Lữ Giang
Khi Mỹ chọn sát thủ cho biến cố
Hôm 21.10.2017, Tống Thống Trump viết trên Tweeter: “Nếu không nhận được thông tin gì mới, với tư cách là Tổng Thống, tôi sẽ cho phép mở các hồ sơ mật và đóng kín từ lâu của Tổng Thống Kennedy.”
Ông Trump lúc nào cũng thích làm cái gì đó đặc biệt để lấy le, mặc dầu chưa biết kết quả sẽ như thế nào. Theo luật Assassination Records Collection Act 1992, sau 25 năm một hồ sơ bí mật phải được công bố. Ngày 26.10.2017, hồ sơ mật về các chết của Tổng Thống Kennedy hết hạn phải giữ bí mật, nhưng nếu vì lý do an ninh quốc gia, Tổng Thống có quyền ngăn cản không cho công bố. Các chuyên gia tin rằng hồ sơ mật về vụ ám sát Tổng Thống Kennedy chẳng có chứa đựng cái gì ghê gớm cả. Vụ án đã được giàn dựng rất gọn gàng!
Lúc 12g.30 ngày 22.11.1963, khi chiếc Limousine chở Tổng thống Kennedy tiến vào đường Elm ở Dallas thì ông bị bắn vào đầu và vai trái và được đưa vào bệnh viện Park Memorial để cấp cứu. Lúc 13g. cùng ngày, bệnh viện thông báo Tổng thống Kennedy đã qua đời.
Thủ phạm là Lee Harvey Oswald đã bị cảnh sát Dallas bắt và thẩm vấn suốt 13 giờ, nhưng Oswald chối tội. Hôm 24.11.1963 khi Oswald bị dẫn giải đến nhà tù Dallas, một gã đàn ông lạ mặt bí mật bám theo và bắn thủng bụng Oswald. Oswald bị thương nặng, cũng được đưa vào bệnh viện Park Memorial và đã chết sau đó. Thủ phạm bị bắt giữ. Kẻ giết Oswald là Jack Ruby, điều hành một hộp đêm. Được hỏi tại sao giết Oswald, Ruby khai rất gọn gàng rằng y đã hành động vì đau buồn (he had acted out of grief). Thế là vụ án đã được đóng kín lại!
Nhưng vụ án hạ sát Tổng Thống Ngô Đình Diệm, ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu và các nhân vật khác trong biến cố 1.11.1963 phức tạp hơn nhiều, vì nó nằm ngoài tầm tay của FBI và CIA, việc thực hiện phải qua trung gian của nhiều nhóm khác nhau, nên kế hoạch hành động phải phải được soạn thảo rất tĩ mỹ và chu đáo mới thành công được.
AI LÀ SÁT THỦ ĐƯỢC CHỌN LỰA?
Kế hoạch đảo chánh lật đổ chính phủ Ngô Đình Diệm do CIA phối hợp với hai tướng Trần Thiện Khiêm, Tham Mưu Trưởng Liên Quân, và Trần Văn Đôn, quyền Tổng Tham Mưu Trưởng thành lập, đã được chúng tôi trình bày chi tiết nhiều lần trên các diễn đàn cũng như trên báo Sài Gòn Nhỏ.
Sát thủ Dương Văn Minh bị bắt tuyên bố đầu hàng
Việc điều quân được giao cho Tướng Trần Thiện Khiêm, một nhân viên CIA. Tướng Trần Văn Đôn có nhiệm vụ huy động các lực lượng Thủy Quân Lục Chiến, Nhảy Dù và Thiết Giáp phong tỏa các lực lượng của chính phủ trong thủ đô. Đại Tá Nguyễn Văn Thiệu chỉ huy Sư Đoàn 5 có nhiệm vụ chiếm Dinh Gia Long. Đại Tá Nguyễn Hữu Có đi tiếp thu Sư Đoàn 7 ở Mỹ Tho để chận sư đoàn này về cứu ông Diệm. Nếu Đại Tá Thiệu không chiếm được Dinh Gia Long, Đại Tá Có sẽ dùng Sư Đoàn 7 tiếp ứng.
