Tài nguyên và con người Châu thổ Cửu long



                 Tài nguyên và con người Châu thổ Cửu Long

                                                                Thái Công Tụng
 Phát triển bền vững.

Cần để ý có 4 loại hình trong sự bền vững: bền vững về con người (human sustainability) ,bền vững về xã hội (social sustainability), bền vững mặt kinh tế (economic sustainabillity) và bền vững môi sinh (environment sustainability ). 4 loại hình này tác động hỗ tương với nhau, nghĩa là cần có những khoa học liên ngành để tạo sự hỗ trợ cho nhau : sinh vật học, khoa học nhân văn, khoa học tự nhiên, khoa học phát triển. Bền vững về con người nghĩa là phải đầu tư vào vốn con người như giáo dục, như điều hoà sinh đẻ ; bền vững xã hội là chú trọng đến người nghèo, người thất nghiệp sao cho xã hội có 'bộ mặt con người', nhân bản, không qúa chênh lệch, bền vững về môi sinh là bớt ô nhiễm, duy trì đa dạng sinh học, bền vững kinh tế là tăng trưởng trên căn bản không phá hoại môi sinh, rừng rú, thủy sản, không lạm thác tài nguyên, chỉ sử dụng phần lời của tài nguyên, không đụng chạm vào phần vốn vì phần vốn phải để dành cho các thế hệ mai sau .


                                          Summary

The Mekong delta, with an acreage of nearly 4 million hectares is the rice bowl of Vietnam. It is crisscrossed with many canals and rivers, out of which 2 major rivers, the Tien and the Hau river .It covers 12 provinces, namely Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang, Bến Tre, An Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh, Kiên Giang, Cần Thơ, Soc Trang, Bạc Liêu and Camau. Around 15 million people live in that delta .4 major soil groups: alluvial soils, acid sulphate soils, saline soils and organic soils are the most representative in the delta which has long been known as the major rice basket of Vietnam. Out of that land area, farm land occupies 24,450 km2 or 2 445 000 ha which is three times larger than the farm land in the Red River delta in northern Vietnam, and making up over a third of all farm land nation-wide. . The Mekong delta produces the bulk of Vietnam's rice.
The Delta's agriculture, which accounts for nearly 30% of national GDP, 40% of agricultural production and more than 80% of rice export,will continue to play a key role in supporting the country's economy and in the alleviation of rural poverty. Sustainable development of the Mekong Delta is central to achieving the country's targets for sustained growth. However, there are pocket areas in the Delta where the farmers are among the country's poorest people.  Salinity and acidity related poor drinking water supply conditions (access to clean water is about 30%), hard living conditions caused by flooding and inundation, and inadequate rural transport compare unfavorably with other areas in the country.
The availability of water resources in the Mekong Delta alternates from surplus to shortage every six months, affected by a tropical monsoon climate. During July - December, heavy rainfall and runoff occur, causing long periods of inundation over 25% of the area due to over-topped river banks in the north and poor drainage in the south.  Limited flooding is beneficial for flushing acid soils and for depositing sediment in the flood plains to bring nutrients to inland fisheries.  During the first and last parts of the January-June dry season, the low level of discharges in the river is sufficient to meet water requirements for in-stream and off-stream uses. But during the end March-April, seawater intrusion becomes severe and limits the availability of freshwater for irrigation.  Rural water supply for domestic use is also affected adversely    
Irrigation, drainage and local water transport systems share the same canals and waterways in the Delta, which are hydraulically operated by tides from the South China Sea and the Gulf of Thailand. At the field level, low-lift pumps are commonly used by farmers in the Delta to control water in and out their fields according to crop needs.  They pump water for irrigation during the dry season when the water level in the canals is lower than the field level and, in some places, for drainage during the rainy season when the tidal drain is inadequate.
Disruption of the water flow of the Mekong through hydropower plants, irrigation schemes and other engineering works in the  upstream part of the Mekong basin are causing less water discharge and aggravating problems of salt intrusion in the delta itself .Disruptive activities in the delta, such as cutting the mangrove forest area along the SouthEast coast of the delta, from more than 200 000ha to 80 000 ha between 1990 and 1995 to make shrimp cultivation, are causing damages on environment and loss of biodiversity. Declining shrimp yields, spread of shrimp disease,  loss of hundreds of thousands of hectares of land  in the form of abandoned shrimp ponds are now a consequence . Overpopulation, overpumping  by taking large volumes of fresh water in the Bassac river threatens to salinize fertile agricultural land and overcutting are common threats to the environment of the delta .
The Mekong delta provides during the past 10 years steadily growing exports  (rice, shrimps..) but with a rapid population growth, consequences are many: diminished farm size, pressure on natural resources, congestion, pollution, crowded schools, rural underemployment, urban unemployment ... Widespread poverty remains thus the most pressing human development challenge in the rural areas where too many subsistence farmers are blocked by various constraints and obstacles  from improving productivity and diversifying their source of livelihood.
There is  a pressing need to create off-farm sources of income generation by stimulating the implantation in the countryside of small private-sector industry or service industries (transportation, commerce, tourism..)  to help rural poor keeping pace with the cities, thus avoiding the poor from flooding into big towns. Access to credit should thus be made far more easy to obtain. An inducive environment,-politically, economically-is necessary to attract capital for this rural drive . 


.



1 Tổng quan
 Trong vấn đề phát triển, ngày nay, ngoài các chiều kích thuần túy kinh tế như GNP, tăng trưởng hàng  năm, càng ngày các định chế quốc tế càng chú trọng thêm vào những yếu tố ngoài kinh tế như văn hoá (giáo dục, sinh đẻ có kế hoạch,tâm linh), như xã hội (bớt sai biệt quá lớn giữa người ăn không hết, người lần chẳng ra), như môi sinh (phát triển bền lâu ). Đó là lối tiếp cận toàn bộ  (holistic approach). Tiếp cận toàn bộ khác với tiếp cận hệ thống (systemic approach); trong tiếp cận thống hệ, mọi thành phần trong hệ thống có tương tác với nhau và nếu các thành phần hoàn toàn ăn khớp với nhau, ta có một tính chất khác nẩy sinh ra. Một ẩn dụ là chiếc xe đạp, các thành phần trong chiếc xe đạp ăn khớp với nhau làm ta di chuyển được; trong tiếp cận toàn bộ, các thành phần cũng tương tác với nhau, nhưng toàn bộ được cùng phản chiếu vào nhau khiến từ mỗi mảnh, ta cũng thấy toàn bộ . Một ẩn dụ là hột xoàn, gồm nhiều tinh thể, tinh thể này có hình của tinh thể kia
Tiếp cận toàn bộ  có nghĩa là phải chú trọng không những môi trường thiên nhiên (đất, nước, gió, sinh vật..) mà còn  để ý các khía cạnh kinh tế (phát triển) ,xã hội (giáo dục, y tế), văn hoá (văn hoá môi sinh, văn hoá nhân quyền, văn hoá tâm linh..), dân số (thành phần, giới tính ..), chính trị và các định chế , các khía cạnh này đều có những giao diện (interface) ảnh hưởng với nhau; bài toán phát triển như vậy phải nghiên cứu đến  sự tác động qua lại giữa các khía cạnh trên với nhau để tìm ra các yếu tố thuận lợi, các yếu tố hạn chế, mục đích vẫn là đạt đến sự phát triển bền vững, bền vững mặt thiên nhiên (không phá hủy môi sinh), bền vững mặt xã hội (công bằng và an sinh xã hội ,chứ không quá sai biệt giữa nông thôn và thị tứ, giừa người giàu và người quá nghèo

2 Các sinh hệ chính của miền Châu thổ Cửu Long (CTCL)
Đồng bằng sông Cửu long ( ĐBCL) gồm 12 tỉnh như sau, từ bắc xuống nam và từ đông sang tây :Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang, Bến Tre, An Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh, Kiên giang, Cần Thơ, Sóc trăng, Bạc Liêu, Cà Mau
Sau đây là diện tích các tỉnh ĐBCL:

                   Tên các tỉnh                          Diện tích (km2)         
               Long An (Tân An)                 4 355  
               Đồng Tháp (Cao lãnh)           3 391 
               An Giang (Long xuyên)          3 493 
               Tiền giang (Mỹ Tho)    2 377
                Bến Tre                                   2 225           
                Vĩnh Long                               1 487           
               Trà Vinh                                   2 363           
                Cần Thơ                                  3 022           
                Sóc Trăng                               3 138           
                Kiên giang (Rạch giá)               6 358           
                Bạc Liêu                                  2 485           
                Cà Mau                                   5 204           

Những hải  đảo phải kể  đảo Phú Quốc, đảo Thổ chu trong vịnh Thái lan cũng như đảo Côn Sơn và quần đảo Trường Sa ở biển Đông.
Diện tích tự nhiên của ĐBCL là 3 900 000 ha nghĩa là rộng gấp 3 lần đồng bằng sông Hồng,  nếu tính riêng đất trồng trọt bằng 37% của cả nước.
ĐBCL là vựa lúa lớn của cả nước vì năm 1998 đã sản xuất được trên 15 triệu tấn gạo .  ĐBCL  gồm toàn đất thấp, khó thoát nước, nên kinh rạch ngổn ngang. Cao độ trung bình 4-10 mét và gồm những loại đất phù sa, đất phèn, đất mặn ven biển; trong ĐBCL còn có vài hòn núi nhô lên như Núi Sam, núi Sập phía nam Châu đốc . ĐBCL, ngoài người Kinh, còn có người Khơ-me (Trà Vinh, Sóc trăng, An Giang) và người Chăm vùng Châu đốc .
Qúa trình trầm tích trong các môi trường khác nhau như nước mặn,  nước lợ và  nước ngọt nên có hình thành cũng 3 cấu trúc hình thể là vùng duyên hải, vùng đồng trủng phèn chua và vùng đồng lụt phù sa, đó là chưa kể các núi vùng Châu đốc.  Từ đó, có thể chi tiết hoá thêm về các sinh hệ như sau :      
a-Vùng đất phù sa nước ngọt ven sông Tiền, sông Hậu và giữa 2 sông này: 1.2000. 000 ha, chiếm gần 30% diện tích
b-Vùng thềm phù sa cổ dọc biên giới Việt-Cambodia:  3%
c-Vùng đồng bằng ven biển có
.vùng ven biển cao  :700 000 ha, chiếm 18% diện tích ( phù sa nhiễm mặn ven biển Đông như Trà Vinh, Càng long, Mỏ Cày, Bình Đại, Chợ Gạo, Bến Lức, Cần Giuộc)
.vùng ven biển thấp, còn gọi vùng trũng trung tâm bán đảo Cà Mau, có 648 000 ha chiếm 17%
.vùng trũng ven biển tức vùng rừng U Minh có gần 200 000ha chiếm 5%
.vùng ven biển ngập triều có 216 000 ha chiếm 5.4% diện tích ĐBSCL
d-Vùng trũng có :
             .vùng trũng Đồng Tháp Mười có 414 000 ha chiếm 10.4% diện tích
             .vùng trũng Hà Tiên có 217 500 ha chiếm 3.5% diện tích
e- Vùng núi và đồi thấp tức vùng Thất sơn có 417 000 ha

