Thiền Tông Qua Bờ Kia



 Thiền Tông Qua Bờ Kia & Thiền Tông Nơi Bờ Đây

Nguyễn Quang 

Năm 2017 khép lại và mở ra với tác phẩm Thiền Tông Qua Bờ Kia, dấu ấn của một thời tư tưởng Phật hành giả trong lòng dân tộc Việt Nam qua bước chân của Thiền giả Nguyên Giác.

Từ Tánh Không, theo chân Thiền giả, chúng ta sẽ được no đầy.

Nghe đến Thiền là thích vì ai cũng muốn Ngộ và dù không muốn cũng đến lúc sẽ qua bờ kia. Càng thích hơn khi xuất hiện một ông Chủ bút, mỗi ngày phải duyệt cả trăm bài viết trần ai mà có được những giây phút để hành Thiền.

Tôi xem hết video buổi lễ ra mắt sách Thiền Tông Qua Bờ Kia của tác giả Nguyên Giác. Dáng đi, cách nói năng của ông thật khiêm tốn, trong bộ đồ Âu phục với chiếc cà vạt thả lỏng, thoải mái, không chặt như có Pháp mà không Pháp thể nghiệm trên người ông. Điểm nổi bật toát hẳn trên khuôn mặt của tác giả và cũng là điểm tôi thích nhất, đó là trái tai ông giống tai con cái Phật quá chừng.

Tôi nhìn Ông như một đóa sen giữ một bàu sen gồm các vị uyên thâm nam nữ Viện trưởng các tu viện, các học giả về Phật giáo đang có mặt trong duyên hội tụ này. Tôi tìm xem Nhà văn Nhã Ca mà dấu vết của máu me loang lổ, chết chóc còn ghi trong tâm trí nhiều người Việt Nam qua cây bút của nữ sĩ, một cõi bờ kia hãy còn ghi đậm bước chân Bà nơi hố thẳm của bờ đây với các mồ chôn tập thể Mậu Thân tại Huế. Một thời kinh hoàng người Việt giết người Việt. “Linh ư vạn vật” đã khiến Bà hãy còn nổi bật hẳn lên giữa hội trường.

Thầy Nguyên Siêu, trong Phật giáo Việt Nam có nhiều Vị Siêu quá, nhưng có lẽ Thầy là người ‘phúc hậu nhất’, vì là Nguyên, giọng nói dõng dạc, nhất là thời gian như dừng lại khi Thầy thuyết pháp. Thời gian sẽ không Thời.

Tôi cũng gặp Ông Đào Văn Bình, một người của công chúng, lúc nào cũng lo đến tương lai của Cộng đồng cả trong và ngoài nước. Ông đúng là mẫu người Đạo Phật nhập thế, một Phật tử luôn mang hoài bão ‘làm thế nào Hiền có thể thắng Ác’. Tiên sinh cũng đồng thời ra mắt sách của mình trong tính chất nhập thế "Đạo Phật, Đất Nước, Cuộc Sống và Tâm Linh".

Trở lại với hình nhi thượng. Tư tưởng Thiền Tông.

Cửa vào Thiền Tông cũng như cửa vào nhà của Dân tộc Việt Nam, vào nhà Việt Nam là cửa Không. Không có cửa vào, không có cửa ra, do đó bao đế quốc đều phải chui ống đồng mà tháo chạy vì mải tìm lối vào, lối ra.

Thiền Tông không có cửa vào, vì là cửa Không. Không có cửa vào nên mỗi khi khởi niệm muốn vào, hay nghĩ đến vào chỗ nào đó thì đều sai, đều đi xa ngàn dặm.

Chúng ta xây dựng câu chuyện huyền thoại để giải thích cội nguồn dân tộc, để lấp đầy một khoảng không, nhưng chính nó tự là  Không thật sự ‘chúng ta từ xa mà đến và mãi mãi đi xa”.

“Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm,” [không trụ tâm vào đâu hết] như Đức Phật dạy trong Kinh Kim Cang.

Cũng chính vì thế Lục Tổ dạy pháp “vô niệm,” và Sơ Tổ Trúc Lâm Trần Nhân Tông dạy pháp “đối cảnh vô tâm.”. Đó chính là vô niệm hay vô tâm không phải là diệt sạch ý niệm, trấn áp vọng tâm mà là để tâm rỗng rang tịch lặng như chính nó. Một sự thanh sạch bên trong của tâm hồn. Đó chính là yếu tính của sự tồn tại mà lòng tham vô đáy của kẻ xâm lược từ bản chất đến đây không thể có.

