đức Chung đến thương lượng với những người bắt con tin. Cuối cùng dân làng đã thả các « tù nhân », đổi lấy lời hứa bồi thường thỏa đáng.

Đây không phải là trường hợp duy nhất. Tại Nam Ô ở miền trung vốn nổi tiếng về nước mắm, nhiều gia đình hiện đang từ chối rời bỏ nhà cửa để nhường chỗ cho dự án xây dựng một khu du lịch rất lớn. Khu vực này nuốt trọn diện tích bờ biển, khiến ngư dân không thể ra biển đánh cá cơm, nguyên liệu thiết yếu để làm món nước chấm truyền thống.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh tức Saigon, thủ đô kinh tế của Việt Nam, vùng đất còn xanh cây duy nhất còn tồn tại là Thủ Thiêm, từ 20 năm qua vẫn chống chọi lại nạn bê-tông hóa. Một nhóm nông dân kiên trì liên tục thưa kiện chống lại lệnh trục xuất, vì các thủ tục không được tiến hành theo đúng quy định. Mà thật ra các vụ cưỡng chế tùy tiện diễn ra rất nhiều, do lợi dụng Luật Đất đai.

Những vụ phản kháng chống tịch thu đất nông nghiệp để làm dự án công nghiệp, du lịch hay địa ốc xảy ra như cơm bữa. Theo hai nhà nghiên cứu Marie Gibert và Juliette Segard, đây là « nguồn gốc chủ yếu gây ra căng thẳng xã hội trong một Việt Nam đương đại ». Đây cũng là dạng thức phản kháng chính trị duy nhất mà người dân có thể tiến hành được, trong một đất nước do đảng Cộng Sản cai trị.

Chỉ Là Phần Nổi Của Tảng Băng…

Báo chí dù bị kiểm soát chặt chẽ cũng đã phản ánh phần nào phong trào chống tịch thu đất, nhất là khi một quan chức đảng đến nơi để thương thảo với người dân. Những thông tin liên quan xuất hiện hàng ngày trên Facebook, vốn có đến 30 triệu người Việt đăng ký sử dụng trên 95 triệu dân. Một nhà báo của đài truyền hình nhà nước VTV nói : « Đó chỉ là một phần của thực tế, nhiều trường hợp người nông dân chống đối không được ai biết đến ». Theo nhà báo này, đó là vì đi điều tra khá nguy hiểm. Nhiều người cảnh báo : « Đừng đến làng đó, rất căng thẳng, sẽ bị công an bắt ». Trái lại người dân có khi từ chối tiếp xúc với phóng viên.

Chủ đề này lại càng nhạy cảm hơn khi việc cưỡng chế đất đi ngược lại với những tuyên bố cộng sản chủ nghĩa. Danielle Labbé, nhà nghiên cứu về đô thị hóa ở đại học Montréal vốn làm việc từ 15 năm qua về đề tài này tỏ ý tiếc là không thể có được số liệu cụ thể, cho rằng chính quyền không muốn cung cấp.

Tịch thu đất nông nghiệp trở thành vấn đề quan trọng tại Việt Nam do là trung tâm của phương thức phát triển mà đất nước này đã chọn lựa cách đây 30 năm. Hồi năm 1986, tin vào sự thất bại của kinh tế tập trung theo kiểu xô-viết – được áp dụng ở miền Bắc trong thập niên 50 và tại miền Nam sau khi thống nhất đất nước năm 1976 – các nhà lãnh đạo đã đưa ra chính sách Đổi Mới. Những hợp tác xã nông nghiệp dần dà biến mất, doanh nghiệp công phải làm ra lợi nhuận, cho phép thành lập công ty tư nhân và mở cửa cho đầu tư nước ngoài.

