Một trang sử đau thương

Một trang sử đau thương :  Sự thất bại của tổng khởi nghĩa Yên Bái ngày 10 tháng 02 năm 1930


  GS Hàn Lâm TS Lê Mộng Nguyên *

Tôi vừa đọc xong ‘’Đường Thiên Lý’’, Tuyển Tập Truyện Ngắn của Linh Linh Ngọc in  cùng với bản dịch sang Anh ngữ : ‘’A Thousand-Mile Road’’ của nhạc sĩ  Trần Quan Long, xb lần thứ nhất tại Hoa Kỳ tháng 6 năm 2000, Tác giả giữ bản quyền (do Nhà Phát Hành Gió Đông ở La Mirada- California), lòng bâng khuâng, bồi hồi xúc cảm như sau khi xem một cuốn phim dài mà chủ đề là nêu cao tình thương nước, thương nhà cho đến sự hy sinh cuối cùng... 

Theo điện thư nhà văn nữ gửi cho tôi ngày 15/05/2004... cuốn sách này không phải là văn chương, là tiểu thuyết mà nó mang tính cách lịch sử, làm sáng tỏ danh dự của dân tộc qua tinh thần cách mạng của những anh hùng đã vị quốc vong thân. ‘’Tuyển Tập Truyện Ngắn’’, được chính thức gọi như thế bởi vì tác giả khiêm tốn, dè dặt, vì theo tôi, ĐTL có thể xem như là một truyện dài gồm 8 Chương (Giải Yếm Lụa, Những Điều Không Thể... , Đường Thiên Lý, Người Thiếu Phụ Võng La, Hoa Việt Quốc, Làng cách Mạng, Chi tiết Bất Ngờ, Vùng Trời Bao La), hoặc dôi lúc như một hồi ký viết theo loại tùy bút về một đoạn lịch sử rất ngắn của Việt Nam dưới thời Pháp thuộc : ngày 25/12/1927 cho đến ngày  10 tháng 02 năm 1930... Linh Linh Ngọc diễn tả trực tiếp hoặc nhắc nhở với nhiều ‘’trở về quá khứ’’ (retours en arrière) hoặc đề cập (hay ám chỉ) qua một câu truyện hiện tại, cuộc  khởi nghĩa ngày 10 tháng 02 năm 1930 tại Yên Bái với những kết quả thảm thiết vì thất bại : ‘’Hai làng Cổ Am và Võng La được bọn Việt gian mật báo với quan thầy là hai làng cách mạng mà những yếu nhân của VNQDĐ thường về hội họp. Thế là trên bản đồ hình chữ S thân yêu, hai làng nhỏ xíu thuộc vùng phụ cận Hà Nội, Hải Dương đã được bọn ngoại xâm chọn làm thí điểm đầu tiên trong ý đồ tiêu diệt mầm mống cách mạng ! Và ngày đau thương đã tới sau đó, không lâu. Trưa 16 tháng 02 năm 1930, nắng vừa lên khỏi đầu ngọn tre thì bầu trời trong xanh, một đoàn phóng pháo cơ rầm rầm bay tới làng Cổ Am. Chúng rải suốt từ đầu tới cuối làng 57 trái bom ! Những khóm tre làng oằn mình trong đạn lửa, những thịt da người tan nát trên khắp ruộng lúa nương dâu ! Những mái ấm, những miếu đình sập đổ hoang tàn !!! Tiếp đến là các làng Phong Cầu, Đồng Tải, Võng La, Sơn Dương... đều bị bọn thực dân mang lính Khố Xanh, trang bị súng đạn, dao găm, mã tấu...  tới tàn sát, triệt hạ dã man không nương tay ! Quả đây là ý đồ tận diệt mầm mống cách mạng !!!’’ (Làng Cách Mạng, Tr. 103-104). Giáo sư Thomas LARGET, trong bài TỰA cho bản tiếng Pháp (do Antoine Nguyễn Tấn Phước phỏng dịch và BẠT của Lê Mộng Nguyên), so sánh cuộc khủng bố  làng Cổ Am bởi Pháp thực dân với vụ tàn sát Mỹ Lai do quân đội Hoa Kỳ trong chiến tranh Mỹ-Việt Bắc (1955-1975). Riêng tôi xin nói thêm vụ tàn sát hầu hết dân chúng làng Oradour-sur-Glane (643 người, trong đó có đến 500 đàn bà và trẻ con) tại Pháp ngày 10/06/1944 do Quân Đội Đức Quốc Xã trên con đường thối lui về nước (để trả thù sự tấn công của Kháng Chiến và việc Quân Đội Đồng Minh đổ bộ tại Normandie ngày 06/06/1944).
