Hại muôn đời

Gs Vũ Quốc Thúc, Pháp

Hại   muôn   đời   

" Làm thầy thuốc sai lầm có thể hại một mạng người
Làm chính trị sai lầm có thể hại một thế hệ
 Làm văn hóa sai lầm có thể hại muôn đời ."

  Lão Tử
                                                        
            Trong một cuộc phỏng vấn dành cho đài BBC ngay sau khi có tin nước Việt Nam  được bầu làm thành viên không thường trực của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, tôi đã đưa ý kiến là Chính quyền Hà nội cần phảikiện toàn nền độc lập của xứ xở bằng cách trả lại chủ quyền cho nhân dân qua một cuộc xửa đổi Hiến Pháp được trưng cầu dân ý . Đề nghị này chắc đã khiến nhiều người ngạc nhiên vì theo lý, khi một quốc gia được bầu vào Hội Đồng Bảo An , tất nhiên là tính độc lập của quốc gia này đã được tuyệt đại đa số những nước hội viên Liên Hiệp Quốc công nhận rồi : cần chi còn phải kiện toàn nữa ? Sở dĩ tôi đã đưa ra một đề nghị" có vẻ chướng tai " như vậy , chính vì ngay từ lúc ấy , tôi đã ngờ vực, có thể nói là lo ngại .Ai cũng biết rằng trong số 5 nước hội viên thường trực của Hội Đồng Bảo An - có quyền phủ quyết - có lẽ Trung Hoa là cường quốc duy nhất không thích cho nước ta được tăng thêm thế lực nhờ sự hiện diện trong Hội Đồng Bảo An. Trung Hoa dù đã trở nên cộng sản cũng không chắc gì từ bỏ tham vọng " đế quốc Đại Hán " của họ . Từ nghìn xưa những kẻ lãnh đạo nước này vẫn coi "An Nam" là một chư hầu, mọi chính sách đều phải được sự đồng ý công khai hay mặc nhiên của Thiên Triều . Nếu Bắc Kinh không xử dụng quyền phủ quyết, điều đó có nghĩa là Bắc Kinh tin chắc rằng họ sẽ tiếp tục chi phối Hà nội  và Hà nội không thể chống lại họ . Tại sao ? Có lẽ  họ đã gài được tay sai vào những vị trí then chốt của hệ thống chính quyền nước ta , Do đó , sự hiện diện cũa Hà nội trong Hội Đồng Bảo An khiến cho Bắc Kinh thêm vây cánh , Chỉ có lợi chứ không hại . Chính vì suy luận như vậy nên kẻ viết bài này chủ trương phải dân chủ hóa thể chế chính trị qua sự xửa đổi Hiến Pháp hiện hành để cho nhóm lãnh đạo thân Bắc Kinh không thể thao túng chính trường được nữa .  
   
           Chúng tôi không ngờ là chỉ mấy tuần lễ sau cuộc phỏng vấn của đài BBC, các sự việc xẩy ra chứng minh một cách cụ thể rằng mối lo ngại của chúng tôi không phải vô lý.

           Trước hết ta được tin chính quyền Bắc Kinh  dự định sáp nhập các quần đảo Trường Sa và Tây Sa vào một đơn vị hành chính tân lập, thuộc thẩm quyền của tỉnh Hải Nam. Những hải đảo này , theo nhiều tài liệu lịch sử , thuộc chủ quyền của Việt Nam: Trung Cộng đã dùng võ lực xâm chiếm , bất chấp sự phản đối của Hà nội. Rõ ràng Trung Cộng muốn đặt Hà nội trước một việc đã xẩy ra rồi : nếu im lặng tức là mặc nhiẻn xác nhận chủ quyền của họ trên các hải đảo này ; nếu phản đối theo thường lệ bằng một thông cáo thì sẽ chẳng thay đổi được chi hết . Rất có thể đây là một hành động thăm dò của Bắc Kinh : thăm dò xem chính quyền Hà nội có dám chống lại họ không ? Có được dân chúng yểm trợ trong việc chống đối này không? Đồng thời những "tai mắt" của Bắc Kinh có cơ hội nhận diện những ai chống Trung Cộng hăng nhất để sau này sẽ tìm cách loại trừ .

