CÁC CƯỜNG QUỐC TRONG CHIẾN TRANH VIỆT NAM

CÁC CƯỜNG QUỐC TRONG CHIẾN TRANH VIỆT NAM

Trần Gia Phụng


Trong chiến tranh 1954-1975, Liên Xô và Trung Cộng là hai nước viện trợ chính cho Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (VNDCCH) ở Bắc Việt Nam (BVN), và Hoa Kỳ là nước viện trợ chính cho Quốc Gia Việt Nam (QGVN), đổi thành Viêt Nam Cộng Hòa (VNCH) năm 1955 ở Nam Việt Nam (NVN).  Các cường quốc đến giúp Bắc và Nam Việt Nam đều có những tính toán riêng của mỗi nước.




LIÊN XÔ VÀ CHIẾN TRANH VIỆT NAM



Sau khi cướp chính quyền năm 1917, đảng Cộng Sản (CS) Nga do Vladimir Lenin lãnh đạo, thành lập Đệ tam Quốc tế Cộng sản (ĐTQTCS) (The Third International) tại Moscow năm 1919, gọi là Communist International hay COMINTERN.



Trong đại hội kỳ 2 ĐTQTCS từ 24-7 đến 7-8-1920, Vladimir Lenin công bố bản “Sơ thảo lần thứ nhứt luận cương về vấn đề Dân tộc và Thuộc địa” (Draft Thesis on the National and Colonial Questions), thường được gọi là bản luận cương của Lenin, theo đó Lenin nêu cao quyền dân tộc tự quyết, kêu gọi các nước bị đô hộ (các thuộc địa) đứng lên chống lại các đế quốc thực dân, giải phóng dân tộc bằng cách dựa vào sự ủng hộ của đảng CS các nước, rồi gia nhập khối Liên Xô.



Để thực hiện chủ trương nầy, ĐTQTCS tổ chức tại Liên Xô những cơ sở đào tạo cán bộ tuyên truyền, sách động và tổ chức quần chúng, rồi tung những cán bộ nầy về nước hoạt động.  Hai trường nổi tiếng là trường Đại học Lao động Cộng sản Phương Đông (Communist University of the Toilers of the East), thành lập năm 1921.  Năm 1926, Liên Xô lập thêm trường Quốc tế Lenin (International Lenin School).



Nước Nga, đổi thành Cộng Hòa Liên Bang Xô Viết tức Liên Xô ngày 30-12-1922, tuyên truyền chủ nghĩa CS và phát triển ĐTQTCS nhằm xuất cảng cách mạng, bành trướng thế lực ra nước ngoài, tiến đến thành lập một khối các quốc gia theo chủ nghĩa CS do Liên Xô lãnh đạo, cạnh tranh với các đế quốc Tây Âu.  Đảng CSLX khuyến khích các nước bị đô hộ, tức thuộc địa của các nước Tây phương, nổi lên chống các đế quốc, giải phóng dân tộc, giành độc lập, rồi gia nhập khối Liên Xô.  Nói cách khác, ĐTQTCS là công cụ bành trướng đế quốc CS của Liên Xô.



Người Việt Nam đầu tiên xuất thân từ Trường Đại học Lao động Cộng sản Phương Đông ở Moscow, được ĐTQTCS gởi qua Trung Hoa hoạt động gián điệp năm 1924 là Nguyễn Ái Quốc (NAQ, đã được nhiều người viết.)  Trên đường hoạt động, NAQ thay đổi tên họ nhiều lần.  Năm 1942, NAQ chiếm dụng tên Hồ Chí Minh (HCM) của Hồ Học Lãm năm 1942.  Dầu đã được ĐTQTCS đào tạo, nhưng khi HCM cùng đảng Cộng Sản Đông Dương (CSĐD) cướp chính quyền ở Hà Nội năm 1945, Liên Xô vẫn không giúp đỡ, vì hai lẽ: 1) Joseph Stalin, nhà độc tài Liên Xô, vốn đa nghi, không tin tưởng những nước CS không do Liên Xô thành lập.  Hơn nữa HCM lại đã từng cộng tác với cơ quan tình báo OSS (Office of Strategic Services) của Hoa Kỳ. 2) Việt Nam nằm quá xa Liên Xô và Liên Xô không có quyền lợi ở Đông Nam Á.



Năm 1950, khi HCM qua Liên Xô cầu viện, Stalin ủy nhiệm cho Trung Cộng (TC) giúp HCM chống Pháp và sau đó Liên Xô viện trợ võ khí hạng nặng cho VNDCCH qua đường TC, vì lúc đó CSVN chưa có lãnh thổ nhất định.



