Đức Giêsu qua đời ngày nào và năm nào ?

Đức Giêsu qua đời ngày nào và năm nào ? 

Lê Phú Hải omi 


C hính yếu cuộc đời Đức Giêsu đều dựa vào các Tin Mừng. Yếu tố chắc nhất về cuộc đời Đức Giêsu chính là cái chết. Tin Mừng cho biết hai điều chắc chắn đó như sau:

 1. Người chết dưới triều Phongxiô Philatô làm tổng trấn xứ Giuđê từ năm 26 đến năm 36.

2. Mc 15,42 và Ga 19,14-31 đều ghi Đức Giêsu chết vào ngày thứ sáu.

Hai điểm đều được các Tin Mừng ghi lại, nhưng cũng có một vài điểm khác biệt cần nêu lên để được rõ chính xác hơn. Dù Máccô và Gioan đều nói về ngày thứ sáu nhưng hai tác giả lại không đồng ý đó là ngày thứ sáu nào?


Theo Mc 14,12 và Lc 22,8.11.15, ngày thứ sáu đó trùng hợp với lễ Vượt qua của người Do Thái, tức là ngày 15 tháng Nisan (tháng 4 lịch hiện tại).

Đức Giêsu dùng bữa cơm Vượt qua vào tối hôm thứ năm và Người chết ngay hôm sau đúng ngày lễ Vượt qua. Người Do Thái tính ngày bắt đầu từ buổi chiều khi ngôi sao đầu tiên bắt đầu xuất hiện trên bầu trời. Lễ Vượt qua kéo dài trong vòng 7 ngày từ 15 đến mùng 21 tháng Nisan.

Ngày 14 Nisan sửa soạn lễ: Trong các gia đình, loại bỏ men cũ và bắt đầu tuần lễ bánh không men. Ngoài ra mỗi gia đình phải giết một con chiên hoặc một dê con đực ở đền thờ. Họ lấy máu vật hiến tế và đánh dấu trên cửa nhà với một nhành cây bài hương đúng theo nghi thức bảo vệ các con trai đầu lòng Do Thái trước cuộc Xuất hành (Xh 12,7 và 13). Sau đó thịt chiên được đem đi nướng đầy đủ với xương. Buổi phụng vụ thường tổ chức trên tầng một ngôi nhà được trang hoàng đẹp cho ngày lễ.

Theo các tác giả nhất lãm, niên biểu được biết như sau: Thứ năm 14 Nisan: sửa soạn lễ Vượt qua. Đức Giêsu dùng bữa với các môn đệ. Thứ sáu 15 Nisan: Đức Giêsu chịu chết ngay ngày đầu lễ Vượt qua.

 Theo Gioan, ngày thứ sáu đó rơi vào ngày 14 tháng Nisan, vào buổi chiều trước lễ Vượt qua. Bởi vậy khi người Do Thái dẫn Đức Giêsu đến toà quan tổng trấn Phongxiô Philatô, họ không vào dinh thự để khỏi “bị nhiễm uế mà không ăn lễ Vượt qua được” (Ga 18,28).

Theo lề luật vào nhà một người ngoại sẽ bị ô uế nên họ tránh, nhất là trong những ngày áp các lễ trọng. Vì vậy, theo Gioan Đức Giêsu chết đúng vào lúc người Do Thái giết chiên ở đền thờ. Niên biểu theo Gioan Thứ sáu 14 Nisan: Đức Giêsu chịu chết ngay ngày sửa soạn lễ Vượt qua. Thứ bảy 15 Nisan: Ngày đầu lễ Vượt qua.

 Trước sự khác biệt này tác giả nào chính xác hơn?

Các nhà nghiên cứu đưa ra 3 giả thuyết:

1. Đức Giêsu có thể mừng lễ Vượt qua vào thứ ba 4/4 theo một niên lịch không chính thức. Giả thuyết làm cho việc kết án Đức Giêsu được kéo dài hơn là một vụ án vội vã, và được kết thúc trước lễ Vượt qua.

2. Đức Giêsu cho ý nghĩa bữa ăn thứ năm

 3. Đức Giêsu cử hành lễ Vượt qua trước một ngày.

Cả 3 giả thuyết trên đều mang những điểm yếu và không chắc chắn.

 Các sử gia không thể nào quyết định tác giả nào hoàn toàn đúng. Nhưng có điểm quan trọng để họ cho Gioan có lý.

Theo lề luật, không thể nào tử hình một tội nhân trong ngày lễ Vượt qua, vì vậy người La Mã không thể nào phạm một lỗi lầm chính trị quan trọng khi cho lệnh hành quyết Đức Giêsu.

Ngoài ra, theo sách “Talmud Babylone” viết vào thế kỷ thứ hai cũng nói về cái chết Đức Giêsu theo đúng niên biểu Gioan. Vậy tại sao các tác giả nhất lãm lại viết khác?

Khi soạn Tin Mừng, họ để Đức Giêsu dùng bữa tiệc cuối cùng như tiệc Vượt qua. Họ không theo niên biểu chính xác vì họ muốn đưa ra ý nghĩa thần học coi bữa tiệc ly như bữa cơm Vượt qua, bữa cơm của sự Giải Phóng.

Vậy, theo Gioan Đức Giêsu chết thứ sáu 14 Nisan. Các sử gia đi tìm trong lịch sử có thứ sáu nào rơi đúng ngày 14 tháng Nisan không; và họ biết được có tất cả 2 thứ sáu hợp với 14 tháng Nisan là thứ sáu 7 tháng 4 năm 30 và thứ sáu 3 tháng 4 năm 33. Và cũng theo Gioan, Đức Giêsu hoạt động công khai ít nhất 2 năm vì Người đã tham dự tất cả 3 lễ Vượt qua.

Nếu Người chết năm 33 là quá trễ, vì thế có thể nói khá chắc chắn Đức Giêsu chết ngày thứ sáu 7 tháng 4 năm 30, lúc được khoảng 35 tuổi. Nếu lấy theo niên biểu nhất lãm, Đức Giêsu chết ngày 27.4.31.

Lê Phú Hải omi

trích : Lê Phú Hải, Đức Giêsu Nazareth, NXB Tôn Giáo, VN - 2011