Trở ngại lớn nhất là Tướng Tôn Thất Đính, Tư Lệnh Quân Đoàn 3, một người vẫn trung thành với ông Diệm. Trong báo cáo gởi Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ lúc 2 giờ 24 phút chiều 29.10.1963, Đại Sứ Cabot Lodge cho biết các thân hữu trong ủy ban đảo chánh tiếp tục bao vây Tôn Thất Đình và những người này đã ra lệnh loại trừ Tướng Đính nếu ông ta tỏ ra bất cứ dấu hiệu nào làm tổn thương đến cuộc đảo chánh (FRUS 1961 – 1963. Volume IV, tr. 473 – 451). Mỗi lần gặp tôi, Tướng Đính thường xáp đến và lặp đi lặp lại câu nói sau đây: “Anh thông cảm cho tôi, vì lúc đó tôi không thể làm khác hơn được. Chính Tướng Khiêm đã gặp tôi và cho biết các tướng đã theo phe đảo chánh hết rồi, nếu tôi không theo, chúng nó sẽ giết tôi. Tôi phải nhắm mắt đi theo thôi…”
Tướng Dương Văn Minh, tuy được tôn làm Tư Lệnh cuộc đảo chánh, nhưng trong thực tế ông chỉ được CIA trao cho một nhiệm vụ duy nhất là làm sát thủ. Biết Dương Văn Minh đang bị ông Diệm cô lập vì hai vi phạm nghiêm trọng sau đây: (1) Biển thủ một thùng phuy vàng tịch thu được của Bình Xuyên và (2) chứa chấp một gián điệp cao cấp của Việt Cộng. Ngày 8.12.1962 Trung Tướng Dương Văn Minh được cử làm Cố Vấn Quân Sự Phủ Tổng Thống, một chức vụ được coi như “ngồi chơi xơi nước”. Dùng một người đang bất mãn với ông Diệm để giết ông Diệm được coi là thượng sách,
NHỮNG NGƯỜI PHẢI BỊ GIẾT
Mặc dầu ban lãnh đạo ở Washington đã quyết định phải giết những ai, nhưng Lucien Conein được phái tới giả bàn với Dương Văn Minh để xem quan điểm của ông ta như thế nào.
Công điện đề ngày 5.10.1963 do Trạm CIA ở Sài Gòn gởi cho cơ quan CIA trung ương đã cho biết Lucien Conein báo cáo rằng hôm 5.10.1963, ông ta đã họp với Tướng Dương Văn Minh trong 1 tiếng 10 phút tại bản doanh của Tướng Minh ở đường Lê Văn Duyệt. Tướng Minh có giải thích rằng những người nguy hiểm nhất ở miền Nam Việt Nam là Ngô Đình Nhu, Ngô Đình Cẩn và Ngô Trọng Hiếu. Tướng Minh nói rằng Hiếu trước đây là một người cộng sản và hiện nay vẫn còn là cảm tình viên của Cộng Sản. Khi Lucien Conein lưu ý rằng Đại Tá Lê Quang Tung là một người nguy hiểm hơn, Tướng Minh bảo rằng “nếu loại bỏ được Nhu, Cẩn và Hiếu, Đại Tá Tung sẽ qùy trước tôi.”
Chúng tôi tin rằng Conein đã lẫn lộ giữa Ngô Trọng Hiếu, Bộ Trưởng Thông Tin, với Dương Văn Hiếu, Trưởng Đoàn Công Tác Đặc Biệt, tức cơ quan mật vụ của ông Nhu. Sở dĩ Dương Văn Minh thù Dương Văn Hiếu vì chính ông này đã cho theo giỏi và phát hiện ra ổ gián điệp Việt Cộng trong nhà Dương Văn Minh nên Dương Văn Minh không được trọng dụng nữa.
Tuy có ý kiến như đã nói trên, nhưng sau này Dương Văn Minh vẫn ra lệnh giết Lê Quang Tung như Lucien Conein đã gợi ý. Theo ý kiến của các nhân viên tình báo, Lê Quang Tung là người chỉ huy các toán nhảy Bắc của Mỹ. Lê Quang Triệu cũng nằm trong toán tuyển một những người nhảy Bắc. Do đó, nếu cho giải ngũ, nhiều bí mật về tình báo có thể bị tiết lộ nên Mỹ quyết định phải giết cả hai để bảo toàn bí mật. Còn Dương Văn Hiếu không bị giết như Dương Văn Minh muốn vì Mỹ cần dùng Dương Văn Hiếu để tiếp tục theo dõi các hoạt động của Việt Cộng nằm vùng.
Ngoài những người được chỉ định, Dương Văn Minh còn có nhiệm vụ bắt giữ hay giết những người chống lại đảo chánh.
