Về sự hình thành và lịch sử ban đầu của đạo Islam (Hồi Giáo)

Kết quả hình ảnh cho đạo Islam (Hồi Giáo)
Karl-Heinz Ohlig. Người dịch: Phạm Hồng-Lam.

Người dịch:Cho tới nay, chúng ta quan tâm tới Islam nhiều trên phương diện í thức hệ và thực hành: Giáo lí của tôn giáo này ra sao? Lí trí có vai trò gì trong đạo này không? Đâu là cội rễ phát sinh bạo lực?..  Mà ít khi đặt ra những câu hỏi đi vào nền tảng.
Nhưng có phải Islam là tôn giáo vượt trội trên tất cả mọi tôn giáo khác, vì kinh sách của tôn giáo này là lời Thiên Chúa trực tiếp ban ra, như người ta vẫn khẳng định? Có chăng một nhân vật Mô-ha-mét lịch sử và vị đó là đạo tổ của Islam? Nếu thế, tại sao nhân vật này lại không được có một khuôn mặt? Islam do đâu mà có? Đâu là nội dung thật sự của Koran? v.v.
Bài khảo cứu sau đây của giáo sư K.H. Ohlig có thể là một cơn địa chấn dữ dội cho thế giới islam. K.H. Ohlig, sinh 1938,  cựu giáo sư thần học, giữ ghế Lịch sử tôn giáo và Lịch sử Ki-tô giáo tại đại học Saarland, Đức. Ông nguyên là giám đốc „Inara. Viện Nghiên Cứu Lịch Sử Ban Đầu Của Islam Và Của Kinh Koran“.

Islam hiện là một tôn giáo thế giới năng động với hơn một tỉ tín hữu. Tôn giáo này tin rằng đã được khai sinh bởi một tiên tri do Thiên Chúa gởi xuống là Mô-ha-mét (muhammad). Vị này, theo truyền thuyết, sống trên Bán-đảo Ả-rập vào khoảng từ năm 570 tới 632 sau công nguyên. Sau khi ông mất, Islam bung ra bằng những chiến thắng quân sự và tôn giáo. Những cuộc chiến tranh mở rộng của các tay kiếm islam đã nuốt trửng hai thế lực lớn thời đó trong vùng, là đế quốc By-zan-tin và Sas-sa-nid (Per-sê). Chỉ trong vài chục năm, nó thống trị cả vùng Cận-đông cho tới biên giới Ấn-độ, chiếm Ai-cập, bắc Phi châu và kéo quân băng Tây-ban-nha tới miền nam Pháp.
Lãnh đạo những cuộc hành quân đều do các đạo chủ (Kalif: có nghĩa là „đại diện của vị được Thiên Chúa sai đến“), là những nhân vật kế vị Mô-ha-mét. Bốn đạo chủ đầu tiên, lãnh đạo tới năm 661, về sau được gọi là những „Đạo chủ chính thống“. Các vị sau đó, lãnh đạo cho tới 750, được gọi là O-ma-yad, các vị này dời đô về Damaskus; và kể từ giữa thế kỉ thứ 8 trở đi do các Ab-ba-sid lãnh đạo, với thủ đô là Bagdad.
Những lời giảng miệng của Mô-ha-mét được người nghe ghi nhớ trong đầu, hoặc cũng được ghi ra trên những miếng xương hay lá thà là. Theo truyền thuyết, các tài liệu này được vị đạo chủ thứ ba là Osman gom góp lại và giao cho một uỷ ban dưới quyền điều hành của Zaid ibn Thabit chuyển thành văn bản đầy đủ như ngày nay hiện có; người ta nói công việc này xẩy ra vào năm 650 tới 656, nghĩa là 18 tới 24 năm sau khi Mô-ha-mét mất. Osman ra lệnh chỉ được dùng bản kinh của ông mà thôi, cấm tuyệt mọi văn bản khác. Người ta cả quyết rằng, bản Koran in năm 1925 ở Kairo, bản hiện làm nền cho mọi chú giải Koran khác, mang nội dung i hệt như bản của Osman.
Cho tới nay, các chuyên gia Koran phương tây hầu hết đều tin theo truyền thống giải thích trên. Hans Zirker tóm tắt sự đồng thanh đó như sau: „So với Kinh-thánh (…) thì Koran được hình thành trong một thời gian rất ngắn và thuần nhất (…) Khoảng 20 năm sau khi Mô-ha-mét mất, bản văn Koran đã hoàn chỉnh, mọi ấn bản ngày nay gần như là tờ sao của bản chính đó. Chỉ trừ một vài ngoại lệ, các chuyên gia ngoài hồi giáo hầu hết tin các ấn bản Koran hiện nay đều gần như là phó bản của tài liệu do Mô-ha-mét truyền lại (…)[1]. Cả Rudi Paret cũng nói: „Chúng tôi chẳng có lí do gì nghi ngờ bất cứ một câu nào trong bản kinh mà không do chính Mô-ha-mét nói ra[2].