Hiệp định Genève (1954) chia hai nước Việt:  VNDCCH ở BVN; QGVN đổi thành VNCH năm 1955 ở NVN.  Liên Xô chỉ chú trọng đến BVN khi xảy ra cuộc tranh chấp Nga-Hoa do viêc Nikita Khrushchev đưa ra chủ trương “sống chung hòa bình” (peaceful coexistence) giữa các nước không cùng chế độ chính trị năm 1956.  Liên Xô viện trợ cho BVN nhằm lôi kéo BVN về phía Liên Xô, nhiều  nhất là viện trợ võ khí hạng nặng.  Sau hiệp định Paris (27-1-1973), Hoa Kỳ không oanh tạc BVN nên Liên Xô dễ dàng viện trợ trực tiếp cho BVN, và tăng gấp 4 lần số viện trợ để BVN tấn công NVN.



TRUNG CỘNG VÀ CHIẾN TRANH VIỆT NAM



Năm 1949, đảng CS thành công ở Trung Hoa.  Ngày 1-10-1949, Mao Trạch Đông tuyên bố thành lập Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa (CHNDTH), thường được gọi là Trung Cộng (TC).  Đầu năm 1950, HCM, chủ tịch VNDCCH, vội vàng qua Bắc Kinh cầu viện.  Lúc đó, Mao Trạch Đông và Châu Ân Lai không có mặt ở Bắc Kinh và đang viếng thăm Liên Xô.  Tài liệu của một tác giả trong nước cho biết khi HCMđến Bắc Kinh, thì HCM làm kiểm thảo trước Lưu Thiếu Kỳ về tất cả những chủ trương của CSVN từ năm 1946. (Trần Đĩnh, Đèn cù,California: Người Việt Books, 2014, tr. 49.)



Sau Bắc Kinh, HCM đến Moscow tối 6-2-1950.  Có thể trước đó Stalin và Mao Trạch Đông đã thỏa thuận chia vùng ảnh hưởng, nên khi tiếp HCM, Stalin nói: “Đảng Cộng Sản Liên Xô và nhân dân Liên Xô hoàn toàn nên viện trợ cho cuộc đấu tranh chống Pháp của các đồng chí.  Song, chúng tôi đã trao đổi với các đồng chí Trung Quốc, công việc viện trợ chiến tranh chống Pháp của Việt Nam chủ yếu do Trung Quốc phụ trách thích hợp hơn...”   (Một nhóm tác giả, Hồi ký của những người trong cuộc, ghi chép thực về việc đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc viện trợ Việt Nam chống Pháp, bài của Trương Quảng Hoa, Bắc Kinh: Nxb Lịch sử đảng Cộng Sản Trung Quốc, 2002, Trần Hữu Nghĩa, Dương Danh Dy dịch, Dương Danh Dy hiệu đính.  Montreal: Tạp chí Truyền Thông số32 và 33, Hạ-Thu 2009, tr. 45.)



Ngày 17-2-1950, Mao Trạch Đông cùng Châu Ân Lai rời Moscow, trở về Bắc Kinh bằng tàu hỏa.  Hồ Chí Minh tháp tùng theo đoàn tàu nầy.  Một hôm HCM tìm đến toa tàu của Mao Trạch Đông và dùng tiếng Tàu xin Mao Trạch Đông viện trợ.  Mao Trạch Đông đồng ý nhưng còn đợi ý kiến trung ương đảng CSTH. (Trương Quảng Hoa, bđd., sđd. tr. 47.)



Tại Bắc Kinh, một hiệp ước phòng thủ hỗ tương giữa VNDCCH và CHNDTH được ký kết, theo đó hai bên hợp tác để tiễu trừ thổ phỉ.  (Bernard Fall, Le Viet-Minh, Paris: Max Leclerc et Compagnie, 1960, tr. 119.)  Thổ phỉ ở đây ám chỉ biệt kích Pháp và tàn quân Quốc Dân Đảng Trung Hoa, đã trốn tránh ở biên giới Việt Hoa sau khi Tưỏng Giới Thạch thất bại.  Từ đó, TC viện trợ tối đa cho CSVN, không phải chỉ vì tình nghĩa xã hội chủ nghĩa, mà còn vì TC nhờ CSVN bảo vệ an ninh biên giới phía nam của TC.



Hiệp định Genève ngày 20-7-1954 chia hai Việt Nam ở vĩ tuyến 17.  Trước khi ký hiệp địnhGenève, Châu Ân Lai triệu HCM hội họp tại Liễu Châu (Liuzhou), tỉnh Quảng Tây (Kwangsi) ở TC, từ 3 đến 5-7-1954, để bàn về việc ký kết hiệp định.  Bên cạnh đó, Châu Ân Lai đưa ra cho HCM hai kế hoạch: 1) Trước khi rút quân từ NVN ra BVN, CS chôn giấu võ khí, cài người ở lại NVN để chuẩn bị tái chiến. 2) Sử dụng chiêu bài “chống Mỹ cứu nước” tức chống Hoa Kỳ để kích động quân đội và lôi kéo quần chúng.



