Thái Công Tụng
Các giá trị Phật học trong truyện Lục Vân Tiên
Cụ Nguyễn Đình Chiểu
1. Dẫn nhập.
Trong lịch sử văn học Việt Nam, có rất nhiều truyện thơ, từ Kim Vân Kiều, Lục Vân Tiên, đến Phạm Công Cúc Hoa, Cung Oán ..luôn luôn có phản ánh triết thuyết Tam Giáo nghĩa là phảng phất 3 giáo lý chính : Phật, Nho, Lão … đan xen trong truyện.
Truyện Lục Vân Tiên, một truyện thơ 2 082 câu viết theo lục bát cũng không thoát khỏi nhận xét đó. Đặc biệt, truyện chuyên chở những giá trị Phật giáo trong đó có nhân quả, tinh thần phá chấp, lòng từ bi, tính cách vô thường vốn là những thuộc tính của Phật giáo. Thực vậy, ta thấy nhan nhãn và rải rác đây đó trong truyện các thuật ngữ Phật giáo thông thường: qủa báo, từ bi, quy y, quan âm, phật bà, phiền não, phù du v.v.
Trước khi đi vào chi tiết, ta hãy nói qua về tác giả và tình tiết câu truyện
2. Tác giả và tình tiết câu truyện
2.1. Nói qua về tác giả trong bối cảnh lịch sử
Tác giả truyện Lục vân Tiên là Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888) có cha là Nguyễn đình Huy, người Thừa Thiên, theo Lê Văn Duyệt từ Huế vào làm thư lại ở Gia Định. Sau đó lấy vợ sinh ra ông.
Năm 22 tuổi, Nguyễn Đình Chiểu đỗ Tú Tài trường Gia Định (trào vua Thiệu Trị).
Năm 25 tuổi, Chiểu ra Huế học chờ khoa thi hội nhưng vì mẹ mất (1848) nên bỏ thi, trở vào Nam chịu tang, khi đến Quảng Nam, bị đau mắt, trở thành mù .
Năm 30 tuổi, Chiểu mở trường dạy học ở Gia Định, do đó có tên gọi cụ Đồ Chiểu .
Bối cảnh lịch sử lúc đó rất nhiễu nhương với hạm đội Pháp bắn phá Đà Nẳng (năm 1858), lấy thành Gia Định (1859) rồi các cuộc khởi nghĩa nhân dân Nam bộ nổi dậy chống Pháp khắp nơi, lúc đó Chiểu 41 tuổi .
Trong suốt những năm đó truyện Lục Vân Tiên ra đời, đề cao lòng trung nghĩa nên nhờ đó được nhiều người ưa chuộng. Ông mất năm 1888 lúc 67 tuổi .Có nhiều người con trong đó phải để ý Sương Nguyệt Ánh là một nữ sĩ có tiếng ở miền Nam (gọi thêm là Sương vì bà Nguyệt Ánh là goá phụ).
2.2 về truyện Lục Vân Tiên
Chuyện tình gian truân với nhiều hoàn cảnh éo le này lôi kéo độc giả trở về thế kỷ 19.
Gian truân vì trong truyện, cuộc tình trong trắng giữa một chàng trai đi thi tức Lục Vân Tiên với một kiều nữ tức Kiều Nguyệt Nga đã gặp phải rất nhiều chông gai, hết nghịch cảnh này đến gian truân kia. Những sự cố trong truyện với muôn hình, muôn vẻ, nào những người bạc ác tinh ma, nào kẻ cướp, người phản bạn, kẻ vô lương như Trịnh Hâm, như Bùi Kiệm, cha con vợ chồng nhà Võ Công nhưng cũng đầy các nhân vật lí tưởng như Vân Tiên, Nguyệt Nga, Hớn Minh, Tử Trực, Tiểu đồng, những người có lòng từ bi như người tiều phu, người đánh cá .
Truyện Lục Vân Tiên tuy văn phong không chải chuốt như Truyện Kiều nhưng được nhiều người ,- và đặc biệt là người đồng bằng sông Cửu Long- ưa thích vì lời văn bình dị dễ hiểu, thêm vào đó có chút bi kịch lâm ly nên dễ phả vào hồn người .