Các vấn nạn lịch sử


Tuy nhiên, sự đồng thanh của phương tây, cũng như của truyền thống Islam, đều đặt trên những nền tảng mà có lẽ không một sử gia nào chấp nhận. Các „thông tin“ về nhân vật tiên tri Mô-ha-mét gốc ả-rập chỉ xuất hiện trong bốn „tác phẩm tiểu sử“ vào đầu thế kỉ thứ 9 và thế kỉ thứ 10; trong tác phẩm sau cùng của bốn sách trên, tập „Sử Kí“ của at-Tabari, ông kể luôn cả những truyền thuyết lịch sử về các cuộc chiến tranh mở rộng, các vương triều và các đạo chủ người ả-rập.
Những cuốn „tiểu sử“ kia phần lớn là truyền thuyết giả tưởng. „Phần thực sử  vô cùng ít ỏi. Người ta đã lấy những ám chỉ của Koran để thêu dệt nên chúng (…)“.[3] Song, đặc biệt là mãi tới hai, ba trăm năm sau những hình ảnh về một Mô-ha-mét mơ hồ và những bước đầu của Islam kia mới được các tài liệu đó hình thành nên; chúng phản ảnh suy tư của các tác giả trong thế kỉ thứ 9 và 10, chứ không phải là nguồn cho thời gian lâu về trước.
Suốt hai trăm năm sau cái chết của Mô-ha-mét, không có một tài liệu chữ viết đương thời nào của Islam cả. Hầu như chẳng nơi đâu nhắc đến những sự kiện trên. Chỉ duy có Josef van Ess, trong tác phẩm gồm 6 tập của ông nghiên cứu về thế kỉ thứ 2 và 3 của Islam, ông bảo trong thế kỉ thứ nhất có xuất hiện vài đồng tiền và vài bảng chữ chạm trổ, vì thế ông bỏ qua không nghiên cứu thế kỉ này; ông chỉ bắt đầu với thế kỉ thứ hai, mặc dù ông cho hay thế kỉ đó cũng „không hơn gì thế kỉ đầu[4]. Cả phía đối lập với người ả-rập thời đó là By-zan-tin (By-zan-tin: thủ đô của Đế-quốc Rô-ma Phía Đông. Để dễ cai trị, Đế-quốc Rô-ma chia ra làm hai vùng hành chánh: ĐQ Rô-ma Phía Tây với thủ đô Rô-ma, và ĐQ Rô-ma Phía Đông. Người dịch) cũng chẳng nói đến một đạo mới nào cả.

Tài liệu văn bản ki-tô giáo dưới thời Islam cai trị


Nhưng, Ki-tô hữu gốc si-ri, hi-lạp, ai-cập trong vùng do người ả-rập cai quản suốt hai thế kỉ đó không những đã lập thêm nhiều tu viện, nhà thờ và đã truyền giáo tới tận Trung-quốc, mà còn để lại khá nhiều tài liệu viết như niên lục, thư từ, bài giảng, quyết nghị công đồng, các sách khải-huyền và nhất là các tài liệu thần học. Và nội dung các tài liệu đó vẫn quanh đi quẩn lại chỉ đề cập tới những chuyện thường tình. Đó là các cuộc cãi vã và xung đột giữa các phe phái trong nội bộ ki-tô giáo trước vấn nạn bản tính đức Giê-su: Phe chấp nhận hai bản tính chống lại phe tuyên xưng một bản tính hoặc phe công nhận hai bản tính nhưng chỉ có một í định do Thiên Chúa sắp đặt phản đối lại các phe kia, Ki-tô hữu si-ri chống lại Ki-tô hữu hi-lạp v.v..
Các tài liệu trên rất hiếm khi nhắc đến việc nắm quyền của người ả-rập mới. Người ả-rập ít được đả động tới, thường người ta gọi họ là Sa-ra-zen (dân ở lều, dân du mục, dân cướp bóc), một lối gọi vốn hay được dùng từ thời tiền Islam. Hay, như từ thời Hieronymus trong thế kỉ thứ tư, người ta dựa theo Kinh-thánh – „cái biết“ của Kinh-thánh thời đó được coi là cao nhất – gọi họ là dân Ismael hay dân Hagar (dòng dõi của Ismael, con trai Abraham với bà Hagar, Khởi-nguyên 16); sách Khởi-nguyên cho biết đó là dân „sống trong sa mạc“ (Kn 21, 9-21; 25, 12-18). Họ thỉnh thoảng cũng được gọi là dân „Ả-rập“, nghĩa là dân ở miền A-ra-bi-ya (provincia Arabia) thuộc vùng Mê-sô-pô-ta-mi hoặc vùng đất Na-ba-ter do Đế-quốc Rô-ma chiếm vào năm 106 sau công nguyên, chứ không phải là dân cư thuộc vùng Bán-đảo Ả-rập ngày nay. Tài liệu thời đó không đâu nói đến những cuộc chiến mở rộng của Islam. Người ta khen việc cai trị của lãnh tụ „ả-rập“ Mu´ awiya. Nhưng qua thời ´Abd al-Malikas nắm quyền thì tài liệu lại ta thán, coi việc cai trị của ông này là một tai ách do Chúa gởi đến, các sách Khải-huyền còn bảo đó là cao điểm của mọi sự dữ, hoạ chăng chỉ thua sự cai trị của bọn chống Ki-tô Giáo mà thôi.
Nghĩa là các nguồn tài liệu ki-tô giáo không đả động gì tới đạo mới của người ả-rập. Nếu họa hiếm có nhắc tới, thì chúng chỉ nói họ là một thứ đại biểu cho một giáo phái đặc biệt nào đó: giáo phái này tin rằng Thiên Chúa chỉ có một mà thôi, và Giê-su không phải là Chúa, Người không phải là Con Thiên Chúa. Vì thế, giáo phụ  Gio-an ở Damaskus (mất khoảng 750) đã xuống lệnh coi đạo của những người ismael là một bè rối (của Ki-tô giáo); giáo phụ Gio-an biết rất rõ người ả-rập, vì chính ông và cha ông đã từng phục vụ họ trong nhiều năm [5].