Thiền là thực dụng, phương pháp của Thiền đã cứu tôi sống sót sau gần hai mươi năm trong nhà giam cộng sản. Mỗi sáng tỉnh dậy, việc đầu tiên tôi ngồi Thiền, để trực diện chính mình ‘Trực kiến chân tâm’, tôi hít thở, làm chủ thân xác và tôi bắt đầu cho cơ thể lên xuống 38 độ, rồi cầm sổ khoan thai đến bệnh xá để xác nhận bị nhiệt độ cao và nghỉ lao động trong ngày hôm ấy. Thiền thực dụng như vậy. Suốt gần 20 năm tù, ngoài những thời gian kiên giam bị cô lập, nếu ra ngoài tôi chống lao động bằng hình thức bất bạo động như vậy. Thiền, hít thở và hiện hữu.

Thiền là cầu nguyện, tôi được các Linh mục Dòng Tên đào tạo, nhiều khi trong Thánh Lễ, sau khi nghe Phúc Âm, các Cha không giảng gì cả mà mời mọi người cùng ngồi xuống trong im lặng, chiêm niệm lời Chúa và mỗi người trở về với chính mình. Thường chúng ta hay đi xa và thích đến nhà người khác: “Sao anh thấy cái rác trong mắt của người anh em mà cái xà trong mắt của chính mình thì không để ý tới?” (Lc 6,41). Hãy trở về và trở về với chính mình đó là con đường ngắn nhất và cũng xa xôi vô ngần. Đó là Ngộ.

Thiền là bao dung, tù tội là nơi chồng chất những hận thù cao chất ngất và hận thù chỉ sinh thù hận, không nơi nào nói xấu nhau và hạ nhục nhau như trong tù, Thiền sẽ mang lại cho chúng ta sự thanh thản, Thiền nâng tâm hồn ta lên. Lòng bao dung, tha thứ đến với ngộ chỉ trong tích tắc, không còn cái ngã, chính lúc đó ta thấy mình thoát hẳn hơn người vì không còn chấp của Tánh Không.

Thiền là truy vấn, kinh nghiệm bản thân với những tha nhân còn nặng tham, sân, si… chúng ta chỉ cần đặt câu hỏi với chính họ và kết quả thường hóa giải vấn đề nguy hiểm hay thật khó khăn.

Khi tù chính trị bị nhốt chung với tù hình sự, chúng tôi chứng kiến họ gây gổ dùng dao đâm chết nhau như cơm bữa, những lúc cao điểm như vậy, tôi khuyên họ nên ngồi xuống hít thở và hầu hết đều trầm lắng xuống và chặn được cơn thịnh nộ chết chóc.

Bước đầu khi tôi tỵ nạn ở Đức, nhiều người Việt kỳ lạ đã âm mưu để quấy phá chúng tôi, họ bèn vu cáo và gọi cảnh sát đến yêu cầu tôi trả lại thẻ tín dụng đã dùng của chồng một y thị.

Một phụ nữ dáng đẩy đà nói “Tôi cho anh ba phút phải trả lại ‘credit card’ của chồng tôi…” Quả là chuyện trên trời rơi xuống tai họa trên gia đình chúng tôi.

Nhưng Thiền đã dạy tôi biết tỉnh thức và truy vấn, tôi nói: “Tôi cũng cho chị ba phút để suy nghĩ”. Thế rồi bà ta kêu cảnh sát đến đòi xét nhà, tôi lại tiếp tục truy vấn “Các anh hãy gọi điện cho chồng bà ta để xác minh”. Người chồng trung thực trước pháp luật, thế là họ ra về và đã cho bà ta một bài học! Thiền giúp ta tự chủ và một khi không còn tỵ hiềm, đố kỵ, không còn cái ngã, huệ trong ta sẽ sáng hẳn lên.

Thiền là chiếc vòng boomerang, nó sẽ dội ngược lại tha nhân, mạnh yếu tùy theo chúng ta gieo gì gặt nấy.

