Kinh Thành Huế xưa và nay

 Kinh Thành Huế

xưa và nay

Minh Vũ Hồ Văn Châm

Ngày 13-6-1801 (mồng 3 tháng 5 năm Tân Dậu), Nguyễn Phúc Ánh chiếm lại kinh thành Phú Xuân. Hai ngày sau, Nguyễn Phúc Ánh chính thức vào thành. Tháng 2 năm 1802,

Nguyễn Phúc Ánh đánh tan đạo quân phản công của Nguyễn Quang Toản ở lũy Trấn Ninh, thu phục toàn cõi Nam Hà. Trong lúc đó, Nguyễn Quang Toản chạy ra Bắc Hà, cải niên hiệu Cảnh Thịnh thành Bảo Hưng, sửa sang điện Kính Thiên trong thành Đông Đô, đắp đàn tròn ở Ô Chợ Dừa và khơi đầm vuông ở Hồ Tây tế cáo Trời Đất, sai Nguyễn Huy Lượng làm bài phú Tụng Tây Hồ ca ngợi công nghiệp nhà Tây Sơn, mưu tính việc lấy lại sông Gianh làm biên giới phân tranh nam bắc. Đã có sẵn dự tính thống nhất sơn hà, từ năm 1796, tại Gia Định, Nguyễn Phúc Ánh cho đúc tiền Gia Hưng, nay trước ý đồ của triều đình Tây Sơn, tháng 5 năm 1802, Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi vua tại Phú Xuân, lấy niên hiệu là Gia Long, và cử đại binh ra đánh chiếm Bắc Hà. Chỉ trong vòng hai tháng, quân nhà Nguyễn đã bắt trọn vua quan nhà Tây Sơn. Ngày 20-7-1802, vua Gia Long vào thành Đông Đô, giữ nguyên việc nhà Tây Sơn đổi tên đô cũ của nhà Lê làm Bắc Thành (Minh Mạng đổi lại là Hà Nội), và trở nên ông vua nhất thống nam bắc.

            Sau khi lấy được Bắc Hà, vua Gia Long liên tiếp gửi 2 sứ bộ sang Tàu cầu phong và xin đặt quốc hiệu là Nam Việt. Vua Càn Long nhà Mãn Thanh sợ Gia Long có ý đồ khôi phục Lưỡng Quảng, nên phong cho Gia Long tước hiệu Việt Nam quốc vương. Vua Gia Long phải ra Bắc Thành để làm lễ thụ phong. Các vua Minh Mạng và Thiệu Trị về sau cũng đều phải ra thành Hà Nội làm lễ thụ phong. Chỉ đến đời Tự Đức mới làm lễ thụ phong ở Huế. Sau khi lên ngôi, Minh Mạng đổi quốc hiệu lại là Đại Nam. Ngày 4-5-1945, Bảo Đại đổi trở lại là Việt Nam.
            Vua Gia Long cải các xứ ở Đàng Ngoài thành trấn cho giống với Đàng Trong, và để cho 2 miền bắc nam tự trị rộng rãi bằng cách đặt 2 toà Tổng Trấn Bắc Thành và Gia Định Thành. Từ Thanh Hoa ngoại trấn (Minh Mạng đổi tên là Ninh Bình) trở ra thuộc Bắc Thành, từ Biên Hòa trở vào thuộc Gia Định Thành. Miền giữa gọi là Trực Lệ hay Trực Kỳ, gồm một số trấn và dinh. Chính dinh Phú Xuân thời các chúa Nguyễn nay gọi là dinh Quảng Đức, nơi có kinh thành Phú Xuân. Đến đời Minh Mạng, các tòa Tổng Trấn Bắc Thành và Gia Định Thành được bãi bỏ, các trấn và dinh được đổi thành tỉnh trực thuộc triều đình. Riêng chính dinh Quảng Đức được cải thành phủ Thừa Thiên, gộp cùng với kinh thành Huế thành Kinh sư. Vua Minh Mạng lại lấy đất Cao Mên lập Trấn Tây Thành gồm có 33 phủ và 2 huyện, cử Trương Minh Giảng làm Tổng Trấn. Nhà vua lại lập thêm một số phủ ở Trung và Hạ Lào, sai Nguyễn Văn Xuân đưa A Nội trở lại Viên Chân làm vua và cho quân ở lại bảo hộ. Về sau, Thiệu Trị rút bỏ Trấn Tây Thành. Cuối đời Tự Đức, 6 tỉnh Nam Kỳ và 3 thành phố Hà Nội, Hải Phòng và Đà Nẵng trở thành nhượng địa của Pháp. Người Pháp còn cắt phủ Cần Bột và phần đất phía tây kênh Vĩnh Tế nhập vào xứ Cao Mên, lấy tất cả đất đai phía tây đường phân thủy Trường Sơn nhập vào xứ Lào, chia lãnh thổ Đại Nam còn lại làm 3 xứ Bắc Kỳ, Trung Kỳ, và Nam Kỳ, gộp chung 5 xứ lại thành Đông Dương thuộc Pháp. Thủ phủ của Đông Dương thuộc Pháp trước ở Sài Gòn, đến năm 1902 thì dời ra Hà Nội. Huế chỉ còn là kinh đô của xứ Trung Kỳ. Ngày 11-3-1945, Huế trở lại là kinh đô của Đế quốc Việt Nam gồm cả 3 miền Trung, Nam, Bắc, cho đến ngày 25-8-1945, Bảo Đại tuyên chiếu thoái vị, chấm dứt triều đại nhà Nguyễn.