Koran mang nội dung thần học tiền công đồng Ni-xê trong vùng Si-ri


Nội dung cơ bản của Koran phản ảnh niềm tin trên. Toàn bộ Koran nhắc đến từ muhammad bốn lần – chỉ một lần duy nhất, ở một câu về sau này, cho thấy từ đó có liên hệ chắc chắn với vị tiên tri người ả-rập mà thôi; từ Giê-su được nhắc 24 lần, Ma-ri-a 34 lần, Mai-sen 136 lần, A-a-ron 20 lần. Thần học Koran chỉ quay đi quẩn lại với quan điểm đúng đắn về Thiên Chúa và với Ki-tô học. Nó nhắc đi nhắc lại, Allah là Thiên Chúa độc nhất, không có một ai sánh bằng, nghĩa là không có hai ngôi hay ba ngôi gì cả. Chẳng hạn câu 112 nhấn mạnh: „1 Nói: Người là Thiên Chúa độc nhất, 2 Thiên Chúa xuyên suốt (?), 3 Người không sinh ra mà cũng không được sinh ra, 4 Và không ai ngang bằng Người“.  Koran viết, Giê-su không phải là Con Thiên Chúa, nhưng là một Messias (thiên sai), một đầy tớ Thiên Chúa, một người được Thiên Chúa gởi tới và là tiên tri (chẳng hạn câu 4,171): „Ki-tô (văn bản dùng từ: Messias) Giê-su, con của Ma-ri-a, chỉ là người được Thiên Chúa gởi tới và do bởi lời Người, đã thông báo với Ma-ri-a, và do Thần linh của Người (…) Thiên Chúa chỉ là Thiên Chúa duy nhất (…) (Người quá cao trọng đi) để có một người con (…)“.
Nền thần học và Ki-tô học đó chẳng xa lạ gì, Ki-tô Giáo trong vùng Si-ri từ lâu đã tin như thế. Ta biết, trong vùng phía tây Si-ri, người ta dạy về một nền thần học gọi là „thuyết vương đế“ (Monarchianismus), đó là một chủ trương độc thần mang tính thực dụng và nhuốm màu quyền lực. Những câu Kinh-thánh có liên quan tới lời Chúa và thần linh Chúa được người ta hiểu đó là dấu chỉ tác động ra bên ngoài của chính một Thiên Chúa mà thôi, đó là lực – Dynameis – của Người, nghĩa là một thứ thuyết vương đế năng động. Song song với nền thần học đó, Giê-su chỉ là một con người, một con người đã vượt thắng hơn người thường về mặt đạo đức, vì nhờ có ơn Chúa giúp; vì thế, nếu ta đi theo Người, ta cũng có thể và sẽ thắng vượt được. Đó là nền „Ki-tô học thắng vượt“ ở Antiochia.
Một tài liệu gọi là giáo huấn của các tông đồ, Didache, – tài liệu này cũng cung cấp cho ta lời kinh truyền phép cổ xưa nhất -,  xuất hiện vào thế kỉ thứ 2 ở Si-ri, gọi đức Giê-su là „đầy tớ của Thiên Chúa“. Một tài liệu khác, viết về cuộc tử đạo của Polykarp, gọi Thiên Chúa là „Cha của người đầy tớ đáng yêu và đáng khen Giê-su Ki-tô“ (danh gọi này cũng xuất hiện trong thư thứ nhất gởi Klê-men-tê viết năm 97 ở Rô-ma).  Nơi truyền thống này, hình ảnh Thiên Chúa mang tính vương đế, và Giê-su chỉ là „đầy tớ Thiên Chúa[6].
Giám mục Phao-lô ở Samisata miền sông Euphrat (mất sau 272) không công nhận thiên tính nơi đức Giê-su, ngài bảo „Nếu như Con Thiên Chúa là Chúa, thì chúng ta có hai Thiên Chúa[7]. Giám mục dạy, đức Giê-su Ki-tô cũng giống như ta – nghĩa là người thường -, nhưng „trong mọi tương quan Người khá hơn“ vì nhờ „hồng ân ngụ nơi Người[8].
Nhưng nơi Giáo Hội hi-lạp, quan điểm cho rằng đức Giê-su là Con Thiên Chúa và là ngôi Lời nhập thể đã thắng thế. Và năm 325, công đồng Ni-xê đã nâng điều đó lên thành tín lí: Người Con là „Thiên Chúa từ Thiên Chúa, Ánh sáng bởi Ánh sáng, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật, được sinh ra, không phải tạo thành.“, và lại còn thêm „đồng bản tính với Chúa Cha“.
Vùng giáo hội phía đông Si-ri rộng lớn hơn, trải từ sông Euphrat (chảy xuyên từ bắc xuống nam I-rắc. Người dịch) tới Ấn-độ, thời đó thuộc đế quốc Per-sê, không tham dự vào các cuộc tranh luận diễn ra trong Đế-quốc Rô-ma. Họ vẫn đi theo nền thần học tiền công đồng Ni-xê:  Thiên Chúa là một (chỉ mình Người trị vì), Giê-su chỉ là người Thiên Chúa sai tới, là một tiên tri, đầy tớ và là Messias. Mãi tới năm 410 – sau các thời kì bị bách hại – họ mới triệu tập công đồng đế quốc tại thủ đô vương quốc Sas-sa-nid là Seleukia-Ktesiphon (có lẽ là vị trí thủ đô Bagdad hiện nay). Tại công đồng này, họ chấp nhận các quyết định của Ni-xê, dù họ vẫn tự coi mình là một giáo hội độc lập. Tuy nhiên, nhiều vùng trong miền đất bao la đó vẫn không biết đến quyết định mới; phải đợi bước vào thế kỉ thứ 6, tín lí về thiên tính của Chúa Con – giáo lí Chúa hai ngôi – mới được phổ biến rộng rãi.
Aphrahat, nhà thần học si-ri (mất sau 345) chẳng biết gì về Ni-xê, và ông giải thích í niệm Giê-su Con Thiên Chúa trong Tân-ước bằng cách dựa vào Cựu-ước, như sau: „Bởi vì tên gọi thần thánh trang trọng đó cũng được trao cho những người công chính và những ai xứng đáng mang tên đó. Những ai làm hài lòng Thiên Chúa, đều được Người gọi là „con cái“ và „bạn hữu“ Người“. Để thí dụ, ông kể ra Mai-sen, Sa-lô-môn và cả toàn dân Is-ra-en, tất cả đều được gọi là con Thiên Chúa. „Chúng ta gọi Người (Giê-su) là Thiên Chúa, cũng như Thiên Chúa đã gọi Mai-sen bằng chính tên Người[9]. Như vậy theo Aphrahat, Con Thiên Chúa Giê-su cũng không hơn không kém con Thiên Chúa Mai-sen.
Chỉ vào thế kỉ thứ 5, giáo hội phía đông Si-ri mới chấp nhận kinh Tin Kính của công đồng Ni-xê. Riêng Koran thì vẫn bám chặt vào quan điểm tiền Ni-xê về Thiên Chúa và đức Giê-su. Nó cực lực chống lại quan niệm sai trái về Thiên Chúa và Ki-tô học khác.