Chống Hoa Kỳ là chủ trương của TC từ sau thế chiến thứ hai vì TC đụng độ với Hoa Kỳ nhiều lần ở nhiều nơi.  Trong cuộc chiến Quốc-Cộng ở Trung Hoa, Hoa Kỳ viện trợ cho Trung Hoa Dân Quốc do Tưởng Giới Thạch lãnh đao.  Khi THDQ thất bại, di tản ra Đài Loan (Taiwan) năm 1949, Hoa Kỳ giúp THDQ duy trì ghế đại diện Trung Hoa ở Liên Hiệp Quốc, dầu Đài Loan rất nhỏ, ít dân so với TC.  Trung Cộng còn đụng độ trực tiếp với Hoa Kỳ trong chiến tranh Triều Tiên từ 1950 đến 1953.  Tại hội nghị Liễu Châu, chắc chắn Châu Ân Lai đã rỉ tai cho HCM biết về những biến cố nầy.



Từ năm 1956, mối bang giao Trung Cộng - Liên Xô rạn nứt vì TC chống lại chủ trương "sống chung hòa bình" do Khrushchev đưa ra.  Liên Xô bao vây TC ở phía bắc và phía tây.  Phía tây nam, Ấn Độ chận TC.  Phía đông là Thái Bình Dương với ba nước đồng minh của Hoa Kỳ là Nam Triều Tiên, Nhật Bản và Trung Hoa Dân Quốc.  Bị bao vây gần như ba mặt, TC rất lo ngại bị cô lập và nhất là lo ngại bị Hoa Kỳ chận luôn ở phía nam, nên TC tận lực giúp BVN.



Ngày 4-9-1958, Quốc vụ viện TC (chính phủ) ra tuyên cáo về ranh giới biển của TC là 12 hải lý kể từ bờ biển, áp dụng cho toàn thể lãnh thổ TC, bao gồm cả các hải đảo mà TC cho là của TC, trong đó TC kể luôn cả Hoàng Sa và Trường Sa trên Biển Đông.  Bản tuyên cáo nầy không gởi riêng cho nước nào và không cần trả lời, nhưng để lấy lòng TC nhằm mưu cầu viện trợ từ TC, Phạm Văn Đồng, thủ tướng BVN, với sự đồng ý của HCM và bộ Chính trị đảng Lao Động, ký quốc thư ngày 14-9-1958, tán thành tuyên cáo của TC ngày 4-9-1958, nghĩa là mặc nhiên thừa nhận hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc TC.



Một năm sau, Phạm Văn Đồng qua Bắc Kinh tháng 10-1959 để cầu viện.  Đáp lại, tháng 11-1959, TC đưa một phái đoàn sang BVN trong hai tháng, nghiên cứu tất cả những nhu cầu của BVN.  Tháng 5-1960, các nhà lãnh đạo BVN và TC hội họp liên tiếp ở Hà Nội và Bắc Kinh để thảo luận chiến lược tấn công NVN. (Qiang Zhai, China & the Vietnam Wars, 1950-1975, The University of Carolina Press, 2000, tt. 82-83.)



Được TC hứa hẹn viện trợ, ngay trong năm 1960, tại Hà Nội, đại hội III đảng Lao Động từ 5-9 đến 10-9-1960, đưa ra hai mục tiêu lớn là xây dựng xã hội chủ nghĩa ở BVN và giải phóng NVN bằng võ lực, nghĩa là động binh tấn công NVN, tức BVN công khai vi phạm (xé bỏ) hiệp định Genève năm 1954.



Hồ Chí Minh, Lê Duẩn, Văn Tiến Dũng liên tục qua TC hội họp và thương lượng với các lãnh tụ TC.  Ngoài quân viện, từ  tháng 6-1965 đến tháng 3-1968, TC gởi sang BVN 320,000 quân, trú đóng ở các tỉnh và thành phố phía bắc Hà Nội, điều khiển các súng phòng không, sửa chữa đường sá, cầu cống, đường xe lửa, bảo vệ các tỉnh phía bắc, nhằm giúp BVN kéo hết lực lượng xuống tấn công NVN.  (Qiang Zhai,sđd., tr. 135.  Tuy nhiên, theo Henry Kissinger,On China, Toronto: Penguin Group (Canada), 2011, tr. 342, thì Trung Cộng chỉ gởi 100,000 quân.)



HOA KỲ VÀ CHIẾN TRANH VIỆT NAM



Về phía Hoa Kỳ, sách vở tài liệu Hoa Kỳ đều cho rằng Hoa Kỳ giúp VNCH hay NVN nhằm chống lại sự xâm lăng của BVN, nhứt là sự bành trướng của TC.  Tuy nhiên, kết cuộc bi thảm của VNCH năm 1975 đặt ra một câu hỏi:  Liệu Hoa Kỳ có thật tâm giúp VNCH tự bảo vệ và chống cộng sản không?



