Châu Âu thống nhất về tự do tôn giáo






 Châu Âu thống nhất về tự do tôn giáo
                                

Viện Nhân Quyền

Ngày 24 tháng 6 năm 2013, Hội Đồng ngoại giao đã biểu quyết chấp thuận những “đường hướng chủ yếu cho Cộng Đồng châu Âu về tự do tôn giáo hoặc về tự do tin tưởng”.

Đây là bản văn đúc kết buổi bàn luận chung về những cuộc khủng bố giết hại những người Kitô hữu tại Irắc và Ai Cập.


Tự do tôn giáo hay tự do tin tưởng nhằm bảo vệ quyền tin hoặc không tin của “mỗi con người”, cũng như quyền có thể thay đổi tôn giáo hoặc niềm tin của mình. Và quyền đó được thể hiện « nơi cá nhân hoặc trong cộng đồng, công khai hoặc riêng tư ». Bởi vậy, tất cả các quốc gia phải làm thế nào để những hệ thống pháp lý của mình có thể bảo đảm được sự tự do ấy một cách thiết thực và hiệu quả “trên toàn lãnh thổ Nước mình, không loại trừ hay kỳ thị bất cứ ai”.

Ngày 24 tháng 6 tại Luxumbourg, 27 quốc gia thành viên đã đồng ý về một định nghĩa chung liên quan đến tự do tôn giáo và niềm tin, đặc biệt về những phương thế cổ súy và bảo vệ sự tự do nầy một cách “thích đáng, trường kỳ và chặt chẽ”. Những đường hướng chủ yếu nầy đã được Hội Đồng ngoại giao chuẩn bị từ nhiều tháng và đã biểu quyết chấp thuận, giống như những nội dung đã được biểu quyết trước đây nhằm chống lại án tử hình, tra tấn, hoặc nhằm bảo vệ các quyền của trẻ em... Ở đây, Cộng đồng châu Âu đưa vấn đề tự do tôn giáo vào ngay trong sinh hoạt ngoại giao của các nước thành viên như Hoa kỳ đã từng làm năm 1998, tuy phương cách đôi bên có khác nhau; hướng đi đó cần được áp dụng trong sinh hoạt ngoại giao của các cơ quan Cộng đồng cũng như của mỗi quốc gia thành viên.

“Văn kiện mới này nới rộng và củng cố chính sách cỗ võ nhân quyền của châu Âu”.

Nguyên đại sứ Pháp tại Tòa Thánh và hiện là Giám đốc Tạp chí Observatoire Pharos về sự đa nguyên trong các nền văn hóa và các tôn giáo, đã nhận xét rằng : “Từ nay, châu Âu cũng sẽ có được một chuẩn mực tốt trong sinh hoạt chung. Đó là một bước tiến quan trọng, Văn kiện mới này nới rộng và củng cố chính sách cỗ võ nhân quyền của châu Âu”. Đúng vậy, cho đến nay, nếu Tòa án châu Âu về nhân quyền có kiểm soát việc áp dụng quy tắc này trong các quốc gia thành viên của Hội Đồng Châu Âu, thì Liên Minh Châu Âu lại chưa có những vận động qui mô và thích ứng đối với những quốc gia bên ngoài Liên Minh hoặc bên trong những tổ chức quốc tế.

Ngoài những « nghị quyết» và những « tuyên ngôn » của Nghị viện châu Âu hoặc của các bộ trưởng ngoại giao, Liên Minh còn thiếu một chương trình hành động qui mô, rõ ràng và có cơ cấu. Một nhà ngoại gia khác lại nhận xét : “Đặc biệt, những khó khăn mà người Kitô hữu Đông Phương gặp phải sau hai đợt khủng bố từ cuối năm 2010 – tại Bagdad, trong nhà thờ chính tòa công giáo của người Syria, và tại Alexandria, trong nhà thờ của người Cốp – tiếp đó là làn sóng về những “mùa xuân Ả-rập”, tất cả cho thấy châu Âu cần có một chương trình hành động mạnh mẽ. 27 quốc gia thành viên trong Liên Minh Châu Âu đều ý thức rằng tự do tôn giáo đang ngày càng bị đe dọa. Công việc chuẩn bị những đường hướng chủ yếu này nằm trong số 97 hành động được đề ra hồi tháng 6 năm 2012, khi các quốc gia nầy biểu quyết đường hướng chiến lược của châu Âu về nhân quyền và dân chủ. Ngoài ra, hôm vừa qua, những văn kiện khác về “những quyền của các người đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính, chuyển giới” cũng được biểu quyết thông qua.

 “Mục đích là làm sao đừng chỉ là nói suông mà thôi”

Emmanuel Decaux, giáo sư Luật tại trường Đại học Paris II và là giám đốc Trung tâm nghiên cứu về nhân quyền, nói vắn gọn thế nầy : “Mục đích là làm sao đừng chỉ là lời suông mà thôi”. Tuy nhiên, các tác giả cho hay rằng họ đã gặp nhiều khó khăn khi thực hiện bản văn, các cuộc thảo luận chung rất phức tạp. Một người trong cuộc nhìn nhận rằng : “Họ phải tránh dấy lên những gì có thể được xem như là đấu đá giữa các nền văn minh”.

Ngay những dòng đầu tiên, văn kiện chú tâm nhấn mạnh rằng Liên Minh Châu Âu “không muốn đánh giá những giá trị của các tôn giáo hoặc những niềm tin khác nhau”, nhưng giữ thái độ vô tư, không thiên vị. Nhân dịp nầy, yêu sách của các nước Hồi giáo về việc cần phải trừng phạt “việc xúc phạm đến tôn giáo » hay nói khác là sự nhục mạ tôn giáo, cũng được đề cập.