            Sau khi chiếm lại Phú Xuân và lên ngôi vua, Gia Long ở và làm việc tạm thời tại tòa thành cũ trên Vương đảo của Võ vương Nguyễn Phúc Khoát, trên bờ sông Hương, đoạn giữa 2 sông Kim Long và Bạch Yến, từ Long Hồ đến Tiên Nộn. Nhà vua bắt tay ngay vào việc thiết kế trên nền tòa thành cũ một tòa thành rộng lớn hơn, lấy núi Ngự làm bình phong, sông Hương làm minh đường, Cồn Hến làm thanh long, Dã viên làm bạch hổ, trong địa phận tổng Phú Xuân, bao gồm các làng Phú Xuân, Vạn Xuân, Diên Thái, An Vân, An Hòa, An Mỹ, An Bảo, Thế Lại. Công việc xây đắp bắt đầu năm 1805 dưới triều Gia Long, và hoàn tất năm 1832 dưới triều Minh Mạng, ròng rã 27 năm trời, huy động thường xuyên 30 nghìn nhân lực, làm việc dưới sự điều khiển của Giám Thành Nguyễn Văn Yên.
Vòng ngoài của thành Huế gọi là Kinh Thành cao 6 mét 60, dày 21 mét, rộng 525 hecta, chu vi 10 kilômét. Tường thành xây bằng gạch vồ, gồm 3 lớp, mặt thành bằng phẳng, chia làm 2 cấp,  voi ngựa đi lại được, tường ngoài có những ô trống để trí súng đại bác. Thành có 10 cửa, bên trên có vọng lâu, và 2 thủy quan, thông nước Ngự hà với hệ thống sông và hào bao quanh thành. Chính giữa mặt trước có kỳ đài với cột cờ cao 55 mét, dựng năm 1817. Đằng trước kỳ đài là Phu Văn Lâu, dựng năm 1819, và Nghinh Lương Tạ sát bờ sông Hương. Bên trong 2 cửa Thể Nhân và Quảng Đức có nhà súng che cho 9 khẩu súng đồng rất lớn gọi là cửu vị thần công. Chung quanh thành có hào sâu, có cầu gạch bắc ngang để vào các cổng thành. Xa một chút, mặt trước có sông Hương, mặt tả có sông Đông Ba, mặt hữu và mặt sau có Hộ Thành Hà. Các sông Kim Long và Bạch Yến thời trước được lấp đi. Trong khuôn viên Kinh Thành còn có Cơ Mật Viện, Lục Bộ, Di Luân đường, Long An điện, Tàng Thơ lâu, Xã Tắc đàn, Âm Hồn miếu và Trấn Bình đài.
Vòng thành bên trong gọi là Hoàng Thành cao 4 mét, dày 1 mét, khởi công xây cất năm 1804. Hoàng Thành có 4 cửa: Ngọ Môn, Hiển Nhơn, Chương Đức và Hòa Bình. Các công trình chính trong Hoàng Thành là điện Thái Hòa và lầu Ngọ Môn. Điện Thái Hòa khởi công tháng 2 năm 1805, đến tháng 10 thì xong. Điện Thái Hòa được xây cất theo lối trùng thiềm điệp ốc, mái chồng lên nhau 2 tầng nên rất cao, nhà ghép liền sát 3 cái nên rất rộng. Điện Thái Hòa là nơi đặt ngai vàng, nơi cử hành lễ Đăng Quang, lễ Vạn Thọ, nơi thiết triều, tiếp sứ. Chính tại điện Thái Hòa Gia Long đã chính thức làm lễ Đăng Quang năm 1806, mặc dù nhà vua đã lên ngôi từ năm 1802. Trước điện Thái Hòa là sân Đại Triều Nghi, từ nơi này vượt qua cầu Trung Đạo thì đến lầu Ngọ Môn. Lầu Ngọ Môn được xây dựng năm 1833, dưới triều Minh Mạng, thay thế Nam Khuyết Đài đời Gia Long. Ngọ Môn có 5 cửa, 9 mái lầu. Chính tại đây chiều 25-8-1945, Bảo Đại đã đọc chiếu thoái vị, chấm dứt 143 năm triều đại nhà Nguyễn.