Khi Bắc Triều Tiên xâm lăng Nam Triều Tiên (NTT) năm 1950 thì Hoa Kỳ hưởng ứng lời kêu gọi của Liên Hiệp Quốc, đưa quân qua giúp NTT chống BTT.  Tại đây, Hoa Kỳ đụng độ với Trung Cộng, và cuối cùng hai bên NTT và BTT ký hiệp ước đình chiến Bàn Môn Điếm(Panmunjom) ngày 27-7-1953.  Để bảo vệ NTT, Hoa Kỳ ký với NTT ngày 1-10-1953 Hiệp định Phòng thủ Hỗ tương giữa Hoa Kỳ và Cộng Hòa Triều Tiên (Mutual Defense Treaty Between the United States and the Republic of Korea).



Tháng 9-1954, TC đe dọa Trung Hoa Dân Quốc (THDQ tức Đài Loan), pháo kích hai quần đảo Kim Môn - Mã Tổ (Kinmen-Mazu).  Hai quần đảo nầy nằm cách hải cảng Hạ Môn (Xiamen), tỉnh Phúc Kiến (Fujian) của TC khoảng 15 Km, và nằm cách bờ biển Đài Loan khoảng 270 Km, nhưng thuộc chủ quyền của Đài Loan.  Hoa Kỳ liền ký với THDQ ngày 2-12-1954 Hiệp định Phòng thủ Hỗ tương Hoa-Mỹ (Sino-American Mutual Defense Treaty) còn gọi là Hiệp định Phòng thủ chung giữa Hoa Kỳ và Trung Hoa Dân Quốc (Mutual Defense Treaty between the United States of America and the Republic of China).  Năm 1972, Hoa Kỳ ký thông cáo chung Thượng Hải với TC, công nhận CHNDTH hay TC là nhà nước hợp pháp duy nhất của Trung Hoa, nhưng Hoa Kỳ vẫn bảo vệ nền độc lập và tự trị của THDQ (Đài Loan) bằng “Đạo luật quan hệ Đài Loan” (Taiwan Relations Act, 10-4-1979).



Với Nhật Bản, sau các hiệp ước 1951 và 1954, Hoa Kỳ ký thêm ngày 19-1-1960 Hiệp định Hợp tác và An ninh Hỗ tương giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản (Treaty of Mutual Cooperation and Security between the United States and Japan).



Trong khi đó, lúc đầu giữa Hoa Kỳ và VNCH không ký kết một hiệp ước quân sự vì điều 19 chương III hiệp định Genève (20-7-1954) ghi rằng: “Hai bên cam đoan rằng vùng thuộc về họ không gia nhập một liên minh quân sự nào và không bị sử dụng để gây lại chiến tranh hoặc phục vụ cho một chính sách xâm lược”.  Tuy nhiên sau khi đảng Lao Động công khai vi phạm (xé bỏ) hiệp định Genève tại đại hội III ở Hà Nội vào tháng 9-1960, thì tổng thống Ngô Đình Diệm hai lần đề nghị Hoa Kỳ ký với VNCH một hiệp ước phòng thủ hỗ tương giữa hai nước, nhưng phía Hoa Kỳ cũng từ chối.  Tổng thống Diệm đề nghị lần thứ nhứt ngày 29-9-1961 với đô đốc Harry D. Felt, tư lệnh lực lượng Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương. (Stanley Karnow, Vietnam, a History, New York: The Viking Press, 1983, tr. 251.)  Tổng thống Diệm đề nghị lần thứ hai với đại tướng Maxwell Taylor, tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ, đến Sài Gòn từ 18 đến 24-10-1961. (John S. Bowman, The Vietnam War, Day by Day, New York: Mallard Press, 1989, tr. 22.)



Thêm nữa, khi đem bộ binh vào Nam Việt Nam (NVN) năm 1965, thì đại sứ Hoa Kỳ tại VNCH Maxwell Taylor vận động với thủ tướng Phan Huy Quát và các tướng lãnh, và hai bên Việt Mỹ “thỏa thuận miệng” (không ký văn bản) để cho Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ đổ bộ vào Đà Nẵng ngày 8-3-1965.  Sau đó, khi muốn rút quân, thì Hoa Kỳ tự động rút quân, và chỉ thông báo cho tổng thống VNCH biết.



Như thế Hoa Kỳ không ký một hiệp ước nào với VNCH.  Phải chăng đây là dấu hiệu cho thấy Hoa Kỳ không cương quyết giúp đỡ VNCH chống CS như Hoa Kỳ đã giúp đỡ NTT, Nhật, Đài Loan, dầu lúc đó VNCH được mệnh danh là “tiền đồn chống cộng”?  Phải chăng Hoa Kỳ chỉ muốn kết hợp với VNCH thành một liên minh không văn bản, khỏi bị ràng buột chặt chẽ với VNCH, để Hoa Kỳ rộng đường hành động và xoay xở khi đối đầu với TC trong lúc tình hình thế giới đang thay đổi.



