Tài liệu Sử đặc biệt: Tư tưởng chính trị của Phan Bội Châu



Tài liệu Sử đặc biệt


Tư tưởng chính trị của Phan Bội Châu trong
Việt Nam Quốc Dân Đảng Chương Trình


Phần I
Cuộc hành trình tư tưởng đầy gian lao


Trong Tự Phán [1] Phan Bội Châu (PBC) cho hay, sau khi ra khỏi tù ở Trung-hoa (1913-1917), ông cải tổ Quang Phục Hội thành Việt Nam Quốc Dân Đảng, và đã khởi thảo ra „Việt Nam Quốc Dân Đảng chương trình (viết tắt CT)“ và „Việt Nam Quốc Dân Đảng đảng cương (ĐC)“ để làm căn bản cho đảng mới. Ông cũng cho biết thêm: Ba tháng sau khi soạn xong tài liệu (cuối 1924), Nguyễn Ái Quốc từ Mạc-tư-khoa tới tìm gặp ông ở Quảng Đông và nhiều lần yêu cầu ông sửa đổi nội dung [2]. Phan đã không sửa và giao hai bản văn cho Hồ Tùng Mậu tìm cách mang về nước. Và ông cho hay: chuyện Mậu có đưa được các tài liệu đó về trong nước không, và bản chương trình sau đó có bị sửa đổi thế nào không, ông không biết [3].


Bản ĐC trình bày tổ chức nội bộ đảng, „dựa theo khuôn mẫu của Quốc Dân Đảng Trung-hoa có châm chước thêm bớt cho đúng với tình hình nước ta[4], nội dung được sơ tóm trong cuốn Tự Phán. Về mặt tư tưởng, tài liệu này không có gì đáng nói.
Còn bản CT có nội dung ra sao mà Nguyễn Ái Quốc phải nhiều lần yêu cầu sửa đổi?
Có phải bản văn này đã là nguyên cớ kết thúc cuộc đời cách mạng của PBC không?
Và có phải cũng vì sự kiện này mà Nguyễn Ái Quốc đã vội vàng cùng với hai người nữa thành lập ở Quảng Châu ngày 03.01.1925 một Quốc Dân Đảng Đông Dương  [5] riêng?
 Cho tới nay, nhiều tài liệu nói rằng, Nguyễn Ái Quốc đã lập mưu bán đứng PBC cho Pháp. Nhưng tại sao? Các lí do do các tài liệu đó đưa ra vẫn chưa đủ thuyết phục. Và Hồ Tùng Mậu (lúc này vừa là người của PBC, vừa nhận lệnh của Nguyễn Ái Quốc lại vừa hoạt động cho Pháp) có mang nó về nước không, hay đã trao cho ai? Nhiều câu hỏi chưa có được câu trả lời rõ ràng.
CT là tài liệu đặc biệt quan trọng. Nó phản ảnh một chuyển biến tư tưởng mới của họ Phan. Nhưng lạ là cho tới nay, chưa một học giả Việt nào đề cập tới bản văn đó. Cũng chưa thấy nó xuất hiện trong bất cứ một tác phẩm việt ngữ nào [6]. Tại sao?

Tôi đã có được nội dung của bản CT.

Nhưng trước khi bàn sâu vào nó, hãy tìm hiểu sơ qua bối cảnh tổng quát.


Hành trình tư tưởng của Phan Bội Châu
phản ảnh qua các tổ chức chính trị

Họ Phan là con người đa diện. Đa diện về tư tưởng, phản ảnh qua vô số văn thơ ông để lại. Và đa diện về sự nghiệp chính trị, xuyên qua nhiều tổ chức chính trị mà ông đã thành lập.
Muốn biết diễn tiến tư tưởng nơi ông, không gì bằng nghiên cứu khối văn thơ của ông. Song cũng có một lối khác, đơn giản hơn, là đi theo những chặng đường lập Hội, lập Đảng của ông. Cả cuộc đời nhà cách mạng này gắn liền với các tổ chức chính trị. Và các tổ chức này lại phản ảnh những bước ngoặt tư duy lớn của ông.
Năm 1903, sau khi những dự tính bạo động theo tinh thần Văn Thân, Cần Vương của thời thanh niên theo nhau đổ vỡ, họ Phan quyết định rong ruổi khắp Trung, Nam, Bắc tìm đồng chí lập một hội kín để làm nền móng mới cho cuộc đấu tranh cứu nước tiếp tục. Đó là Duy Tân Hội (1904), với chủ trương bạo động, bảo hoàng cầu viện ngoại quốc.
Công việc đang tiến hành thì một biến cố lớn làm rung chuyển Á châu: Nhật thắng Nga ở cửa biển Arthur (1905). Phan quyết định sang Nhật tìm nguồn trợ giúp cho Hội và luôn thể tìm hiểu nguyên nhân lẫn thực thể sức mạnh của nước lân bang đồng văn đồng chủng này.
Tại đây, qua lời khuyên của nhà cải cách trung-hoa tị nạn Lương Khải Siêu, rằng không nên dựa sức người mà quan trọng nhất là phải chuẩn bị sức mình bằng cách đầu tư vào việc đào luyện nhân tài, Phan liền dấy lên Phong Trào Đông Du (1905 – 1908) kêu gọi thanh niên sang Nhật du học. Chương trình đông du có âm vang lớn, vì nó được hỗ trợ đắc lực bởi Phong Trào Duy Tân (1906 - 1908) do Phan Chu Trinh và các đồng chí phát động trong nước. Tư tưởng cầu viện lúc ra đi dần dần nhường chỗ cho tư tưởng tự cường. Đó là thay đổi tư duy đầu tiên của Phan.
Trong thời gian này, Phan viết Khuyến Quốc Dân Du Học, Việt Nam Vong Quốc Sử, Hải Ngoại Huyết Thư, Tân Việt Nam, Ai Việt Điểu Diên, Việt Nam Quốc Sử Khảo, Hoà Lệ Công Ngôn v.v. Sách Tân Việt Nam (1907) vẽ lên hình ảnh của một Việt Nam sau khi duy tân: không còn bóng dáng thực dân; kinh tế, xã hội, giáo dục cộng đồng phát triển; nền dân chủ chính trị thành lập. VN Quốc Sử Khảo mở đầu bằng một định nghĩa công pháp quốc tế về Quốc Gia: Ba yếu tố hình thành một quốc gia là Dân, Đất và Chính quyền. Trong đó, theo ông, Dân quan trọng hơn cả. Mà công dân của một quốc gia thì phải có quyền. Tư tưởng Dân chủ Dân quyền, như vậy, đã nẩy sinh trong Phan. Có thể nói, bắt đầu từ đây, một thứ chủ nghĩa „Duy Dân“ của Phan Bội Châu ra đời. Cổ xuý Dân chủ, nhưng chưa có nghĩa là ông chối từ chính thể quân chủ, cho dù việc chấp nhận chính thể này, đối với ông, chỉ là phương tiện hơn là cứu cánh đấu tranh [7].
Tháng 7.1908, lo sợ trước ảnh hưởng của Phong Trào Duy Tân và đặc biệt các cuộc biểu tình xin giảm xâu thuế lây lan, Pháp tìm mọi cách chặt đầu cầu cách mạng ở hải ngoại. Và họ đã kí được với Nhật hiệp ước trao đổi quyền lợi và yêu cầu Nhật trục xuất sinh viên và các nhà cách mạng việt nam. Như chim vỡ tổ, một số sinh viên rút sang Trung-hoa, một số theo Phan sang Thái-lan canh tác đợi thời.
Năm 1911, biến cố rúng động thứ hai: Cách mạng dân chủ ở Trung-hoa với Tôn Dật Tiên thành công. Từ rừng núi Thái nghe tin, Phan trở lại Trung-hoa, triệu tập đại biểu về Canton hội nghị biểu quyết bỏ chủ trương Bảo hoàng và đổi Duy Tân Hội thành Quang Phục Hội (1912), cổ xuý tinh thần tự lực tự cường, cộng hoàdân chủ. Hai lí do khiến ông bỏ Bảo hoàng: Lí tưởng Dân chủ của JJ. Rousseau, Montesquieu đã có dịp thấm trong Phan, và vì nhu cầu cần sự giúp đỡ của họ Tôn. Trước đây, năm 1908, đã một lần Phan tới với Tôn để tìm sự hỗ trợ, nhưng Tôn không thiết tha bàn chuyện, vì thấy Duy Tân Hội theo đuổi Quân chủ. Lần này, sau khi chấp nhận cổ xuý chính thể cọng hoà, Phan lại tìm tới Tôn, nhưng Đồng Minh Hội của Tôn lúc này vẫn không giúp gì được cho cách mạng việt.
Tình thế bế tắc khiến Phan quyết liệt lao vào bạo động. Ở hải ngoại lẫn quốc nội Quang Phục Hội dấy lên phong trào ám sát, cấp khích bạo động: Ám sát tri huyện Thái Bình (1913), ném bom khách sạn Hà Nội, bạo động ở các tỉnh phía bắc (1915), cùng vua Duy Tân âm mưu khởi nghĩa (1916), khởi nghĩa Thái Nguyên (1917)... Trong khi đó, chẳng may Phan bị tổng đốc tỉnh Quảng Đông là Long Tế Quang bắt bỏ ngục 4 năm dài (cuối 1913-17). Tưởng mình sẽ bị giết hoặc chết rục tù, ông viết Ngục Trung Thư để tuyệt mạng. Song, chưa kịp giải giao nạn nhân cho Pháp, thì Quang bị cách mạng trung-hoa dẹp. Phan thoát ngục.
Một năm sau khi ra ngục, lúc đang ngổn ngang với tình hình thế giới và đất nước và tinh thần còn giao động, hai đồng chí Lê Dư và Phan Bá Ngọc tìm tới. Ngọc tin tưởng vào đường lối cởi mở của toàn quyền Albert Sarraut và khuyên Phan nên lợi dụng cơ hội hợp tác. Phan nghe lời Ngọc, đồng thời nghĩ rằng có thể lợi dụng dịp này „tương kế tựu kế“ để mở rộng vòng vây của mình, nên đã viết Pháp Việt Đề Huề Chính Kiến Thư [8] (1918) rồi bảo Ngọc mang về trao cho Sarraut. Trong thư, Phan cho hay, với kinh nghiệm của thế chiến I vừa qua, ông tiên đoán sẽ xẩy ra thế chiến II, lần này giữa Nhật và Tây phương; và nếu cuộc chiến xẩy ra, thì Pháp ở Đông dương sẽ không chống nổi và mất hết vào tay Nhật. Phan cũng công nhận rằng thực dân Pháp còn dễ thở hơn thực dân Nhật (kinh nghiệm tàn ác của Nhật ở Đài-loan và Đại-hàn). Và ông kêu gọi, ngay từ giờ Pháp nên bỏ chính sách thực dân đi mà cùng bắt tay đồng hành với nhân dân Việt Nam để chuẩn bị cho một tương lai chung cho cả hai nước. Vì bức thư đó, tháng 5.1919 Pháp cử người sang gặp Phan ở Hán-khẩu. Hồ sơ an ninh của Pháp cho hay, Néron đã thành công thuyết phục Phan thôi chống Pháp và đã đồng í cấp cho Phan mỗi tháng 100 đồng tiền hưu; và Pháp chỉ mất liên lạc với Phan sau khi Ngọc bị ám sát ở Hàng-châu năm 1922 [9]. Nhưng theo Phan, ông đã từ chối các điều kiện trên.
Trong Tự Phán (tr. 201) Phan viết, vì tập “Pháp Việt Đề Huề chính kiến thư” của ông mà 4 hay 5 tháng sau Ngọc quay ra làm tôi trung cho Pháp và đã bị cách mạng việt nam giết. Hồ sơ an ninh Pháp thì cho hay, Ngọc đã “trở về” (“retourné”) sau khi bị bắt năm 1917 cùng với Mai Lão Bạng ở Thượng-hải; và việc Ngọc tới mua chuộc Phan hợp tác là do âm mưu của thực dân, qua đó họ muốn giết Phan về mặt chính trị [10].
Thật ra không riêng gì Ngọc, rất nhiều trí thức Việt thời đó hớn hở đón chào Sarraut, vị toàn quyền trí thức đã định nghĩa chính sách mình như là “Bản tuyên ngôn nhân quyền được diễn dịch bởi thánh Vincent de Paul[11]. Sarraut xây bệnh viện, mở trường học, mở mang đường xá, cải tổ giáo dục, lập cao đẳng và hứa sẽ đưa ra một chính sách bảo hộ mới cho VN, sau khi thế chiến I chấm dứt. Ông nói tới “tự trị”, hứa hẹn “Các thuộc địa là những quốc gia đang hình thành[12]. Kết quả, ông này thu được 367 triệu quan của dân Nam cho chiến tranh và 130 ngàn thanh niên Việt đầu quân cho Pháp [13]. Sau chiến tranh (thế chiến I), lời hứa thành bánh vẽ.
Năm 1917, biến cố thứ ba ảnh hưởng tới dòng tư tưởng của Phan: “Cách mạng tháng 10” [14] Nga. Sau khi đọc được một cuốn sách Nhật ngữ nói về cuộc chính biến này, Phan bắt đầu say mê tìm hiểu lí thuyết cộng sản. Do tò mò, cuối năm 1920 ông tới đại học Bắc-kinh tìm gặp đại diện Nga để tìm hiểu thêm về chủ nghĩa, và nếu có thể, xin cho sinh viên du học. Người Nga cho biết nước họ sẵn sàng nhận du học sinh, nhưng sau khi học xong, phải về nước hoạt động và tuyên truyền cho chủ nghĩa cộng sản. Nghe vậy, Phan rút lui. Không tin người Nga, nhưng Phan vẫn tìm cách nghiên cứu lí thuyết mới mẻ này.
Phấn chấn trước những thắng lợi của cách mạng trung-hoa (Tôn Dật Tiên) và đặc biệt của chính biến nga-sô (Lenin), đồng thời hi vọng vào những trợ giúp của những thế lực mới này, Phan cùng các đồng chí còn lại (trong Tâm Tâm Xã) quyết định khai tử Quang Phục Hội để thành lập Việt Nam Quốc Dân Đảng (1925). Cương lĩnh của Đảng - Việt Nam Quốc Dân Đảng Chương Trình – đã được Phan khởi thảo từ cuối 1924. Đây là một tổng hợp giữa Tam Dân chủ nghĩa, hay đúng hơn, giữa một thứ Duy Dân chủ nghĩa Cộng Sản chủ nghĩa.
Sau khi viết xong CT và giao cho Mậu bí mật mang về Việt Nam, Phan bị mật thám pháp bắt ở trên đất Trung-hoa và giải về giam lỏng tại Huế.
15 năm phần cuộc đời an trí còn lại (1925-40) ở Huế, Phan quay trở về nhiều hơn với chuyện giáo dục và những giá trị khổng -mạnh. Ông dịch Chu Dịch, viết Khổng Học Đăng, Nam Quốc Dân Tu Tri, Nữ Quốc Dân Tu Tri, Thuốc Hoàn Hồn, Xã Hội Chủ Nghĩa, Nhân Sinh Triết Học v.v.. Ông tự coi mình như đã chết về mặt chính trị, nên không đưa ra một tư tưởng chính trị mới mẻ nào nữa. Một số bài viết trong thời này chỉ là để quảng diễn những tư tưởng trước đây đã có. Ở Việt Nam, văn liệu của ông đã được sử gia Chương Thâu sưu tập và đã ấn hành được 10 tập với hơn 4800 trang, song hãy còn thiếu nhiều.
Tóm lại, về mặt tư tưởng, nhờ ra khỏi nước, tiếp xúc với tân thư, với kinh nghiệm Nhật-bản, với các chính trị gia nước ngoài mà chủ trương bạo động, bảo hoàng, tinh thần cầu viện nhường chỗ cho ưu tiên giáo dục quần chúng, cho tinh thần tự lực tự cường, cho dân chủ, dân quyền và sau này, qua âm vang biến cố tháng 10 ở Nga, tư tưởng xã hội có dịp triển nở.
Có thể tóm tắt nội dung chuyển biến tư tưởng của Phan Bội Châu qua biểu đồ sau:

