Trưa hè nói chuyện ru con… với các bạn trẻ thời 2.0

Trưa hè nói chuyện ru con…

với các bạn trẻ thời 2.0

À… ơi, Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa (…)

Ầu ơ…, Ví dầu cầu ván đóng đinh (…)

Đã biết thời nay chẳng còn mấy người mẹ việt nam nào giữ cái tập quán ru con, nhất là các phụ nữ trẻ sinh ra và lớn lên ở nước ngoài như con cháu nhà tôi. Ngay cả trong nước, thói vặn cát-xèt ru con đã từ lâu nhập vào các gia đình theo nhịp sống mới. Hóm hỉnh chút thì cho đó là một cách tập cho em bé nghe karaoké cho quen tai. Thật kỳ cục và đáng tiếc ! Hôm nay với tư cách của người thuộc một thế hệ xa xưa, tôi xin phép được chia sẻ vài suy nghĩ về một nếp sống và một phong tục mà các bạn trẻ ở nước ngoài chắc không hề biết… 

Xin được nói ngay một điều : nếu có bạn nào vội cho rằng «ối dào, lại một ông già Ba Tri cà khịa dậy đời bọn trẻ chúng mình chứ gì !» thì xin bỏ qua mấy trang này, đừng mất thời giờ đọc tiếp. Bạn nào tỏ chút bao dung đón nhận, tôi mong sẽ không làm bạn thất vọng. Vì những lời sau đây không thuộc về hồi ký mặc dù đôi khi có vẻ nhắc đến loại đó, cũng chẳng phải một thuyết trình hệ thống về văn hoá hay nghệ thuật ru ca. Mà chỉ là một cách khêu gợi theo lối tùy bút về những gì người viết đã sống qua và còn lưu lại mãi trong một vùng sâu thẳm của lòng mình.

Tôi chọn hai câu ru mở đầu bài này, thoạt xem chúng rất khác nhau, nhưng trong ký ức tôi chúng luôn quện vào nhau cách mật thiết. «À ơi ! Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa…» gợi lên nguồn gốc xa thẳm của vùng Cao Bằng Lạng Sơn giáp biên thùy phương Bắc. Trong khi «Ầu ơ ! ví dầu cầu ván đóng đinh…» nghe từ xa đã thấy rõ nét miền quê Nam bộ. Lẽ ra một người Việt gốc Bắc kỳ dzốn khi đã rung động với câu ‘Đồng Đăng…’ thì khó mà cảm được câu ‘Cầu ván…’ nặc mùi quê Nam Kỳ. Và ngược lại. Không những chúng xa cách nhau về âm điệu, nhạc lý, mà cả về cách mô tả phong cảnh và con người, nói chi tới hai bài học cô đọng trong hai cách nhìn đời. Đồng Đăng khêu gợi một bầu trời sương mù gió rít, một nàng Tô Thị quê mùa kiên kỳ giữa phố Kỳ Lừa quạnh hiu. Cầu ván cầu tre dựng lên cảnh đặc thù của vùng sông nước Nam bộ không đâu có với thấp thoáng bóng những chiếc áo bà ba quần lãnh...

Tôi được cái diễm phúc sinh ra trong một gia đình gốc Bắc vô Nam từ thập niên ’20 của thế kỷ trước, cho nên từ nhỏ đã quen nghe và nói cả hai giọng Bắc Nam cách tự nhiên. Má tôi ngâm thơ và ru con À ơi giọng Bắc Ninh, trong khi bà con lối xóm Rạch Giá sớm chiều Ầu ơ với câu ca vọng cổ…

Mời các bạn lắng nghe câu chuyện về Nàng Tô Thị :

Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa / Có nàng Tô Thị có chùa Tam Thanh

Ai lên xứ Lạng cùng anh / Tiếc công bác mẹ sinh thành ra em 

Tay cầm bầu rượu nắm nem / Mải vui quên hết lời em dặn dò 

Gánh vàng đi đổ sông Ngô / Đêm nằm tơ tưởng đi đò sông Thương. (…)