Trước nhu cầu khẩn thiết về thực phẩm, các nông trang được giải tán và đất được chia cho nông dân. Kinh tế gia Trần Ngọc Bích từng làm việc cho CNRS cho biết, tác động tích cực lập tức thấy ngay. « Chỉ trong vòng ba năm, nạn khan hiếm lương thực không còn nữa, lượng gạo sản xuất ra nhiều hơn nhu cầu tiêu thụ ». Tuy nhiên việc mở cửa cho kinh tế thị trường không đi kèm theo việc xét lại một số nguyên tắc, như « sở hữu toàn dân » về đất đai. Thế nên chính quyền có thể « thu hồi » đất một cách dễ dàng.

« Sở Hữu Toàn Dân »: Chủ Đất Chỉ Được Quyền Sử Dụng

Cho dù là sở hữu chủ, người nông dân chỉ có được quyền sử dụng cho mục đích nông nghiệp (và chỉ nông nghiệp mà thôi), được ghi trong « sổ đỏ ». Họ có thể bán lại quyền sử dụng, và con cái được thừa kế. Tuy nhiên Nhà nước giữ độc quyền việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, từ đất nông nghiệp sang công nghiệp hay địa ốc. Dù có thủ tục tham vấn, luật giao cho các quan chức cao cấp quyền thông qua dự án.

Sau khi mở cửa, việc Mỹ bỏ cấm vận năm 1994 và gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2007, Việt Nam từ một nền nông nghiệp tự cung tự cấp đã chuyển thành kinh tế công nông nghiệp. Theo ông Vũ Đình Tôn, đại học Nông Nghiệp Hà Nội, nếu năm 1995 nông nghiệp chiếm 80% dân số hoạt động, thì ngày nay chỉ còn 40%. Năm 1988, nông nghiệp chiếm 46% GDB, đến 2017 chỉ còn 15%.

Các nhà lãnh đạo Việt Nam chủ trương « hiện đại hóa », « phát triển ». Nhưng hai phần ba diện tích đất đai là đồi núi, những vùng đất có thể « hiện đại hóa » rất đông dân và được dùng để trồng trọt. Chính quyền bèn chuyển những vùng đất nông nghiệp rộng lớn thành khu đô thị (ở ngoại ô các thành phố), khu công nghiệp (xung quanh thành phố hay trục đường lớn), hoặc khu du lịch (dọc theo 3.000 km bờ biển), bất chấp cuộc sống của hàng triệu gia đình.

Từ 20 năm qua, Luật Đất đai cho phép giao đất cho doanh nghiệp, đổi lại nhà kinh doanh phải cam kết tạo việc làm cho những người nông dân mất đất, xây dựng cơ sở hạ tầng.

Đầu Cơ Đất, Hậu Quả Của Chính Sách Địa Ốc

Nhà kinh tế Nguyễn Văn Phú của CNRS cho rằng trên giấy tờ, chính sách này có thể chấp nhận được. Le Monde Diplomatique dẫn ra trường hợp một nông dân ở Viêm Đông, Đà Nẵng – một bãi biển ngày nay đã bị bê-tông hóa với những cái tên khách sạn quốc tế : Four Seasons, Hyatt, Pullman, Sheraton…Người này hài lòng khi được giữ lại hai sào đất, khi bán đi đã xây được nhà mới, một người con được vào làm việc ở hãng giày Rieker.

Xung quanh làng, cứ mỗi 100 mét lại thấy một tấm bảng rao bán đất xây biệt thự. Người bán không thể trả lời câu hỏi chừng nào bắt đầu xây dựng, nhưng cho biết đa số người mua để bán lại kiếm lời.

Nạn đầu cơ chính là hệ quả của chính sách tất cả cho xây dựng. Đất hiếm hoi, nên các nhà đầu tư nhanh chóng hiểu rằng chỉ nên thực hiện một phần dự án được cấp phép hoặc không làm gì cả, rồi chia nhỏ đất ra bán lại.

