NHỮNG ANH HÙNG THẦM LẶNG

Nguyễn Tường Tuấn

NHỮNG ANH HÙNG THẦM LẶNG

Bức thư gởi con:

Con trai của bố mẹ, mười sáu năm trôi qua! Câu chuyện xẩy ra vào năm 2004, bố không nhớ rõ ngày tháng, nhưng nếu chịu khó tìm lại hồ sơ thì cũng ra thôi. Nhưng để làm gì? Tha cho bố chi tiết thiếu sót đó! Tuy nhiên, nếu không nhắc lại chuyện này cho con, bố sẽ trở thành người vô ơn và điều đó không chấp nhận được.

Buổi sáng sớm, khoảng 05:00 bố thức dậy, chuẩn bị đi làm, thì con gọi điện thoại. Không làm gì con gọi sớm như thế, chắc là chuyện không vui? Ra phòng khách nói chuyện để tránh khuấy động giấc ngủ của mẹ.

- Bố ơi, con đang ở nhà thương, và chuẩn bị mổ. Bác sĩ yêu cầu bố đến ký giấy cho phép, và phải mổ ngay trong vòng hai tiếng!


Thật là tin sét đánh! Từ nhà đến thành phố Eugene nơi con đang học, lái xe nhanh nhất cũng hai tiếng! Bố cho mẹ biết, và nhanh chóng lên đường. Mới ngày hôm qua con còn mạnh khoẻ, thế mà chỉ vài tiếng đồng hồ sau đã ra nông nỗi này! Không phải tai nạn lái xe, con không uống rượu, chỉ qua một cơn nhức đầu, nhức đến muốn nổ tung ra. Và người bạn roomate vội chở vào cấp cứu, bác sĩ cho biết con sẽ phải giải phẫu... Trước đó vài ngày con đi nha sĩ, theo bác sĩ con bị nhiễm trùng nặng "severe bacterial infection" và đưa lên óc, làm tắc mạch máu.

Chưa bao giờ bố lái xe nhanh như thế, trên xa lộ liên bang I-5 kim tốc độ chỉ quá mức cho phép, nhưng sao vẫn thấy chậm? Khi gần đến nơi, xe bị cảnh sát Eugene đón đầu, có lẽ họ được thông báo trước bởi cảnh sát trên đường đi qua? Người cảnh sát rất lịch sự, dùng loa phóng thanh yêu cầu không được ra khỏi xe, và tốn khoảng gần 5 phút cho ông ta check trên máy vi tính. Chao ơi, 5 phút đúng là thiên thu!

- Bạn có biết là lái xe quá vận tốc cho phép không?

- Dạ thưa biết! Nhưng xin ông cho tôi trình bầy nhanh chóng.

- OK..

Sau khi nghe câu chuyện, vẫn chưa tin cho lắm. Ông ta hỏi, bố có biết tên bệnh viện sẽ đến không? Dĩ nhiên là biết. Cẩn thận hơn, còn hỏi tên và DOB của con, để xác nhận với nhà thương.

- Sacred Heart Medical Eugene, thưa ông. Lại thêm một thời gian để ông ta xác nhận với bệnh viện. Bố chỉ biết ngồi gục trên tay lái cầu nguyện ơn trên.

Sau khi gọi máy, người cảnh sát hỏi bố có biết đường đến đó không? Làm sao biết được! Bố chỉ biết trường con học thôi. Thế là viên cảnh sát không những không phạt, mà còn nói:

- Xin lỗi tôi đã làm mất thời gian của anh! Bây giờ anh hãy chạy ngay sau xe tôi. Xe cảnh sát hú còi, đèn cấp cứu mở, và xe bố cứ thế mà theo, vượt qua mọi đèn đỏ, chỉ vài phút sau đến bệnh viện.

Hình ảnh đẹp quá phải không con? À một chi tiết quan trọng khác, trên đường đưa bố đi, ông ta đã gọi, cho bệnh viện biết bố của con đang đến. Nếu thời gian chậm, bác sĩ cứ việc tiến hành ca mổ và bố sẽ ký giấy tờ sau vài phút nữa. Nhờ vậy con mới được đưa vào phòng mổ kịp thời.

Bố không có thời giờ và tâm hồn đâu để xin tên người Cảnh sát tuyệt vời đó. Nhưng bài viết này xin để vinh danh tất cả các anh/chị cảnh sát Hoa Kỳ, với tấm lòng biết ơn của gia đình chúng ta.

