Nhận Diện Con Người Việt Nam Qua Ngôn Ngữ (I)
Phạm Hồng Lam
Để hiểu một dân tộc, cần biết lối tư duy của dân tộc đó.
Muốn biết cách suy tư của họ, cứ xét ngôn ngữ họ dùng.
Cách diễn tả trong ngôn ngữ phản ảnh bản chất của một dân tộc.
Nội dung sau đây mới là những nhận định ban đầu. Một luận đề đưa ra để thảo luận và tiếp tục nghiên cứu đào sâu.
Trên Diễn Đàn Giáo Dân số tháng 3 năm 2007 tôi kể chuyện 52 nhà thần học đa số là người Đức và thuộc Giáo Hội tin lành, trong đó có 42 phụ nữ (có cả bà Giám Mục chủ tịch hội đồng lãnh đạo tối cao của Tin Lành – tương đương với Hội Đồng Giám Mục bên Công Giáo), toàn là giáo sư, tiến sĩ hoặc học giả, đã cặm cụi làm việc trong năm năm với tổn phí nửa triệu đức mã, để „dịch“ lại toàn bộ cuốn Kinh Thánh từ nguyên ngữ Do-thái và Hi-lạp ra một thứ ngôn ngữ hợp thời trang. Ấn phẩm mới này có tựa là „Bibel in gerechter Sprache“ (Kinh Thánh với ngôn ngữ công bằng). „Ngôn ngữ công bằng“ ở đây có nghĩa là họ xoá đi bằng sạch tất cả những từ, những câu, nghĩa là tất cả những dấu vết được coi có tính cách miệt thị giới nữ và các nhóm xã hội bên lề (chẳng hạn nhóm đồng tính). Đối với họ, Thiên Chúa là vô phái tính, nên chẳng có „Thiên Chúa Cha“ nào cả! Công thức rửa tội „Tôi rửa … nhân danh Cha và Con và Thánh Thần“ được họ đổi lại thành „… nhân danh Thiên Chúa là Cha Mẹ mọi người và Con và Sức mạnh thánh linh“. Đức Giê-su là một nhân vật lịch sử, không thể phủ nhận sự có mặt của Người được, họ đành phải chấp nhận Người là Con Thiên Chúa, nhưng tất cả chỗ nào trước đây dịch là „con trai của Thiên Chúa (der Sohn Gottes) nay được sửa thành „Con Thiên Chúa“ (das Kind Gottes). „Das Kind“ ám chỉ một đứa trẻ chung chung, trung tính. Còn Chúa Thánh Thần, vốn là „der Heilige Geist“ (giống đực), nay được họ chuyển sang giống cái thành „Sức mạnh thánh linh“ (die heilige Geisteskraft).
Họ làm trò đùa hay chuyện đứng đắn?
Đó là chuyện Thiên Chúa, còn chuyện con người thì sao?
Không riêng phía Tin Lành. Người công giáo, khi đọc thư thánh Phao-lô trong thánh lễ, thay vì mở đầu bằng „Thưa anh em“ như trong bản gốc, họ cũng sửa thành „Thưa anh chị em“, để không bị xem là lạc hậu hoặc xúc phạm nữ giới.
Một vài giáo sư đại học ở Đức gần đây đề nghị dùng một từ khác thay thế chữ Professor (Giáo Sư), vì chữ này nguyên chỉ có ở thể giống đực. Muốn gọi một Bà Giáo Sư, người ta phải thêm chữ Frau (Bà) trước chữ Professor: Frau Professor. Nhưng trước sau Professor vẫn là từ giống đực. Vì thế có bà giáo đề nghị dùng chữ „Professx“ (!) để xài chung cho cả hai phái!
Vì nhạy cảm với phái tính, những trường hợp đồng tính hay lại cái cũng được báo chí ưa đề cập. Conchita Wurst, cậu thanh niên lại cái ở Áo vừa được chấm trúng giải trong cuộc thi hát Eurovision, hiện đang là một hiện tượng. Cậu Wurst có vóc dáng yểu điệu, đi guốc cao, râu ria đen như mực tàu, đang được truyền thông và các diễn đàn truyền hình không ngớt mời xuất hiện.