Vòng thành trong cùng là Tử Cấm Thành, rộng 10 hecta, là nơi ở và làm việc của vua và hoàng gia. Các công trình bên trong Tử Cấm Thành được tái quy hoạch năm 1833, dưới triều Minh Mạng. Qua Đại Cung Môn là điện Cần Chánh, hai bên có Tả Vu và Hữu Vu, đằng trước có 2 vạc đồng lớn đúc xong năm 1662 dưới thời chúa Hiền vương. Đàng sau điện Cần Chánh là cung Càn Thành, sau nữa là điện Kiến Trung.     Trong Tử Cấm Thành còn có Tam cung (Diên Thọ, Tràng Sinh, Khôn Thái) là nơi ở của Hoàng thái hậu, Thái Hoàng thái hậu, Hoàng hậu, Hoàng quý phi, và Lục viện (Thuận Huy, Đoan Thuận, Đoan Hòa, Đoan Huy, Đoan Tường, Đoan Trang) là nơi ở của các cung tần. Ngoài ra còn có Nhật Thành lâu, Dưỡng Tâm lâu, Thiện Thượng lâu, Tịnh Quang điện, Duyệt Thị đường, Thái Bình lâu, Ngự Tiền Văn phòng. Các công trình trong Tử Cấm Thành đều đã bị chiến tranh hùy hoại. Cũng như điện Thái Hòa và điện Long An, điện Cần Chánh, các cung Càn Thành, Diên Thọ, Trường Sanh, Khôn Thái v.v. trong Tử Cấm Thành đều xây dựng theo lối trùng thiềm điệp ốc, mái lợp ngói hoàng lưu ly, sân lát đá Thanh hoặc gạch Bát tràng, nóc nhà, đòn đao trang trí họa tiết pháp lam, đố bản chạm trổ theo lối nhất thi nhất họa, vô cùng công phu và tinh tế.
Trong Hoàng Thành còn có khu miếu thờ tổ tiên và vua chúa nhà Nguyễn: Triệu miếu, Thái miếu, Hưng miếu, Thế miếu. Ngoài ra còn có Phụng Thiên miếu để cho nữ giới đến lễ bái, và Hiển Lâm các thờ các công thần. Trước sân Thế miếu có 9 đỉnh đồng lớn đúc dưới triều Minh Mạng, gọi là cữu đỉnh, khởi công từ năm 1835 đến năm 1837 mới xong, mỗi đỉnh nặng từ 2000 đến 2500 kilôgam, với 153 hình ảnh tiêu biểu sông núi cây cỏ và cầm thú nước Đại Nam chạm khắc quanh thân đỉnh.
Chung quanh Kinh Thành Huế có nhiều quần thể kiến trúc như miếu Văn Thánh, đàn Nam Giao, chùa chiền, giáo đường, phủ thờ các thân vương, dinh thự các đại thần, và đặc biệt là lăng tẩm các vua nhà Nguyễn.
Lăng Gia Long, còn gọi là Thiên Thọ lăng, khởi công năm 1814 và hoàn tất năm 1820, nằm giữa lòng một quần sơn 42 ngọn núi, với diện tích 128 kilômét vuông, chung quanh không có la thành mà chỉ có rừng thông bát ngát và những trụ biểu vòi vọi uy nghi. Chính giữa một ngọn đồi bằng phẳng là 2 ngôi thạch thất xây theo lối càn khôn hiệp đức, nơi an nghỉ nghìn thu của vua Gia Long và Thừa Thiên Cao Hoàng hậu. Đằng trước là đìện Minh Thành. Xa hơn một chút là Thiên Thọ hữu lăng với điện Gia Thành, nơi chôn cất và thờ phụng Thuận Thiên Cao Hoàng hậu, mẹ vua Minh Mạng. Giáo sĩ R. D. Cadière trước đây có khuyến cáo khách thăm lăng Thiên Thọ nên đến vào buổi chiều để chiêm ngưỡng nét đẹp tuyệt vời của núi rừng cây cỏ dưới ánh chiều tà.
           Lăng Minh Mạng được xây cất theo một trục thần đạo 70 mét trong một la thành chu vi 1720 mét. Từ ngoài vào là Đại Hồng môn, tiếp đến là sân chầu với văn võ bá quan và voi ngựa bằng đá, rồi đến Bi đình, qua sân 4 bậc đến Hiển Đức môn, Sùng Ân điện, Hoàng Trạch môn, xuống 17 bậc thềm, vượt hồ Trừng Minh bằng 3 cây cầu Chính Đạo, Tả Phù, Hữu Bật, đến Minh lâu hình vuông có 2 tầng và 8 mái, tượng trưng cho càn khôn, lưỡng nghi, tứ tượng, và bát quái, đi tiếp giữa 2 trụ biểu và 2 vườn hoa, tượng trưng cho vinh hoa phú quý của hoàng gia ở cả hai cõi âm dương, qua cầu Thông Minh Chính Trực bắc ngang Tân Nguyệt trì là đến Bữu thành, nơi chôn cất quan quách nhà vua. Lăng Minh Mạng chỉ xây trong 3 năm là xong nhưng phải mất 14 năm suy nghĩ thiết kế, là một công trình kiến trúc kết tụ tinh túy của hội họa, thi ca và triết học.
Ngoài ra còn có lăng Thiệu Trị chân phương với hồ Ngưng Thúy, lăng Tự Đức tráng lệ rộng 225 hecta, hòa hợp cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng với 50 công trình nhân tạo tinh xảo:

Tứ bề núi phủ mây phong,
Mảnh trăng thiên cổ, bóng tùng vạn niên.