Tổ chức
(năm thành lập)
Chủ trương
Phương pháp
Biến cố ảnh hưởng lên việc lập tổ chức
Duy Tân Hội
(1904)
- Đuổi Pháp
- Lập Quân chủ lập hiến
- Chủ yếu bạo động
- Dựa vào ngoại viện
Thất bại của Cần Vương và Văn Thân
Quang Phục Hội
(1912)
- Đuổi Pháp
- Lập Cộng hoà dân quốc
- Chủ yếu bạo động
- Cầu viện song song với tự lực
- Nhật thắng Nga 1905
- Cách mạng dân chủ Trung-hoa (1911)
Việt Nam Quốc Dân Đảng (1925)
- Đuổi Pháp, dẹp phong kiến
- Lập Cộng hoà dân chủ
- Giáo dục í thức người dân là chính
- Ôn hoà bao nhiêu có thể
- Bạo động khi bị bó buộc

- Biến cố tháng 10 ở Nga

(Kì tới: Nội dung Việt Nam Quốc Dân Đảng Chương Trình)







[1] Phan Bội Châu, Tự Phán. Hồi kí vận động cách mạng của cụ Phan Bội Châu. Nhân chủ học xã, USA 1987. Trang 217, 218.
[2] Phan Bội Châu, đã dẫn, trang 218
[3] Phan Bội Châu, đã dẫn, trang 218
[4] Phan Bội Châu, đã dẫn, trang 218
[5] Xem: http://www.vietinfo.eu/tu-lieu/nguyen-ai-quoc-va-viet-nam-quoc-dan-dang--ai-da-ban-dung-cuoc-khoi-nghia-yen-bai-cho-phap-.html
[6] Trong nước, nhà sử Chương Thâu đã xuất bản Phan Bội Châu Toàn Tập (gồm 10 tập, 4800 trang. Nhà xuất bàn Thuận Hoá. Huế 1990), nhưng cũng không thấy „Việt Nam Quốc Dân Đảng Chương Trình“ trong đó.
[7] Thật ra, từ 1907, qua tiếp xúc với các học giả Trung-hoa, tư tưởng Dân chủ đã lớn dậy trong ông, nhưng ông chưa muốn nói ra, vì sợ lòng người chưa thuận. Cuốn „Hoàng Phan Thái“ (1907) kết tội vua Tự Đức, đồng thời ca ngợi một „kẻ nghịch tặc“ đối với vua là một nhà „cách mạng khai sơn chi tổ“ là quả bong bóng đầu tiên ông thả ra để xem phản ứng, đồng thời dọn đường cho việc hoán chuyển tư tưởng từ quân chủ qua dân chủ. Xem Tự Phán, trang 108tt.
[8] Pháp Việt Đề Huề... viết năm 1918, chứ không phải như sử gia mác-xít Lê Thành Khôi viết trong sách của ông (3000 Jahre Vietnam. Muenchen 1969, tr. 349) là tài liệu đó được viết trong thời gian Phan bị quản chế ở Bến Ngự, Huế. Xem thêm bài „Phải thực hành chủ trương Pháp Việt đề huề“, trong Chương Thâu: Phan Bội Châu Toàn Tập, tập 4, trang 365.
Lại nữa, theo Di Cửu Niên Lai Sở Tri Chủ Nghĩa viết sau này, Phan cho biết trong ông đã manh nha lí tưởng  hoà bình, cộng tác, bỏ bạo động, mà ông gọi là „cách mạng văn minh“ kể từ năm 1912 rồi. Gandhi và các phong trào độc lập ở Ấn-độ, Phi-luật-tân, Algérie, Ả-rập... cũng đã ảnh hưởng lên chủ trương „thoả hiệp“ của ông.
[9] Xem Patrice Morlat, La Répression Coloniale au Vietnam (1908-40), Harmattan, Paris, 1990, trang 83.
[10] Xem Patrice Morlat, sđd, trang 38, 66, 83
[11] J.B Alberti, trích bởi Nguyễn Văn Phong, La societé vietnamienne de 1882 à 1902 d´ après les écrits des auteurs francais. Paris 1971, tr. 315.
[12] Xem Patrice Morlat, sđd, trang 71
[13] J.B Alberti, như trên.
[14] Nhà văn Nga Alexander Solschenizyn khẳng định “cách mạng tháng 10” là một huyền thoại do đảng cộng sản Nga vẽ ra mà thôi. Đó không hơn không kém chỉ là một cuộc chính biến xẩy ra trong một ngày, do Leo Trotzki chủ động. Quan điểm của Solschenizyn cũng là quan điểm phổ biến hiện nay ở Nga. Xem cuộc phỏng vấn Solschenizyn “Mit Blut geschrieben”, đăng trong Der Spiegel, 30/2007.

********


Hành Trình Tư Tưởng
Của Nhà Cách Mạnh Phan Bội Châu

Phần 2
Nội dung Việt Nam Quốc Dân Đảng Chương Trình (CT)

Nội dung sau đây dịch từ tài liệu của Jörgen Unselt, Í Thức Hệ Quốc Gia Và Cộng Sản Trong Tác Phẩm Về Sau Của Phan Bội Châu [1867-1940] (Vietnam: Die Nationalistische und Marxistische Ideologie Im Spätwerk Von Phan Bội Châu [1867-1940]), Franz Steiner Verlag, Wiesbaden 1980.
Đây là một tài liệu ngoại ngữ hoạ hiếm, và có lẽ cũng là tài liệu duy nhất ở Đức, nghiên cứu tư tưởng và con người cách mạng Phan Bội Châu. Tác giả đã bỏ ra nhiều năm tìm kiếm tài liệu ở các thư khố ở Pháp và Việt Nam (Đà-lạt, Sài-gòn), tìm gặp phỏng vấn một số nhân vật liên quan, và đặc biệt đã ở lại Việt Nam 2 năm (1970-72) học tiếng hầu hoàn thành luận án tiến sĩ (1978, đại học Heidelberg, Đức) của mình.
Tác phẩm về sau“ tác giả đề cập ở đây là Bản thảo VNQDĐCT, nói khác đi, là bản cương lĩnh của Việt Nam Quốc Dân Đảng do họ Phan soạn tại Trung-hoa trong khoảng từ tháng 7.1924 tới tháng 5.1925 và đã giao cho Hồ Tùng Mậu mang về nước. J. Unselt không tìm đâu ra được nguyên bản bản thảo, mà chỉ tham khảo nó qua bản dịch Pháp ngữ của phòng nhì Pháp. Luận án của J. Unselt đã dịch lại gần như toàn bộ bản văn Pháp ngữ. Chúng tôi chuyển dịch ra Việt ngữ những gì Unselt đã trích. Đầu thập niên 90 thế kỉ trước, linh mục Trương Bá Cần có xin tôi một bản chụp luận văn của Unselt, bảo là để cho người bạn của ông là Chương Thâu. Không hiểu ông Chương Thâu tới nay có tìm được nguyên bản tài liệu không, và công việc nghiên cứu Phan Bội Châu của ông từ đó tới nay tiến triển như thế nào, tôi không rõ, vì không biết tình hình nghiên cứu tại Việt Nam hiện nay ra sao.
Phần chữ nghiêng là các đoạn do chúng tôi dịch lại từ J. Unselt (từ trang 193 – 225). Qua ba đợt dịch, chắc chắn sẽ không tránh khỏi thất thoát trong tiểu tiết, nhưng hi vọng vẫn lột tả và phản ánh được những nội dung chính của bản văn.

VNQDĐCT gồm 4 phần

A.    Nâng cao Dân sinh (tới mức phổ quát)
B.     Huấn luyện Dân trí, nghĩa là nâng cao trình độ học vấn (tới mức phổ quát)
C.     Bảo đảm cho Í muốn trung thực của người dân được phát biểu và từ đó đưa Dân quyền lên một nền tảng bền vững hơn
D.    Chương trình hành động của VNQDĐ với việc thực hiện bốn thời kì lịch sử

„Quan tâm chính của chúng ta là phải làm sao dành lại được quyền làm người. Nhưng trước khi dành lại quyền này, trước hết ta phải bằng mọi cách quan tâm tới Dân quyền, bởi vì Dân quyền là căn bản, là nền tảng của quyền làm người. Mất Dân quyền thì dĩ nhiên cũng chẳng còn quyền làm người. Vì thế, chúng ta coi Dân là nền tảng xuất phát mọi nguyên tắc, nói rõ hơn, mọi hành động của ta tuyệt đối đều đặt trên căn bản quyền lợi của Dân và vì Dân (...). Dân là nền tảng của Nước. Nếu nền vững, thì Nước có hoà bình (...). Dân mới là chính, còn vua chẳng có nghĩa gì (…). Vua phải coi Dân như trời (…). Quyền Nước hoàn toàn nằm trong tay Dân.
Vì thế, không có Dân thì không thể có Nước, và mặt khác, khi Dân không có quyền, thì cũng sẽ không có Công dân đúng nghĩa.
Bây giờ, giả sử dăm ba triệu con người quây quần với nhau – như một đám nô lệ hay như đàn trâu ngựa – dưới chính quyền của một nước hùng mạnh, thì ta cũng không thể gọi đám người kia là Dân, mặc dù con số đông đảo của chúng. Hơn nữa, một nước được lập nên bởi một dân tộc như thế thì cũng không được gọi là một Quốc gia (...).
Do đó, nhiệm vụ chính của Đảng chúng ta là phải làm sao để quyền của Dân trở nên quyết định và hữu hiệu. Để đạt mục tiêu này, Đảng cần có một chính sách cho phép người dân thủ đắc và hành xử quyền của mình (...)“

Chính sách đó được Đảng cụ thể hoá bằng ba nhiệm vụ A, B, C nêu trên. Theo họ Phan, đây là “ba điều kiện sinh tồn”. Vì mất ba điều kiện sống nền tảng đó, nên người Việt đã mất đi quyền Dân của họ. Sau phần dẫn nhập ngắn trên, cương lĩnh đi vào chi tiết.

A.     Nâng cao Dân sinh (tới mức phổ quát)

“Dân ta làm ăn khổ cực. Công nghệ và các nghề nghiệp ở nước ta chưa phát triển. Thổ địa chưa được khai khẩn đầy đủ. Nguồn lợi thiên nhiên chưa được khai dụng trọn vẹn. Mức hiểu biết thực dụng của dân còn thấp. Đường sá giao thông thiếu thốn. Do đó chín phần mười người dân phải đói rét, sống trong tình trạng tay làm hàm nhai, luôn luôn bị dằn vặt với âu lo không biết lấy gì ăn, lấy gì mặc.
Do đó, thực dân Pháp và tay sai giàu có, tham tiền, bất lương, cứ mặc sức lợi dụng sự đói khổ, ngu dốt của đám dân bất hạnh mà bóc lột. Một tay cầm đồng bạc, tay kia con roi, chúng quật vào lưng người dân như sai khiến đàn súc vật, để bắt dân lao dịch vô cùng nặng nhọc. Những đối xử tàn tệ đó luôn đẩy họ vào vòng khiếp sợ và ngu đần, ngay chính sự sống của chính mình còn chưa chắc, huống chi nói đến chuyện đòi quyền. Đó là lí do chính khiến Dân quyền của đồng bào ta mất. Vì vậy, nguyên tắc hành động đầu tiên và trước tiên của chúng ta là phải làm sao cho dân được ấm no, hạnh phúc (...)
Hiền triết Á-đông xưa dạy, người ta cần phải làm sao cho người dân trong nước được hạnh phúc. Nguyên tắc bôn-sê-vích của nước Nga-la-tư mới lại nói, ai không làm thì không có quyền ăn. Theo đó, thì người ta ai cũng muốn cho mọi người được hạnh phúc và muốn cho không ai không thể có việc làm. Khi mỗi người đều làm việc, thì hẳn dân chúng tất cả sẽ hạnh phúc, bởi vì càng có nhiều người làm, con số người bất hạnh càng giảm.
Do đó, chính sách chính của Đảng chúng ta là bảo đảm cho dân ấm no hạnh phúc. Ta muốn rằng, ai lao động thì được hưởng hạnh phúc, và ai không lao động thì không được hưởng, đó là cái công bằng cụ thể nhất”.

Ai không làm thì không có quyền ăn”, hiểu theo tác giả, có nghĩa là người có khả năng lao động không được sống bám trên công sức lao động của kẻ khác. Và chữ “người làm việc /lao động / lao công” được tác giả hiểu là tất cả những ai làm việc bằng đầu óc hoặc chân tay. Và để tiến tới nguyên tắc công bằng lao động đó, VNQDĐ đề ra:

“1. Bằng mọi cách bảo vệ người lao công; trợ cấp và huấn nghệ cho họ. Từ “Lao công” được hiểu là tất cả những ai lao động bằng trí óc và chân tay – “ngoài hai loại ấy ra chẳng ai còn được xem là lao công nữa hết”.
2. “Cải cách phương thức sản xuất nông nghiệp, để người lao công đỡ tổn sức mà thu nhập lại tăng”.
3. Khai thác kho tàng lâm sản để lấy gỗ xây dựng và xuất cảng, “đó là một nguồn lợi to lớn cho quốc gia”.
4. Cải tiến việc sản xuất tơ sợi và phương pháp dệt, “để nước ta không phải lệ thuộc nước ngoài về tơ sợi nữa”.
5. “Kết hợp tư bản quốc gia và ngoại quốc” để có tiền khai thác mỏ, “đó cũng là một nguồn lợi to lớn của quốc gia”.
6. “Hỗ trợ nền công kĩ nghệ. Đẩy mạnh khả năng chỗ đã mạnh, phát triển chỗ đang yếu”.
7. “Kiện toàn ngành đánh cá biển, làm muối, hàng hải và đánh cá sông ở vùng sông ngòi ven biển”.
8. “Sử dụng các máy móc phương tiện hiện đại của ngoại quốc cho công tác trị thuỷ”, để giữ miền Bắc và miền Trung khỏi thiên tai lụt lội.
9. “Thiết lập nhiều nhà máy và công xưởng khắp nơi, để dân nghèo có kế sinh nhai”.
10. Thiết lập các “xưởng thủ công”, để những người ăn xin có chỗ làm việc độ nhật.
11. Thiết lập nhiều “nhà lao động”, “để áp chế và đưa những kẻ lang thang không muốn lao động vào làm việc. Như thế, quốc gia sẽ trừ được đám ăn bám”.
12. Xây dựng các “viện chữa trị”, “để tập trung chăm sóc cũng như huấn nghệ cho người già yếu, hầu (sau khi lành bệnh) họ không trở thành người vô ích cho xã hội”.
13. “Trợ cấp và thưởng những người mở xí nghiệp và lập thôn làng mới để khai khẩn đất hoang gần núi và ven biển. Công tác này nhà nước phải hỗ trợ và cùng đóng góp”.
14. “Lập quỹ cho vay, để người nghèo có thể vay nhẹ lãi, tránh cho họ khỏi bị bóc lột bởi đám cho vay nặng lãi”.
15. “Mở các xưởng làm việc, để nông dân vào những dịp rỗi việc đồng áng có thể làm việc nâng cao thu nhập”.
16. “Mở quỹ tiết kiệm ở các bưu điện, để dân kí thác tiền để dành”.