Nó giống như tấm gương sạch để trước vật thì vật hiện ra tức thì. Đây là diệu dụng của trí tuệ Bát Nhã. Ở đây tâm cảnh là một. Tác giả Nguyên Giác nói về chỗ này như sau: “Như thế, tự tánh của Tâm tất là Tánh Không, phải là Emptiness, cũng như gương sáng chiếu vật, hễ không duyên theo vật thì không một pháp hiện ra”.
Trong tận cùng, sau này tôi thấy, Pháp Phật chỉ là “không để tâm dính vào bất kỳ một pháp nào” nghĩa là như kinh Kim Cang nói, “ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm…”
Cho nên, đốn ngộ là thấy tánh nhanh như chớp, không một ý niệm khởi sinh. Nhanh như các sự vật hiện ra trong gương.

Hành giả và kẻ trộm.

Tôi đang sống trong trại tỵ nạn, vợ chồng kia với tư cách người địa phương đến giúp đỡ, nhưng thật là có ý đồ ăn trộm, nhân biết chuyện chúng tôi đặt cọc để thuê chiếc đàn dương cầm, vợ chồng nọ chạy vội đến hãng và nói láo rằng ‘chúng tôi đã bị đuổi về nước và xin nhận lại tiền đặt cọc’. Công ty biết được sự thật và cảnh sát đã làm việc. Hành giả đã biết hai kẻ gian từ đầu nhưng thế gian như thị. Nên chỉ cho công ty biết rằng ‘Tôi vẫn còn đây’.

Tôi đã sống trên một đất nước từ sau 1975 với một rừng luật nhưng là luật rừng và rồi cái duyên đưa đẩy trong một cơ duyên hy hữu tỵ nạn tại Đức quốc, một đất nước mệnh danh hàng đầu về Pháp quyền nhưng qua nhận xét và thể nghiệm trên chính bản thân cùng gia đình và những người đồng cảnh ngộ thuộc các dân tộc khác, nó cũng chỉ là sự vận hành đến tuyệt đỉnh của nhị nguyên luận. Nó dừng lại ở chỗ Pháp và sẽ không bao giờ đến chỗ của Bờ Kia. Nó thiếu hẳn triết lý Phật giáo mặc dù Họ, các nước văn minh luôn nhân danh khoa học và khoa học rất gần với triết lý Phật.

Dân tộc chúng ta sẽ mãi mãi giết nhau và loài người cũng vậy, nếu không được mở ra ở Bờ Kia hay có mở ra nhưng là thứ thiêng đường mù của Mác. Những ảo vọng của con người.

Nhà văn Huỳnh Kim Quang, người đã đọc trọn bộ tác phẩm viết: “Bước vào cửa Không đó đòi hỏi hành giả một nghị lực phi thường giống như người đứng trên đầu sào trăm trượng mà bước thêm bước nữa. Chỗ này, tác giả Nguyên Giác nói rằng: “Có một công án nói rằng, hãy bước lên đầu sào trăm trượng và bước thêm một bước nữa. Nghĩa là gì? Đó là bước vào Tánh Không. Cái bước tối hậu đó là: sau giới định huệ sẽ là quăng bỏ tất cả pháp.”

- Điểm nầy đối với tôi thiết yếu vô cùng vì dân tộc tôi trong tình trạng hỗn mang như hiện tại rất cần có Pháp, trước khi vứt bỏ tất cả, vì “Văn hóa là những gì còn lại sau khi quên tất cả”.

Nhưng cửa Thiền đốn ngộ là cửa Không. Dễ thì không gì dễ bằng, mà khó thì cũng chẳng có chi khó hơn. Biết cách thì chỉ trong một niệm. Không biết cách thì cả đời cũng không xong.

- Từ hỗn mang đến trật tự trên quê hương tôi là một bước rất gần nhưng mãi rất xa!

Trong “Thiền Tông Qua Bờ Kia,” tác giả Nguyên Giác đã viết hàng chục bài để trình bày về những diệu dụng của việc thực hành Thiền Chánh Niệm trong đời thường qua nhiều lãnh vực như giáo dục, kinh doanh, y khoa, cho đến chính trị và quân sự, kể cả trong các tôn giáo khác.

Ngày nay, Thiền Minh Sát, Vipassana, Thiền Chánh Niệm đã trở thành liệu pháp trị bệnh cho thân và tâm hữu hiệu được thực hành tại nhiều nơi trên thế giới.

Tác giả Nguyên Giác nói về hiện trạng này như sau:“Thiền tập là đề tài bình thường và dễ gặp nhất trong hầu hết các sách về Phật Giáo tại Hoa Kỳ, nơi giới trí thức đang khám phá và ứng dụng như một công cụ đa dụng để chữa lành rất nhiều bệnh thân và tâm, và đã dùng như một phương pháp gìn giữ hòa bình, kể cả những nơi bạo lực gay gắt như trại tù.