    
     Nguồn gốc xa xưa của VNQDĐ có thể nằm trong năm 1905 (Nhật Bản thắng trận Port-Arthur trước Thủy quân Nga), vì từ đó một phong trào tân quốc gia chủ nghĩa  bắt đầu tại Việt Nam thuộc địa. Nhưng mọi người đều đồng ý lấy năm 1927 là năm thành lập của Đảng. Lịch sử của VNQDĐ đã được tôi kể lại  trong sách ‘’ Giai Cấp Xã Hội và Phong Trào Chính Trị tại Việt Nam từ 1919 đến 1939’’ (Classes sociales et Mouvements politiques au Vietnam de 1919 à 1939, Luận Án Tiến sĩ Quốc Gia Khoa Học Chính Trị do tác giả Lê Mộng Nguyên trình bày trước Đại Học Luật Khoa Paris ngày 08/02/1962 - Giải Thưởng Luận Án  [Prix de Thèse] năm 1963), qua nhiều đoạn (x. tr. 286-296), đại khái  như sau... Hồi ấy, Nam Đồng Thư Xã được coi như một nhà xuất bản chuyên môn phát hành  sách đề cao  chủ nghĩa quốc gia và cách mạng. Trong mục đích phổ biến tư tưởng này, các sáng lập viên phần đông là ký giả,  giáo viên hoặc chính luận gia, thắt chặt tình bạn hữu với nhau trong một tâm đầu ý hợp cao cả. Có lẽ vì vậy mà nhà xuất bản NĐTX rất sớm bị chính phủ thuộc địa ra lệnh đóng cửa. Từ đó, trụ sở NĐTX biến thành nơi hội họp thường xuyên của các cựu cộng tác viên. Trong đám ấy có một nguời trai trẻ rất can đảm, đầy hiệu lực là Nguyễn Thái Học, cựu sinh viên Trường Cao Đẳng Sư Phạm Hà Nội. Ông quyết định (vào khoảng cuối năm 1927) thành lập một đảng chính trị gọi là Việt Nam Quốc Dân Đảng (VNQDĐ). Ngay từ đầu,  chương trình và cơ cấu tổ chức của đảng mô phỏng hoàn toàn Quốc Dân Đảng Trung Hoa (Quốc Gia, Dân Chủ, Xã Hội). Tuy nhiên về mặt xã hội, dự định cải cách của Đảng rất sơ sài, mặc dầu một lời khuyến cáo trọng thể nhằm thiết lập chính thể xã hội dân chủ (social-démocratie) một khi độc lập nước nhà được hồi phục. Phần tư tưởng, Đảng dựa trên ba nguyên tắc nói trên, của chủ nghĩa Quốc Gia Cộng Hòa Tàu. Trái lại về mặt tổ chức, VNQDĐ lấy hứng cảm nhiều trong Đảng Cộng Sản Nga. VNQDĐ dùng tuyên truyền và bạo lực để đạt mục đích : tiêu trừ đế quốc Pháp và thiết lập một chính phủ Cộng Hòa với ba châm ngôn : Tự Do, Bình Đẳng, Bác Ái... Hoạt động tuyên truyền của Đảng rất hăng say và đi thẳng vào lòng dân chúng Bắc Kỳ và miền Bắc Trung Kỳ. Ở đây, VNQDĐ thành công nhất trong giới giáo dục (giáo viên, sinh viên, học sinh), hành chánh (công chức bản xứ) và quân đội (lính khố đỏ VN trong quân đội Pháp thuộc), vân vân. Trước Đại Hội tại Gia Lâm ngày 01/07/1928, chương trình của Nguyễn Thái Học được chấp nhận  và ông được bầu làm lãnh tụ tối cao của Đảng, với tất cả tước quyền trong một thời hạn 6 tháng (có thể tái hạn). Một tờ báo in bằng ‘’ronéo’’ : Hồn Cách Mệnh,  được ra mắt trong ẩn mật, với mục đích phấn khởi lòng yêu nước của dân chúng và tố cáo hành vi ‘’dã man’’ của thực dân trắng. Về mặt tài chánh : Đảng sống nhờ sự đóng tiền của thành viên và lòng khoan đại, hào phóng của những nhà trưởng giả giàu sang miền thôn dã. Tiền cung hiến nhiều lúc rất hậu, nhờ đó Đảng xây dựng được