 II.

Con tốt nghiệp University of Oregon, thêm hai năm sau đại học tại Parsons The New School For Design, 16 năm cư dân New York. Con biết, nếu không vào bệnh viện mổ kịp, không trải qua vài tháng phải đeo ống trực tiếp truyền penicilline vào tim, thì giờ này chúng ta đã không còn bên nhau trong cuộc đời này.

Ai đã gọi điện thoại báo bệnh viện cứ đưa con vào mổ, và bố sẽ ký giấy tờ sau? Nếu không phải là anh nhân viên Cảnh sát? Lúc đó, bố còn hồn vía đâu mà nói chuyện với bệnh viện? Chưa kể, dễ gì họ tin? Chuyện gì sẽ xẩy ra nếu bố đến không kịp trong hai giờ đó? Đành rằng con người ta sống chết có số! Nhưng con ơi, Thượng Đế đã gửi người Cảnh sát đó đến đúng lúc để cứu con khỏi tay tử thần!

Con của bố mẹ,

Bố mẹ biết con còn trẻ dù đã gần 40, với bố mẹ, thì lúc nào con cũng vẫn là bé nhỏ. Bố mẹ biết con không thích chính trị, ham mê thể thao, nhưng có lẽ con học tại những ngôi trường liberal, cho nên không thích Tổng thống Donald Trump. Bố mẹ tôn trọng suy nghĩ của con. Nhưng, bài viết này không phải để thuyết phục con bỏ phiếu cho Tổng thống Trump. Bố mẹ tôn trọng quyền tự do của con.

Trong những ngày gần đây, qua cái chết không mong muốn của một người da đen, anh George Floyd, và mới đây lại thêm một nạn nhân khác tại Goergia anh Rayshard Brooks. Nước Mỹ dưới sự xách động của một nhóm người trẻ, cực tả, biểu tình, đốt phá, thậm chí chiếm đoạt cả một khu phố 6 blocks ở Seattle. Họ đòi giải thể, cắt giảm ngân sách dành cho cảnh sát... Bố không thể ngồi im mà không viết. Dù phải chết, bố cũng sẵn sàng. Mục sư Martin Luther King để lại cho chúng ta lời khuyên vàng ngọc, "Bi kịch lớn nhất không phải sự áp bức và tàn ác của kẻ xấu, mà chính là sự im lặng của người tốt". (The ultimate tragedy is not the oppression and cruelty by the bad people, but the silence over that by the good people). Không dám nhận mình là người tốt, nhưng dù là người bình thường cũng không thể câm lặng!

III.

Nhiều người trên nước Mỹ đang là nạn nhân! Nhất là những người trẻ, giòng nhiệt huyết trong họ đã bị bọn "kên kên chính trị" lợi dụng. Mọi nguyên tắc công bằng đều bị đảo ngược! Một người có thành tích không mấy tốt đẹp, nhưng anh ta chết đúng giờ hoàng đạo (giờ tốt), lại thêm mầu da đen, ngay trong mùa bầu cử. Thế là nhanh chóng được phong thánh, ứng cử viên Tổng thống 2020 Joe Biden quỳ lạy; cựu Tổng thống Obama quỳ lạy; đương kim Chủ tịch Quốc hội Nancy Pelosi quỳ lạy, một đống Dân biểu, Thượng nghị sĩ Dân chủ quỳ lạy. Đúng là trò hề của đám diễn viên kệch cỡm. Con hãy tự hỏi, bao nhiêu quân nhân Mỹ hy sinh trên chiến trường Afghanistan, bỏ mình nơi Iraq, có ma nào đến quỳ lạy đâu? Ngay trên nước Mỹ, đám tang của những cảnh sát hy sinh vì nhiệm vụ cũng rất âm thầm, ngoài những giọt nước mắt của thân nhân, người goá phụ nức nở ôm lá quốc kỳ phủ áo quan, con thơ đứng chào vĩnh biệt! Giá trị về anh hùng ngày hôm nay, chẳng khác gì một hài kịch trên sân khấu!

