Do đâu hai hệ phái hồi giáo (Shia và Sunna) đánh nhau dai dẳng?

Abdel-Hakim Ourghi.

Chuyển ngữ: Phạm Hồng Lam

Vì Mô-ha-mét không chỉ định người thừa kế, nên hai phái islam đánh nhau từ bao nhiêu thế kỉ nay.
Thù hận giữa hai phái Sunna và Shia cũng lâu gần như chính lịch sử đạo Islam. Nó nổ ra sau cái chết của nhà Tiên Tri, bắt nguồn từ vấn đề thừa kế. Nhưng đây cũng chỉ là một điển hình trong cuộc tranh chấp dai dẳng trong nội bộ tôn giáo này, cuộc tranh chấp đã được chính Mô-ha-mét tiên đoán: „Con cái Is-ra-en phân ra làm 71 nhóm và cộng đoàn của Giê-su thành 72. Cộng đoàn của tôi sẽ phân thành 73 nhóm, trong số đó tất cả sẽ phải xuống hoả ngục, chỉ trừ một nhóm.“

Quả thật cộng đoàn hồi giáo trong suốt quá trình lịch sử của nó đã phân thành nhiều phái lớn nhỏ. Một số chỉ tồn tại ngắn ngủi, một số còn hiện diện tới nay – hiện diện song hành cùng với cuộc tranh cãi không dứt về câu hỏi, đâu (hệ phái nào) mới là con đường giải thoát đích thực. Mọi tín đồ hồi giáo đều coi kinh Koran là nguồn đức tin quan trọng nhất, thứ đến là những việc làm và lời nói của Tiên Tri được ghi lại trong sách Sunna, nhưng nguồn sau này không được mọi phái coi trọng như nhau. Nhiều nhà cải cách trong thế giới islam coi Suna là một sản phẩm í thức hệ, nó được thu thập sau khi Tiên Tri mất mãi hai trăm năm sau. Dù vậy, các phe phái islam vẫn tiếp tục cắn xé nhau về các câu hỏi cổ xưa: Có thật đấy là những câu nói của Tiên Tri hay không? Phái nào mới thật là cộng đoàn của Mọ-ha-mét?
Ta hãy trở về lại thời thành lập Islam trong thế kỉ thứ 7. Mô-ha-mét mất ngày 8 tháng 6 năm 632 sau một thời gian ngắn bị bệnh. Ông không những là một tiên tri ở thành Mékka, mà vừa là tiên tri vừa là nhà lãnh đạo chính trị ở Medina. Vấn đề là: Ông không có con trai nối dõi, để tiếp tục lãnh đạo gia sản chính trị và tôn giáo của mình. Sử sách của phái Sunna thì bảo rằng, Mô-ha-mét đã chẳng chỉ định ai làm người thừa kế và cũng không để lại thủ tục chọn người thừa kế! Điều này đã sớm dẫn tới sự phân rẽ và nội chiến (fitna) thật sự trong cộng đoàn đầu tiên. Ngay thời của bốn „đạo chủ (Kalif) chính danh“ đầu tiên, những người thừa kế trực tiếp của Tiên Tri, cũng chẳng tốt đẹp gì, cho dù tín hữu phái Sunna vẫn coi đó là thời vàng son.
Koran nói gì về người thừa kế „đích thực“? Trước hết, mọi tín hữu islam phải vâng lời Mô-ha-mét và các nhà lãnh đạo Islam (Koran 4:59) Nó cũng kêu gọi tất cả các tín hữu phải bàn hỏi nhau trước những vấn nạn liên quan tới đời sống thực thế (Koran 3:159 và 42:38). Lúc ban đầu, xem ra những lời dạy này có hiệu lực: Các đồ đệ kình chống nhau của Mô-ha-mét đã họp lại với nhau trong một hội đồng trưởng lão và chỉ định Abu Bakr al-Sidiq làm đạo chủ thừa kế thứ nhất; ông này là một tín đồ trung thành và là bố vợ của Ma-hô-mét (cha của Aischa, người vợ sủng ái nhất của Tiên Tri). Nhưng hai năm trị vì của Abu Bakr (632-634) đi vào lịch sử với những cuộc tiêu diệt đẫm máu các bộ tộc ả-rập chống đối ông.