3 Lịch sử hình thành địa chất
 Muốn tìm hiểu lịch sử vùng đất đề cập đến trong bản tham luận này, ta hãy đi ngược lại dòng địa chất để từ đó hiểu tại sao có các giồng biển (giồng Trà Vinh, giồng Ông Tố ..), tại sao có những vùng phèn rộng lớn và vùng mặn của 'quê hương em đất mặn đồng chua ..'
   Trải qua một cuộc bể dâu ...
Lịch sử địa chất miền châu thổ Cửu long , so với nhiều vùng khác của dất nước ta, thì còn non trẻ lắm. Tuy nhiên cần tìm hiểu lịch sử địa chất của đồng bằng , trong bối cảnh chung của toàn vùng.
A   móng đá nguyên thủy
Móng đá nguyên thủy (socle originel) gồm các phiến thạch và sa thạch thời đại Trung sinh (mésozoique) ở đồng bằng Nam bộ.  Vào đệ tứ kỷ, phía đông của đồng bằng này được nâng lên cùng lúc với các rặng núi nam Trung bộ . Trong khi đó, phía Tây đồng bằng lại bị lún sâu xuống, tạo ra một vịnh có nhiều đảo nhỏ . Bờ biển củ của vịnh này chạy dài từ Battambang đến Kratie (Kratie trên sông Mekong ở Cao Miên) . Cùng lúc có sự nâng lên của MĐNP thì macma bazan phun lên, với tuổi đời còn non trẻ, tuổi Pleistocen muộn-Holocen sớm  bao phủ các phù sa cổ vừa được nâng lên. Các đá hoa cương tạo ra các núi Chứa Chan (858m), Bà Rá ở Phước Long (736m), Núi Bà Đen (936 mét) ở Tây Ninh.
Lớp phù sa cổ sinh cũng như các phún xuất bazan bao phủ lớp này kéo dài đến Kompongcham và Kratié . Đồng bằng châu thổ (plaine deltaique) được hình thành tại các vùng sụt võng quan trọng theo các đứt gãy sâu vào cuối  đệ tam, đầu đệ tứ kỷ(pliocène-pleistocene) tạo ra 1 châu thổ củ.

B Biển tiến, biển lùi trong kỷ đệ tứ .
            Trong bốn kỷ địa chất thì kỷ Đệ Tứ quan trọng nhất vì sự xuất hiện của loài người và trong kỷ này, nhiều đồng bằng phù sa xuất hiện .Có 2 giai đoạn Pleistocene và Holocène trong kỷ Đệ Tứ này .
Chỉ kể trong kỷ Đệ Tứ này, đã có đến 4 thời kỳ băng giá, mỗi thời kỳ lâu cả 100 000 năm , xen lẩn các thời kỳ tan băng mà mỗi thời kỳ lâu chừng 15 000 năm. Lúc băng giá lần cuối (thứ tư ),  thể tích nước bị co rút lại và mực nước biển bị hạ xuống (biển lùi hoặc biển rút). Vùng châu thổ Cửu long trước kia là một vịnh biển; chỉ sang kỷ thứ tư, thời Pleistocene, trên 1 triệu năm trước đây, có thời kỳ băng giá, nước biển xuống sâu đến hơn 120 mét .Do đó bờ biển Vietnam lúc bấy giờ không phải là bờ biển hiện nay vì lúc đó, miền Châu thổ Cửu long dính liền với Indonesia. 
Sau thời kỳ băng giá lần cuối ,cách đây 12 000 năm, tức đầu thời kỳ Holocen, thời kỳ tan băng hiện nay khởi đầu với nhiệt độ tăng dần trong Bắc bán cầu...
 Lúc tan băng, các khối băng giá rất dày bắt đầu rút về miền Bắc cực, tạo nên những suối, sông bào mòn cảnh quan tạo ra các bực thềm ..; trong giai đoạn tan băng thời Holocen, mực nước biển dâng lên vì nước các khối băng hà tan ra ( biển tiến). Trong giai đoạn này, mực nước biển dâng lên , nhiều ngọn núi trong Vịnh Bắc bộ bị bao vây bởi nước dâng cao thành các hòn đảo như rải rác trong vịnh Hạ Long ngày naỵ Biển lấn vào giữa đảo Hải nam và Bắc bộ tạo ra vịnh Bắc Bộ còn ở phía nam thì lấn vào đến tận Biển Hồ ở Campuchia và tạo ra vịnh Nam bộ có  bờ biển chạy dài từ Battambang đến miền Đông Nam phần như Hố Nai, Trảng Bom hiện nay .Đồng bằng hoá thành vùng biển và đầm lầy, nên có nhiều đất hữu cơ, nhiều than bùn do xác thực vật bị vùi lấp, nén chặt dưới các lớp bồi tích mới (than bùn vùng U Minh); người cổ phải từ từ di chuyển lên các vùng đồi núi như Miền Đông Nam phần hiện naỵ Thực vậy, trong đất đồng bằng, từ 80-150 cm, hiện ra những vết tích của các sinh vật bể xưa còn để lại (vỏ sò, ốc, hàu ..).

C Sự hình thành châu thổ : rút lui của biển và trầm tích phù sa .
Sau một thời gian tồn tại ở mức cao 4-5 mét như mực nước biển cổ ở vùng đá vôi Hà Tiên cho thấy rõ, biển bắt đầu rút, lúc đầu ở độ cao 3 mét và sau đó dừng lại lâu hơn ở mức cao 2 mét (Fontaine 1972). Người cổ theo nước rút mà xuống đồng bằng, ở các giồng ven biển tức các cồn cát duyên hải hay các giồng ven sông Tiền, sông Hậu . Vịnh Rạch Giá -nguyên là cửa sông Hậu ngày trước-lúc bấy giờ còn ăn xa vào đất liền.
Châu thổ Cửu long trước kia nằm dưới biển chỉ mới dần dần lồi ra khỏi  mặt biển chừng 6000 năm nay mà thôi , nghĩa là thời kỳ Holocen muộn( thời kỳ Holocen khởi đầu 10 000 năm trước công nguyên) .Móng đá nguyên thủy trồi trụt là nguyên nhân làm thay đổi mức độ bồi tích của phù sa vốn rất lớn do sông ngòi chở đến .Nơi nào móng đá nâng lên thì lượng trầm tích phù sa ít đi, nhưng lại có diện tích trải rộng như bán đảo Cà Mau; nơi nào móng đá sụt lún thì lượng trầm tích phù sa rất nhiêu nhưng bờ biển không tiến ra xa được như những giồng cát tăng trưởng khít nhau dọc miền Bến Tre, Gò Công, Trà Vinh cho thấỵ

Những phù sa cận đại có tuổi rất trẻ (quãng 2000 năm) và nằm giữa và dọc 2 nhánh sông Cửu long là do quá trình bồi phủ của các trầm tích do các trận lũ lụt đưa đến; càng xa sông, lớp phù sa càng mỏng dần. Do đó, ở các vùng xa sông, các trầm tích của các đầm mặn cổ rộng lớn thời kì đầu Holocen  sẽ không bị che phủ nữa nên mới có những vùng đất phèn rộng lớn ở tả ngạn và hữu ngạn sông Cửu long
Các chổ trũng rộng lớn tức là dấu vết của các vùng biển sau khi biển rút đi như Đồng Tháp Mười, U Minh đều có một lượng lưu huỳnh khá lớn hình thành từ trầm tích hỗn hợp đầm lầy biển hay sông biển là nguồn sản sinh phèn ở ĐBSCL.
                        Trầm tích phù sa cổ (pleistocène) nằm dưới trầm tích phù sa mới (holocène), chỉ lộ ra ở những địa hình cao; nói cách khác, trầm tích phù sa mới phủ phần lớn diện tích phù sa cổ và chiếm phần lớn diện tích Đồng tháp Mười
            Thực vậy, trong châu thổ hai sông Vàm cỏ ở Bến Lức, sâu chừng 7-8 mét, ta gặp lớp laterit thuộc phù sa cổ, còn ỏ Tân an, lớp laterit này sâu 15-20 mét. 

D tóm tắt
Như vậy, theo lịch sử địa chất, ta có :
- móng đá nguyên thủy
-phù sa cổ sinh được nâng lên, cùng lần với phún xuất bazan
-một phần phía Tây bị lún xuống, tạo ra một vịnh biển
-phù sa Cửu long bồi đắp trên vịnh biển, cùng với sự rút lui của mực nước biển để tạo thành châu thổ Cửu long ngay nay .