Đã quan tâm tới phái nữ, thì không có họ là không được và mọi thứ họ làm đều cũng được hoan nghênh.
Hiện nay, khi thành lập nội các tại các nước Tây Âu, người ta phải cố đưa vào ít ra là một phần ba khuôn mặt nữ; nếu không, nội các đó bị xem là bệnh hoạn.
Chính phủ Đức vừa ra luật, bắt đầu từ 2016 các Hội Đồng Quản Trị của các đại công ti có tên trên giàn chứng khoán phải gồm tối thiểu 30% nữ giới. Cho tới nay, các tổ chức này hầu như 100% trong tay nam giới. Từ mười năm nay, Đức có luật hành nghề mại dâm; nay luật này lại vừa được thêm vào mấy khoản bao bì, để gọi là bảo vệ sức khoẻ cho các chị em hành nghề.
Ở Í-đại-lợi, thời thủ tướng Berlusconi, các cô đào đóng phim khiêu dâm rất được giá. Họ dễ được dân Í bầu vào quốc hội, và lão thủ tướng „già dịch“ này thường tìm cách đưa họ vào đảng để lấy phiếu.
Tại sao có những hiện tượng như thế?
Trên thế giới hiện nay, không ở đâu chuyện tình dục, chuyện porno, chuyện trai gái, chuyện đồng tính được truyền thông ồn ào đề cập và chuyện bình đẳng phụ nữ được xã hội quan tâm như ở các nước âu châu.
Phải chăng phong trào đòi bình quyền nữ giới từ hơn 50 năm nay tại Tây Âu đã thành công? Phải chăng vì các dân tộc này có nền dân chủ cao và có truyền thống tôn trọng phụ nữ? Hay vì họ dư thừa cái ăn cái mặc, đâm ra sa đoạ?
Tất cả có lẽ đúng một phần. Nhưng phần chính, theo tôi, không phải như vậy.
Cần nói ngay, không phải tất cả các dân tộc âu châu. Mà chỉ các dân tộc chịu ảnh hưởng văn hoá và ngôn ngữ la-tinh (Đức, Áo, Thuỵ-sĩ, Pháp, Bỉ, Í, Tây-ban-nha; còn các nước khác thì không rõ lắm) mà thôi.
Các sắc dân khác, như Slawe (Nga, Serbe), Xắc-xông (Anh, Ái-nhĩ-lan) không có hoặc ít bị ám ảnh bởi đề tài phái tính.
Người La-tinh dùng lăng kính Phái Tính để nhận thức và phân loại thực tại. Trước một thực tại, câu hỏi đầu tiên – đã thành vô thức – trong đầu họ: Đối tượng này thuộc giống nào: đực, cái hay trung tính? Tiếng La-tinh không có mạo từ (loại từ) chỉ phái tính như nơi tiếng Đức hoặc tiếng Pháp, tiếng Í… Các danh từ trong ngôn ngữ của họ được xếp vào ba loại: đực, cái và trung tính, với những lối chia khác nhau tuỳ theo mỗi loại.
Trong tiếng Đức, Pháp hay Í, sự phân biệt phái tính được xác định bởi các mạo từ.
Người Pháp nhận thức đối tượng ở hai giống: Đực (với mạo từ LE: le mari: người chồng, le chien: con chó đực, le pain: ổ bánh mì- đực!) hay Cái (với mạo từ LA: la femme: người đàn bà, la vache: bò cái, la baguette: bánh mì ba-gét – cái!). Người Í với mạo từ IL (đực) và LA (cái).
Tiếng Đức gần La-tinh hơn, ngoài giống Đực (mạo từ DER) và Cái (DIE), còn thêm một giống nữa: Trung Tính (DAS). Những sự vật, súc vật, thậm chí nhân vật nào không xếp được vào Đực hay Cái thì coi là Trung tính. Các thiếu nữ trước tuổi dậy được coi là trung tính: das Mädchen.
