Nguyễn Văn Lục
Passage to Freedom
Khi người di cư miền Bắc bồng bế nhau bước lên tàu há mồm để đi vào miền Nam thì đều nhìn thấy được tấm biểu ngữ viết sau đây dăng ngang trước lối lên"tầu há mồm": Passage to Freedom.Đường đến Tự Do.
Nhiều người nay đã hẳn vẫn chưa quên được tấm biểu ngữ đó
Phải chăng đó là mục đích tối thượng của việc bỏ nhà, bỏ cửa, bỏ ruộng vườn để đi vào miền Nam. Chọn lựa không phải dễ cho mọi người.
Nhưng đó lại là biểu tượng ý nghĩa nhất cho cuộc di cư 1 triêu người miền Bắc vào miền Nam, năm 1954-1955. Đó là ra đi để tìm tự do.
Đó cũng là cuộc Nam Tiến lớn nhất vì lý do chính trị trong lịch sử Việt Nam.
Cuộc di cư đó cũng mở ra đường ranh giới phân chia Quốc Cộng ở vĩ tuyến 17. Bên này là Quốc Gia, bên kia là Cộng Sản. Quốc gia đồng nghĩa với tự do.Cộng sản đồng nghĩa với độc tài.
Người viết bài này, xin được nhắc lại một vài hôi ức về quang cảnh cuối cùng của cuộc di cư xảy ra tại Hà nội của quân đội Pháp và tâm tình của người dân Hà nội cũng như hình ảnh Hà nội sau khi bộ đội Việt Minh cộng sản tiếp thu miền Bắc.
Ký ức hơn 50 năm nay đã có phần mịt mù, phần nhớ, phần quên. Xin được ghi lại được phần nào hay phần ấy.
Một điều rất rõ nét là quý vị đọc những dòng hồi ức này xin liên tưởng tới những dòng hồi ức sau ngày 30 tháng tư của chính tác giả. Một cuộc đời mà hai lần phải bỏ quê hương xứ sở mà đi.
Biết bao nhiêu là mất mát.
Hà nội 54-55 và Sài gòn 75 có có gì giống và khác? Giống ở một số hoàn cảnh , một số tâm tình. Nhưng lại khác hoàn toàn, vì 75 là một bi kịch chính trị với đổ vỡ hoàn toàn về mọi phương diện không còn một hy vọng gì nữa.
Hà nội ngày 9 tháng 5 năm 1954
Đây là ngày đáng ghi nhớ cho quân đội Pháp ở Hà nội. Một hào quang cuối cùng ghi nhớ lại chiến thắng người Đức trước khi phải cuốn gói rời bỏ VN sau một thế kỷ chế độ thuộc địa.
Ngày hôm ấy, người Pháp vẫn không quên tổ chức một buổi diễn binh tại Hà Nội để kỷ niệm ngày quân đội Pháp và đồng minh đã thắng Đức trong thế chiến thứ hai. Đối diện tượng đài chiến sĩ, người ta vẫn dựng một khán đài bằng gỗ như dự định do các" cu ly "Việt Nam dựng lên mà chung quanh chăng rất nhiều lá cờ ba sọc xanh trắng đỏ. Tuy nhiên, không khí buổi lễ năm nay không còn cái vẻ tưng bừng của ngày lễ ăn mừng chiến thắng nữa. Có cái vẻ gượng gạo, mặc dầu mọi người vẫn muốn tỏ ra mọi chuyện vẫn như bình thường.
Người viết đặc biệt ghi lại buổi lễ này và giúp hiểu được tại sao người Pháp đã làm như vậy.
Phải nhìn nhận rằng người Pháp quả thực có truyền thống "quân tử". Nhờ đó họ mới có đủ can đảm tiếp tục tổ chức một buổi lễ như thế trong tình cảnh thua cuộc. Chúng ta cũng sẽ nhận thấy người Pháp đã tổ chức buổi duyệt binh cuối cùng với đầy đủ lễ nghi quân cách, uy nghi, oai vệ của họ.
Họ muốn chứng tỏ họ là những chiến binh chuyên nghiệp, có tác phong của một quân đội có truyền thống lâu đời.
Họ đã thua trong danh dự, thua "đàng hoàng", thua mà không mất mặt.
Thật ra, không ai trong số những quan chức Pháp và Việt đang được dẫn lên khán đài ngạc nhiên về việc mất Điện Biên Phủ. Người ta chờ cái tin nó đến như thể một điều không thể khác được. Mỗi ngày lại thêm những tin xấu được gửi về từ cái lòng chảo đó. Người ta thậm chí đã chờ nó đến.
Mặc dầu vậy, người ta chỉ thấy có một vài ghế trống dành cho quan chức thuộc địa và bản xứ trong buổi lễ. Họ vẫn đủ mặt.
Buổi lễ vẫn tiến hành như thể trước đó đã không có gì xảy ra.
Vẫn bình thường. Đó là cung cách ứng xử hay nhất của người Pháp sau Điện Biên Phủ.
Lối ứng xử của người quân tử, có truyền thống văn hóa lâu đời.
Tướng Cogny là tư lệnh Bắc Kỳ với vóc dáng cao lớn, nghiêm trang và lạnh lùng. Vào những giờ phút cuối cùng này đây, ông vẫn tỏ ra uy quyền, chống gậy ba toong, trịnh trọng nhưng chậm chạp trong cung cách một vị tướng, đến bên tượng đài chiến sĩ đặt một ít cỏ và một vòng hoa nhỏ. Xong đâu đấy, ông gắn huy chương và dây huân chương cho một số sĩ quan và hạ sĩ quan. Những dây này đã đặt sẵn trên chiếc khay nhung mầu tím đỏ, do các sĩ quan tùy viên của ông bưng tới. Ông quàng dây huân chương chéo qua ngực những người sĩ quan ấy và ôm chúc mừng họ.
Đây là lần cuối ông làm công việc khó khăn này.
Xong, ông phất tay một cái ra hiệu, buổi diễn binh bắt đầu.Có một đại tá lén lấy chiếc mùi xoa trong túi áo lau nước mắt. Nỗi buồn thảm như đọc thấy trên khuôn mặt những người tham dự buổi lễ.
Người ta nhận thấy đội quân nhạc bắt đầu cử những bài hát thường lệ, trong đó có bài Hồn tử sĩ để tưởng nhớ đến các đồng đội đã hy sinh trong thế chiến thứ hai. Thường khi nghe những bài hát như thế, người ta cúi đầu, các mệnh phụ kín đáo lấy chiếc khăn nhỏ lau nhẹ khóe mắt. Song hôm đó, sự im lặng cùng nghi thức nghiêm chỉnh dường như chứa đựng một ý nghĩa nào đó khác thường.
Những chiến binh nhảy dù trong khi duyệt binh, phần đông kéo lê đôi chân vì những vết thương cũ, cố nhịp bước theo đoàn trong tiếng nhạc quân hành, nghếch mặt về phía khán đài đang rầm rộ tiếng vỗ tay. Nhiều người trong số họ là những kẻ may mắn cuối cùng vì đã không bị gửi lên Điện Biên Phủ chỉ vì lý do giản dị là họ bị thương hoặc thuộc thành phần trù bị. Họ đi như những bóng ma, mặt đanh lại, lạnh lùng tiến bước.
Họ là đại diện cuối cùng cho một đoàn quân chiến bại.
Cách đó không xa, đồng đội của họ còn nằm la liệt trên cáng dọc hành lang tại nhà thương Lanessan.
Sau này cũng chính nơi đây, mỗi ngày nhận đều đều đám tù binh được bộ đội Việt Minh thả ra từ Việt Trì. Đám tù binh Pháp được thả ra chẳng khác gì như những thây ma, da bọc xương vì thiếu ăn, bệnh tật. Họ gồm tất cả 11721 người vừa bị thương, hoặc bị bắt làm tù binh.