4 Tài nguyên khí hậu
Miền Nam khác với miền Bắc là không có sự phân mùa theo nhiệt độ vì nhiệt độ trung bình vừa khá cao (trên 25 độ), vừa ít biến thiên.; nhiệt độ luôn luôn thích hợp cho cây trồng. Miền Nam chịu ảnh hưởng gió mùa tây nam : mưa từ tháng 5 đến tháng 11 và nhiệt độ tháng nóng nhất là 29 độ (tháng 4) và mát nhất là 25 độ (tháng 12) .

Tuy mùa mưa xảy ra vào mùa hạ nhưng lượng nước mưa rất thay đổi theo năm ( có năm lũ lụt, có năm không), theo vùng : miệt Rạch giá Cà Mâu thì mùa mưa bắt đầu sớm hơn, vào cuối tháng 4 , còn những nơi khác, lần lượt từ đầu đến giữa tháng 5. Thực vậy, miền Cà Mau  vì gần xích đạo và chịu ảnh hương gió mậu dịch (trade wind) bắc xích đạo nên khí hậu  vừa mưa nhiều hơn (2 400 mm, thay vì 2 000mm ở các nơi khác) với số ngày mưa cũng lớn hơn (160 ngày thay vì 140 ngày)
Miệt Gò Công và lân cận mưa thường bắt đầu cuối tháng 5, đầu tháng 6 .Ngay trong mùa mưa cũng có số ngày không mưa (7-8 ngày) gọi là tiểu hạn . Khác với miền Trung, lũ lụt ở đây không phải do mưa tại chỗ mà là do mưa thượng nguồn từ trên Lào hay Kampuchea đổ xuống; do đó có khi ĐBCL dang bị hạn, ít mưa mà lại bị lũ !
Nhái theo truyện Kiều, lũ kia 'cũng có ba bảy đường, có khi biến, có khi thường' : có khi không nhất thiết lũ lớn mà bị thiệt hại nhiều, lũ nhỏ bị thiệt hại ít; mức độ thiệt hại còn phụ thuộc vào thời gian xuất hiện lũ và thời gian kéo dài của mực nước đỉnh lũ . Lũ xuất hiện sớm hơn bình thường sẽ gây thiệt hại cho lúa hè thu. Lũ có thể lớn (mực nước đỉnh tại Tân châu, điểm đầu nguồn trên sông Tiền trên 4.5 mét), nhưng lũ xảy ra đúng lúc thì không gây nhiều thiệt hại . 
 Thời kỳ hạn mặn và nước kiệt : hạn mặn từ tháng 12 đến nửa đầu tháng 3, tiếp theo hạn lớn đến trung tuần tháng 4 và trong mùa mưa cũng có hạn đầu tháng 8. Lũ lụt thường xẩy ra tháng 9-10

5 Tài nguyên đất đai
Các nhóm đất chính
Với diện tích tự nhiên của miền đồng bằng sông Cửu Long là gần 4 triệu ha, các nhóm đất chính được phân phối như sau :

Bảng 1 Phân phối diện tích các loại đất miền CTCL



ÇÃt cát
    43 318 ha
1.10%
ÇÃt m¥n
  744 547 ha
19.1%
ÇÃt phèn
1 600 263 ha
41.1%
   ÇÃt phèn tiŠm tàng
   421 867 ha
(10.7%)
   ÇÃt phèn hoåt Ƕng
1 178 396 ha
(30.1%)
ÇÃt phù sa
1 184 857 ha
30.4%
ÇÃt lÀy và than bùn
     24 027 ha
   0.6%
ÇÃt xám
    134 656 ha
   3.5%
ÇÃt ÇÕ vàng
        2 420 ha
   0.06%
ÇÃt xói mòn
        8 787 ha
   0.2%


Xem vậy, có nhóm đất phù sa, đất phèn và đất mặn đã chiếm hơn 90% diện tích đất ĐBSCL; các nhóm đất khác chỉ chiếm một diện tích rất nhỏ .





                               Bản đồ đất đai châu thổ Cửu long


51 Đất cát giồng
Các loại đất cát giồng được thành lập do sóng biển và gió dồn cát lại mà thành.. Giồng có địa hình cao hơn các đơn vị trầm tích khác kế cận. Những giải đất giồng chứng tỏ đó là những bờ biển ngày xưa , nay ở trong sâu vì châu thổ tiến dần ra biển. Có thể gặp nhiều giồng dưới dạng những hình vòng cung song song với bờ biển, rải rác ở các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh (huyện Cầu Ngang, Trà Cú ..) ..Càng gần biển thì tuổi các giồng cát càng trẻ hơn. Đất giồng thường cao ráo nên là nơi có tập trung nhiều làng mạc.
Đặc điểm của đất cát giồng là có tầng cát vàng; tuổi tuyệt đối của các giồng này dưới 6 000 năm.
52 Đất mặn
Nhóm đất mặn có diện tích 744 547 ha, đứng thứ ba sau đất phèn và đất phù sa . Những đất mặn ở dưới rừng ngập mặn, bị ngập nước triều quanh năm; ngoài ra cũng có những đất mặn không bị ngập triều mà chỉ bị mặn trong mùa khô, thường có cao độ 0.5-0.8 mét .Đất mặn gặp các vùng duyên hải như ở huyện Bình Đại, Thạnh Phú, Ba Tri tỉnh Bến Tre, ở huyện Cầu Ngang, Trà Cú tỉnh Trà Vinh và dĩ nhiên các huyện tỉnh Cà Mau . 
53  đất phèn 
Nhóm đất phèn chiếm nhiều diện tích nhất và có thể gặp :
-vùng Đồng Tháp Mười
-vùng Tứ giác Long Xuyên; đất phèn được hình thành trên các trầm tích ở các cửa sông, vào giai đoạn biển lùi thời kỳ Holocene muộn, với các sản phẩm trầm tích đầm lầy nước lợ, giàu hữu cơ và có chứa một lượng lưu huỳnh khá lớn:đó là các điều kiện để thành hình đất phèn .Căn cứ vào tầng sinh phèn, tầng phèn và độ sâu xuất hiện của những tầng này trong phẫu diện đất, người ta phân biệt :          
a/   đất phèn tiềm tàng  là những đất chỉ có tầng sinh phèn trong phẫu diện đất, có  vật liệu chứa phèn giàu sulfit, nguồn gốc phát sinh ra chất phèn trong đất và ở những vùng ngập nước sâu nhất và lâu nhất .Trong suốt quá trình trầm tích, các điều kiện yếm khí , sự hiện diện của thực vật ngập mặn đã tạo ra phèn ở dạng tiềm tàng . Phân loại đất đai gọi là Sulfaquents (Proto Thionic Fluvisols)
b /  đất phèn hoạt  động : một khi quá trình thoát thủy xảy ra, đất bị oxyhoá nên tầng pyrit chuyển dần thành tầng jarosite màu vàng rơm (sét cứt chuột), có pH dưới 3.5. Phân loại đất đai gọi là Sulfaquepts (Orthi Thionic Fluvisols) Khi phèn bốc lên đất mặt mà màu trắng, nông dân gọi là phèn lạnh; khi  nổi váng đỏ vì có chất sắt nhiều thì họ gọi là phèn nóng.Đất phèn hoạt động:
. ở trên địa hình cao hơn đất phèn tiềm tàng
.thoát thủy nhiều hơn
.đất chua hơn (pH thấp hơn)
Hàm lượng phèn biến đổi theo thời  gian và không gian; thực vậy, nước phèn di  chuyển từ vùng cao đến vùng thấp trũng, kéo phèn xuống tích tụ ở các rốn phèn tức những lòng chảo, hứng phèn của các vùng cao xung quanh. Trong mùa mưa, nước lôi phèn xuống các rốn phèn, liên tiếp dồn phèn xuống làm cho dung dịch phèn ngày càng đậm đặc nên các vùng này phải bỏ hoang. Hướng sử dụng các rốn phèn là kinh doanh lâm nghiệp (tràm) vừa cung cấp than củi, ong mật  và nên tránh trồng các loại hoa màu trên các vùng rốn phèn.

54 đất phù sa được hình thành dọc theo các dòng sông lớn như sông Tiền, sông Hậu. Phù sa ven sông thường ở địa hình cao hơn là các phù sa ở xa sông; độ cao của các bờ sông phụ thuộc vào lượng phù sa và chế độ thủy văn của sông. Ta có thể phân biệt :
đất phù sa địa hình cao có thể trồng lúa 2-3 vụ hoặc lúa+màu
đất phù sa địa hình thấp thường ngập nước và chua
Các loại đất phù sa mới được hình thành cách đây chỉ khoảng 6 000 năm nay và không có lớp laterit hoặc sạn sỏi .Có giá trị lớn về mặt nông nghiệp : cây ăn trái, rau cải, hoa màu
55  đất than bùn
Nhiều ở rừng U Minh, giàu lớp hữu cơ. Hiện nay, nhiều rừng tràm bị đốt cháy nên lớp hữu cơ cũng bị mất đi  và do đó diện tích đất hữu cơ càng hẹp dần .
56 đất xám
            Đất xám trên phù sa cổ (địa hình cao) thường gặp tại các vùng ranh với biên giới Campuchia như Mộc Hoá, Hồng Ngự, Đức Huệ ..Trong đất loại này, có lớp laterit dưới sâu .Tuổi tuyệt đối dùng phương pháp C14 quãng 40 000 năm

