Các Cáo Buộc Đối Với Đức Giáo Hoàng Thực Hư Ra Sao?

Các Cáo Buộc Đối Với Giáo Tông Phan-sinh

 Thực Hư Ra Sao?

Thomas Jansen. P. Hồng-Lam dịch.

Thật hư ra sao trong các cáo buộc và yêu cầu từ chức của tổng giám mục Carlo Maria Vigano, cựu Sứ Thần của Vatican tại Hoa-kì, đối với giáo tông Phan-sinh? Phải chăng ngay từ mùa hè năm 2013 giáo tông Phan-sinh quả thật đã biết về những vụ lạm dụng tình dục của giáo trụ (hồng i) Theodore McCarrick, nhưng ngài đã không làm gì, lại còn hồi phục danh dự cho vị cựu Giám Mục giáo phận Washington, như Vigano quả quyết? Những lời của vị cựu Sứ Thần Toà Thánh này khả tín tới mức nào?

Nhiều điểm không hợp nhau và gây thắc mắc
Đã năm ngày rồi, sau khi bản ghi nhớ (Memorandum) 11 trang của Vigano được phổ biến, ta vẫn chưa có được câu trả lời dứt khoát. Giáo tông Phan-sinh, người được coi là kẻ biết rõ chuyện hơn cả, thì lại từ chối trả lời. Xem ra ngài coi toàn bộ câu chuyện trong bản văn đó là điều thiếu nghiêm chỉnh. „Quý Vị cứ đọc bản văn và tự xét đoán lấy“, ngài đã trả lời một nhà báo như thế trên chuyến bay từ Ái-nhĩ-lan về lại Roma. Ngài nói thêm, ngài tin vào khả năng nhận định của các kí giả.
Nhiều nhà báo đã đọc kĩ bản văn, theo như yêu cầu của Giáo Tông. Cho tới nay mới chỉ có một số ít người đã có cho mình một câu trả lời dứt khoát; đa số còn lại thì thấy có nhiều điểm thiếu nhất thống và gây thắc mắc trong tài liệu của giám mục Vigano.
Tâm điểm đặc biệt gây thắc mắc là hai điều này: Phải chăng Phan-sinh đã biết về những cáo buộc đối với McCarrick ngay từ hè 2013 rồi, và cựu giáo tông Biển-đức XVI. đã buộc McCarrick phải lui vào cuộc sống ăn năn cầu nguyện và không được dâng lễ cũng như không được xuất hiện chính thức công khai từ năm 2009 hay 2010?
Vigano viết, Phan-sinh đã biết chuyện từ mùa hè 2013 rồi cơ. Trong bản ghi nhớ, Vigano cho hay, ông đã nói điều đó cho Phan-sinh biết nhân một dịp tiếp kiến riêng ngày 23 tháng Sáu.  Cuộc gặp này là do Vigano yêu cầu. Sở dĩ ông xin gặp riêng, là vì một câu mà Phan-sinh đã nói ám chỉ ông trong buổi tiếp kiến chung của các sứ thần cách đó hai ngày. Vigano cho hay, ông là vị sứ thần cuối cùng nói chuyện với Giáo Tông, và Phan-sinh lúc đó đã nói với ông: „Các giám mục ở Hoa-kì không được đi theo ý thức hệ, họ không được ngã theo hữu, mà phải là những mục tử.“ Vigano cho câu đó là một lời trách cứ chính cá nhân mình, nhưng ông thoạt tiên đã không phản ứng lại. Bản ghi nhớ cho hay, Vigano lúc đó cảm thấy không phải là lúc để yêu cầu Giáo Tông giải thích câu nói và ông cũng không hiểu được, tại sao Giáo Tông lại „cảnh cáo mình một cách hung bạo như thế“.