Trong số hơn 10 ngàn người bị bắt làm tù binh lúc thất trận Điện Biên Phủ. Chỉ có 3290 trở về. Còn lại 7801 người kia số phận ra sao, không ai hay biết.? Có thể họ chết vì thiếu ăn và bệnh tật trong các trại giam của cộng sản.?
Nào ai biết được? Ai còn nghĩ đến số phận của họ? Kẻ thua trận một cách nào đó cũng là kẻ đã chết, bị chôn vùi và bị quên lãng.
Buổi lễ mừng chiến thắng, nhưng hôm nay nó mang một ý nghĩa tang chế. Tưởng nhớ những người đã bỏ mình và thương tiếc cho những kẻ thua trân. Không một ai trong số quan chức có mặt ngày hôm nay có thể quên được chỉ cách đây hai hôm, vào ngày mồng 7 tháng 5 năm 1954, cách Hà Nội chừng 300 cây số đường chim bay. Tin thất trận bay về như một tin dữ. Họ làm sao quên được trước đó, ngày 3 tháng 4 vừa qua. Tin tức chiến sự tới tấp gửi về cho biết, sau 90 giờ liên tục chiến đấu, Eliane 2 vẫn đứng vững. Buổi chiều đến lượt Huguette 6 bị tấn công. Tảng sáng mồng 4 tháng Tư, Việt Minh rút lui. Trận đánh ở Eliane tạm ngưng. Lúc đó Eliane đã cầm cự được 107 giờ. Buổi chiều, đến lượt Huguette 6 lại bị tấn công. Có 5 tiểu đoàn Việt Minh tấn đánh Huguette.Tiểu đoàn Clédic 2-1 được gửi đến tiếp viện. Họ bị chặn lại nhưng đã cố gắng vượt qua được phi đạo, đẩy lui cánh quân Việt Minh đang ở phía đó. Sáng mồng 5, Clédic chiếm lại được Huguette 6. Sau đó, hai đại đội đã tìm cách chiếm lại Eliane 1. Charles và Minaud đến tiếp tay. Vào lúc 23 giờ Bigeard quăng thêm vào hai đại đội. Họ bị phản công mạnh bởi binh đội Việt Minh. Bigeard quăng tiếp thêm hai đại đội nữa của Tiểu đoàn 5 dù Việt Nam, BPVN (bataillon de parachutistes Viet Nam) do Guilleminot và trung úy Phạm Văn Phú chỉ huy. Sau này, người ta ghi nhận gương can đảm của binh sĩ nhảy dù đến tiếp viện của Guilleminot và trung úy Phú. Trung úy Phú sau lên cấp tướng trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Nhưng đến 30 tháng 4, 1975 một lần nữa ông nếm mùi thất bại, đầu hàng Việt Minh. Sau đó ông đã tuẫn tiết.
Lòng chảo Điên Biên Phủ nhắc nhở tới An Lộc trước 1975 của quân đội VNCH. Trận chiến ác liệt với mưa pháo. Vẫn cố thủ. Vẫn can trường. Cũng bị tấn công ngày đêm, cũng bị tràn ngập. Nhưng những chiến sĩ trong binh đội Pháp cũng như binh sĩ VNCH vẫn kiên trì giữ tới cùng.
Về phía bắc Điện Biên Phủ, trung úy Allaire vào giờ phút chót nhận được lệnh của trung tá Bigeard phải buông súng.
Allaire bàng hoàng không biết phải làm gì? Anh chưa bao giờ nghĩ đến chuyện phải đầu hàng.Tại sao có thể như thế được? Làm sao anh có thể nói với đồng đội điều đó? Anh gọi cho Bigeard thông báo đã nhận được lệnh nhưng yêu cầu trung tá gửi cho một lệnh viết tay. Bigeard bực mình song cũng chiều lòng cấp dưới. Ông trả lời. Được rồi, nhưng anh cho người của anh đến bộ chỉ huy. 15 phút sau, người lính nhảy dù do Allaire phái đi, quần áo nhếch nhác, lấm bùn đất quay trở lại với mảnh giấy nguệch ngoạc mấy dòng chữ viết vội của Bigeard: Gửi Allaire, ngừng chiến đấu vào lúc 17 giờ ba mươi. Hãy ngừng bắn. Không treo cờ trắng. Hẹn gặp lại. Ở bên dưới ghi thêm mấy chữ không phải là lệnh mà là sự tỏ bày thương xót: Tội nghiệp đơn vị 6. Tội nghiệp những thằng con nhảy dù. Allaire nhét mảnh giấy vào túi mệt mỏi, chán nản văng tục: Mẹ kiếp!.
Tại cứ điểm Eliane 3, Allaire vén tay áo nhìn đồng hồ. Lúc ấy là 17 giờ. Cứ điểm sẽ bị chiếm lúc 17 h 30.
Trong chiến trận Điện Biên Phủ, ít ai để ý đến chi tiết mà tôi vừa trích dẫn ở trên. Trung tá Bigeard biết rằng không đủ sức cầm cư với binh đội Việt Minh nữa. Nhưng ông còn dặn Trung Úy Allaire là nhớ không được trưng cờ trắng để đầu hàng. Trung úy Allaire đã làm theo lệnh cấp chỉ huy của mình. Sau đó, Allaire bị bắt làm tù binh. Mặc dầu bị khám xét rất kỹ càng, trung úy Allaire vẫn cất dấu được mảnh giấy với vài dòng ghi chú của Bigeard. Sau này, cộng sản làm phim về ĐBP cũng không dám trưng cờ trắng lên .
Nay thì người ta có dịp được đọc mấy dòng chữ ghi có tính cách lịch sử đó của trung tá Bigeard.do Allaire còn giữ lại được. Ít lắm, người Pháp cũng không chịi kéo cờ trắng lên đầu hàng. Sự thực là như vậy.
Những chi tiết nhỏ xem ra không quan trọng này lại cho thấy việc đào luyện sĩ quan Pháp có truyền thống tôn trọng danh dự, lý tưởng, sự hy sinh cũng như kỷ luật quân đội của họ..như lời nhận định của tướng Giáp sau này.
Tinh thần đó cũng có thể tìm thấy nơi tướng De Lattre khi sang chỉ huy quân đội ở Việt Nam. De Lattre có mặt ở Việt Nam, vào tháng 12, năm 1950. Ông có tham vọng và mong muốn đào tạo một lớp sĩ quan trẻ VN như ông đã nói với Bảo Đại: " Pour vous prouver ma bonne foi, Sire, Je vais vous bâtir une armée Vietnamienne digne de vous, digne du Viet Nam, une armée moderne il n'y en a aucune dans tout l'Extrême_Orient et vous en serez le chef suprême. L'armée Viet Nammienne doit représenter la volonté du peuple de vaincre le communisme."{ Trích trong Le Dragon d' Annam, Bảo Đại, trang, 272 Lược tóm: Thưa Hoàng Thượng, để chứng tỏ thiện chí với Ngài, tôi sẽ xây dựng một quân đội Việt Nam xứng đáng một quân đội VN hiện đại mà trên toàn thể Viễn Đông không đâu có. Và Ngài sẽ là vị tư lệnh tối cao. Quân đội VN sẽ thể hiên ý chí của người dân để thắng cộng sản}.
Con trai ông, trung úy Bernard de Lattre đã hy sinh vào ngày 30/4/1951 tại mặt trận ở Ninh Bình. Đã có con trai của ngót nghét gần 200 trăm tướng lãnh VNCH nào đã phải hy sinh ở ngoài chiến trường chưa?{Tôi chỉ biết có một trường hợp là con riêng của vợ tướng NQT đã hy sinh ngoài mặt trận mà thôi}.