6 Tài nguyên  nưóc
6.1 cảnh nước mông lung
Nói đến châu thổ Cửu long, là nghỉ ngay đến hai từ: bằng phẳng và nước. Nhưng bằng phẳng cũng chỉ tương đối vì chỉ sai biệt nhỏ về địa hình cũng ảnh hưởng đến sự di chuyển của nước và từ đó tác động lên sử dụng đất đai; một ngoại lệ là vùng Thất sơn phía Nam Châu đốc với các rặng núi cổ xưa và vùng đá vôi Hà Tiên; vì bằng phẳng nên nước khó thoát nhanh được, một phần vì lưu lượng dòng sông lớn, từ 2 sông Tiền, sông Hậu phải chảy ra đến 9 cửa biển mới thoát được nước ra biển, phần khác, địa hình phẳng vì châu thổ này chỉ mới lồi ra khỏi biển chừng 5000  năm nay mà thôi và hiện tượng trầm tích phù sa vẫn còn tiếp diễn .Đồng bằng này bằng phẳng với mạng lưới sông ngòi, kinh rạch ngổn ngang làm cho toàn vùng đều chịu ảnh hưởng của thủy triều hình thành những loại hình nơi  mặn, nơi  chua, nơi  cả  mặn lẫn chua, nơi  bị  ngập  lụt và phèn nặng do đó,tuy cảnh nước mông lung như vậy nhưng không phải muốn sử dụng là được : tại vùng Đồng Tháp Mười thì nước phèn, tại vùng duyên hải lại gặp nước mặn, nhất là vào mùa khô. Đó là chưa kể nước sinh hoạt sạch thì vẫn thiếu..
 Như người Inuit ở miền bắc Canada có đến 20 từ ngữ để tả các trạng thái của tuyết, người nông dân miền châu thổ Cửu long , vì sống trong cảnh nước mông lung, cũng có vô số từ ngữ để gọi kinh rạch: ngoài các chữ thông dụng như sông, ngòi, mương, lạch, kênh, bàu, ao, hồ, v.v  còn có thêm rạch, xẻo, ngọn, rọc, lung, láng, bưng, biền, đầm, đìa, trấp, vũng, trũng, gành, xáng .
Môi trường sông nước với thủy triều lên xuống cũng có nhiều từ ngữ :ngoài chữ nước lớn (thủy triều dâng) và nước ròng (thủy triều hạ), còn có nước giựt, nước bò, nước nhảy, nước đứng, nước nằm . Mà hể có nước thì có tôm cá
6.2 Các sông chính tại miền CTCL
                        621 Sông Vàm Cỏ .
Sông Vàm cỏ  có 2 nhánh :
-Vàm cỏ Đông, còn gọi là sông Bến Lức, dài 300 km, phát nguyên từ bên Campuchia, chảy xuống Trảng bàng, Gò Dầu đến khu vực nhà máy đường Hiệp hoà, qua kinh Cầu An Hạ rồi chảy ngang qua cầu Bến Lức
            -Vàm cỏ Tây cũng phát nguyên từ bên Campuchia chảy qua Mộc Hoá đến Thủ Thừa rồi  chảy qua cầu Tân An, gần châu thành Tân An. Cả 2 sông này gặp nhau ở phía đông quận Tân Trụ rồi dòng sông mở rộng để nhập vào sông Nhà Bè, đổ ra cửa Soài Rạp (cửa Vàm láng)
                        622 sông Cửu long
Sông Mekong dài 4 200km, phát nguyên từ bên Tây Tạng, khi chảy đến tỉnh Kompong Cham của Cao Miên thì dòng sông không đủ chuyển tải lưu lượng mùa lũ nên nhiều vùng của hai nước Miên-Việt bị ngập lụt, kéo dài 2-4 tháng. Vào khoảng tháng 7, nước tràn bờ, lưu lượng dòng chính giảm. Đến Nam Vang, dòng chảy ấy hoà nhập với một nhánh lớn là sông Tonlesap nối với Biển Hồ. Hồ này có sức chứa trong mùa lũ đến 80 tỷ m3 nước. Vào mùa khô thì nước trong hồ lại đổ ra dòng chính cho đến hết tháng 12. Ngay điểm hợp lưu với dòng Tonlesap trên đất Cao miên, sông Mekong chia làm 2 nhánh: nhánh chính ở phía đông đi về Neak Luang chảy vào địa phận Vietnam ở Tân Châu, được gọi là sông Tiền và nhánh phụ phía Tây là sông Bassac đổ về Châu Đốc, được gọi là sông Hậu. Cả 2 dòng sông chảy ra biển bằng 9 cửa sông, dân gian ví như 9 con rồng nên mới có tên là Cửu long. Ngoài nước mưa, sông Mekong là nguồn duy nhất cung cấp nước tưới cho đồng bằng. Lưu lượng trung bình của sông Cửu long là 10 700 m3/giây; vào mùa lụt cao, có khi lên đến 53 000m3/giây .Vào mùa kiệt, vào tháng 3-4, lưu lượng chỉ còn 2000 m3/giây trong khi nhu cầu nước cho sinh hoạt châu thổ trong khoảng thời gian này là 4 tới 5 ngàn m3 /giây và nhu cầu ấy dự trù tăng gấp đôi vào giữa thế kỷ 21. Vào mùa mưa, nhờ lưu lượng nước khá lớn nên có thể đẩy lùi nước mặn từ dòng sông chính và kênh lớn ra biển còn vào mùa khô nước triều biển Đông xâm nhập sâu vào nội địa nên nhiều khu vực bị nhiễm mặn, không trồng lúa được.
Vào mùa mưa, khi lưu lượng nước trong sông chỉ mới vượt quá 25 000m3 /giây thì đã có 25% diện tích châu thổ bị ngập nước. Thời gian ngập lụt thường kéo dài từ tháng 7-8 đến tháng 11-12. Nồng độ phù sa sông Cửu long là 0.250 kg /m3, nhưng thể tích hàng năm lên đến hàng trăm triệu tấn.
Tại những vùng trũng ít có khả năng tiêu thoát nước, tình trạng ngập úng kéo dài đến 6 tháng.
Vào mùa khô thì khi lưu lượng sông nhỏ hơn 6000m3/ giây thì nước ngọt bắt đầu khan hiếm và khi dòng chảy sông đã yếu, nước biển theo thủy triều lấn sâu vào phía nội  địa, các vùng ven biển bị nhiễm mặn không thể lấy nước cho trồng trọt được .Đó là trường hợp nhiều vùng ở Sóc Trăng, vào mùa nắng, lưu lượng nước sông ít, nước triều biển Đông xâm nhập sâu vào nội địa nên các vùng này bị nhiễm mặn, không sản xuất lúa được .
Nước lũ chuyển vào Đồng Tháp Mười từ 2 phía: nước từ biên giới Cao miên chiếm đến 77% khối lượng, nhưng chất lượng kém vì dòng sông Mekong, trước khi vào nưóc ta, phải chảy qua cánh đồng phèn và bị cây cỏ lọc hết phù sa .Còn nước lũ vùng tứ giác Long Xuyên là từ sông Hậu và vùng biên giới chuyển về nhiều lượng phù sa làm giàu đất đai .Trong vòng 30 năm qua, đồng bằng này bị nhiều lũ lụt lớn (1961, 1966, 1984, 1991, 1994 ). Với người nông dân, lũ lụt là tai hoạ nhưng cũng là tài nguyên. Nhờ lũ lụt, sông Cửu long kéo dài tuổi trẻ, ruộng đồng rửa sạch phèn, được thêm lượng phù sa màu mỡ và được mùa cá tôm quanh năm .
-Sông Tiền,chảy qua các thị trấn như  Sadec, Vĩnh Long và  đổ ra biển bằng 4 sông và 6 cửa là :
*sông Mỹ Tho, chảy ngang qua Mỹ tho và ra biển bởi Cửa Tiểu và Cửa Đại
*sông Ba lai, chảy qua tỉnh Bến Tre, ra biển bởi cửa Ba lai
*sông Hàm luông, chảy qua tỉnh Bến Tre và ra biển bởi cửa Hàm luông, được nhắc lại trong câu hò sau đây:
               Cửa Hàm luông sông sâu sóng cả
               Em thương anh nhiều mà chả dám theo
              Thương anh đâu quản hiểm nghèo
              Ngặt vì một nỗi, anh có con mèo theo sau
*sông Cổ chiên chảy giữa 2 tỉnh Bến Tre và Trà Vinh ra biển bởi 2 cửa là Cổ chiên và Cung hầu
-Sông Hậu, chảy qua các thị trấn như Châu Đốc, Long Xuyên và Cần Thơ và đổ ra biển qua 3 cửa sông là cửa Định An (về phía tỉnh Trà Vinh), Bassac (Ba thắc) và cửa Trần Đề (phía tỉnh Soc Trăng)
623 Các kinh rạch
Nối liền giữa 2 sông Tiền và sông Hậu có nhiều kênh đào như kinh Vĩnh an (ở Châu Đốc), sông Vàm Nao (ở An Giang), kênh Lấp Vò (Vĩnh Long), sông Măng thít (Trà Vinh)
Còn riêng trong đồng bằng cũng còn có nhiều kênh đào khác quan trọng đóng góp vào sự lưu thông hàng hoá cũng như trị thủy . Đó là:
*kinh Vĩnh Tế (nối Hà tiên với Châu đốc)
*kinh Rạch giá-Long xuyên
*kinh Phụng hiệp (Cà mâu-Cần thơ)
*kinh Cà mâu-Bạc liêu
 *kênh Xà no (Vị thanh-Cần thơ)
Ngoài sông Cửu long, trong đồng bằng còn có vài dòng  sông khác  như :
*sông Gành hào,  Đầm dơi, Bồ đề (thuộc Cà Mau) và sông Mỹ thanh chảy ra biển Đông
*sông Cái bé và Cái lớn chảy ra vịnh Rạch Giá
*sông Trèm trèm, sông Ông Đốc chảy ra vịnh Thái lanợc
Nhiều ca dao phản ánh kinh rạch chằng chịt với ghe thuyền buôn bán :

-Chèo ghe sợ sấu cắn chưn,
Xuống bưng sợ đĩa lên rừng sợ ma
 -Ghe anh đỏ mũi xanh lường,
Ở trên Gia Định xuống vườn thăm em
-Cái Răng, Ba Láng, Vàm Xáng, Xà No
Có thương em, anh mua cho một chiếc đò
Để em lên xuống thăm dò ý anh
-Anh đi ghe gạo Gò Công
Vô vàm Bao Ngược, gió giông đứt buồm
-Bước xuống bắc Mỹ Tho, thấy sóng xô nước đẩy
Bước lên bờ Rạch Miễu, thấy nước chảy vòng quanh
Anh biết chắc nơi đây là đất Châu thành
Sao tìm hoài không thấy trong đám bộ hành có em