Bà Nhung, một nông dân ở làng Dương Nội, ngoại thành Hà Nội giận dữ cho biết chính quyền chỉ bồi thường với giá rất rẻ, và sau khi chuyển đổi mục đích sử dụng, đất có giá cao gấp 100 lần ! Từ tám năm qua, dân làng liên tục phản đối dự án xây dựng khu biệt thự sang trọng. Một bệnh viện và trường học cũng được dự kiến, trên lý thuyết.

Những Chữ Ký Hái Ra Tiền

Từ chối nhận tiền đền bù, kiện ra tòa, kiến nghị, tuần hành ở trung tâm thành phố, biểu tình ngồi trước trụ sở ủy ban, tập hợp lại ngăn các xe ủi đất, thông tin trên Facebook : người dân Dương Nội đã làm tất cả để cất lên tiếng nói. Các video trên internet cho thấy hàng trăm công an ập vào đánh đập dân làng, một chiếc xe ủi lao vào đám đông khiến một người biểu tình bị bất tỉnh phải nhập viện.

Cha của bà Nhung đã trên 60 tuổi, cựu chiến binh trong chiến tranh chống Trung Quốc năm 1979, bị bỏ tù 18 tháng nhận định : « Hồi còn trẻ, việc cầm súng chống ngoại xâm, bảo vệ tổ quốc là điều tự nhiên. Nhưng nay thật khủng khiếp là tôi phải chống lại đất nước mình, vì chính quyền thối nát từ bên trong ».

Tất cả những người mà nhà báo Pháp gặp được, từ nông dân, giáo sư đại học cho đến nhân viên bình thường đều khẳng định nạn tham nhũng lan tràn cùng với xu hướng đô thị hóa quá trớn. Các quan chức cao cấp chỉ cần một chữ ký, một con dấu đã có được rất nhiều tiền. Nhà nghiên cứu Kimberly Kay Hoang, đại học Chicago thu thập được khoảng 100 lời chứng. Các doanh nghiệp được giao đất phải biết « gõ đúng cửa ».

Bị mất đất, người nông dân còn phẫn nộ vì bản thân và con cái không có được việc làm như đã hứa. Ông Đào Thế Anh, Viện Nông Nghiệp Việt Nam nhận định dù sao đi nữa, kỹ nghệ Việt Nam còn yếu, khó thể hấp thu được tất cả những người nông dân thất nghiệp.

Tham Nhũng Lan Tràn, Ô Nhiễm Khắp Nơi

Một vấn nạn nữa là ô nhiễm. Tại khu du lịch Sầm Sơn, ngư dân từ lâu vẫn đấu tranh để giữ lại 300 mét chiều dài bờ biển để neo thuyền, trong khi tập đoàn FLC chuẩn bị xây một phức hợp du lịch nhìn ra biển với khách sạn 5 sao, biệt thự, sân gôn. Công trình này đã đi vào hoạt động từ hai năm qua, « nhưng chúng tôi tiếp tục biểu tình trước ủy ban vì họ cho đường cống xả ra biển » - một nhóm ngư dân mà nhà báo Pháp gặp trên bãi biển cho biết.« Ngày nay cá ít hơn, và con nào còn sống cũng nhiễm độc ».

Nếu trong hợp đồng, doanh nghiệp cam kết tôn trọng môi trường, thì thực tế để có giấy chứng nhận chỉ cần đưa bao thư cho thanh tra hoặc tặng túi xách Hermès cho vợ sếp – như một trong những nhân chứng nói với Kimberly Kay Hoang. Năm 2016 xảy ra nạn cá chết hàng loạt tại bờ biển miền Trung do nhà máy Formosa của Đài Loan xả thải thẳng ra biển, dẫn đến những cuộc biểu tình quy mô trên cả nước.

