Chúa chọn hay tôi chọn?

Kết quả hình ảnh cho Chúa chọn hay tôi chọn?
Phạm Hồng-Lam
Chúa chọn hay tôi chọn?
Đặt lại vấn đề về một quan niệm.

Chủ: - Bác gần các ngài (giám mục), đôi khi cũng nên nhắc nhở các ngài về những điều không hay.
Khách: - Chẳng dám. Chúa đã chọn các ngài, thì Chúa cũng đã sẵn có chương trình cho các ngài!
Những khẳng định như thế, tôi đã nghe rất nhiều lần. Có thể nói, đó là tâm lí của hầu hết người công giáo việt nam. Họ tin rằng, những chức vụ nhà tu, từ nam nữ tu sĩ tới linh mục, giám mục, giáo tông đều là những thứ do „Chúa chọn“.
Xưa nay tôi vẫn tin đây là một quan niệm sai, một xác tín thuần tuý tình cảm đạo đức, chứ chẳng có nền tảng thần học nào cả. Nhưng cứ nghĩ mình không biết nhiều về thần học thì chẳng nên đụng vào.
Nhưng nay có hai động cơ gần khiến tôi mạnh dạn nêu vấn đề.
Thứ nhất là vì một tư tưởng của mẹ Tê-rê-xa ở Calcutta. Mẹ khẳng định: Chẳng phải là í Chúa muốn tôi làm nông dân, cu li, kĩ sư, nhà giáo, bác sĩ, người ở, tổng thống … (hay bất cứ nghề nghiệp nào). Đó là í của tôi, tôi muốn, chứ không phải Chúa muốn. Chúa chỉ muốn một điều duy nhất nơi tôi, là hãy sống cho nên thánh, nghĩa là hãy hoàn thành thật tốt đẹp vai trò và nghề nghiệp của mình. Chấm hết.
Í Chúa đơn giản và cụ thể như thế, chứ không phải như câu cửa miệng của con nhà đạo mình: „Í Chúa thật khôn lường“! „Chẳng ai biết trước được thánh í Chúa“!
Thứ hai là khi đang nghĩ về đề tài này thì đúng dịp kỉ niệm 600 năm ngày mất của linh mục Jan Hus (1370-1415)  người Tiệp. Ông bị toà án giáo hội lên án rối đạo và giao cho thế quyền thiêu sống ngày 06.07.1415 trước cửa thành phố Konstanz, Đức, nơi từ 1414 đang diễn ra công đồng của Giáo Hội (do hoàng đế Đức triệu tập), để giải quyết chuyện ba giáo tông lúc đó đang một lúc giành nhau ngai toà. Truyện Jan Hus cũng là một trong muôn vàn câu truyện đáng tiếc dọc dài trong lịch sử của Giáo Hội. Jan Hus là giáo sư và viện trưởng đại học Praha; ông chịu ảnh hưởng tư tưởng cải cách của nhà thần học John Wiclif ở Anh. Cũng như các đồng nghiệp đương thời, ông đau khổ vì tình trạng phân rẽ giáo tông và đổ vỡ giáo hội hoàn vũ, trong lúc giáo phẩm khắp nơi thì xa hoa, sa đoạ. Đối với ông, chỉ còn cách cứu vãn duy nhất là đề xướng một giáo lí mới, theo đó, Giáo Hội thật là giáo hội vô hình, trong đó chỉ cần tin vào đức Ki-tô là đủ, chẳng cần giáo tông, giám mục hay linh mục gì cả. Những tư tưởng của ông sau này được Luther, Calvin và Zwingli tiếp tục khai triển. Hoàng đế Đức mời và bảo đảm an ninh bản thân cho ông tới dự, để biện hộ trước Công Đồng. Các nghị phụ yêu cầu ông rút lại những luận đề bị họ coi là rối, nhưng ông không chịu. Vì thế, CĐ kết án ông rối đạo (thời đó có nghĩa là tử hình) và trao cho toà án thế quyền thiêu sống. Sử cho hay, trước khi bị thiêu, bảy giám mục giật chén thánh của ông, lột xé áo chùng linh mục của ông, cắt tóc ông thành một hình thánh giá, rồi chụp lên đầu ông một mũ giấy giám mục rối màu trắng có vẽ hình hai con quỷ, cùng nhau nguyền rủa Jan Hus và giải giao linh hồn ông cho quỷ Satan.