Như thường lệ, 27 quốc gia thành viên nhắc lại việc cần phân biệt giữa một bên là phê bình các tôn giáo, các niềm tin và bên kia là việc xúi giục lòng thù ghét tôn giáo, đồng thời cũng nhắc nhở rằng tự do tôn giáo « bảo vệ những cá thể, chứ không phải là bảo vệ tôn giáo hay một niềm xác tín nào bất kỳ ». Pierre Morel nhận định rằng : « Các tác giả đã tìm cách nối kết bản văn với những văn kiện quốc tế như Bản tuyên ngôn thế giới về nhân quyền, Hiệp ước về luật dân sự, v.v... Mục đích là làm sao có được phương pháp chắc chắn, tránh gặp phải những tranh luận từ nhiều phía ».

Duy trì đường lối Hợp tác và “Đối thoại chính trị”

Về phương thức thực hiện bản văn, các quốc gia thành viên tìm cách « theo dõi, đánh giá và soạn thảo các bản báo cáo” về tình hình tự do tôn giáo, và tận dụng con đường ngoại giao kể cả “những chuyến thăm các nước thuộc thế giới thứ ba”, vì đây sẽ là « cơ hội để nêu lên những chủ đề của đướng hướng chủ yếu nầy”. Và khi có cơ hội, thì “gặp gỡ những nhà đấu tranh bảo vệ nhân quyền”.

Nhưng, trên hết vẫn là đường lối hợp tác và “đối thoại chính trị”. 27 quốc gia thành viên thúc đẩy các quốc gia “thay đổi chính sách lập pháp” để có thể « đảm bảo được sự bình đẳng về các quyền của người công dân”. Một người trong nhóm tác giả bản văn giải thích rằng : “Không ai buộc phải làm theo phương thức của Hoa-Kỳ: bởi vậy chúng tôi đã không chủ trương lập một đại sứ đạc nhiệm, và cũng không công bố sổ đen về những nước xâm phạm gia trọng quyền tự do tôn giáo”. Nhưng để khích lệ việc bảo vệ tự do tôn giáo, giải pháp được tiên liệu là sử dụng “dụng cụ tài chính”, mà cụ thể là mà châu Âu sẽ dùng 1,104 tỷ euros trong vòng sáu năm cho việc đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền, hoặc tùy theo mức độ vi phạm có thể ngưng một một ký ước « hợp tác ».

“Những vi phạm không phải bao giờ cũng bắt nguồn từ các Nhà Nước, nhưng có khi lại nảy sinh từ chính các xã hội, Nigeria là một điển hình”.

Hẳn nhiên, công việc sẽ khó khăn đối diện với với một số quốc gia đàn áp tự do tôn giáo và nhân quyền một cách gia trọng, đứng đầu là Bắc Hàn, nhưng cũng phải kể đến Trung Quốc, Việt Nam, Ả rập Xê út và Hồi quốc. Hơn nữa, theo đánh giá của Emmanuel Decaux : « Những vi phạm không phải bao giờ cũng bắt nguồn từ các Nhà Nước, nhưng có khi lại nảy sinh từ chính các xã hội, Nigeria là một điển hình”. Nhưng các quốc gia khác trong giai đoạn “chuyển mình” hy vọng cũng có thể hợp tác với Liên Minh châu Âu. Một nhà ngoại giao nhấn mạnh : “Đó là sứ điệp mà chúng tôi muốn chuyển tới Birmania, khi quốc gia nầy kỳ thị trầm trọng trong việc đối xử với người Hồi giáo thiểu số Rohingya. Tình trạng xung đột hiện thời nguy hại đến bước chuyển đổi chính trị, và hệ lụy đến quan hệ với các nước khác”.

Cuối cùng cần kể đến một số nghi vấn. Một số quốc gia, vốn đa số theo đạo Hồi, sẽ phản ứng như thế nào khi mà các quốc gia châu Âu, nhất là Pháp, đặt vấn đề về lập pháp của quốc gia liên hệ, trong lúc các quốc gia ấy lên án ngược lại các quốc gia châu Âu là “bài hồi giáo”? Giám đốc Trung tâm nghiên cứu nhân quyền ghi nhận rằng : “Pháp không ngừng nhắc lại rằng đạo luật năm 2004 về sắc hiệu tôn giáo và đạo luật năm 2010 về vấn đề che mặt nơi công cộng không phải là kỳ thị bởi vì điều này áp dụng chung cho tất cả mọi người, tuy nhiên việc này không phải lúc nào cũng được chân nhận ». Vấn đề nữa là sự hiệu quả của hành động “chung” nơi 27 Nước thành viên trong Liên Minh Châu Âu. Emmanuel Decaux nhận xét : “Nếu hành động tập thể ấy có thể tạo ra hiệu lực lớn mạnh, thì nó cũng tạo cớ cho mỗi quốc gia thành viên núp lén sau lưng các quốc gia thành viên khác”.

Còn nữa, hành động ấy cũng có thể tạo ra phản hiệu lực vì nó làm xuất hiện nhiều thành phần thuộc « tôn giáo thiểu số » xem mình là « người ngoại quốc » đối với chính quốc gia của mình ...

Anne Benedicte HOFFNER

 Journal LaCroix, le 24/6/2013

Văn Hào chuyển ngữ