Thú thật, từ nhỏ tôi chưa bao giờ tìm hiểu ý nghĩa sâu xa (nếu có) của bài ca dao này, và cũng chẳng hề muốn đi xa hơn và ngoài nhân vật chính của bài ru huyền thoại là Nàng Tô Thị thân thương. Với tôi, Nàng Tô Thị qua lời ru giọng Bắc của mẹ tôi giữa trưa hè miền Nam sẽ mãi mãi tượng trưng cho người mẹ hiền việt nam đã rót vào tai tôi những âm thanh, những hình ảnh, những câu vần và những suy tư, tất cả những gì làm nên tiếng Việt và hun đúc tâm hồn người Việt. Nàng Tô Thị qua lời ru của má tôi không những là người mẹ còn là cô giáo. Sau này lớn lên, được nghe, được hát và hiểu biết thêm về Nàng Tô Thị qua kho tàng âm nhạc huyền thoại cho dân tộc là bộ bài ca Hòn Vọng Phu để đời của Lê Thương, thì hình ảnh Nàng Tô Thị bồng con ngóng chồng bặt tin từ phương Bắc không chỉ là bà mẹ và cô giáo, mà còn là người vợ goá và người yêu chung của tất cả ngưòi nam đất Việt. Năm 1991-92 khi nghe tin tượng Nàng Tô Thị đứng bế con chờ chồng từ thuở nào trên sườn núi Lạng Sơn bị đánh sập để dân làng đập đá làm vôi, tôi đã khóc ròng và nguyền rủa những kẻ trong khoảnh khắc đã «ám sát Mozart và nữ thánh Geneviève» cùng lúc. Từ vị trí người mẹ, cô giáo, người yêu rồi goá phụ, Nàng Tô Thị trong tôi từ đó đã hiện thân thành ‘Người Nữ Muôn Thuở’ (l’Eternel Féminin)… Cần gì bức tượng đá vô tri vợ bồng con chờ chồng, khi Nàng Tô Thị đã vĩnh viễn nhập vào hồn người Việt !

Xin tạm biệt Nàng Tô Thị ở đây để vô Nam thăm Cô Tư Vĩnh Long, Cô Bảy Bến Tre vùng sông nước. Hãy lắng nghe từ sau lùm tre vẳng lên lời ru Cầu ván đóng đinh chân chất mà đậm đà làm sao !

*     *     *

Ví dầu cầu ván đóng đinh / Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi

Khó đi mẹ dắt con đi / Con đi trường học mẹ đi trường đời…

Hai cây cầu ván, cầu tre – sơ sài như hầu hết các ‘công trình kiến trúc’ ở miền quê Nam bộ – chỉ được dựng lên như một phương tiện tạm bợ nhất thời : giúp cho bà con đi chợ và trẻ con đi học. Cũng chính vì cái dáng lắt lẻo gập ghềnh khó đi, và do đó nguy hiểm, mà không người mẹ nào yên tâm để con đi học một mình. Cho nên mới có màn Khó đi mẹ dắt con đi…, tưởng như là mẹ dẫn con đi học (chữ) thì nhân tiện mẹ cũng đi học (vài chữ) luôn với con… Chỉ trong bốn câu thơ lục bát, đã có năm chữ đi.

Ai dè ! Con đi trường học (thì) mẹ đi trường (...), chữ đời được thả xuống cuối câu như một cái gì vừa bất ngờ vừa mong đợi. Về hình thức, giống như ca sĩ vọng cổ xuống xề để tận một câu ca mùi. Sâu hơn một chút, về nội dung thì coi như một điều tất yếu của thân phận làm người của người đàn bà miền quê việt nam : mẹ cũng đi học như con, nhưng ngôi trường của mẹ là trường đời. Trường này dạy cho mẹ đức tinh khiết, tính kiên nhẫn, chịu khó, bươn chải làm ăn, trung thành (tóm trong bốn chữ ‘thờ chồng nuôi con’), chống chỏi những khó khăn, oan trái của cuộc đời, kể cả những thất vọng gây ra bởi bạn bè và người thân ruột thịt… Những gì mà trên thế gian này không có ‘trường dạy chữ’ nào dạy nổi…