Đó là những biện pháp cụ thể cho chương trình xây dựng mặt kinh tế và xã hội. Bên cạnh, để hỗ trợ cho chương trình này, phải triệt để tẩy trừ sáu căn bệnh sau đây:

“1. Ai biếng nhác, không muốn làm việc và không chịu vào các xưởng làm việc của chính phủ, thì phải đi lao động bắt buộc, nếu cần.
2. Cũng bị bắt đi lao động, những ai thích lang thang ăn mày hơn là vào làm việc trong các công xưởng của nhà nước.
3. Cấm rượu chè, cờ bạc, hút sách. Ai cố tình vi phạm, sẽ bị nghiêm trị.
4. Phải cách li khỏi xã hội những ai bị bệnh nan i và trở thành vô ích cho xã hội. Những ai bị tật bệnh do công việc phục vụ dân nước gây ra thì không phải tách khỏi xã hội.
(Theo hiểu biết thời đó, có lẽ họ Phan nghĩ đây là cách hay nhất để cách li các mầm bệnh lây lan nan trị khỏi tập thể dân chúng!)
5. Công hữu hoá tư bản của các nhà tư sản nào chủ trương hưởng lợi riêng mà không chịu đầu tư cho phúc lợi công.
6. Những thói xa hoa cũ không ích lợi cho phúc lợi chung, phải cấm chỉ”.


B.     Huấn luyện Dân trí, nghĩa là nâng cao trình độ học vấn (tới mức phổ quát)

“Dân trí còn tăm tối, chưa được khai sáng đầy đủ. Dân ta sống dưới uy quyền quân chủ chuyên chế, tới giờ chẳng có được tư tưởng nào khác, ngoài việc rượu chè, ăn uống, chơi bời. Ngoài công việc lao dịch ra, chẳng có gì là thương mại lẫn nghề nghiệp.
Đã quen nhắm mắt tuân phục sự chuyên quyền của vua, nên chi cũng cong lưng chấp nhận đàn áp của quan nha. Các dụ, lệnh của vua ban ra được kính cẩn tuân phục, coi như chúng là của trời ban xuống. Nên chi những bạo chúa và đám quan nha dối trá từ xưa tới nay cứ ra công dìm dân trong ngu muội, tìm cách ngăn cản mọi phát triển và khả năng trí tuệ của người dân.
Lối khoa cử từ chương khốn nạn và luật lệ cứng nhắc đã trói chân trói tay và kìm hãm bao nhiêu đầu óc tráng niên ưu tú.
Giờ phía người Pháp lại khai dụng triệt để hơn các lối hành xử và biện pháp chuyên quyền, dã man đó để hoàn toàn làm thui chột dân trí ta.
Hiện nay, dân ta đã băng hoại đến độ không còn chút í thức nào nữa về nhân phẩm: Pháp ban cho chút gì, thì mọi người ham mồi kính cẩn coi chúng như cha mình.
Chúng ép dân để hút máu, chúng cưỡng chiếm gia tài tiên tổ mà không ai lên tiếng. Không dám mở miệng đã đành, mà còn không dám tỏ bày nỗi tức giận mình.
Một dân tộc thoái hoá như thế thì ai thương tình trao quyền cho?
Mặt khác, dân ta không biết là mình có quyền, nên chẳng đòi hỏi chi. Ngoài ra, vì không í thức được danh dự do việc sở hữu các quyền đó tạo ra, nên chi người người cam tâm hài lòng với việc vô quyền, với những nhục nhã, chửi bới.
Quyền Dân mất là vì thế. Do đó, nhiệm vụ của VNQDĐ là phải làm sao để nâng cao Dân trí».

Nhưng với phương tiện nào ?

“Dân ta tới nay chưa có tinh thần đoàn kết trong lao động và chưa đủ kiến thức kinh tế. Đó là hai thực tại gây ra đói nghèo và bất hạnh. Tại sao ? Bởi vì chính phủ Pháp đã làm mọi khả năng tự nhiên của họ cùn đi và tê liệt hoàn toàn.
Vì mục tiêu của Đảng chúng ta là bảo đảm ấm no hạnh phúc cho dân, thì Đảng cũng lại càng có trách nhiệm trước hết phải nâng cao trình độ trí tuệ cho dân.
Vì thế, ba vấn nạn sau cần phải giải quyết:
1.      Trước hết, phải cải tiến nền giáo dục bình dân.
2.      Phải có biện pháp để đưa nền giáo dục đó lên mức cao nhất.
3.      Phải làm sao để đưa nền giáo dục bình dân hay căn bản đó tới mọi tầng lớp dân chúng ».

Muốn thế, phải thi hành cho được 14 điều kiện sau:

«1. Trong mỗi tỉnh phải mở trường và mở khoá đào tạo thầy cô giáo cho các trường bình dân.
2. Mở trường bình dân khắp nước. Ban hành quy chế giáo dục bắt buộc, để nền bình dân giáo dục tới được mọi người dân. Học các lớp bình dân, không phải đóng học phí, nhưng phải trả tiền sách vở và chi phí các học dụng khác.
3. Sách giáo khoa phải được soạn kĩ. Để làm việc này, bắt buộc phải lập một ban soạn giáo khoa và giao cho những người giỏi giang và đức độ điều khiển.
4. Mở các trường dạy chữ và dạy nghề hoàn toàn miễn phí cho dân nghèo.
5. Phải có giáo viên tốt cho các trường lớp. Vì thế, ở mỗi tỉnh phải có một trung tâm sư phạm và một trường bổ túc văn hoá. Việc điều hành các trường đó giao cho người có khả năng trên mọi phương diện. Những người này có nhiệm vụ tuyển chọn và đào tạo giáo viên tương lai. Với cách thức đó mới bảo đảm có được giáo chức đủ khả năng hoàn thành nhiệm vụ.
6. Những người soạn tuồng, kịch hợp nhau lại thành Hội để đổi mới nền kịch nghệ. Các mẫu mực anh hùng như Trưng Trắc, Ngô Quyền, Lê Lợi, các tư tưởng mới cũng như các tấm gương lớn của văn minh phương tây phải được trình bày ra để dạy dân chúng.
7. Phải mở trường thể dục ở các tỉnh, xã và giao cho người khả năng trông coi, để họ có thể dạy thể thao, thể dục và vệ sinh cho dân.
Song song cũng phải xây các thao trường để dân có nơi luyện tập, vì thể xác không tráng kiện thì tinh thần thiếu minh mẫn.
Lại nữa, tinh thần của dân ta đã bị Pháp áp chế đến mức băng hoại rồi, nên ta phải gấp rút đưa ra biện pháp giải cứu kịp thời.
8. Phải mở trường kĩ thuật, cũng như các trường nông nghiệp, ngư nghiệp, lâm nghiệp, khai mỏ, nuôi tằm, huấn nghệ. Tóm lại, mỗi ngành phải có trường riêng để dạy và hoàn chỉnh nghiệp vụ. Ngoài ra, phải khuyến khích người theo học thật đông hầu mai sau có nhiều kĩ nghệ gia, thương gia, công nhân, nông gia giỏi.
9. Phải khuyến khích người ra nước ngoài du học. Để tăng phần khuyến khích giới trẻ du học, nhà nước phải bảo đảm công ăn việc làm cho những người trở về. Dân ta vì bị thực dân luôn nhốt trong lồng, nên mức độ trí thức thua kém rất nhiều nước khác.
10. Phải đặc biệt mở trường xã hội học, để dạy dân ta các khoa học xã hội, và trao các trường đó cho các nhà xã hội học nước ngoài đảm trách. Có vậy dân ta mới có thể tạo dựng được những định chế phúc lợi xã hội, chứ như ngày nay (1924) thì chẳng ai có chút í thức gì về khoa học này.
11. Khuyến khích và trợ cấp cho những ai mở trường tư hoặc thư viện.
12. Xây thư viện và nhà triển lãm ở một số tỉnh lớn, để trưng bày đồ kỉ niệm của các nhân vật nổi tiếng trong nước - cũng như trưng bày sản phẩm nghệ thuật của văn minh mới hiện đại. Mọi người dân có quyền vào xem.
13. Nữ cũng được học hành như nam. Nhờ thế, vợ có thể giúp chồng đắc lực trong mọi chuyện.
14. Những truyền thống nẩy sinh từ mê tín và thiên kiến phải triệt để loại trừ. Những chùa chiền dựng lên để thờ quỷ thần trác táng phải dẹp đi và phải canh tân lại đạo Phật.


C.     Bảo đảm cho Í muốn trung thực của người dân được phát biểu (nghĩa là phải có Tự do ngôn luận- Người dịch) và từ đó đưa Dân quyền lên một nền tảng bền vững hơn.

“ Từ xưa tới nay, mọi quyền hành trong nước ta đều trong tay vua, và vua hành xử hoàn toàn theo í mình.
Từ khi có chính quyền bảo hộ, mọi quyền chính trị và lập pháp lại chuyển sang tay người Pháp. Chúng muốn làm gì mặc í.
Vì thế, nếu có ai dân mình cảm thấy là nạn nhân của bất công, muốn kêu gào, thì cũng không biết kêu vào đâu. Đành nạp mình cho số phận, cúi đầu chấp nhận để cho chính quyền bảo hộ mặc tình quyết định về sở thích và quyền lợi của mình.
Thử hỏi trong hoàn cầu này có dân nào như dân ta bị chà đạp và bóp nghẹt tiếng nói như thế?
Khi Dân í đã bị triệt tiêu thì vua và người Pháp muốn làm gì cũng được.
Thực ra, vua vẫn giữ quyền vua trong các phạm vi thuộc uy quyền của mình. Pháp nới rộng quyền hạn của chúng ra mọi lãnh vực thuộc quyền của chúng.
Chỉ có người dân là vắt hết máu mình ra và hi sinh ngay cả tính mạng mình để thoả mãn một lúc hai ông chủ. Họ chẳng từ nan việc gì để làm thoả mãn lòng tham của cả hai. Dù vậy, họ cũng chẳng được ban cho chút quyền nào.
Trước hoàn cảnh đó, không thể nào tái lập được Dân quyền, là vì như đã nói, mọi quyền dân đã bị tước đoạt hết rồi.
Vì thế, nhiệm vụ của VNQDĐ là làm sao để Dân í được tự do phát biểu đầy đủ.  Như trên đã nói, một khi ấm no hạnh phúc đã có, trình độ tri thức đã cao, Dân í được tự do phát biểu trên một nền tảng bảo đảm vững chắc, thì lúc đó Dân quyền sẽ trở nên quyết định. Và lúc đó chúng ta chẳng còn gì phải âu lo nữa. Đó là tóm tắt tất cả tiêu đích của VNQDĐ.
Nếu như có hạnh phúc, có Dân trí mà Dân í vẫn bị tê liệt, vẫn chưa có cơ hội tự do phát biểu, thì chương trình của chúng ta lúc đó vẫn chưa hoàn thành. Vì sao? Là vì dân là kẻ thấu cảm hơn ai hết nỗi đau đớn của mình, và họ mới là kẻ có thể giải thích cho người khác hiểu rõ cơn đau đó.
Khi ta chăm sóc bệnh nhân, bệnh nhân phải cho ta biết họ đau như thế nào, thì ta mới có thể chữa lành họ. Cũng vậy, học trò phải hỏi, phải chất vấn thầy những điểm chưa hiểu, thì thầy mới biết mà trả lời.
Vì vậy, chính sách của Đảng chúng ta là phải đưa Dân í lên trên hết mọi thứ.

1. Phải được tự do phát biểu bằng lời hoặc bằng chữ viết í kiến và suy nghĩ của mình (trừ những phát biểu có hại cho thuần phong mĩ tục).
2. Chính phủ phải thường xuyên cử nhân viên về tỉnh xã thu lượm các bài thi ca của dân để biết rõ suy nghĩ của họ, nghĩa là biết họ muốn gì, ghét gì. Những bài ca nào có hại cho thuần phong mĩ tục thì cấm. Đón nhận những bài thi ca phê bình chỉ trích chính sách nhà nước và tác phong của các nhân viên chính quyền để rút kinh nghiệm (làm lợi cho dân).
3. Tất cả công chức (mọi cấp cao) có bổn phận phải tiếp dân ngoài giờ làm việc, khi dân cần.
4. Khi dân thưa kiện điều gì, mọi công chức các cấp phải tỏ ra vui vẻ, ôn hoà, để dân an tâm biện bạch hết lẽ. Tuyệt đối không được dùng (bất cứ) bạo lực nào để hù doạ dân.
5. Phải dựng ở các tỉnh chính và nơi các xã quan trọng những bục thuyết trình, để dân ai muốn trình bày gì tuỳ í, trừ các đề tài phương hại tới luân lí đạo đức hoặc chỉ trích các nguyên tắc quốc gia cơ bản của Đảng chúng ta.
6. Huỷ bỏ toàn bộ các lệnh cấm của chính quyền vua quan đã ra trước đó.
7. Cũng xoá bỏ tất cả các khác biệt giai cấp xã hội do chế độ vua quan cũ đã tạo ra.

Và sau đây PBC đưa ra những phương thức hợp pháp và cụ thể để đưa quyền và lợi của dân lên một nền tảng vững chắc.