“Trong khi ứng dụng nơi công quyền Hoa Kỳ - như trong quân đội, trại giam, trường học, bệnh viện… - thiền tập Phật Giáo được lược bỏ tính tôn giáo, để giữ thuần như một phương pháp thư giãn và trị liệu, nhiều khuynh hướng thiền tập khác đã xuất hiện. Trong đó có thiền tập theo khuynh hướng Ấn Độ Giáo, hay thiền tập ứng dụng vào phương pháp tĩnh tâm hay bồi linh của các hệ phái Thiên Chúa Giáo…”

Nhận thức được tình trạng Thiền được phổ biến khắp nơi và dễ bị lạm dụng dẫn tới sai mục đích giác ngộ và giải thoát mà Đức Phật đã dạy, tác giả Nguyên Giác khẩn thiết kêu gọi quảng bá Thiền Phật Giáo để giúp mọi người thực hành Thiền được an lạc và giải thoát.

“Nói ngắn gọn, trong tình hình như thế, chúng ta cần phải quảng bá phương pháp thiền tập của PG, phải nói rằng ai cũng có thể tập thiền PG, và phải cho biết rằng thiền tập PG mang lại hạnh phúc và lợi ích vô cùng tận cho người tập, và tận cùng là giải thoát.”

Nhà văn Kim Quang viết tiếp:: Nếu không phải là một hành giả Thiền, nếu không có tâm nguyện xiển dương Thiền Tông như Cư Sĩ Nguyên Giác thì đã không có những nỗ lực và tận tụy miệt mài qua nhiều năm tìm đọc các nguồn dữ liệu từ các bản dịch Anh ngữ của những bài Kinh này để chuyển sang Việt ngữ và giới thiệu đến độc giả Việt Nam. Đây là điểm đặc sắc và giá trị của tác phẩm “Thiền Tông Qua Bờ Kia.”

Tác giả Nguyên Giác viết ở một đoạn khác rằng: “Tuy rằng Thiền Tông Trung Hoa nói là “bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền” (không dùng tới ngôn ngữ, truyền pháp ngoài kinh điển,” nhưng trong 16 chương của Kinh Nhật Tụng Sơ Thời của Đức Phật, chúng ta thấy đã được trùng tuyên gần như toàn bộ trong Tín Tâm Minh của Tăng Xán và trong Chứng Đạo Ca của Huyền Giác. Đọc kỹ, sẽ thấy rằng Thiền Tông Trung Hoa là giáo pháp Đức Phật dạy trong 16 chương nêu trên.”

Có thể có người nghĩ rằng khi tu Thiền không để tâm dính mắc tới bất cứ pháp gì thì cũng không đặt nặng vấn đề giữ gìn giới luật nhà Phật. Nhưng tác giả Nguyên Giác thì không. Ông cảnh giác một cách nghiêm trọng rằng, “Nếu không có giới, là toà nhà Phật Giáo sụp đổ.”

- Quả thật, nếu dân tộc Việt Nam không giữ, không tôn trọng các giá trị đạo đức phổ quát sẽ tiêu vong. Cho nên trong bất cứ hoàn cảnh nào phải giữ Gia huấn ca của Nguyễn Trãi, Kiều của Nguyễn Du và sự trong sáng của tiếng Việt “Tiếng ta còn nước ta còn”.

Tác giả Nguyên Giác đã nêu vấn đề và nhận định như sau: “Có một câu hỏi nên suy nghĩ: tại sao trong rất nhiều thế kỷ, tại các nước theo PG Bắc Tông, Thiền Tông  không hưng thịnh được, và có lẽ đã thất truyền ở nhiều nơi, nhưng Phật giáo vẫn lưu truyền và vẫn có ảnh hưởng lớn trong xã hội?

“Có lẽ, sức mạnh gìn giữ Phật giáo ưu tiên phải là giới. Nghĩa là, chặng đầu trong ba giai đoạn Đức Phật đã dạy: Giới, Định, Huệ.”

Đúng như vậy, Tổ Sư Liễu Quán cũng đã khuyến tấn việc tu Thiền phải đi đôi với giữ gìn giới luật trong bài kệ truyền pháp của ngài rằng:

“Giới định phước huệ

Thể dụng viên thông…”

(Giữ giới, tham thiền nhập định, tu phước, phát huy trí tuệ thì thể và dụng mới vẹn toàn.)