Vai trò các cuộc lưu đày dân của Per-sê


Tại sao nền thần học si-ri trên đây đã được duy trì, đẩy mạnh và tiếp tục trau chuốt thêm ở vùng phía đông I-ran? Đó là do chính sách lưu đày dân của các nhà cầm quyền Per-sê, từ nhà Parther tới nhà Sas-sa-nid. Họ tiếp tục thói quen bắt và đày dân đã có từ thời Mê-sô-pô-ta-mi, mà ta đã thấy dân As-si-ri và Ba-bi-lon áp dụng trong Cựu-ước. Trên nguyên tắc, sông Euphrat là ranh giới phía tây của Đế-quốc Rô-ma. Nhưng thỉnh thoảng đã có những cuộc tiến chiếm của Per-sê thọc sâu vào tận bờ biển Địa-trung và đã bắt dân thành thị mang về phần đất mình ở phía đông. Trong đám dân bị đày đó có cả Ki-tô hữu. Họ bị đưa tới định cư mãi tận phía đông, có lúc cả thành Antiochia đều là dân bị đày đó [10].
Năm 241 sau công nguyên thành phố Hatra bị quân Sas-sa-nid chiếm đóng. Hatra thời đó là thủ đô của vương quốc Arabiya, trải dài từ sông Tigris sang phía tây tới sông Euphrat. Dân thành đó và dân các vùng trong Arabiya dịp đó đã bị mang đi tới vùng thật xa về phía đông; có lẽ họ cũng đã được đưa tới Marv (hiện nay là miền nam Cộng hoà Turkmenistan). Trong số lưu dân đó có các Ki-tô hữu gốc a-ra-mê, có lẽ cả gốc ả-rập nữa; và nơi quê hương mới và trong hoàn cảnh đơn độc họ đã lưu truyền và tiếp tục phát triển niềm tin của cha ông. Họ vẫn tiếp tục giữ thứ Ki-tô giáo cổ của họ, cho dù về sau giáo hội phía đông Si-ri trong đế quốc Per-sê đã chấp nhận các quyết nghị Ni-xê và của những công đồng khác của Đế-quốc Rô-ma. Chính lưu dân kia đã để lại dấu vết ki-tô giáo si-ri trong kinh Koran.
Từ miền đông I-ran, các tài liệu – hay ít ra là một trụ chính – làm nên Koran đã được đưa sang phía tây, được dịch ra tiếng ả-rập và đã được dùng làm nền tảng í thức hệ cho việc trị nước dưới thời Abd al-Malik, người gốc Marv, và dưới thời con ông, là al-Walid. Một số lớn các câu về Allah trong Koran chống lại quan điểm hai ngôi, đó là điều dễ hiểu, vì công đồng Ni-xê chỉ bàn qua loa về Chúa Thánh Thần. Chỉ một vài câu hoạ hiếm về sau này của Koran mới chống lại quan điểm ba ngôi.
Thiên Chúa Allah trong Koran, như thế, có nguồn gốc từ Ki-tô giáo si-ri cổ. Đó là tâm điểm thần học của Koran. Với thời gian, nhiều tài liệu khác đã được thu nạp tiếp vào Koran.