Tinh thần binh đội Pháp cũng khác hẳn cái cảnh tháo chạy hốt hoảng, bỏ rơi đồng minh VNCH của một cường quốc vốn thiếu truyền thống văn hóa. Vì thế, nhiều nhân vật trong chính quyền miền Nam sau này cảm thấy như bị lừa, bị phản bội vì cái cung cách của người Mỹ.
Họ có thừa cơ hội và sức mạnh và điều kiện để bắt bộ đội Cộng Sản phải "án binh bắt động" để người của họ ra đi đàng hoàng trong trật tự.
Kissinger cuối cùng chỉ là môt tên tay chơi cờ bạc bịp không hơn không kém. Y biến cuộc tháo chạy thành một sự thua cuộc bỉ ổi, mất mặt.
Sau 1975, các nước bạn và đồng minh của Mỹ cảm thấy không an tâm trong mối giao thiệp ngọai giao và hợp tác quân sự với Mỹ.
Tệ hại hơn cả là nó đã biến quân đội quốc gia miền Nam sau 20 năm chiến đấu dũng cảm vào những giờ phút cuối cùng trở thành những tên lính đánh thuê và một đám tướng lãnh hèn nhát, đua nhau bỏ trốn như loài chuột. Mà đáng nhẽ số phận quân đội ấy phải được hưởng những giờ phút cuối cùng xứng đáng hơn sau 20 năm chiến đấu .
Cho nên, sau này, người ta không thể nào hiểu được cuộc tháo chạy nhục nhã, vô lý đến như thế, vì không đáng thua mà thua. Và chẳng may nếu có thua thì đã hẳn cũng cần có một cách khác để thua.
Nhìn lại ngày 30 tháng tư, lúc 10 giờ sáng, tướng Dương Văn Minh ra lệnh quân đội VNCH ngưng bắn để sẵn sàng trao quyền lại cho quân đội Bắc Việt. Chỉ nửa giờ sau, ông đã sửa lại bản tuyên bố lúc 10 giờ và ra lệnh cho quân đội VNCH phải đầu hàng.
Có thể mọi truyện sẽ vẫn diễn ra bình thường, dù là trao quyền hay đầu hàng thì cũng sẽ không thay đổi được gì,
Nhưng đã hẳn chỉ có điều khác biệt là danh dự của người làm tướng được giữ nguyên vẹn. Mạng sống của người làm tướng, dù từ chối đầu hàng cũng không vì thế mà bị lâm nguy. Ngược lại sau này còn được hậu thế kính nể.
Kết luận về trận chiến ĐBP
Nói chung, ít ai ra mặt ủng hộ kế hoạch của Navarre. Cũng không có sĩ quan Pháp nào lưu tâm và nhấn mạnh đến sự tiếp viện võ khí, quân nhu, quân dụng, quân đội, huấn luyện của Mao Trạch Đông trong trận chiến Điện Biên Phủ. Phải nói thẳng, không có sự tiếp viện ồ ạt ấy từ 1950, không ai có thể tiên đoán được điều gì sẽ xảy ra?
Trong khi đó sau khi ĐBP bị mất, Mendes France là người lên thay thế ông Laniel trong vai trò Thủ Tướng Pháp.Ông quyết định trong vòng một tháng, hội đàm Genève phải được kết thúc.Vì thế, ông tránh né đề cập đến hiện trạng tù binh Pháp còn nằm trong tay Việt Minh Ông mặc xác số phận họ, cũng không nhắc đến họ với phía bên kia sợ gây trở ngại cho tiến trình đàm phán.
Nhưng ngược lại, một số tù binh Việt Minh được Pháp thả về thì mạnh khỏe, to béo, mặc đồ của Sở Hành chính tài chính của người Pháp phát. Trên xe trở về, đám tù binh Việt Minh cởi quần áo vứt trả lại, chỉ mặc một cái quần đùi, ném trả lại đồ ăn như bánh mì. Một trong những tù binh Việt Minh đó có tướng Nguyễn Chuông, nguyên tiểu đoàn trưởng thuộc đại đoàn 312, Trong cuộc phỏng vấn của đài BBC cho biết ông là cấp chỉ huy Việt Minh cao cấp nhất bị Pháp bắt. Ông được một linh mục Tuyên úy Pháp giúp đỡ và ủy lạo và được người Pháp đối xử tử tế.
Nhưng ông nói, khi ông trở về thì gặp vất vả từ phía đồng đội của ông..Ông bị ngưng chức, ngưng sinh hoạt đảng..Mãi sau này, ông mới được phục họat chức vụ. Sau này ông là sư trưởng quân đội miền Bắc đánh Sư đoàn 5 Quân lực Việt Nam cộng hòa.
Hà nội chuyển mình
Trong lúc đó ở Hà Nội, có nhiều dấu hiệu lạ. Pháp chưa thua trận Điện Biên Phủ mà người ta đã thấy đâu đó những tờ báo in lén ra ngày 2-5-1954 với măng sét cố chạy dài khẩu hiệu Cương quyết chống văn hóa dâm ô trụy lạc. Một cái khẩu hiệu như thế có vẻ như lạc điệu và buồn cười trong tình thế hiện nay. Ai còn có tâm trí đâu để nghĩ đến những chiêu bài cải tiến xã hội như vậy. Người ta tự hỏi như thế có sớm quá chăng? Người Pháp vẫn còn đó. Mất Điện Biên Phủ nhưng chưa mất Hà Nội. Vì thế mà vào ngày 2-7-1954, tờ báo bị người Pháp bắt đình bản.
Thật ra, y hệt như Sài gòn trước 1975, Việt Minh đã cài được người trong bộ máy hành chánh, quân đội của chính quyền Quốc Gia do Bảo Đại cầm đầu. Thời ấy, chưa có một Phạm Ngọc Ẩn thì cũng đã có một Nguyễn Bắc Nguyễn Bắc, bề ngoài là một giáo sư Trung học lịch thiệp, xã giao, gặp ai cũng có sẵn một nụ cười. Trong khi đó, vợ Nguyễn Bắc là giáo viên ngoài khu. Cuộc sống của Nguyễn Bắc coi bộ dễ dãi, nhàn tản. Nguyễn Bắc lại sống dưới một cái dù che an toàn. Ông ở dưới sous-sol căn biệt thự của một người Pháp giàu có là Charles Henri de Montpezat, một viên chức kỳ cựu nổi tiếng của dân Pháp có máu mặt tại Hà nội. Ra vào như thể một người giúp việc tin cẩn. Đấy là tấm thẻ căn cước có giá trị nhất cho người làm gián điệp.{ tài liêu trích trong Histoire de Hà noi của Philippe Papin, trang 298, nxb Fayard}
Nguyễn Bắc tìm cách rải truyền đơn, tuyền truyền chống đối lại lệnh của tướng De Lattre kêu gọi thanh niên từ 18-20 tuổi tòng quân. Một hình thức Việt Nam hóa chiến tranh như thời thập niên 1979. Nguyễn Bắc động viên, thúc dục các bà mẹ biểu tình chống đối tổng động viên trước rạp cine Majestic, Hà nội.