Lời ru mẹ dạy cho con ngày hôm nay cũng chính là lời mẹ đã từng học từ bà ngày xưa. Mời nghe mấy câu trong bài Lời ru của Lê Minh :

Ngậm lời ru, ru mẹ ngày xưa / Bà đưa mẹ đến giấc trưa say nồng 

Để nay mẹ bế mẹ bồng / Mẹ ru con cả tiếng lòng thương yêu 

Sứ mệnh chuyển tiếp thế hệ được thể hiện qua lời ru, còn gì cao cả bằng khi nó chuyên chở luôn cả tiếng lòng thương yêu ! 

À ơi con ngủ cho say / Làn môi chúm chím ngậm đầy lời ru…

Bái phục cái ‘tứ thơ’ xuất sắc với hình ảnh trẻ thơ say ngủ mà đôi môi vẫn chúm chím say… sữa mẹ.

*     *     *

Với bản Tình Ca bất hủ của nhạc sĩ kiêm thi sĩ Phạm Duy, chúng ta được dịp chìm mình vào cái thế giới mênh mông của nghệ thuật RU CA từ khi mới ra đời, và ngày qua ngày được nghe :

Mẹ hiền ru những câu xa vời / À à ơi ! Tiếng ru muôn đời.

Tiếng nước tôi ! Bốn ngàn năm ròng rã buồn vui

Khóc cười theo mệnh nước nổi trôi, nước ơi

Tiếng nước tôi ! Tiếng mẹ sinh từ lúc nằm nôi

Thoắt ngàn năm thành tiếng lòng tôi, nước ơi…

Có năm yếu tố căn bản thường được huy động trong thế giới thi ca của Phạm Duy : ngôn ngữ, âm thanh, phong cảnh, thời gian và con người. Mấy câu trên đây cho thấy rõ những nét chính :

- ngôn ngữ (tiếng nước tôi tức tiếng Việt qua những câu xa vời, tuy vượt tầm hiểu biết của trẻ thơ nhưng ngay từ lúc ấy đã thành tiếng ru muôn đời – khó mà nhấn mạnh và khéo hơn tầm quan trọng của cái gọi là ‘tiếng mẹ đẻ’ đối với nhà thơ và nghệ sĩ Phạm Duy) ; 

- âm thanh gắn liền với tình cảm (buồn vui, khóc cười, tiếng ngang trời, câu hò, tiếng sáo diều) ; 

- thời gian (bốn ngàn năm, thoắt ngàn năm) ; 

- lịch sử (mệnh nước nổi trôi, Lý Lê Trần và còn ai nữa, những anh hùng của thời xa xưa…) ; 

- phong cảnh (ruộng đồng, cây cối, sông ngòi, nói chung là địa dư)

- và con người (bác nông phu mình đồng da sắt, những trẻ quê bạn với đàn trâu, cô gái bên nhà) tuy chưa có mặt ở đây, nhưng đến lúc sẽ rộ lên rõ nét trong những đoạn kế tiếp…

Tưởng cũng nên nhắc lại hoàn cảnh ra đời của tác phẩm này : 1953, tức một năm trước khi Hiệp định Genève kết thúc chiến tranh Đông Dương và chia đôi đất nước. Tôi không biết các bạn trẻ ngày nay (‘già’ nhất là độ 50 tuổi, tức sinh lối 1970-75) có hình dung được thế nào là một quê hương mình đang sống trong sự thống nhất “nguyên vẹn hình hài” (một nước Việt Nam hình chữ S, Bắc-Trung-Nam vẹn toàn), bỗng dưng vì thời cuộc và áp lực ngoại bang, phải chịu chia ra thành hai mảng ? Hẳn các vị phụ huynh của các bạn, cũng như thế hệ chúng tôi lúc ấy ở tuổi 20, còn nhớ cái tâm trạng day dứt như chính mình bị cắt đôi, cả thân xác lẫn tâm thần... Phạm Duy (lúc đó 32 tuổi) có thể linh cảm được thảm kịch sắp xảy ra, đã sáng tác bài này trong nỗi đau day dứt đó. Hiểu như thế thì càng thấy tri ân người nghệ sĩ luôn khắc khoải vì vận mệnh đất nước, càng kính nể con người dấn thân của ông hơn. Và càng yêu hai đoạn sau đây mà tôi coi như là đỉnh cao của tác phẩm Tình Ca, tự nó đã là tinh hoa của nền ca nhạc nước nhà, cả về mặt nghệ thuật, văn chương và nhân bản. Mời các bạn chúng ta cùng nhau hát vang :