và khu An lăng giản dị, nơi chôn cất các vua Dục Đức, Thành Thái, Duy Tân.
            Tiếp đến lăng Đồng Khánh, nguyên là điện thờ Kiên thái vương, đuợc vua Khải Định chỉnh trang năm 1916, với điện Ngưng Hy, là bước chuyển tiếp giữa phong cách kiến trúc cổ truyền của lăng Tự Đức và phong cách hiện đại xây cất theo kỷ thuật Tây phương của lăng Khải Định. Thật vậy, lăng Khải Định là sự giao thoa văn hóa Á Âu trong nghệ thuật kiến trúc. Xi măng cốt sắt đã thay thế gỗ lim, gỗ kiền kiền, ngói ardoise đã thay thế ngói hoàng lưu ly, gạch carreau đã thay thế gạch bát tràng, nhưng vẫn còn quan binh voi ngựa bằng đá hai bên sân chầu, vẫn còn hoa văn, họa tiết mang mầu sắc phương đông trên nóc điện, trên vách tường nội thất. Nghệ nhân Phan Văn Tánh và đồng sự đã đưa nghệ thuật tạo hình sành sứ và thủy tinh lên đỉnh cao với các bức phù điêu và bích họa tuyệt mỹ trong cung Thiên Định và điện Khải Thành. Đặc biệt là cái bửu tán xi măng cốt sắt che trên bức tượng đồng trông linh động tưởng như may bằng nhung lụa.
            Ngoài lăng tẩm các vua Nguyễn còn có lăng mộ các chúa Nguyễn và các nhà quý tộc ở Huế. Đáng lưu ý nhất là lăng Ba vành ở làng Cư Chánh, kế cận lăng Thiệu Trị và lăng Tự Đức. Giáo sư Nguyễn Thiệu Lâu nghi rằng đây là di tích lăng vua Quang Trung Nguyễn Văn Huệ. Nhưng Lý trưởng làng Cư Chánh đã có tờ trình lên Tòa Khâm sứ Trung Kỳ rằng đây là lăng Ý Đức hầu. Quả thật ngày nay bên trong khuôn thành có mộ Ý Đức hầu. Có điều là vòng thành trong của lăng Ba vành có vết tích đào bới như để lấy hài cốt đi, và quy mô lăng Ba vành quá rộng lớn đến mức độ khó hiểu đối với lăng mộ của một ông quan. Chả lẽ trong những điều kiện bình thường thời phong kiến mà con cháu Ý Đức hầu lại vô ý thức xây lăng mộ cha ông to rộng và bề thế hơn lăng mộ chúa Võ vương bội phần?
            Còn chuyện nữa đáng nói là Đàn Nam Giao, nơi các vua Nguyễn cử hành lễ tế trời đất, 3 năm một lần. Đàn Nam Giao xây đắp dưới triều Gia Long, lấy đất từ 45 tỉnh thành trong cả nước gom lại. Đàn gồm 2 tầng, tầng dưới vuông, tầng trên tròn, và trai cung ở giữa rừng thông, chung quanh có thành cao bao bọc. Rừng thông do các quan triều theo lệnh vua mỗi người trồng một cây, có ghi tên họ chức tước, và tự tay lo việc chăm sóc. Sau năm 1946, trai cung và tường thành bị phà hủy, rừng thông bị chặt làm củi đốt. Đàn Nam Giao lâm vào tình trạng hoang tàn đổ nát. Năm 1955, Tổng Thống Ngô Đình Diệm cho sửa sang lại  nền đàn. Theo nhà văn Thanh Tịnh viết trên tạp chí Sông Hương ấn hành ở Huế sau năm 1975 thì trong lòng đất bên dưới nền đàn Nam Giao có một hệ thống cộng âm rất tinh xảo, xây bằng những phiến đá Thanh ghép thành hộc, người đứng trên nền đàn cất tiếng nói hay hát có thể nghe được từ xa 3,4 trăm mét. Thanh Tịnh ghi lại hồi ức trước năm 1945, lúc làm phán sự phòng du lịch tòa Khâm sứ Trung Kỳ, đã có dịp hướng dẫn vợ chồng một vị Bá tước người Pháp thăm đàn Nam Giao. Người chồng đứng trên nền đàn nói với giọng bình thường mấy tiếng Salut, grand talent! và người vợ đứng cách xa 400 mét đã hân hoan khoa tay gật đầu tỏ ý nghe rõ. Tiếc rằng sau năm 1975, ty Thông tin Văn hóa Bình Trị Thiên đã đào bới nền đàn Nam Giao để đổ móng xây đài tưởng niệm chiến sĩ, các phiến đá Thanh đã bị tháo gỡ và tẩu tán, và cái công trình văn hóa mang đậm dấu ấn lịch sử rất đáng được trân trọng đó đã bị hủy diệt bởi bàn tay những người làm văn hóa mà thiếu ý thức văn hóa.