624 Chất lượng của nước
 Ta phân biệt trong châu thổ đến 4 thứ nước:
Nước ngọt (không phải là nước xa xị đâu!) là nước có thể dùng để tưới ruộng vườn được, gặp trên vùng Châu đốc, Long Xuyên, Sadec, Mỹ Tho ..
Nưóc phèn thì rất chua, nhiều độc tố như sắt, như alumin nên không uống được, và cũng không tưới ruộng được; phải đào kinh rạch để thoát phèn và dẫn ngọt mới trồng hoa màu được
            Tiếc thay nước đã lóng phèn,
         Mà cho bùn lại vẩn lên mấylần
Thực vậy, nước  đã lóng phèn là nước rất trong nên trong các kinh rạch vùng Đồng Tháp vào đầu mùa mưa, khi mưa làm chất phèn trong đất bị trôi ra kinh thì nước trong leo lẻo
Nước lợ là nước chổ giáp nước giữa hai vùng nước ngọt và nước mặn; nước lợ gần vùng có cửa biển; thực vật thiên nhiên là dừa nước (Nipa fruticans)
Nước mặn chứa nhiều ClNa, đây là nơi nhiều rừng mắm (Avicennia), đước (Rhizophora) cũng là nơi bảo vệ các trận gió biển thổi vào đất liền, là nơi sinh sản cá tôm
 Bốn môi trường nước như trên đã nảy sinh ra bốn loại đất chính trong vùng: đất phù sa nước ngọt, gặp hai bờ sông Tiền, sông Hậụ, đất phèn gặp các trủng sâu chưa có trầm tích phù sa ngọt tràn phủ lên như trủng Đồng Tháp Mười, đất phù sa nước lợ chi làm được một vụ lúa mùa mưa, vì mùa nắng nước mặn bốc lên trong ruộng và đất mặn gặp các vùng ven duyên hải

625 Thủy triều
Củng như nhiều nơi trên thế giới, miền biển châu thổ Cửu long có2 thủy triều lên và 2 thủy triều xuống trong 24 giờ( chế độ bán nhật triều), còn miền biển Bắc bộ chỉ có một lần thủy triều lên và một lần thủy triều xuống (chế độ nhật triều).Đó là vì có nhiều yếu tố khác như dạng bờ biển, chiều sâu đại dương ..
Nước lên-nước xuống chi phối đời sống dân ven biển .Một chu kỳ biến động của mực nước-từ lúc nước biển rút xuống đến mức tối đa đến lúc nước biển lên cao đến mức tối đa kéo dài 15 ngày và được gọi là một con nước .Như vậy, mỗi tháng có 2 con nước.
Tuy miền châu thổ Cửu long có chế độ bán nhật triều (biển Đông)  nhưng biên độ triều của hai lần không đều nhau : ta có nước lớn cao, nước lớn thấp, nước ròng cao, nước ròng thấp; như vậy, ở đây mỗi ngày 24 giờ có 1 lần nước lớn cao, một lần nước lớn thấp, một lần nước ròng cao, một lần nước ròng thấp .Nhìn nước lớn, nước ròng, nhìn cuộc đời sớm còn, tối mất, người ta ca rằng:
Bìm bịp kêu nước lớn anh ơi
Buôn bán không lời, chèo chống mỏi mê

Trước khi đổi con nước, dòng sông ngưng hẳn, gọi là nước đứng :
Nước không chưn sao kêu bằng nước đứng
Cá không giò sao gọi con cá leo ?
Mực nước thủy triều có ảnh hưởng lớn đến đồng bằng, từ chuyên chở trên sông rạch đến nông nghiệp. Nước triều cao sẽ dễ dàng lấn sâu vào nội địa và làm nhiễm mặn nước sông và đất đai .Tại vùng châu thổ Cửu long, ảnh hưởng của thủy triều có thể lên đến Nam Vang, còn nước mặn ảnh hưởng nhiều vùng duyên hải như Bến Tre, Long An, Trà Vinh, Soc Trăng, Cà Mau ..


7. Sử dụng đất đai  ĐBCL
Khi nói đến nông nghiệp miền châu thổ sông Cửu long, là ta nghĩ ngay đến lúa, vì lúa là nông sản chính trên các chân ruộng ở đây: lúa mùa, lúa nổi, lúa trồng mùa khô v.v. Cũng có những tiểu vùng nhiều vườn cây ăn trái, làm nên cái ta thường gọi là 'văn minh miệt vườn' .
71 Lúa
Miền ĐBCL là vựa lúa của Vietnam và cũng có thể nói vựa lúa của thế giới    chính từ ĐBCL mà gạo được sản xuất nhiều nhất ở Vietnam để tiếp tế cho miền Trung, miền Bắc và  Saigon và cũng để xuất cảng sang các xứ Á châu (Phi luật Tân, Indonesia ), Phi châu ..
Lúa được bố trí tùy theo điều kiện đất đai, thủy lợi nên có thể có nhiều thời vụ như lúa mùa, lúa Đông Xuân, lúa Hè-Thu. Biện pháp canh tác lúa chủ yếu là sạ (gieo vãi), chứ không cấy như xưa, trong đó biện pháp sạ ướt (hạt giống được ngâm ủ cho nảy mầm, sau đó gieo trên đất dã được dánh bùn kỹ ) chiếm ưu thế
a/ Lúa mùa
Đây là lúa mùa mưa ; vụ lúa này thường bắt đầu từ tháng 5 và thu hoạch tháng 10-11 cho đến tháng 1-2 năm sau. Tùy điều kiện thủy lợi, nông dân dùng giống lúa mùa sớm (thời gian sinh trưởng 140-150 ngày), lúa mùa chính vụ (180-200 ngày) và giống muộn (230-250 ngày). Những chổ ngập sâu thì cấy lúa muộn, chỗ ruộng ngập cạn,  dưới 0.5 mét thì làm lúa mùa sớm.
Hiện nay, nhờ kỷ thuật sạ khô và việc du nhập các giống mới có năng xuất cao, chịu phèn mạnh, tương đối cao cây và nổ lực làm thủy lợi nên nông dân trồng lúa hè-thu bằng sạ khô rồi cấy vụ mùa địa phương  (thu-đông) bằng giống lúa mùa sớm, năng xuất cao .
b/ Lúa nổi
Lúa nổi cũng là lúa mùa, nhưng đặc trưng là nó chịu ngập nước rất sâu : lúa nổi được sạ vào tháng 5 và cũng tùy mực nước rút sớm hay muộn mà nông dân gieo những giống lúa nổi thân cao ít hay thân cao nhiều. Tục ngữ An Giang là : 'Cạn thì Tây, sâu thì Tàu' vì vùng nước không sâu thì trồng các giống Nàng Tây, còn vùng nước ngập sâu sát biên giới Campuchia thì trồng giống Tàu Binh. Sau vụ lúa nổi gặt vào tháng 12, nông dân tận dụng nước ẩm còn trong ruộng lúa để làm thêm hoa màu phụ như bắp, rau cải ..Có nơi khắc phục được sự ngập sâu của nước  như Hồng Ngự, nông dân còn trồng được 2 vụ lúa :lúa Hè-Thu (tháng 4 đến tháng 8) và lúa Đông-Xuân (tháng 12 đến tháng 3 năm sau)
c/ Lúa Hè-Thu
Đây là lúa làm ngay đầu mùa mưa nhưng do sử dụng giống mới, thấp cây, ngắn ngày để có thể thu hoạch được trước khi lũ sông Cửu long đến; ở vùng đất mặn, phải sạ lúa hè-thu trễ hơn vì phải chờ mưa xuống rữa chất mặn .Nói khác đi, lúa hè-thu là loại lúa mùa sớm địa phương.
d/ Lúa Đông Xuân
Đây chỉ là vụ lúa trái  mùa vì làm trong mùa khô nên chỉ phát triển những nơi không bị mặn. Các vùng nước ngọt có thể dùng máy bơm lên ruộng để làm vụ này. Người ta sạ tháng 11-12 và thu hoạch tháng 2-3. Tại các vùng phèn, nông dân chờ khi  nước rút còn bùn thì họ sạ hạt lúa đã ngâm ủ nẩy mầm ('sạ ngầm ') để bùn phủ kín hạt, đồng thời đắp bờ để khống chế mực nước rút, như vậy một mặt là vừa nhanh, vừa tránh đất khô, phèn bốc lên.  
 72  Hoa màu (bắp, đậu , khoai lang ..) Bắp trồng trên phù sa ven sông Tiền, sông Hậu và bắp là màu nhiều tiềm năng phát triển nếu muốn đẩy mạnh chăn nuôi theo lối kỷ nghệ.  Càng ngày, nông dân càng sử dụng các giống bắp lai có năng suất cao hơn giống địa phương.
 73 Rau cải : đây là rau cải hàng hoá trồng nhiều trên đất giồng hoặc đất phù sa đã thoát bớt nước nhờ trồng trên liếp. Phải kể các loại rau tươi như xà lách, rau diếp, xà lách son tức cresson, các loài cà chua, cà pháo, khổ qua tức mướp đắng, các gia vị như ớt, tỏi, hành, hẹ 
 74 Cây ăn trái
 Các loại cây ăn trái thường tập trung trên các vùng phù sa nước ngọt ít bị lụt, dọc sông Tiền, sông Hậu như Mỹ Tho, Vĩnh Long, Cần Thơ. Cây ăn trái thuộc miệt vườn như trên có dọc theo các sông, các bờ kinh rạch, các cù lao còn gọi là cồn như cồn Phụng, cồn Tân Long. Có thể kể : xoài (ở Vĩnh Long, Mỹ Tho ), chuối , thơm (khóm) tại Long An, Kiên Giang, cam quít (tại Sadec, Bến Tre ),  nhãn (Bạc Liêu), đó là chưa kể vú sữa, xơ ri (Gò Công), bòn bon (Bến Tre).
Hai ta  như sen mùa Hạ, cúc mùa thu
Như tháng mười hồng, tháng năm nhãn
Em theo chim, em đi về tháng tám
Anh theo chim cùng với tháng ba qua