- Ứng cử viên Joe Biden ví von cái chết của anh George Floyd ảnh hưởng đến thế giới còn nhiều hơn cả chuyện cố Mục sư Martin Luther King bị ám sát! So sánh không một người công chính nào có thể chấp nhận được! Nữ Bác sĩ Alveda Celeste King, là cháu ruột của cố Mục sư Martin Luther King, đã nói về trình độ và tư cách Joe Biden như sau, "Ông ta xa rời với thực tế, khi so sánh cái chết của George Floyd trong tuần qua, tạo ra một ảnh hưởng lớn trên toàn thế giới, hơn cả chuyện cố Mục sư Martin Luther King bị ám sát năm 1968!" (Out of touch with reality,when he suggested that the impact George Floyd's death has made on the world in recent weeks had perhaps been greater than that of the 1968 assasination of Dr. Martin Luther King!)

Trong bất cứ một xã hội nào, cũng đều có người tốt kẻ xấu. Cảnh sát cũng thế, 99.09% là những người tốt, làm việc ngày đêm để bảo vệ cho chúng ta. Tại sao lại chọn một hành vi quá tay, đáng tiếc, của 0.1% mà đòi loại bỏ toàn bộ đơn vị? Trật tự xã hội sẽ bị đảo điên, cái vô lý và mất chính nghĩa của những cuộc biểu tình ồn ào hôm nay chỉ là tạm thời. Mọi người sẽ tỉnh thức sau cơn mộng du!

* Rồi đây ai sẽ bảo vệ cho cuộc sống của chúng ta? Bản tin trên tờ Daily Mail, ngày Thứ tư 17/6/20 ghi nhận, "Trong 28 ngày qua ở Thành phố New York có 38 nạn nhân bị giết, tội phạm gia tăng" (Murders in New York city continue to surge with 38 killings in the past 28 days). Đừng quên, thành phố nơi con ở ông Thị trưởng Bill de Blasio vừa đề nghị sẽ cắt giảm 1 tỷ đô la trong ngân sách cảnh sát!

Nhật báo Wall Street Journal, trong mục "Today" ký giả Dan Henninger viết, "Trong ba tháng qua rõ ràng mô hình đô thị tiến bộ thất bại về chính trị và thiếu tính liên tục... Kết quả đáng buồn các người trẻ, những người về hưu khá giả bỏ đi, thành phố càng ngày càng trở nên chia rẽ... Giữa những người khá giả có thể chi trả cho sự bất tài về chính trị và cư dân nghèo sẽ bị tụt lại phía sau". (In just three months it has become clear that modern urban progressivism is politically incompetent and intellectually incoherent... The unhappy result as young families and well-off retirees leave is that these cities will increasingly become more divided... Between upscale progressive singles able to afford the political incompetence and the residents of the inner-city neighborhoods that will fall further behind). Đúng như thế, người giầu sẽ có cuộc sống bình yên, không cảnh sát họ sẽ thuê an ninh riêng, nhưng lấy ai bảo vệ người nghèo? Trộm cướp, tệ nạn xã hội sẽ mọc lên như nấm sau cơn mưa!

Tựa đề đăng trên CNN ngày 16/6/20, ký giả Christina Maxouris viết "Trong những ngày gần đây,nhiều cảnh sát trên nước Mỹ bỏ việc" (Police officers across the US have quit their jobs in recent days). Chúng ta hãy xem con số do CNN cung cấp:

- Thành phố Minneapolis ít nhất có 7 sĩ quan cảnh sát từ chức. Hằng chục sĩ quan khác đang làm thủ tục nghỉ việc.

- Thành phố Atlanta có 8 sĩ quan xin nghỉ việc, riêng trong năm 2020 mỗi tháng có khoảng 2 đến 6 cảnh sát viên rời nhiệm sở.

- South Florida, có 10 cảnh sát viên trong lực lượng đặc nhiệm SWAT rút lui. Họ không thể chấp nhận ngành cản sát bị chính trị hoá bởi đám "kên kên chính trị". Họ cũng rất bất mãn về việc Cảnh sát trưởng ra quỳ gối cùng đám biểu tình.

 - Buffalo, New York, có 57 cảnh sát viên từ chức. Họ bất mãn về việc xử phạt hai đồng nghiệp trong khi làm nhiệm vụ, cảnh sát đẩy một người đàn ông 75 tuổi chống lại lịnh rời bỏ vị trí biểu tình, người đàn ông này ngã xuống đường vì bị đẩy.

<Police officers across the US have quit their jobs in recent days. Here is where there have been resignations>


 IV.