Theo sử sách phái Sunna, Abu Bakr trước khi chết có chỉ định Umar Ibn al-Khattab làm thừa kế; nhưng ông này suốt mười năm cai trị (634-644) cũng dùng bàn tay sắt để quy tụ các thủ lãnh islam chống đối về một mối. Umar là bố của cô Hafsa, cũng là một bà vợ của Mô-ha-mét. Umar rốt cuộc bị một người nô lệ bực mình giết chết. Trên giường chết, ông triệu tập nhóm sáu người đồng hành ban đầu, trong đó có Ali và Uthman Ibn Affan – Uthman được nhóm chọn làm đạo chủ thừa kế. Trong thời Uthman (644-656) cũng đầy bạo động chính trị; người ta ta tố ông chủ trương gia đình trị: đưa bà con dòng tộc vào nắm những vị trí then chốt. Cuối cùng Uthman bị các tín đồ bất bình vây hãm trong nhà và giết chết.
Rồi sao? Ali Ibn Abi Taib (600-661), người anh em họ và là con rể của Mô-ha-mét, được chọn làm đạo chủ kế tiếp. Ông này không phải là một nhà chính trị lớn, nhưng rất uy quyền về mặt tôn giáo. Ông có thể dàn xếp được những mối tranh chấp ngày càng tăng giữa các bộ lạc và dòng tộc không? Ông đã ngăn chặn được yêu sách đòi trả nợ máu cho cái chết của Uthman, nhưng thời cai trị của ông (656-661) là một thảm hoạ với ba cuộc chiến đẫm máu. Cả Ali cũng bị giết chết.
Từ đây hai phái Sunna và Shia phân rã. Theo quan điểm của Shia (phe theo Ali) thì ba tháng trước khi chết Mô-ha-mét đã chọn Ali làm người thừa kế. Hai câu trong Koran (33:33 và 42:24) cho thấy, Mô-ha-mét muốn chọn những người máu mủ trong gia đình mình nối nghiệp, đó là theo giải thích của những nhà diễn giải Koran của phái Shia sau này. Nhưng sở dĩ Ali không được nối ngôi ngay là vì phái Sunna tổ trác. Sau khi Ali chết, người ta hi vọng vào hai con trai của ông là Hassan và Hussein. Nhưng hai người này cũng không được chọn kế nghiệp, và năm 680 Hussein, người em, bị những nhà lãnh đạo sunna giết dã man cùng với toàn bộ đoàn tuỳ tùng của ông. Cái chết này đặt nền cho tục thờ kính các vị tử đạo của phái Shia.
Từ đó Shia tự coi mình là thiểu số bị đàn áp. Quả thật ngày nay có khoảng 15% tín hữu hồi thuộc phái Shia. Nhóm quan trọng và đông nhất của Shia là nhóm „Mười Hai Shia“. Danh gọi này dựa theo một chuỗi 12 đạo chủ liên hệ máu mủ với gia đình Mô-ha-mét, khởi đầu từ Ali. Phái này tin rằng, đạo chủ thứ mười hai của họ, Muhammad al-Mahdi, không chết, nhưng Allah cho ông ta sống ẩn dấu từ lúc còn bé. Ngày nào ông xuất hiện, theo niềm tin của Shia, ngày đó họ mới có được sự cai trị chính đáng. Trong lúc chờ đợi, mồ mả của mười một đạo chủ kia là những điểm hành hương quan trọng của Shia, và ngày Ali bị giết được mừng trọng thể với những hoạt cảnh khổ nạn.
Chuyện các nhà lãnh đạo Sunna hiện nay kình địch với các triều đại Shia như vậy là chuyện rất bình thường, chẳng có gì mới đối với thế giới hồi giáo. Từ năm 909 tới 1171 ở Ai-cập có một vương triều theo phái Shia được thiết lập, với tên gọi là vương triều Fatima, gọi theo tên con gái của Mô-ha-mét và là vợ của Ali. Vương Triều này dựng lên một Đạo Vương (Kalifat -Vương quốc được lãnh đạo bởi một đạo chủ) đối nghịch với các đạo chủ sunna ở Bagdad (I-rắc). Nhưng uy quyền chính trị của Shia chỉ vững bền sau khi triều đại safawid được thiết lập ở I-ran từ 1501-1722. Nhờ vương triều này đã cải hoán được đa số dân ba-tư theo đạo „Mười Hai Shia“, nên đa số tín hữu nước I-ran ngày nay theo phái Shia, và sau cuộc „Cách mạng hồi giáo“ năm 1979 I-ran tự coi mình là quyền lực đứng ra bảo vệ cho mọi tín hữu shia trên khắp thế giới.