một khách sạn Vietnam Hôtel vào tháng 10-1928 ở Hà Nội, nhưng rất mau sự bí mật này bị tiết lộ bởi hành động ráo riết của Sở Tổng An Ninh Pháp. Tính đến đầu năm 1929 và theo tài liệu của Nha Chính Trị Vụ Toàn Quyền Đông Dương, tổng kê hoạt động của VNQDĐ như sau : 120 tiểu tổ (cellules) ở Bắc Kỳ chỉ gồm một số rất nhỏ là 1 500 người gia nhập hoặc cảm tình (trong đó có 120 lính Việt), nhưng uy thế của Đảng rất mạnh. Tuy nhiên, vụ ám sát một chức viên chiêu mộ nhân công tên là BAZIN, là một cơ hội  cho  Mật Thám Pháp ra tay đàn áp một cách tàn nhẫn và kiểm tra lục soát giấy má, bắt bớ tra tấn các thành viên Đảng. Lãnh tụ Nguyễn Thái Học và Phụ tá Nguyễn Khắc Nhu được...  Tổng An Ninh cho tự do đi lại (một mưu lược của thực dân) cũng như 200 đảng viên mà Mật Thám biết rõ tên tuổi. Tất cả những đồng chí này  đều gia nhập Đảng được tổ chức lại theo kiểu mới, dựa trên mẫu tổ chức (tiểu tổ) của đảng cộng sản. Vì theo kinh nghiệm : nếu cuộc bắt bớ đầu tiên của Sở Tổng An Ninh Pháp đã diệt trừ hầu hết những cơ cấu của Đảng, nguyên do là ở trong việc các thành viên (theo cách tổ chức này) đều biết nhau tất cả, cho nên  sự tự tố giác lẫn nhau rất dễ dàng (khi bị khổ hình). Tổ chức mới theo điều lệ mới được khởi thảo trong mùa hè 1929. Mục đích của VNQDĐ luôn vẫn là : chiến đấu chống đế quốc thực dân và thiết lập một chính phủ Quốc Gia Cộng Hòa. Khủng bố  là vũ khí mà Đảng không do dự áp dụng để trừng phạt những kẻ bội phản : Ám sát là hoạt động chính của  phân bộ ‘’Sát Nhân Nhà Nghề’’ (Sicaires) của Đảng. Những binh khí có chất nổ do Đảng tự chế tạo, lưu trữ trong hơn 700 địa điểm ký thác, đều bị Sở Tổng An Ninh tìm thấy. Như vậy, với sự bắt bớ thứ hai này , cảnh sát Tây đã gom nhiều chi tiết quí báu về hoạt động mới của VNQDĐ. Hầu hết tất cả đảng viên đều bị tầm nã và trụ sở phá hoại. Lãnh tụ Nguyễn Thái Học may được thoát khỏi mạng lưới cảnh sát thuộc địa và được trú ẩn trong một nơi mà chỉ một số người đáng tín dụng mới biết. Mặc dầu số thành viên sống sót không còn bao nhiêu,  Đảng bắt buộc phải quyết định ngày tổng khởi nghĩa vào mồng 10 tháng 02 năm 1930. Trong kế hoạch giao chiến :  đầu tiên là việc nổi loạn từ bộ binh đội Lao Kay (toàn người VN), trong đó Đảng có một tiểu tổ gồm 18 thành viên. Nguyễn Thế Nghiệp (một phụ tá của Đảng Trưởng) cho biết trong trường hợp nổi loạn, bộ đội này chắc chắn sẽ qui phục. Bộ đội Lao Kay sẽ tràn xuống trung châu Bắc Kỳ sau khi Yên Báy bị cách mạng chiếm đóng, lúc bấy giờ binh đội sẽ dễ dàng băng qua lưu vực Sông Hồng.
     ‘’Quả chàng (Trần Nam Phong) đoán không sai. Nguyễn Thái Học đã từ Bắc Ninh xuống hải Dương, nơi có nhà một đồng chí thân tín nhưng chưa dùng làm điểm hẹn, sẽ khó bị lộ hơn Bắc Ninh. Đi quanh co nhiều đường hẻm, nhìn trước sau không gì khả nghi, chàng bước nhanh vào căn nhà cũ, ẩn mình dưới tàng cây mít lớn. Chàng hỏi anh em ở phòng ngoài : - Anh Học đâu ? - Dưới hầm. Đang nghiên cứu với anh em.