Ở đây, ta không bàn chuyện học thuyết của ông ra sao và vụ án có sai quấy hay không. Chỉ biết 83 năm sau, dàn hoả lại bừng cháy ở Í với thân xác Savonarola, một linh mục dòng Đa-minh. Ông này quyết liệt chống lại một giáo triều lúc đó đang lặn ngụp trong sa đoạ của lối sống phục hưng. Dòng Đa-minh giờ đây vận động phong thánh cho ông, nhưng Roma ở vào thế kẹt. Phong thánh ư, thế thì Giáo Hội thời đó sai?
Dân Tiệp không cần vận động phong thánh cho Jan Hus, nhưng tôn ông lên thành vị anh hùng quốc gia, lấy ngày ông chết làm ngày lễ nghỉ toàn quốc (sự việc khiến Vatican cắt đứt liên lạc ngoại giao 3 năm).
Năm 1989 Giáo Tông Gio-an Phao-lô II bày tỏ „nỗi buồn sâu xa“ trước cái chết man rợ của Jan Hus và ngài gọi vị này là nhà cải cách của Giáo Hội. Giáo Tông Phan-sinh thì lại coi biến cố kỉ niệm hôm nay là „một cơ hội đối thoại“ trên bước đường tìm về hoà giải quốc gia và giáo hội.
 Ghi lại chút lịch sử để hiểu thêm bối cảnh, chứ chẳng phải là để chúng ta phân định đúng sai. Và giờ đây, để lòng thật bình thản, ta thử trả lời xem:
-  Chúa đã chọn bảy vị nguyền rủa và giao linh hồn Hus cho Satan kia vào hàng giám mục của Người?
-  Chúa đã chọn Jan Hus làm linh mục, giáo sư thần học và việc ông chống lại giáo triều là do thánh í Chúa muốn?
-  Savonarola và Giáo Tông A-lê-xăng-đrô, người bị Savonarola gay gắt chỉ trích, là những người được Chúa chọn vào hàng tư tế?
-  Vân vân và vân vân.
Với tôi, chẳng có việc „Chúa chọn“ hay „do thánh í Chúa“ gì ráo ở những trường hợp trên đây cả. Và cả ở mọi trường hợp hiện nay. Giáo Tông A-lê-xăng-đrô được chọn vào ngai là do các hồng i thời đó bầu. Jan Hus, Savonarola đi tu và làm linh mục trước hết là do í muốn của cá nhân họ. Jan Hus làm giáo sư, viện trưởng là do khả năng và í chí của ông trước tiên. Jan Hus và Savonarola có tài hùng biện giảng đạo là do thiên bẩm, tập luyện cũng như lòng đạo đức của họ. 
Cũng thế, Giáo Tông Phan-sinh được bầu là do sự thuận lòng và kì vọng của đa số hồng i mật nghị. Tổng giám mục Montini được bầu thành Giáo Tông Phao-lô VI là nhờ phe chống đối bị vỡ. Chúa không chọn Nguyễn Văn Thuận làm linh mục, nhưng trước hết chính cậu Thuận đã ước ao muốn hiến mình vào con đường linh mục để phục vụ Chúa và tha nhân cách trọn vẹn hơn. Và Chúa cũng đã không chọn ngài vào hàng hồng i, mà do chính thánh Giáo Tông Gio-an Phao-lô chọn ngài.
Nói như thế, không có nghĩa là chúng ta phủ nhận ƠN CHÚA. Ơn Chúa lại là một chuyện khác, nó khác với Í CHÚA hay CHÚA CHỌN. Là người có lòng tin, chúng ta tin rằng, Thiên Chúa có đồng hành với cậu Thuận và có thể đã soi sáng cho cậu trong việc quyết định làm linh mục; và sau này, có thể Người cũng đã đồng hành và nâng đỡ ủi an Giám Mục Thuận trên bước đường tù ngục và hoạt động. Có thể Chúa cũng đã soi sáng cho các nghị phụ trong quá trình bầu chọn giáo tông. Và trong nhiều trường hợp – chứ không phải tất cả - có thể có sự soi sáng của Chúa trong việc đề nghị ứng viên và chọn các giám mục. Đó là chưa nói tới những trường hợp éo le trong các nước cộng sản, trong đó nhiều khi Thiên Chúa chỉ là người hợp thức hoá những nhân sự do chính quyền cộng sản chọn.
Ơn Chúa nhưng không. Ơn đó đổ xuống trên tất cả mọi người. Ai sẵn sàng đón nhận, ơn ích càng thêm tràn đầy. Ai không muốn nhận, ơn vẫn có đó, nhưng ít tác dụng.