Chứng liệu: các đồng tiền và bảng chữ chạm khắc


Để tái tạo lại lịch sử thời đó, ta chỉ có nguồn tài liệu duy nhất là nhiều đồng tiền đã được phát hiện và một số bảng chữ chạm khắc trên tường [11]. Dù thật ít ỏi, nhưng những nguồn này cũng giúp ta nắm được diễn tiến thời đó. Đa số các đồng tiền đều ghi địa điểm và thời gian phát hành. Về thời gian phát hành, thoạt tiên, các đồng tiền thỉnh thoảng được ghi theo lối ghi thông thường của địa phương đương thời, song không lâu sau đó, chúng được ghi „theo lối của người ả-rập“. Trên một bảng chữ có hình thập giá, mà lãnh tụ ả-rập Mu´ awiya cho chạm vào năm 42 theo lịch ả-rập (tức năm 663 sau công nguyên) trên các phòng tắm mới tân trang tại Gadara miền Ga-li-lê-a, có khắc ba niên biểu nằm cạnh nhau: Năm thu thuế của By-zan-tin, năm lịch sử của thành phố và năm „theo người ả-rập“. Qua đó, ta biết năm đầu tiên „theo người ả-rập“ là năm 622, tính theo năm mặt trời.
Tại sao năm 622 lại là một mốc lại quan trọng như thế? Thưa đó là năm biến cố Hidschra (Hidschra: „sự ra đi“. Tương truyền đây là năm Mô-ha-mét rời Mekka trở về lại Medina và đó cũng là niên đại mở đầu lịch Islam. Người dịch), biến cố này chỉ được đề cập tới nơi các tài liệu trong thế kỉ thứ 9. Lãnh tụ Sas-sa-nid là Chosrau II đã mở rộng được biên cương của đế quốc Per-sê vào những năm trước đó; ông đã chiếm được các quận miền phía đông của Đế-quốc Rô-ma: Si-ri vùng phía tây sông Euphrat, Pa-le-stin, nhiều vùng lớn thuộc Tiểu-á, Bán-đảo Ả-rập và Ai-cập. Đế quốc By-zan-tin (Đế-quốc Rô-ma Phía Đông) xem ra bị đẩy bật hẳn ra khỏi những vùng đất của nó. Nhưng một chuyện khác đã xẩy ra: Năm 622 hoàng đế Heraklius đã bất ngờ chiến thắng quân Per-sê, rồi từ đó tiếp tục tạo được những chiến thắng khác, khiến cho triều đại Sas-sa-nid phải biến mất sau đó không lâu.
Một phần chiến thắng của Heraklius là nhờ hỗ trợ của những đám dân quân ả-rập từ lâu đã định cư ở vùng phía tây Si-ri và trong vùng thuộc đế quốc Per-sê, mà ông đã kéo được về phe mình. Mặc dù thắng, ông đã không cai trị trực tiếp các vùng đất thuộc đế quốc cũ của mình vừa tái chiếm đó, mà giao quyền hành chánh lại cho các lãnh tụ ả-rập địa phương. Các lãnh tụ này coi đất mình là một Liên-minh (tiếng ả-rập: Quraisch) của Heraklius. Như vậy, năm 622 là năm khởi đầu cuộc tự trị của người ả-rập, bắt đầu từ trong các vùng đất phía đông của Đế-quốc Rô-ma, là thời điểm được chọn để mở đầu niên lịch islam.
Năm 641 là một mốc quan trọng thứ hai. Có hai biến cố đáng ghi: Đế quốc Per-sê sụp đổ, đế quốc này đã bị Heraklius làm cho suy yếu từ lâu, và giờ đây cả những bộ lạc ả-rập sống ở phía đông sông Euphrat cũng có thể đứng lên tự trị. Cùng năm đó, hoàng đế Heraklius ở By-zan-tin từ trần; vợ goá và con trai của ông bị một tân hoàng đế sai chặt hết tay và lưu đày. Các lãnh tụ ả-rập trên những miền đất thuộc By-zan-tin cũ, xưa nay vẫn trung thành với Heraklius và hoàng gia, giờ cũng lánh xa hoàng đế mới và đứng lên nắm trọn quyền độc lập.
Những đồng tiền ả-rập đầu tiên được đúc từ năm 641, chúng là dấu chỉ cho một nền độc lập mới. Các hình và chữ chạm trổ trên đó đều đượm màu ki-tô giáo: Có thập giá, hình lãnh tụ cầm thập giá cao hoặc các biểu tượng ki-tô giáo khác. Rõ ràng, chẳng có lí do gì để người ta phải khắc các biểu tượng khác [12]. Lãnh tụ ả-rập, khởi đầu cai trị ở phía tây, sau cả trên phần đất của Per-sê cũ, là Mu´ awiya, một ông hoàng ki-tô giáo. Không rõ ông theo phái ki-tô giáo nào. Nhưng hẳn là ông khá bao dung, vì cả tín hữu Ki-tô người si-ri cũng khen ông. Thượng phụ miền đông Si-ri là ´Iso´yaw III (mất 659) viết trong một bức thư: „Đức tin được hưởng thanh bình và nở rộ[13].
Cho tới nay, đồng tiền phát hiện đầu tiên mang chữ MHMT được đúc năm 38 „theo lịch islam“ (659 sau công nguyên) ở đông I-ran, mãi xa về phía đông Mê-sô-pô-ta-mi. Sau đó, người ta tìm thấy nhiều đồng khác cũng với mô-típ tương tự. Căn cứ vào địa lí và thời gian đúc, ta biết chúng trải qua trình tự từ phía đông  đi dần về phía tây. Rõ ràng, chúng được đúc theo chân vị lãnh tụ ả-rập sau này là ´Abd al-Malik, khi ông này di chuyển từ phía đông băng qua Mê-sô-pô-ta-mi về Pa-le-stin và Giê-ru-sa-lem. Sau khi tới được phía tây, trên rìa các đồng tiền mang chữ MHMT được khắc thêm một chữ ả-rập để giải thích, đó là chữ muhammad. Chẳng bao lâu sau, chữ muhammad được khắc thay thế luôn chữ MHMT.