Truyện tóm tắt như sau:
Từ câu đầu đến câu 286: Lục Vân Tiên, một sinh viên cótài lẫn nết đã đính hôn vớI Võ Thể Loan rồi nhân đi lên kinh đô đi thi, gặp Kiều Nguyệt Nga bị bọn giặc bắt. NguyệtNga được Vân Tiên cứu khỏi và thề nguyền lấy Vân Tiên sau này để tạ ơn.
Từ câu 287 đến câu 1264 : nhiều nghịch cảnh xảy đến với Lục Vân Tiên: lên đường đi thi với người tiểu đồng, bị Trịnh Hâm lừa trói vào rừng nhưng được thoát nạn, tưởng Vân Tiên đã chết, nguyền che chòi giữ mả cho Vân Tiên còn Vân Tiên bị Trịnh Hâm xô xuống sông, nhưng được người đánh cá cứu sống. Lục Vân Tiên lại bị ông nhạc, tức cha Võ Thể Loan bội ước, không gả vì Lục vân Tiên bị mù, đem bỏ vào hang, nhưng được người tiều phu cứu. Cha Võ Thể Loan muốn gả con gái mình cho Vương Tử Trực là bạn của Lục Vân Tiên nhưng bị mắng nhiếc, xấu hổ ốm chết. Vân Tiên gặp lại Hớn Minh vượt ngục ẩn trốn trong chùa, vì Hớn Minh đánh con quan huyện trong khi cứu một phụ nữ .
Từ câu 1265 đến câu 1664 kể chuyện Nguyệt Nga bị tên nịnh thần,-Thái sư trong triều-, muốn ép duyên nhưng không được. Nhân có giặc Phiên sang quấy nhiễu, Thái sư bèn tâu vua Sở bắt nàng sang cống cho giặc Phiên, nhưng vì muốn giữ lòng chung thuỷ với Vân Tiên nên đã nhảy xuống sông tự tử. May gặp Ngư ông vớt, được Quan Âm cứu rồi bị Bùi Kiệm ép duyên, được một bà lão đem về nuôi .
Và cuối cùng từ câu 1665 đến câu 2082 là Lục Vân Tiên gặp lại Nguyệt Nga, cưới nhau: Vân Tiên được thuốc tiên sáng mắt ra, đậu Trạng Nguyên, đánh tan giặc Phiên lập công to ;lúc về gặp Nguyệt Nga trong chùa ; các kẻ gian ác bị tội.
3. Các giá trị Phật giáo qua truyện Lục Vân Tiên
Ngay từ vài câu đầu truyện thơ, ta đã thấy tương quan nhân quả:
Có người ở quận Đông thành.
Tu nhân tích đức sớm sanh con hiền
Đặt tên là Lục Vân Tiên (câu 7-9)
Ý nói là nhờ cha mẹ tu nhơn tích đức đã lâu nên con sinh ra hiền lành, đúng như tục ngữ ta là: cha mẹ hiền lành để phúc cho con
Trong tương quan nhân qủa, thật ra, không có cái gì xảy ra mà chỉ có một nguyên nhân duy nhất sinh ra . Ngoài cái yếu tố ‘nhân’ ra, phải còn để ý các yếu tố khách quan như môi trường, hoàn cảnh, tóm lại cái mà phật học gọi là duyên. Nhân đi liền với duyên: thuận duyên hay nghịch duyên. Có một nhân chánh, nhưng nhân chánh này bị nhiều nhân và duyên phụ đến làm sai lạc sự thuần nhất của cái nhân chánh ấy đi, như tục ngữ ta có câu: cha mẹ sinh con, trời sinh tánh
Sự vật hiện ra được là do nhiều nhân duyên tương tác với nhau mà hình thành:
Có giống tốt nhưng nếu điều kiện chủ quan xấu ( đất nghèo, khô nước, sâu bọ) và điều kiện khách quan không thuận lợi (bão lụt, hạn hán,..) thì dù 'nhân’ ở đây là hạt giống có tốt đi chăng nữa thì cũng không phát huy được kết qủa tốt. Tóm lại, nhân và duyên tác động qua lại, đan xen, tương quan, tương nhập mới tạo nên cái quả. Như vậy, quả chính là sự hỗn hợp của nhiều nhân duyên phức tạp. Truyện Kiều cũng có câu: Nhân duyên đâu lại mà mong, chính cũng xác nhận điều đó .
Tương quan nhân qủa như vậy không có tính cách đơn tuyến mà mọi quan hệ đều có tính cách phi tuyến, có tương tác giữa các yếu tố .