Tắt lại, vì nhận thức thực tại trước hết và trên hết qua lăng kính Phái Tính, nên các dân tộc âu châu trên đây nhạy bén và quan tâm nhiều tới những gì liên quan đến phái tính như tình dục, luyến ái nam nữ, đồng tính, nịnh đầm, đề cao phụ nữ…
Nhận thức của người Việt Nam
Người Việt không nhận thức qua lăng kính Phái Tính. Trái lại, họ nhận thức qua lăng kính Loại /Loài hay Phạm Trù (Kategorie) và lăng kính Động-Tĩnh (Beweglichkeit).
Trước một thực tại, người Việt không hỏi, đây là nam hay nữ, đực hay cái. Mà họ xếp ngay đối tượng đó thuộc Loại nào: loại NGƯỜI (người Mĩ, người Ăn Mày, người Cộng Sản), loại CHIM (chim chích-choè, chim đa-đa) loại CÂY (cây khế, cây chanh), loại HOA (hoa ti-gôn, hoa nhài) v.v.
Người Âu Châu nhận thức trực tiếp vào sự vật, nắm bắt ngay sự vật, không qua cầu phân Loại. Hỏi: Cái gì đó? – Thưa: Die Narzisse! (Thuỷ-tiên – cái! Người Việt sẽ trả lời: Hoa Thuỷ-tiên); – Der Lotus! (Sen – đực!: Cây Hoa Sen); – Un Americain! (một Mĩ – nam!: Một anh Người Mĩ)…
Phải chăng vì vậy mà người Âu có đầu óc chính xác, một yếu tố giúp nền khoa học của họ tiến mạnh?
Còn ảnh hưởng của lối tư duy bắc cầu của ta như thế nào?
Tôi tin rằng, dù đã trở thành phản xạ vô thức, lối nhận thức trực tiếp của người Âu và gián tiếp của người Việt đều có những tác động cụ thể trên lối suy nghĩ và cách ứng xử của mỗi dân tộc.
Song song với cầu Phạm Trù, người Việt còn nhận thức qua cầu Động-Tĩnh. Trước một thực tại, câu hỏi vô thức của họ: Thực tại này thuộc thế giới Động hay Tĩnh?
Lối nhận thức này, theo tôi, quan trọng và hệ quả của nó dễ thấy hơn.
Tất cả các động vật (người, súc vật) được người Việt xếp vào thế giới Động với mạo từ CON. Các sự vật hay đồ vật được xếp vào thế giới Tĩnh: CÁI.
Những sự vật hay đồ vật nào có thể di động khi sử dụng hay lúc vận hành thì cũng được xếp vào loại CON: Con dao (di động khi chặt, bằm, đâm; dao nằm yên một chỗ có thể gọi Cái dao), Con thuyền (nếu cắm sào đứng yên thì gọi là Cái ghe), Cơn mây – vần vũ trên trời (Con đọc thành Cơn), Con nước – cuồn cuộn trong sông, Con suối – róc rách, Con cu (bộ phận sinh dục nam; hình tượng con chim cu – một động vật múa hót tối ngày, chẳng chịu yên), Cái bướm (chữ dùng trong nước hiện nay để chỉ bộ phận sinh dục nữ: Nam có Chim, nữ có Bướm. Bướm là một động vật bay nhảy lả lơi, dù vậy, bộ phận sinh dục phái nữ trước sau vẫn được coi thuộc loại tĩnh; Cái bướm).
CON và CÁI chỉ áp dụng hoàn chỉnh với những từ thuần (gốc) Việt, chứ những từ lai Hán (Hán -Việt) nhiều trường hợp không áp dụng được. Nói chung, những từ nào không đi được với CON và CÁI thường là từ lai Hán. Điều đó cho thấy, lối nhận thức Động-Tĩnh là một cái gì rất việt nam.
Một điểm nữa cũng cho thấy lối nhận thức CON-CÁI mang bản chất thuần Việt, vì như Bình Nguyên Lộc trong Lột Trần Việt Ngữ cho hay, các dân tộc chung quanh Việt Nam như Mã-lai, Nam-dương, Chàm, Thái, Nhật, Cao-miên đều không có hai khái niệm CON và CÁI.