Từ năm 1558, khi Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa, hay chính thức hơn, từ năm 1629, khi Nguyễn Phúc Nguyên ‘Dư bất thụ sắc’, không nhận sắc phong của vua Lê, vùng Huế là trung tâm quyền lực của xứ Đàng Trong. Từ năm 1802 đến năm 1945, vùng Huế là đất Kinh Sư, là kinh đô của nước Việt Nam thống nhất. Sau năm 1945, quyền lực chính trị chuyển về 2 trung tâm Hà Nội và Sài Gòn, vùng Huế trở thành Cố Đô Huế mà thực chất chỉ là một tỉnh Thừa Thiên-Huế không có tiềm năng kinh tế, đổ nát, điêu tàn, và bị bỏ quên.
            Tuy rằng đã có lúc Huế bị nhà cầm quyền Hà Nội xếp vào loại thành phố hạng 3, ngang tầm với các thành phố Lạng Sơn và Cà Mâu, và điều này đã khiến Hiệp Hội Kiến trúc sư Việt Nam phản đối kịch liệt, nên được xếp hạng lại thành loại thành phố đặc biệt, mặc dù vậy, Huế ngày nay vẫn được đa số người Việt Nam xem là vốn liếng văn hóa nước nhà rất đáng trân trọng, và tổ chức UNESCO đã xếp các quần thể kiến trúc ở Huế vào danh sách các di sản văn hóa thế giới. Mặt khác, vì ở vị trí trung độ bắc nam của Việt Nam, và đầu mối hành lang đông tây của bán đảo Đông Dương với cảng biển nước sâu Chân Mây và đường bộ xuyên sơn Hải Vân, Huế vẫn luôn luôn là một điểm chiến lược quan yếu, vừa là điểm tựa của chiếc đòn gánh sơn hà Việt Nam, vừa là căn cứ thâm nhập và khai thông nội địa các xứ Tây Nguyên, Thượng Lào, Bắc Thái. Trong tương lai, Huế kết hợp với Đà Nẵng thành một phức hợp đô thị hoàn chỉnh để trở thành trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa của miền Trung, góp phần vào việc hóa giải  các mâu thuẩn nam bắc, củng cố nền thống nhất quốc gia, tô bồi tình đoàn kết dân tộc.
            Nhưng đó là chuyện của tương lai. Còn thực tế hôm nay là cố đô của vương triều Nguyễn dưới bàn tay nhà cầm quyền cộng sản cứ tiếp tục kéo lê cuộc sống héo mòn lây lất, kể từ đêm 19-12-1946, khi phải hứng chịu nhát dao trí mạng ‘tiêu thổ kháng chiến’. Sau khi tháo gỡ khuân vác tất cả bảo vật trong Đại Nội ra vùng quê Khu IV, nhân danh kháng chiến chống ngoại xâm, nhà cầm quyền cộng sản đã cho đặt mìn hũy hoại tất cả các quần thể kiến trúc trong Tử Cấm Thành. Sau ngày quân cộng sản rút khỏi Huế, khách du lịch đến tham quan Đại Nội chỉ còn nhìn thấy lầu Ngọ Môn với điện Thái Hòa là nguyên vẹn, chứ cất bước vòng ra đằng sau điện Thái Hòa, khách tham quan sẽ ngỡ ngàng trước quang cảnh hoang tàn đổ nát ngoài sức tưởng tượng của cố cung nhà Nguyễn. Từ Đại Cung môn trờ vào là một núi gạch đá ngổn ngang, còn đâu điện Cần Chánh, còn đâu cung Càn Thành, còn đâu lầu Kiến Trung? Tam cung, Lục viện, Nhật Thành lâu, Dưỡng Tâm lâu, Thiện Thượng lâu, Tịnh Quang điện, Duyệt Thị đường, Thái Bình lâu, v.v., cái còn thì đỗ nát bày nền trơ vách, cái mất thì một chút dấu tích cũng không còn!
               Các quần thể kiến trúc vùng ven đô cũng cùng chung số phận, một phần bị phá hủy vì chính sách tiêu thổ kháng chiến, một phần vì bom đạn giao tranh, một phần nữa vì cả Pháp lẫn Việt Minh không phe nào kiểm soát được tình hình và chịu trách nhiệm an ninh nên dân chúng thừa cơ lẻn vào cướp phá. Các đồi thông Ngự Bình, Nam Giao, Thiên An, Vọng Cảnh bị chặt trụi để làm củi đốt, đồ thờ tự bằng vàng trong 7 tầng tháp Phước Duyên chùa Thiên Mụ và đồ ngự dựng bằng sứ ký kiểu men lam Huế trong các lăng tẩm không cánh mà bay mất. Các con rùa đội bia tiến sĩ ở miếu Văn Thánh con thì đứt đầu, con thì cụt đuôi, trông thật thảm hại. Phủ đệ các vương công, tư dinh các đại thần, thảy thảy đều bị thiêu rụi theo đúng chính sách tiêu thổ kháng chiến, nay chủ nhân các quần thể kiến trúc đó, người thì bị hành hình, người thì phải chạy trốn, nếu họ còn có con cháu ở lại thì những người này cũng trở nên nghèo khó, không còn khả năng tái thiết, đành để nền nhà biến thành ruộng rau bãi sắn, trông đến não lòng. Rồi chiến tranh liên miên, bom đạn vô tình tiếp tay cho sự tàn phá. Mấy mươi trụ biểu uy nghi vòi vọi quanh lăng Thiên Thọ tiếp nhau gục ngã, cuối cùng chỉ còn có hai cái đứng vững đến ngày nay. Vùng Huế lại ẩm ướt, thường xuyên giông bão, lũ lụt, không có cơ quan  chủ quản và ngân khoản bảo trì nên cữa thành Quảng Đức sụp đỗ, mái điện Khải Thành tốc nóc, v.v., các di tích lịch sử mỗi ngày một xuống cấp, sự thiệt hại về cả hai mặt vật chất và văn hóa thật là to lớn.
