Nguyễn Quang
Truyện Biển Đỏ Việt Nam, ghi lại cuộc hành trình của một người tù đi tìm lại những quyền cơ bản của người dân Việt dưới chế độ Cộng sản. Biển Đỏ nói lên cuộc hành trình của một dân tộc như dân Do Thái thuở xưa có Moise dẫn đường, còn nay dân tộc Việt Nam chẳng những không có cái que nào đưa đường mà nếu có đó chỉ là thứ học thuyết lỗi thời, khiến người dân Việt rơi vào cảnh lầm than khôn cùng, cả nước là một nhà tù…Trong sự bạo tàn mà mỗi sự khởi đầu tiến đến các quyền cơ bản thường đều là kết thúc: Cái chết luôn sẵn sàng ụp tới với những nhà đấu tranh cho nhân quyền cũng như những ai muốn tìm lại quyền sống cho chính mình cùng tha nhân vốn sinh ra làm người khả dĩ có được. Nó không phải từ một thế giới xa lạ, một thiên đường huyền bí, nhưng hiện hữu tại thế với thân phận con người. Nó bị tước đi vì lòng tham, vì đố kỵ, tỵ hiềm…
Cuộc hành trình của những nhà đấu tranh cho nhân quyền tưởng chừng khởi đi trong hy vọng sẽ tốt hơn giữa Nhà nước với các công dân, giữa con người với con người. Thế nhưng hầu hết Họ đều rơi tõm vào vực sâu mà cả dân tộc với mỗi gia đình dưới chế độ bạo tàn Cộng sản đều có người thân ở tù, các nhà đấu tranh cho nhân quyền cũng vừa là nhân chứng nơi đang diễn ra thứ Địa Ngục Có Thật, Địa Ngục Vô Gián… Thiện Nam tên nhân vật chính trong tác phẩm, ngay cả lời nói cuối cùng trước toà Cộng sản cũng đánh đổi bằng những lời nói tha thiết đòi hỏi nhân quyền… Từ thực tế đời tù tác giả trải qua bao trại giam khắc nghiệt của thứ địa ngục trần thế này, tất cả được ghi lại như một nhân chứng của sự thật với những suy tư thần học và triết học, nhất là các tôn giáo tại Việt Nam.
**
Những nẻo đường đến với Biển Đỏ Việt Nam.
Câu chuyện triết học –The story of philosophy, của Ông Bà Will Durant khi giới thiệu vế Emmanuel Kant có viết: muốn trở thành triết gia phải là một Kant tử. Với một nhà văn cũng vậy, không phải thấy gì rồi vội viết ngay, song phải quan sát kiểm nghiệm để từ những hiểu biết thường nghiệm đến những giá trị phổ quát mới viết ra.
Biển Đỏ dễ đọc và rất thú vị vì bên kia núi hãy còn nhiều núi, tác phẩm không chỉ đơn thuần là những sự kiện được ghi chép lại như chuyện kể về ‘con người ăn cỏ, uống nước mương rãnh’, nằm trong nhà kỷ luật ‘vừa ăn vừa đi cầu trong một cái bát…’, nhai hết chăn màn và nhai hoài thấy ngọt. Nhưng quả là hình ảnh của một chế độ bạo tàn hiện lên bên sau những ngôn từ đó. Không phải những gì nhà văn viết để cho chúng ta xem, nhưng chính những gì được mời gọi chúng ta cùng phán đoán, quyết định hành trình, dấn thân và hy vọng. Từ địa ngục để thấy lại thiên đường đã mất, đó là hạnh phúc gia đình, những giá trị của bao chân lý cổ xưa, tiện nghi của nền văn minh hiện đại… mà bỗng chốc trong cơn nổi loạn đã phá tan mọi thứ và nhân loại sẽ còn sai lầm và nhầm lẫn nữa trong cái giả của thứ phê bình lý trí thuần tuý dẫn đến hệ lụy hiểu lầm nên sử dụng nhầm trên bình diện lý trí thực hành. Chủ nghĩa Mác là học thuyết phê phán sự vong thân của tư bản, nhưng dẫn đến bao nguỵ tín, tha hoá… mà nhân loại trong đó có Việt Nam lãnh hậu quả.
Mở đầu tác phẩm với chương một ‘Về đâu’, nếu đọc thoáng qua chỉ là hình ảnh nhơ nhớp mất vệ sinh trong nhà kỷ luật, nhưng đi sâu hơn đó là một đoạn văn viết lại Sách Sáng Thế Ký từ Thiên Chúa dựng nên Trời và Đất trong bảy ngày đêm và ngày nay có sự miêu tả việc tái tạo tuần lễ đầu tiên dưới bàn tay của quỷ Satan.