Tôi yêu những sông trường / Biết ái tình ở dòng sông Hương

Sống no đầy là nhờ Cửu Long / Máu sông Hồng đỏ vì chờ mong…

Người yêu thế giới mịt mùng / Cùng tôi ôm ấp ruộng đồng ư đồng Việt Nam

Làm sao chắp cánh chim ngàn / Nhìn Trung, Nam, Bắc kết hàng là hàng mến nhau…

*     *     *

Qua tác phẩm Ca Dao Mẹ (1969), Trịnh Công Sơn đưa chúng ta đi thẳng vào cuộc chiến huynh đệ tương tàn. Ngoại trừ bốn chữ ở đầu bài (‘lạy trời mưa tuôn’) tưởng như một lời cầu nguyện dù ngắn ngủi, cả bài ru dài này chìm trong lời ta thán trách hờn về một “thế giới hận thù chiến tranh ngục tù”. Thật vô vọng và không lối thoát cho cả mẹ lẫn con – các con đây gồm em bé đang được mẹ ru ngủ và các con lớn đang chém giết nhau... 1969 : giữa Tết Mậu Thân / Khe Sanh (1968) vừa qua và mùa Hè đỏ lửa sắp tới (1972), những cao điểm khốc liệt nhất của chiến tranh Việt Nam…

May thay ! qua câu “Mẹ dạy cho con tiếng nói quê hương” trong điệp khúc loé lên một tia sáng như một nháy mắt với bài Tình Ca của Phạm Duy, báo hiệu cho nhịp điệu hào hùng và hứa hẹn một thế giới huynh đệ của ‘Nối vòng tay lớn’ (1970).

Với Gia tài của Mẹ (1965) dưới hình thức hành khúc và thúc quân, không có vẻ gì là một bài ru con, người mẹ vẫn giữ vai trò giáo dục là dạy cho con lịch sử đầy tang tóc mà bất khuất của dân tộc.

Một ngàn năm nô lệ giặc Tầu / một trăm năm đô hộ giặc Tây

Hai mươi năm nội chiến từng ngày / gia tài của mẹ, để lại cho con

Gia tài của mẹ, là nước Việt buồn / (gia tài của mẹ, một núi đầy mồ)

Với bốn câu cuối sau đây, mẹ thiết tha nhắn nhủ các con những lời tâm huyết coi như trăn trối trong giây phút sáng suốt nhất trước khi lìa đời : 

Dạy cho con tiếng nói thật thà/ mẹ mong con chớ quên màu da/ con chớ quên màu da, nước Việt xưa

Mẹ mong trông con mau bước về nhà / mẹ mong con lũ con đường xa /

ôi lũ con cùng cha, quên hận thù…

Xin tóm gọn ‘Di chúc của mẹ’ qua sáu điều răn con như sau :

1) ăn nói thật thà

2) chớ quên màu da (vàng) 

3) nhớ nước Việt xưa

4) mau bước về nhà

5) con cùng cha

6) phải quên hận thù.