Người Mỹ có câu, "Mọi việc xẩy ra đều có nguyên nhân" (Everything happens for a reason). Thần Công lý trên đất nước Hoa Kỳ hình như đi vắng lúc này? Bọn "kên kên chính trị" đã cướp đi chân lý, chúng gào thét đòi công bằng qua những đòi hỏi bất công. Chúng đòi đập phá toàn bộ ngôi nhà chỉ vì một lỗi nhỏ. Nhưng chỉ riêng trong năm bầu cử này thôi, xáo trộn xã hội là đồng minh của kẻ biết trước là mình sẽ thua. Người Việt chúng ta có câu, "Ăn không được thì phá!"

Mỗi người công dân chân chính hãy luôn nhớ: Nếu vì bất cứ lý do gì chúng ta bị cảnh sát bắt, xin đừng quên pháp luật yêu cầu mọi người không được chống đối. Nếu cảnh sát làm sai, sẽ có luật sư đưa họ ra toà. Chống đối người thi hành công vụ là việc làm sai trái ngay từ khởi đầu. Lý do xẩy ra thảm trạng nằm ngay ở điểm quan trọng này. Xem lại video chiếu cảnh anh Rayshard Brooks, bị bắt tại Georgia vừa qua, chúng ta thấy rõ ràng, anh ta có nồng độ rượu quá mức cho phép, chống đối khi bị cảnh sát còng tay, hai bên vật lộn, cướp súng điện của cảnh sát, bỏ chạy, và chĩa súng điện về phía cảnh sát... Không thấy ai nói gì về điều này cả. Họ chỉ tập trung vào chuyện cảnh sát hạ sát anh Rayshard Brooks. Chọn lựa quá dễ cho các chính trị gia hèn mạt, cảnh sát cô đơn vì sau lưng nạn nhân là một tập thể lớn những cử tri sẽ đi bầu! Bỏ một vài cảnh sát vào tù, đổi lại một nhiệm kỳ cho mình an phận, quá rẻ! Nhân danh công lý, nhân danh bình đẳng, sẽ là chiếc mặt nạ che dấu cho sự khốn nạn tận cùng của những con "kên kên chính trị".

Dân biểu Doug Collins (R-Ga) tuyên bố, "Kết tội cảnh sát tại Atlanta trước khi có kết quả điều tra của GBI là một quyết định chính trị, không dựa theo luật pháp" (Charging an Atlanta police officer with felony murder before the completion of the GBI's investigation was a political decision, not a legal one). Giá đừng rơi vào năm bầu cử, phải chi nạn nhân Rayshard Brooks là một người da trắng, bọn "kên kên chính trị" đã không làm dữ, và mọi việc sẽ chìm trên báo chí sau một bản tin ngắn gọn! Những vị tổ phụ của đất nước chúng ta nhìn xa trông rộng, đòi hỏi luật pháp không được xét xử dựa trên mầu da, chủng tộc, giới tính. Các vị dân cử đảng Dân chủ luôn miệng nói "Không ai được đứng trên luật pháp" (Nobody above the law). Vâng! họ không đứng, họ chỉ ngồi trên luật pháp mà thôi.

Những ai ồn ào kết tội cảnh sát, xin đừng quên định luật phản hồi của Newton "Mọi việc làm hay hành động, đều nhận lại một phản ứng trái ngược tương ứng" (For every action, there is an equal opposite reaction). Cảnh sát cũng là người, không phải thánh. Họ không được phép hay tự nhiên đánh người tuân theo luật lệ. Tai nạn xẩy ra, toàn là do nạn nhân bạo động trước! Làm việc trong môi trường căng thẳng, trời nóng cũng phải mặc áo giáp bên trong, thần kinh căng hơn giây đàn, một tíc tắc phản ứng chậm có thể mất đi mạng sống. Tại sao không ai nhìn vào yếu tố tâm lý này?

Nếu mình không có tiền án, không vi phạm pháp luật, thì việc gì phải đánh cảnh sát và bỏ chạy? Ngay cả phạm luật, chạy xe quá tốc độ cho phép. Nhưng biết tôn trọng người cảnh sát, giải thích rõ lý do cho họ hiểu, hoặc nhận lỗi, chấp nhận đóng phạt thì có ai đánh mình, đè xuống mặt đường đâu? "Tin tưởng và Tôn trọng" (Mutual Trust & Respect) là phương châm mọi công dân cần phải học. Pháp luật không thể là một chiều! Tiếc thay, những người đứng đầu đảng Dân chủ tại Quốc hội Hoa Kỳ hôm nay họ đang chọn con đường một chiều, nhưng không phải bất cứ ai theo đảng Dân chủ đều như thế. Hãy chờ xem kết quả bầu cử ngày 3/11 tới đây. Cơn bão trên đường phố Mỹ hôm nay sẽ quét sạch những rác rưởi chính trị vào ngày bầu cử 3/11/20.

