Về Tướng Lê Minh Đảo và những ngày cuối cùng của cuôc chiến.
LS Lê Trọng Quát
Tôi thiển nghĩ không nên nhắc nhở như vậy vì các lý do :
-Nói chung về cách xử thế, khi một người vừa nằm xuống vĩnh biệt cõi đời, không ai nhắc nhở liền những điều không hay dù có thật về người quá cố.
-Hơn nữa, không có bằng cứ gì xác thực, được kiểm chứng rõ ràng về sự kiện đại úy Đảo giết đại tá Tung và thiếu tá Triệu.
Một hai cuốn sách giữa hàng nghìn cuốn sách và bài viết về vụ đảo chính ngày 1 tháng 11,1963 mà nội dung, tình tiết, sự việc kể lại mâu thuẫn nhau như chúng ta đã biết, không thể làm cơ sở cho một lời cáo buộc quan trọng như vậy.
-Đặc biệt trong vụ này, người bị cáo buộc là một tướng lãnh VNCH đã anh dũng chiến đấu đến phút cuối cùng và vì vậy đã bị địch cầm tù 17 năm, chịu đựng biết bao nhiêu là khổ nhục.
-Tùy viên cho một cấp lãnh đạo chính phủ hay một tướng lãnh thì có gì đáng chê khi biết rằng sau khi làm tùy viên một thời gian ngắn, một vài năm, viên sĩ quan ấy sẽ đến hay trở về một đơn vị tác chiến, tham mưu hay chuyên môn tiếp tục phục vụ binh nghiệp của mình.
Tôi đơn cử hai trường hợp tôi biết rõ trong tất cả các trường hợp khác : Phó đề đốc Hồ văn Kỳ Thoại nguyên là sĩ quan tùy viên của Tổng Thống Ngô Đình Diệm, trung úy Lê Châu Lộc sau khi hết làm tùy viên cho TT Diệm đã đến phục vụ một đơn vị Pháo Binh nếu tôi không lầm và đắc cử thượng nghị sĩ thời Đệ Nhị VNCH.
Thông thường các giới chức lựa chọn sĩ quan tùy viên theo tiêu chuẩn tư cách và sự trung thành mà các vị ấy nhận xét.
2.Theo tất cả các nguồn tin phối kiểm kể cả lời kể lại của một người chủ mưu của vụ đảo chính, tướng Trần văn Đôn trong cuốn sách « Việt Nam Nhân Chúng » của ông, thì lệnh giết TT Diệm, ông Cố vấn Nhu, đại tá Tung, thiếu tá Triệu đều do tướng Dương văn Minh, kẻ cầm đầu cuộc đảo chính ban ra.
Đứng đầu những kẻ thừa hành là tướng Mai Hữu Xuân, một tên gian ác nguyên làm mật thám thời Pháp thuộc, chỉ huy đoàn xe chở TT Diệm và ông Cố Vấn Nhu, trực tiếp bắn và đâm chết hai vị là đại úy Nguyễn văn Nhung, một tên sát thủ chuyên nghiệp, cận vệ của Dương văn Minh.
Đại tá Hồ Tấn Quyền, Tư lệnh Hải Quân, cũng bị bọn Dương văn Minh ra lệnh giết và hai kẻ thừa hành là sĩ quan dưới quyền đt Quyền đã mời ông đi ăn trưa ở Thủ Đức và giết ông trên xe hơi vào lúc cuộc đảo chính khởi sự tại buổi họp ở bộ Tổng Tham Mưu.
Chúng biết đt Quyền rất trung thành với TT Diệm sẽ chống lại bọn chúng với các đơn vị hải quân dưới quyền.
Tóm lại, theo lời kể lại của tướng Đôn về diển tiến cuộc đảo chính và của đại tá Phạm Bá Hoa, nguyên là đại úy, chánh văn phòng của tướng Trần Thiện Khiêm hiện diện ở bộ Tổng tham Mưu cạnh tướng Khiêm và đại tá Cao văn Viên đang bị cầm giử ngay tại đấy, không ai nhắc đến tên của đại úy Lê Minh Đảo.