            Việc thứ hai là những cuộc biểu tình của dân chúng ở Hà nội và Sài gòn nhằm phản đối hành động xâm lăng vừa kể của Trung Cộng ; những cuộc biểu tình này xẩy ra đồng thời trong hai ngày chủ nhật 9/3 và16/3 với sự tham dự của nhiều ngàn người . Các cơ quan truyền thông do nhà cầm quyền Hà nội kiểm soát gọi đó là những cuộc biểu tình "tự phát" vì kẻ tham dự đã liên lạc "kín đáo" với nhau bằng điện thoại di động và qua mạng lưới internet. Điều này thật khó tin: Những ai am tường hiện trạng "công an trị" ở nước ta đều biết rằng nếu không có sự làm ngơ và rất có thể là đồng tình của nhà cầm quyền thì dễ gì huy động được đông người như vậy! Dẫu sao một điều mà các kẻ hữu trách đã không dự kiến được là sự phẫn nộ chân thực và cao độ của tầng lớp trẻ: vidéo ghi hình càc cuộc biểu tình cho thấy có những phần tử hăng say đã ngang nhiên dẫm chân lên quốc kỳ của Trung Hoa rồi đốt quốc kỳ này trước sứ quán của Bắc Kinh. Tất nhiên Bắc Kinh đã phản ứng: chính quyền Hà nội vội vã nghiêm cấm các cuộc biểu tỉnh được dự trù vào ngày chủ nhật 23/3 , thẳng tay bắt giữ một số người bị buộc tội là sách động.

            Tuy Bắc Kinh cải chánh tin thiết lập quận Tam Sa nhưng cuộc thăm dòcho thấy hai điều :

1) tầng lớp trẻ ở Việt Nam không chấp nhận sự chi phối của Trung Cộng , coi đó là một hình thức đô hộ mới ;

2) nhóm lãnh đạo đương quyền ở Hà nội vẫn chưa dám chống Trung Quốc, mặc dù nước Việt Nam đã trở nên hội viên của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc .

            Thái độ khuất phục của Hà nội trước những hành động trịch thượng của Bắc Kinh không mới lạ: qua nhiều sự việc xẩy ra từ hàng chục năm qua như vụ nhượng cho Trung Hoa
một phần lãnh thổ sát biên giới (trong đó có Ải Nam Quan và Thác Bản Giốc), cả một phần lãnh hải rộng lớn trong Vịnh Bắc Việt , từ lâu vẫn được coi là của ta , rồi tới việc hải quân Trung Hoa bắn chết nhiều ngư phủ Việt Nam trong vùng tranh chấp, việc Trung Hoa ngang nhiên chiếm giữ càc hải đảo Tây Sa, Trường Sa ... luôn luôn ta thấy Hà nội chỉ phản đối chiếu lệ mà thôi . Tuyệt nhiên không có một hành động nào đàng coi là trả đũa. Việc phải đến đã đến : Trung Quốc "được đằng chân lân đằng đầu" coi chính quyền Hà nội như thuộc viên, bảo sao phải nghe vậy ! Phải chăng đây là hậu quả những cam kết của Đảng Cộng Sản Việt Nam đối với Đảng Cộng Sản Trung Hoa để xin đàn anh bảo trợ sau khi Khối Liên Xô tan rã ? Sự lệ thuộc này sở dĩ có được chính vì bản Hiến Pháp 1992 đã đặt Đảng Cộng Sản Việt Nam lên trên Nhà Nước  Việt Nam  ( Đảng lãnh đạo, Nhà Nước quản lý). Sửa đổi Hiến Pháp để trả lại chủ quyền cho nhân dân, như vậy là giải phóng dân tộc khỏi sự khống chế của Trung Cộng : chỉ có những tay sai của Trung Cộng mới chống lại việc này . 

