Phim “Nỗi Kinh Hoàng ở Little Saigon”: Phép thử cho lương tâm và trách nhiệm

Chúng ta phải hành xử như một cộng đồng trưởng thành và có lý tưởng


Ts. Nguyễn Đình Thắng   

Kể từ ngày ra mắt trên hệ thống truyền hình PBS và qua internet, phim “Terror in Little Saigon” (Nỗi Kinh Hoàng ở Little Saigon) đã khuấy lên cuộc tranh luận trong cộng đồng người Việt ở hải ngoại. Cuộc tranh luận ấy không những là bình thường mà còn là cần thiết trong xã hội mở của thế giới tự do. Nó chiếu rọi ánh sáng vào những chỗ còn khuất tất, mở ra những góc nhìn mới, và giúp mọi người cân nhắc các lý lẽ trước khi chọn cho mình một kết luận. 

Cuốn phim khơi lại những tội ác đã xảy ra ngay trong lòng cộng đồng của chúng ta. Những tội ác này, dù đã xảy ra 25, 30 năm về trước, tiếp tục thách thức các lý tưởng cao đẹp nhất của chúng ta về tự do, công lý, lẽ phải. Cuốn phim thôi thúc chúng ta phải chọn thái độ, phải hành động chứ không thể cứ mãi đóng vai người ngoài cuộc ơ hờ, vô tư. Nó đặt ra cho chúng ta một phép thử gay go về lương tâm và trách nhiệm.
Ắt hẳn không ít bạn bè quốc tế và đồng bào trong nước đã xem cuốn phim này và đang theo dõi để xem chúng ta hành xử ra sao trước phép thử ấy.