Bạn của đại tá Quyền và đại tá Tung, tôi và nhiều bạn truy cứu nhiều tin tức và tài liệu về vụ đảo chính 1963 nhưng không ai thấy có ghi chú tên đại úy Lê Minh Đảo là sát thủ hai đại tá Tung và thiếu tá Triệu.
Trong buổi ra mắt sách của tôi « Việt Nam đi về đâu ? Huyền thoại và sự thật » tại Westminster, ngày 2 tháng 8, 2003, tôi đã mời bà quả phụ Hồ Tấn Quyền đến tham dự để chúng tôi được chia sẻ với bà nổi tiếc thương và cảm phục phu quân của bà, một chiến sĩ bị thuộc hạ sát hại vì lòng trung thành với vị Tổng Tư lệnh Quân Đội, Tổng Thống VNCH.
Cử tọa hôm ấy đã vô cùng xúc động khi bà đứng lên kể lại vắn tắc ngày bà từ Nhật bản trở về khi được hung tin chồng bị giết ( bà học nghề chăm sóc sắc đẹp để có nghề nuôi gia đình 3 phòng khi chồng chết sớm, như lời của chính đt Quyền đã nói với tôi khoảng một tuần lễ trước cuộc đảo chánh !).
Tôi cũng tìm cách mời bà quả phụ đt Tung đến dự buổi ra mắt sách nhưng không được vì hình như lúc ấy bà ở vùng Marseille , miền Nam nước Pháp.
Hôm ấy, có nhiều bạn đến dự như ông Cao Xuân Vỹ, đại tá Khôi ,tư lệnh Lữ đoàn Phòng vệ Phủ Tổng Thống lúc đảo chánh…..có nói chuyện về những kẻ sát thủ nhưng không ai nói đến đại úy Lê Minh Đảo. Và tiếp theo đây là chuyện thật về tướng Đảo và sư đoàn 18 những ngày chiến đấu khốc liệt ở Xuân Lộc chống nhiều sư đoàn Cộng quân vây hảm.
Trước cái khí thế của quân ta ở đấy và trong khuôn khổ thăm viếng,quan sát và tưởng thưởng tại mặt trận, chúng tôi gồm có Thủ Tướng Nguyễn Bá Cẩn, tôi, vài vị Cố vấn chính phủ và tướng Bùi Đình Đạm tháp tùng dùng trực thăng đến thăm đơn vị anh dũng này nhưng khi trực thăng bay ngang Dầu Giây thì bị địch quân bắn lên. Tôi thấy sẹt lửa, trực thăng vụt xuống thấp nhưng rất may đại úp phi công đã vực ngay được trực thăng lên cao và phải đổi hướng bay về Long An thăm một đại đơn vị đóng ở đấy và tiếp theo, đến Bộ Tư lệnh Quân Đoàn 3 ở Biên Hòa do tướng Nguyễn văn Toàn chỉ huy.
Tôi nhớ hôm ấy là ngày thứ tư 16 tháng 4, chúng tôi khởi hành sau khi tôi chấm dứt buổi họp với Tổng Trưởng Nội Vụ, bạn Bửu Viên và Trung Tướng Trần văn Trung, Tổng Cục Trưởng Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị tại Phủ Thủ Tướng. Rất tiếc, chúng tôi không gặp được tướng Đảo và các chiến sĩ anh hùng của quân ta đã biểu dương tinh thần chiến đấu cao cả đến phút cuối cùng của quân lực VNCH chống lại quân xâm lăng CS Bắc Việt được tập đoàn CS quốc tế hổ trợ toàn diện trong lúc chúng ta đã bị đồng minh bỏ rơi giữa lòng cuộc chiến !
Xin đính kèm vài hình ảnh của Chính phủ VNCH cuối cùng và các chiến sĩ ở tuyến đầu của trận chiến.