Vốn văn ‘tải đạo’ nghĩa là mang theo sứ mệnh gồm những chân lý truyền thống -old verities, hầu mở đường cho nhân loại cùng đi về phía trước, nên đòi hỏi người viết phải có một tri thức nhất định, nếu không muốn nói theo Kant đó là một sự kiểm nghiệm để đạt đến tri thức tiên thiên –connaissance apriori, nếu không chúng ta chỉ viết về những chiếc đũa gãy trong hiện tượng khúc xạ nhưng thật sự không có cái que nào bị cong như mắt thường quan sát. Và cả sự thưởng ngoạn của độc giả sẽ như nước chảy bè trôi, một thái độ dễ dãi với cả người cầm bút và tha nhân.
Các chương ‘Thế Gian Như Thị’ hay ‘Mẹ Không Cần Vàng’ nói lên tính thể của con người thể hiện trong cuộc sống nơi bước đường cùng với những nếp gấp, ngả nghiêng của các hữu thể tại thế mà mỗi cá nhân trong điều kiện bình thường sẽ không nghĩ rằng tôi hiện hữu và sẽ hành xử như vây: một vị trung tá trong trại tù đòi phải chia cơm bằng cân tiểu ly mới công bình bên cạnh nhiều con mắt dõi theo có hơn kém nhau hạt nào.
Chương sáu đầy các tiên tri giả ‘Ta Là Kẻ Cứu Người’ nếu chúng ta có dịp tìm hiểu Kinh Thánh qua sách Khải Huyền sẽ thấy đây là một dấu chỉ để cảnh cáo hãy cùng nhau đi trên con đường công chính.
Chương ‘Người Tiều Phu’ đặc sắc về sự ẩn dụ của lòng yêu nước với sự bạo phỉnh, dối trá đưa con người sa lưới vào cái bẫy yêu nước đến cái chết đau thương cho bao gia đình của cái gọi ‘con đường giải phóng các dân tộc’ với chủ nghĩa Mác Lê ‘Vùng vẫy, vùng vẫy…Đừng có dại nghe con, chớ có tai mà cái gì cũng nghe, chớ có nghe mà không phân biệt được tiếng nào cũng là tiến quốc. Yêu nước, yêu nước… Đừng có dại nghe con. Quốc trong tiếng Việt có nghĩa là nước, quốc gia. Ở đây nó mang nghĩa bóng là kêu gọi lòng yêu nước và bao con chim đã chết, sa lưới vì nghe theo tiếng gọi nhầm đàn.
Và với chương chín ‘Ta Có Toàn Quyền’ nói lên một xã hội công dân trong chế độ Cộng sản ‘Tôi có toàn quyền trên vùng bán đảo này… Ở đây không có nghị quyết, sắc luật, sắc lệnh hay Quốc hội gì hết, nhưng mọi sự tốt đẹp…’ và trong sự giết người nhưng bạo chúa vẫn luôn nguỵ tín của sự cứu người’.
Chương mười hai ‘Adam & Eva’, thân phận con người trong chế độ Cộng sản bị lột trần hết trong một hệ thống tham ô mà ‘trẫm có chết thì trạng cũng băng hà’ rồi đến thân phận người trí thức qua lời của một anh kỹ sư trong cơn đói khát đã nạo cái chảo bếp bị lủng, bị mang ra kiểm điểm và anh nói lời của kẻ đường cùng đáng thương cho thân phận con người: ‘Học nhiều để nạo vét thật kỹ’. Và trong một chế độ duy vật tha hoá như vậy chỉ có đồng tiền mới mang lại hy vọng cho ai đó, nhưng hậu quả chính họ rước lấy cái bi thảm tiếp theo, trở thành nạn nhân bị tước mất hết tiền tài song sẽ không được gì cả.
Phiên toà XHCH và tiếng kêu qua lời nói cuối cùng của các bị can đến LHQ về tình trạng vi phạm nhân quyền tại VN, nhưng cả hai tổ chức cũng chỉ là hình thức cho dù Hội Quốc Liên đến LHQ vẫn là niềm mong ước từ tác phẩm ‘Về Một Nền Hoà Bình Vĩnh Cửu’ của Kant. Nó vẫn chỉ là hàn lâm đến hàn lâm và nuôi dưỡng hàn lâm.
Chương mười sáu ‘Khu Tử Hình’ nơi huyệt mộ của những nạn nhân còn sống. Chính nơi đây trở thành một diễn đàn mà chúng ta có thể rút ra những khía cạnh nhân bản gồm các quan điểm chính trị như: tự do, chuyên chế, dân chủ cộng hoà, các học thuyết triết học… những khát vọng cao cả thật sự của con người trên một phần nào đó của hành tinh này ‘trong khi đào mồ chôn chủ nghĩa tư bản, những người Cộng sản kiệt sức và tự chôn lấy chính mình’. ‘Cái gốc rễ của vấn đề là tỵ hiềm, lòng tham, hám danh lợi, thiếu nhân ái… nên mới sinh sợ hãi’. Và theo những tử tù sắp bị mang đi bắn ở đây ‘nước Mỹ sẽ không bao giờ có bình yên, bởi vì có quá nhiều người trông chờ ở họ’…Một nữ tử tù can tội giết chồng, rất im lặng, thỉnh thoảng có ai hỏi thăm tha thiết mới hé môi ‘ta tiếc chỉ giết được rất ít đàn ông, chủng loại được gọi có linh hồn, còn giống cái như ta bị cho là không có linh hồn’.