Việt Minh cũng có một hệ thống giao liên, thông tin và rải truyền đơn hữu hiệu, do các người bán hàng rong, một nghề vốn rất phổ biến ở Hà nội cho đến hiện bây giờ. Nghề bán hàng rong là một bộ mặt rất đặc trưng của Hà nội cùng với 36 phố phường buôn bán tấp nập.Vì thế, thủ đô Thăng Long vào thế kỷ 17, đời Trần được gọi là Kẻ chợ { le marché}. Hai phố Hàng Ngang và Hàng Đào được coi là hai phố buôn bán sầm uất nhất. Nghề bán hàng rong ở Hà nội trở thành hệ thống thông tin và giao liên hữu hiệu của quân đội Bắc Việt. Nhưng hiện nay thì họ đang bị chính quyền Hà nội xua đuổi như đuổi gà, vì làm mất trật tự và thẩm mỹ của thành phố.
Cạnh đó, người ta còn nhận thấy có hiệu sách do ông Nguyễn Mạnh Hà làm chủ.( Ông Nguyễn Mạnh Hà, một trí thức công giáo học ở Pháp, quốc tịch Pháp, lấy vợ đầm, ngả theo Việt Minh, cựu bộ trưởng kinh tế chính phủ do Hồ Chí Minh cầm đầu}. Hiệu sách này là trung tâm liên lạc giữa vùng tề và kháng chiến. Người ta có thể mua bất cứ sách vở, báo chí gì từ bên Pháp gửi qua như l'Express, L'Observateur, L'Humanité, Paris- Match hoặc các sách vở ít chính thống thuộc nhà xuất bản Xã Hội { Éditions sociales}. Tài liêu trích trong Histoire de Hà noi của Philippe Papin, trang 298, nxb Fayard}
Hà nội đi hay ở.
Bên cạnh sự ra đi của quân đội Pháp, một số không nhỏ lên đến cả triệu người cũng ùn ùn ra đi theo quân đội viễn chinh Pháp. Trong đó, đa số là người Thiên Chúa giáo gồm 5 vị Giám mục, 700 linh mục cùng di cư vào miền Nam với hơn 600 ngàn người Thiên Chúa giáo. Nhưng đến 1975, đa số hàng lãnh đạo TCG như các giám mục đều chấp nhận ở lạ.
Ai đi, ai ở
Đối với người dân thành thị hay những công chức từng làm việc cho Pháp thì sự ra đi của họ là điều không tránh được. Song vô số những người dân quê, những nông dân thì vì lý do gì cũng ra đi bỏ theo vào Nam? Họ bị tuyên truyền chăng? Họ sợ cái gì? Họ là đám người cùng khổ, thứ cùng đinh của xã hội mà tại sao phải sợ? Họ nằm rải rác, vạ vật ở ga Hàng Cỏ, ở khu Nhà Hát Lớn. Phụ nữ, người già, trẻ con, họ nằm, ngồi chồm hỗm, nét mặt sợ hãi ngơ ngác. Họ nằm duỗi dài trên các vỉa hè, gối đầu lên các đồ đạc lỉnh kỉnh, nào nồi niêu, bát đĩa với trăm thứ linh tinh không đáng giá vài chục bạc. Tình trạng Hà Nội đầy căng thẳng... kẻ ra đi, người ở lại... Có một bầu không khí kinh hoàng với nhiều tin đồn. Người từ các vùng quê xa xôi từ Ninh Bình, Phát Diệm, bồng bế nhau, lỉnh kỉnh đồ đạc, tay xách nách mang hay quảy quang thúng tụ tập đông đảo ở ga Hàng Cỏ. Có người bàn bạc đi, có người ở lại. Có gia đình đành chia ra, con cái còn trẻ ra đi vào Nam, còn bố mẹ ở lại để giữ nhà .Tiếc của mà ở lại.
Cả đời gom góp có được mấy căn nhà, ai nỡ đành đoạn bỏ đi. Nhưng chẳng bao lâu sau, những gia đình này sẽ thất vọng, vì nhà của của họ bị tich thu và chỉ có quyền trú ngụ trong một phòng cho mỗi hộ gia đình.
Cuối cùng chỉ những người dân quê tưởng rằng cả đời không rời khỏi lũy tre làng thì lại thảnh thơi nhẹ nhàng ra đi,
Gia đình tôi theo quân đội nên lúc đầu đóng ở làng Ngọc Hà, gần vườn bách thảo.Một làng chuyên trồng hoa để phân phối cho Hà nôi..Không biết Khái Hưng khi viết gánh Hàng hoa, phải chăng ông đã nhắc đển một thiếu nữ thùy mị, xinh đẹp xưa của làng Ngoc Hà vào trong truyện chăng ?
Sau khi nghe ĐBP mất, những trí thức thành thị, công chức, tiểu tư sản cũng nhốn nháo cả lên. Họ bàn tán, hội họp, kẻ rục rịch bán nhà, kẻ chuẩn bị vào Nam. Đi hay ở là câu hỏi được đặt ra trong bọn họ.Phần đông họ tình nguyện rút theo người Pháp. Nhưng trong lúc này thì hãy chờ và xem theo cái sự khôn ngoan bình thường của những kẻ có chút chữ nghĩa. .Hà Nội sống trong cơn sốt đi hay ở. Nhiều gia đình có con cái đi theo bộ đội, nay thật không dễ cho họ để bỏ đi. Họ sống trong thái độ lo âu, khắc khoải và trông chờ.
Đó cũng là trường hợp ông Trần Văn Lai, thị trưởng thành phố Hà nội có con trai đi bộ đội thời kháng chiến. Ông quyết định cửa đóng then gài, không tiếp ai, khắc khoải chờ tin tức đứa con trai trở về, không biết sống hay chết.
Có những người có cơ sở làm ăn như tiệm trồng răng Minh Sinh, bờ Hồ. Xe đòn đám ma Đức Bảo, hiêu thuốc Cam , Hàng Bạc và nhiều tiểu thương khác đã chọn ở lại
Có nhiều sứt mẻ tình ruột thịt giữa cha mẹ con cái, tranh cãi đau lòng. Giữa hai phía. Giữa kẻ chiến thắng và kẻ chiến bại. Giữa đi và ở. Giữa thị dân và kẻ "quê mùa" mới tới, giữa cựu công chức thời Pháp thuộc chịu ở lại và cán bộ ngoài khu trở về.
Và càng đến cái hẹn cuối cùng theo hiệp định Genève thì bầu không khí hoảng loạn càng gia tăng.
Ngày 30/6/1954, Thủ tướng Ngô Đình Diệm ra Hà nội để xem xét tổng quát kế hoạch rút quân đội Quốc Gia ra khỏi Bắc Việt, đồng thời giải quyết vấn đề người di cư.
Nhiều tin đồn tốt đẹp chung quanh cá nhân ông Diệm, gây thêm tin tưởng cho những người đi tìm tự do vào miền Nam .
Hìnn ảnh ông Diệm lúc ấy được coi như bản mệnh tương lai của người di cư miền Bắc vào miền Nam.
Cũng trong một buổi họp tại một biệt thự ở đường Hàm Long với bác sĩ Phạm Hữu Chương cùng với các sinh viên Lương Trọng Cửu, Tôn Thất Cần và Tữ Uyên, thủ tướng Diệm đã nhờ bộ Tư Lệnh Pháp dành 12 chuyến bay DC4 để chở 1200 sinh viên vào Sài gòn vào các ngày 12 và 13/8/ 1954 {Tài liêu của bs Từ Uyên }
Bắc Kỳ di cư 1954-1955
Trong số những người trẻ quyết định tương lai mình ở bên kia vĩ tuyến 17, người ta thấy những thanh niên, sinh viên như Vũ Khắc Khoan, Trần Thanh Hiệp, Vương Văn Bắc, Doãn Quốc Sĩ, Mai Thảo, Quách Đàm, Hoàng Cơ Long, Tạ Tỵ, Lưu Trung Khảo, Lý Quốc Sỉnh, Nguyễn Khắc Ngữ, Lữ Hồ, họa sĩ Ngym Cao Nguyên, Bùi Đình Nam, Tô Đồng, Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, Trần Kim Tuyến, Phạm Việt Tuyền, Mặc Đỗ, Hiếu Chân, Như Phọng
Và những người trẻ hơn, có khi còn ngồi ghế trung học như Đỗ Quý Toàn, Lê Đình Điểu, Duyên Anh, Nhật Tiến, Vương Đức Lê.. Và hàng vạn thanh niên Nam nữ khác.