Quả thật tình hình quốc tế đang biến chuyển mạnh vì Trung Cộng chống đối chủ trương “sống chung hòa bình” giữa các nước không cùng chế độ chính trị do bí thư thứ nhất đảng CSLX Nikita Khrushchev đưa ra năm 1956.  Càng ngày TC càng cứng rắn, nhứt là từ khi TC thử nghiệm thành công bom nguyên ngày 16-10-1964. (Google: “China Nuclear Forces”.)   Ngày 2-3-1969 bùng nổ chiến tranh biên giới Nga-Hoa tại sông Ussuri (Ô Tô Lý Giang), phía bắc TC.



Khi TC lên hàng cường quốc nguyên tử, Hoa Kỳ bắt đầu quan ngại.  Richard Nixon, cựu phó tổng thống thời tổng thống Dwight D. Eisenhower, trên báo Foreign Affairs số tháng 10-1967, viết rằng không nên để cho TC sống biệt lập ngoài đại gia đình thế giới.  (Henry Kissinger, On China, Toronto: Penguin Group (Canada), 2011, tr. 202.)  Vì vậy Hoa Kỳ bắt đầu muốn nói chuyện với TC, vừa vì thế lực nguyên tử mới xuất hiện, vừa vì muốn gây chia rẽ trong khối CS sau vụ TC và Liên Xô đánh nhau.



Về phía TC, khi cuộc tranh chấp Nga-Hoa đưa đến chiến tranh, thì TC phát sinh nhu cầu làm bạn với một cường quốc nguyên tử để tạo thế cân bằng với Liên Xô.  Lúc đó cường quốc mà TC nhắm đến không nước nào khác hơn là Hoa Kỳ, vì Hoa Kỳ có võ khí nguyên tử và Hoa Kỳ cũng chống Liên Xô.  Về địa chính trị, Hoa Kỳ ở xa TC, trong khi Liên Xô nằm sát biên giới TC.  Do đó, TC cũng có nhu cầu muốn nói chuyện với Hoa Kỳ.  Sau một thời gian dọ dẫm, hai bên bắt đầu xích lại gần nhau.

Tại Hoa Kỳ, sau khi thắng cử và lên làm tổng thống ngày 20-1-1969, Richard Nixon đưa ra kế hoạch “Việt Nam hóa chiến tranh” (Vietnamization), chuyển gánh nặng quân sự qua cho quân lực VNCH, rút quân đội Hoa Kỳ về nước.  Tháng 2-1972, Richard Nixon thăm TC, mở đầu một thời kỳ mới trong bang giao Hoa Kỳ-TC.  Bắt tay được với TC, quân cờ VNCH không còn cần thiết, nên Hoa Kỳ bỏ rơi VNCH.



Chính sách của Hoa Kỳ trong thời gian tham chiến ở NVN là chiến tranh giới hạn, không tấn công BVN để tránh sự can thiệp của TC như ở Nam Triều Tiên.  Trước khi đưa bộ binh vào NVN, ngày 30-4-1964 ngoại trưởng Hoa Kỳ là Dean Rusk nhờ J. Blair Seaborn, trưởng đoàn Canada trong Ủy ban Kiểm soát Quốc tế (International Control Commission), báo cho Hà Nội biết chủ trương nầy của Hoa Kỳ và đề nghị Hà Nội ngưng ủng hộ CS miền Nam để đổi lấy viện trợ.  Seaborn trình bày lại với Phạm Văn Đồng ngày 18-6-1964 nhưng BVN không chấp thuận.  (John S. Bowman, sđd. tr. 37.)

Ngoải chính sách chiến tranh giới hạn, Hoa Kỳ còn áp đặt trong quân đội Hoa Kỳ những quy tắc tham chiến (rules of engagement) mà một tác giả Hoa Kỳ đã nhận xét rằng: “Những quy tắc nầy bảo đảm rằng quân đội chúng ta [Hoa Kỳ] không thể thắng mà cộng sản không thể thua.” (Steve Farrell, Why We Lost in Vietnam - The Untold Story, University of Toronto, School of Continuimg Studies, The Moral Liberal.)  Thượng nghị sĩ Barry Goldwater, đảng Cộng Hòa bang Arizona, gọi đây là “no win policy” (chính sách không thắng). (The Bryan Times, Thursday April 17, 1975, tr. 6.http://news.google.com/newspapers.)



Đánh trận mà không thắng không thua để làm gì thì chưa biết, nhưng chắc chắn chiến tranh sẽ kéo dài và Hoa Kỳ có thời gian tiêu thụ cho hết số võ khí tồn kho của Hoa Kỳ từ thời thế chiến thứ hai còn lại.  Các cựu quân nhân VNCH đều cho biết cho đến năm 1968, quân đội VNCH vẫn sử dụng các loại súng cũ như Carbine M1 hay Garand M1, máy bay AD5, AD6 … thời thế chiến thứ hai.