Thử điểm qua vài nhân vật chính trong truyện:
-Lục Vân Tiên. Trên đường đi thi, dọc đường khi nghe dân quanh vùng than phiền có bọn lâu la cướp bóc và đặc biệt 'thấy con gái tốt qua đường bắt đi, Xóm làng chẳng dám nói chi 'thì Vân Tiên giúp giải thoát được các cô thục nữ này trong đó có Kiều Nguyệt Nga. Nguyệt Nga muốn mời về nhà để trả ơn vì ’gặp đây đương lúc giữa đàng, của tiền chẳng có bạc vàng cũng không’ nhưng Vân Tiên thối thác:
'Làm ơn há dễ trông người trả ơn
Nay đà rõ đặng nguồn cơn
Nào ai tính thiệt so hơn làm gì ’
Như vậy có nghĩa là bố thí; bố thí không nhất thiết về tiền bạc, của cải mà một lời nói ngọt ngào, một cử chỉ hướng thiện cũng là bố thí. Như một Phật tử chân chính, thấm nhuần với nguyên tắc Vô Ngã, Vân Tiên đã hướng lòng vị tha tự nhiên để giúp đỡ tích cực cho người bị nạn qua ý nghĩ, hành động và lời nói đem lại an lạc cho tha nhân.
Cử chỉ và lời đáp của Vân Tiên như một bố thí tự nhiên, mà bố thí là điểm đầu tiên của phép lục độ (bố thí, tinh tấn, nhẫn nhục, trì giới, thiền định, trí huệ ).
- Nguyệt Nga
Khi nước sắp sửa bị giặc Phiên xâm lăng, lại có những người như Thái sư, đầy quyền thế muốn lấy Kiều Nguyệt Nga nhưng không được bèn bắt nàng sang cống cho vua nước Phiên để cho yên:
Muốn cho khỏi giặc Ô Qua
Đưa con gái tốt giao hoà thời xong
Nguyệt Nga là gái Kiều Công
Tuổi vừa hai tám má hồng đương xinh ( câu 1381-1384)
nhưng vì Nguyệt Nga vẫn yêu người tình là Lục Vân Tiên nên Nguyệt Nga nhảy xuống sông :
Nguyệt Nga nhảy xuống nửa vời
Sóng thần đưa đẩy vào nơi bãi rày (câu 1517-1518)
được Quan Âm giúp:
Xiết bao sương tuyết đêm đông
Mình nằm giữa bãi lạnh lùng ai hay
Quan âm thương đứng thảo ngay
Bèn đem nàng lại bỏ rày vườn hoa
Dặn rằng: nàng hỡi Nguyệt Nga
Tìm nơi nương náu cho qua tháng ngày
Đôi ba năm nữa gần đây
Vợ chồng sao cũng sum vầy một nơi’ (câu 1521-1528)
Như vậy, gặp trường hợp hiểm nghèo, Nguyệt Nga đã được vị Bồ tát Quan Âm phò trì.
Nhưng tìm được chỗ dung thân tại nhà họ Bùi thì ông cha muốn con mình là Bùi Kiệm kết hôn với nàng nhưng Nguyệt Nga cự tuyệt và đi trốn ban đêm qua bụi, qua đèo và nhờ gặp người tốt:
Người ngay trời phật cũng vưng [1]
Lão bà chống gậy trong rừng bước ra
Hõi rằng: Nàng phải Nguyệt Nga
Khá tua gắng gượng về nhà cùng ta
Khi khuya nằm thấy Phật bà
Người đà mách bảo nên già tới đây (câu 1651-1656)
Nguyệt Nga nhờ phật bà Quan Âm hộ trì chờ ngày nối lại với người tình đầu.