Phía quân đội có các sĩ quan trẻ cấp úy như Lê Nguyên Khang, Nguyễn Cao Kỳ, Phó Quốc Trụ, Phạm Văn Phú, Nguyễn Đức Thắng, Nguyễn Bảo Tri, Hoàng Cơ Minh.
Tất cả đều lên đường.
Và mỗi người trẻ ấy sau này vào miền Nam mang theo họ một mảnh Hà nội qua hội họa, thi ca, tiểu thuyết, kiến thức và âm nhạc. Không kể hơn 1000 sinh viên các trường Đại học Y, Nha Dược, khoa học, luât khoa và văn khoa.
Sài gòn giàu thêm về tài sản trí tuệ và Hà nội nghèo đi vì thiếu họ.
Từ nay, họ có một danh xưng mới: Bắc Kỳ di cư 1954. Nhờ có giới trẻ, thanh niên trí thức Hànội mà cần nói thêm là: Bên cạnh cuốc di cư người, có môt cuộc di cư chữ nghĩa từ miền Bắc lên tầu há mồm đi vào miền Nam. Nay thì chẳng còn biết chữ nghĩa di cư ấy, chữ nào còn, chữ nào mất.
Chợ trời Hà nội
Thành phố Hà Nội lúc này tự nhiên có rất nhiều chợ trời bỏ túi mọc ra khắp nơi. Chỉ cần một cái bàn nhỏ hoặc một chiếc khăn trải xuống đất, thế là một cửa hàng nhỏ đã chớp nhoáng ra đời. Người bán hàng là những mệnh phụ phu nhân, vợ các quan chức thầy thợ làm cho Tây, hay các thương gia. Họ thường ăn mặc sang trọng hơn kẻ đi mua hàng. Người ta bán đủ thứ: từ những thứ kềnh càng không mang đi được như tủ chè, sập gụ đến tủ gương, giường lò xo Hồng Kông. Người ta bán đủ thứ và mua đủ thứ từ đồ dùng đến quần áo, bút máy, đồng hồ, xe đạp.
Người ta bán đổ, bán tháo để rũ áo ra đi. Tất cả những gì không mang đi được thì buộc lòng phải bán. Các chợ trời tụ họp đông đảo trên các vỉa hè thành phố, nhất là vỉa hè đường Quang Trung bây giờ. Những người đã từng phải chạy theo chính sách tiêu thổ kháng chiến thì họ không lạ gì những chợ trời như thế mọc lên chung quanh các vùng Phát Diệm, Bùi Chu, Hà Đông, Chợ Gạo, Cống Thần. Đó là những nơi giáp ranh giữa vùng Tề và vùng Giải phóng. Những đối với dân Hà Nội hồi cư chính cống thì đây là chuyện khác thường.
Nó báo hiệu những thay đổi lớn sắp xảy ra.
Hà Nội ngày 9 tháng 10 năm 1954
Phần người Pháp, họ đã có chương trình triệt thoái binh lính Pháp ngay từ đầu tháng 6. Phần quân đội Quốc gia lần lượt được rút khỏi Phát Diệm, Bùi Chu, Ninh Bình, Thái Bình vào đầu tháng bảy, sau đó rút khỏi Nam Định và Phủ Lý.
Ngày 9 tháng 10, ngày định mệnh cho sự ra đi vĩnh viễn của người Pháp. Đây là ngày hạn chót của cuộc triệt thoái binh đội Pháp ra khỏi Việt Nam.
Vì thế mà chiều mồng 8 tháng Mười, một hạ sĩ người Pháp trong bộ binh phục đẹp nhất từ từ kéo lá cờ Pháp xuống, gấp lại và hôn nó một cách kính cẩn. Cực kỳ đơn giản, nhưng cũng đầy trang nghiêm. Một điệu nhạc buồn bã được tấu lên. Sự im lặng trải rộng. Một cơn dông từ đâu đến, gió thổi mạnh. Gió cộng với mưa tạt ào ào xuống sân đá banh Mangin - một sân vận động nghèo nàn với đường chạy đua bằng đất nhão nhoẹt, chỉ còn trơ lại cái cột cờ ở giữa sân. Có tiếng hô vang các khẩu lệnh nhà binh, chừng ba trăm người lính, súng trên tay làm theo lệnh.
Vẫn bóng tướng Cogny ở đó, chững chặc, uy nghi. Dù trong thế của người bại trận, ông vẫn muốn thể hiện phong cách của một tay sĩ quan nhà nghề. Không ai có thể suy đoán được ông đang nghĩ gì. Có thể ông nhớ lại cái ngày 25 tháng 4 năm 1954, ông nhận được một Nghị định thông qua Bộ trưởng Chiến tranh P. De Chevigné với đầy đủ danh sách các đơn vị, các tiểu đoàn trú đóng ở Điện Biên Phủ được vinh danh [3]. Cái nghị định đó đến không đúng lúc. Quân đội dưới quyền ông kể như thua trận rồi.
Những bằng khen, những huân chương đó làm sao cứu vãn được tình thế. Ông cần thêm binh lính, cần thêm viện trợ súng ống thì không được.
Nghĩ tới đó, ông không khỏi ngao ngán.
Vậy mà hôm nay, ông phải cử hành cái nghi thức cuối cùng của đời binh nghiệp, đại diện cho hơn 600 ngàn đồng đội của ông, những chiến binh đủ loại: Tây trắng, Tây Lê Dương, Tây rạch mặt, lính Bảo An Đoàn và toàn thể các binh chủng khác.{ Vào năm 1889, chỉ có khoảng 500 người Pháp sống ở Hà nội,. Đến năm 1908, con số lên đến 4000, Họ sống tập trung chung quanh cổ thành. Người ta nhận thấy một số lính trong binh đoàn số 3, binh đoàn đã thảm bại trong trận chiến Cao Bằng vào những năm 1950 gồm những binh sĩ đầy can đảm đã cố thủ cứ điểm có cái tên con gái rất đẹp là Isabelle đến phút cuối cùng. [4]
Thật ra cuộc chiến trong bốn năm đầu còn trong vòng tay của người Pháp, khi mà người Việt Minh chưa được trang bị, chưa có nổi một khẩu súng. Súng của họ, đạn của họ được cung cấp và nuôi dưỡng từ những cuộc đánh úp, công đồn. Khi mà đại tướng De Lattre chết vì ung thư vào trung tuần tháng 2 năm 1952, lúc mà trận chiến Hoà Bình còn đang tiếp diễn, số phận binh đội Pháp đã hầu như được quyết định rồi. Bảo Đại đã cay đắng viết: Sau cái chết của Đại tướng De Lattre, tôi có cảm tưởng hòa bình chỉ là một hy vọng hão huyền [7]. Chính phủ Pháp ở Paris, bộ tham mưu, tướng lãnh Pháp [8] tiếp tục cuộc phiêu lưu ở Việt Nam mà thực sự bị động không biết phải tiến lui làm sao.
Chỉ còn một cách là kéo dài nó, đến đâu hay đến đó, tiến dần đến chỗ thảm bại.