 75   cây kỷ nghệ
Cây kỷ nghệ được phân loại thành cây kỷ nghệ ngắn ngày (như thuốc lá) và cây dài ngày như cây mía trồng trên các liếp tại các vùng đất phèn (Long An ) , thơm, dừa ..
 Dừa nhiều ở Bến Tre và cho cơm dừa, cũng như các phụ phẩm khác như xơ dừa, gáo dừa, thảm nệm xơ dừa, than gáo dừa

8 Triển vọng khai thác trên các loại đất có vấn đề
Tại ĐBCL, có nhiều loại đất có vấn đề : thực vậy, đất phèn thì nhiều độc tố như nhiều sắt, nhiều nhôm; đất mặn thì nhiều chất mặn; cả 2 loại đất này cần hệ thống đê chống lủ, rửa phèn, rửa mặn ..
8.1. triễn vọng khai thác trên đất phèn
a/ lịch thời vụ
Nguyên tắc là phải canh tác trong các giai đoạn thích hợp để tránh đỉnh cao của sự hoá chua trong đất và của sự thiếu hụt nước ngọt, đồng thời tránh thời gian lũ lụt. Thực vậy vào đầu mùa mưa, hàm lượng phèn ở tầng đất mặt tăng lên đột ngột nên cây cối lụi tàn, tôm cá chết.
 Trên các vùng đất phèn, vào dầu vụ (cuối tháng 4), nông dân sau khi đốt đồng cho sạch cỏ dại, thì đất được cày bừa rồi họ 'sạ khô' với giống lúa sớm và bừa lấp. Với các cơn mưa đầu mùa, cây lúa nẩy mầm và khi phèn  tăng lên đột ngột do mưa xuống nhiều thì cây lúa đã mạnh nên có thể kháng cự được các độc tố phèn .Có 2 giai đoạn rõ rệt trong kỷ thuật này
1 lúc đầu sạ khô và tiêu nước mặt triệt để bằng mọi rãnh tiêu lớn nhỏ, chỉ giữ đất vừa ẩm nhờ mưa cho lúa sinh trưởng
2 khi mưa đủ lớn thì đắp bờ đóng cống giữ nước lại trên đồng cho ngập chân lúa, tránh hiện tượng oxy hoá phèn. Còn phải sạ với giống lúa sớm là vì khi gặp lúc phèn nhiều trong đất thì cây lúa cũng đã có 3-4 lá, đủ mạnh để đủ sức vượt lũ cuối tháng 8 và thu hoạch trước khi lũ đến ..

b/ quản lý đất (soil management) và nước (water management)
- trên lúa
Ở những vùng có nhiều nưóc ngọt có thủy triều lên xuống (Bình Dương), nông dân chỉ cần đắp đê quanh ruộng, khi nước thủy triều lên, sẽ mở bọng cho nước sông vào và giữ nước này trên ruộng, sau đó sẽ cho chảy từ từ xuống sông khi nước thủy triều rút trong nhiều giờ đẻ nước sông có thời giờ làm tan phèn và tan muối .           
Ở những vùng không có nhiều nước ngọt mà chỉ trông cậy vào mưa thì công tác xả mặn, xả phèn đòi công phu hơn vì cần có tuyến đê bao quanh vùng để không cho nước mặn , nước phèn ở các vùng kế cận xâm nhập .Tuyến đê bao này cũng có tác dụng chống luôn lũ và sử dụng như con lộ để di chuyển; trong khu vực được bảo vệ, phải có kênh mương và hệ thống xả nưóc ra vô .
Sau đó làm đất kỷ, cày sâu xới đất lên ở các vùng không có tầng sinh phèn gần mặt đất. Chờ mưa xuống làm tan phèn, tan muối, nông dân mới tháo nước để xả mặn, xả phèn qua các miệng cống hay xuống các mương từ đó nước mặn, nước phèn rút vào ống bọng và theo ống chảy ra sông rạch .Khi có nhiều nước mưa thì ngăn giữ lại để bảo vệ lúa bên trong và sau khi thu hoạch lúa, họ xả cống để cho nước tự nhiên ra vô để lấy phù sa .
Nhà nông còn khắc phục được đất phèn nhờ làm chủ nước trời và lủ : nhà nông tận dụng lớp đất thịt trên mặt, kết hợp với lợi dụng lũ và mưa, thậm chí với nước ngầm, để ếm phèn : Ém phèn là tạo điều kiện để có một lớp nước mặt trên đất phèn, tránh không cho đất tiếp xúc với không khí trong mùa khô, khiến quá trình oxy-hoá không thực hiện được, phèn hoạt động trở thành phèn tiềm tàng

-trên cây trồng cạn
Những nơi cây lúa không thể canh tác được vì gặp đất phèn nặng, nông dân trồng cây rễ cạn. Líp cao là đòi hỏi đầu tiên của việc canh tác hoa màu trồng cạn như sắn, khoai mở, mía trên đất phèn. Mỗi liếp rộng 3-5 mét, xen kẻ với những mương rộng 2-2.5 mét, sâu khoảng 1-1m.2 Các mương liếp thông với nhau và nối với kênh rạch tự nhiên qua cống đóng mở gọi là bọng. Bọng đóng lại để giữ nước vào mùa khô (tháng 2,3, 4) và mở ra để thay nước củ khi thủy triều lên .Nhờ thủy cấp hạ xuống do lên liếp nên các độc tố của đất như nhôm, sắt được rửa trôi đi và sau đó, mơi canh tác được ; trên liếp, trồng sắn, khoai mỡ, mía, khóm (thơm), dưới rãnh nuôi thủy sản. Qua nhiều năm canh tác, đất líp bớt phèn ngày càng thuận lợi cho cây trồng sinh trưởng. Đối với những cây lâu năm, nông dân còn đắp những ụ đất cao xung quanh gốc. Qua nhiều mùa mưa được rữa phèn liên tiếp, các mô cao ấy dần dần bớt phèn và sự phát triển cây cũng thuận lợi hơn. Có thể sử dụng gốc tháp kháng phèn như dùng cây bình bát để tháp cây mãng cầu xiêm (2 cây này cùng một họ thực vật)
Đến mùa khô ráo, phèn di chuyển từ các tầng sâu lên đất mặt do sự mao dẫn; phèn bốc hơi để lại những váng đất màu vàng rơm làm hại cây trồng; những váng này thường thấy dọc các đáy rãnh giữa các líp. Nếu mặt đất được xới xáo thì hiện tượng mao dẫn không còn, phèn không bị bốc hơi và không thể lên tới đất mặt
Tóm lại, sự cải thiện việc cung cấp nước ngọt là vấn đề then chốt trong cải tạo đất phèn, nhất là đầu mùa mưa.  Cần các kênh đào cung cấp nước ngọt.

82 triễn vọng khai thác trên đất mặn
Trên đất mặn duyên hải, phải làm đê ngăn mặn ven biển. Trên đê có thể là đường giao thông, dưới đê sẽ có nhiều cống xả mặn. Các  cống phải được thiết kế theo kiểu tự động đóng vào lúc ngăn mặn và mở ra lúc thoát lũ .  Nhờ vậy sản xuất nông nghiệp sẽ không lo bị nhiễm mặn nừa