Trong khi đó, Thái sư, người đã ép Nguyệt Nga lấy vua Phiên thì sau khi Vân Tiên thi đậu Trạng Nguyên và cùng với Hớn Minh lên đường xông pha đuổi được giặc Phiên, ca khúc khải hoàn trước nhà vua thì nhà vua bèn cách chức:
Sở vương phán trước trào ca :
'Thái sư cách chức về nhà làm dân’
chứng tỏ thêm nữa cái hậu qủa của sự tạo nghiệp dữ từ trước
- Trịnh Hâm:
Con người Trịnh Hâm nhiều tham, sân, si và có nhiều hành động tạo nghiệp dữ . Nào là .với Vân Tiên thì:
Trịnh Hâm khi ấy ra tay
Vân Tiên bị ngã xô ngay xuống vời (câu 939-940)
Nhưng may được người đánh cá cứu thoát:
Vừa may trời đã sáng ngày
Ông chài xem thấy vớt ngay lên bờ
Hối con vầy lửa một giờ
Ông hơ bụng dạ, mụ hơ mặt mày (câu 947-950)
-với tiểu đồng đi theo Vân Tiên thì y trói gốc cây:
Trịnh Hâm trong dạ gươm dao
Bắt người đồng tử trói vào gốc cây
Trước cho hùm cọp ăn mày
Hại Tiên phải dụng mưu này mới xong
Vân Tiên ngồi những đợi trông
Trịnh Hâm về nói tiểu đồng cọp ăn (câu 871-876)
Tuy nhiên, trong truyện, sau khi Vân Tiên thi đậu, vua sai đánh phá được giặc Phiên, đem những người hãm hại ngày xưa như Trịnh Hâm ra xử cũng được Vân Tiên tha bổng, chứng tỏ tinh thần phá chấp của Vân Tiên:
Trạng rằng: Hễ đứng anh hùng
Nào ai có giết đứa cùng làm chi
Thôi thôi ta cũng rộng suy
Truyền quân mở trói đuổi đi cho rồi (câu 1971-1974)
Phá chấp vô ngã chính cũng là những lời dạy trong Phật pháp.
Nhưng vì cái nghiệp nặng nề của Trịnh Hâm nên khi đi về qua sông cũng bị chìm xuồng chết:
Trịnh Hâm về tới Hàn Giang
Sóng thần nổi dậy thuyền chàng chìm ngay
Trịnh Hâm bị cá nuốt rày
Thiệt trời báo ứng lẽ này rất ưng
Thấy vầy nên dửng dừng dưng
Làm người ai nấy thì đừng bất nhân (câu 1989-1994)
'Thiệt trời báo ứng’ chính cũng phản ánh tương quan nhân quả của Phật học và do đó tác giả khuyên ngay: Làm người ai nấy thì đừng bất nhân
-Võ Công
Lại có những kẻ giàu có nhưng có lòng bội bạc như Vũ Công, cha vợ Lục vân Tiên, khi thấy con rể bị mù, định hãm hại con rể để gả con gái mình tên Võ Thể Loan cho người khác thuộc gia đình họ Vương, bằng cách đem bỏ Vân Tiên vào hang:
Ngẫm mình tai nạn biết bao
Mới lên khỏi biển lại vào trong hang (câu 1063-1064)
nhưng được người tiều phu cứu thoát .
Mẹ con Thể Loan rút cục cũng bị quả báo hiện ra:
Vội vàng cúi lạy chưn rày trở ra
Trở về chưa kịp tới nhà
Thấy hai con cọp chạy ra đón đàng
Thảy đều bắt mẹ con nàng
Đem vào lại bỏ trong hang Thương tòng
Bốn bề đá lấp bịt bùng
Mẹ con than khóc khôn trông ra rồi
Trời kia quả báo mấy hồi
Tiếc công son điểm phấn dồi bấy lâu (2062-2070)
Trời kia quả báo mấy hồi, đây là một câu quan trọng tóm tắt luật nhân quả: ai gieo gió thì gặt bão. Trước đây, ta cũng đã gặp chữ 'Thiệt trời báo ứng’
- Hớn Minh
Anh chàng này giữa đường thấy chuyện bất bình ra tay cứu giúp một cô gái bị hiếp dâm, ra huyện tự nộp mình, bị đày và vượt ngục trốn thoát, vào chùa mai danh ẩn tích:
Minh rằng: Tôi vốn chẳng may,
Ngày xưa mắc phải án đày trốn đi
Dám đâu bày mặt ra thi
Đã đành hai chữ quy y chùa này (câu 1677-1680)
hoặc:
Ngày xưa mắc án trốn đi
Phải về nương náu từ bi ẩn mình (câu 1755-1756)
Như vậy, Hớn Minh gặp cơn hoạn nạn đã nhờ bàn tay ân cần của chùa chiền, nương ánh từ bi, sống qua ngày đoạn tháng, như nàng Kiều trong Truyện Kiều:
Phật tiền thảm lấp sầu vùi
Ngày pho thủ tự đêm nồi tâm hưong
Cho hay giọt nước cành dương
Hoặc:
Gửi thân được chốn am mây
Muối dưa đắp đổi tháng ngày thong dong