ĐƯA CÁC NHÂN VẬT KHÔNG BỊ GIẾT RA NGOẠI QUỐC
Mặc dầu đến ngày 29.9.1963 Công Đồng Vatican II mới họp kỳ thứ hai tại Roma, vào đầu tháng 9, có lẽ theo lời yêu cầu của Toà Đại Sứ Hoa Kỳ, Đức Khâm Sứ Tòa Thánh tại Sài Gòn là Giám Mục Salavator Asta đã thúc đẩy TGM Ngô Đình Thục phải lên đường đi dự Công Đồng ngay.
Ngày 7.9.1963 TGM Ngô Đình Thục đã rời Sài Gòn. Cùng đi với TGM Thục, có Đức Cha Piquet, Giám Mục Nha Trang.
Trong khi đó, ngày 10.9.1963 bà Ngô Đình Nhu đã cầm đầu một phái đoàn dân biểu đi dự Hội Nghị Quốc Tế Nghị Sĩ tại Nam Tư và nhân tiện sẽ ghé thăm nhiều nước Âu – Mỹ để “giải độc” dư luận quốc tế về vấn đề Phật Giáo.
Các giới chính trị ở Sài Gòn tin rằng khi sắp có biến cố xẩy ra cho chính phủ Ngô Đình Diệm, chính phủ Hoa Kỳ không muốn để TGM Ngô Đình Thục và bà Nhu bị phương hại, vì sợ việc hạ sát hai nhân vật này có thể có ảnh hưởng không tốt đối với dư luận quốc tế, nên đã “dàn xếp” để hai nhân vật này đi ra ngoại quốc trước.
BẮT GIAM VÀ GIẾT NHỮNG NGƯỜI CHỐNG ĐỐI
Vào khoảng 1 giờ trưa ngày 1.11.1963, khi mọi người có mặt đông đủ tại phòng họp Bộ Tổng Tham Mưu, Tướng Dương Văn Minh và Trướng Trần Văn Đôn vào phòng họp và tuyên bố Hội Đồng Tướng Lãnh quyết định lật đổ chính phủ hiện hữu. Yêu cầu mọi người đoàn kết và hợp tác với Hội Đồng Tướng Lãnh. Nếu người nào không hợp tác thì yêu cầu đứng dậy. Những người đứng dậy gồm có:
(1) Đại Tá Lê Quang Tung, Tư Lệnh Lực Lượng Đặc Biệt.
(2) Trung Tá Nguyễn Ngọc Khôi, Tư Lệnh Liên Binh Phòng Vệ Phủ Tổng Thống.
(3) Thiếu Tá Nguyễn Đức Xích, Tỉnh Trưởng Gia Định.
(4) Ông Lê Văn Văn Tư, Giám Đốc Nha Cảnh Sát Đô Thành.
(5) Đại Tá Cao Văn Viên, Tư Lệnh Lữ Đoàn Dù. Tuy nhiên, khi đứng lên Đại Tá Viên đã tuyên bố ông không chống đối Hội Đồng Tướng Lãnh, nhưng là một quân nhân, ông không tham gia chính trị.
Tướng Dương Văn Minh liền ra lệnh cho quân cảnh dẫn 4 người đầu ra khỏi phòng họp và đưa đến một phòng nằm ở tầng trệt của ngôi nhà chính mà trên cùng là văn phòng của Tổng Tham Mưu Trưởng.
Do những sự can thiệp của Tướng Đính và Tướng Khiêm, Đại Tá Cao Văn Viên được đưa đến giam ở phòng bên cạnh Tướng Khiêm. Ít lâu sau, Trung Tá Nguyễn Ngọc Khôi xin gặp Tướng Dương Văn Minh và cũng được dẫn đến giam với Đại Tá Viên.
Thiếu Tá Lê Quang Triệu, em của Đại Tá Tung, Phó Tham Mưu Hành Quân và Tiếp Vận, khi nghe Đại Tá Tung bị bắt, đã cùng với Trung Úy Lê Văn Hành, chánh văn phòng của Đại Tá Tung, đi vào Bộ Tổng Tham Mưu để hỏi tin, cũng bị giữ lại.