Ngày nào Đảng tiến tới nắm được chính quyền, ngày đó dân ta giành lại được Dân quyền. Nhưng lúc đó chúng ta có thể còn phải đối đầu với một chướng ngại duy nhất:
Trong giai đoạn ban đầu, lúc mà kinh tế chưa cao, học vấn chưa lan rộng tới mọi tầng lớp dân, có thể sẽ có một công chức cao cấp bất lương hay một tên nhà giàu có nào đó lợi dụng tình thế hoặc cơ hội để thoán đoạt quyền dân, thì toàn bộ kế hoạch của Đảng chúng ta kể như tiêu. Đó là thời điểm gay cấn làm chúng ta lo sợ nhất và đòi ta phải hết sức để í. 
Vì thế, Đảng phải tìm mọi cách để mau mắn đưa Dân quyền lên một nền tảng chắc chắn. Như vậy, phải quan tâm tới 4 yếu tố liên quan tới Dân quyền sau:
-   Quyền lập pháp trực tiếp
-   Quyền hành pháp và tư pháp gián tiếp
-   Quyền kiểm soát trực tiếp
-   Quyền lập hiến trực tiếp

(1) Quyền lập pháp trực tiếp.
Quyền lập pháp thuộc toàn dân. Để thực thi quyền này, dân họp lại trong một hội nghị gọi là „Viện lập pháp“. Mọi quyết định của Viện được biểu quyết theo đa số. Thành viên của Viện do dân bầu trong một cuộc phổ thông đầu phiếu. Chỉ sau khi đã bầu đầy đủ dân biểu, Viện mới được chính thức hình thành. Có hai loại dân biểu:

(a)   Đại biểu dân: được bầu lên từ các tỉnh.
Khởi đầu, dân các xã, làng, hương bầu bầu ra đại biểu mình. Mỗi xã lớn bầu 12 đại biểu, xã nhỏ 8. Gọi là Hội đồng xã.
Hội đồng xã của một Tổng họp lại bầu ra Hội đồng tổng, Tổng lớn 8, Tổng nhỏ 6 đại biểu. Hội đồng tổng họp bầu ra Hội đồng huyện, Huyện lớn 6, Huyện nhỏ 4 đại biểu.
Hội đồng huyện họp bầu ra Hội đồng tỉnh, Tỉnh lớn 4, Tỉnh nhỏ 2 đại biểu.
Tất cả Hội đồng tỉnh họp lại thành Viện dân biểu hay Viện lập pháp.
Mọi cuộc bầu cử phải kín, phiếu bầu phải có chữ kí của cử tri. Cử tri phải hội đủ các điều kiện:
1) tròn 20 tuổi
2) có học (cấp bình dân tiểu học trở lên), có nghề nghiệp và không can án
3) đã sống tại đơn vị bầu cử tối thiểu 7 năm.

Ứng cử viên Viện dân biểu phải:
1) đạo đức, có học, có tiếng tăm hơn người
2) đã bỏ tiền riêng đóng góp vào một công trình phúc lợi chung nào đó
3) đã có một hành động anh hùng hoặc một hi sinh nào đó cho nhân quần
4) tròn 25 tuổi, hiện diện nơi đơn vị bầu tối thiểu 10 năm, không can án.

(b) Đại biểu ngành nghề, do các thương nhân, các người hành nghề tiểu công nghệ (kể cả các nhà kĩ nghệ) và nông dân bầu ra:
Nông dân xã, tổng, huyện họp nhau bầu lên đại biểu. Tiến trình và cách thức cũng như lối bầu đại biểu dân. Những đại biểu này được gọi là „Đại biểu nông dân“. Các ngành nghề khác cũng được bầu như thế („Đại biểu thương nhân“, „Đại biểu tiểu thủ công nghệ“)
Nông dân nước ta chiếm đa số. Đại biểu của họ do đó sẽ nhiều hơn các ngành nghề khác. Họ luôn được bầu theo Tổng, cách bầu theo lối như đã nói trên.
Số đại biểu mỗi tỉnh tỉ lệ với số dân trong tỉnh.
Còn những ngành nghề khác, có thể số đại biểu của họ cao lắm là 2 hay 3 người trong một tỉnh. Có những nghề có trong tỉnh này mà tỉnh khác không có, trường hợp này, số đại biểu sẽ được tính theo nghề chứ không theo tỉnh. Kết quả bầu cử sẽ do một uỷ ban gồm các đảng viên VNQDĐ kiểm tra và duyệt xét. Ai hội đủ mọi điều kiện ứng cử, được công nhận tư cách đại biểu.
Cử tri phải hội đủ điều kiện:
1)      tròn 25 tuồi
2)      đã hành nghề (thủ công, buôn bán) tối thiểu 5 năm
3)      biết viết đủ để kí tên, không can án

Ứng viên đại biểu ngành nghề phải hội đủ:
1)      tối thiểu 25 tuổi
2)      phải có bằng chứng cụ thể xác minh nghề nghiệp (thủ công, buôn bán) của mình
3)      nếu có thể, phải chứng tỏ được đã hết lòng giúp đỡ đồng nghiệp mình
4)      không can án và đã hành nghề (theo khai báo) liên tục 10 năm

Cả hai loại đại biểu trên sẽ bị loại khỏi Viện dân biểu/lập pháp, nếu vi phạm một trong những điều sau:
1)      trong thời thuộc địa đã có bằng chứng tuân lệnh vua quan áp bức thường dân
2)      đã có bằng chứng rõ ràng chiếm công vi tư
3)      có bằng chứng rõ ràng đã giúp Pháp làm hại dân
4)      làm công chức lãnh lương nhà nước
(Sau khi bầu xong , VNQDĐ sẽ họp bầu ra những Hội đồng để lập ra Uỷ ban kiểm tra, hầu kiểm tra tính cách hợp pháp của từng đại biểu. Nếu có trường hợp vi phạm, sẽ tổ chức bầu lại).

(2) Quyền tư pháp và hành pháp gián tiếp của dân
Theo nguyên tắc VNQDĐ, mọi công chức ngành hành pháp hoặc tư pháp đều là đầy tớ của dân. Do đó, những người cầm đầu hai ngành này sẽ do chính dân bầu lên. Qua việc bầu này, người dân thực thi một cách gián tiếp hai ngành này.

(3) Quyền kiểm soát trực tiếp
Vì Dân biểu bầu ra các vị lãnh đạo hành pháp và tư pháp, nên họ có quyền kiểm soát hành vi, có quyền chất vấn và có quyền truất bỏ những người đó, nếu cần.
Nếu vị nào phạm pháp hoặc tỏ ra thiếu khả năng, Viện dân biểu sẽ họp yêu cầu sửa đổi hoặc cảnh cáo. Trường hợp không chịu sửa đổi, sẽ bị Viện bỏ phiếu truất phế.

(4) Quyền lập hiến trực tiếp
Sau khi thành lập, Viện lập pháp sẽ họp bầu ra một Uỷ ban đặc biệt gồm những người trí thức nhất vào giao cho họ soạn dự thảo Hiến pháp. Có xong dự thảo, Viện dân biểu sẽ họp khoáng đại thảo luận và biểu quyết Hiến pháp. Trong phiên khoáng đại này, có sự tham dự của các cơ quan quốc gia khác. VNQDĐ cũng cử đại biểu các tỉnh về dự. Dự thảo sẽ được thảo luận kĩ từng điều khoản một, sau đó biểu quyết. Xong đưa ra áp dụng ngay. Như vậy, một cách gián tiếp, người dân có quyền tham dự vào tiến trình soạn thảo Hiến pháp.

D.    Chương trình hành động của VNQDĐ với bốn giai đoạn


-          Giai đoạn 1: Thanh toán các chướng ngại phản cách mạng trong nước
-          Giai đoạn 2: Thành lập „Tân Việt Nam“
-          Giai đoạn 3: Thi hành các nguyên tắc cộng sản
-          Giai đoạn 4: Hoàn thành „VNQDĐ chương trình“

1. Thanh toán các chướng ngại phản cách mạng trong nước

Nếu như mọi chuyện dự trù được thực hiện đầy đủ, thì tất cả dân ta đều có một hệ thống kinh tế như nhau, đều có học vấn như nhau, và tất cả đều được hưởng hạnh phúc. Như thế, lời khuyên của người xưa „phải làm sao cho mọi người hạnh phúc“ và nguyên tắc của nước Nga xô-viết „ai không làm không ăn“ chẳng phải là những câu sáo rỗng và chúng có í nghĩa tích cực ở nước ta. Như thế là ta đã cụ thể hoá những lời thề hứa hằng mong đợi của ta. Song ngôi sao hi vọng của ta vẫn còn bị mây mù che phủ, chưa loé ra được, đó là vì ta còn có một trở lực lớn che đường và cản bước tiến. Trở lực đó chẳng ai ngoài chính quyền bảo hộ, một chính quyền đã gây bao nhiêu bất công cho dân tộc.
Đối với chúng ta, nhân dân Pháp, công nhân, binh lính, trí thức của họ cũng như đảng viên Đảng xã hội và Đảng vô chánh phủ Pháp ta coi là bạn, là chính người anh em. Chúng ta coi họ là bạn, muốn chia sẻ cơm cháo với họ. Vì sao? Là vì họ cũng là giống người với bản tính tự nhiên như ta, cũng có cha Trời mẹ Đất như ta.
Kẻ thù duy nhất không đội trời chung của ta là chính quyền bảo hộ. Chính quyền này đã đoạ đày và cướp đi mọi quyền của dân ta, chúng trắng trợn thu tóm mọi quyền hành trong tay, không để cho ta làm một cái gì.
Rõ ràng, kẻ thù ta tuy chỉ là một dúm ít người Pháp trong chính quyền bảo hộ, nhưng chúng chà đạp cả một dân tộc Việt đông đảo và là chướng ngại lớn nhất cho Đảng ta. Đau biết chừng nào mà kể! Vì thế, bao lâu chính quyền đó còn tồn tại, giống nòi ta còn bị đe doạ diệt vong, và như thế chương trình của Đảng cũng tiêu vong.
Nếu các nguyên tắc xã hội chủ nghĩa của ta bị phá vỡ, thì đó không những là một tai hoạ cho đất nước, mà còn là bất hạnh cho cả nhân loại.
Bởi vì dân ta là một phần của cộng đồng nhân loại, nguyên lí xã hội chủ nghĩa của Đảng ta cũng có liên hệ với nguyên lí loài người, nên nước nào áp bức dân ta, nước nào đe doạ các nguyên tắc của Đảng ta, thì chính nước đó tất nhiên là kẻ thù của nhân loại.
Làm sao các dân tộc trên thế giới có được hoà bình, khi kẻ thù ấy còn hiện diện. Do đó, mục tiêu chính của Đảng là phá đổ tất cả những chướng ngại trong nước. Để thực thi mục tiêu này, Đảng đề ra chương trình hành động (bốn bước) như sau:

1) Trong nước, ta giữ thái độ hoà hoãn. Bên ngoài, ta phải tiến bước theo các quốc gia khác.
2) Khi các biện pháp văn minh đó không cho phép ta tiến tới mục tiêu, thì bó buộc tất cả chúng ta phải cần đến vũ lực.
3) Đoàn kết cả nước lại dưới một uy quyền. Phải làm sao cho cả nước trở thành một khối, trở thành một Đảng duy nhất và phải kêu gọi những người Pháp đồng lòng chia sẻ những mục tiên đấu tranh của ta.
4) Liên kết với các quốc gia và dân tộc khác. Chúng ta kêu gọi những đảng viên Đảng xã hội nước ngoài hãy giúp sức và cùng đấu tranh với ta. Chúng ta kết chặt tình thân với tất cà mọi dân tộc trong cảnh ngộ như ta, nghĩa là cùng bị áp bức bởi ách bạo quyền của một nước mạnh và kêu gọi họ cùng đứng lên chống lại kẻ áp bức.

2. Giai đoạn II: Xây dựng một nước „Việt Nam mới“

PBC đưa ra chương trình 6 điểm dưới đây để thực hiện. Ngoài ra, ông cũng cho biết, một số điểm khác kém quan trọng hơn đã được ông trình bày trong tập Tân Việt Nam.

1) Ban bố Hiến pháp
2) Thực thi ngay Hiến pháp đã ban hành
3) Dẹp bỏ hệ thống quan nha
4) Tổ chức lại một hệ thống thuế thân và thuế đất phù hợp
5) Xây dựng một chính sách kinh tế quốc gia thật hùng mạnh
6) Cải tiến và mở rộng thật nhanh hệ thống giáo dục bình dân.

3. Giai đoạn III: Thực hiện các nguyên tắc cộng sản

Sau khi một Việt Nam mới đã được kiến tạo, ta lập tức ban hành biện pháp cấm cá nhân mua bán, chuyển nhượng đất ruộng và đất tư. Các chủ đất tư chỉ được phép bán đất lại cho nhà nước. Đất ruộng do nhà nước mua lại và đất công thiên nhiên (được hiểu là đất ruộng nơi miệt núi, rừng, các vùng hay bị lũ lụt cũng như các vùng ven sông ven biển) đương nhiên trở thành tài sản quốc gia.
Song song với việc tái tổ chức hệ thống điền địa trên, chính quyền ra quyết định ngay để ấn định luôn một lần giá cả cho các loại đất tư.
Trước hết, tư nhân phải kê rõ số lượng mẫu (3600-4000 m2) sào (360-400 m2) mình có và muốn bán với giá bao nhiêu, để nhà nước theo đó mà giải quyết về sau.
Nếu sau này phát hiện sự man khai, số đất man khai sẽ bị tịch thu trở thành tài sản quốc gia.
Trong một số trường hợp, nhà nước có quyền mua lại đất với giá thấp hơn giá chủ nhân đưa ra.

PBC định nghĩa một cách tổng quát các „nguyên tắc cộng sản“ của mình như sau:

1) Chia đều mọi sở hữu đất đai cho dân theo ba tiêu chuẩn cân bằng pháp lí
2) Mọi sản xuất của Việt Nam đều chỉ để phục vụ dân
3) Bảo đảm hạnh phúc cho người lao động

(1) Chia đều mọi sở hữu đất đai theo ba loại cân bằng pháp lí:

a) đất thuộc sở hữu tự nhiên của nhà nước
b) đất mua lại của dân song đã trở thành tài sản bất khả chuyển nhượng của nhà nước
c) đất chính phủ và tư nhân đã thoả thuận giá cả, nhưng sau đó theo thời gian giá trị lại tăng cao. Đất này thuộc loại có thể chuyển nhượng (nghĩa là nhà nước có thể bán lại cho dân).
Cả ba loại trên đều được chia đều cho dân để mọi người có thể thu lợi từ sản phẩm đất đai và đất đai không rơi vào sở hữu của một tư nhân nào.

(2) Mọi sản xuất đều chỉ nhằm phục vụ dân.
Sản phẩm quốc gia là do tự nhiên hoặc do bàn tay của tập thể con người tạo ra.  Đó là mỏ vàng, mỏ bạc, rừng, đường sắt, sông rạch… tất cả những thứ đó đều là sở hữu của quốc gia. Quốc gia kinh doanh những nguồn lợi này để phục vụ công ích. Không ai được độc quyền những thứ đó.

(3) Bảo đảm hạnh phúc cho người lao động:
Khi hai nguyên tắc (1) và (2) được thực hiện, thì đất nước không còn hiểm hoạ rơi vào chủ nghĩa tư bản nữa. Lúc đó, tất cả mục tiêu còn lại là làm sao để bảo đảm hạnh phúc cho người lao động. Muốn thế, phải:

a) ấn định giờ làm việc
b) đồng lương phải đi đôi với sản phẩm
c) lương phải ở mức cao cho mọi người
d) phải nỗ lực làm cho ngành lao động tập thể phát triển mạnh được chừng nào có thể
e) phải bằng mọi cách tạo cho mọi người dân đều có cùng mức sống kinh tế ngang nhau.

