Nguyễn Quang
Triết lý lãnh đạo
Theo Aristote một nền triết học tương đối hoàn chỉnh cho một nền trị chính phải có sự quân bình giữa ba yếu tố: lý trí, trái tim và các dục vọng khả giác. Vậy những người lãnh đạo Việt Nam đang đứng ở đâu, thiên về khuynh hướng nào hay tất cả đều trên sự ngả lòng mà vốn đạo đức được định nghĩa thật sự không phải là sự cảm nghiệm thường nghiệm, nhưng tối thiểu được xây dựng trên bình diện các nguyên tắc của lý tính.
Như vậy một quốc gia thiên về thuần tuý lý trí sẽ sớm đưa đất nước vào tình trạng không tưởng, lắm triết gia kể cả chân và giả, nhiều chính khách không thực tế, thậm chí sản sinh thứ chính trị gia nói rất giỏi nhưng không làm được việc gì nên trọn cho dân, trở thành môn sinh các trường phái triết thuyết ngụy biện, những tháp ngà tư duy giữ chân những người lãnh đạo trong con đường mòn và không bao giờ họ chịu thay đổi.
Hai là sự nhiệt thành, quả cảm khiến các nhà lãnh đạo dẫn dân đi qua nhiều trường hợp trong lịch sử: cùng nhau đến vực thẳm của xung đột với những cuộc chinh chiến mà ngày nay nhìn lại quá khứ nhiều nhà phê bình lịch sử đã định nghĩa lịch sử chỉ là sự ghi chép lại những cuộc đánh nhau. Những chủ nghĩa quân phiệt, bạo chúa, những cuộc chinh phạt mang tính trường chinh đều từ sự nhiệt tình quá đáng của trái tim không còn sự can ngăn, dẫn đường của lý trí.
Ba là, giai cấp giàu có, nguyên văn lời Aristote là ‘bọn phú hào’ lãnh đạo quốc gia, nghĩa là nói theo danh từ thời thượng những con người quyết nắm cho được danh vị, cương vị lãnh đạo hầu nhân danh nó phục vụ cho những lợi ích cá nhân trên bình diện thoả mãn các dục vọng khả giác của các bạo chúa. Đây là thành phần có nguồn gốc khác nhau nhưng đều có mẫu số chung không ngoài lợi nhuận cùng các giá trị thặng dư cho cá nhân, tập đoàn chính trị. Những con người này với họ triết học, những giá trị đạo đức khi được mang ra bàn giống như dân gian hay nói ‘mang ngọc trai ném vào cho lợn’. Và tất nhiên sự quả cảm của họ trong việc giữ kỷ cương phép nước hay chống ngoại xâm bảo vệ lãnh thổ chẳng hạn hà tất đã bị liệt kháng. Họ cũng bạo nhưng lòng quả cảm của trái tim chỉ còn trên nguyên tắc ‘mạnh nhờ gạo, bạo nhờ tiền’, và tiền đó đến từ đâu không biết, có thể là rửa tiền, hối lộ tham ô tầm cỡ quốc gia, quốc tế.
Và con người làm sao quốc gia làm vậy, ngay các báo tại Việt Nam cũng nói lên nhiều chuyện của sự khác thường mang tính tính phổ biến từ sự suy thoái về mọi mặt của một dân tộc. Phải dùng chữ dân tộc vì đó mới là điều xót xa vì từ cái gốc dân tộc mới hình thành nên các quốc gia, mới hội với nhau thành Liên Hợp Quốc… Các báo phóng sự về chồng bắt vợ làm đĩ nuôi con, gái quê từ các nông thôn đổ về thành phố kiếm chồng ngoại và chính yếu là chồng Hàn, Đài, Mã Lai…nữ sinh viên phải tiếp khách và có cả nhiều trường hợp tiếp cả Thầy của mình – đó là cái giá phải trả cho sư phụ để được tốt nghiệp đại học, học sinh mới vào bậc trung học với điện thoại di động trong người đầy các hình ảnh phim sex và trao cho nhau xem bình thường như các cháu gái mười ba, mười bốn ngậm thuốc ngừa thai như ngậm kẹo cao su. Ngay bước khởi đi từ học đường đã vô tình ‘dạy’ những điều nói láo cho con trẻ vì quyết chạy theo thành tích của các thầy cô giáo.