Ngoài I-ran còn có những cộng đoàn shia quan trọng ở I-rắc, Libanon, Bahrain và trong vài miền trên bán đảo ấn-độ, và cả ở phía động Ả-rập Sê-út cũng có khoảng độ 12% tới 15% tín đồ shia định cư. Nhưng quốc giáo của Vương Quốc Ả-rập là Hồi Giáo Sunna với lối diễn giải cực kì bảo thủ của chi phái wahhabit. Vì thế, thiểu số shia ở đây bị kì thị và bị nghi ngờ là có cảm tình với kẻ thù không đội trời chung I-ran.
Xưa cũng như nay, tham vọng nắm quyền lãnh đạo là nguyên nhân tạo mâu thuẫn giữa Sunna và Shia. Trước kia, họ giành nhau việc lãnh đạo cộng đoàn hồi giáo nguyên thuỷ, nay tranh chấp vai trò thống trị trong vùng trung đông. Từ tháng ba 2015 Ả-rập Sê-út dẫn đầu một liên minh hồi giáo khó hiểu mở trận chiến đẫm máu ở Jemen để chống lại bộ lạc huthi theo Hồi Giáo sunna. Bộ lạc này lại được sự yểm trợ súng đạn từ I-ran; I-ran cũng yểm trợ lực lượng hisbollah (Sunna!) ở Libanon, hỗ trợ chính quyền schia ở I-răc và chính quyền độc tài Baschar al-Assad (theo chi phái alalwit) ở Siri. Nạn nhân của tất cả những cuộc chiến này trước sau vẫn là người dân của cả hai phái hồi giáo.
Và giờ đây? Có thể tình trạng sẽ càng ngày càng xấu hơn. Ngày 2.1.2016 Ả-rập Sê-út ra lệnh tử hình 47 người, trong đó có giáo sĩ shia Mimr Baqir al-Nimr; giáo sĩ này chủ trương đấu tranh bất bạo động và phản đối chính sách kì thị thiểu số shia của quốc vương ả-rập sê-út. Việc giết giáo sĩ này làm cho tình trạng xung khắc xưa nay giữa hai phái càng thêm trầm trọng. Tình hình xem ra khó giải quyết.
Những người ki-tô giáo thường nói, chiến tranh đẫm máu cũng xẩy ra giữa Công Giáo và Tin Lành. Nhưng so sánh như vậy là lầm: Bởi vì việc hình thành các phái islam có một diễn tiến hoàn toàn khác. Vấn đề ngay từ đầu là việc tranh giành nhau quyền giải thích về lịch sử cứu rỗi trong thế kỉ thứ 7 – và bao lâu hai phía vẫn khăng khăng bám vào những luận chứng của mình, thì mâu thuẫn sẽ chẳng bao giờ giải quyết được.
Trớ trêu của cuộc tranh chấp: Những dị biệt thần học giữa Sunna và Shia, về mặt thực tế đức tin, hầu như chẳng quan trọng gì cả. Vì thế, tín hữu sunna và shia ở Đức cho tới nay vẫn vui vẻ sống bên nhau. Những người hồi giáo sinh ra và và được xã hội hoá tại Đức hầu như chỉ biết mình là người hồi giáo, chẳng phân biệt mình thuộc Sunna hay Shia gì cả. Cuộc sống của họ có thể cho thấy, chẳng tín hữu islam nào chịu nô lệ vào các luật lệ – do đó họ mở ra con đường sống hoà bình. Điểm này có lẽ cũng cần thiết cho lối hành xử của họ đối với các tôn giáo khác. Chỉ khi nào tín hữu sunna và shia coi trọng nhau, lúc đó họ mới có khả năng kính trọng tín hữu khác tôn giáo với họ.
Muốn thế, phải làm sao? Về mặt thần học, Islam phải tương đối hóa các yêu sách về chân lí của họ, trước hết là yêu sách coi đạo mình là kẻ duy nhất nắm chân lí. Nếu không, thì chẳng có đối thoại trong Hồi Giáo và đối thoại liên tôn. Và cũng chẳng có được hoà bình với những người không tôn giáo.

Abdel-Hakim Ourghi,
trưởng ban Thần Học Islam và Sư Phạm Tôn Giáo
tại Đại Học Sư Phạm Freiburg, Đức
(Dịch: Phạm Hồng-Lam)