Chúng ta không thể phản bội những cảnh sát viên ngày đêm hy sinh mạng sống cho xã hội bình yên. Trong đêm, khi mọi người yên giấc, trên cả nước có bao nhiêu người cảnh sát âm thầm lái xe đi tuần khắp đường phố, nơi mỗi ngã rẽ, mỗi bóng tối có thể là một ổ phục kích! Khi điện thoại 911 gọi, vài phút sau người cảnh sát đã có mặt, và không ai biết chuyện lành hay dữ sẽ xẩy ra? Súng có thể nổ, cảnh sát có thể trở thành nạn nhân, gia đình thân nhân họ mất đi một người con thân yêu! Sẽ không làm gì có đám tang to lớn, sẽ không có chính trị gia nào đọc diễn văn, sẽ không có biểu tình trên đường phố... Đa số anh hùng đều ra đi trong thầm lặng!

Đêm an lành của triệu triệu gia đình Mỹ, có thể đã phải đổi giá bằng chính mạng sống của những người cảnh sát trừ gian diệt bạo? Sáng nay, anh/chị cảnh sát hôn người thân trong gia đình trước khi đi làm, chiều về, anh/chị đã trở thành tội phạm chỉ vì nhiệm vụ bảo quốc an dân! Bọn dân cử như một vài tên Thị trưởng, Hội đồng Thành phố, Luật sư trưởng quận hạt (District attorney), vì lá phiếu và chỗ ngồi của họ có thể nhanh chóng kết tội anh/chị một mức án nặng nhất chưa bao giờ có.

Khi chúng ta tỉnh thức, bên ly cà phê, có biết đâu tại một ngõ ngách, hang cùng nào đó nơi New York, Minneapolis, Wahshington D.C, Seattle, Portland, Oregon... đã có người cảnh sát ra đi, bỏ lại vợ con gia đình và nước mắt? Chuyện thường thôi! cái chết của anh, chị không đem thêm lá phiếu nào cho bọn "kên kên chính trị!" Có phong trào nào nổi lên với khẩu hiệu "All Lives Matter"? Quên chuyện đó đi, lúc này ai cũng để ý đến "Black Lives Matter" cả! Khi một mầu da được đề cao, có nghĩa là tất cả những mầu da khác đều là công dân hạng hai! Là công dân Mỹ, dưới chân tượng Nữ thần Tự do, tất cả chúng ta dù mầu da nào cũng đều bình đẳng trước Thượng Đế.

Trên những con đường đầy âm vang giận dữ của những người trẻ tuổi bị kích động, họ như những người điên sau khi dùng ma tuý! Tấn công cảnh sát, ném những viên gạch lớn vào đầu cảnh sát, hò hét "Giải tán cảnh sát". Và xã hội trở nên mù quáng, báo chí truyền thông tô đậm những thành tích bất hảo. Anh hùng trở thành tội phạm và tội phạm lên ngôi thành anh hùng!

Chúng ta sẽ trở về thời kỳ hoang dã nếu xã hội không có luật pháp. Vắng cảnh sát bảo vệ thì luật pháp không khác gì tờ giấy vệ sinh. Hãy vững tin rằng nước Mỹ sẽ tốt đẹp hơn sau cơn bão quái đản này, dân Mỹ sẽ thông minh hơn để loại bỏ những con "kên kên chính trị" đội lốt người qua thùng phiếu ngày 3/11. Triết gia Frederick Nietzche từng nói, "Điều gì không giết được chúng ta, sẽ khiến chúng ta vững mạnh hơn" (That which does not kill us makes us stronger).

Từ nay trở đi, mỗi khi gập người cảnh sát trên đường phố, chúng ta sẽ nói lời cám ơn đến họ. Sự hy sinh của các anh/chị sẽ không bao giờ bị lãng quên.

Con muốn bỏ phiếu cho ai là quyền của con. Nhưng con ơi, đừng bao giờ xuống đường với khẩu hiệu "Cắt giảm ngân sách cảnh sát" (Defund The Police) hay "Loại bỏ sở cảnh sát" (Abolish The Police). Đừng bao giờ quên người cảnh sát vô danh nào đó của 16 năm trước đã cứu mạng con. Amen!

 Nguyễn Tường Tuấn