Vân Tiên cũng nhờ Hớn Minh cho tá túc ở chùa với lời nguyền:
Mãy năm hẩm hú tương rau
Khó nghèo nỡ phụ sang giàu đâu quên
Sau này Lục Vân Tiên khi thi đậu ra làm quan to bèn giới thiệu Hớn Minh với vua; vua ân xá cho Hớn Minh để rồi cùng với Vân Tiên lãnh đạo đuổi giặc Phiên; như vậy, ngoài cái nhân và cái trí, hai nhân vật này lại thêm cái dũng nữa .'Kiến nghĩa bất vi vô dũng dã’. Thiếudũng thì không dám đãu tranh, chỉ là kẻ cơ hội, chờ thời, thấy đúng không dám bảo vệ. Như vậy họ có cả 3 đức tính: nhân, trí, dũng
- Người tiểu đồng, bị Trịnh Hâm lừa trói vào rừng nhưng đưọc thoát nạn, tưởng Vân Tiên đã chết, nguyền che chòi giữ mả cho Vân Tiên. Ai cũng tưởng chú tiểu đồng đã chết nhưng nhờ nghiệp lành trung thành với chủ đã hộ trì trở về không phải trong mộng nhưng là người thật:
Người ngay trời Phật động lòng
Phút đâu ngó thấy tiểu đồng đén coi (2007-2008)
- Lòng từ bi của người tiều phu: khi Vân Tiên muốn trả ơn người tiều phu đã cứu thoát mình,
Lão tiều mới nói: Thôi thôi
Làm ơn mà lại trông người sao hay ?
Già hay thương kẻ thảo ngay,
Này thôi để lão dắt ngay về nhà (câu 1107-1110)
Lời thốt ra của người tiều phu : Làm ơn mà lại trông người sao hay ? rất quan trọng vì có nghĩa là sự bố thí, lòng từ của người tiều phu là giúp người không phân biệt, không tính toán . Lòng từ ở đây không 'trụ’ tướng, không trông trả ơn cũng chẳng cầu phúc báo, nói khác đi không chấp trước, không vướng mắc.
Ngoài giá trị nhân quả, giá trị từ bi trong truyện Lục Vân Tiên, thỉnh thoảng ta cũng thấy ý niệm vô thường. Thực vậy, khi cha Lục Vân Tiên thấy Nguyệt Nga thất vọng vì tưởng là Lục Vân Tiên đã chết thì :
Kiếm lời khuyên giải với nàng:
Giải cơn phiền não kẻo mang lấy sầu
Người đời như bóng phù du
Sớm còn tối mất công phu lỡ làng (câu 1299-1302)-
Trong Phật học, khái niệm vô thường, sắc sắc không không do cuộc đời và trào lưu tâm lí biến đổi liên tục cũng là một khái niệm căn bản. Do đó, con người cần sống trong giây phút hiện tại, giữ chánh niệm trong mỗi phút giây, tìm lại sự an nhiên tự tại, như lời thốt ra của người tiều phu cứu Vân Tiên ra khỏi hang :
Tấm lòng chẳng muốn của ai
Lánh nơi danh lợi chông gai cực lòng
Kìa non nọ nước thong dong
Trăng thanh gió mát bạn cùng hươu nai (1141-1144)
hoặc của lời người ngư phủ cứu Vân Tiên:
Rày doi [2] mai vịnh vui vầy
Ngày kia hứng gió đêm nầy chơi trăng
Một mình thong thả làm ăn
Khoẻ quơ chài kéo mệt quăng câu dầm [3]
Nghêu ngao nay chích mai đầm
Một bầu trời đất vui thầm ai hay (câu 967-972)
hoặc của người chủ quán, nơi 4 chàng Trịnh Hâm, Tử Trực, Bùi Kiệm, Vân Tiên dừng lại nghỉ chân trước khi ra kinh đi thi :
Non xanh nước biếc vui vầy
Khi đêm rượu cúc khi ngày trà lan
Dấn thân vào chốn an nhàn
Thoát vòng danh lợi lánh đàng thị phi (Câu 615-618)
Cả ba đoạn thơ sau cùng này đề cao một môi trường thái hoà giúp con người lâng lâng thoát tục. Môi trường trong sạch với núi rừng thiên nhiên, mây trời hiền hoà, con suối nước ngại ngùng chảy, mùi nhựa thông ngai ngái v.v.giúp con người tìm lại chính mình, thoát khỏi các phiền buồn. Để viết theo kiểu một phản ứng hoá học:
Môi trường thiên nhiên trong sạch+Con người-à tham, sân, si + tâm an lạc. ↓↓↓
Như trong một dung dịch hoá học, các chất tham, sân, si bị kết tuả, còn lại phía trên là tâm an lạc, thanh tịnh, mà ý tốt, tức chánh tư duy, chánh kiến là tiền đề cho mọi hành động tốt .