Bà Liên, một giảng viên đại học về hưu khẳng định : « Người ta nói nhiều lãnh đạo địa phương đã nhận hối lộ. Nhưng tệ hại nhất là sự xâm lăng của Trung Quốc! Phía sau những công ty lớn Việt Nam là tiền từ Trung Quốc. Họ mua hẳn nhiều đoạn bãi biển của chúng tôi, vốn là những địa điểm chiến lược về quốc phòng. Và nếu chính quyền chẳng nói gì cả, đó là do đã nhận được những phong bì dày cộp ». Những lời đồn đãi như thế hiện diện đầy trên mạng xã hội và trong những cuộc nói chuyện riêng tư.

Hậu quả của đô thị hóa bừa bãi, tham nhũng lan tràn, không chỉ là các cuộc nổi dậy của nông dân hay nỗi lo bị Trung Quốc xâm lược từ nhiều đời nay. Nhà địa lý học chuyên về Việt Nam Sylvie Fachette thuộc Viện Nghiên cứu Phát triển nhắc nhở : « Toàn bộ lãnh thổ Việt Nam đều rất sát mực nước biển. Sông Hồng ở Hà Nội nhiều khi tràn bờ. Việc bê-tông hóa mặt đất nhất thiết phải gắn liền với nỗ lực to lớn về thoát nước, nhưng hoàn toàn không có. Một đợt gió mùa tạo thành mưa lớn cũng đủ gây ra thảm họa ».

Theo tổ chức phi chính phủ Germanwatch, Việt Nam hiện đứng thứ năm trong danh sách các nước dễ bị ảnh hưởng nhất do biến đổi khí hậu.

Nông Dân Luôn Thiệt Thòi Khi Đấu Tranh Giành Lại Đất

Trước sự bất bình của những người nông dân mất đất, chính quyền thường bắt đầu bằng việc thương thảo. Các quan chức cấp trung cố giải thích cho họ là nhân dân cần thông cảm, phải hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Tuy hiếm khi thuyết phục được người biểu tình, chính quyền vẫn có thể trông cậy vào giai cấp trung lưu đang tăng lên : từ 13% dân số, trong năm năm tới sẽ là 20%.

Một trong những dự án gây ấn tượng nhất là Ecopark, khu dân cư sang trọng mới được xây lên sau nhiều năm kháng cự bất thành của nông dân. Một phụ nữ trẻ giàu có, chủ một chuỗi cửa hàng hoa, có ngôi nhà vườn 190 mét vuông ở Ecopark thổ lộ, có một hôm người giúp việc tiết lộ là ngôi biệt thự này được xây lên ngay chỗ nông trại mà bà đã bị cưỡng chế. Cô chủ trẻ có hơi xấu hổ, nhưng một chủ nhà khác lại cho rằng người nông dân phải chấp nhận thiệt thòi để phát triển.

Việt Nam được phương Tây trầm trồ vì tỉ lệ tăng trưởng từ 20 năm qua vẫn là 6 đến 7%. Nhưng việc tịch thu đất vẫn không ngừng lại, giúp quan chức địa phương chóng giàu, và trút vào thị trường lao động hàng trăm ngàn thanh niên nông dân trẻ.

Dù phong trào phản kháng lan rộng, nhưng nông dân thường thua cuộc, và trong trường hợp khả quan nhất chỉ có thể làm chậm lại dự án. Nổi lên rải rác khắp nước, nhưng không có quyền tổ chức phong trào một cách hợp pháp, họ không thể đối phó với chính quyền. Báo chí luôn bị kiểm soát chặt chẽ, chỉ còn Facebook để đoàn kết những tiếng nói. Nhưng từ ngày 01/01/2019, Luật An ninh mạng buộc các trang web trong vòng 24 giờ phải xóa tất cả những lời bình « đe dọa đến an ninh quốc gia ».

Thụy My
Hình : Một chỉ huy cảnh sát cảm ơn dân làng Đồng Tâm đã thả các con tin ngày 22/04/2017.
Nguồn: thuymyrfi.blogspot.com/2019/01/viet-nam-nhung-nguoi-nong-dan-ung-len