GIẾT ĐẠI TÁ HỒ TẤN QUYỀN
Để thực hiện cuộc đảo chánh, Tướng Dương Văn Minh đã gặp một trở ngại lớn là không thuyết phục được Đại Tá Hồ Tấn Quyền, Tư Lệnh Hải Quân tham gia. Vì thế, Dương Văn Minh, phải tìm cách loại Đại Tá Hồ Tấn Quyền và vô hiệu hoá lực lượng Hải Quân. Dương Văn Minh đã móc nối được với những sĩ quan Hải Quân sau đây chống lại Đại Tá Hồ Tấn Quyền:
- Trung Tá Chung Tấn Cang, Chỉ Huy Trưởng Giang Lực.
- Thiếu Tá Khương Hữu Bá, Chỉ Huy Trưởng Duyên Lực.
- Thiếu Tá Trương Ngọc Lực, Chỉ Huy Trưởng Vùng III Sông Ngòi.
- Đại Úy Nguyễn Kim Hương Giang, gốc Thủy Quân Lục Chiến, Chỉ Huy Trưởng Giang Đoàn 24 Xung Phong, kiêm Chỉ Huy Trưởng Đoàn Giang Vận.
Đại tá Hồ Tấn Quyền và phu nhân
Thiếu Tá Trương Ngọc Lực và Đại Úy Nguyễn Kim Hương Giang là hai người được Đại Tá Hồ Tấn Quyền đặc biệt nâng đỡ và được coi là như người thân của Đại Tá Quyền, nên nhóm đảo chánh đã thuyết phục hai sĩ quan này gài mưu bắt giữ hay giết Đại Tá Quyền.
Khoảng 10 giờ sáng hôm 1.11.1963, ngày lễ Chư Thánh được nghỉ buổi sáng, Đại Tá Quyền đã đi đánh tennis với Trung Tá Đặng Cao Thăng. Thiếu Tá Lực liền đến sân tennis mời Đại Tá Quyền đi Thủ Đức ăn trưa để mừng lễ sinh nhật thứ 36 của Đại Tá Quyền do một số anh em Hải Quân tổ chức. Đại Tá Quyền không muốn đi vì đã được điện thoại mời đến họp tại Bộ Tổng Tham Mưu vào buổi trưa. Thiếu Tá Lực năn nỉ mãi ông mới chấp nhận.
Đại Tá Quyền đã trở về nhà thay quần áo rồi lái chiếc xe Citroen đen chở Thiếu Tá Lực và Đại Úy Giang cùng đi lên Thủ Đức. Đại Quyền cầm lái, Thiếu Tá Lực ngồi ở ghế trên và Đại Úy Giang ngồi ở ghế sau. Khi xe từ xa lộ Biên Hoà rẽ vào đường đi Thủ Đức, xe nghiêng, Thiếu Tá Lực ngã vào Đại Tá Quyền rồi rút dao găm ra đâm Đại Tá Quyền. Đại Tá Quyền nhanh tay đỡ và giựt được cây dao găm, đâm vào tay Thiếu Tá Lực. Khi hai người giằng co nhau, xe ủi xuống lề đường. Đại Úy Giang ngồi ở ghế sau chồm lên dí súng vào vai phải Đại Tá Quyền và nổ súng. Đại Tá Quyền ngả gục trên tay lái, con dao găm đầy máu rớt xuống phía trước. Ngay lúc đó, một chiếc xe dân sự do tài xế của Thiếu Tá Lực lái từ sau chạy tới. Thiếu Tá Lực và anh tài xế bê xác Đại Tá Quyền bỏ vào thùng xe dân sự và cả ba lên xe này chạy về Sài Gòn.
Theo bà Đại Tá Quyền, bác sĩ bệnh viện Cộng Hòa cho bà biết ông Quyền bị giết khoảng 11 giờ trưa, nhưng được đưa về nhà Tướng Lê Văn Kim, đến 11 giờ 30 tối mới được đưa vào bệnh viện Cộng Hoà. Trung Tá Lực đã chiếm luôn chiếc xe Citroen của chồng bà.