Dù dưới hình thức ca dao ru con hay răn đe thẳng ruột ngựa, những lời mẹ nhắn nhủ trên đây đáng được các con ghi khắc tận đáy lòng rồi truyền lại cho con cháu từ đời này qua đới khác, không được sao lãng hoặc để phai mờ. [Tôi trộm nghĩ : lũ con đường xa trong điều 4, ngoài các con đi chinh chiến trong nước, có thể hiểu rộng để bao gồm luôn các con ở nước ngoài…; phải chăng một chục năm trước biến cố 30/4/1975 mẹ đã linh cảm được những xáo trộn tày đình sẽ xảy ra ? và mau bước về nhà cũng có thể hiểu nghĩa bóng : các con dù ở đâu xa cũng đừng quên hướng về nhà mẹ và nước Việt xưa (điều 3)].

Với những sự kiện liên tiếp xảy ra từ khi nhạc sĩ họ Trịnh qua đời (2001), tức từ hai thập niên nay – nước ta bị gã khổng lồ phuơng Bắc ỷ thân to xác mập không ngừng ăn hiếp, áp đảo, thách thức chủ quyền và sự sống còn của dân tộc –, bài ca ‘Gia tài của Mẹ’ mang một tính thời sự hầu như ‘tiên tri’. Chứng minh điều này, mời các bạn nghe chính tác giả thiết tha trình diễn trong một video hiếm hoi với tất cả tâm hồn và tận bằng một câu không có trong bản gốc như đã in và xuất bản cho đại chúng : Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu… (ter), lập lại ba lần như một lời cảnh giác tâm huyết : dân tộc Việt Nam đừng bao giờ quên sự kiện 1000 năm nô lệ đã xảy ra trong lịch sử, nó vẫn lăm le hăm lập lại…

Cùng ‘nòi’ với những nghệ sĩ lớn trên thế giới tự kim cổ tây đông (mỗi nước trong một thế kỷ chỉ đếm được trên đầu ngón tay), Trịnh Công Sơn – cũng như Phạm Duy – đã đóng vai trò ‘ngôn sứ’ khi nói lên, có lúc thét lên, những lo âu cùng những ước vọng thâm sâu của dân tộc.