Phải nhìn thẳng vấn đề
Phản ứng với phim “Terror in Little Saigon”, một số người thay vì nhìn thẳng vào nội dung của phim và trực diện với những thách thức được nêu lên thì lại tìm cách suy diễn về động cơ ngầm ẩn đằng sau cuốn phim. Phải chăng cộng đồng người Việt tị nạn đang là nạn nhân của thành phần truyền thông thiên tả? Phải chăng đây là âm mưu của thế lực đen để làm tản lực đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam? Sao lại là lúc này, thời điểm nhạy cảm trong cuộc đối đầu giữa tự do và độc tài?
Cách “lách” vấn đề như vậy không thể áp dụng ở đây vì một thực tế hiển nhiên: Nội dung của phim “Terror in Little Saigon” đã được nêu ra từ trước bởi một tổ chức có uy tín quốc tế và được người Việt ở trong và ngoài nước hết lòng tin tưởng -- các bản báo cáo của họ vẫn được báo chí và các tổ chức tranh đấu cho nhân quyền của người Việt trang trọng trích dẫn. Đó là Uỷ Ban Bảo Vệ Các Nhà Báo, tức Committee to Protect Journalists (CPJ).
CPJ là tổ chức phi chính phủ hàng đầu trên thế giới về bảo vệ quyền tự do báo chí. Hàng năm CPJ xếp hạng các quốc gia về nền tự do báo chí; năm nay, họ xếp Việt Nam ở hạng 6 trên thế giới... từ dưới đếm ngược lên. CPJ liên tục lên án chính quyền Việt Nam về chính sách đàn áp tự do báo chí. Họ can thiệp mạnh mẽ cho các nhà báo bị bắt bớ, tù đày ở Việt Nam, trong đó có các bloggers Điếu Cày và Tạ Phong Tần. Ngày 25 thng 11, 2014, Blogger Điếu Cày đến New York nhận giải Tự Do Báo Chí Quốc Tế của CPJ. Không ai có thể cáo buộc là CPJ bị giật dây, bị chi phối hay được chi tiền. Cũng không thể nào chụp mũ họ là có ác ý với cộng đồng người Việt hay muốn ngăn cản cuộc tranh đấu cho tự do và dân chủ ở Việt Nam. 
Năm 1993 CPJ công bố tài liệu “Silence in Little Saigon: Five Vietnamese-American Journalists Killed”. Bản báo cáo này trưng dẫn những thông tin ăn khớp với phim “Terror in Little Saigon” và cũng đi đến kết luận tương tự về nghi phạm. Theo tôi, trong một số khía cạnh thì bản báo cáo của CPJ còn “mạnh tay” hơn cả phim được PBS trình chiếu từ tuần rồi. Thực ra, phim “Terror in Little Saigon” phần lớn chỉ lập lại và triển khai thêm các thông tin đã được nêu lên trong “Silence in Little Saigon”. Xem tài liệu, trang 9-25: https://cpj.org/regions_07/americas_07/CPJ-SilencedReport.pdf.
Tôi mong rằng kiến thức này sẽ làm nguôi ngoai những thắc mắc về động cơ đằng sau phim “Terror in Little Saigon” để tất cả chúng ta còn tập trung năng lực vào những việc chính đáng, phải làm vì lương tâm và trách nhiệm.
Vấn đề lương tâm và trách nhiệm
Đối với khán giả người Việt, phim “Terror in Little Saigon” còn nhắn gởi một thông điệp thấm thía dù không hữu ý: Những nhà báo người Việt nghĩ sao, làm gì trước những cái chết thảm khốc của đồng nghiệp cùng giòng máu? Họ thể hiện ra sao những phẩm giá cao quý của chức nghiệp làm báo: Lòng yêu chuộng sự thật, lương tâm chức nghiệp, ý thức công lý, tình đồng loại và đồng bào?
Ở cuối phim, nhà làm phim tỏ ra ân hận vì đã không tìm được công lý cho những nhà báo người Việt bị sát hại. Các nhà báo người Việt liệu có chia sẻ cùng nỗi niềm ân hận ấy?
Cuốn phim đã được thực hiện. Dù có thể chưa đạt tiêu chuẩn hay kỳ vọng của nhiều người nhưng nó là chứng tích của sự dấn thân hành động. Các nhà báo người Việt sẽ dấn thân và hành động ra sao?
Có một số tờ báo, đài truyền thanh, đài truyền hình Việt ngữ đã chạy tin về cuốn phim hay phỏng vấn một số người liên can. Đó là bước khởi đầu khích lệ nhưng chưa đủ. Nạn nhân đâu phải người dưng nước lã mà là những đồng nghiệp cùng giòng máu, cùng thân phận tị nạn hay di dân. Việc đâu phải xảy ra ở Trung Đông hay Phi Châu mà ngay trong lòng cộng đồng chúng ta. Sự kiện đâu phải là chuyện nắng mưa đổi mùa mà là những cái chết vô cùng oan khiên và thảm khốc trước mũi súng của sát thủ chuyên nghiệp. Lẽ ra các nhà báo người Việt đã phải lay động cả xã hội và chính quyền để đòi công lý, đã phải nhập cuộc truy tìm nhân chứng và thủ phạm, đã phải phẫn nộ và không cho phép vấn đề chìm vào quên lãng. Lẽ ra họ đã phải đi trước cả CPJ, Frontline và ProPublica.
Nhưng trễ còn hơn không. Tôi mong rằng các nhà báo người Việt sẽ tiếp tục hành trình do những người không phải là người Việt đã mở ra.
Những việc phải làm
Nếu quả thực chúng ta là một cộng đồng của những người đi tị nạn vì lý tưởng tự do, nhân quyền, và công lý thì đây là lúc chúng ta nhất thiết phải chọn thái độ và phải hành động. Chúng ta không thể làm ngơ trước những tội ác đã xâm phạm đến tất cả các giá trị nhân bản mà chúng ta từng đeo đuổi cho chính mình và đang mưu cầu cho đồng bào và quê hương.
Có 3 việc mà chúng ta có thể và cần làm ngay:
1. Giới làm báo, cùng với nhau hay một cách riêng rẽ, mạnh mẽ lên án các hành vi sát hại và hăm doạ nhắm vào các nhà báo Việt Nam và bày tỏ quyết tâm bảo vệ quyền tự do báo chí ở mọi nơi, trong mọi cảnh ngộ.
2. Các tổ chức và đoàn thể trong cộng đồng và các nhà hoạt động nhân quyền người Việt đồng loạt áp lực chính quyền Hoa Kỳ mở lại hồ sơ điều tra các vụ sát hại các nhà báo người Việt trên đất Mỹ.
3. Một hay nhiều tổ chức người Việt, cùng với nhau hay một cách riêng rẽ, thành lập quỹ để trao giải thưởng cho những ai cung cấp thông tin dẫn đến thủ phạm.
Đấy là những việc phải làm vì lương tâm và trách nhiệm. Chúng sẽ làm sáng ngời lý tưởng của chúng ta về tự do, nhân quyền và công lý. Chúng sẽ thể hiện bản lĩnh của cộng đồng người Việt tị nạn sau 40 trưởng thành trong thế giới tự do, văn minh và nhân bản.
Cứ hành xử đúng với lương tâm và trách nhiệm thì tự khắc chúng ta sẽ nhận được sự nể trọng của quốc tế và lòng tin tưởng của đồng bào ở trong nước. Chẳng thế lực đen nào có thể bôi bẩn thanh danh của chúng ta, hoặc cản trở bước tiến của chúng ta trên hành trình đem lại dân chủ và tự do cho quê hương và dân tộc.

Bài liên quan:
Chúng ta phải chọn thái độ về một phóng sự truyền hình Hoa Kỳ