Trong quá trình tiếp xúc với văn hoá trung-hoa, người Việt đã dần đưa vào kho ngôn ngữ đang phôi thai của mình những từ gốc Hán, để diễn tả những thứ có thể lúc đó mình chưa có. Chẳng hạn: Bút, Bàn, Sách, Học, Côn, Kiếm, Quần (khác với Váy –từ thuần Việt – là thứ người Việt đã sẵn có) là những khái niệm ta chỉ mới có sau khi tiếp xúc với người Hán. Tỉ lệ từ lai Hán chiếm bao nhiêu phần trong tiếng Việt? Có người bảo có hơn 60%, cũng tương đương với lượng từ lai Hán trong tiếng Nhật. Người ta đếm được trong Từ Điển Hán Việt của Đào Duy Anh (in 1931) khoảng 40.000 từ (nay hẳn tăng hơn nhiều) được cấu tạo bởi 5000 âm tiết (từ đơn). Trong bốn chục ngàn từ lai đó có tới ¾ là những từ ghép: Cá-nhân, Hành-động, Tỉ-trọng v.v, còn lại ¼ là những từ có thể đứng độc lập một mình như Bút, Bàn, Kiếm, Côn…
CÁI có thể áp dụng cho những từ lai Hán đứng độc lập đã được việt hoá như Cái Bàn, Cái Bút, Cái Quần; nhưng không thể nói Cái Thụ (Cái Cây [Việt]), Con Nữ (con Gái [Việt]) (Đọc Ngô Nhân Dụng, Đứng vững ngàn năm, Người Việt 2013, đặc biệt chương Người Việt dùng chữ Hán, tr. 209-220).
Đồ vật không quý bằng động vật. Tĩnh kém giá trị hơn Động. Nên CÁI kém giá trị hơn CON. Khi CON biến thành CÁI, có nghĩa là bị đồ vật hoá, thì nó mang nghĩa xấu. Ngôn ngữ chửi là một thí dụ.
Một hoạt cảnh thời còn nhỏ cứ ấn tượng tôi mãi. „Mả cha CÁI thằng … Mi ăn cấy chi mà ngu như con chó!“… Tiếng chửi càng lúc càng đanh, nhưng quyến rũ. Bọn trẻ, chẳng hiểu đâu đuôi ra sao, kéo nhau tụ tập phía bên này đường cái quan, gần nhà phía nạn nhân, theo dõi hoạt cảnh. Bên kia đường, vợ ông thợ mộc đứng trên nhà sàn cao, vén quần chõ miệng sang chửi. Chửi một lúc, bà bỏ vô nhà một lát, rồi lại ra chửi tiếp. Bà nguyền rủa, đào bới hết ba đời bảy kiếp của ông thầy nhà bên kia đường: „Mả cha CÁI thằng cha mi! Mả cha CÁI con mẹ mi!“ … Có lẽ vì quá giận bởi lối chửi bất kham và kéo dài, ông thầy bỗng bước ra ra sân, hét sang phía bên kia: „Mả chi, mả CÁI con cặc tau đây này!“ Thế là, như diều được gió, bà thợ mộc lồng lên. Bà vỗ tay đôm đốp vào bụng dưới, đay nghiến: „À ra mi láo hè. CON cặc mi mô bằng CÁI lồn tau!“Đám trẻ con nãy giờ đứng nghe mà chẳng hiểu gì lắm về „mả cha, mả mẹ“, giờ bắt được những hình tượng dễ hiểu, nhìn nhau khúc khích xôn xao.
Hãy bỏ qua ngôn ngữ khó nghe. „Cái thằng…, Cái con cặc, Cái thằng cha mi, Cái con mẹ mi“. Ở đây, sự vật và nhân vật đã bị đồ vật hoá để dùng cho những mục đích thô tục. Nếu không có từ CÁI, lời chửi thiếu sức nặng, lắm khi thiếu hồn.
Í nghĩa của CON và CÁI trên đây nhiều người đã biết.