9 . Các thủy sản: sự cọng sinh giừa người và thiên nhiên
9.1 Cá
  phải kể nhiều loài: cá lóc, cá rô, cá trê, cá trạch, cá chài, cá dảnh, cá mè vinh, cá tra, cá vồ, cá chép, cá cốc, cá hu, cá bông lau, cá bạc bụng và cá linh. Loại cá này từ Biển Hồ , cư đầu mùa mưa, theo dòng nước phù sa đỏ nâu, trôi dạt xuống đồng bằng Cửu long, nhỏ li ti và theo lũ lụt tràn vào các ruộng đồng sinh sống. Khi mùa mưa chấm dứt, nước lũ rút dần ra sông, vào tháng 11, tháng 12 âm lịch và loài cá linh cũng dạt theo lội hàng bầy trên mặt nước, khiến ngư dân có một tài nguyên phong phú vào mùa nước xuống nàỵ  Cá linh nhiều đến nổi phải làm nước mắm. Ngoài đánh bắt cá, nhiều nhà có nuôi cá vồ, cá tra. Ngoài ra, còn có nghề nuôi cá bè vừa chi phí ít, vừa năng suất cao.Ngoài bờ biển có những hải sản như cá bạc má, cá mối ..
9.2 Tôm
Ngoài cá, ĐBCL còn có tôm như câu ca dao sau dây:
                                                     Chiều chiều quạ nói với diều
                                       Cù lao ông Chưởng còn nhiều cá tôm
Tôm sứ, tôm hùm, tôm thẻ, tép bạc là các nguyên liệu để chế biến thành nhiều mặt hàng xuất cảng. Nuôi trồng dọc theo bờ biển như tôm-đước, tôm-lúa, tôm-dừa.
Tôm cạnh tranh với thực vật: muốn có năng xuất cao, cần thâm canh mà muốn thâm canh, phải phá hết thảm thực vật mà khi không có thảm thực vật thì vuông tôm bị ô nhiễm mặn và nhiệt vì nóng. Hiện nay có phong trào nuôi tôm với lúa.
Ruốc cũng là một loại hải sản dùng chế biến nước mắm .
9.3 Ba ba tức là rùa nước ngọt; phổ biến ở Vietnam là Trionyx sinensis. Chuyên ăn động vật (cá, động vật không xương sống ..) và đẻ trứng ở mé nước. Ba ba dễ xuất cảng vì chế biến với gia vị là món ăn ngon.
9.4  Cua và ghẹ,  nghêu sò
Cua đồng cũng là nguồn thức ăn giàu đạm ở Vietnam. Trữ lượng nhiều nhưng việc sử dụng thuốc trừ sâu trên diện tích rộng  đã làm hư hao tài nguyên cua đồng tại nhiều nơi . Ngoài cua đồng còn có cua biển, nghêu, sò huyết .Ở Bến Tre, nghêu tập trung thành từng bãi rộng ven bờ biển; ruột nghêu dùng làm thực phẩm, vỏ nghêu dùng nung vôi bón ruộng. Rươi cũng là một loại hải sản dùng làm nước mắm, có trong các rừng cây mắm ở Thạnh Phú, Bình Đại
9.5 Ếch thì có :
 Ếch đồng phổ biến ở đồng ruộng Vietnam (Rana tigrina) rất có ích vì thịt ăn thơm ngon và đùi ếch đông lạnh dễ xuất cảng; hơn nữa bắt được các côn trùng trong ruộng
9 .6 Mùa cá và  ngư cụ
 Nghề khai thác cá ở ĐBSCL kéo dài quanh năm, chủ yếu đánh bắt các loại cá đen, ngoài ra còn có những loài cá khai thác theo mùa vụ
Hàng năm, từ mồng 5 â .l. đến hết tháng 6 â .l. là mùa nước quay (nước sông chảy mạnh hơn thường lệ), đây là mùa khai thác cá tra bột từ nguồn trên sông Cửu Long chảy xuống. Ngư cụ để vớt là đáy 
Tháng 9 â .l. là mùa tôm càng xanh và ngư dân khai thác bằng đáy tôm, lợp , câu, lưới bao cà
Từ tháng 9 â .l.. đến tháng 11 â . l. là mùa cá linh; ngư cụ đánh bắt là đáy cá linh, rùng, cào, chày
Từ tháng 12 sa ng tháng 3 năm sau, lúc nước cạn là mùa tát đìa . Tát đìa khai thác các loại cá đen đã lên đồng để đẻ và khi nước rút không theo xuống kịp
Về ngư cụ khai thác có thể chia ra ngư cụ có lưới và ngư cụ không lưới  Ngư cụ có lưới : lưới rê, lưới kéo, lưới vó, lưới cố định.
Ngư cụ không lưới như nò, đăng, lợp, nơm ..
Có vài loại ngư cụ đánh bắt ở biển, nhưng cũng được sử dụng đánh bắt là đáy và cào. Đáy hiện là ngư cụ chủ yếu ở ĐBSCL: đáy cá linh, đáy tôm, đáy cá tra bột. Cào cũng vậy, có mắt rất nhỏ .

10 Môi trường nhân văn
10.1 thành phần cư dân
Thành phần ngưòi Việt di dân vào miền châu thổ Cửu long thì nào là tù bị lưu đày, nào là đào binh hoặc là bần cố nông nghèo khổ miền Trung:
 Tới đây xứ sở lạ lùng
Con chim kêu phải sợ, con cá vùng phải kinh
Những cánh đồng cỏ lát mênh mông 'muỗi kêu như sáo thổi, điả lội tựa bánh canh' hoặc 'khỉ khọt trên cây, sấu lội dưới nước' là những vấn đề thực tế của người dân mới khai hoang.Ngoài người Việt di dân đến khai hoang, phải kể thêm người Hoa chống nhà Thanh ở Trung quốc  (phong trào phản Thanh, phục Minh) đến Việt Nam và do chúa Nguyễn cho vào Nam khai khẩn đất hoang vào năm 1658 ở miệt Biên hoà (Cù lao Phố), ở miệt Mỹ Tho với Dương ngạn Địch, ở miệt Hà Tiên với  Mặc  Cửu sau này có con là Mạc Thiên Tứ tiếp tục thần phục triều đình nhà Nguyễn, ở miệt Bạc Liêu như câu ca dao sau đây:
Bạc Liêu nước chảy lờ đờ
Dưới sông cá chốt, trên bờ Triều Châu
rồi có người bản địa như người Chăm theo Hồi  Giáo ở Châu Đốc đến dân Khmer ở Trà Vinh, Sóc Trăng .. theo Phật giáo Tiểu thừa với các sóc, các phum, các chùa chiền Khmer .
10.2 ảnh hưởng môi trường thủy lợi đến lối gia cư
Cũng là người Việt di dân, cũng là văn hoá nông nghiệp, nhưng khi người Việt vào vùng đất mới sình lầy vùng đồng bằng sông Cửu long, phải trải qua một quá trình thích ứng nên văn hoá cũng hơi biến đổi :
Người đi dao rựa dắt lưng
Ngó sông sông rộng, ngó rừng, rừng cao
Cũng là miền đồng bằng phù sa mới bồi đắp do biển cả trước kia là một vịnh, cũng có đất phù sa, đất phèn, đất mặn nhưng miền này không bị lụt lội tàn phá như châu thổ sông Hồng. Thực vậy, dòng sông Cửu Long rất dài và đã trải qua nhiều xứ duyên hà như Nam Trung Hoa, Miến Điện, Ai Lao, Kampuchea trước khi vào lãnh thổ miền Nam Việt nam; ngoài ra, nhờ Biển Hồ của Kampuchia trữ được nước lụt rất nhiều và chỉ từ từ hạ nước xuống, đem theo muôn vàn cá con về miệt Kiến Phong, An Giang làm giàu thủy sản nước ngọt ở đây.
Châu thổ Cửu long vì úng trủng nên các bậc tiền bối đã phải dày công khai phá và nhất là đào kinh để thoát bớt nước. Đào kinh có nhiều mục đích:
.hạ thủy cấp xuống để có thể trồng trọt
.làm chất phèn độc (Alumin, sắt) có thể trôi đi
.làm phương tiện giao thông : vừa là đường sá, vừa là kinh rạch
Công việc đào kinh kéo dài từ lúc mới khai hoang như trào vua Minh Mệnh có kinh Vĩnh Tế nối liền Châu đốc với Hà Tiên, trào Pháp thì có nhiều kinh mang tên người khởi xướng (kinh Tổng Đốc Lộc, kinh Lagrange ..) hay mang địa danh vùng kinh đào chảy qua (kinh Thủ Thừa ở Long An, kinh Chợ Gạo ở Định Tường) , thời Việt Nam Cọng Hoà có kinh Đồng Tiến, chưa kể vô số kinh ở địa điểm dinh điền Cái sắn ở Long Xuyên
Môi sinh ngoại  cảnh như vậy  đã ảnh hưởng  dến lối  cư trú .
Ở miền Nam, nông dân sống theo kinh rạch, trải dài dọc bờ sông để tiện canh tác; các nhà sàn dựng lên ở những nơi bị úng trủng, ngập lụt hay gần các vùng có rừng ngập mặn, làng mạc không có cây đa cao ngất từng xanh, không có cổng làng, không gian xã hội rộng mở khác với các  làng xã miền Bắc hay miền Trung : lối kiến trúc này làm lỏng lẽo các giây liên lạc của dân làng với làng xã. Chợ búa cũng trải  dài  mấy cây số dọc theo kinh rạch chứ không tập trung như các chợ  miền Bắc, miền Trung .Xem hát cải lương cũng chèo ghe đến bến chợ vì kinh rạch là phương tiện lưu thông tiện lợi
10.3 ảnh hưởng thủy lợi đến sử dụng đất đai
Miền đồng bằng sông Cửu Long ít bị lụt nên canh tác trồng trọt cũng khác miền Bắc .
Trong khi châu thổ sông Hồng có nhiều đê bao bọc để trị lũ lụt và tiến trình đắp đê, củng cố đê trải dài trong mọi triều đại thì miền châu thổ sông Cửu long không có đê, nhân dân chỉ trồng lúa theo nhịp nước lên xuống của nước : đó là lúa nổi thường gặp ở Châu Đốc, Long Xuyên. Nhờ Biển Hồ ở Kampuchea, nên nước vào ruộng, nước ra ruộng cũng từ từ nên những đơn vị gia đình nhỏ cũng khai thác lúa được, không cần những cộng đồng lớn.
Vì nhiều vùng còn là các trủng chịu ảnh hưởng của môi trường nước phèn, chua nên phải bỏ hoang hoặc phải canh tác trên các liếp như khóm, như mía để nước phèn có thể bị trôi đi; thủy triều cũng là một yếu tố thủy lợi người dân lợi dụng để cải thiện đất đai: thủy triều lên xuống 2 lần mỗi ngày giúp các chất phèn rửa trôi khi nước ròng; nhiều ruộng có cửa bọng giữ nước mưa và khi thủy triều xuống, nước sông trong kinh rạch thấp hơn mực nước trong ruộng nên nước phèn bị cuốn trôi đi
10.4 ảnh hưởng ngoại cảnh đến lối sống của dân
Vì tài nguyên dồi dào, dân ít phấn đấu 'làm chơi ăn thiệt' nên tính tình người dân cũng chất phác; tư duy ưa phóng khoáng, nói thẳng không quanh co; trải qua nhiều thế kỷ, nông dân tự do canh tác; không có hương ước, không có công điền nhiều như miền Trung; rất ít nơi có đình làng.
 10.5 tài nguyên thiên nhiên trên cạn  , dưới nước (cá, tôm ..) ảnh hưởng đến văn hoá thức ăn: trong bữa cơm, nhiều món ăn luôn luôn có thêm nước dừa (thịt kho hột vịt nước dừa, chè đậu đỏ nước dừa ..), phản ánh các ảnh hưởng của Đông Nam Á (Thái lan). Bữa ăn nhiều thủy sản như cá, mắm mà dặc biệt là mắm đủ loại, muôn hình muôn vẻ của vùng Long Xuyên.
Tản Đà có lần viết:
Hà tươi cửa bể Tourane,
Long Xuyên chén mắm, Nghệ An chén cà
 