*     *     *


Tiếp theo những câu ca dao không tuổi đã bén rễ sâu trong tiềm thức người Việt, sau những đóng góp vô giá của hai nghệ sĩ tài ba xuất chúng của thế kỷ 20, để kết thúc cuộc hành trình “cưỡi ngựa xem hoa” này, mời các bạn cùng tôi dừng lại vài phút để thưởng thức một tác phẩm hiếm lạ, gồm hai bài Ru Ca dưới hai thể loại khác nhau, nhưng đều quay về cùng hướng là tình yêu quê hương đất nước : 
Đất nước lời ru do Văn Thành Nho sáng tác kiểu tân nhạc (thập niên 1980), và tiếp theo như chị em sinh đôi là bài Lời ru đất nước của Lý Năm Căn viết theo điệu vọng cổ. Xin tóm tắt cả hai bài :
1) Đất nước lời ru dạo đầu bằng hai câu thả lỏng, êm ả, hầu nhu không nhịp :
Ru con… Mẹ ru con… tiếng ru cả cuộc đời / Ru con lời ru… cất lên từ ngàn đời…
Từ đây bắt đầu rộ lên nhịp hùng tráng của thể loại hùng ca (épopée), rầm rập từng ba chữ nối đuôi nhau, để trình diễn bước đi của lịch sử và huyền thoại việt nam (có những lúc không nên nhỏ nhen phân biệt lịch sử với huyền thoại, sự kiện với giai thoại…) :
Mẹ Âu Cơ/ từ xa xưa/ đi khai thiên lập địa/ Lạc Long Quân/ cùng bao con/ đi ra nơi biển cả
Ðể đất nước/ mấi rực rỡ/ Một gấm vóc/ mãi rạng rỡ
Qua bao gian lao/ Việt Nam ta/ Ôi bao yêu thương/ Việt Nam ta
Ngàn lời ru / trong bão giông/ Mà ngọt ngào sao/ câu dân ca
À ơi ơi à ời / à ơi ơi à ời / À ơi ơi à ời / à ơi ơi à ời…
Rồi tiếng ru từ ngàn đời tiếp tục kể thành tích dựng nước của dân tộc Việt qua những biển xanh xanh/ trời xanh xanh/ những rừng xanh xanh/ dòng sông xanh… đã mang lại cho con cháu được bao hy vọng… Ngay cả trong khói lửa can qua, vẫn sáng mãi tình đất nước…
À ơi ơi à ời / à ơi ơi à ơi / à ơi ơi à ơi…
2) Lời ru đất nước chuyển sang điệu vọng cổ, tiếp tục kể lịch sử hào hùng của dân tộc :
Thuở còn nằm nôi con đã nghe lời ru đất nước, / Ôi lời ru đã dưỡng nuôi con khôn lớn nên... người.
Rồi mẹ kể nguồn gồc tổ tiên là dòng dõi rồng tiên, có Hồng Bàng là Tổ nước ta, nước Văn Lang với Hùng Vương nối nghiệp, dáng hình non nước thiêng liêng, in hình trên trống đồng vọng mãi...
Đến đoạn ‘ngâm lối’ là cây ‘đinh’ của bài ru : ai ngờ, từ lúc nằm nôi mẹ việt nam đã rót vào tai trẻ thơ không gì khác là bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của dân tộc :
Nam Quốc sơn hà Nam Đế cư,
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư.
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm,
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.
(Từ chốn an nghỉ ngàn thu cụ Lý Thường Kiệt hẳn đã khoái trá vuốt râu thấy hậu duệ của mình lần này không còn vặn cát-xét cho em bé nghe mấy bài karaoké vớ vẩn !)
Tự hào thay những lời ru câu thơ Đại Việt / tuyên ngôn đầu tiên Nam quốc sơn hà / là máu, là xương để gìn giữ nước non nhà / Dẫu trải qua bao thăng trầm bão tố / hay bạo cường của thế lực xâm lăng / Đây hình hài gấm vóc non sông / vẫn sừng sững oai nghiêm cùng bao chiến công hiển hách. 
Con nghe tiếng mẹ à ơi. / Lời ru đất nước cất lên tự ngàn đời. 
Ôi hồn thiêng dân tộc trong từng lời ru của mẹ, / là hành trang để xây đắp non sông. 
Tự hào con cháu Lạc hồng / Việt Nam gấm cóc ngàn năm vững bền.
Thay lời kết
Với tính tân cổ giao duyên, cặp bài ca ‘Đất nước lời ru’ và ‘Lời ru đất nước’ tập trung vào tình yêu quê hương tổ quốc được truyền cho thế hệ trẻ từ lúc nằm nôi qua ‘tiếng ru từ ngàn đời’ của các bà mẹ việt nam. Điều độc đáo là tác phẩm sinh đôi này đã được trình diễn gần đây bởi em bé Vương Nghi Đình (7 tuổi) trong một cuộc thi tài năng ‘nhí’ rồi từ đó tiếng nổi như cồn. Xem bản video tôi không khỏi ngỡ ngàng thán phục khả năng truyền cảm và nghệ thuật diễn xuất tân cổ song toàn của cô bé Nghi Đình. Càng xúc động hơn khi nghe em bé bằng tuổi cháu chắt dõng dạc rót vào tai mình bốn câu ‘thần thi’ Nam Quốc Sơn Hà… ! Thật bất ngờ và cám ơn bé Nghi Đình đã tỉnh bơ ‘dạy đời’ thế hệ chúng tôi đúng nghĩa và đúng lúc. Từ nay bà con có thể yên lòng khi thấy vận mệnh đất nước đang chuyển vào tay một thế hệ trẻ còn giữ nguyên vẹn niềm tin và tinh thần bất khuất của tổ tiên.
* Cũng không quên cám ơn hai tác giả Văn Thành Nho và Lý Năm Căn cùng dàn nhạc đệm, phụ huynh em bé và toàn thể thính khán giả đã hưởng ứng nồng nhiệt đêm nhạc hội ấy. Ai còn bảo đồng bào ta thờ ơ với vận nước ?

N.H. Tấn Đức