4. Giai đoạn IV: Hoàn thành chương trình của VNQDĐ.

Trong giai đoạn này, chủ nghĩa đế quốc và tư bản biến mất hẳn. Chúng ta chỉ còn lại nhiệm vụ làm sao đưa lí tưởng của Đảng ra ánh sáng để nó thăng tiến toàn bộ. Phải làm sao để toàn thể đất nước trở nên như một người duy nhất, làm sao cho mọi dân tộc trên hoàn cầu đoàn kết lại như một gia đình. Ngày đó, tay trong tay, dân Việt sẽ cùng các dân tộc khác nắm tay chung chân trên một địa cầu. Đó là lúc công trình của VNQDĐ nở hoa và đạt tới mục tiêu.

(Kì tới: Nhận định về tư tưởng duy „Dân“ trong VNQDĐCT)


                                                                    ********



Hành Trình Tư Tưởng
Của Nhà Cách Mạng Phan Bội Châu

Phần 3
„Duy Dân“ trong VNQDĐCT

„Dân chẳng duy vật, dân chẳng duy tâm, dân chỉ duy dân“
(Phan Bội Châu)


Đọc VNQDĐCT (CT), ta thấy có bốn điểm lớn:

A.                 Nâng Dân sinh
B.                 Tăng Dân trí
C.                 Phục Dân quyền
D.                 Thực hiện nguyên tắc cộng sản

Như vậy, trong bản CT, ngoài kiến thức và kinh nghiệm riêng của Phan, có sự tổng hợp của hai hệ tư tưởng Tam dân và Cộng sản của các học giả Trung-hoa. Theo Jörgen Unselt

[1], các học giả này chủ yếu là Tôn Dật Tiên (Tôn Trung Sơn) và Li Ta Chao. Vậy đâu là phần riêng của Phan, đâu là ảnh hưởng của các học giả ngoại quốc?
Trước hết, hãy khảo sát phần ảnh hưởng của Tôn vào tư tưởng „Duy Dân“ của Phan.
Chúng ta thường cô đọng thuyết của họ Tôn vào chữ „Tam Dân“. Đó là ba mục tiêu hay nguyên tắc đấu tranh của ông: Dân tộc (đề cao tinh thần dân tộc để giành độc lập), Dân quyền (Tự do, dân chủ) và Dân sinh (giải quyết các vấn đề xã hội để nâng cao phúc lợi). Đâu là lí do ra đời, và í nghĩa Tam Dân của họ Tôn ra sao?

1. Dân Tộc

Dân tộc Trung-hoa phải được giải phóng và độc lập. Đó là chủ trương đầu tiên của Tôn. Nhưng giải phóng khỏi ai? Thưa: khỏi tập đoàn cai trị nhà Thanh. Thanh nguyên là một bộ lạc thiểu số xa lạ từ miền bắc Trung-hoa, đã đánh đổ nhà Minh và cai trị toàn nước Tàu kể từ 1644. Người Hán (sắc dân đa số của Trung-hoa) từ đó vẫn coi Thanh như là bọn thực dân từ ngoài vào (thực sự nhà Thanh không hiểu tiếng Hán, và để cai trị đám Hán dân mênh mông này, Thanh đã ra một bộ luật vô cùng khắt khe – mà vua Gia-long đã đem vào áp dụng ở Việt-nam) và tâm tưởng lúc nào cũng mong cho triều đại này sụp đổ. Í thức chống đối này gia tăng kể từ giữa thế kỉ 19, khi nhà Thanh liên tiếp nhượng bộ các yêu sách bất công của các cường quốc phương Tây.
Một số nho sĩ như Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu thoạt tiên đề nghị con đường cải cách để đưa nước ra khỏi mối nhục, nhưng thất bại. Tôn Dật Tiên, một i sĩ đã sống ở Hoa-kì và thấm nhiễm văn hoá âu mĩ, lúc đầu cũng nghĩ tới con đường cải cách. Nhưng sau nhiều lần yêu sách bị từ chối, ông dứt khoát hô hào cách mạng đánh đổ Thanh triều. Cho tới khi hết thế chiến I (1918), Độc lập của Tôn có nghĩa là thoát khỏi ách nhà Thanh. Tuy nhiên, kết quả hội nghị Paris (1919) và Washington (1921/22) của các nước thắng trận đã làm ông thất vọng. Thay vì các nước này giải quyết vấn đề thuộc địa theo tinh thần dân tộc tự quyết như đã hứa, thì họ vẫn tiếp tục thừa nhận quyền lợi của nhau ở Tàu. Nguyên tắc độc lập của ông, đo đó, giờ đây được nối thêm một nội dung mới: thoát khỏi sự thống trị của tập đoàn đế quốc âu mĩ (tư bản).
Nhưng làm sao để làm được chuyện đó? Để kiến tạo và huy động sức mạnh cho công cuộc này, Tôn hô hào tinh thần dân tộc (nationalism) nơi tập thể Hán dân. Ông cho rằng đây là cội nguồn sức mạnh:
„Nếu ta không nỗ lực dấy lên tinh thần quốc gia và tập hợp 400 triệu dân Trung-hoa vào trong một quốc gia vững mạnh, thì ta sẽ gặp thảm nạn: mất nước và mất nòi. Muốn thoát đại họa đó, phải khơi dậy tình tự quốc gia và dùng nó để cứu nước“ (tất cả những câu trích, nếu không có ghi chú khác, đều lấy từ Hsu Chi Wei). [2]
Tôn đặt quan tâm lớn trong việc hô hào tình tự quốc gia. Và sách vở phương Tây, khi đề cập tới nguyên tắc Độc lập của Tôn, thì cũng xoay quanh việc diễn dịch chữ nationalism.

Phan Bội Châu không gặp khó khăn trong việc xác định kẻ thù như họ Tôn. Kẻ thù duy nhất ở Việt-nam, theo ông, là bộ máy chính quyền (bảo hộ) thực dân. Nên nhớ, chỉ là chính quyền bảo hộ, chứ không phải toàn thể nước Pháp. Phan đã rất sáng suốt trong nhận định này. Ở điểm này, Bội Châu cũng khác quan điểm với người đồng chí Phan Chu Trinh: Ông không coi vua quan Nam triều là kẻ thù cần đưa vào cương lĩnh. Chu Trinh căm giận vua quan Việt, sẵn sàng dung túng thực dân để dùng nó ưu tiên đánh đổ nền quân chủ. Bội Châu, trái lại, xem vua quan Nam triều chỉ là một thứ bù nhìn; giật sập bộ máy bảo hộ là bù nhìn đương nhiên đổ. Văn thơ của Bội Châu từ đầu chí cuối ngút ngàn với những lời hô hào lòng yêu nước và tình tự dân tộc, bằng cách ca ngợi những trang sử oanh liệt, các chiến công hiển hách, các gương hi sinh của những anh hùng liệt nữ xưa và nay.
„Nay ta hát một thiên ái quốc
Yêu gì hơn yêu nước nhà ta (Ái quốc ca)
Vậy mà – khác hẳn với Tôn - Phan đã bỏ qua, không đưa nguyên tắc Dân tộc vào cương lĩnh của mình. Như thế, phải chăng ông coi Dân tộc là một lí đương nhiên trong cuộc đấu tranh, hay xem như nó đã tiềm sẵn nơi dân mình rồi?
Thay vào đó, Phan đưa Dân trí vào như một nguyên tắc quyết định. Đây là điểm khác biệt giữa „Tam Dân“ của Phan và Tôn. Có Dân trí là có tất cả. Khi so sánh tư tưởng giữa Bội Châu và Chu Trinh, người ta thường cho rằng Dân trí và Dân quyền là sản phẩm đặc thù của Chu Trinh, chứ không phải của Bội Châu. Thực tế không hẳn như vậy. Dân trí đã được Bội Châu quan tâm ngay từ đầu. Trong Lưu Cầu Huyết Lệ Tân Thư (1904), lá thư khiến một anh đồ vô danh trở thành biểu tượng đấu tranh, và qua nó, đã nối kết Phan lại với các hào kiệt ba miền, Phan đưa ra ba liều thuốc cấp cứu:  1. Mở trí khôn cho dân, 2. Tăng hoạt dân khí, 3. Vun trồng nhân tài [3]. Hãy xem con bệnh sĩ khí Việt-nam lúc đó:
„Dân khí nước ta bị suy giảm quá tệ. Trước kia sống bình (tầm) thường đã lâu. Khiếp sợ quen thói, nghe và thấy chật hẹp, tai như điếc, mắt dường mù. Người dưới phải làm điều đê tiện mà không biết hổ, phải chịu sự ô nhục mà không biết thẹn. Người trên lo trang sức cho đẹp mắt, giữ hủ lậu cho yên thân, dù có những người thông minh cũng phải chiều theo tập thượng. Nghe một lời nói khác mình thì khiếp sợ như nghe sấm sét, thấy một người làm khác mình thì cho là quái lạ như thấy tuyết… Cái tệ ấy buổi đầu là do tính tình nhu nhược, theo mãi, hoá ngu hèn đến nỗi có tay chân mà không biết làm lụng, có tài sản mà không biết trao đổi, có miệng lưỡi mà không biết trình bày, có núi bể mà không biết vượt bơi, có khoáng sản mà không biết dò lấy, có máy móc mà không biết cho chạy. Thậm chí thấy nhục vua cha mà không biết căm tức, thấy ngoại nhân mắng nhiếc, lừa đùa mà vẫn bằng chân như vại…
Các nước Thái tây đâu có hạng người gỗ đá như thế! U mê gàn dở, không chút căm giận, sao mà hèn nhát sút kém đến thế!... Thay đổi học thuật lập ra quy chế mới thì không khỏi làm cho họ khiếp thấy ngại nghe. Mở mang trí tuệ, họ cho là hiếu kì; sửa đổi cho hợp thời, họ cho là trái cổ…[4]
Do đâu mà sĩ khí bạc nhược như vậy? Thưa là vì dân trí thấp. Dân trí như thế thì làm sao có được nhân tài, làm sao biết đến Dân quyền? Nguyên tắc Dân trí của họ Phan trong CT là vị chính của ba liều thuốc trên. Chìa khoá cứu nước trước hết là Dân trí. Phan khẳng định: „Giáo dục là sinh mệnh của đất nước[5]. Cái hay nơi Phan là ông chủ trương bình dân hoá, phổ thông hoá việc học. Đây cũng là chủ trương „Giáo chi“ và „hữu giáo vô loại“ (trong giáo dục không có phân biệt giai cấp. Luận Ngữ XV.38) của Khổng-tử. Như vậy, nguyên tắc Dân trí hẳn không phải là sản phẩm của „Tam Dân“, mà là kết quả học hỏi của Phan qua gia sản nho học, qua kinh nghiệm Nhật, qua trao đổi với Lương Khải Siêu, qua sách vở, đặc biệt qua cuốn sách của Lương Khải Siêu Ý Đại Lợi Tam Kiệt Truyện [6].
 Mà nói cho ngay, gần như toàn bộ văn liệu Phan vắt óc vắt gan viết ra suốt cả cuộc đời cũng là cho mục tiêu nâng cao Dân trí. Toàn bộ cuộc vận động của các chí sĩ Duy tân trong nước thời đó cũng là cho mục tiêu đó.  Toa thuốc của họ Phan hơn 100 năm trước tới nay vẫn không mất tính thời sự.[7]

2. Dân Chủ

Trong bài nói chuyện ngày 17.06.1916 họ Tôn đưa ra hình ảnh: Kĩ thuật làm nhà của Tàu khác Tây. Tây đổ móng rồi mới dựng nhà, còn Tàu trái lại, dựng cột kèo trước khi đắp nền. Và ông cho lối làm của Tây là đúng: làm gì cũng phải đi từ căn bản mà lên; nền móng là căn bản, bảo đảm cho toàn bộ căn nhà. Và nền móng của quốc gia là gì, nếu không phải là Dân! Như vậy, mọi quyết định đều xuất phát từ dân. Dân phải là chủ.
Cũng theo họ Tôn, thế giới ngày nay đang bước vào kỉ nguyên Dân chủ; sau hơn 2000 năm vận hành kể từ khi triết gia Hi-lạp Aristoteles khởi xướng, tư tưởng và thể chế chính trị dân chủ ngày nay đang toàn thắng, không có gì có thể cản ngăn bước tiến của nó. Dân chủ, đối với Tôn, đồng nghĩa với chế độ cộng hoà. Ông say mê khuôn mẫu Hoa-kì và Thuỵ-sĩ, trong đó người dân có quyền bầu, kiểm soát và bãi miễn người đại diện, có quyền đưa đề nghị và trưng cầu í kiến. Tôn nói tới „ngũ quyền“. 5 quyền này trong CT của Phan gồm: lập pháp trực tiếp, tư pháp gián tiếp, hành chánh (hành pháp) gián tiếp, kiểm soát trực tiếp và lập hiến trực tiếp. „Tam Dân“ của Tôn dùng Dân chủ -chứ không phải Dân quyền - làm đề mục. Nhưng theo Tôn hiểu, thì Dân chủ, Dân quyền, Tự do, Bình đẳng (hai khẩu hiệu sau của cách mạng Pháp) thật ra là một, chúng không thể tách rời nhau, như ông đã viết trong bài thuyết trình ngày 23.03.1924:
„Hơn 100 năm nay, Âu châu tranh đấu cho hai mục tiêu đó (Tự do, Bình đẳng), song rốt cuộc kết quả cũng là Dân chủ. Chỉ khi nào người dân chiếm hữu được Quyền của mình, lúc đó Tự do và Bình đẳng mới có cơ may tồn tại. Không có Dân chủ, Tự do và Bình đẳng chỉ là sáo ngữ“ (xem Hsu Chi Wei).