      Hầm là căn phòng nhỏ, hơi thấp hơn nhà trên. Cửa vào ngụy trang bằng một kệ sách và có lối thông ra vườn sau, phòng hở có biến thoát ra mặt lộ. Gặp Nguyễn Thái Học, chàng nói ngay : - Anh Học, Mỹ Xá lộ rồi, Yên Bái sẽ theo đúng chương trình. Em đã gặp chị Giang, chị Bắc, công tác chuyển vũ khí tới giờ chưa gặp  trở ngại gì -Lộ rồi ? Nguyễn Thái Học gằn giọng hỏi. - Vâng, là tên phản đảng Phạm Thành Dương.
    Nguyễn Thái Học nghiến răng, nắm chặt hai bàn tay. Nhưng anh bình tĩnh lại ngay. Anh trở lại với nhiệm vụ nghiêm trọng của mình. Cuộc Tổng Khởi Nghĩa của VNQDĐ không ngừng lại nữa. Vậy là, Yên Bái sẽ có vũ khí để khai hóa sáng sớm mai. Cùng lúc, Sơn Tây do Phó Đức Chính đảm trách, Hải Dương thì giao cho đồng chí Trần Quang Diệu và Trần Nam Phong. Kiến An, Hải Phòng đã có các đồng chí Vũ Văn Giang, Nguyễn Văn Chấn cùng các đồng chí tại địa phương. Còn Hưng hóa, Lâm Thao thì Nguyễn Khắc Nhu tình nguyện chịu trách nhiệm, vì ông đã vận động được rất nhiều Đảng Viên Học Sinh đoàn tại tỉnh.. Riêng Nguyễn Thái Học, anh phải lãnh nhiệm vụ điều hợp các đồng chí địa phương với các đồng chí binh  đoàn đến từ các tỉnh Bắc Ninh, Đáp Cầu và Phả Lại. - Còn Hà Nội ? Chàng đột ngột hỏi. Nguyễn Thái Học băn khoăn : Hà Nội là trụ yếu của bọn mật thám, chúng ta chưa đặt được nền móng vững chắc nào, e rằng, ra tay tại Hà Nội, chúng ta sẽ phí phạm sinh mạng anh em. Ký Con lên tiếng : - Nhưng không thể để trống hoàn toàn. Hay là... anh cho em dùng đội cảm tử làm kế nghi binh cầm chân quân Pháp và vận động tinh thần đồng bào.
     Tất cả anh em trong phòng đều quay nhìn Ký Con. Mấy giây im phăng phắc, vừa là sự thuận tình về đề nghị dũng cảm của Ký Con, vừa là lòng ngưỡng phục và đau đớn vô biên của anh em. Vì tấn công ở Hà Nội có khác chi vào hang cọp. Giữa bầy thú đông đảo, hung hiểm khát máu thì cơ hội thành công và thoát thân của số cảm tử quân ít ỏi sẽ mong manh nhường bao... Nhưng có xá chi, trong buổi họp lịch sử tại làng Võng La khi quyết định lệnh Tổng Khởi Nghĩa, Nguyễn Thái Học đã nói : Không thành công thì thành nhân ‘’ (Chi Tiết Bất Ngờ, tr. 125-127). Cuộc TKN này là một thất bại đớn đau ‘’... nhưng trên tinh thần (theo tác giả Đường Thiên Lý), cuộc chiến đấu sấm sét đó là tấm gương vô giá soi sáng đường tranh đấu cho bao anh hùng liệt nữ cùng thời và bao thế hệ sau’’. Linh Linh Ngọc tiếp tục (qua cô bé Tiểu Mai) nói về Đảng sử... ‘’Hình ảnh Nguyễn Thái Học và mười hai đồng chí của ông (Bùi Tử Toàn, Bùi Văn Chuẩn, Nguyễn An, Hà Văn Lạo, Đào Văn Nhít, Ngô Văn Du, Nguyễn Đức Thịnh, Nguyễn Văn Tiềm, Đỗ Văn Sứ, Bùi Văn Cửu, Nguyễn Như Liện, Phó Đức Chính) hiên ngang bước lên đoạn đầu đài, miệng còn hô to : ‘’Việt Nam Muôn Năm’’  là hình ảnh bi tráng, lẫm liệt trong sử sách... Và đề cao phái nữ  trong hy sinh tính mạng cho tổ quốc và tình yêu cao cả : Cô Giang dùng súng tự sát cho vẹn nghĩa tình cùng Nguyễn Thái Học, thì Nguyễn Thị Hào, bí danh Đỗ Thị Tâm, sau nhiều ngày bị bọn ngoại xâm lột trần, tra tấn dã man bằng điện mà liệt nữ vẫn tuyệt đối không khai, và rồi, cô đã dùng giải yếm lụa nhét vào cuống họng để được chết theo vị hôn phu Hoàng Đình Gị, mà cũng là đồng chí đã cùng cô vào sinh ra tử...’’