„Giáo trụ McCarrick thế nào?“

Cuối cùng, ngày 23 tháng Sáu Vigano được gặp Giáo Tông để hỏi thêm về câu nói bữa trước. Vigano cho biết, trong khi chuyện trò, Giáo Tông hỏi ông: “Giáo trụ McCarrick thế nào?” Ông trả lời: “Thưa đức Thánh Cha, tôi không biết ngài có biết giáo trụ McCarrick hay không, nhưng nếu ngài hỏi Hội Đồng Giám Mục, thì họ có sẵn một tập hồ sơ dày cộm về vị này. Vị này đã làm hư nhiều thế hệ chủng sinh và linh mục và giáo tông Biển-đức XVI. đã  lệnh cho ông phải sống cuộc đời cầu nguyện và thống hối.” Vigano cho biết thêm về phản ứng của Phan-sinh: “Giáo Tông đã chẳng bình luận gì trước những lời nặng nề của tôi và nét mặt ngài đã chẳng tỏ ra chút ngạc nhiên nào cả, như thể là ngài đã biết chuyện đó cách đây không lâu rồi và ngài chuyển ngay sang đề tài khác.” Từ đó Vigano đưa ra kết luận: “Rõ ràng ngài muốn tìm hiểu xem tôi có phải là một đồng minh của McCarrick hay không.”
Nội dung trình bày của Vigano khiến ta phải thắc mắc. Phải chăng việc Giáo Tông không phản ứng lại câu nói của Vigano có nghĩa là Giáo Tông đã chẳng làm gì cả trong vụ McCarrick? Thêm nữa, Vigano đã chẳng nói gì với Giáo Tông về chuyện lạm dụng tình dục đối với trẻ vị thành niên. Tại sao một đề tài ông cho là trầm trọng như thế mà lại không nói rõ ra? Có thể ít ra là vào thời điểm đó Vatican đã chưa biết được McCarrick có lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên. Mà chỉ mới nghe là ông có những quan hệ đồng tính với các chủng sinh? Và điểm này cũng khác xa với chuyện McCarrick có lợi dụng sự lệ thuộc của các chủng sinh để thực hành tình dục hay không? Có thể đây là điểm giải thích cho việc chần chừ quyết định (vì không có yếu tố trẻ vị thành niên và yếu tố lợi dụng sự lệ thuộc, người dịch chú thích) của Vatican.
Không thể kiểm chứng được nội dung và diễn tiến buổi nói chuyện giữa hai người. Còn buổi tiếp các sứ thần trong tháng Sáu 2013 là điều dễ kiểm chứng. Cuộc gặp gỡ ngày 23 tháng Sáu mà Vigano nói tới đã không được Văn Phòng Báo Chí Vatican thông báo. Điều này không có nghĩa là cuộc gặp đó đã không xẩy ra, bởi vì không phải tất cả mọi khách tiếp kiến Giáo Tông đều được đưa lên danh sách chính thức.
Thắc mắc lớn nhất là chuyện hình phạt bí mật của Biển-đức XVI. đối với McCarrick. Vigano quả quyết, vào năm 2009 hay 2010 Biển-đức XVI. đã phạt McCarrick phải rút lui vào đời sống sám hối và cầu nguyện, không được tiếp tục dâng lễ công khai và không được xuất hiện trong các dịp khác. Cho tới nay, chưa có một xác nhận hay phủ nhận chính thức nào về điểm này. Nguồn tin bảo rằng, cựu giáo tông Biển-đức đã xác nhận điểm này, là tin giả (“Fake News”). Nó được tung ra bởi các hãng truyền thông cực hữu, bản ghi nhớ của Vigano cũng do các hãng loại này phổ biến. Tổng giám mục Georg Gänswein, thư kí riêng của cựu giáo tông Biển-đức XVI., đã phủ nhận điều đó trong một cuộc phỏng vấn. Theo ông, cựu Giáo Tông đã và sẽ không lên tiếng gì về vụ này cả.  
Một điểm cũng không hợp với những gì Vigano trình bày, đó là McCarrick trong năm 2009 hoặc 2010 vẫn xuất hiện đều đặn công khai, mặc dù đã có lệnh cấm như Vigano nói. Trong những ngày qua người ta đã đưa ra nhiều thí dụ về điểm này. Chẳng hạn McCarrick đã đồng hành cùng với một nhóm giám mục tới Vatican và đã được Biển-đức XVI. tiếp đón. Phải chăng Biển-đức XVI. vẫn cho phép McCarrick tới gặp, sau khi đã ra hình phạt đối với ông? Thêm vào đó “Catholic News Service”, thông tấn xã của Hội Đồng Giám Mục Hoa-kì, cho phổ biến một Video, trong đó cho thấy Vigano nhân một buổi dạ hội năm 2012 đã ca ngợi McCarrick trong bài diễn văn của mình: “Ngài được tất cả mọi người chúng tôi thương mến”. Nhiều người tự hỏi, làm sao Vigano có thể tôn vinh một người đã bị giáo tông phạt vạ như thế?
Nhưng phải chăng McCarrick đã không bị phạt bởi Biển-đức XVI.? Điểm này cho tới nay vẫn chưa có được một minh chứng rõ ràng nào. Còn lời cho rằng Phan-sinh đã mặc nhiên rút lại vạ phạt do Biển-đức XVI. ra cho McCarrick – dù có nhiều chứng cứ cho thấy ông vẫn tiếp tục xuất hiện công khai, kể cả dưới thời Biển-đức XVI, -  thì chẳng có nền tảng đáng cậy nào. Do đó lời khẳng định của Vigano, là Phan-sinh đã hồi phục danh dự cho McCarrick, thiếu tính khả tín.
Thêm một luận cứ chống lại tính khả tín của Vigano là chính vị này cũng chẳng sạch sẽ gì trong chuyện lạm dụng tình dục. Người ta cho hay, Vigano đã hủy một tài liệu bằng chứng, nhằm ngăn cản các cuộc điều tra của Tư Pháp đối với John Nienstedt, Tổng Giám Mục giáo phận Minneapolis, về hành động của vị này trong liên quan với các lạm dụng tình dục trong giáo phận.
Việc Vigano bảo rằng, McCarrick là người thân tín và là bạn cũ của Phan-sinh, cũng không đáng cậy. Những cố gắng của ông cho thấy sự gắn bó giữa hai nhân vật này cũng khó tin được đối với nhiều người. Vigano cho hay, một nhân viên tòa sứ do ông cử đi El Paso ngày 9 tháng Bảy 2013 để dự lễ nhận chức của một tân giám mục, đã tường trình lại với ông, là giáo trụ McCarrick dịp đó đã nói: “Các giám mục Hoa-kì không được đi theo ý thức hệ, họ không được ngã về hữu, mà phải là những chủ chăn.” Vì Giáo Tông cũng đã nói với ông ngày 21 tháng Sáu câu nói này, và hôm trước đó chính ông cũng đã gặp McCarrick, khi ông này cũng có mặt ở Vatican để gặp Giáo Tông, nên Vigano đã kết luận: “Vì thế câu mà Giáo Tông ngày 21 tháng Bảy đã nói ra để ám chỉ tôi, rõ ràng là do giáo trụ McCarrick mớm”. Lập luận này đã không thuyết phục nhiều người.