Nhìn toàn cảnh xã hội để thấy những nhà lãnh đạo một đất nước không còn nhựa sống để đưa một dân tộc như MoiSe dẫn dân Do Thái vượt qua Biển Đỏ.
Thật vậy lãnh đạo một đất nước không chỉ lo tìm ký mấy cái hợp đồng kinh tế, có khi sự ký kết lại mang tới cái hại cho giống nòi mình không cùng, nhưng dù lợi hại thế nào cũng là công việc của các chuyên gia. Riêng tại Việt Nam hiện tại không thấy có một nhân vật lãnh đạo mang được triết lý sống cho dân, nghĩa là có lấy được cái mống làm gương hay chí ít ‘của tin còn một chút này’, hà tất một triết lý sống mạnh mẽ và đó mới là sự sống lại, sự phục sinh thật sự cho một dân tộc trong sự thử thách chính yếu từ bên trong với những quyền cơ bản mà mỗi người có quyền đòi hỏi khi sinh ra làm người: Không cần nêu lên lý do gì cả một khi sinh ra làm người, tôi có quyền bình đẳng như tất cả mọi người khác, ai nhân danh này nọ mà tước đoạt, phải trả lại quyền làm người cho mỗi người.
Một đất nước dựng lên cũng đủ mọi thứ gọi là pháp luật nhưng không phải để cùng nhau tôn trọng song để tập đoàn thống trị ‘làm luật’ với dân, luật pháp trở thành thứ công cụ để đàn áp dân chúng, người dân lương thiện trở thành nạn nhân của thứ côn đồ nhân danh pháp luật: Công an làm luật biểu tình!
-Tại Việt Nam ngày nay người dân đều biết và xót xa trước vận mạng dân tộc: Yêu nước trở thành phản động! Bán nước là chủ động! Động trong tiếng Việt có nhiều nghĩa.
Mọi sự băng hoại đã quá rõ ràng! ‘Hãy thật sự làm lại chính mình, trước khi làm lại toàn xã hội’. Dân tộc này đang nấc lên những tiếng than bức xúc khi hàng hoá tẩm đầy hóa chất của Trung Quốc tràn ngập thị trường, và kìa trên Biển Đông trở thành một Huyện của chúng, rồi Tây Nguyên như một nhát giao đâm thẳng vào tim người dân Việt, bùn đỏ như máu đã tràn ra trên ruộng đồng…Và hơn thế nữa, dưới hình thức khai thác quặng mỏ bô-xít, chúng ngang nhiên biến dần Tây nguyên thành một Tây Tạng thứ hai.
Hãy làm lại chính mình, điều này phải thật là can đảm vì có thanh sạch mới mời gọi mọi người thanh sạch, có sống trung thực mới cất lên tiếng nói công chính, không lừa bịp mới kêu gọi được lòng yêu nước. Đó là triết lý sống từ người dân đến các nhà lãnh đạo của người Việt Nam. Triết lý không nằm đâu xa vì chính tự nó được định nghĩa là sự đi đường và dân tộc này đã đi trong suốt chặng đường bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước, có lúc lên non xuống biển, thậm chí một thời vượt cả đại dương mênh mông để trốn chạy bạo tàn tìm vùng đất mới, nhưng vẫn luôn bền vững: tôi yêu tiếng nước tôi, mảnh đất hình chữ S với một Biển Đông và Cao Nguyên êm đềm có rừng vàng biển bạc.
Nguyễn Quang.