Muhammad là ai? [14]. Từ Ả-rập muhammad có nghĩa là  “kẻ được ngợi khen/ca ngợi” (benedictus) hoặc “kẻ đáng được ca ngợi/ ngợi khen”. Theo khoa vẽ tượng ki-tô giáo trên các đồng tiền thì đấy là một đặc tính của đức Giê-su. Điểm này được căn cứ trên bảng chữ do ´Abd al-Malik cho chạm bên trong thánh đường đá được ông xây năm 691. Bảng chữ bắt đầu với khẳng định Thiên Chúa là độc nhất, sau đó là hàng chữ nói về đức Ki-tô: “Thật đáng ca ngợi (muhammad[un]) vị đầy tớ của Thiên Chúa (´abd-allah) và là kẻ do Người sai tới (…). Bởi vì đức Messias Giê-su, con của Maria, là kẻ được Thiên Chúa sai tới và là Lời của Người.” Phủ nhận thiên tính Chúa Con nơi đức Giê-su[15]. Các lời trong Koran cũng mang nội dung tương tự.
Bên trong nhà thờ đá không bằng phẳng trơn tru; nó được xây chụp lên đỉnh đá trên núi Sion. Theo thần học si-ri, chẳng hạn nơi Aphrahat (mất sau 345), ngọn núi đó là biểu tượng của đức Ki-tô. Aphrahat viết: “Giờ hãy nghe về niềm tin nằm trên tảng đá, và về công trình xây dựng vươn lên từ tảng đá (…) Đức Ki-tô (được) các tiên tri gọi là tảng đá (…)[16]. Từ đó, trên các đồng tiền của ´Abd al-Malik, biểu tượng thập giá được thay thế bằng tảng đá thiêng, biểu tượng cho đức Ki-tô. Biểu tượng mới này là dấu chỉ các thánh đường đế quốc của người ả-rập, khác hẳn biểu tượng nơi tín hữu by-zan-tin và si-ri là thánh giá.
Như vậy, từ nguồn gốc, muhammad là danh hiệu của đức Ki-tô, cũng như danh hiệu đầy tớ Thiên Chúa (´abdallah), tiên tri, thiên sai, Messias. Danh hiệu này về sau đã bị tách ra khỏi nhân vật mà nó muốn ám chỉ, là đức Ki-tô. Hai diễn tiến sau đây nói lên điểm đó: Bảng chữ chạm trong nguyện đường hồi giáo O-ma-yad ở Damascus, xây năm 707/708, và bảng trong đền thánh ở Medina, xây năm 756, đều giống bảng chữ khắc nơi thánh đường đá về hình thức: Sau câu ca ngợi Thiên Chúa độc nhất, tới câu tuyên xưng về muhammad, người đầy tớ và thiên sai. Nhưng khác với câu trong nhà thờ đá chính toà ở Giê-ru-sa-lem, câu trong hai nguyện đường mới này không nhắc tới Giê-su, con của Maria gì nữa. Dù vẫn là một thần học như ở Giê-ru-sa-lem, các câu nơi đây chẳng còn trực tiếp cho thấy đó là đức Ki-tô nữa. Điều tương tự cũng xẩy ra nơi việc đúc tiền, trong đó biểu tượng tảng đá thay thế thập giá, và tảng đá tự nó giờ đây không còn hoàn toàn mang tính chất ki-tô giáo nữa. Muhammad chẳng còn biểu kiến cho ai nữa. Như vậy, phải tìm cho nó một nhân vật mới điền khuyết.
Vì thế, ngay trong nửa đầu của thế kỉ thứ 8, hình tượng về một tiên tri người ả-rập đã được lịch sử hoá. Giáo phụ Gio-an Damascenus là người cung cấp cho ta tài liệu cổ nhất nói về một tiên tri giả mang tên Ma(ch)med. Sau đó, trong thế kỉ thứ 9, danh hiệu ´abdallah (đầy tớ Thiên Chúa) của đức Ki-tô cũng đã được lịch sử hoá thành bố của Mô-ha-mét: Môha-mét, con trai của Abdallah. Trong thời gian này, những câu chuyện và diễn tiến khởi đầu kia được dần chuyển tới vùng đất quê hương của giống dân ả-rập, là Bán-đảo Ả-rập ngày nay [17]. Về điểm này, cần nên biết sự liên hệ giữa các tài liệu Koran với vương quốc Arabica hay là vùng provincia Arabia của Đế-quốc Rô-ma, mà vào thời điểm đó, hai vùng tên gọi này đã biến mất từ lâu rồi.
Lịch sử muhammad Ki-tô và thời kì mở đầu của phong trào islam, qua chứng liệu tiền đúc, đã bắt đầu từ mãi bên kia phía đông miền Mê-sô-pô-ta-mi. Điểm này cũng được chứng thực qua dấu vết ngôn ngữ a-ra-mê và si-ri trong các câu kinh của bản gốc Koran.
Nửa sau của thế kỉ thứ 8 cho tới đầu thế kỉ thứ 9. Cả giai đoạn này cũng chỉ có ít ỏi vài nguồn tài liệu. Cuộc cai trị của người ả-rập đã vững, tuy vẫn có nhiều vùng đôi khi vẫn giữ thế độc lập hoặc giữ liên hệ với „trung ương” một cách lỏng lẻo. Tiêu biểu nơi tiền đúc và bảng chữ chạm trổ của thời kì này là dùng những hình ảnh biểu tượng xem ra nhuốm màu khải-huyền. Song song thời này cũng hình thành các quan niệm có nguồn gốc ki-tô giáo về một vị cứu thế (Giê-su?) sẽ trở lại vào ngày sau hết (mahdi). Trong các bản văn thế kỉ thứ 9, người ta kể ra các danh hiệu mang tính thiên sai và cho đó là tên của các đạo chủ (Kalif) lãnh đạo; không phải tất cả các danh hiệu này đều đã được minh chứng qua tiền đúc. Phải chăng các í niệm tượng trưng này đã được diễn dịch ra thành tên người, hay là có những lãnh tụ vô danh đàng sau các biểu tượng đó? Khoảng cuối thế kỉ thứ 8, xem ra Mekka cũng được chú í; người ta tìm ra một đồng tiền đúc ở Mekka vào năm Hidschra 203, các đồng tiền kế tiếp được đúc tại đó năm Hidschra 249 và 253. Chung quanh khoảng thời gian đó, có lẽ Islam đã trở thành một tôn giáo độc lập rồi, song nó tự phóng chiếu cho mình một quá khứ vào xa trước, như điều mà các thư kí của Pentateuch cũng đã làm, và họ đã dùng sử kí của I-ran để trình bày đạo đó một cách chi tiết. [18] Cả những trường giáo luật hình thành trong giai đoạn này xem ra cũng dựa theo truyền thống người Per-sê (I-ran).[19]