         Cũng may là các chính quyền tiếp theo, một phần tự lực, một phần nhờ sự tiếp tay của các cơ quan văn hóa nước ngoài, đã cố công chặn đứng sự hủy thể hoàn toàn và hạn chế sự đỗ nát của các quần thể kiến trúc Kinh Thành Huế. Một số công trình lại còn được trùng tu, phục dạng, tái thiết. Cửa Quảng Đức đã được xây lại y hệt như trước, đàn Nam Giao tuy không còn Trai cung và rừng thông chung quanh nhưng các nền đàn đã được sửa sang lại như cũ. Lầu Ngọ Môn bị xiêu vẹo vì chiến cuộc Mậu Thân cũng được dựng lại, và điện Thái Hòa được trùng tu, thay thế các vĩ kèo mục ãi, sơn phết lại các phần loang lỗ của giàn trò và nóc điện.
            Sau năm 1975, buổi đầu, Kinh Thành Huế phải đối mặt với thái độ thờ ơ ghẻ lạnh của chính quyền và hành trạng vô trách nhiệm của những người lính gốc nông dân của đội quân chiếm đóng. Báo chí nước ngoài, đặc biệt là báo chí Pháp, đăng tải những bài tường thuật của phóng viên hoặc khách du lịch, đại loại mô tả hoạt cảnh những người lính lom khom thổi cơm trước sân Thế Miếu, đun bếp bằng những thanh củi chẻ nhỏ từ gỗ rui mèn mái nhà, và rữa rau với nước chứa trong mấy cái đỉnh đồng mỗi cái nặng 2500 kí lô sắp thành hàng 9 cái trong sân. Suốt hàng mươi năm sau, theo với phong trào cải thiện đời sống, các đơn vị bộ đội cũng như các cơ quan dân sự nhà nước thi đua nhau làm kinh tế. Thế là Ngọ Môn 5 cửa 9 mái lầu trở thành quán cà phê, lối đi chính vào Hoàng Thành trở thành bãi giữ xe đạp. Rất lâu về sau, theo với trào lưu đổi mới kinh tế, ngành du lịch phát triển, khách nước ngoài và Việt kiều đến Huế tham quan mỗi ngày một đông đảo. Vì lý do lợi nhuận, nhà cầm quyền địa phương mới thay đổi thái độ trong việc ứng xử với các di tích lịch sử của nhà Nguyễn. Các quần thể kiến trúc bắt đầu được lưu tâm sửa sang đỗ nát, thu dọn rác rến, che chắn nắng mưa.
           Triều đình nhà Nguyễn, thường gọi là Nam Triều, từ năm 1885, sau khi Đồng Khánh lên ngôi vua, đã trở thành công cụ trong tay người Pháp để đánh dẹp phong trào cần vương của văn thân và phong trào giải phóng dân tộc của các tổ chức chính trị chống Pháp. Các quan lại Nam Triều thường làm việc thẳng với sở Liêm Phóng Đông Dương và đã tỏ ra rất đắc lực trong công tác đàn áp những người yêu nước Việt Nam. Bởi vậy, đảng Cộng sản Đông Dương ngay từ lúc mới thành lập đã lấy việc lật đỗ Nam Triều làm mục tiêu hàng đầu trong chính cương do Tổng bí thư Trần Phú đệ trình trước Đại hội Đảng vào tháng 11 năm 1930 tại Hóc Môn. Sau này, khi có chính quyền trong tay, Nhà Nước cộng sản vẫn một mực giữ thái độ thù hận với triều Nguyễn, không những chê bai việc làm của vua quan nhà Nguyễn sau năm 1885, mà phủ nhận luôn tất cả công nghiệp của họ Nguyễn thời trước đó. Các người viết sử  Trần Văn Giàu, Phan Huy Lê không tiếc lời mạ lỵ Gia Long cầu viện người Pháp trong lúc hết lòng ca ngợi Tây Sơn mà quên không nghĩ rằng Tây Sơn cũng đã từng cầu cạnh người Anh Chapman giúp đỡ vũ khí. Nhà Huế học xã hội chủ nghĩa Phan Thuận An đã nghe lời gợi ý của Nguyễn Khoa Điềm mà viết bài ‘Tướng ấy không phải là danh tướng Ngô Văn Sở ’ trên Tạp chí Sông Hương để khẳng định rằng tướng Ngô Văn Sở theo Nguyễn Ánh khác với tướng Ngô Văn Sở theo Nguyễn Huệ. Sự thực đó chỉ là một người. Ngô Văn Sở trước theo Quang Trung làm Tổng trấn Bắc thành, sau theo Gia Long làm Trấn thủ Thanh Hoa ngoại trấn. Nhưng dưới con mắt chủ quan, tướng ấy (tướng của Gia Long) nhất định không phải là danh tướngNgô Văn Sở (tướng của Quang Trung).