Và rồi tất cả đều lưu chảy, hư vô lưu chảy hư vô.
Các nạn nhân bị đưa đến các trại lao cải, con người bị đày đọa đến chết khiến các tù nhân thường xuyên phải quyết định chọn lựa giữa sống chết và thường là sự thất bại với cái chết diễn ra thường xuyên với các cuộc bạo loạn trốn trại không thành và bị bắn ngay tại chỗ dù có đưa hai tay lên đầu hàng. Với những ai ở lại trong sự chịu đựng thường đều mắc phải những trạng huống tâm thần khác nhau của triệu chứng rồi đến hội chứng loạn tâm thần bản thể. Tất cả các dạng tâm thần được mô tả dưới ánh sáng của khoa tâm thần học diễn dịch, với cách viết như các công án của Thiền minh tỏ.
Từ ám ảnh đến hoang tưởng, kể cả điên loạn tự tử, số còn sống sót mãn hạn tù, trở lại đời thường với phần hai của tác phẩm.
***
Tây nguyên với thành phố mộng mơ Đà Lạt và Buôn Mê được chọn như những thành phố tiêu biểu về cái nghèo bên cạnh có Quảng Bình, Quảng Ngãi… biểu tượng của nghèo nàn lạc hậu như bao tỉnh thành trong cả nước về sự phá hoại môi trường, ăn cắp tài nguyên thiên nhiên, các đảng chủ khai tử rừng để phá rừng. Trên đường đi thăm quan Đắc Lắc, du khách nhìn thấy những cánh rừng già đang co cụm như thoi thóp, cố gắng tồn tại trong những giây phút cuối cùng của cuộc đời. ‘Thác Trinh Nữ cũng không còn gì để xem ngoài dòng nước đục ngàu chảy xuống’.
Xuyên suốt những con đường qua các tỉnh thành với những toà công đường xây cất đồ sộ như ở Quảng Bình người dân rất nghèo đến xơ xác, những tòa nhà thênh thang vắng bóng người với cách làm việc của những thương binh thời đại, hãy gọi là những Uỷ Ban Dưỡng Lão Nhân Dân thời danh từ có vẻ thời thượng hơn và nếu có muốn làm thì đôi bàn tay thích làm bậy, một nền hành chánh đúng hơn là hành dân. Từ trại giam với lập trường ai không cùng giai cấp thì phải chết và một xã hội trên nền tảng ‘những ai không cùng trên hòn đá đỏ sẽ bị tiêu vong. Việc cứu người trong hoạn nạn cũng trên giai tầng cùng đẳng cấp, các công dân nạn nhân của một chế độ như ngay tại Sài Gòn với các bệnh viện đó là hình ảnh một chợ trời người ốm đau, những vật người đầy bịnh hoạn. Đến những chợ tình trên đất Việt ở khắp mọi nơi cận kề các Sứ Quán để kiếm chồng ngoại: đó là sự vinh danh phụ nữ thuộc thế kỷ 21. Trong khi các viên chức chính quyền chỉ thích rượu ngâm thuốc cường dương và các công dân với ‘Ruồi bảy món’ là biểu tượng của môi trường.
Chương hai mươi bảy, từ hỗn mang đến hỗn mang, từ lãng phí đến lãng phí gây nhiều bất an đến nhiều thế hệ. Một nền giáo dục không tìm thấy chính mình với những kỹ sư tâm hồn phá huỷ bao tâm hồn.
Tất cả từ một cơ chế độc tài, chính nó là mầm mống hủy hoại xã hội. Với chương ba mươi ba, chuyện buồn cười ‘Ông Chủ Tịch Vẽ Bùa’, ‘người nào trong gia đình họ tộc cũng có giấy khen, có huy chương chiến công chống Mỹ… từ cha mẹ đến vợ, ông đều gắn huy chương hết, người nào cũng có giấy chiến công tất’.
Ab Chaos ordo, nghĩa là từ hỗn mang đến trật tự, người dân chỉ ước mơ mong sao trên đất nước không còn thù hận vì ngay chính những kẻ đi gieo mầm không hận thù có khi lại trở thành kẻ thù của nhiều người. Cuối của phần một và kết thúc tác phẩm Kinh Lạy Cha được viết trong sự kêu gọi con người hãy tự cứu mình, hãy cùng nhau cứu khổ cứu nạn’ trong cảnh khổ. Đơn giản từ một chút triết học cho thần học ‘Hãy tự cứu mình, Trời sẽ cứu mình’.
Lạy Con người tự thân Con người. Nguyện danh Con người tỏa sáng. Nước Con người trị đến: Ý Con người thể hiện như nguyên uỷ vốn Thiện. Xin cho Con người hằng ngày dùng đủ. Và tha thứ cho nhau như Con người đối xử với nhau cho ra Con người. Chớ làm cho nhau sa chước cám dỗ, nhưng cùng nhau cứu khổ, cứu nạn. Ước được như vậy.
Nguyễn Quang