Cũng cổ xuý cho Dân chủ, nhưng trong CT họ Phan lại dùng í niệm Dân quyền để làm đề mục. Theo ông, Dân quyền mới đúng là nền tảng. „Quyền dân là trên hết“ (CT). Muốn làm chủ thì phải có quyền. Phan nói tới Dân quyền rất sớm. Trong Tân Việt Nam (1907) ông viết:
Cái nọc độc chuyên chế của bọn người hại dân ấp ủ đã hàng ngàn năm nay từ bên Trung Quốc lây sang nước ta, đến nỗi một tên độc phu (vua) và vài vạn kẻ dung nhân (quan) làm cá làm thịt trăm họ dân ta. Thế mà dân ta ngu ngốc khờ dại, không biết giành dân quyền, giữ quốc mệnh, chỉ ngày đêm lo hết lòng hết sức đem máu mỡ của mình cung đốn cho bọn độc phu, dung nhân uống nuốt!“[8].
Tư tưởng Dân quyền, trước Tân Việt Nam một năm, Bội Châu cũng đã được Chu Trinh khẩn thiết nhắc nhở, khi hai người vừa sang Nhật. Sau khi tham quan các học đường và khảo sát những công việc chính trị giáo dục ở Đông-kinh, Chu Trinh nói với Bội Châu:
Trình độ dân Nhật Bản như thế, mà trình độ dân ta như thế, không nô lệ làm sao được! (…) Từ nay (ông) nên lưu (lại) Đông (kinh) yên nghỉ, chăm việc làm sách (…). Chỉ nên đề xướng dân quyền, đã biết có quyền thì việc khác có thể tính lần được[9].
Có lẽ Chu Trinh (và cả Bội Châu) đã học được í niệm Dân quyền từ các tân thư của các tác giả Âu Mĩ qua ngã các bản dịch chữ Hán.
Một điểm lạ nữa là Bội Châu nêu lên sự bảo đảm tự do phát biểu Dân í như là điều kiện của Dân quyền. Có nghĩa là ông coi tự do ngôn luận (mà cũng thể hiện qua tự do bầu cử ứng cử) là thành tố cao nhất của Dân quyền. Điểm này tới ngày nay vẫn đúng. Chỉ khi tự do ngôn luận được bảo đảm thì mới có thể bàn tới những tự do khác.
Cổ xuý Dân chủ, Tự do theo mẫu Tây phương, nhưng họ Tôn đồng thời hô hào hạn chế tự do. Bởi theo ông, tuy sống trong chính thể quân chủ, dân Tàu đã có quá nhiều tự do, và cũng vì quá tự do nên dân Tàu thiếu đoàn kết. Thành ra ông nhấn mạnh về một giai đoạn độc tài hậu chiến, trong đó sẽ dùng Đảng để huấn chính, hướng dẫn dân bỏ thói cũ, tập quen với nếp sống mới. Ông viết trong bài thuyết trình tháng 11.1920:
Hành động giải thoát nô lệ của tổng thống Lincoln là một nghĩa cử lớn. Lẽ ra nô lệ phải biết ơn ông, nhưng đàng này rốt cuộc họ lại coi ông là kẻ thù và giết ông. Họ đổ lỗi cho ông là đã phá nếp sống của họ. Điều này chứng minh rằng, bỏ một thói quen lâu đời không phải là chuyện dễ… Hệ thống nô lệ ở Tàu đã có từ hàng ngàn năm nay. Mặc dầu chính thể cộng hoà đã hiện hữu được 9 năm, nhưng nếp sống quần chúng vẫn khập khễnh, chưa biết đi đứng như thế nào cả. Muốn đưa họ vào nề nếp, phải cần biện pháp mạnh. Chẳng có chọn lựa nào khác. Phải dựng họ dậy, dạy bắt họ vào khuôn phép“.
Chủ trương „độc tài đảng trị giai đoạn“ này họ Tôn không học ở Lê-nin, nhưng do kinh nghiệm chính trị, đặc biệt là kinh nghiệm hậu cách mạng Tân hợi (1911): vì Đồng Minh Hội của ông quá ô hợp và thiếu nhất quyết, nên đã không giữ được quyền mà phải trao lại cho Viên Thế Khải, và ông này sau đó đã chủ trương diệt các chính đảng, khiến Tôn và các đồng chí phải chạy sang Nhật.
 Phan Bội Châu cũng chia sẻ chủ trương cứng rắn giai đoạn trên. Tuy nhiên trong CT, ông đề cập vai trò chủ động của Đảng trong thời hậu giải phóng một cách nhẹ nhàng, không nhấn mạnh vai trò áp chế như trong cương lĩnh của Trung-hoa Quốc Dân Đảng của Tôn. Tôn chia ra 3 thời kì: Quân chính, Huấn chính và Hiến chính; trong hai giai đoạn đầu, Đảng không ngần ngại dùng chuyên chính để trị nước huấn dân. Cương lĩnh Thể Giao (1927) của Việt-nam Quốc Dân Đảng (Nguyễn Thái Học) lấy lại ba điểm này của QDĐ Trung-hoa. Đọc văn liệu của Phan, ta thấy ông rất chuyên chính với thực dân Pháp, nhưng lại có khuynh hướng từ chối chủ trương độc tài, độc đoán như ta sẽ thấy rõ hơn khi tìm hiểu quan niệm „cộng sản“ của ông.
Lối dân chủ trực tiếp trong CT: Bầu đại biểu từ xã lên huyện, tỉnh, quốc gia và đại biểu các ngành nghề từ địa phương lên trung ương là một mô thức dân chủ lí tưởng. Ngày nay, ta có thể nghi ngờ sự khả thi của mô thức đó và có thể thắc mắc về các điều kiện bầu phiếu và việc phân chia đại biểu ngành nghề. Song đây là một suy tư đáng kể của Phan trong việc đi tìm một phương thức đại diện thật dân chủ, công bằng, hoàn hảo.

3. Dân Sinh

Trong cuốn Nhật Kí Một Nhà Cách Mạng Trung-hoa, Tôn Dật Tiên kể, năm 1896 ông trở lại Âu châu hai năm để học hỏi phong tục, lề lối sinh hoạt chính trị và làm quen với các chính trị gia. Ông nghe, thấy và học được nhiều. Tuy nhiên, ông nhận thấy rằng, dù Âu châu hưng thịnh và dân quyền ở đây rất được bảo đảm, vậy mà vẫn có nhiều người gia nhập các phong trào cách mạng xã hội. Điều đó đưa ông tới kết luận: sự thịnh vượng của quốc gia và sự phát triển dân quyền chưa đủ để kiến tạo hạnh phúc cho dân. Muốn dân hạnh phúc, chính quyền phải song song giải quyết các vấn đề xã hội. Nghĩa là nhà nước phải trở thành một nhà nước phúc lợi. Thuyết Dân sinh của ông nẩy mầm từ đó. Dân sinh cũng được Tôn gọi là chủ nghĩa xã hội; nó là tất cả „xã hội chủ nghĩa“ của Tôn.
Nguồn gốc các vấn đề xã hội của Âu châu thời đó là con ma Tư bản, là hậu quả của cách mạng kĩ nghệ. Sau cách mạng kĩ nghệ, người bị máy móc thay thế, công nhân hoặc rơi vào thất nghiệp hoặc trở thành nô lệ cho máy móc. Sản xuất tăng nhanh, lợi nhuận đổ dồn vào các nhà tư bản: khoảng cách giàu nghèo mở lớn. Kinh tế dần trở thành độc quyền của một thiểu số tư bản. Những người này nắm luôn cả hệ thống đường rầy xe lửa, điện khí, đại kĩ nghệ sắt thép… Bất công xã hội tràn lan, đè nặng trên đa số dân chúng.
Để ngăn chặn kịp thời thảm cảnh đó tại Tàu, Tôn đề ra hai giải pháp: „chủ nghĩa xã hội nhà nước“ và cải cách ruộng đất.
Chủ nghĩa xã hội nhà nước có nghĩa là nhà nước phải nắm giữ những ngành kinh tế trọng yếu như hệ thống giao thông, điện lực, sắt thép v.v., không để cho tư bản tư nhân độc quyền (Đây là phương thức của thủ tướng Bismarck nhằm chống lại áp lực mạnh mẽ của khuynh hướng mác-xít ở Đức thời đó). Ngoài ra, ông không chủ trương cào bằng xã hội (như cộng sản chủ trương), nhưng đòi buộc nhà nước phải có biện pháp phân phối đồng đều và phải bảo đảm cơ hội đồng đều cho người dân.
Còn cải cách ruộng đất có nghĩa là phải ban hành một chính sách thuế điền địa thích hợp nhằm tăng quỹ ngân sách quốc gia và ngăn cản đất đai rơi vào tay một thiểu số đại điền chủ. Họ Tôn không chấp nhận con đường bạo lực cách mạng trong việc giải quyết vấn đề kinh tế và ruộng đất. Lối ăn cướp, chém giết, tập thể hoá như ở Nga, theo ông, không mang lại thành quả. Chính trị mới là phương cách giải quyết ổn thoả mọi vấn đề.
Và đặc biệt, với Tôn, Dân sinh mới là lực quyết định tiến trình lịch sử, chứ không phải kinh tế, như Mác chủ trương. Ông viết trong bài thuyết trình ngày 03.08.1924:
Mới đây, ông William, một môn đồ của Marx người Mĩ, sau khi nghiên cứu tường tận thuyết của thầy, đã kết luận rằng chuyện bất đồng giữa những người cộng sản bắt nguồn ngay từ những sai lầm của học thuyết Marx. Ông ta cho rằng Duy vật sử quan của Marx là sai, rằng lực chính điều khiển sự vận hành lịch sử là vấn đề xã hội, chứ không phải kinh tế, và sự sinh tồn (subsistence) là vấn đề xã hội quan trọng nhất. Dân sinh là vấn đề sinh tồn. Quan điểm của học giả William trùng hợp với chủ trương thứ ba của Đảng chúng tôi. Với William, ta thấy Dân sinh là lực trung tâm của tiến trình xã hội và tiến trình xã hội lại là lực chính của lịch sử; chính sự đấu tranh cho sinh tồn, chứ không phải yếu tố kinh tế, mới là lực điều hướng lịch sử“.
Hẳn Phan cùng quan điểm với Tôn, coi xã hội là một vấn đề rất quan trọng. Nhưng khác với Tôn, ông đặt Dân sinh (sự sinh tồn của dân tộc, cuộc sống hạnh phúc của dân) lên vị trí đầu trong 4 mục của CT. Phan suốt đời quanh quẩn ở các nước đông Á (Trung-hoa, Thái-lan, Nhật) đã không chứng kiến tận mắt các khủng hoảng trong các xã hội kĩ nghệ tây phương, nên không đề cập tới những nguy cơ tương lai như Tôn. Dân sinh ở Việt-nam, đối với Phan, là giải quyết những vấn đề thực tế của một nước nông nghiệp như: chính sách ruộng đất, kế hoạch khai thác và phát triển nông nghiệp, tạo công ăn việc làm cho mọi người, thúc đẩy dân khai khẩn đất hoang, các biện pháp bảo vệ người lao động, các chương trình huấn nghệ v.v.. Cũng như Tôn, ông chủ trương nhà nước mua lại đất tư rồi phân phát lại cho dân, chứ không dùng biện pháp tịch thu và tập thể hoá như Bôn-xê-vích đã làm.
Dân sinh của Phan cũng không hẳn là một mô phỏng Dân sinh của Tôn. Nó không là gì khác ngoài nguyên tắc „Phú chi“ của Khổng Mạnh. Không có triết gia nào tha thiết về vấn đề làm giàu dân bằng Mạnh-tử: „Dân khả sử phú dã“ (Mạnh-tử, VIIa,23). Dân có giàu thì nước mới mạnh. Và tất cả triết lí chính trị của Nho giáo đặt trên nguyên tắc căn bản sau: „Bất hoạn quả nhi hoạn bất quân“ (không lo ít của cho bằng lo chia của không đều. Luận Ngữ XVI.1). Cái tinh thần Dân sinh khổng mạnh đó (cố gắng chia đều cơ hội và của cải, giúp dân làm giàu và hạnh phúc) ta thấy hiện lên rõ nét trong bản CT.

 Dân chẳng duy vật, dân chẳng duy tâm, dân chỉ duy dân“, đó là nhận định của họ Phan. Cả ba mục tiêu Dân sinh, Dân quyền và Dân trí, tắt lại, đều phục vụ và nhằm thăng tiến cho một chữ Dân. Rải rác trong các văn liệu, Phan Bội Châu đề cập rất nhiều tới chữ Dân và không ngớt hô hào í thức về nó. Vì thế, ở đây tôi muốn khai triển về một thứ chủ nghĩa „Duy Dân“, chứ không đặt nặng „Tam Dân“ nơi ông. Trong ba yếu tố công pháp (Dân, Đất, Chính quyền) hình thành nên quốc gia, Phan coi Dân là nền tảng. „Dân là sinh mệnh của nước“. [10] Dân là hồn của nước [11]. Chức Dân quan trọng như thế, nhưng sở dĩ lâu nay dân ta thiếu í thức về nó, là vì sự kìm giữ của truyền thống khổng giáo: vua quan vốn coi Dân là cỏ rác, trong khi Dân thì chẳng biết mình có chút quyền gì cả, chỉ biết cam tâm làm kiếp „gia nô“:
„Một là vua sự Dân chẳng biết
Hai là quan chẳng thiết gì Dân
Ba là Dân chỉ biết Dân
Mặc quân với quốc, mặc thần với ai[12]
Hay
Xem lịch sử nước ta từ xưa đến nay hơn ba nghìn năm chỉ có gia nô mà không có quốc dân thật. Quyền vua quá nặng (…), gia dĩ quyền quan lại hấng đỡ quyền vua mà tầng tầng áp chế (…). Thằng này là con ngưạ, thằng nọ là con trâu, buộc cương vào thì cắm cổ cứ đi, gác ách vào thì cắm đầu cứ lủi (…); phận con hầu thằng ở, được đôi miếng cơm thừa canh thải, thì đã lấy làm hớn hở vinh vang; tối tăm đứng đầu ruộng mới được bát cơm ăn, suốt đêm ngồi trên bàn khung cửi mới được tấm áo mặc, mà thoạt mở miệng ra thì chỉ nói rằng „cơm vua áo chúa“, đồng tiền này, sông núi nọ, mồ hôi lẫn nước mắt mà cày cấy, mở mang; nhưng mà „chân đạp đất vua“ lại giữ chặt một hoạt kê vô lí. Than ôi! Cái tư tưởng gia nô, cái trí thức gia nô! Bệnh gia truyền làm nô đó không biết tự bao giờ để lại cho chúng ta, bắt ta phải gông đầu khoá miệng, xiềng tay xiềng chân, mà chịu gánh gia nô cho già đời mãn kiếp! Đau đớn thật! Thảm hại thật! [13]
Thời quân chủ đã vậy. Đến lượt cộng sản về thì cũng lại phải răm rắp „ơn Bác ơn Đảng“, „nhờ Bác nhờ Đảng“!
Vì thế, nâng Dân trí, vực Dân khí và hô hào tự do ngôn luận để Dân quyền được bảo đảm của Phan Bội Châu đưa ra 83 năm trước cũng là những toa thuốc thần để xoá kiếp gia nô, đưa dân tộc Việt-nam ngẩng cao đầu nhận ra lại chỗ đứng và vai trò quốc dân, công dân cao trọng và xứng đáng của mình.