Trên chiến trường Việt Nam, Hoa Kỳ còn thử nghiệm một số võ khí mới, mà dễ thấy nhứt là súng AR15 (tức M16) xuất hiện khoảng năm 1965, và quân nhân Việt Nam sử dụng từ năm 1968; thiết giáp xa Patton 48; phản lực cơ F4-Phantom; oanh tạc cơ B52 lần đầu tiên trên thế giới xuất chiến ở Bình Dương ngày 17-6-1965 trong chiến dịch Arc Light; bột khai quang màu da cam; loại bom bi khi phát nổ phóng ra những chùm bi nhỏ sát thương. (Về việc B52 xuất chiến lần đầu ở Bình Dương, theo John S. Bowman, sđd. tr. 72. Tài liệu về các loại võ khí mới của Hoa Kỳ sử dụng ở Việt Nam, theo các website: HISTORY: Weapons of the Vietnam War: https://www.history.com/topics/vietnam-war/weapons-of-the-vietnam-war và Vietnam Equipment:https://www.pritzkermilitary.org/explore/vietnam-war/vietnam-equipment/.  )



Cũng trên chiến trường Việt Nam, Hoa Kỳ lại có cơ hội theo dõi, nghiên cứu những loại võ khí mới của Liên Xô viện trợ cho quân đội CS sử dụng ở Việt Nam.  Ngoài các loại súng của CS như AK-47, Hoa Kỳ còn nghiên cứu các loại xe thiết giáp của Liên Xô và các loại hỏa tiển phòng không của Liên Xô.



Điểm quan trọng là khi đến Việt Nam, Hoa Kỳ chỉ hành động theo chủ trương chính sách của Hoa Kỳ, quan điểm của Hoa Kỳ, cho lợi ích của Hoa Kỳ.  Hoa Kỳ ít quan tân đến đề nghị, nguyện vọng và quyền lợi của phía VNCH.  Ví dụ cố vấn Hoa Kỳ huấn luyện quân sự theo lý thuyết chiến tranh của Hoa Kỳ, dựa trên hỏa lực tối tân và dồi dào mà không dựa trên điều kiện Việt Nam, hoặc Hoa Kỳ không tìm ra đối sách chống lại du kích, mà Hoa Kỳ bác bỏ các đề nghị bắc tiến của các tướng lãnh VNCH để chận đứng du kích CS ở NVN; và Hoa Kỳ cản trở kế hoạch của VNCH sản xuất đạn dược để VNCH tự cung ứng nhu cầu chiến tranh…



Người Hoa Kỳ tính toán tinh vi đến nỗi vào nắm 1972, BVN tràn quân qua vĩ tuyến 17, tấn công VNCH.  Viện dẫn lý do nầy, Quân đoàn I đưa ra đề nghị đánh thẳng qua sông Bến Hải, nhằm đe dọa hậu cứ địch, nhưng cố vấn Mỹ không đồng ý.  Lo ngại Quân đoàn I có thể tự ý tiến quân ra BVN, các cố vấn Mỹ giới hạn việc cấp bổng tiếp vận cho Lữ đoàn 1 Kỵ binh 20 gallons xăng mỗi ngày cho một xe, đạn pháo binh chỉ được bắn 5 quả mỗi ngày cho một khẩu và ngưng tiếp tế lương khô cho Lữ đoàn.  (Hà Mai Việt, Thép và Máu, Thiết giáp trong chiến tranh, Texas: 2005, tr. 103.)



Khi quyết định rút lui khỏi NVN, Hoa Kỳ vận động ký hiệp định Paris ngày 27-1-1973 gọi là 4 bên, nhưng thật sự chỉ giữa Hoa Kỳ và BVN trong khi NVN bị ép phải ký.  Trong hiệp định nầy, chương II về “Chấm dưt chiến sự - Rút quân”, điều 2, quy định rằng Hoa Kỳ sẽ rút hết quân về nước, nhưng qua điều 3 khoản b, thì bộ đội BVN vẫn đóng lại ở NVN.  Phía BVN hớn hở xem đây là một thắng lợi của CS vì Hoa Kỳ dứt khoát bỏ rơi NVN, và CS tin rằng sẽ dễ dàng tiếp tục tấn công NVN.



Sau đó  điều 21 (chương VIII) viết như sau:  “Theo chính sách truyền thống của mình, Hoa Kỳ sẽ đóng góp vào việc hàn gắn vết thương chiến tranh và công cuộc xây dựng sau chiến tranh ở Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và toàn Đông Dương.”  Hai bên thương lượng và thỏa thuận Hoa Kỳ sẽ giúp BVN 3,25 tỷ Mỹ kim để tái thiết.  Richard Nixon gởi thư cho Phạm Văn Đồng ngày 1-2-1973 xác nhận điều nầy.  Trong thư, phần phụ lục ghi thêm rằng việc giúp đỡ “sẽ được thực hiện bởi mỗi bên theo các điều khoản hiến pháp của mỗi nước.”  (Lê Quỳnh, “Lá thư mật Nixon và quan hệ Việt-Mỹ”, BBC Việt ngữ 11-5-2008.)