Nên nhớ, Ngài Huệ Năng sau khi đắc đạo và được Ngũ Tổ truyền y bát làm Lục Tổ, ẩn danh 15 năm rồi thì ngài đã xin thọ Tỳ Kheo Giới và gia nhập vào Tăng đoàn để từ đó truyền pháp Thiền Tào Khê.

Tác giả Nguyên Giác cũng đã nói đến sự diệu dụng của việc tụng Kinh và nghe Pháp:

“Tới đây, chúng ta có thể nêu câu hỏi: Có thể giải thoát mà không cần thiền tập? Có thể giải thoát mà chỉ cần nghe pháp? Hay chỉ cần tư duy, nghiền ngẫm về pháp nghĩa là sẽ dứt sạch phiền não và đắc thánh quả?

“Câu hỏi trên rất quan trọng, vì trong hoàn cảnh người Việt hiện nay, phân tán toàn cầu, việc làm nơi xa xứ có thể nặng nhọc, và nơi ở có khi không gần chùa, phương tiện tiếp cận giáo pháp hầu hết là nghe pháp qua mạng YouTube.com hay đọc kinh luận trên Internet.

- Người Việt Nam ở khắp nơi trên thế giới, trong nước cũng như ngoài nước luôn nhắc nhở nhau nhớ về Cội Nguồn của mình. Văn hóa dân tộc chính là Kinh Điển Gia Huấn Ca của Nguyễn Trãi, Tuyên Ngôn “Nước Nam Vua Nam ở” của Lý Thường Kiệt. Đó là Pháp của dân tộc.

Tóm lại, tác phẩm “Thiền Tông Qua Bờ Kia” có thể được xem là cuốn cẩm nang cho người Phật tử thuộc mọi căn cơ tu tập, đặc biệt cho những hành giả Thiền, vì toàn bộ tác phẩm là những kinh nghiệm tự thân của tác giả Nguyên Giác, những thông tin giá trị về Thiền, và những dẫn chứng Kinh điển dạy pháp điều phục thân và tâm để vừa có cuộc sống khỏe mạnh, an lạc và hạnh phúc ngay trong đời này, vừa có thể thành tựu mục đích giác ngộ cứu cánh vượt qua bờ kia.
Tác giả viết: “Khi tu tập thực sự, sẽ thấy pháp môn nào của Ngài cũng đẹp tuyệt vời. Tập một ngày là hạnh phúc một ngày, tập một giờ là hạnh phúc một giờ, tập một phút là hạnh phúc một phút. Giải thoát là ngay ở đây và ngay bây giờ. Nhưng giải thoát cũng là thấy tức khắc rằng ngay cái ở đây và bây giờ cũng không có chỗ hiện ra trong tâm của người tỉnh thức.”
Áp dụng trong lĩnh vực nhân quyền “Nhân quyền không phải là làm những chuyện lớn lao, vĩ đại như cướp chính quyền, nhưng chính là làm những việc nhỏ và rất nhỏ mang lại hạnh phúc cho con người”.
Hòa Thượng Nguyên Siêu kết luận: “Cái rỗng không này là cái người ta thường không hiểu, nhưng những ai đạt tới nó sẽ thấy giá trị khi nhận ra nó. Nó không phải là cái rỗng không của không có gì hết, mà nó là cái rỗng không vẫn nằm trong các thứ hiện hữu sôi động. A Taste of Freedom.”  Tác giả đã nội hàm một cách tuyệt vời về 5 pháp an tâm của Ngài Milarepa con người siêu việt:
 “Hãy để tâm tự nhiên như một em bé
Hãy để tâm như mặt biển không sóng gợn
Hãy để tâm trong suốt như ngọn lửa nến
Hãy để tâm không bận gì nữa y hệt một xác chết
Hãy để tâm bất động như một ngọn núi.”
***
Đúng vậy “Thấy núi là núi, thấy sông là sông”.

Núi, Sông không bất động. Nó đang lưu chảy. Tất cả đều lưu chảy. Tất cả đều qua đi trong dòng chảy Hư vô lưu chảy Hư vô.

Xin cảm ơn Thiền giả Nguyên Giác.

Nguyễn Quang

* Tác giả Nguyên Giác, tên thật của Ông là Phan Tấn Hải, Chủ Bút Việt Báo, Hoa Kỳ.