******

            Từ  cuộc Cách Mạng  19 tháng 8 năm 1945  đến nay, Đảng Cộng Sản Việt Nam liên tục giữ độc quyền làm chủ trên chính trường nước ta. Mọi biến cố xẩy ra , nếu xét trong chiều dài của lịch sử dân tộc, đều là hậu quả trực tiếp hay gián tiếp của đường lối và các chính sách mà Đảng đã thực thi . Bản kết toán tổng quát cho thấy là Đảng đã phạm nhiều sai lầm nghiêm trọng . 

            Nhìn lại sự việc theo quan điểm dân tộc (với các mục tiêu độc lập thực sự, thống nhất ba miền Bắc Trung Nam , đoàn kết trong tình tương thân tương ái mọi tầng lớp nhân dân , phát triển kinh tế để đưổi kịp các nước tiến bộ) , kẻ viết bài này chua sót nhận thấy rằng chúng ta đã bỏ lỡ quá nhiều cơ hội lịch sử .
Tôi chỉ kể một số thí dụ:

a)              Năm 1948, Chính quyền Pháp ý thức rằng mặc dù đoàn quân viễn chinh gửi sang Đông Dương đã giành được ưu thế quân sự, Pháp không thể nào tái lập chế độ thuộc địa trên bán đảo xa xôi này: sớm muộn gì cũng phải trả lại quyền độc lập cho các nước Việt , Miên , Lào để phù hợp với phong trào giải phóng thuộc địa đang lan tràn trên thế giới . Chính vì vậy Pháp mới tung ragiải pháp Bảo Đại. Nếu lúc đó Đảng Cộng Sản Việt Nam biết tùy thời, cộng tác với cựu Cố Vấn Tối Cao của mình để nắm chính quyền thì nước ta đã trở thành một nước độc lập ít nhất cũng giống như Maroc , Tunisie. Đâu đến nỗi phải tốn hao bao nhiêu sinh mạng và tài sản , trong 6 năm chiến tranh giải phóng (1948-1954) để đem lại vinh quang cho một số tướng lãnh! Tôi chợt nhớ đến câu nói của cổ nhân: "Nhất tướng công thành vạn cốt khô "

b)              Năm 1975, sau khi hai miền Bắc Nam đã thống nhất, nếu Đảng Cộng Sản Việt Nam biết thi hành một chính sách đại đoàn kết dân tộc , thì đâu đến nỗi bao  nhiêu vạn người đã chết oan uổng trong các trại cải tạo và trên biển cả ? Đâu đến nỗi hàng triệu người phải bỏ nước ra đi, đem khả năng và trí tuệ của mình phục vụ ngoại bang thay vì có thể ở lại quốc nội góp phần tích cực vào công cuộc tái thiết xứ xở !

c)              Năm 1992, sau khi Khối Cộng sản Liên Xô giải thể, nếu Đảng Cộng Sản Việt Nam đừng mù quáng, vội vã chạy sang Thành Đô cầu cứu Đảng Cộng Sản Trung Hoa bảo trợ , thì đâu đến nỗi bị Bắc Kinh khống chế như chúng ta đã thấy ? Nếu ngay từ lúc đó, Việt Nam chứng tỏ nguyện vọng độc lập của mình , thì công cuộc bình thường hóa bang giao với Hoa Kỳ có thể thực hiện mau chóng : nền kinh tế   có thể đã phát triển không đến nỗi quá thua sút các nước láng giềng  Mã Lai, Thái Lan, Tân Gia Ba...