Lời bào chữa nào cũng vô ích. Đối với người Pháp thì họ phải thừa nhận rằng: Không có cứ điểm nào có thể cầm cự mãi được mà không bị mất, nếu nó thiếu sự yểm trợ từ bên ngoài. Về chiến thuật, họ đã tự chọn một cái lòng chảo để chôn mình vì ở cách xa cơ sở tiếp vận chính là Hà Nội 300 cây số và cách xa phi trường Uông Bí 400 cây số.
Nhưng cái việc mà Cogny phải làm là đã ký những sự vụ lệnh truyền cho tất cả các công chức người Việt phải rời bỏ Hà Nội đi vào Nam, mọi phí tổn sẽ do nước Pháp và đồng minh của họ đài thọ. Hạm đội thứ bảy của Mỹ sẽ cung cấp máy bay và tàu thủy, thay vì dùng cho nhu cầu chiến tranh, nay dùng để chuyên chở những người di cư vào miền Nam đúng như tinh thần của bản tuyên cáo do tổng thống Eisenhower đã tuyên bố ngày 30 tháng 6 năm 1954 qua thông tấn xã AFP: Nếu có hiệp định đình chiến thì Mỹ có một cuộc di tản để đưa dân miền Bắc vào Nam.
Và điều đó đã xảy ra rất trật tự sau này. Di cư và di tản khác nhau ở chỗ này. 54-54 khác 75 ở chỗ này.
Bốn giờ sáng ngày 9 tháng 10 năm 1954 [5], Hà Nội đổi chủ
Đoàn lính Pháp trên những xe nhà binh chậm rãi nối đuôi nhau như một đàn rắn khổng lồ tiến về phía Bắc thành phố, hướng cầu P. Doumer. Kẻ ra, người vào. Tướng Cogny đứng đằng sau một chiếc xe Jeep bỏ mui giơ tay vẫy chào đám dân chúng hiếu kỳ bên đường. Ông duyệt một đám quân lính Lê Dương, ăn mặc chỉnh tề, huy chương, mề đai đeo đầy người. Không ai bảo đó là một đoàn binh thua trận. Hình như họ muốn dành cho ông một cái vinh dự chót của người làm tướng. Người ta nói rằng khi đến Hải Phòng, ông đã thỉnh cầu giám mục Hải Phòng cho kéo chuông nhà thờ Chính tòa để đón tiếp đoàn quân Pháp trên đường về nước. Chẳng hiểu ông có đòi hỏi giám mục phải kéo chuông Te Deum (Kinh tạ ơn) hay là De Profundis (Kinh cầu hồn) hay không?
Nhiều người Pháp ra đi mà vẫn còn tự hỏi cái bọn nhà quê đang tấp nập trên phố, túi gạo đeo chéo trên lưng thay cho dây quàng chiến thắng, làm cách nào mà thắng được họ. Lùi lại tám năm về trước, những người lính Lê Dương trên chiến xa bốn bánh cao su trấn giữ cửa ra vào sở Hành chánh, Tài chánh{ Đây vốn là thành Hà nội cũ, nơi trấn đóng của Tổng đốc Hoàng Diệu bị mất vào tay người Pháp vào năm 1873, sau vài giờ cố thủ } vào cái đêm 19 tháng 12 năm 1946, bọn họ còn thấy bộ đội Việt Minh như các chú con nít, vứt lại những khẩu súng gỗ trên con đường đôi chạy dọc trước sở Hành chính Tài chính. Thật sự họ không tài nào hiểu được những chú con nít đó nay đang thay thế họ làm chủ Hà Nội.
Một tổ chức phá hoại nào đó, có hệ thống đã làm hỏng kho dầu của hãng xe buýt, phá hủy các máy móc và đánh sập chùa Một cột, ngôi chùa đầy giá trị lịch sử và tôn giáo hàng trăm năm. Theo lời những người di cư, hàng ngàn người khác thuộc địa phận Bùi Chu và Phát Diệm đang tìm cách chạy trốn, có khi phải trả 5000 quan Pháp cho một chỗ trên các thứ thuyền hoặc bè. Nhiều thuyền đã bị lật và đắm luôn trong các cơn bão đang làm dữ mấy ngày này. [6]
Và hàng trăm người di cư đã bị chết đuối trong tai nạn đó. Những nhận định ở trên của tác giả, giáo sư Trần Tam Tỉnh, nguyên giáo sư khảo cổ Đại Học Laval, Quebec thật có nhiều điều cần được kiểm chứng lại. Hà Nội vào thời điểm đó làm gì đã có xe buýt để có kho xăng dầu. Những người nông dân nghèo hèn, bữa no bữa đói ở Bùi Chu, Phát Diệm lấy tiền đâu ra đóng 5000 quan cho một chỗ đi? Mà tại sao không là tiền Đông Dương thay vì tiền quan Pháp? Tác giả Thập giá và lưỡi gươm có thể nào dùng những số liệu và tài liệu hoàn toàn xuyên tạc như thế được chăng? Cuốn sách của ông sau này đã được rất nhiều người xử dụng như một thứ bảo chứng nhằm biện minh cho quan điểm của họ mặc dù đó là một sự thật được ông bịa đặt ra.
Trước khi rút lui, quân đội viễn chinh Pháp cướp bóc, phá phách nhiều cửa hàng lớn ở các phố Hàng Ngang, Phố Huế, Hàng Đào, Hàng Khay, Hàng Bài. Các hàng phở đều đóng cửa thin thít ngay từ chập tối vì sợ hãi. Những lính Lê Dương, tây đen rạch mặt say rượu la cà trên các con đường đôi, gần sở Hành chánh, tài chánh mà nay đổi là đường Hoàng Diệu. Đường Hoàng Diệu hiệu nay là chỗ ở của các quan lớn trong bộ chính tri.
Những kẻ chiến thắng vào Hà nội
Có những đoàn xe nhà binh Pháp nối đuôi nhau ra khỏi thành phố cùng với binh đội Pháp và dân chúng. Ngược lại, có những binh đội Việt Minh xếp hàng một đi bộ ngược chiều vào thành phố. Bọn người này không có cái vẻ gì là người chiến thắng, nhiều người còn tỏ ra rụt rè, ngượng ngập, vừa đi vừa hát vài câu để lên tinh thần, che lấp cái nhút nhát đó:
Một đoàn người trai hiên ngang, đeo trên vai nợ máu xương, vui ra đi không buồn nhớ thương hay Ra đi ra đi bảo tồn sông núi. Ra đi ra đi thà chết chớ lui.
Hà Nội: một rừng cờ đỏ
Rừng cờ, rừng người, một rừng cánh tay giơ lên. Thật khó diễn tả cho hết những gì người ta nhìn thấy. Trong rừng người tiến vào thành phố, thật khó để biết ai là sĩ quan chỉ huy.Chẳng ai có thể nhận ra những đồng chí như Bùi Quang Tạo, Trần Đăng Ninh, Hoàng Văn Thái, Võ Nguyên Giáp, Lê Liêm. Người ta nhốn nhác tìm bóng dáng ông Giáp hay ông Hồ nhưng không thấy. Vài ngày sau, qua báo chí, người dân Hà Nội được biết các ông ấy đã về tới Hà Nội, nhưng ở đâu thì không ai hay.
Hà Nội đã thay đổi diện mạo. Với rừng cờ đỏ. Ở đâu ra mà sãn vậy?
Đâu đây, người ta thấy một tấm biểu ngữ lớn với hàng chữ thô kệch văn chương lắm::
Cùng nhau múa hát mấy bài
Khải hoàn ngợi khúc xây đài vinh quang
Người ta nhận thức ngay được phải ứng xử thế nào trong hoàn cảnh mới. Có một chút nhạy bén và sức lan truyền đến lạ lùng trong đám thị dân năm thành phần được cách mạng công nhận là thợ thuyền, nông dân, binh sĩ, tiểu tư sản và tiểu tư sản yêu nước. Các cô gái con nhà, yểu điệu thục nữ, mượt mà, quần lụa trắng, áo dài mà mỗi bước đi cố gắng vắt xéo đôi chân từ bên này qua bên kia nay áo cánh nâu, quần đen, tay cầm lá cờ đỏ.