     Trong Chương 4 ‘’Người Thiếu Phụ Võng La’’, tác giả Đường Thiên Lý nhắc nhở đến một chi tiết nhỏ trong lịch sử cách mạng hiện đại nhưng đã làm chấn động nàng một cách bất ngờ. Tại làng Võng La, ở nhà đồng chí Lê Cả, các vị quan trọng của Đảng : Nguyễn Thái Học, Nguyễn Khắc Nhu, Phó Đức Chính đang hội họp thì bị mật thám vây bắt sau sự tố giác của Việt gian Phạm Thành Dương. Đảng trưởng NTH được thoát thân, chạy băng ra đồng, nhờ sự lanh trí của một nông dân, cũng như Nguyễn Khắc Nhu chạy ra bờ sông được một đồng chí chở thuyền đi xa. Về phần Phó Đức Chính bị thương dưới ngực, được một đồng chí cõng chạy vào nhà một dồng chí khác và ...’’ nhanh như chớp, giấu ông dưới ổ rơm, nơi mà ngườI vợ trẻ của đồng chí đó vừa ở cữ đứa con trai đầu lòng, đang nằm cho con bú !... Bọn Việt gian và mật thám Pháp lục xét từng nhà trong làng, không chừa một nơi nào. Chúng đã không chút nghi ngờ khi mở cửa buồng người đàn bà đang nằm cho con bú. Người anh hùng Phó Đức Chính được cứu thoát lần đó để lại cùng Nguyễn Thái Học và các đồng chí xả thân vì đại nghĩa cho tới ngày đầu lìa khỏi cổ tại pháp trường Yên Bái !...’’ (tr.68).
     Qua ‘’Những Điều Không Thể... ‘’ (Ch. 2), Linh Linh Ngọc kể lại một giai đoạn còn khủng khiếp hơn những hiệu quả của thất bại Tổng Khởi Nghĩa Yên Bái, đã xẩy ra trong thập niên 40, khi tất cả thanh thiếu niên yêu nước gia nhập kháng chiến chống Pháp thực dân. Nhưng Việt Minh muốn loại trừ trước tiên các Đảng phái Quốc Gia (trong đó có VNQDĐ) để độc quyền giữ  công trình kháng chiến và sau này để nắm chính quyền một mình. Đêm 19 tháng 12 năm 1946 đã chứng kiến một thảm kịch chưa từng có trong lịch sử cách mạng VN, mà diễn tiến ‘’... tiêu biểu cho lòng yêu nước của các Đảng phái Quốc Gia cùng sự thâm hiểm, tàn bạo, vô luân của tập đoàn Hồ Chí Minh. Khi thực dân Pháp đã đánh chiếm Hải Phòng và chuẩn bị tấn công các vùng phụ cận thì các Đảng phái Quốc Gia kêu gọi nhau hợp sức chống kẻ thù chung. Địa điểm mời họp là đình làng Dỵ Chế thuộc Hưng Yên. Hàng trăm chiến sĩ cách mạng khắp nơi về tề tựu với ý nguyện góp sức chống ngoại xâm. Tập đoàn Hồ Chí Minh đề nghị tất cả khí giới để ngoài sân đình. Buổi họp đang sôi nổi thì mọi người nghe xôn xao ngoài sân và thấy đám đông nông dân (do bọn Việt Minh giả dạng) ồ ạt tiến đến, lấy tất cả khí giới ngoài sân đình mang đi. Mọi người còn ngơ ngác, chưa biết chuyện gì xẩy ra thì bên ngoài lại xuất hiện một tốp cán bộ của Việt Minh, với khí giới trên tay, trấn an rằng chỉ là sự hiểu lầm và mời các lãnh tụ các Đảng phái sang hàng bên họp trước, còn hơn ba trăm anh em xin an tâm chờ đến chiều tối. Và chiều tối đó chính là chiều ngày 19 tháng 12 năm 1946. Cộng sản Việt Nam đem một binh đội trở lại, mời hơn ba trăm chiến sĩ cách mạng tới họp ở một địa điểm khác. Khi đến cánh đồng làng Hoàng Xá, nơi đã đào sẵn nhiều giao thông hào, chúng nhất loạt chĩa súng bắn