Hệ quả của tư duy Động – Tĩnh
Vấn đề tôi muốn bàn ở đây, là lối nhận thức Động-Tĩnh này mang lại hậu quả nào trên tư duy và hành động của người Việt?
Khi hạn chế thực tại vào trong hai thể Động và Tĩnh, người Việt bó hẹp luôn lối tư duy và khả năng hành động của mình, và như thế họ cũng dễ trở thành cực đoan (phân cực) trong suy nghĩ và hành động. Họ chỉ còn lại hai phương án: hoặc Động hay Tĩnh, hoặc Làm hay Không làm, hoặc Có tôi là Không có nó, hoặc không Quốc Gia thì là Cộng Sản hay ngược lại (những Điếu Cày, Dương Thu Hương, Bùi Tín không thể có được giấy phép cư trú, may ra chỉ được tạm dung trong căn nhà phân cực này). Ngoài hai giải pháp hay hai cực đó, chẳng còn một chọn lựa hay khoảng trống nào khác.
Sau đây là một thí dụ. Tư duy Động – Tĩnh đã đưa tới quan niệm Xuất – Xử, một quan niệm sống đã và đang làm phá sản cả một giai tầng ưu tú trong xã hội việt nam.
Điều này được phản ảnh qua quan niệm về „Kẻ Sĩ“ của quan chức Nguyễn Công Trứ (1778-1858).
Mẫu người lí tưởng „Kẻ Sĩ“ việt nam vốn là một phiên bản của mẫu lí tưởng „Nho Sĩ“ hay „Quân Tử“ bên Trung-hoa.
Đối với người Trung-hoa hay với Khổng-tử, „Nho Sĩ“ là hình ảnh của Nho và Sĩ gộp lại. Lí tưởng của nhà Nho là trau dồi bản thân để hoàn thiện mình (về đàng đức hạnh). Lí tưởng của Sĩ là, như một người lính xông pha chiến trường, sẵn sàng dấn thân vào đời để cứu nhân độ thế. Nho Sĩ hay Quân Tử, như vậy, là một người luôn quan tâm tới việc hoàn thiện đức hạnh bản thân và sẵn sàng dấn thân vào xã hội.
Khi sang Việt Nam, cái bình „Nho Sĩ / Quân Tử“ được đổi tên thành „Kẻ Sĩ“ [„Kẻ“ có nghĩa là „Người“, từ khái niệm này đẻ ra chữ „Nhân sĩ“ mà chúng ta nay vẫn thường dùng để tặng cho các khách khứa vị vọng]. Còn rượu trong đó được các nhà Nho thời nhà Nguyễn dùng lăng kính Động-Tĩnh khúc xạ thành Xuất-Xử. Nghĩa là Kẻ Sĩ giờ đây không còn quan tâm chuyện hoàn thiện và cứu đời nữa, mà rút vào cái lợi bản thân với hai lựa chọn hoàn toàn thụ động: Hoặc ra hoạt động (Xuất) hoặc về ở ẩn chờ thời (Xử).
Khi chưa gặp thời hay chưa được „trên“ ngó tới, Kẻ Sĩ ở nhà đọc sách ngâm thơ, thơ thẩn đuổi gà cho vợ hoặc nằm nắn nót viết đơn thỉnh nguyện:
Lúc vị ngộ hối tàng nơi bồng thất
Hiêu hiêu nhiên điếu Vị, canh Sằn
Nhưng khi được trên „cơ cấu“ cho một chỗ, thì bắt đầu
Rồng mây khi gặp hội đưa duyên
Đem quách cả sở tồn làm sở dụng
Và khi xong việc rồi hay trên không cho quậy nữa thì lại về vườn, an phận thủ thường
Bấy giớ Sĩ mới tìm ông Hoàng Thạch
Năm ba chú tiểu đồng lếch thếch
Tiêu dao nơi hàn cốc, thanh sơn
Nào thơ, nào rượu, nào địch, nào đàn
Đồ thích chí chất đầy trong một túi…
(Kẻ Sĩ, Nguyễn Công Trứ)
Không chỉ Kẻ Sĩ Nguyễn Công Trứ quan niệm như vậy.