Đôi guốc son thời con gái nay đổi ra đôi dép cao su, hiệu con hổ mầu trắng. Phải chăng đó là sự thay đổi tận gốc rễ của người Hà nội?
Các bà mệnh phụ trước đây cứ một bước lại ngồi xe tay nay lạch bà lạch bạch ráng theo đoàn người đi tới. Mọi người hình như bằng mọi cách khuôn ép, tự sắp xếp mình vào năm thành phần trên. Đường phố vốn nhỏ hẹp nay chật cứng người như nêm cối. Như tự phát, từng đám người như thế lũ lượt như những đám rước trên đường phố hết đám này đến đám khác. Trong đám đông ai đó hô Hồ chủ tịch muôn năm!, thế là cả cái cỗ xe người đồng lượt vung cánh tay hô theo. Họ ùn ùn kéo đến Nhà Hát Lớn, đi qua rạp chiếu bóng Eden, nhà in Viễn Đông, còn được gọi là nhà in Ideo, hướng về phía vườn hoa Con Cóc rồi Bắc Bộ phủ. Nổi bật là những đám thanh thiếu niên, không biết bằng cách nào và từ bao giờ, ăn mặc như hướng đạo mà mỗi em đều quàng một chiếc khăn quàng đỏ.
Hình như cả thành phố chỉ có dân chúng chứ chưa có bóng dáng người lãnh đạo.
Vậy mà cái guồng máy đó chạy đều, nhịp nhàng hăm mươi bốn trên hai mươi bốn. Thành phố như vô chủ, chỉ có đám đông, chỉ có người gặp người, người nhìn người, đi ngược, đi xuôi. Gặp nhau có lối chào mới: giơ nắm tay đồng loạt hô to. Muôn năm, muôn năm!. Chẳng có gì có thể tả hết được cái ngày như thế, cái khung cảnh như thế, cái vận hành, cái chuyển đổi, lột xác như thế.
Những đoàn người cuồn cuộn như dòng nước lớn không dứt, hết đám này đến đám khác cho mãi đến nửa khuya và bắt đầu lại vào sáng sớm ngày mai. Chính quyền mới trong một tích tắc đồng hồ đã biến đổi đám người trước đây có thể là tiểu thương, viên chức của Pháp, nếu không nói là theo Tây, Việt gian của Tây trở thành một đám quần chúng hăng say mà không mất một ngày tập huấn.
Tất cả những điều mô tả và nhận xét trên đây, nó khác xa với những ngày 30-4- 1975. !975. Không có cánh tay nào dơ lên sau 75..Sài gòn 75, núp mặt trong nhà , sợ hãi dòm qua khe cửa bộ đội chiến thắng đi vào.Không có rừng người, không có những tiếng hoan hô. Chỉ có tiếng bánh xe thiết giáp xiết trên đường phố tiến vào dinh Độc Lập.
Có điều gì khác biệt giữa thái độ của dân chúng thủ đô Hà nội và dân chúng thủ đô của VNCH Sàigòn sau ngày 30-4 ?
Thứ nhất ý nghĩa và mục đích cuộc chiến tranh Việt-Pháp 1954 thì khác với cuộc chiến 1975.
Thứ hai, đã có một triệu người rời khỏi miền Bắc di cư vào miền Nam. Những người còn ở lại ít hay nhiều đã chọn lựa gián tiếp chế độ cộng sản, Trong khi đó, chỉ có khoảng 100000 người được di tản vội vã trước 30-4. Những người còn ở lại đều bị kẹt không đi được. Nếu được phép đi thì không phải 1 triêu người như 1954 và 5 triêu người đến 10 triệu người sẽ sẵn sàng rời bỏ miền Nam. Và nếu cho phép cả những kẻ chiếng thắng từ miền Bắc cũng được di tản thì con số sẽ là bao nhiêu ?
Không ai tiên đoán được.
Cho nên thái độ thờ ơ, dè dặt đến sợ hãi khi bộ đội cộng sản vào miền Nam là hiểu được.
Hà nội với những chú bộ đội nhảy son đố mi`
Nay thì nhiều người mới có dịp được biết những chú bộ đội của những ngày đầu cuộc chiến 19 tháng 12 năm 1946. Cũng chính những chiến sĩ này, sau này thành binh đoàn 308, binh đoàn mà mỗi khi lính Pháp nghe thấy đều nể sợ, đã khai tử binh sĩ Pháp trong trận Điện Biên Phủ. Họ đi lộn xộn, không phải một cuộc diễn binh mà một đám rước quanh bờ hồ Hoàn Kiếm. Dễ cũng đến hai lượt đi quanh hồ hay đi một vòng rồi trở ngược lại. Mỗi lúc một phấn khích qua những bài hát, tiếng vỗ tay. Từng phút, đám thị dân Hà Nội lại hòa nhịp vào đám rước đó.
Cũng vỗ tay, cũng hát to, nhảy múa, có người chơi đàn măng đô lin, có tiếng người thổi ác mô ni ca.
Tiếng hát kèm theo điệu nhảy: son mì son là son đố mì ..Người ta nhảy mùa " quê mùa tự nhiên" như người Hà nội.
Nhưng cái phấn khích đó đã được ai đó điều động kín đáo, dàn dựng tính toán và điều khiển nhịp nhàng. Hàng trăm cánh tay, trăm cử chỉ, trăm lời nói nhân lên thành ngàn những cử chỉ tự động, máy móc, đồng loạt. Hình như đông như thế, nhưng thu tóm lại vẫn chỉ là một người.
Đó là cái biểu tượng cao và kỳ lạ, mê hoặc đã lôi cuốn cả thành phố. Đó là sức thôi miên đã biến cả thành phố tự đồng hóa mình vào chế độ. Hà Nội từ nay là hình ảnh của chế độ mới. Trong một thoáng giây, quá khứ cả trăm năm dưới sự đô hộ của người Pháp như những bọt xà bông tan biến mất.
Nhưng đấy vẫn chỉ là cái bề ngoài thấy được.Vẫn chưa phải là cái thực lòng của mỗi người, mỗi gia đình. Những cái không thấy đựợc, không nghe được, phải chờ bóng đêm về, trong sâu thẳm lòng người mới lộ ra những khắc khoải, trằn trọc.
Ai có qua câu mới hay. Thật ra, trong chế độ xã hội cộng sản, ít ai có tin tưởng vào chế độ ấy. Sau chiến thắng ĐBP, chiến thắng 30/ 4/1975, vậy mà khi vào đến Sài gòn, Đào Duy Anh thố lộ với Nguyễn Hiến Lê: Ông ngại rằng, hai ba chục năm nữa, kinh tế vẫn chưa tiến được và xã hội chủ nghĩa vài trăm năm nữa cũng chưa xây dựng xong, mình sẽ bị phương Tây bỏ lùi lại sau rất xa, nếu không có sự thay đổi mạnh mẽ{ Trích Hồi ký Nguyễn Hiến Lê, trang 521}
Tâm trạng đó cũng là tâm trạng người Hà nội. Ưu tư và lo lắng. Thái độ không phải là chống đối, mà nhẫn nại Trông chờ { Attentistes}. Thụ động và bất nhẫn .
Hà nội nay có thêm cả triệu người mới tới, không nói cùng một thứ ngôn ngữ. Lớp người
Hà nôi thuộc thành phần có ăn học, trí thức thành thị không bảo nhau mà cứ thế bỏ đi.