Augsburg, tháng 9.2007
(Kì tới: Tư tưởng „Cộng Sản“ trong VNQDĐCT)


[1] Jörgen Unselt, Sun Yat Sen in the Perspective of Phan Boi Chau’s Vietnamese National Revolutionary Mouvement. Đăng trong Gottfried-Karl Kindermann (de.), Sun Yat Sen, Founder and Symbol of China’s Revolutionary Nation-Building. Vol. 1, München & Wien, 1982.
[2] Hsu Chi Wei, The Influence of Western Political Thought and Revolutionary History on the Goals and Self-image of Sun Yat Sen and the  the Republican Revolutionary Mouvement in China. Đăng trong Gottfried-Karl Kindermann (de.), Sun Yat Sen, Founder and Symbol of China’s Revolutionary Nation-Building. Vol. 1, München & Wien, 1982.
[3] Phan Bội Châu, Tự Phán, Nhân Chủ học xã, USA 1987, trang 48 tt; Lưu Cầu Huyết Lệ Tân Thư. Trong Phan Bội Châu Toàn Tập, tập 1, trang 143 tt.
[4] Lưu Cầu Huyết Lệ… Trong Phan Bội Châu, Toàn Tập, tập 1, trang 145.
[5] Vấn Đề Quốc Dân Giáo Dục, Trong Toàn Tập, tập 4 trang 253 tt.
[6] Xem Phan Bội Châu, Tự Phán, sđd, trang 90.
[7] Xem thêm Hà Sĩ Phu, Tư Tưởng Và Dân Trí Là Nền Móng Xã Hội và bài Cuộc Dằng Co Về Dân Chủ Còn Kéo Dài, trong http://www.hasiphu.com/baivietmoi.html
[8] Tân Việt Nam, trong Toàn Tập, tập 2, trang 255.
[9] Phan Bội Châu, Tự Phán, sđd, trang 87.
[10] Vấn Đề Quốc Dân Giáo Dục, trong Toàn Tập, tập 4, trang 254.
[11] Cao Đẳng Quốc Dân, Toàn Tập, tập 4, trang 99.
[12] Hải Ngoại Huyết Thư, Toàn Tập, tập 2, trang 228.
[13] Cao Đẳng Quốc Dân, đả dẫn, trang 100.
 


                                                                            ********



Hành Trình Tư Tưởng
Của Nhà Cách Mạng Phan Bội Châu


Phần 4
„Cộng sản“ trong VNQDĐCT


Gió giận thổi tan tành đế quốc,
Lửa thù thiêu đứt khoá cường quyền.
Cuộc Âu Á nhào xáo biết bao phen.
Mà cơ hội phen này thêm mới, mới,
Cờ cách mạng Viễn đông bay phất phới,
Sóng nhân quyền hoàn hải dậy đùng đùng.
Nga-la-tư vừa dựng nước Lao công,
Toàn thế giới bóng cờ hồng lấp loá.
Hoa với Việt xưa nay huynh cập đệ,
Quyết dắt (được) nhau hộ vệ Á đông mình.
Nền thực dân e đến lúc tan tành,
Vườn nhân đạo thênh thang trời bể trông (rộng?),
Khắp thế giới biết bao người lao động,
Người như ta ai cũng biểu đồng tình.
Trận chiến tranh giai cấp đã rành rành,
Duy vô sản đấu tranh cùng hữu sản.
Rằng cừu địch chỉ mấy nhà tư bản,
Còn lao công ai cũng tán thành ta.
Nếu anh em chiếm đắc nhân hoà,
Thời địa lợi thiên thì là của sẵn (…)

Đó là 20 câu đầu của bài Mừng Cơ Hội [1], tất cả 51 câu, đăng trong Chủng Diệt Dự Ngôn, được Phan Bội Châu sáng tác có lẽ không lâu sau khi đọc (năm 1920) cuốn Nga-la-tư Chân Tướng Điều Tra Kí của một tác giả Nhật nói về biến cố tháng 10 Nga [2], đó là thời điểm có lẽ Phan cũng đã chứng kiến (ít ra trên sách báo) những biến động chính trị ở Tàu (sinh viên biểu tình, dân tẩy chay hàng hoá Nhật) trong những năm sau khi thế chiến I kết thúc. Phan bắt đầu biết tới cộng sản /xã hội chủ nghĩa (trong bài này, hai từ này được dùng với nội dung như nhau) từ khi đọc sách đó. Cuối 1920, qua giới thiệu của Thái Nguyên Bồi, viện trưởng Đại học Bắc-kinh, ông tìm gặp hai đại diện cộng đảng Nga đang có mặt ở Bắc-kinh để biết thêm về „chân lí cộng sản“. Nhưng ông đã không biết thêm gì về chủ nghĩa từ hai nhân vật này; nội dung câu chuyện chỉ xoay quanh mấy điều kiện nhận du học sinh. Đại diện Nga cho biết sẵn sàng nhận nuôi ăn học cho sinh viên Việt với điều kiện sau đó phải theo cộng sản và tuyên truyền cho chủ nghĩa này. Quan hệ cắt đứt từ đó, vì ông sớm nhận ra „sự xảo quyệt của người Nga [3].
Chuyện Phan không làm, đồng hương của ông là Nguyễn Tất Thành đã làm. Là vì chính ngay khi Phan đang gặp người Nga ở Bắc-kinh, thì tại đại hội Tours ở Pháp (12.1920), Thành dơ tay tuyện thệ nguyện xin được làm đầy tớ trung kiên của chủ nghĩa vô sản.
Cùng ưu tư đi tìm một giải pháp cho đất nước, cùng hồ hởi khi gặp một lí thuyết tưởng có thể mở ra vận hội mới cho dân tộc, Phan và Thành đã có hai chọn lựa khác nhau trước một vấn nạn quyết định. Chọn lựa đó nói lên cái trí và cái tâm của mỗi người.
Không trực tiếp tìm hiểu được chủ nghĩa cộng sản với người Nga, Phan tìm đọc qua sách báo. Qua đoạn thơ trên, ta thấy ngoài nỗi hào hứng với biến cố tháng 10 Nga, Phan còn tin vào mối liên đới Hoa-Việt trong cuộc cách mạng vô sản sắp tới:
Hoa với Việt xưa nay huynh cập đệ
Quyết dắt nhau hộ vệ Á đông mình
Cũng trong Chủng Diệt Dự Ngôn, Phan khai triển thêm í đó:
„Lịch sử nước ta đối với Tàu trải mấy nghìn năm, theo về địa lí thời đã liền núi liền sông, theo về nhân chủng thời lại đồng xương đồng thịt. Gần mấy năm nay, phong trào cách mạng từ bắc qua nam nào là phản đối tư bản gia, nào là phấn đấu với đế quốc chủ nghĩa, người Hoa rất biểu đồng tình với người Việt, mà người Việt cũng rất tín ngưỡng với người Hoa…[4]
Điều này có nghĩa là lúc Phan viết Chủng Diệt Dự Ngôn, „phong trào cách mạng“ (cộng sản) đã rộ dậy ở Tàu. „Phong trào cách mạng“ Phan nói tới ở đây có lẽ chủ yếu là trên bình diện sách báo, chứ không phải là những hoạt động thực tế của Đảng cộng sản. Bởi vì, vào năm 1921, khi Li Ta Chao, quản lí thư viện Đại học Bắc-kinh, thành lập Đảng Cộng Sản Trung-hoa, thì số đảng viên của đảng này có rất ít [5]. J. Unselt cho rằng, Phan chịu ảnh hưởng tư tưởng của Li trong giai đoạn đầu tiếp cận chủ nghĩa cộng sản, bởi vì lí thuyết gia năng nỗ và nổi tiếng nhất về chủ nghĩa cộng sản ở Tàu lúc đó không ai ngoài Li. Trong tập Xã Hội Chủ Nghĩa viết về sau trong thời gian bị quản thúc tại Huế (1925-1940), Phan cho hay muốn hiểu chủ nghĩa này một cách chính thống thì nên tìm hiểu thẳng từ Marx và Tôn Trung Sơn; ông coi Tôn là một thứ Mạnh-tử của Marx [6]. Trong văn liệu hiện có của Phan, không thấy ông đề cập tới Lí Ta Chao. Có thể vì nhu cầu thực tế: phần vì thích thuyết tam dân ngũ quyền của Tôn, phần vì muốn có sự giúp đỡ của Tôn, lúc đó vừa là một nhà lí thuyết cách mạng nổi tiếng, một chính trị gia có quyền và là người thành lập Đồng Minh HộiTrung-hoa Quốc Dân Đảng, nên Phan đã dồn tâm trí vào nhân vật này. Sách Xã Hội Chủ Nghĩa cho thấy Phan nắm khá vững nội dung chủ nghĩa. Trong sách, ông dành ra một tiết (tiết 14) trình bày học thuyết xã hội chủ nghĩa của Tôn Trung Sơn; học thuyết này chủ trương chính quyền phải được tiếp tục hiện hữu sau khi cách mạng thành công, chứ không tin rằng chính quyền sẽ biến mất như các lí thuyết gia xã hội chủ nghĩa không tưởng chủ trương.
Không hiểu Phan chịu ảnh hưởng của Li tới mức nào. Tuy nhiên, vì là một khuôn mặt tinh thần lớn của giai đoạn đó, nên ta cũng cần biết đôi chút về Li và cảnh huống chính trị của Tàu lúc đó.

Li Ta Chao và phong trào cộng sản Tàu

Li Ta Chao (1889-1927) sang Nhật năm 1913 theo học môn chính trị. Tại đây ông có dịp tìm hiểu rất sớm chủ nghĩa cộng sản. Ông là một trí thức viết khoẻ, viết hay và đầy tình tự dân tộc. Các bài viết luận về triết lí cũng như hô hào chính trị đã cuốn hút các tầng lớp dân Tàu. Về mặt đấu tranh chính trị, có thể so sánh vai trò và uy tín của ông đối với trí thức Tàu tương đương với vai trò và uy tín của Phan đối với dân Việt.
Năm 1918, Li cho đăng Cuộc Chiến Thắng Của Bôn-xê-vích, một bài viết quan trọng trình bày nhận thức và niềm tin của mình vào sự tất thắng của chủ nghĩa mác-lê. Ông cho rằng thế giới ngày nay đang chuyển thành một thế giới lao động, và cuộc đấu tranh giai cấp (mà lực lượng quyết định sẽ là nông dân và công nhân) là tất yếu, đó là động lực quyết định sự phát triển kinh tế. Theo ông, tin vào sự phát triển kinh tế mà không tin vào đấu tranh giai cấp, là nói láo.
Tóm lại, Li xác tín hoàn toàn vào những định đề của chủ nghĩa mác-lê.
Cùng năm 1918, Li được mời về làm quản thủ thư viện Đại học Bắc-kinh. Tại đây, ông gây phong trào quảng bá chủ nghĩa cộng sản nơi tầng lới trí thức sinh viên bằng cách lập các học hội: „Học hội lí thuyết xã hội chủ nghĩa“ (12.1919), „Hội học lí thuyết Mác“ (03.1920). Mao Trạch Đông, lúc đó là nhân viên thư viện, là một trong những hội viên nhiệt tâm của „Hội học lí thuyết Mác“ và hội này là tiền thân của Đảng Cộng Sản Trung-hoa.
1918 cũng là năm diễn ra hội nghị Versailles, Paris kết thúc thế chiến I. Tàu chờ đợi trong phập phồng hi vọng các nước thắng trận giải quyết các bất công của mình. Nhưng khi Anh, Hoa-kì, Pháp đồng í cho Nhật tiếp tục giữ thuộc địa và quyền lợi ở Tàu thì từ Đại học Bắc-kinh sinh viên dấy lên biểu tình chống quân phiệt Nhật, chống đế quốc phương tây (Li gọi Anh, Hoa-kì, Pháp là „một lũ ăn cướp“), chống tay sai thân Nhật trong chính quyền. Biểu tình chống đối lan rộng ra các đại học. Suốt một năm dài, sản phẩm hàng hoá của Nhật bị dân Tàu tẩy chay. Sử gọi là „Phong trào mồng 4 tháng 5 năm 1919[7]. Phong trào nhiễm màu quốc gia chủ nghĩa, được khơi dậy do nhóm giáo sư Đại học Bắc-kinh. Nó đóng góp tích cực cho việc quảng bá tư tưởng cộng sản, tạo đà cho Li thành lập Đảng cộng sản năm 1921 tại Thượng-hải. Một sự kiện khiến trí thức tàu càng có cảm tình với cách mạng vô sản là ngay sau khi thế chiến kết thúc, Nga đã nhanh nhẩu tự nguyện từ bỏ mọi đặc quyền thuộc địa của mình ở Tàu.
Sau khi lập đảng, Li bắt tay với Tôn (1922) [8]. Hai đảng Cộng Sản (ĐCS) và Quốc Dân (QDĐ) từ hợp tác đi tới thống hợp. Đại hội QDĐ Trung Hoa (01.1924) đưa thêm vào cương lĩnh ba điểm: Liên minh với Nga, hợp tác với Cộng sản và yểm trợ khối công nông. Cuộc hôn nhân đẻ ra định chế „quân uỷ“ (chỉ huy lực lượng quân sự) và trường quân sự Hoàng-phố. Nga điều Borodine sang làm cố vấn cho Tôn. Tôn quen với ông này hồi còn tị nạn (trốn Thanh triều) ở Hoa-kì. Borodine giúp QDĐ tổ chức lại mọi mặt theo khuôn mẫu Đảng Cộng sản Nga. Đối lại, Tôn gởi Tưởng Giới Thạch sang Moskau 3 tháng học cách quản trị cộng sản. Hồ Chí Minh, dưới lốt thông dịch viên, được lệnh theo Borodine sang làm nhiệm vụ quốc tế đặt đầu cầu cộng sản ở Đông dương. 
Cuộc hôn nhân quốc cộng cũng là khởi nguồn của sự thảm bại của phía quốc gia. Trên lí thuyết, từng cá nhân đảng viên cộng sản phải gia nhập vào QDĐ. Thực tế thì đấy là cơ hội để cộng sản khuynh loát, bởi vì họ tổ chức chặt chẽ hơn, mục tiêu của họ hoàn toàn không đi đôi với QDĐ và nhất là cơ cấu cộng sản đã không tự giải thể theo quy ước, mà trái lại họ vẫn âm thầm bành trướng để rồi như mầm ung thư đưa QDĐ vào bế tắc.