Các thế hệ nhà Nho đồng thời ông đều cùng một nhận thức như thế. Không phải họ hiểu sai Khổng Mạnh. Chính tư duy Động-Tĩnh đã đưa họ vào con đường cụt đó.
Mà không chỉ nhà Nho – giới cựu học – bị ảnh hưởng. Giới tân học (nay thường được gọi là trí thức) – dù là sản phẩm của Tây học hay Cộng học – cũng đang tê liệt trong lối mòn truyền thống Xuất – Xử. Trong nước cũng như ngoài nước. Tất cả chỉ biết cắm sào đợi nước. An phận chờ thời. Chờ vận Thang Văn. Hiếm ai chịu xắn tay áo tìm ra một con đường nào khác ngoài Xuất và Xử, ngoài Động và Tĩnh. Nếu có ai bảo họ vô trách nhiệm, họ sẽ an nhiên trả lời: Tôi không làm chính trị! Trong nước tê liệt một phần là vì sợ bạo lực trấn áp. Ngoài nước tê liệt một phần cũng vì sợ – sợ không được về để thênh thang áo mũ hoặc sợ không có lợi cho mình.
Nguyễn Thị Từ Huy trong bài Bao giờ các anh thôi sống hèn đã định bệnh cho thái độ đó của „Kẻ Sĩ“ ngày nay là HÈN. Bà viết: „Đa số đàn ông việt nam hèn! […] Không phải các anh không thấy (cảnh bất hạnh của đất nước đồng bào). Các anh thấy hết, biết hết, nhưng nhắm mắt làm ngơ, lấy im lặng và nhẫn nhục làm mục đích tồn tại“.
Nhưng Hèn do đâu ra? Thưa chung quy cũng vì hậu quả của của lối tư duy Xuất-Xử hoặc phân cực. Hoặc Có hoặc Không. Không Đi (được) thì Nằm yên, thế thôi. Hoặc đã là Kẻ Sĩ khôn ngoan thì phải biết thức thời!
Đối lại, cũng có những người, đặc biệt ở hải ngoại, không chịu được Tĩnh, không thể ngồi yên. Họ bị thôi thúc bởi Động, đâm ra Vọng Động. Phải quyết phải LÀM một cái gì. Thế là một tay ông mở Hội, tay kia ông lập Lực Lượng, hôm nay ra mắt Tổ Chức, mai kia công bố Chính Phủ. Ông „quyết ra tay buồm lái với cuồng phong“. Làm chỉ vì Động, cho thoả chí tang bồng hồ thỉ, chẳng cần biết rồi sẽ ra sao. Có lẽ không dân tộc tị nạn nào có nhiều Hội, nhiều Tổ Chức, nhiều diễn đàn Paltalk như dân Việt.
Thảng hoặc có những người muốn khai phá một con đường mới, không vọng động mà cũng chẳng muốn tỏ ra thức thời vị kỉ. Họ biết, khi chưa thể Động được và cũng không thể can tâm Tĩnh được, thì họ còn Tiếng Nói: Họ cất tiếng chống lại CÁI ác, chống lại CÁI ác đảng buôn dân bán nước. Thế nhưng họ lại được tập thể Tĩnh gán ngay cho nhãn: Chống cộng bằng mồm!
Tại sao lại chê bai như thế? Là vì Kẻ Sĩ xưa và nay chỉ biết có lối mòn Động – Tĩnh, Xuất – Xử mà thôi. Mọi con đường nào khác hay một khoảng trống nào đó giữa hai thái cực đó, đối với họ, đều là thứ không thể có hoặc không hợp với „Kẻ Sĩ“!
Vậy làm sao để hết Hèn? Ta không thể bỏ đi được lối tư duy Con-Cái, Động-Tĩnh. Nó đã là một phần xương thịt của văn hoá dân tộc. Chỉ còn cách là phải luôn í thức về cái khiếm khuyết đó, để nỗ lực vượt qua. Một khi đã í thức được nó, ta có thể vượt qua, như khoa chữa trị của Tâm Lí Chiều Sâu đã minh chứng.
Phạm Hồng-Lam