Vài ghi nhận về Koran


Bản Koran đầy đủ xưa nhất được xác định niên hiệu vào năm 870. Nhưng người ta cũng tìm thấy nhiều mảng viết tay dài ngắn, đa phần xuất hiện trong nửa sau thế kỉ thứ 8. Một số mảng này có thứ tự các câu khác nhau và mang nhiều nét cá biệt khác, cho thấy là cho tới lúc đó Koran vẫn chưa được soạn xong. Nhưng đặc biệt là nó được viết theo lối “khuyết” (defektiv): Như mọi bản văn tiếng do-thái cổ, các bản chép tay Koran không biết tới những nguyên âm, và hơn nữa, ngay các phụ âm cũng không rõ ràng. Tiếng ả-rập có 28 phụ âm, nhưng trong số đó chỉ có 7 âm là có thể viết ra thành mẫu tự rõ ràng mà thôi. Còn các phụ âm khác mang đa nghĩa, chúng chỉ được xác định nghĩa qua các dấu chấm thêm vào để phân biệt âm. Trong các bản chép tay cổ nhất không có nguyên âm và cũng gần như hoàn toàn không có các dấu chấm phân âm; vì thế có những kí hiệu có thể đọc ra từ hai tới năm phụ âm khác nhau, chẳng hạn f ra g, r ra z, b ra t v.v. Lối đọc và nội dung bản văn, vì thế, nhiều chỗ không rõ; chỉ trong thế kỉ thứ 9 người ta mới bắt đầu thêm chấm âm và nguyên âm vào bản văn Koran [20].
Đặc biệt, một cuộc khảo cứu ngôn ngữ đến nơi đến chốn của Christoph Luxemberg cho thấy, bản văn Koran ta có ngày nay đã được viết trong một khung cảnh ngôn ngữ quen thuộc như nhau cho cả tiếng ả-rập và tiếng a-ra-mê – si-ri.[21]  Nhiều câu tối nghĩa trong Koran sẽ trở nên sáng nghĩa, nếu ta đọc chúng dưới dạng một bản văn si-ri được viết với chữ ả-rập. Qua đó, thường thì ta sẽ có được những câu Koran mang nghĩa hoàn toàn mới, đa phần nhuốm màu ki-tô giáo.
Trong một nghiên cứu mới nhất của ông, Luxemberg đã minh chứng – hầu như bằng thực nghiệm – rằng, bản văn tiếng ả-rập của Koran đã được hình thành ngay cả trên nền tiếng si-ri.[22] Dựa theo các phụ âm giống nhau trong tiếng ả-rập và si-ri và nhất là vì chúng có thể viết lẫn lộn nhau trong các bản chép tay, nhưng mỗi thứ tiếng được viết với những phụ âm khác nhau, ông minh chứng là đã có những lầm lỗi trong khi sao chép, và chỉ sau khi sửa lại những chỗ lầm đó thì các từ đó mới có thể mang nghĩa hợp lí.
Nối các kiến thức đó lại với các kết quả nghiên cứu thần học và tiền tệ, thì rõ ràng các cộng đoàn si-ri – a-ra-mê ở đông I-ran hẳn là những người đã gom góp những câu đoạn đầu tiên của bản kinh Koran sau này; mức độ đóng góp của họ cụ thể tới mức nào thì ta chưa thể kiểm chứng. Mục đích của những câu đoạn đó là để diễn nghĩa Thora và Kinh-thánh và để tìm ra những chỗ giống nhau (islam) giữa chúng. Theo Jan M. F. Van Reet, đã có cả những giáo sư chuyên về công tác này trong các trường thần học ở đông Si-ri. [23]
Các bản văn đó đã được cả những ki-tô hữu nói tiếng ả-rập mang theo khi di cư từ đông sang tây, và đã được chép ra hợp ngữ a-ra-mê – si-ri bằng mẫu tự ả-rập dưới thời `Abd al-Malik và người kế vị là al-Walid. Và cuối cùng – trong giai đoạn cuối – văn bản Koran viết dưới dạng “khuyết” trên có lẽ đã được thêm vào một số câu đoạn khác và, cho tới cuối thế kỉ thứ 9, đã được viết lại với nguyên âm và những dấu chấm phân âm (viết theo dạng “đầy” [Plene-Schreibung]) với việc diễn nghĩa như ta có ngày nay. Trong giai đoạn hình thành cuối cùng, Koran như thế đã trở thành một cuốn kinh của Islam, ngoại trừ „môn khảo cổ” và các câu đoạn tối nghĩa của nó.
Tóm lại, những nhận thức mới về lịch sử tôn giáo và lịch sử Koran, đạt được qua việc nghiên cứu các nguồn sử liệu đương thời, bắt ta phải sửa lại nhiều định kiến truyền thống đang được bàn cãi trong khoa học islam. Việc nhìn ra những hạn chế lịch sử trong những diễn tiến ban đầu của tôn giáo này có thể là cơ hội để bớt đi chủ nghĩa giáo điều hầu mở đường cho tân tiến, cũng giống như hệ quả của Khai sáng trước đây đối với Ki-tô Giáo.
(Karl Heinz Ohlig, Zur Entstehung und Frühgeschichte des Islam, trong: Aus Politik und Zeitgeschichte, 26-27/2007)

