Một tài liệu về tự do tôn giáo




Một tài liệu về tự do tôn giáo

Viện Nhân Quyền
Liệt kê các  nội dung về tự do tôn giáo  trên bình diện cá nhân và trên bình diện cộng đồng  trong bức thư ngày 1 tháng 9 năm 1980 của Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đích thân gửi cho từng vị nguyên thủy các quốc gia đã ký tên vào  Bản văn kết thúc Hội nghị Helsinki về an ninh và hợp tác ở Âu Châu năm 1975.


Trích số 4 của Bức Thư.


4. Dựa vào các tiền đề và nguyên tắc nêu trên, Tòa Thánh cho rằng mình có quyền và bổn phận đưa ra một bản phân tích các yếu tố đặc loại  liên quan đến ý niệm về  « tự do tôn giáo » cũng như về phương cách áp dụng trên bình diện cá nhân  và cộng đồng trong những sinh hoạt cụ thể. Trong cách nói cũng như trong việc ứng dụng  tự do tôn giáo, người ta đều nêu lên sự hiện diện của các bình diện  cá nhân và các bình diện cộng đồng, tư và công; hai yếu tố đó luôn gắn bó mật thiết với nhau  để cho việc thực thi tự do tôn giáo đạt được những chiều kích bổ sung và tương thuộc :

a/  Trên bình diện cá nhân, phải tôn trọng:
·         tự do gia nhập hay không gia nhập vào một niềm tin và vào một cộng đồng tôn giáo liên hệ;
·         tự do thực thi các hành vi cầu nguyện và phụng tự, bằng phương cách cá nhân hay tập thể, nơi riêng tư hay một cách công khai, và có được những nhà thờ hoặc những nơi thờ tự theo nhu cầu của tín đồ đòi hỏi ;
·         tự do của bậc phụ huynh giáo dục con cái mình theo niềm tin tôn giáo mà họ ôm ấp, và có thể đưa con cái học giáo lý và các nội dung tôn giáo do cộng đoàn đảm trách ;
·         tự do của các gia đình trong việc chọn lựa trường học hoặc các phương cách khác để bảo đảm cho con cái mình về việc giáo dục tôn giáo mà không trực tiếp hay gián tiếp chịu  thêm những gánh nặng phụ thuộc làm ngăn cản việc thực thi quyền tự do nầy;
·         tự do dành cho những người cần được sự trợ giúp về mặt tôn giáo bất cứ ở đâu, đặc biệt nơi trong các cơ sở y tế công cộng (dưỡng đường, nhà thương), trong các trại lính và trong các dịch vụ bó buộc của nhà nước, cũng như trong các trại giam;
·         tự do không bị ép buộc phải làm những điều trái với niềm tin tôn giáo của mình, trên bình diện cá nhân, công dân hoặc xã hội, cũng như không bị ép buộc phải chấp nhận một lối giáo dục, hoặc tham gia vào những nhóm hoặc hội đoàn có những nguyên tắc đi ngược với những niềm tin tôn giáo của riêng mình;
·         tự do không phải vì những lý do tôn giáo của mình mà chịu những hạn chế hoặc những kỳ thị trong những lãnh vực sinh hoạt của đời sống (liên quan đến sự nghiệp cũng như học vấn, việc làm, nghề ngiệp; tham gia vào các trách vụ công dân và xã hội, v.v.) so với các thành phần công dân khác.

b/ Trên bình diện cộng đồng, phải xem các tôn giáo, từng qui tụ các tín đồ thuộc  một niềm tin tôn giáo nhất định, thực sự hiện hữu và hành động như những cơ năng xã hội được tổ chức theo những nguyên tắc về tín lý và dựa vào những cứu cánh  liên hệ mật thiết với các định chế đặc loại của họ.
Như vậy, Giáo hội, cũng như các cộng đồng tôn giáo nói chung cần hưởng những quyền tự do nhất định, để sống và theo đuổi các cứu cánh riêng của mình; trong các quyền tự do như thế, đặc biệt phải nêu lên :

·         tự do có một hàng giáo phẩm riêng của mình hoặc các thừa tác viên liên hệ được  hàng giáo phẩm của mình tự do chọn lựa theo những qui thức của cơ chế tôn giáo  mình;
·         tự do cho các người hữu trách các cộng đồng tôn giáo - và  trong giáo hội công giáo là các giám mục và các cấp lãnh đạo khác trong giáo hội -, thực thi một cách thanh thản thừa tác vụ của mình, phong chức các linh mục hoặc các thừa tác viên, bổ nhiệm  vào các phận vụ của giáo hội, liên lạc và tiếp xúc với những tín đồ;
·         tự do có những học viện đào tạo tôn giáo và thần học riêng; trong các học viện ấy, tự do tiếp nhận các ứng viên vào chức linh mục và tận hiến trong dòng tu;
·         tự do nhận và phổ biến các sách tôn giáo liên quan đến niềm tin và nghi lễ; và tự do sử dụng;
·         tự do loan truyền và thông tri giáo huấn đức tin, bằng lời nói và bằng chữ viết, kể các bên ngoài những nơi phụng tự, và tự do phổ biến quan điểm đạo đức liên quan đến các sinh hoạt con người và tổ chức xã hội: điều nầy ăn khớp với cam kết của Bản văn kết thúc Hội nghị Helsinki  về việc tạo dễ dàng cho việc quảng bá thông tin, văn hóa và các hình thức trao đổi kiến thức và kinh nghiệm trong lãnh vực giáo dục, và  trong lãnh vực tôn giáo ; điều nầy tương hợp với việc truyền bá Phúc Âm của Giáo hội;
·         tự do sử dụng các phương tiện truyền thông (báo chí, truyền thanh, truyền hình) trong mục tiêu như thế;
·         tự do chu toàn các sinh hoạt giáo dục, từ thiện, cứu trợ là những sinh hoạt ứng dụng điều răn về yêu thương anh chị em mình, đặc biệt đối với những người ở vào hoàn cảnh khó khăn nhất.

Ngoài  ra :

·         đối với những cộng đồng tôn giáo, như giáo hội công giáo, có một Thẩm quyền tối cao ở trên bình diện phổ quát, thì Thẩm quyền nầy, theo đòi hỏi của niềm tin của mình, có trách nhiệm bảo đảm sự hiệp nhất trong mối hiệp thông nối kết tất cả các mục tử và tín đồ trong cùng một niềm tin tôn giáo, qua quyền giáo huấn và quản trị : - -tự do có những liên lạc qua lại giữa Thẩm quyền nầy và các mục tử cững như các cộng đồng tôn giáo địa phương, tự do quảng bá các văn kiện và các tài liệu của giáo huấn (thông điệp, huấn thị..)
·         trên bình diện quốc tế : tự do trao đổi về truyền thông, tự do hợp tác, liên đới có tính cách tôn giáo, đặc biệt là có thể gặp gỡ, hội họp liên quốc gia hoặc quốc tế.
·         Cũng trên bình diện quốc tế, tự do trao đổi tin tức và các nội dung về thần học hoặc tôn giáo giữa các cộng đồng tôn giáo với nhau.

( Bản dịch Tập san Định Hướng)