„Cộng sản“ Phan Bội Châu

Phong trào 04.05.1919 ở Tàu giúp Phan nhận rõ hơn bản chất thực dân của Nhật. Bản chất nguy hiểm này cũng là một trong những lí do khiến Phan viết Pháp Việt Đề Huề Luận Văn vào năm 1918 [9].
Cũng từ bối cảnh 04.05.1919 (chống Nhật, chống „đế quốc“ Anh, Pháp, Hoa-kì...) mà Phan nặng tình hơn với chủ nghĩa cộng sản. Sự nặng tình này càng tất nhiên hơn khi ông chứng kiến cuộc hôn nhân giữa QDĐ và Cộng sản Tàu.
Phan Bội Châu ngả theo cộng sản. Thế tại sao Đảng Cộng sản Việt-nam trong bao năm đã không khai thác được quan điểm này của nhà đại cách mạng để tuyên truyền?
Phải chăng vì ông đã bị họ kết án là kẻ thoả hiệp đầu hàng, khi ông viết Pháp Việt Đề Huề Luận Văn? Việt cộng đánh giá tài liệu đó là bản án tử cho ông. Nhưng theo Phan:
„Khi hai dân tộc vì một lẽ nào đó xui khiến mà phải sống bên nhau trên một miếng đất, thì chỉ có hai cách cư xử với nhau: hoặc bên này tiêu diệt bên kia; hoặc hai bên hợp tác với nhau để chung sống. Cách thứ hai là cách tốt (…)Điều đó tôi đã từng nói và từng viết trongPháp Việt đề huề’. Sự hợp tác Pháp Việt phải được xây dựng trên cơ sở bình đẳng giữa hai dân tộc. Không có bình đẳng thì không có hợp tác… [10].
Do thế, „đề huề trong í tôi và đề huề trong í họ (Pháp) xa nhau như trời với vực[11]. Lại nữa, Phan cũng cho hay, sở dĩ phải thay đổi lập trường, là vì dân trí và dân khí của dân ta như thế thì làm sao mà thắng Pháp mau được. Tài liệu trên cho thấy Phan giờ đây ngã hẳn theo chủ trương, mà mười hai năm trước Chu Trinh đã thúc giục ông đi theo. Chu Trinh muốn „đề huề“ để dùng Pháp diệt phong kiến, duy tân xã hội, mở mang dân trí hầu chuẩn bị đất gieo trồng Dân chủ. Bội Châu giờ đây cũng mang những í nghĩ như vậy, nhưng lí do có thể nói quan trọng nhất khiến ông thay đổi chủ trương là cái viễn kiến về một cuộc thế chiến thứ hai giữa Nhật và các nước phương Tây, trong đó chắc chắn Nhật sẽ thắng Pháp ở Đông dương và Việt-nam sẽ rơi vào ách thống trị còn tàn bạo hơn của Nhật.
Hay phải chăng Đảng Cộng Sản VN đã chẳng khai thác được Phan, vì cái cộng sản của ông không đúng với giáo điều của họ?
Trong phần D. Chương trình hành động 4 giai đoạn của CT, Phan đề cập tới các „nguyên tắc xã hội chủ nghĩa“ và „nguyên lí xã hội chủ nghĩa của Đảng“. Và sau khi giải phóng đất nước (giai đoạn I) và thiết lập một „Tân Việt Nam“ dựa trên một hiến pháp mới cùng các hệ thống thuế, kinh tế hữu hiệu và một chính sách giáo dục cộng đồng (giai đoạn II), con thuyền VNQDĐ sẽ đưa nước vào giai đoạn III, thực hiện các „nguyên tắc cộng sản chủ nghĩa“.
Xã hội chủ nghĩa hay cộng sản chủ nghĩa được Phan hiểu như thế nào?
Chủ nghĩa xã hội là một chủ nghĩa muốn cho tất cả loài người ai ai cũng được tự do và hạnh phúc. Mục đích của chủ nghĩa xã hội tóm tắt chỉ có bấy nhiêu mà thôi (…)
Giải thích chật lại một chút, thời bao nhiêu cơ quan sinh sản đều nhóm góp lại làm của chung; những cái gì loài người cần phải nhờ cậy nó cho đời sống được sung sướng vui vẻ đều bình quân san sẻ ra cho nhau. Không có một người nào bạo mạnh mà ngồi không, lại không có một người nào cướp bóc lợi ích của kẻ khác. Đó là xã hội chủ nghĩa[12].
Một cách cụ thể, „nguyên tắc cộng sản“ của Phan gồm hai nhiệm vụ:

- Về kinh tế:
Nâng cao đời sống và phúc lợi cho mọi người. Với nông dân, nhà nước mua - chứ không tịch thu[13] - đất đai rồi chia đều cho họ. Với công nhân, nhà nước bảo đảm hạnh phúc xã hội của họ bằng cách ấn định giờ làm việc phù hợp, ấn định đồng lương tối thiểu và lương phải đi đôi với việc làm, huấn nghệ, phát triển các loại công việc lao động tập thể, mở các viện chăm sóc người hết tuổi lao động hoặc tật bệnh…
- Về xã hội chính trị:
Đưa mọi dân mọi nước tiến tới „đồng nhân“, „đại đồng“. Đây là hai í niệm thuần tuý đông phương, được Khổng-tử triển khai trong Kinh Dịch (quẻ Đồng nhân) và sách Lễ Kí, thiên Lệ vận (nói về Đại đồng). Đồng nhân, có thể nói, thuộc lãnh vực quốc gia: Mọi người trong một quốc gia coi nhau như anh chị em, đau cái đau chung, chia sẻ niềm vui, nỗi cực của nhau. Xét rộng ra là Đại đồng: Mọi dân tộc đối xử với nhau như anh em; ở thời đại đồng, biên giới quốc gia, chủng tộc, tôn giáo không còn nữa.
Phan dành cả một tiết sau hết của Xã Hội Chủ Nghĩa khai triển một đoạn trong thiên Lệ Vấn sách Lễ Kí để vẽ lên bức tranh đại đồng, mà cũng là bức tranh thời kì cuối cùng của xã hội chủ nghĩa. Theo đó:
Khi đạo lí to lớn đã lưu hành khắp thế giới rồi, thì cả thiên hạ là một; những người đạo đức nhất, tài giỏi nhất được cử ra uỷ thác các công việc lớn; người già trở thành cha mẹ chung, được chăm sóc chung; trẻ con là con chung, được nuôi nấng cho tới trưởng thành; người cường tráng đều có công ăn việc làm; người tật bệnh, côi quả đều được chăm sóc; trai có phận, gái có chồng; của cải không ai giữ riêng, mà đem ra phân phối dùng chung cho mọi người; người có sức làm theo sức, hưởng theo nhu cầu; trộm cướp như vậy không còn đất đứng; lúc đó nhà nhà không cần cửa đóng then cài; cả thế giới là một nhà [14].
(Đại đạo chi hành giả, thiên hạ vi công, tuyển hiền dữ năng, giảng tín tu mục, thị cố nhân bất độc thân kí thân giả, bất độc tử kì tử, sử lão hữu sở chung, tráng hữu sở dụng, ấu hữu sở trướng, quan quả cô độc, tàn tật giả giai hữu sở dưỡng, nam hữu phận, nữ hữu quy, hoá ố kì khí ư địa giả, bất tất kì tàng ư kỉ, lục ố kì bất xuất ư thân giả, bất tất kì vị kỉ dụng, thị cố mưu bế, nhi bất hưng, đạo thiết loạn tặc, nhi bất tác, cố ngoại hộ nhi bất bể, thi vị đại đồng).

Đó là tất cả „chủ nghĩa cộng sản“ của Phan. Trở đi trở lại cũng chẳng gì ngoài những suy tư đông phương. Tiêu đích thiên đàng cộng sản hay đại đồng, như vậy, đã có. Thế còn phương tiện? Làm sao để đi tới đó? Đây là điểm khác biệt bản lề giữa Phan (và cả Tôn) với các môn đồ chính thống (hay chân chính) của Marx.
Người cộng sản chân chính sử dụng hai con thuyền Chuyên chính vô sảnđấu tranh giai cấp để đi tới bến. Hai con thuyền này chẳng thấy xuất hiện đâu cả trong CT, mặc dù về mặt lí thuyết, Phan hiểu rất rõ hai nội dung vô cùng quan trọng của chủ thuyết này, như hai câu trong bài Mừng Cơ Hội cho thấy phần nào:
Cuộc đấu tranh giai cấp đã rành rành
Duy vô sản đấu tranh cùng hữu sản.
Tác giả J. Unselt[15] cho rằng nhờ Phan suốt đời quanh quẩn ở các nước Á đông, nên dòng suy tư vẫn không vượt ra ngoài khuôn khổ đông phương; vì Phan không tiếp cận được với xã hội âu mĩ nên đã không dứt khoát hơn với chủ nghĩa cộng sản như Hồ Chí Minh và đảng cộng sản của ông.
Phần đầu của lí luận có lí, phần hai không hẳn. Li Ta Chao chưa sang Âu châu mà lại là người xác tín hơn ai hết vào đấu tranh giai cấp; Tôn Trung Sơn, trái lại, sống ở Âu Mĩ, có cơ hội nếm mùi hậu quả của chế độ tư bản âu châu, thì lại bác bỏ chuyện đấu tranh giai cấp và chuyên chính vô sản. Tôn thiết tha với chủ nghĩa xã hội, nhưng càng đi sâu vào, ông càng nhận ra những hạn chế và khuyết điểm, lại càng nghi ngờ hiệu lực của nó. Tôn là người hiểu rõ hoàn cảnh xã hội của các nước Âu Mĩ và của Tàu; cái hiểu của ông sâu rộng, nên ông biết nhận định và chắt lọc những gì phù hợp.
Phan cũng đồng một quan điểm về xã hội chủ nghĩa như Tôn. Ông cổ xuý mục tiêu đại đồng cao cả của chủ nghĩa, nhưng về mặt thực hành, ông bác bỏ đấu tranh giai cấp, là vì, như ông phát biểu sau này với phóng viên báo L’ Effort (1938):
Hô hào giai cấp đấu tranh ở xứ này là một việc cực ngu! Những người thức thời không bao giờ làm như thế. Thế nào là „tư bản“? một người có 5, 10 mẫu ruộng, một anh chủ tiệm may mà gọi là tư bản ư? Cứ xem bản tổng kê ở các nước khác, thì đã có người An-nam nào đáng gọi là một nhà tư bản chưa? Tôi đã nói ở nước này chưa có sự phân biệt rõ ràng của hai giai cấp tư bản và lao động: Người An-nam chúng ta đều là hạng người mất quyền, hạng người mất nước cả. Cùng một tai nạn, đã không chung sức để tuỳ theo cảnh ngộ mà lần hồi thu phục lại những quyền đã mất, để gầy dựng lại nền tảng quốc gia, lại còn đi kiếm cách tương tàn tương phấn, làm giảm mất lực lượng tranh đấu, thật là một điều thất sách![16]
Còn vô sản chuyên chính? Phan hiểu nó trước hết là chuyện xẩy ra ở cấp vĩ mô, giữa các dân tộc trên thế giới. Đó là việc „liên hiệp cả thảy lao động các nước, mà không phải chỉ là một nước nào“(…),“liên hiệp cả toàn thế giới lại (…), dắt díu cả thảy giai cấp mình, tiến lên chiếm lấy địa vị giai cấp tư bản“. [17] Nghĩa là không có chuyện „lao công chuyên chính“ trong một quốc gia.
Giữa hai nhà cách mạng, Tôn và Phan, có điểm đồng về mặt nhận thức xã hội chủ nghĩa. Cả hai cùng thích cái chủ trương giải phóng dân nghèo và tạo công bình xã hội, cùng tin rằng thế giới sẽ nhờ thực thi „tam dân“ mà đi tới „đại đồng“ (mà cả hai cũng gọi là cộng sản). Nhưng điểm dị giữa hai người: Tôn xuất thân từ giới trưởng giả, mang trong mình lí tưởng dân chủ trưởng giả, và tổ chức cách mạng của ông cũng chỉ chú trọng tới tầng lớp trí thức, trưởng giả (VNQDĐ do Nguyễn Thái Học lãnh đạo cũng nặng đường hướng như họ Tôn); Phan là một nho sĩ xuất thân từ thôn dân, sống nơi thôn quê, nên cảm với nông dân. Thành ra lí tưởng đấu tranh của ông luôn hướng về đại khối quần chúng bình dân.
Như trên đã nói, quyết định chọn lựa của Phan - và cả của Tôn -, khi đứng trước một chủ thuyết tưởng rằng sẽ mang lại một giải đáp cho đất nước, đã nói lên cái Tâm và cái Trí của họ. Cái Trí cao rộng với đầy í thức và cái Tâm bao dung thương dân tộc. Khác hẳn với sự chọn lựa ‚nhắm mắt và hẹp hòi’ (Hoàng Văn Chí gọi là ‚giáo điều’ [18]) của những Nguyễn Tất Thành, Li Ta Chao, Mao Trạch Đông, Kim Nhật-thành, Pôn-pốt.
Như vậy, dưới con mắt của Nguyễn Ái Quốc, thứ „Xã hội chủ nghĩa“ hay „Cộng sản“ do PBC chủ trương là một thứ chủ nghĩa cực kì phản động, hoàn toàn chống lại thứ Cộng sản giáo điều mà Quốc đã được truyền thụ và đi theo.
Và như thế, giờ đây, chúng ta đã có câu trả lời cho cái thắc mắc nêu lên đầu bài, vì sao „ông Nguyễn Ái Quốc … đã nhiều lần nhắc tôi thay đổi“.
Và đây có lẽ cũng là lí do sâu xa của việc Quốc quyết định bán Phan.

Augsburg, ngày 26.08.07




[1] Jörgen Unselt, Die Nationalistische und Marxistische Ideologie im Spätwerk von Phan Boi Chau, Wiesbaden 1980, ghi chú 386.
[2] Xem Phan Bội Châu, Tự Phán, Hoa-kì 1987, trang 203 tt.
[3] Như trên, trang 206.
[4] Jörgen Unselt, sđd, ghi chú 385.
[5] Trong đại hội thành lập Đảng Cộng Sản Trung-hoa tại Thượng-hải (01.07.) 1921 chỉ có 13 đại biểu tham dự.
[6] Xã Hội Chủ Nghĩa, Toàn Tập, Tập 4, trang 144 t
[7] Để biết thêm, có thể đọc Wolfgang Franke, Das Jahrhundert der Chinesischen Revolution 1851-1949. 2. Aufl., München, Wien 1980.
[8] Lúc đầu Đảng Cộng sản Trung-hoa không chịu thống hợp vào QDĐ. Nhưng đại diện đệ tam quốc tế là Maring ra lệnh phải thống hợp.  Lí do Nga hi sinh đàn em, là vì họ cần liên minh với Tàu để cản Nhật. Họ chấp nhận đi với Tôn sau khi bế tắc trong các cuộc nói chuyện với giới quân phiệt Tàu cầm quyền.
[9] Phải Thi Hành Chủ Nghĩa Pháp Việt Đề Huề, Toàn Tập, Tập 4, trang 365 t
[10] Trả lời phỏng vấn báo Annam về „Pháp - Việt đề huề“, Toàn Tập, Tập 4, trang 31.
[11] Phan Bội Châu, Tự Phán, sđd, trang 203.
[12] Xã Hội Chủ Nghĩa, trong PBC Toàn Tập, Tập 4, trang 134.
[13]Chủ nghĩa xã hội là một chủ nghĩa rất hợp nhân đạo, tất phải có một cách xử trí cho cực kì công bằng, nếu bách đoạt tiền tài của nhà giàu mà san sẻ ra cho nhà đói, thế thời ra làm rối loạn xã hội, mà không phải là cải lương xã hộiChủ Nghĩa Xã Hội, đã dẫn, trang 135
[14] Xem Xã Hội Chủ Nghĩa, dẫn trên, trang 179t.
[15] Xem J. Unselt, Die Nationalistische und Marxistische Ideologie… sđd; và Sun Yat Sen in the Perspective of Phan Boi Chau´s Vietnamese National Revolutionary Movement, sđd.
[16] Vấn Đề Giai Cấp Đấu Tranh, trong Toàn Tập, Tập 4, trang 368tt.
[17] Xã Hội Chủ Nghĩa, đã dẫn, trang 154t.
[18] Đọc Hoàng Văn Chí, Duy Văn Sử Quan, Cành Nam xuất bản, USA, 1990

                                                                                                            Tác giả Phạm Hồng Lam
 


                                                                             ********