              Cũng may Phan Thuận An là người biết phục thiện, sau khi nhiều độc giả thẳng thắng góp ý, và nhất là con cháu Ngô Văn Sở ở làng Thuận Bài lên tiếng phản đối, đã chịu viết bài công khai đính chính sự lầm lẫn của mình. Cũng như giới trí thức Việt Nam hiện ở trong nước không phải toàn một duột như Trần Văn Giàu, Phan Huy Lê, mà vẫn có những tác giả khác như Trần Quốc Vượng, đã đánh giá lại công nghiệp các vua chúa triều Nguyễn. Về phía nhà cầm quyền, sau khi chiếm miền nam, chẳng những đã đưa Tạ Chí Đại Trường đi trại tập trung, mà còn khăng khăng ép nhà sử học này viết tự kiểm phũ nhận quan điểm của mình trước đây về triều Nguyễn. Trước lập trường kiên định của Tạ Chí Đại Trường, các cán bộ giáo dục trại tập trung đành phải nhượng bộ. Ngày nay, trước xu thế suy nghĩ độc lập của giới trí thức, và nhất là trước nhu cầu trùng tu di tích Huế để phục vụ và phát triển ngành du lịch để thâu lợi nhuận, nhà cầm quyền đã từ bỏ thái độ ghẻ lạnh đối với các quần thể kiến trúc cung đình của cố đô. Hơn nữa, các tổ chức văn hóa nước ngoài, nhất là Pháp và Liên Hiệp Quốc, đã tích cực yểm trợ tinh thần và tài chánh cho công việc trùng tu và phục chế. Sau lễ hội Huế Festival 2000, bộ mặt các di tích lịch sử Huế đã cải tiến, trông không đến nổi hoang tàn đổ nát thảm hại đến đau lòng như trước đây.
          Tuy vậy, việc trùng tu tái thiết các quần thể kiến trúc ở Huế hiện nay lại phải đối mặt với một nguy cơ mới, đó là sự hạ thấp mỹ thuật cung đình. Đây không phải là ý kiến chung chung của khách tham quan, mà là nhận xét của hầu hết họa sĩ, kiến trúc sư, nhà nghiên cứu mỹ thuật, khi đề cập đến việc trang trí trên các công trình vừa được trùng tu trong Hoàng Thành.
            Cung Diên Thọ, được trùng tu từ năm 1997, ngay từ cổng vào phía bên trái có bức bích họa trúc tuớc, nhưng đôi chim tước đã bay đi đâu mất (đã long lỡ vì chất lượng kém của keo kết dính) chỉ còn trơ lại cành trúc với lối vẽ sơ sài đến tội nghiệp. Trong khuôn viên gác Khương Ninh phía sau cung Diên Thọ có 2 ngôi đền được xây lại và sơn quét bằng vôi màu và trang trí những hình vẽ theo mô típ ngư tiều canh mục, với lối vẽ ngô nghê trông hệt các am miễu trong các thôn xóm miền quê. Họa sĩ Phan Thanh Bình, giảng viên trường Đại học Nghệ Thuật Huế nhận xét: ‘Ngay thợ tay ngang thường vẽ trên tường các am miễu cũng không đến nổi kém cõi như thế.’ Kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính, một chuyên gia về trùng tu di tích thì phát biểu rằng: ‘Các bức vẽ là do thợ tự nghĩ ra và thực hiện một cách tùy hứng. Làm gì có ngư tiều canh mục trong cung điện. Mỹ thuật cung đình mà như thế này thì hạ lưu quá’. Thế miếu sau khi trùng tu được phủ sơn và vôi màu sắc loè loẹt, khiến nhà nghiên cứu Mai Khắc Ứng, nguyên Trưởng Phòng nghiên cứu đơn vị quản lý di tích này lên tiếng than thở: ’Đó không thể là màu của mỹ thuật cung đình Nguyễn’. Kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính nói thêm: ’Mỹ thuật Nguyễn đúng là đa sắc, nhưng nhiều màu khác với loè loẹt và không hề rẻ tiền’. Bức tranh mai điểu ở cổng bên trái Hưng miếu, cây mai thì đắp nổi ước lệ, bên cạnh lại có một cây khác vẽ trên mặt phẳng theo lối tả thực, khiến màu sắc và bố cục không thể nào hài hòa. Họa sĩ Vĩnh Phối, nguyên Hiệu phó trường Đại học nghệ thuật Huế phân tích: ‘Các nghệ nhân ngày xưa vẽ theo bút pháp thủy mặc, còn thợ bây giờ vẽ theo cách tả thực. Ngày xưa nghệ nhân có kỹ thuật vẽ trên vữa ướt nên tranh chín màu và bền vững với thời gian, còn thợ ngày nay nếu không có chân truyền chắc không làm được’.