            Câu nói của Lão Tử đã tỏ ra quá đúng: Làm chính trị sai lầm có thể hại một thế hệ.  Trong trường hợp nước ta , vì sự sai lầm của Đảng Cộng Sản kéo dài từ 1948 tới nay , không phải một mà tới ba thế hệ đã bị thiệt hại .Dĩ nhiên những sự sai lầm đó đã gây nên nhiều sự bất mãn, có lúc đã đưa tới sự nổi loạn trong một số địa phương . Kinh nghiệm cho thấy là mỗi lần Đảng Cộng tạm nhượng bộ, cử một đảng viên cao cấp tới xin lỗi , chuyển đổi các cán bộ hữu trách , nhưng tựu chung vẫn giữ vững chính sách đã đưa ra. Quan điểm của Đảng là "Đảng không bao giờ sai lầm, nếu có khó khăn chỉ vì các cán bộ địa phương đã làm sai, không biết giảng giải cho nhân dân đường lối của Nhà nước". Với một thái độ ngoan cố nhn vậy, sự sai lầm không còn tính cách chính sách giai đoạn mà rõ ràng là một sai lầm cơ bản liên can tới triết lý tiến hóa của xã hội , tới nếp sống của toàn dân , nói khác đó là một sai lầm văn hóa có hậu quả dài dài , tai hại muôn đời như Lão Tử đã nhận định .

            Sai lầm ở chỗ nào? Ai cũng biết, các đảng cộng sản đã thành lập trên cơ sở chủ thuyết Các Mác được Lê Nin bổ xung để dùng làm võ khí huy động các tầng lớp nghèo khổ vùng lên cướp chính quyền . Một khi nắm được chính quyền thì lập tức tổ chức một thể chế độc tài được gán danh hiệu vô sản chuyên chính . Trong thực tế đó chỉ là nền chuyên chính của Đảng Cộng Sản vì Đảng tự nhận là đại diện của giai cấp vô sản. Nhưng Đảng do ai bầu làm đại diện?  Ngay từ lúc ra đời, đó chỉ là một nhóm người, dần dần bành trướng bằng cách tuyển mộ thêm đảng viên. Việc tuyển mộ tất nhiên thuộc quyền các cán bộ lãnh đạo Đảng. Sau khi nắm được chính quyền, khỏi cần nói , các cán bộ lãnh đạo này đã dùng danh lợi làm cái mồi để lôi cuốn hàng triệu , hàng chục triệu người vào Đảng . Sự lạm dụng quyèn hành và thế lực là một điều không thể tránh khi nhân dân không có quyền thay thế kẻ caitrị mình qua một cuộc bầu cử tự do, trung thực. Đảng có còn đại diện cho giai cấp vô sản không? Hẳn nhiên không! Có đáng gọi là Cộng Sản nữa không? Cũng không nốt vì các đảng viên đều đã trở nên giầu có: nhiều cán bộ cao cấp đã trở thành tỷ phú, đa triệu phú ! Khỏi nói , những "nhà tư bản đỏ " chỉ đỏ ở màu cờ mà họ đã nâng lên địa vị quốc kỳ , còn trong bản chất họ đã trở nên cực kỳ bảo thủ , và tha thiết bảo vệ tài sản của họ trước mọi chủ trương tả khuynh quá khích!                             
            Kẻ bàng quan không thể không thắc mắc, có thể nói là bất bình, khi thấy các cán bộ cộng sản vẫn tiếp tục bắt đảng viên cơ sở và cảc học sinh , sinh viên học đi học lại những nguyên lý cơ bản của chủ thuyết Mác Lê nin như :nền kinh tế tư bản thị trường tất yếu sẽ sụp đổ để nhường chỗ cho nền kinh tế xã hội chủ nghĩa , các quốc gia dân tộc sẽ hòa mình trong một thế giới đại đồng nhờ ở tình huynh đệ đương nhiên của giai cấp vô sản , Nhà nước vô sản chuyên chỉnh chỉ cần thiết trong giai đoạn quá độ mà thôi , vân vân và vân vân ...Rõ ràng là các lãnh tụ cộng sản đã thấy sự sai lầm của chủ thuyết Mác Lê nin nhưng vẫn cố tình đem chủ thuyết này nhồi sọ thế hệ trẻ cũng như các tầng lớp bình dân để dùng làm cơ sở  yểm trợ chính quyền. Đây là một sự lừa bịp không thể tha thứ vì chính sách văn hóa ngu dân này đang khiến cho nước ta biến thành chư hầu của Trung Hoa mà  còn có thể  làm hại nhiều thế hệ tương lai , hại muôn đời  như Lão Tử đã cảnh cáo ./.

                                                                               
                                                                                             Vũ Quốc Thúc