Chúng ta cần minh bạch và thẳng thắn trong chuyện này. Minh bạch và thẳng thắn không có nghĩa là cố tình tục hoá hay ngầm phá vỡ tính chất linh thiêng của các chức thánh.  Nhưng là để chúng ta có được chính danh, có được thoải mái trong cuộc sống, cả phía giáo sĩ lẫn giáo dân.
Khi nhận thức rằng, chức tư tế trước hết là do chính tôi chọn trước mặt Chúa và con người, chứ không do Chúa chọn hay bắt tôi nhận, thì người giáo sĩ sẽ không dám liều lĩnh phán: Điều tôi nói là Chúa nói. Họ sẽ bớt kẻ cả. Bớt xa cách giáo dân. Bớt sống giả, vì không cảm thấy bị trói trong „định mệnh“. Vã nỗ lực bám vào Chúa và cậy trông Chúa nơi họ sẽ không ngơi nghỉ, vì họ biết, đây là một quyết định thuộc trách nhiệm của tôi và tôi phải cần ơn Chúa để sống trọn quyết định đó. Câu „Linh mục là đức Ki-tô khác“ muốn nói lên vai trò quan trọng và cao trọng của chức tư tế, chứ không nói tới gốc xuất phát của chức này. Và như thế, khi biết mình không thể nào tiếp tục sống được sự chọn lựa của mình nữa, họ sẽ có thể rút lui trong chân thành và thanh thản, mà không rơi vào mặc cảm phản bội hay đào ngũ.
Phía giáo dân, nếu hiểu được như thế, sẽ thông cảm nhiều hơn cho những lỗi lầm và thiếu sót của giáo sĩ. Họ sẽ thẳng thắn nhắc nhở những sai trái (cố í hoặc vô tình) của giáo sĩ. Họ sẽ không ngã lòng thất vọng trước những trường hợp hồi tục hoặc bớt nguyền rủa những người này: „ăn hết cơm gạo nhà đức Chúa Trời mà vong ân bội nghĩa“! Họ sẽ dễ trưởng thành hơn, vì không bị lưới „Chúa chọn“ bịt miệng. 
Nói tắt lại, có nhận thức được như thế, cả hai sẽ sống „người“ hơn.

Hẳn không ít người hoảng hốt hoặc khó chịu khi đọc những điều chói tai gai mắt trên đây. Họ sợ như vậy là tôi muốn đánh mất sự cao cả và tính linh thiêng của chức tư tế, nhất là trong thời buổi khủng hoảng đức tin nặng nề hiện nay. Quý vị cứ tự do suy diễn và nên viết ra để phản biện lại tôi. Tôi vui mừng, nếu được đọc những quan điểm trái ngược với mình.
Nhưng nghĩ như vậy là không đúng. Nay là lúc cần sự lương thiện. Đừng hễ cái gì cũng đổ cho Chúa, để trốn tránh trách nhiệm của mình hoặc lấp liếm những thiếu sót của mình. Khi tạo dựng ra ta, Thiên Chúa đồng thời trao cho ta tự do, vì thế quyết định là ở nơi ta. Theo vế „Chúa chọn“ là ta đi vào cửa tiền định, một cửa mà trước đây Jan Hus và Martin Luther đã triệt để đi theo với tuyên ngôn: chỉ Tin là đủ“. Hay nói như vị khách đầu bài: „Chúa đã chọn các ngài thì Chúa cũng đã sắp sẵn chương trình cho các ngài“! Chức vụ „Chúa chọn“ sẽ biến các ngài tự khôn ngoan, đạo đức, mà chẳng cần gì ai nhắc nhở, chỉ dẫn nữa! Giáo Hội đã bác bỏ tuyên ngôn đó, vì rằng, nếu như thế, thì con người chỉ là những cái máy. Thiên Chúa cần loài người tự do chứ không cần máy. Theo vế „Tôi chọn“ trong sự Soi Sáng và Ơn Phù Trợ của Chúa là chúng ta bước vào đúng cửa của Tạo Dựng.
Hay nói như mẹ Tê-rê-xa – nhắc lại -: Chẳng phải là í Chúa muốn hay Chúa chọn tôi  làm ông này bà nọ, làm nghề này chức nọ. Đó là do tôi muốn, chứ không phải Chúa muốn. Chúa chỉ muốn một điều duy nhất nơi tôi, là hãy sống cho nên thánh, nghĩa là hãy hoàn thành thật trọn vẹn vai trò của mình.

Augsburg, 14.07.2015