            Tình trạng hạ thấp mỹ thuật cung đình trong việc trùng tu di tích ở Huế có 2 nguyên do chính yếu. Thứ nhất là sự tắc trách của cơ quan chủ trì việc chỉnh trang phục chế không biết tôn trọng nguyên tác, không tra cứu tìm tòi tài liệu để hiểu rõ nguyên tác, không cố gắng phục dạng đúng y nguyên tác. Thứ hai là chế độ gọi thầu trong một cơ chế độc tôn độc quyền như chế độ xã hội chủ nghĩa hiện nay không có tiếng nói đối lập đã đưa đến hệ quả là việc giám sát thi công sơ sài, việc tiếp nhận công trình dễ dãi, nên nhà thầu chỉ tuyển mộ những tay thợ bình thường chịu lấy công rẻ để có nhiều lợi nhuận chia chác cho các phần tử có chức có quyền. Nhà nghiên cứu Mai Khắc Ứng đã nói rất rõ về điểm này: ‘Đúng là đất Huế có nhiều thợ giỏi, nhưng liệu thợ giỏi của Huế đã được chọn vào làm trong đó chưa?’ Ngày xưa, các kiến trúc cung đình do chính nhà vua chủ xướng, việc giám sát do quan đại thần đảm trách, việc thi công do những phường thợ chuyên nghiệp thực hiện, tổ chức thành những nhóm riêng biệt: nề ngõa, sơn thếp, pháp lam, mộc chạm, đúc đồng, ghép sành sứ, v.v., dưới sự đôn đốc hướng dẫn của các thợ cả bậc thầy đáng mặt nghệ nhân. Làm tốt công tác thì được ban thưởng tiền bạc phẩm hàm, làm dối trá, tắc trách thì không những mất chức mất quyền mà còn bị tù bị tội. Thời cận đại, ở Huế vẫn còn vang danh ông Cữu Tánh, người thợ ghép sành sứ, tác giả các bức bích họa trong điện Khải Thành lăng Khải Định. Sau năm 1975, phường thợ chạm Mỹ Xuyên không có công ăn việc làm ở Huế đã kéo nhau vào Sài Gòn mở tiệm đồ gỗ nhại các kiểu xưa, tạo thành trường phái đồ gỗ Mỹ Xuyên, lưỡng lập với trường phái Bắc Hà ở đất Nam Đô. Thợ giỏi ở Huế trước đây đời nào cũng có. lẽ nào ngày nay không còn có ai sao?
            Người Việt Nam chúng ta vốn đã mang tiếng ‘Việt tục bất hiếu cổ’. Chúng ta ngày nay còn giữ được chút gì xưa cũ thì nên chắt chiu trân trọng. Kinh Thành Huế đã một lần bị cướp phá tàn bạo năm 1885 bởi đạo quân thổ phỉ De Courcy. Nhưng mất mát chủ yếu lần đó là vàng bạc ngọc ngà trong Tử Cấm Thành, bị thiêu hủy chủ yếu lần đó là công văn lưu trử của Lục Bộ và sách vở của lầu Tàng Thơ, chứ đền đài cung điện không đến nổi lâm cảnh hoang tàn đổ nát. Cho đến năm 1945, Kinh Thành Huế còn giữ được bộ mặt huy hoàng tráng lệ, và tự điển Larousse của Pháp ngày đó ghi chú về thành phố Huế với mấy chữ ‘Beaux monuments’. Sau năm 1946, với chính sách tiêu thổ kháng chiến, Kinh Thành Huế chẳng còn gì. Ngày nay, trước xu thế bảo toàn di sản văn hóa thế giới của UNESCO, trước nhu cầu trùng tu di tích lịch sử để kinh doanh du lịch, cùng với sự yểm trợ tinh thần và tài chánh của các tổ chức văn hóa nước ngoài, nhà cầm quyền hiện nay đã lưu tâm bắt tay vào việc chỉnh trang phục chế các quần thể kiến trúc ở Huế.
            Đáng tiếc là nhà cầm quyền đã để cho công việc trùng tu tiến hành một cách vội vã và tắc trách, nếu không nói là bôi bác, mang lại hậu quả đáng buồn làm tổn thương niềm tự hào về trình độ văn minh của dân tộc, đó là việc hạ thấp mỹ thuật cung đình xuyên qua việc trang trí các công trình được trùng tu. Những kẻ có lòng với di sản văn hóa dân tộc sẽ băn khoăn tự hỏi chã lẽ khiếu thẩm mỹ của các vua nhà Nguyễn và óc sáng tạo của các nghệ nhân ngày trước lại tầm thường, kém cỏi đến thế sao?

                                          
                                                             Minh Vũ Hồ Văn Châm