Khi BVN cưỡng chiếm được Sài Gòn, vi phạm hiệp định Paris, thì không có lý do gì Hoa Kỳ phải tôn trọng những cam kết giúp đỡ nhân đạo cho BVN.  Thế là sau khi rút về nước tất cả tù binh Hoa Kỳ bị CS bắt giam, Hoa Kỳ xù luôn một cách hợp lý chuyện 3,25 tỷ Mỹ kim, khỏi cần bồi thường gì cả.



Về phía VNCH, dầu bị Hoa Kỳ bỏ rơi, quân đội VNCH vẫn tiếp tục chiến đấu, nên ngoại trưởng Hoa Kỳ là Henry Kissinger đã trù ẻo: “Tại sao họ không chết lẹ đi cho rồi?  Điều tệ nhất có thể xảy ra là họ cứ sống dai dẳng hoài.” (Lời của Henry Kissinger nói với Ron Nessen. Ron Nessen thuật lại trong sách It Sure Looks Different from the Inside, Chicago: Playboy Press, 1978, tr. 98.  Nguyễn Tiến Hưng và Jerrold L. Schecter trích dẫn, Hồ sơ mật dinh Độc Lập, Los Angeles: C & K Promotions, Inc., 1987, tr. 512.)  Đến giúp nhau mà sao trù ẻo nhau như thế?



Tuy nhiên điều tệ hại nhất cho VNCH là vào tháng 2-1975, các loại đạn dược tồn kho chỉ đủ dùng trong khoảng 30 ngày. (Cao Văn Viên,Những ngày cuối của Việt Nam Cộng Hòa, Virginia: Vietnam Bibliography, 2003, tr. 92.)  Hết đạn thì làm sao mà chiến đấu, nên cuối cùng quân đội VNCH phải hạ khí giới.  Xin chú ý là cho đến năm 1973, khi quân đội VNCH còn được trang bị đầy đủ, thì bộ đội CS không thắng được trận nào, kể cả vụ CS bất ngờ đánh lén nhân Tết Mậu Thân (1968).



Chẳng những trù ẻo, truyền thông Hoa Kỳ, giới phản chiến Hoa Kỳ lớn tiếng cố tình đổ lỗi, gán ghép sự thất bại của VNCH năm 1975 hoàn toàn do lỗi VNCH, do hành chánh VNCH “tham nhũng”, do quân đội VNCH “bất tài”, nhằm khỏa lấp chính sách “bất phân thắng bại" (no win policy) và chủ trương “chiến tranh giới hạn” (limited war), rồi bỏ rơi VNCH để bắt tay với TC.



Khi cần thì tung hô VNCH là “tiền đồn chống cộng”, tổng thống Ngô Đình Diệm là “Winston Churchill of Asia” (lời của phó tổng thống Lyndon Johnson tại Sài Gòn ngày 12-5-1961).  Khi không cần thì thảm sát ngày 2-11-1963, rồi sau đó thì “Việt Nam hóa chiến tranh” để mưu cầu một nền “hòa bình trong danh dự” riêng cho Hoa Kỳ, bỏ xó “tiền đồn chống cộng” “sống chết mặc bay”, cúp viện trợ, cúp võ khí, rồi còn trù độc “chết lẹ đi cho rồi.”



Trong khi đó, vào cuối tháng 4-1975, Graham Martin, đại sứ Hoa Kỳ cuối cùng tại VNCH, đến mời tổng thống Trần Văn Hương di tản qua Hoa Kỳ, thì tổng thống Hương từ chối và nhã nhặn đáp rằng: “Đã đến đỗi như vậy, Hoa Kỳ cũng có phần trách nhiệm trong đó.”  (Trần Đông Phong, Việt Nam Cộng Hòa 10 ngày cuối cùng, California: Nxb. Nam Việt, 2006, tr. 353.)



KẾT LUẬN



Tóm lại, trong cuộc chiến 1954-1975, Liên Xô (LX) và Trung Cộng (TC) viện trợ cho BVN tấn công NVN.  Còn Hoa Kỳ viện trợ cho NVN chống lại BVN.