[1] Hans Zirker, Christentum und Islam. Theologische Verwandschaft und Konkurrenz, Düsseldorf 1989, tr. 79.
[2] Rudi Paret, Phần dẫn nhập, trong: Der Koran. Dịch và hợp soạn do Von Rudi Paret, Stuttgart- Berlin – Köln-Mainz (1979) 2004[9], Tr. 5.
[3] Carl Heinrich Becker, Grundsätzliches zur Leben-Mohammed- Forschung, trong: Islamstudien. Vom Werden und Wesen der islamischen Welt, Cùng tác giả, Tập 1, Leipzig 1924, Tr. 520t.
[4] Josef van Ess, Theologie und Gesellschaft im 2. und 3. Jahrhundert Hidschra. Eine Geschichte des religiösen Denkens im frühen Islam, Berlin, Tập 1: Neu York 1991, Lời mở đầu VIII.
[5] Xem Karl Heinz Ohlig, Hinweise auf eine neue Religion in der christlichen Literatur „unter islamischer Herrschaft“, trong: Cùng tác giả [hợp soạn], Der frühe Islam. Ein historische kritische Rekonstruktion anhand zeitgenössischer Quellen, Berlin 2007, Tr. 223-325.
[6] Xem cùng tác giả, Ein Gott in drei Personen? Vom Vater Jesu zum  ‚Mysterium’ der Trinität, Mainz-Luzern 2000[2], tr. 40t.
[7] Paul von Samosata, Aus dem Hymenäusbrief, trong: Friedrich Loofs, Paulus von Samosata. Eine Untersuchung zue altkirchlichen Literatur- und Dogmengeschichte, Leipzig 1924, tr. 324.
[8] Như trên, Fragmente aus dem Synodalbrief, 5, trong: F. Loofs, sđd, tr. 331.
[9] Aphrahatis Sapientis Persae Demonstrationes 17, 3.4. bản dịch tiếng Đức, trong : Aphrahat, Unterweisungen, aus dem Syrischen übersetzt und eingeleitet von Peter Bruns (Fontes Christiani, Tập 5.1), Freiburg-Basel –Wien u.a. 1991, tr. 419t.
[10] Xem Erich kettenhofen, Deportations II. in the Parthian and Sasanian Periods, trong: Eshan Yarstater (Ed.), Encylopaedia Iranica, Vol. VII, Fascicle 3, Costa Mesa, Cal. 1994, tr. 298-308.
[11] Đặc biệt xem: Volker Popp, Die frühe Islamgeschichte nach inschriftlichen und mumismatischen Zeugnissen, trong: Karl Heinz Ohlig/Gerd R. Puin [hợp soạn], Die dunkle Anfänge. Neue Forschungen zur Entstehung und frühen Geschichte des Islam, Berlin 2007 [3], tr. 16-123; Christoph Luxemberg, Neudeutung der arabischen Inschrift im Felsendom zu Jerusalem, trong: sđd, tr. 124-147; Volker Popp, Von Ugarit nach Sâmarrâ. Eine archäologische Reise auf den Spuren Ernst Herzfelds, trong: K.H. Ohlig (ghi chú 5), tr. 13-222.
[12] Nếu như đã có một chia tay í thức hệ – Ki-tô giáo chuyển sang Islam – do bởi những cuộc chiến thắng của Islam, thì hẳn đồng tiền đã phải mang các biểu tượng của tôn giáo mới.
[13] ´Iso´yaw patriarachae III. Liber epistularum (CSCO, Vol. 12, Scriptores Syri II, tomus 12), tr. 172
[14] Xem K.H. Ohlig, Vom muhammad Jesu zum Propheten der Araber. Die historisierung eines christologischen Prädikats, trong: Cùng tác giả (ghi chú 5), tr. 327-376.
[15] Tôi ghi theo bản dịch của Christoph Luxemberg, Neudeutung der arabischen Inschrift im Felsendom zu Jerusalem, trong: K.H. Ohlig/G.-R. Puin (ghi chú 11), tr. 124-147.
[16] Aphrahat (ghi chú 9). Ông còn nêu lên nhiều câu Cựu-ước nói về đá/tảng đá; tất cả những chỗ đó ông đều ám chỉ đức Ki-tô.
[17] Patricia Crone, What do we actually know about Mohammad?, www.openDemocracy.net (31.08.2006). P. Crone cũng có quan điểm như trên, song bà đã hiểu sai về nơi hình thành của Islam, bà bảo Islam xuất phát từ vùng Biển Chết.
[18] Xem Ignaz Goldziher, Islam und Parsismus (Islamisme et Parcisme), tiếng Đức trong: K.H. Ohlig (ghi chú 5), tr. 418.9
[19] Xem I. Goldziher, sđd, tr. 419t.
[20] Xem K.H. Ohlig, Weltregion Islam. Eine Einführung, Mainz – Luzern 2000, tr. 60-67.
[21] Xem Christoph Luxemberg, Die syro-aramäische Leseart des Koran. Ein Beitrag zur Entschlüsselung der Koransprache, Berlin 2007 [3]
[22] Xem cùng tác giả, Relikte syro-aramäischer Buchstaben in frühen Korankodizes im higasi- und kufi-Duktus, trong: K.H. Ohlig (ghi chú 5), tr. 377-414.
[23] Xem Jan M. F. Van Reet, Le coran et ses scribes, trong : Acta Orientalia Belgica (hợp soạn bởi C. Cannuyer), XIX: Les scribes et la transmission du savoir (vol. édité par C. Cannuyer), Brüssel 2006, tr. 67-81.