GIẾT ĐẠI TÁ LÊ QUANG TUNG VÀ THIẾU TÁ LÊ QUANG TRIỆU
Hai nhân chứng cùng bị giam chung với Đại Tá Lê Quang Tung ở Bộ Tổng Tham Mưu ngày 1.11.1963 là Đại Tá Trần Cửu Thiên và Trung Tá Phan Bá Kỳ đã kể lại:
Khoảng 10 giờ tối, quân cảnh đem đến một chiếc xe GMC và một chiếc xe hồng thập tự bịt bùng. Quân cảnh còng tay những người bị giam lại. Trung Úy Đẩu, chánh văn phòng của Tướng Minh, yêu cầu mọi người, trừ Đại Tá Tung và Thiếu Tá Triệu, lên xe GMC. Sau đó, hai quân cảnh đến bắt Đại Tá Tung và Thiếu Tá Triệu nhốt vào trong xe hồng thập tự. Viên sĩ quan ngồi cạnh tài xế của xe hồng thập tự bảo tài xế lái xe đi ra cổng số 4 (cổng sau) của Bộ Tổng Tham Mưu. Còn Trung Úy Đẩu lên xe GMC ngồi với tài xế và bảo chạy vào khám Chí Hoà.
Tướng Lê Minh Đảo cho chúng tôi biết sau khi lật đổ ông Diệm xong, khi ngồi nói chuyện với anh em, Thiếu Tá Nguyễn Văn Nhung, người được lệnh giết Đại Tá Tung và Thiếu Tá Triệu, có kể lại như sau:
Khi xe ra khỏi cổng sau của Bộ Tổng Tham Mưu, qua một sân Goft, có một đường mương sình lầy chảy bên con đường nhỏ đi từ Nghĩa Trang Bắc Việt Tương Tế ra đường Võ Di Nguy ở Phú Nhuận, anh ta đã ra lệnh xe ngừng lại. Hai quân cảnh bảo Đại Tá Tung xuống xe và đánh ngang hông bằng báng súng. Đại Tá Tung kêu lên: “Các anh định làm gì tôi?”. Hai quân cảnh liền tiến tới đâm chết Đại Tá Tung. Sau đó, hai quân cảnh đến kéo Thiếu Tá Triệu xuống xe. Thiếu Tá Triệu to con nên vùng vẩy rất dữ, nhưng cũng bị đánh bằng báng súng và đâm chết. Hai quân cảnh đã đào hai hố nhỏ ở bên đường và vùi xác hai nạn nhân ở đó. Nhưng có người có mặt tại Bộ Tổng Tham Mưu hôm đó lại nói rằng xác của hai nạn nhân đã bị ném xuống mương sính lầy.
Khi nói chuyện, Tướng Đảo có vẽ trên tờ giấy khu Đại Tá Tung bị chôn cho tôi xem. Ông nói ông thường đi qua lại khu này nên biết rất rõ. Ông có thể giúp gia đình Đại Tá Tung đến tìm xác ở khu này. Có lẽ hai ông đều có mang thẻ bài.
BỌN ÁC ÔN CÔN ĐỒ ĐÁNG NGUYỀN RỦA
Qua vài câu chuyện được tóm lược nói trên, chúng ta thấy lời nguyền rủa của Tổng Thống Johnson đối với những kẻ làm tay sai Mỹ trong cuộc đảo chánh ngày 1.11.1963 không có gì oan uổng:
“Tất cả chúng ta đã họp lại với nhau và XỬ DỤNG MỘT BỌN ÁC ÔN CÔN ĐỒ ĐÁNG NGUYỀN RỦA để hạ sát ông ta. Bây giờ, chúng ta thật sự không có sự ổn định chính trị [ở Miền Nam Việt Nam] từ lúc đó.”
Ngoài Tổng Thống Ngô Đình Diệm, “bọn ác ôn côn đồ đáng nguyền rủa” còn tàn sát ông Ngô Đình Nhu, Đại Tá Hồ Tấn Quyền, Đại Tá Lê Quang Tung và Thiếu Tá Lê Quang Triệu một cách dã man. Tướng Minh định giết luôn Đại Tá Cao Văn Viên, Tư lệnh Lữ Đoàn Dù, nhưng Tướng Khiêm và Tướng Đính ngăn cản kịp thời. Riêng Ngô Đình Cẩn, Mỹ giao cho Tướng Nguyễn Khánh hành quyết. Thi hành xong "sứ mệnh", Mỹ loại Tướng Khánh và giao cho những người được CIA lựa chọn đứng ra lãnh đạo Miền Nam, rồi sau đó đem Miền Nam bán cho Trung Quốc và Tướng Minh lại được đẩy ra làm Hàng Tướng, trở thành sát thủ VNCH!
Nhìn lại, nhóm "ác ôn côn đồ" chẳng những làm cho tình hình Miền Nam mất ổn định mà còn làm mất Miền Nam luôn.
Ngày 26.10.2017
Lữ Giang