Từ năm 1920, Nga rồi Liên Xô sử dụng ĐTQTCS làm công cụ để xuất khẩu cách mạng nhằm thành lập một đế quốc kiểu mới gồm các nước CS thuộc quyền Liên Xô.  Đệ tam QTCS đã đào tạo HCM thành một gián điệp phục vụ cho mưu đồ nầy của Liên Xô.  Liên Xô ở xa Việt Nam, ít có quyền lợi ở Đông Á, giúp BVN vì: 1) HCM được LX đào tạo để làm gián điệp cho LX, du nhập chủ nghĩa CS vào Việt Nam, thi hành chủ trương bành trướng của ĐTQTCS.  2) Tranh chấp với TC nên LX viện trợ cho BVN, lôi kéo BVN về phía LX.  3) Giúp BVN chống Hoa Kỳ, kẻ thù của LX từ sau 1945.



Bành trướng là bản chất cố hữu của những nhà lãnh đạo Trung Hoa.  Thời hiện đại cộng thêm tính hiếu chiến và bạo động của chủ nghĩa CS.  chiến và bạo động của chủ nghĩa CS.  Trung Cộng đã góp phần rất lớn giúp CSVN thành công trong cả hai cuộc chiến 1946-1954 và 1954-1975.  Trung Cộng giúp BVN vì: 1) Bảo vệ an ninh biên giới phía nam TC.  2) Bành trướng và tìm đường tiến xuống ĐNA.  3) Ngăn chận ảnh hưởng của Hoa Kỳ.



Hoa Kỳ trở thành cường quốc nguyên tử từ năm 1945, đứng đầu khối tư bản sau thế chiến thứ hai, đến giúp NVN vì: 1) Muốn xây dựng NVN thành tiền đồn chống cộng, bảo vệ Hoa Kỳ từ xa.  2)  Chống Liên Xô và sự bành trướng của chủ nghĩa CS.  3) Bao vây TC, ngăn chận TC xuống ĐNA.  Tuy nhiên, do tính thực dụng, cấp tiến, sẵn sàng thay đổi để tiến bộ và phát triển, nên sau khi liên lạc và thỏa hiệp với TC, thì Hoa Kỳ bỏ rơi NVN và rút ra quân về nước.



Trong khi đó, BVN nhờ viện trợ Liên Xô và TC, xâm lăng NVN nhằm bành trướng quyền lực và phủ sóng CS lên toàn cõi Việt Nam.  Nam Việt Nam yếu thế, không lẽ ngồi chờ chết, đành phải nhờ Hoa Kỳ giúp đỡ để tự vệ.  Hai bên có hai cách viện trợ khác nhau: Đảng CS Liên Xô và TC độc tài đảng trị, bí mật viện trợ không cần thông qua quốc hội, và viện trợ cho BVN từ đầu đến cuối cuộc chiến (1975).  Hoa Kỳ là nước dân chủ, viện trợ cho NVN phải công khai thông qua quốc hội; và đến năm 1972 thì quốc hội Hoa Kỳ ra lệnh giảm thiểu và chấm dứt viện trợ.



Hai bên Bắc và Nam Việt Nam đánh nhau bằng võ khí của ngoại bang.  Dân chúng cả hai bên đều chết vì võ khí của ngoại bang.  Hàng trăm ngàn thanh niên cả hai bên đã nằm xuống, nhưng ý nghĩa khác nhau:



-   Thanh niên Trung Cộng chết vì âm mưu của tập đoàn CS Bắc Kinh, số lượng không đáng kể.



-   Trên 58,000 thanh niên Hoa Kỳ tử trận ở Việt Nam là ân nhân của NVN vì bảo vệ nền tự do của NVN, đồng thời vừa vì sứ mệnh ngăn chận CS từ xa của Hoa Kỳ.



-  Hàng trăm ngàn thanh niên Bắc Việt Nam thiêu thân trong cuộc xâm lăng NVN vì tham vọng bành trướng chủ nghĩa CS và giấc mộng quyền lực của giới lãnh đạo BVN.  Nữ văn sĩ Dương Thu Hương, vào đến Sài Gòn năm 1975, đã ngồi khóc bên vệ đường vì bà nghĩ rằng tuổi thanh xuân của bà “bị hy sinh một cách uổng phí” (nguyên văn lời của Dương Thu Hương).



-   Hàng trăm ngàn thanh niên Nam Việt Nam hy sinh vì lý tưởng tự do dân chủ, bảo vệ nền độc lập và sự sống còn của miền NVN, và bảo vệ nền văn hóa dân tộc cổ truyền còn được bảo lưu ở NVN. 



Cuối cùng người Việt Nam ở cả hai bên lãnh đủ bom đạn ngoại bang.  Nước Việt Nam bị tàn phá trầm trọng.  Cả hai bên, Nam và Bắc Việt Nam, đều bị các thế lực ngoại bang dùng viện trợ chi phối theo quyền lợi của ngoại bang.  Đây là kinh nghiệm xương máu đau thương nhớ đời cho người Việt Nam ở cả hai bên, không thể tin tưởng bất cứ ngoại bang nào, dù cộng sản hay tư bản.



TRẦN GIA PHỤNG