Một màn đạo diễn?

Phải chăng việc phổ biến bản ghi nhớ của Vigano là màn đạo diễn của phía những người chỉ trích cực hữu nhắm vào Phan-sinh? Ngờ vực này càng lúc càng trở nên đáng tin. Kí giả người Í Marco Tosatti  nói với hãng Thông Tấn Xã AP, là ông đã thuyết phục Vigano cho phổ biến bản ghi nhớ và chính ông đã giúp Vigano hoàn thành bản văn.
Tosatti chẳng phải là người trong sạch trong những màn này. Mấy năm gần đây ông cựu kí giả tại Vatican của tờ nhật báo nổi tiếng “La Stampa” ở Í là người phê phán mạnh miệng nhất chống lại giáo tông Phan-sinh. Ông có một Blog riêng rất được các nhóm trong Giáo Hội quan tâm, trong đó ông không ngừng tấn công mạnh mẽ Phan-sinh.
Ông cho AP hay, đã gặp Vigano cách đây mấy tuần. Lúc đó Vigano chưa nghĩ tới việc phổ biến công khai những suy nghĩ của mình. Sau khi bản phúc trình về lạm dụng tình dục của sáu giáo phận ở Pennsylvania được phổ biến, ông đã gọi cho Vigano bảo rằng, đây là cơ hội thuận lợi cho việc tung tin. Sau đó ông và Vigano đã ngồi với nhau suốt ba tiếng đồng hồ để hoàn thành bản ghi nhớ, bởi nội dung “không được để hở hênh một chút nào cả”, Tosatti cho hay như thế. Cuối cùng ông đã phải tìm những cơ quan truyền thông nào chịu đăng và ông đã có được nhật báo “La Verita” ở Í, trang mạng tiếng Anh “National Catholic Register” và “LifeSiteNews” cũng như trang mạng tiếng Tây-ban-nha “InfoVaticana”.
Vì lối tường thuật của ông quá thiên vị nên mới đây ông bị sa thải khỏi trang mạng “Vatican insider”, một trang rất tử tế với giáo tông Phan-sinh.

Vigano: Tôi đã từ chối tước Giáo Trụ

Gần đây Vigano cũng đã lên tiếng. Trong một cuộc phỏng vấn với kí giả đài truyền hình RAI của Í vị Tổng Giám Mục phủ nhận nguồi tin cho rằng, ông cho phổ biến bản ghi nhớ của mình là vì không được Vatican trao mũ giáo trụ. Vigano nói: “Tôi có thể thành tâm cả quyết trước mặt Chúa rằng, quả thật tôi không muốn làm giáo trụ.” Theo trình bày của ông, tháng Tư 2011 giáo tông Biển-đức XVI. có ý định trao cho ông vai trò trưởng Bộ đặc trách kinh tế của Tòa Thánh, theo truyền thống người giữ chức vụ này thường được trao tước giáo trụ. Nhưng ông đã yêu cầu Giáo Tông hãy chờ thêm “sáu tháng hay một năm” nữa, để ông còn phải tiếp tục dọn cho sạch bộ máy hành chánh của quốc gia này đã. Nhưng rồi chuyện đã không thành, vì giáo trụ quốc vụ khanh Tarcisio Bertone đã sớm đày ông đi Hoa-kì. Vigano cho hay tiếp: “Như vậy tôi đã vì Giáo Hội mà từ chối tước giáo trụ.”
Dù giám mục Vigano phổ biến bản ghi nhớ với lí do nào đi nữa, thì vẫn còn nhiều điểm thắc mắc, hoài nghi và mâu thuẫn trong sự trình bày của ông; dĩ nhiên cho tới nay chưa ai đưa ra được bằng chứng để phản bác tâm điểm nội dung lá thư của ông. Vatican tiếp tục từ chối lên tiếng về chuyện này. Thứ Năm vừa rồi, khi được hỏi về thực hư của nội dung bản ghi nhớ, giáo trụ quốc vụ khanh Pietro Parolin trả lời: “Tốt hơn đừng đi vào chi tiết các chuyện này.” Rồi ông lặp lại yêu cầu của Giáo Tông: “Quý Vị cứ đọc đi rồi tự phán đoán lấy.”

Thomas Jansen. P. Hồng-Lam dịch.
Katholisch.de, ngày 31.08.2018