Môi trường yên tĩnh giúp ta an niệm dễ dàng hơn, niệm trong giây phút hiện tại, đúng như khi chiết tự chữ NIỆM theo chữ Hán, gồm 2 phần: phần trên có chữ Kim tức hiện tại, phần dưới có chữ Tâm.
Vô hình chung, Nguyễn Đình Chiểu qua các đoạn thơ trên đã minh xác tương quan giữa người và vạn vật trong cõi môi sinh thái hoà, tìm lại cái thân tâm tự tại.
Bất chợt nghĩ đến các câu thơ sau của Tô Thùy Yên :
Liệu đời ta còn chăng một chỗ phẳng
Đủ dọn quang mà dựng am mây
Ẩn ngày tháng, đi về không động bóng
Trụ nơi tâm, tự tại giữa vần xoay
Trụ nơi tâm, thực vậy, nhà thơ Tô Thùy Yên đã nói lên cốt lỏi của đạo Phật: điều phục Tâm, đạo đời một cội, gần xa tại lòng .
Tự tại thong dong cũng là một thuộc tính của Phật giáo vì Phật giáo khuyên ta nên có trí viên dung vô ngại, thoát khỏi cái nhị nguyên và đề cao một nền văn hoá hoà bình .
4. Kết luận:
Ngoài những giá trị Phật giáo muôn đời vừa đề cập ỏ trên như Từ, Bi, Hỉ, Xả , như bố thí, phá chấp .. truyện Lục Vân Tiên còn dạy điều trung nghĩa:
Trai thời trung hiếu làm đầu
Gái thời tiết hạnh là câu trau mình (câu 5-6)
hoặc:
Làm người cho biết ngãi sâu
Gặp cơn hoạn nạn cùng nhau cho tròn (2071-2072)
Ngoài ra, trong câu truyện, người đọc có thể nhận ra bao nhiêu nghịch cảnh mà Lục Vân Tiên đã trãi qua . Con người như vậy có chỉ số AQ rất cao . Thế nào là AQ ? Ta chỉ thường nghe nói đến chỉ số IQ (độ trí tuệ, intelligence quotient), chỉ số EQ ( cảm xúc, emotional quotient) nhưng gần đây các nhà tâm lý học mới bày thêm một chỉ số khác nữa, đó là chỉ số AQ (adversity quotient). Chỉ số này cho thấy nhiều người có thể chống chọi được nghịch cảnh để vươn lên, vượt qua số phận mà định mệnh đã cay nghiệt đè nặng lên mình :
Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều
Lục Vân Tiên chính là một người có AQ cao vì gặp phải toàn người ác độc tinh ma như Trịnh Hâm, như Võ Công, mà bền lòng, đủ can trường vượt qua thử thách. Nhưng phải thấm nhuần trong khí quyển văn hoá Phật giáo với nhẫn nhục, tinh tấn, con người Lục Vân Tiên mới vượt qua được mọi nghịch cảnh vậy.
[1] Vưng: đồng tình phù hộ cho
[2] Doi: dải đất dọc sông
[3] Câu dầm: thả mồi ngâm lâu dưới nước đợi cá ăn
Thư tịch tham khảo
Dương Quảng Hàm .Việt-Nam văn học sử yếu .Bộ Giáo dục. Trung Tâm Học Liệu xuất bản Saigon 1968
Ca văn Thinh, Nguyễn sỹ Lâm, Nguyễn thạch Giang. Nguyễn Đình Chiểu toàn tập .Nhà xuất bản Đại học và Trung học chuyên nghiệp. Hanoi 1980