Đó là những người Hà nội chính hiệu.{ Hanoiens}, có thứ ngôn ngữ của họ cách sống, cách ăn mặc của họ.
Từ đó có sự xung đột giữa kẻ chiến thắng và kẻ thua trận, giữa lớp thị dân và lớp người ở thôn quê, giữa tầng lớp công chức từng làm việc cho Pháp có học và chuyên môn so với cán bộ từ bưng biền ra. Người ta kể rằng, lớp cán bộ về tiếp thu Đài phát thanh Hà nội rụt rè khi bước chân vào tòa nhà đài phát thanh đồ sộ, máy móc tối tân, bực cầu thang trải thảm đỏ. Không ai bảo ai, họ đã tự động bỏ đôi dép râu cầm trên tay bước lên cầu thang.
Thế là nhà quê lắm.
Dân Hà nội chính thống nay trở thành thứ thiểu số bên lề, không quyền hành. Thật vậy, Cho đến năm 2000, 9 người trong ban lãnh đạo Ủy Ban Trung ương đảng, chỉ có môt người sinh đẻ ở Hà nội. Dân số Hà nội bây giờ đông gấp đôi dân số Hà Tĩnh, nhưng số dân biểu Hà nội thì chưa bằng nửa số dân biểu Hà Tĩnh.
Hà nội hoan hô thế đấy. Nhưng Hà nội vẫn là cái nôi của những chống đối, bất mãn sau này qua nhóm Nhân Văn giai phẩm và những chống đối bất mãn dài dài sau này.
Có rất nhiều mâu thuẫn, dị biệt khá tế nhị như thế mà đôi khi không làm thế nào cởi gỡ ra được. Nhân đây, xin kể một câu truyện có thật về một thanh niên Hà nội buôn bán, giầu có, có nhà ở sàigòn. Cậu vào trong Nam, gặp được một thiếu nữ miền Nam, gốc Bắc, rất xinh đep. Hai người yêu nhau, tính truyện hôn nhân..Nhưng rủi là cô gái được chị bảo lãnh sang đoàn tụ với gia đình ở bên Mỹ. Sang Mỹ thiếu nữ được đi học lại được một năm, cô gái vẫn thương nhớ người tình cũ còn ở lại. Cô được người yêu mua vé máy bay để về thăm nhà. Một bữa, cùng ngồi ăn nơi sạp bán hoa quả cô gái thấy cậu thanh niên , người yêu, mặc chiếc quần đùi, để hở cái thìu biu của cậu ra ngoài. Cô cảm thấy xấu hổ, turn off.. và chỉ môt tuần sau quyết định quay về Mỹ.
Hóa ra chỉ vì khác biệt nếp sống, văn hóa. Làm thế nào để người Hà nội mới và Hanoiens ngôi chung một mâm với nhau được?
Hà nội với bức màn tre
Khi mà những người Pháp cuối cùng đã rời Hà nội.Và khi mà thời hạn 100 ngày cuối cùng dành cho Hải phòng cũng đã hết hạn.
Tại miền Bắc, chính quyền CS dựng nên một bức tường tre bao phủ chẳng những Hà nội mà toàn thể miền Bắc Việt Nam.
*****
Chú thích
[3] Trích lại trong annexe 1, J.O ngày 25 tháng 4 năm 1954, trong Les 170 jours de Diên Biên Phu, Erwan Bergot, Presse de la Cité, 1979.
Nghị định 18
Theo đề nghị của Thứ trưởng Bộ Chiến tranh. Bộ trưởng Bộ quốc phòng và quân lực.
Được tuyên dương của quân đội Đông Dương. Để chấp hành.
Đội quân đồn trú tại Điện Biên Phủ. Từ nhiều tuần nay, dưới quyền chỉ huy của đại tá De Castrie, quân đội Liên Hiệp Pháp đẩy lùi được nhiều cuộc tấn công mãnh liệt ngày và đêm của một quân địch đông đảo hơn về số lượng người.
Sự hi sinh dũng cảm của những người đã nằm xuống cùng với sự chiến đấu kiên cường của những chiến sĩ đã đem lại vinh quang cho danh dự quân đội chúng ta.
Hợp nhất trong tình chiến thắng, sĩ quan, hạ sĩ quan và binh sĩ đã được sự ngưỡng mộ của thế giới tự do, sự tự hào lòng biết ơn của nước Pháp. Lòng can đảm của họ mãi mãi vẫn là những tấm gương mẫu mực.
Sự tuyên dương này gồm có huân chương chiến tranh về các cuộc hành quân hải ngoại với nhành dương liễu.
Paris ngày 7 tháng 4 năm 1954.
Ký tên: R. Pleven
Trưởng Bộ Chiến tranh: Ký tên: P. de Chevigne
[4] Chiến dịch Castor thực sự mở màn bằng cuộc không vận lớn nhất trong cuộc chiến tranh này vào ngày 20-11-1953 với khoảng 1500 lính dù được đổ xuống trong vòng chảo Điện Biên Phủ. Tướng De Castries đến Điện Biên Phủ vào ngày 07-12-1953. Vào khoảng từ tháng 01 đến tháng 02, khi các cứ điểm đã được thiết lập, ông đã đặt một số tên cho 49 cứ điểm bắt đầu bằng những tên con gái như Anne-Marie, Béatrice, Claudine, Dominique, Eliane, Françoise, Huguette, Isabelle. Béatrice là cứ điểm nằm ở phía Bắc, cứ điểm đầu tiên lãnh trận mưa pháo với khoảng 5000 trái rớt xuống từ 5 giờ 15 phút chiều ngày 13 tháng 3. Hai giờ sáng ngày 14 tháng 03, cứ điểm Béatrice bị xoá tên. Có một số người viết dùng những tên cứ điểm con gái này để ám chỉ De Castries là loại ham mê cờ bạc và trai gái. Thật ra việc thất trận đủ là một tủi nhục rồi, chả cần thêm những chuyện bôi nhọ đó.
[5] Một số nội dung này phỏng theo cuốn La guerre, L'enlissement, L'humiliation, L'aventure của Lucien Bodard, Bernard Grasset, Paris 1997.
[6] Thập giá và lưỡi gươm Trần Tam Tỉnh, NXB Trẻ, T.P Hồ Chí Minh, 1988, trang 108-109.
[7] Le Dragon d'Annam, NXB Plon, 1979, trang 293.
[8] Đặc biệt tướng Giáp, kẻ thắng trận, vị tướng duy nhất trong bộ đội Việt Minh có những đánh giá khá cao với tư cách của một kẻ làm tướng đối với kẻ thù của mình. Ông viết: Trước đây, ta thường hiểu sức mạnh của địch là ở vũ khí, trang bị hiện đại, chỗ yếu của địch là tinh thần, một công cụ xâm lược, một đội quân đánh thuê. Nay ta đã thấy rõ thêm cái mạnh của một quân đội nhà nghề. Chỉ huy Pháp đều được đào tạo chính quy theo chuyên ngành từ những trường quân sự có kinh nghiệm lâu đời. Quân đội Pháp có một đội ngũ chuyên môn về binh khí kỹ thuật. Binh sĩ đều được huấn luyện kỹ trước khi tung ra chiến trường. Cách đào tạo này kết hợp với những vũ khí hiện đại phát huy cao độ sức mạnh trong những trận đánh lớn. (Trích trong Đường tới Điện Biên Phủ, đại tướng Võ Nguyên Giáp, Hữu Mai thể hiện, NXB Quân đội nhân dân, Hanoi, 2001, trang 298).
[9] Dẫn theo Erwan Bergot, Les 170 jours de Diên Biên Phu, NXB Presse de la Cité, 1979, trang 7).