xối xả vào anh em, máu thịt tung tóe khắp cánh đồng mạ non vừa trổ mầm lúa mới !!! ‘’ (tr.28-29). Còn nhiều chuyện đầy ý nghĩa nữa mà Linh Linh Ngọc - với lối một hành văn bình dị, trong sáng - đã kể lại cho chúng ta : lúc nằm trong hiện tại, lúc trở về những năm 30 (cách đây hơn 70 năm), nhưng tất cả đều nhắc nhở đến những vị đã bỏ mình cho nước non nhà : ‘’Vị Quốc Vong Thân’’, qua 8 Chương 8 truyện đều dính líu với nhau trong một tán dương ca tinh thần ái quốc dưới thời Pháp thuộc (qua cuộc TKN Yên Bái), và một tố cáo không nhượng bộ những tội ác của Cộng Sản Việt Nam. Trong lúc ấy, từ Mỹ Châu hay Âu Châu, Úc vân vân, hằng ngày có nhiều chuyến bay về Việt Nam, có hằng trăm ngàn người VN trở về thăm quê hương (một  hoặc hai lần mỗi năm), đem tiền ngoại quốc giúp đỡ gia đình, làm dinh thương nghiệp hoặc văn nghệ hay du lịch ...  nhìn trời xanh lúc nằm trên bãi biển Vũng Tàu hay Nha Trang mỗi ngày, tóm lại một cuộc sống sung sướng và hạnh phúc. Số tiền chi phí của đồng bào hải ngoại tại VN mỗi năm lên đến nhiều bạc tỉ bằng đô la US là số tiền chỉ tệ ngoại quốc làm giàu chính quyền Hà Nội. Bởi vậy, tôi muốn trích đoạn sau này của sách Đường Thiên Lý mà với khí phách hiên ngang, tác giả muốn thổ lộ tâm tình : ‘’Bạn ơi ! vậy bạn hãy thử tìm giùm tôi một lý do nào để tôi có thể qua được chặng đầu tiên, là chặng bước xuống phi trường, nhìn thấy lá cờ máu bay trong nắng quê hương...  Bạn cứ muốn rủ tôi về thăm quê, vậy bạn thử xem ! Riêng tôi, tôi biết mình khó vượt qua được, vì thấy lá cờ đó, không phải tôi chỉ thấy nhuộm máu Ông tôi, Bác tôi, Bố tôi, bạn bè tôi, đồng bào tôi, mà lá cờ đó còn tiêu biểu cho tội ác của bọn con cháu Hồ Chí Minh trong nhiều thế hệ nữa, bởi chính sách ngu dân, nghèo đói đang đẩy dân tộc Việt Nam lùi dần về thời đại hoang sơ, trong khi toàn thế giới đang bước vào kỷ nguyên mới của tuyệt đỉnh văn minh nhân loại. Quê hương, đành ở trong lòng tôi cho đến ngày tận diệt loài lang thú !’’ (tr. 31). Tôi xin nhắc lại đây, một lần nữa, câu tuyệt tác mà Victor Hugo đã nói, để từ chối quyết định đại ân xá năm 1859 của bạo tàn Napoléon III : ‘’Trung thành với giao ước mà tôi đã ký kết với lương tâm, tôi sẽ chia xẻ đến tận cùng cái kiếp lưu vong của tự do. Ngày nào tự do được hồi phục, ngày ấy tôi sẽ trở lại cố hương. ‘’  Đường Thiên Lý  là một tác phẩm hiếm có, nhắc lại một trang sử oai hùng với tất cả tâm hồn tríu mến của tác giả, đã và sẽ là một bài học huy hoàng về đồng bào và đất nước chúng ta đang quằn quại dưới một chế độ bạo tàn. Tác giả Linh Linh Ngọc quả là một nhà văn nữ có biệt tài với tinh thần của một nhà nữ chí sĩ  Việt Nam mến yêu.
                                                           Lê Mộng Nguyên (Paris)
*Nhạc sĩ, GS Viện Sĩ Hàn Lâm Khoa Học Hải Ngoại, TS Quốc Gia Khoa Học Chính Trị, nguyên luật sư Tòa Thượng Thẩm Paris.
*  Thành viên sáng lập Viện Nhân Quyền Việt Nam