11 Vài vấn đề môi sinh và đa dạng sinh học
Ngày nay, môi sinh miền Châu thổ Cửu long bị nhiều ảnh hưởng do nhiều nguyên nhân: dân số càng ngày càng đông, sự sử dụng những chất thuốc sát trùng không đúng liều lượng, xịt nhiều thuốc, dù sâu bọ chưa vượt qua ngưỡng độc hại, nhiều loại thuốc các nước tiền tiến không còn sử dụng nữa mà Việt Nam còn nhập cảng, các nhà máy không có biện pháp xử lý chất thải trước khi đổ vào sông, sự đô thị hoá không chủ động được
Rùa càng lúc càng bị tàn sát; trước kia, có câu ca dao:
Thương thay cho kiếp con rùa
Dưới sông cõng hạc, trên chùa đội bia
Rùa trước kia chỉ cõng hạc, đội bia, còn ngày nay rùa bị dân châu thổ Cửu long tàn sát hàng loạt cho các quán ăn nhậu; mai rùa, yếm rùa bán cho các tiệm thuốc Bắc.Rắn trong đồng để bắt chuột, mèo để bắt chuột, nhưng ngày nay, rắn, mèo cũng là đặc sản nhậu; ăn thịt mèo được gọi là ăn hổ đồng bằng. Cán cân sinh thái mất thăng bằng; nạn giết rắn, ăn hổ đồng bằng đã làm cho chuột sinh sản mạnh hơn, phá hoại ngủ cốc ngoài đồng, trong vựa ..
Nhiều đập nước trên thượng lưu dòng sông Mekong, từ trên Vân Nam của Trung Quốc đến Lào, Thái đã khiến lưu lượng dòng chảy bớt đi và ít lụt hơn, nhiều cánh đồng trước kia gặp lụt lớn tràn lên nên chuột chết nhiều; ngày nay các bãi đồng không bị nước lụt tràn đến nên chuột sinh sản thêm
Tại miền châu thổ, có nhiều bãi chim sống tại các rừng tràm; ven duyên hải nhiều loại  cò :cò quắm, cò xám, cò nâu, cò vàng, cò trắng mỏ đen, cò trắng mỏ vàng, cò trắng đầu đỏ và nhiều chim các loài như cưỡng, sáo. Có thể sử dụng các bãi chim làm du lịch sinh thái, thay vì giết hàng loạt (overhunting) hoặc đốn rừng bừa bãi (overcutting) khiến chim muông không nơi trú ẩn. 
Vì khai thác quá độ thủy sản trên sông (overfishing) nên tài nguyên cá cũng bị tổn hại nhiều .Nhiều vùng có mật độ đáy phân bố trên sông rất dày. An Giang, Đồng Tháp có những đáy dài đến 100-150 mét và các đáy có mắt lưới rất nhỏ nên nhiều cá con kể cả con ruốc cũng bị chết nên không thể làm giống để nuôi được.Đối với  cào cũng vậy: mắt  lưới nhỏ và cào sát đáy nên cũng lạm sát cá-tôm đồng thời  gây cản trở lưu thông trên sông. Lại thêm cào điện làm mọi loài  cá đều bị chết.  Nhiều loài cá có giá trị trên sông trở nên hiếm như cá hô, cá tra dầu, cá bống tượng. Do đó, cần có các biện pháp như nghiêm cấm cào điện .Không những rắn,rùa càng ngày bị khan hiếm mà tại các quán ăn Saigon hiện nay còn các đặc sản như nai, mễn, heo rừng, ba ba..như vậy tài nguyên sinh vật trong rừng chẳng bao lâu sẽ hết.
 Sự an toàn lương thực đòi hỏi tài nguyên nhiều hơn, trong khi nguồn nước là một vấn đề nan giải vì nước sinh hoạt, nước trồng tiả, nước dùng trong kỷ nghệ, nhà máy có giới hạn của nó. Bơm nước nhiều (overpumping) làm nước mặn xâm nhập sâu hơn vào đất nội địa, chưa kể dến cản trở lưu thông trên sông ngòi vì lượng nước thấp tàu bè trọng tải lớn không chạy được.
Đa dạng sinh vật
Sự thâm canh lúa bằng cách bón phân đạm quá nhiều làm lúa dễ mẫn cảm đối với sâu bệnh; ruộng bón quá nhiều đạm tạo ra các ổ dịch bệnh cháy lá (Pyricularia oryzae), bạc lá (Xanthomonas oryzae), khô vằn (Rhizoctonia solani), và rầy nâu(Nilaparvata lugens)
Đa dạng sinh học giảm đi (ít giống lúa, ít giống hoa màu, ít thảm thực vật) gây thêm nhiều rủi ro về kháng sâu bệnh; hoá chất sử dụng quá liều cũng tăng các rủi ro
Diện tích rừng ngập mặn ven duyên hải biển Đông cũng như rừng tràm bị suy giảm nghiêm trọng.Phá rừng ngập mặn nuôi tôm trong khi đó rừng này là nơi tôm cá sinh trưởng; phá rừng bừa bãi làm giảm luôn đa dạng sinh học .Các rừng tràm bị đốn phá lấy củi; nước mặn làm hủy hoại rừng tràm vì tràm chịu vùng nước lợ mà thôi. Tóm lại phải có cân bằng sinh thái song song với lợi ích kinh tế xã hội vì  khi  cán cân sinh thái đã nghiêng rồi thì cũng khó lập lại  cân bằng
Các biện pháp pháp lý như luật môi sinh chưa đủ mà còn phải được áp dụng nghiêm minh
Hiện tại và tương lai con người tùy thuộc vào sự bảo vệ tài nguyên vì giừa con người và thiên nhiên có các tác động qua lại; liên kết lợi ích con người và quan tâm đến môi sinh đó là phương cách hợp lý nhất để bảo vệ thiên nhiên; bằng cách đó, mỗi người cảm thấy có ý thức trách nhiệm về tài nguyên thiên nhiên và việc sử dụng đúng đắn.
Môi sinh và dân số cũng có tương quan chặt chẻ; thực vậy năm 1979, toàn châu thổ có 11 914 000 người và chỉ 14 năm sau (1993), đã tăng lên đến 15 531 600 người, nghiã là tăng thêm 2.2% mỗi năm.
Theo đà đô thị hoá và tăng gia dân số, nhịp độ chuyển từ đất nông nghiệp sang đất xây dựng (đất nhà ở, đất trường học ..) ngày một nhanh do đó, tỷ lệ đất nông nghiệp cũng sẽ giảm nhanh, kéo theo sự sút giảm diện tích canh tác cho mỗi lao động nông nghiệp.

Tại sao một 'O ' lại đẻ ra 4 'U '?
Sự gia tăng dân số quá nhanh (Overpopulation) gây ra nhiều hệ quả như sau:
.nghèo đói, suy dinh dưỡng nhất là trên các trẻ em (Undernutrition).
.thất học nhiều, nhất là vùng nông thôn (Undereducation), không đủ ăn, thiếu dinh dưỡng thì làm sao tập trung trí óc vào việc học được
.diện tích canh tác nhỏ dần kéo theo tình trạng khiếm dụng nhân công (Underemployment) đang xảy ra ở thôn quê: phần lớn hiện nay chỉ làm việc dưới 200 ngày trong một năm; thời gian rảnh rổi được thi vị hoá dưới danh từ nông nhàn thì ăn nhậu say sưa
.thành phần trẻ trong dân số rất cao,  áp lực mỗi năm trên thị trường nhân công đè nặng, nhiều thất nghiệp (Unemployment)

 Phát triển bền vững.
Cần để ý có 4 loại hình trong sự bền vững: bền vững về con người (human sustainability) ,bền vững về xã hội (social sustainability), bền vững mặt kinh tế (economic sustainabillity) và bền vững môi sinh (environment sustainability ). 4 loại hình này tác động hỗ tương với nhau, nghĩa là cần có những khoa học liên ngành để tạo sự hỗ trợ cho nhau : sinh vật học, khoa học nhân văn, khoa học tự nhiên, khoa học phát triển. Bền vững về con người nghĩa là phải đầu tư vào vốn con người như giáo dục, như điều hoà sinh đẻ ; bền vững xã hội là chú trọng đến người nghèo, người thất nghiệp sao cho xã hội có 'bộ mặt con người', nhân bản, không qúa chênh lệch, bền vững về môi sinh là bớt ô nhiễm, duy trì đa dạng sinh học, bền vững kinh tế là tăng trưởng trên căn bản không phá hoại môi sinh, rừng rú, thủy sản, không lạm thác tài nguyên, chỉ sử dụng phần lời của tài nguyên, không đụng chạm vào phần vốn vì phần vốn phải để dành cho các thế hệ mai sau .Thật ra, cả 4 loại hình trên đều có tác động hổ tương, qua lại lẫn nhau  và tiếp cận toàn bộ có nghĩa là 'cái toàn bộ lớn hơn một cái cọng lại của các phần' (the whole is more than a simple summation of the parts )

                                                                     *
                                                              *          *
Từ những nền văn hoá cổ truyền có gốc văn hoá nông nghiệp, ngày nay , nẩy sinh ra, theo đà đô thị hoá không chủ động được (uncontrolled urbanization) như ở Việt nam hiện nay ,những hiện tượng nào là tự do luyến ái, xì ke, xây cất nhà bừa bãi, đường kẹt, ngập lụt,tham nhũng
Do đó, cần vận dụng cái hay cái đẹp của văn hoá mà thôi : cái đẹp của văn hoá có nghĩa cụ thể là không còn hiện tượng tham nhũng trong các thiết chế của chính quyền ngày nay; không còn các tệ đoan xã hội như ma túy, nhậu nhẹt liên miên, cờ bạc như hiện nay ở Việt Nam (văn hoá ứng xử) hoặc ô nhiễm môi sinh trên khắp nơi mọi chốn, từ tiếng động điếc tai nhức óc suốt ngày với hàng vạn xe Honda 2 bánh, gây không biết bao nhiêu tai nạn lưu thông   đến ô nhiễm không khí (văn hoá nhận thức )...

                               Thái Công Tụng